SAY TIẾNG SÁO ÔI, ĐI TÌM PHONG TỤC “NGỦ THĂM”
Chỉ một lần ngủ lại bản xa, say tiếng sáo ôi của chàng trai trẻ đi tìm bạn tình mà lòng tôi xốn xang khó tả. “Yêu đã lâu nhưng chưa một lần âu yếm/ Em đến gần nhưng chưa ghé một nụ hôn/ Yêu thương em anh muốn em ngày ấy/ Giữ trọn mình cho đến phút tân hôn”. Tôi mơ tưởng xa xăm về một mối tình đẹp của trai gái vùng cao qua những lần ngủ thăm khi tình yêu chớm nở. Và với lòng hối thúc mãnh liệt tôi quyết định lên với đồng bào dân tộc ở Mường Lát (Thanh Hóa) để “gõ cửa” miền huyền thoại mang tên “Ngủ thăm” này.
Truyện kể nơi “Cổng Trời”
Câu chuyện cổ tích mang tên ngủ thăm của một số đồng bào dân tộc vùng cao nước ta luôn là điều tò mò đối với bất cứ ai. Bên cạnh việc thể hiện khát vọng tự do yêu đương, tự do chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái khi đến tuổi “cập kê”, ngủ thăm còn là nét văn hóa mang ý nghĩa gắn kết dân tộc, cộng đồng. Phong tục tốt đẹp này tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng lại hiện hữu ngay trong lời kể của những già làng, trưởng bản nơi “Cổng trời” Mường Lát khi chúng tôi đến thăm.
Trong không gian tĩnh lặng của núi rừng mù sương, bên những con dốc thăm thẳm và những bản làng cao xa hun hút, chúng tôi theo chân anh cán bộ văn hóa xã tìm gặp cụ Ngân Văn Thuyết, người cao tuổi nhất bản Nàng 1, xã Mường Lý để được lắng nghe câu chuyện mang tên ngủ thăm. Trên ngôi nhà sàn cổ kính, bên bếp than hồng, nhâm nhi ấm trà gừng, ngược dòng thời gian cụ Thuyết say sưa kể lại câu chuyện tình yêu của những chàng trai cô gái Thái khi đến tuổi “cập kê”.
Ngày xưa, đa số trai gái quen nhau là qua các buổi đi chơi xuân, chơi cọ bông, lễ hội,… Nếu hai người thích nhau sẽ hẹn hò, chàng trai sẽ đến nhà cô gái chọc sàn để được nàng mời lên nhà trò chuyện. Cái dụng cụ để chọc sàn là chiếc gậy, nó vừa làm tín hiệu cho tình yêu, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua đuổi thú dữ. Hành động chọc sàn thể hiện nét duyên ngầm, niềm khao khát tự do yêu đương của những chàng trai cô gái Thái.
Cô gái mà chàng trai đến tìm hiểu có thể ở cùng bản nhưng cũng có thể là ở bản xa. Người con trai phải đi bộ qua nhiều đỉnh đồi, nhiều con suối, băng qua những cánh rừng, sợ nhất là thú dữ. Nhưng do động lực của tình yêu họ đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đến được với người mình yêu. Khi đến được nhà người mình yêu rồi, để lý giải vì sao lại đến chơi, người con trai đổ lỗi cho hoa mua, hoa ban:
Ở chòi nương anh thấy buồn rầu
Ở chòi ruộng anh thấy nhớ nhung
Anh không đến hoa mua rủ đến
Anh không đi hoa ban rủ đi
Bản trên anh không đến
Bản dưới anh không đi
Anh đến nơi có nộc thua(*) đang đợi
Anh đến nơi thua hý(**) đang mong.
Để lên được nhà sàn, ngồi bên bếp lửa trò chuyện với người con gái mình yêu, chàng trai phải xin phép bố mẹ cô gái nhưng cũng có gia đình không cần (bởi nhiều bố mẹ rất tôn trọng và tin tưởng việc lựa chọn hôn nhân của con gái mình và cho rằng đó là ý trời). Những đêm trò chuyện đó mãi đến khuya, chàng trai thường phải ngủ lại nhà cô gái, gọi là “ngủ thăm”.
Cụ Thuyết nhấn mạnh: “Chúng tôi phải ngủ lại vì sợ ra về sẽ bị trai trong bản trêu ghẹo, có khi đánh nhau nhưng phần nhiều là do cả hai không muốn xa nhau. Có người ngủ lại nhà với gia đình trong gian dành cho khách. Còn tôi, ngày đó, tôi ngủ lại cùng giường với người con gái tôi yêu nhưng rất lễ phép. Chúng tôi trò chuyện, tâm sự ở chung một giường mà không chạm vào người nhau. Trong không gian tĩnh lặng, ấm cúng đó chúng tôi nói những lời yêu thương, kể cho nhau nghe về những câu chuyện tình đẹp và chia sẻ về những mong ước, khát vọng của một gia đình hạnh phúc trong tương lai. Sáng mai tầm 4 giờ là tôi ra về khi gia đình cô gái chưa dậy. Những ngày đó, ban ngày đi làm nương rẫy, tôi chỉ mong cho trời nhanh tối để được đến nhà bạn gái ngủ thăm”.
Cụ kể đến đây, chúng tôi ai nấy đều thắc mắc về cái mà cụ gọi là “rất lễ phép” kia. Cụ Thuyết nhìn xa xăm ra con suối trước mặt, rít thêm một điếu thuốc lào, cụ cười hiền từ và giọng nói nghiêm túc “Không có gì cả!”.
Chúng tôi tin cụ. Bởi người Thái có những quy định rất khắt khe khi trai gái yêu nhau mà “ăn cơm trước kẻng”. Tùy theo mức độ vi phạm chàng trai sẽ bị phạt làm thịt lợn, trâu bò để chia cho cả làng hoặc đền bù cho nhà gái đồ trang sức quý giá. Thậm chí hai người còn bị mang tiếng từ đời này sang đời khác và bị dân làng xa lánh. Sự nghiêm khắc này giúp nam nữ người Thái luôn có ý thức giữ gìn trong những lần ngủ thăm.
Theo luật tục, người nhà cô gái chỉ chấp nhận cho chàng trai ngủ thăm từ 3 đến 4 lần. Nếu thật lòng, người con trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới. Lúc đó, nhà chàng trai nhanh chóng cử người đại diện mang rượu và quà qua nhà cô gái để đáp lời “nhận trâu” và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau.
Câu chuyện ngủ thăm không chỉ có ở đồng bào dân tộc Thái mà cũng là một nét văn hóa lâu đời của những người Khơ Mú.
Người Khơ Mú ở Mường Lát chỉ có 2 bản: bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn nay là thị trấn Mường Lát) và bản Lách (xã Mường Chanh). Bản này nằm lọt thỏm giữa núi rừng Mường Lát hùng vĩ.
Ngồi bên bếp lửa và những đứa cháu vây quanh, ông Lương Xuân Ban, 77 tuổi, kể lại. Ngủ thăm tiếng Khơ Mú là “Si hớp”. Đến tuổi trưởng thành, khi các chàng trai người Khơ Mú muốn tìm hiểu người vợ tương lai của mình sẽ tìm đến nhà cô gái chọc sàn, ngủ thăm. Cũng như đồng bào dân tộc Thái, trai gái người Khơ Mú có thể ở bên nhau, tâm sự thâu đêm nhưng phải kiêng kị việc gần gũi, không dám phạm vào những quy tắc của bản làng đã ràng buộc họ. Nếu những lần ở lại ngủ thăm đó, họ làm chuyện “tày trời” thì người con gái sẽ bị đuổi ra khỏi làng.
Sau thời gian ngủ thăm nếu đôi trai gái quyết định đến với nhau thì họ sẽ nhờ ông mai, bà mối cử hành hôn lễ. Trong trường hợp cô gái hoặc chàng trai không muốn tiến tới hôn nhân thì có thể ngỏ ý hoặc nhờ ông mai, bà mối đưa tin cho đối phương để hủy bỏ mối duyên này. Trường hợp này thường rất ít, bởi một khi đôi trẻ đã quyết định ngủ thăm đồng nghĩa với việc bố mẹ cô gái chấp thuận người con trai này trong nhà rồi và trai gái đã yêu nhau rồi mới quyết định ngủ thăm.
Lý giải vì sao có tục ngủ thăm cụ Ban cho rằng có thể bắt nguồn từ câu chuyện huyền thoại truyền miệng của một số đồng bào dân tộc vùng cao hay kể. Câu chuyện kể lại rằng, từ thuở hồng hoang, chỉ có 2 người sinh sống, một nam một nữ. Khốn khổ cho hai con người ấy là ở cách xa nhau bởi nhiều ngọn đồi, nhiều dãy núi và ông trời bắt họ phải tìm đến nhau. Vượt qua bao đèo cao, suối sâu, bao nhiêu thú dữ, họ mới tìm thấy nhau. Khi gặp nhau tóc đã điểm bạc, họ nhanh chóng trở thành vợ chồng mà quên mất đi cái dụng ý của trời là buộc họ phải làm quen hơi nhau và hậu quả đã xảy ra. Họ thành vợ chồng, sinh con đẻ cái nhưng tâm hồn mãi không thể hòa hợp. Do vậy tổ tiên đã buộc con cháu khắc phục thiếu sót bằng cách trước khi lấy nhau, muốn hạnh phúc, muốn gắn kết với nhau đều phải trải qua tục ngủ thăm.
Ông Lương Xuân Ban cho rằng một số bạn trẻ bây giờ đã lợi dụng vào văn hóa ngủ thăm của cha ông để làm những điều bậy bạ, thậm chí chúng còn chưa hiểu hết bản chất của tục lệ này.
Ngồi trong nhà sàn, ông nhìn qua ô cửa nhỏ hồi tưởng lại câu chuyện buồn trong gia đình mình nhiều năm trước. Đó là trường hợp đứa cháu ruột, cháu và bạn trai yêu nhau khi đang còn là học sinh. Thời gian tìm hiểu, không giữ được mình, cháu đã có bầu, sau đó bố mẹ biết chuyện và không cho lấy nhau, bị đuổi xuống bản khác. Em buồn rầu, xấu hổ và tủi nhục nên đã dại dột tìm đến cái chết bằng việc uống thuốc cỏ cháy (khi đang mang thai tháng thứ 3).
Câu chuyện “Ngủ thăm” dưới góc nhìn văn hóa
Để rõ hơn về tục chọc sàn, ngủ thăm của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác Phạm Quang Thẩm, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, nguyên quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Là người dân tộc Thái và chuyên nghiên cứu văn hóa Thái, bác cho biết: Chọc sàn là phong tục đẹp trong tiền hôn nhân của người dân tộc Thái Thanh Hóa. Mỗi vùng, mỗi mường có những kiểu chọc sàn khác nhau nhưng đều là lời tỏ tình, giao duyên của các đôi trai gái khi đến tuổi kết hôn. Đôi trai gái đã quen nhau và có tình tứ yêu nhau nhưng ban ngày họ đi làm nương rẫy không có thời gian tâm sự, người con trai hẹn với bạn gái đến nhà chơi vào ban đêm. Người Thái thường ở nhà sàn. Đôi trai gái thống nhất ký hiệu bằng khăn piêu, một nửa chiếc khăn piêu để lộ xuống dưới sàn nhà để không bị chọc nhầm vào người khác. Vào khoảng thời gian đã hẹn chàng trai tìm đến nhà bạn gái để chọc sàn. Hành trang của chàng trai mang theo gồm khèn bè, sáo ôi và một đoạn gỗ nhỏ dài 50cm dùng để chọc sàn. Trước khi chọc sàn người con trai thổi khèn hoặc thổi sáo từ xa báo hiệu với bạn gái: “Anh đã tới với em, em dậy cất chiếu, cất chăn màn, buộc tóc chải đầu để tâm sự với anh, giấc ngủ không thay được mối tình đầu em ơi…”.
Khi đến gần sàn nhà chàng trai lấy đoạn gỗ chọc nhẹ lên đúng chỗ có kí hiệu nửa chiếc khăn piêu, nàng liền dậy mở cửa mời chàng trai vào nhà và tâm sự thâu đêm. Những đêm sau nàng chỉ cần nghe tiếng khèn hoặc tiếng sáo ôi là nhận ra chàng trai của mình nên không cần chọc sàn nữa. Chàng trai ở lại nhà cô gái đó gọi là “ngủ thăm”. Nếu hai người ngủ thăm cùng nhau thì có chén nước đặt ở giữa. Ý muốn nói là hai người ở qua đêm nhưng không được vượt qua giới hạn “chén nước”. “Luật lệ người Thái rất nghiêm ngặt, nếu có chuyện gì xảy ra sẽ phạt tội rất nặng” - Bác Thẩm nhấn mạnh.
Cũng là người dân tộc Thái và dành nhiều năm nghiên cứu, lưu giữ văn hóa, chữ viết của dân tộc mình, bác Hà Văn Thương (nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa) lý giải bản chất và nguyên nhân sâu xa có tục lệ ngủ thăm ở người Thái Thanh Hóa nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nước ta nói chung.
Cho đến nay cũng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách bài bản khẳng định những vấn đề liên quan như văn hóa giao tiếp trong quan hệ yêu đương, văn hóa ứng xử hay vấn đề tâm lý dân tộc ở khu vực vùng cao biên giới. Có lẽ do đường xa, đi lại khó khăn, ngày xưa thú dữ nhiều; cũng có trường hợp đã bị hổ lùa, nên về khuya không ai dám xuống sân. Nhưng có lẽ phần nhiều, khi đến tuổi yêu đương các đôi trai gái có nhu cầu tìm hiểu về tình yêu và sự níu kéo của tình yêu khi mới chớm nở. Cũng có khi bố mẹ cô gái muốn thử lòng chung thủy của người con trai nên mới cho chàng trai ngủ lại nhà mình. Có lẽ những vấn đề nêu trên là nguyên nhân sâu xa hình thành tục “Ngủ thăm”.
Bác Thương khẳng định “Ngủ thăm” là một tục lệ rất nhân văn, nó để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong quan hệ của các đôi tình nhân. Đây cũng là một phép thử về tính trong sáng trong quan hệ yêu đương.
Khi đã bén duyên, người con trai không đến với nàng anh sẽ không chịu nổi. Người con gái chờ đợi trong sự ưu tư, buồn phiền. Chính vì lẽ đó, mỗi khi gặp nhau, đôi bạn sẽ trò chuyện thâu đêm rồi thiếp đi lúc nào không biết. Có hôm chàng trai ngủ lại nhà cô gái bên bếp lửa cũng có hôm ngủ chung với cô gái nhưng họ vẫn “Giữ trọn mình cho đến phút tân hôn”.
Để giữ cho sự trong sáng trong quan hệ đôi lứa người Thái dùng hai cái cơ bản là: Sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp (luật bản, lệ mường). Ngoài ra, họ còn dùng cả dư luận để phản đối những việc làm không đúng với tục lệ ngủ thăm.
Theo lời kể của bác Thương ngoài ý nghĩa thể hiện mối quan hệ yêu đương của một số đồng bào dân tộc thiểu số, tục lệ ngủ thăm còn thể hiện mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, dòng tộc, khách đến nhà chơi.
Ngủ thăm theo tiếng Thái là “Non giám”. Khách đến nhà, khách qua đường, không kể tuổi tác, giới tính, vì một lý do nào đó như trời tối hay chủ yếu đến thăm nhà mà nghỉ lại gọi là ngủ thăm. Ngủ thăm là truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc ở nước ta nói chung và miền núi Thanh Hóa nói riêng. Nó xuất phát từ việc rất quý trọng khách ở xa đến nên chủ nhà mời ở lại ăn uống, ngủ nghỉ. Ngủ thăm có ý nghĩa khác là gắn kết tình cảm và cầu chúc sức khỏe cho người thân trong gia đình.
Người dân tộc Thái vốn nổi tiếng bởi sự mến khách. Mỗi khi có khách đến nhà “ngủ thăm” gia chủ luôn ưu tiên cho khách những vật dụng mới nhất. Sắm được đồ dùng gì mới, chủ nhà thường không dùng mà cất vào tủ để mỗi khi có khách sẽ mang ra cho khách dùng. Trước đây, vào những ngày đông giá rét, khi nhà có khách đến ngủ thăm, người Thái thường cử một người con gái khỏe mạnh (nếu nhà không có là phải đi mượn) vào trong chăn nằm trước để tạo hơi ấm. Sau đó mới mời khách vào nằm, người con gái đi chỗ khác và nhường chỗ đã ấm này cho khách.
Trải qua thời gian, đến nay tục ngủ thăm ở nhiều nơi cũng như ở đồng bào dân tộc thiểu số Mường Lát, Thanh Hóa cơ bản không còn nữa. Tục lệ này cũng chưa có một tài liệu, sách vở nào ghi chép, nó chỉ tồn tại trong kí ức của già làng và những nhà nghiên cứu văn hóa. Nhưng những giá trị nhân văn sâu sắc chứa đựng trong đó sẽ là bất tử. Tạm biệt câu chuyện cổ tích mang tên “Ngủ thăm” nơi Cổng trời, Mường Lát, lòng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở bởi đã có những người, những thời điểm tục lệ ngủ thăm bị hiểu nhầm là một tập tục lạc hậu.
Đ.T.H
(*): Con chim khiếu.
(**): Cùng loài với chim khiếu.