Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỚI THÁI HUYỆN THƯỜNG XUÂN
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỚI THÁI HUYỆN THƯỜNG XUÂN

Thường Xuân, một vùng núi trùng điệp ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, là địa bàn cư trú của ba dân tộc Thái, Mường, Việt. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Năm Minh Mệnh thứ 18, trích lấy đất huyện Thọ Xuân, đất tổng Luận Khê huyện Lôi Dương và đất tổng Như Lăng huyện Nông Cống đặt nên châu Thường” - tức là huyện Thường Xuân ngày nay. Cho đến tháng 10 năm 1988, toàn huyện có 73 vạn dân thì dân tộc Thái chiếm đến gần 50 vạn người. Thường Xuân, phía Đông giáp huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và Triệu Sơn; phía Tây giáp tỉnh Nghệ An và nước bạn Lào; phía Nam giáp huyện Như Xuân và phía Bắc giáp huyện Lang Chánh.
Huyện Thường Xuân là vùng đất có cấu trúc địa hình phức tạp. Quyết định bởi địa đạo Việt - Lào với những địa máng hẹp, kéo dài theo hướng Tây Bắc. Có sự ngăn cách bởi các máng nền nhỏ mà hình thành nên nhiều mạch núi và thung lũng chạy song song theo hướng Tây Bắc và Đông Nam đi thẳng ra biển Đông. Do tân kiến tạo hoạt động mạnh nên nền địa hình là núi và cao nguyên đá vôi là chính yếu, hầu như không có địa hình thấp hơn 500m. Núi và đồi chiếm 90% diện tích đất đai toàn huyện nhưng hầu hết là núi thấp, ngọn Ta Leo cao nhất vùng cũng chỉ có 1700m (theo tài liệu khảo sát địa chất). Về mặt xã hội, lịch sử, văn hóa thì hệ thống núi Chí Linh mà sách Lam Sơn sự tích lịch đại đế vương ghi: “Chí Linh Sơn, mang Khao xứ” nghĩa là núi Chí Linh ở mường Khao, cũng đáng được quan tâm. Đoạn sông Chu chảy qua huyện này nối tiếp cùng ba nhánh sông nhỏ là sông Đặt, sông Khao, sông Đằng (còn gọi là sông Đằn) tạo nên mạng lưới giao thông rất thuận lợi, dẫn nước và phù sa về cho rừng cây, đồng ruộng. Có thể nói cứ theo dòng sông Chu và các nhánh sông nhỏ, ta có thể đặt chân đến bất cứ một xã nào trên địa bàn châu Thường cũ. Cũng nhờ có cấu trúc địa hình ấy mà rừng ở Thường Xuân phát triển nhanh, có nhiều loại gỗ quý hiếm, là một kho luồng, nứa, song, mây. Trong lòng rừng ở đây bảo tồn nhiều loại thú có giá trị. Đặc biệt cây quế Trịnh Vạn là một loại cây đặc sản, vừa là dược liệu quý vừa có giá trị kinh tế rất cao và từ lâu quế Trịnh Vạn đã nổi tiếng ở trong nước và thế giới.
Với số lượng dân như trên, khi người Thái đã trở thành cư dân chủ yếu của vùng này, còn có một số rất ít người Mường hiện cư trú rải rác, đây là nhóm Tày Mường được di cư từ Nghệ An ra và hòa nhập vào nhóm Tày Dọ. Trừ một số người Việt, còn cư dân huyện này cư trú rất tập trung theo các dòng sông, dòng suối, nghề làm lúa nước và làm rẫy vẫn là nguồn sống chính.
Mãi đến thế kỷ XI, sách Đại Việt sử ký toàn thư mới chép về một cộng đồng Thái tộc. Đó là một cộng đồng người gọi là Ngưu Hống, họ có chữ viết như chữ của người Ai Lao, một cư dân thuộc ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ tộc này được xem như là tổ tiên của người Thái hiện nay. Nhưng theo cuốn Quắm Tố Mương (kể chuyện bản mường) thì thời kỳ Xam - Xen - Tày một ông vua nổi tiếng của nước Lào (1393-1415) hay thời kỳ vua Lê Thái Tổ ở nước ta (1418-1433) ở miền Tây Bắc Việt Nam đã có 15-16 đời tù trưởng Thái trị vì. Họ từ miền Bắc Hà di cư xuống đây tập trung nhất và đông nhất là Mường Then, tức là Điện Biên Phủ ngày nay. Nhưng xưa kia Mường Then có lẽ rộng hơn, bao gồm cả Mường Tè (Lai Châu), sông Mã (Sơn La) và một phần tỉnh Phông Xa Lỳ thuộc nước Lào. Mường Then có nghĩa là Mường Trời, hầu hết dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam, ở Lào và cả ở Thái Lan đều nhận Mường Then là đất tổ của mình.
Tuy nhiên, để người Thái chiếm đa số dân cư trú ở các vùng này, cũng phải đến thế kỷ thứ XI-XII, số người từ Mường Then tản về cư trú ở miền núi Thanh Hóa và Nghệ An. Như vậy, tuy không phải tất cả các cộng đồng Thái ở Thường Xuân đều có mặt trên địa bàn này sớm như ở Mường Then nhưng cũng không phải là mãi thế kỷ XI-XII con người mới có mặt ở đây mà trong quá trình biến đổi thành phần dân tộc, Thường Xuân còn có một tộc người Mường nhưng nhóm người này đến đây không phải là một cuộc di cư của người Mường. Lại nữa, ngay trong dân tộc Thái về sau này cũng có một số nhóm người của các dòng họ Hà, họ Lương, họ Lữ từ các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh mới đến ở thành từng bản hay ở xen kẽ trên địa bàn này được vài ba đời như Chiềng Lau huyện Bá Thước đến đây được gọi là làng Láu; hoặc người Mường Chánh huyện Lang Chánh đến đây được gọi là làng Quan thuộc xã Xuân Cẩm.
Trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng đã phát hiện được một hang ở xã Bát Mọt và một vài hang nhỏ ở xã Vạn Xuân có dấu vết hoạt động của con người từ thời kỳ văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay chừng một vạn năm và tìm thấy một vài chiếc trống đồng. Những tư liệu văn hóa truyền thống sưu tầm được ở vùng này không thấy phản ánh nhiều về thời kỳ tiền sử, về những sự kiện chinh phục và chiếm lĩnh tự nhiên, những huyền thoại về đất nước, sông núi, con người đậm đặc như các vùng cư dân Thái khác trong tỉnh. Tuy vậy, chúng tôi cũng không nghĩ rằng Thường Xuân không phải là vùng đất cổ, vì có thể chưa phát hiện hết được kho tàng tư liệu văn hóa truyền thống còn bảo lưu trong trí nhớ của nhân dân hay cũng có thể do có sự biến thiên nào đó, mà hoạt động của con người từ thời kỳ văn hóa Hòa Bình bị gián đoạn với các thời kỳ lịch sử sau này.
Có một điểm nổi lên rất rõ, đó là tư liệu văn hóa truyền thống ở đây phản ảnh khá đậm nét về sự nghiệp chống giặc Minh xâm lược. Có thể nói bất kỳ ở đâu từ ngọn núi, dòng sông, tảng đá, rừng cây đến con thú trong rừng đều có dấu vết về hoạt động trong suốt 10 năm “nằm gai nếm mật” của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Đó là các giai đoạn về tên núi, tên sông, tên mường, tên bản như những kỷ niệm về quan hệ tốt đẹp giữa nghĩa quân với nhân dân, giữa Lê Lợi với nhân dân còn vang vọng mãi trong tâm thức của nhiều thế hệ. Một dòng suối bình thường như trăm ngàn dòng suối khác nhưng khi Lê Lợi đổ hũ rượu xuống hòa chung vào dòng suối để nghĩa quân, tướng sĩ cùng uống (vì chỉ có một hũ rượu mà lại đông người) thì lập tức con suối ấy được nhân dân gọi là huối láu (tức là suối rượu). Từ hành động nghĩa tình, hình ảnh tuyệt vời ấy đã đi qua dòng suy tư của “chén rượu ngọt ngào” trong bài “Bình Ngô đại cáo” bản hùng văn bất hủ của dân tộc. Có khi chỉ một hòn đá nhỏ bên bờ sông thuộc xã Xuân Mỹ đã trở thành chuyện hòn đá mài mực, vì trong những lúc ngặt nghèo nhất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã đến đây, dùng hòn đá này làm bàn viết, làm nghiên, ông đã ngồi tại đây để ngắm nhìn núi sông mà ngẫm nghĩ, suy tư trước sự mất còn của đất nước, ông đã dùng trúc của rừng này làm bút, lấy nước của dòng sông Đặt mà mài mực, mà rửa bút để viết nên những thư, hịch, giấy tờ, những đường lối quan trọng trong kế sách đánh giặc Minh… Như vậy, cũng sẽ cho ta một niềm tin rằng, vùng đất Thường Xuân không những là cái nôi, là địa bàn hoạt động quan trọng, mà còn là “đất thánh” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chắc chắn còn lưu giữ được những tư liệu quý về cuộc khởi nghĩa.
Với lòng yêu nước nồng nàn, với truyền thống dũng cảm, hy sinh, đoàn kết bảo vệ quê hương, đất nước khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, các sĩ phu yêu nước trong tỉnh đứng lên chống thực dân Pháp thì Cầm Bá Thước - một sĩ phu người Thái ở Trịnh Vạn đã tập hợp nhân tài vật lực, xây dựng căn cứ chống Pháp. Những sự kiện này lại rất nhanh chóng trở thành những giai thoại, truyền thuyết, thơ ca cổ của người đương thời và đã để lại âm hưởng sâu xa trong tâm thức nhân dân.
Văn hóa truyền thống Thường Xuân bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, thời gian có thể làm cho những chứng cứ văn hóa vật chất bị lu mờ, biến dạng đi theo quy luật khắc nghiệt của thời gian, nhưng văn hóa tinh thần vẫn được bảo lưu trong môi trường đặc biệt - môi trường truyền thống.
So với những loại hình văn nghệ dân gian, tục ngữ, ngạn ngữ của các dân tộc ở đây sưu tầm chưa được nhiều nhưng cũng có thể thấy được phần nào những tri thức có giá trị thực tiễn được đúc kết qua bao thế hệ như kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm thời tiết thủy văn, kinh nghiệm chiến đấu, nhất là cách thức ứng xử giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa ta và địch. Đây chính là những bài học chung đã được địa phương hóa để ứng dụng vào đời sống con người Thường Xuân.
Khặp là làn điệu dân ca chủ yếu của vùng này, người Thái trắng gọi là khặp nhưng người Thái Dọ gọi là xuôi. Khặp cũng đồng nghĩa với hát, khi đi bè, đi thuyền trên sông Chu mà hát thì gọi là khặp lóng xăm. Con trai, con gái hát với nhau để trao đổi tình cảm thì gọi là khặp xon - láy. Ông mo hát gọi là khặp mùn, bà máy hát gọi là khặp mụt, người ở bản trên hát gọi là khặp poọng - nưa, ở mường dưới hát gọi là khặp poọng - tớ: đang hát nhưng khi cần cất cao cho giọng vang xa hơn, bay bổng hơn gọi là khặp ới…
Nội dung của khặp Thái ở đây đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Những bài khặp thường là ứng tác cho phù hợp với hoàn cảnh. Có trường hợp dùng khặp để đối đáp trao duyên như hát đối đáp nam nữ, hát ghẹo ở miền xuôi. Có khi dùng khặp để kể những chuyện thơ dài như khặp kể chuyện U Thềm - Xi Thuần. Có trường hợp dùng khặp để giao tiếp khi khách đến nhà, khi mời nhau chén rượu. Cũng có lúc khặp dùng để động viên nhau trong lao động và chiến đấu.
Nhìn chung khặp rất giàu âm thanh, nhịp điệu và thường là những âm điệu réo rắt và gợi cảm. Khặp xon - láy của trai gái thường có âm trầm, phù hợp với giọng nói tình cảm, tâm tình của trai gái; khặp ới bao giờ cũng có âm điệu cao vang xa, còn khặp lóng - xăm thường là khỏe khoắn, đôi khi có cả tiếng đêm làm nền…
Cũng như một số làn điệu dân ca khác, trong nhiều trường hợp người ta đã sử dụng một số nhạc cụ dân tộc và khặp như cồng, chiêng, khèn, sáo. Điều này dễ nhận thấy trong các dịp diễn xướng dân gian.
Ở góc độ sưu tầm, khảo sát nghiêng về phía sinh hoạt văn hóa truyền thống có thể ghi nhận rằng: Vốn khặp Thái trên đất châu Thường xưa là phong phú. Cho đến nay việc sưu tầm loại hình dân ca này chưa được nhiều. Nếu loại dân ca này được khai thác sử dụng một cách khoa học, sẽ góp phần làm cho kho tàng văn hóa truyền thống ở đây thêm phong phú.
Kết quả khảo sát còn cho thấy, trên đất Thường Xuân ngày nay thật sự đã tồn tại rất nhiều trò diễn dân gian với những hình thức diễn xướng khác nhau. Khác với vùng đồng bằng Thanh Hóa và những trung tâm lễ hội diễn trò khác, các trò diễn dân gian ở Thường Xuân ít bị pha tạp, còn giữ nhiều yếu tố ban đầu.
Nếu ở vùng đồng bằng Thanh Hóa đã hình thành các vùng trò với những “hệ thống” trò khác nhau như ở Đông Anh, Xuân Phả, Bôn thì ở đây cũng có những hình thức diễn xướng tổng hợp nhiều trò diễn khác nhau, trong đó có những cách trình diễn khá độc đáo. Trong các trò diễn ở đây có nhiều trò còn mang dấu ấn của những cách diễn từ xa xưa còn sót lại, có những trò diễn có nhiều “lớp văn hóa” chồng chéo lên nhau như múa gươm, múa khăn, múa trống, múa chiêng… các trò diễn nghi lễ và sinh hoạt như Cá sa sàng khàn, Kín chá… Trong đó có những trò diễn đơn lẻ, có những trò diễn phức tạp, có những hình thức diễn xướng cuốn hút cả một “hệ thống” nhiều trò diễn khác nhau được xâu chuỗi lại. Chẳng hạn Kín chá là một hình thức diễn xướng tổng hợp gồm 26 trò diễn đó là: Đánh thức chương, soi hoa và hái hoa, phi ngựa mời Tạo Then phay đến, đọc chữ, thổi khèn, người Xá đến, người Lào đến, người Kinh đến, người Lùn đến, Mé ước hạng đến, người bướu cổ đến, người mù đến, người hầu ăn đến, săn nai, xúc cá, hái nấm, chăn vịt, lấy ong, cọp bắt lợn, gấu ăn ngô, cang cói ăn cá, ru con, dặn trâu, thuồng luồng, người bắt chước.
Diễn xướng dân gian là loại hình rất quan trọng vì nó góp phần quan trọng làm cho diện mạo văn hóa truyền thống thêm phong phú, đa dạng và bộc lộ được vẻ riêng biệt của một vùng văn hóa.
Nhạc dân gian không chỉ là yếu tố hợp thành của văn hóa truyền thống, mà còn tạo thêm âm hưởng làm cho kho tàng văn hóa Thường Xuân thêm sinh động, sâu lắng. Bộ nhạc cụ dân gian ở đây rất đa dạng: Trống, chiêng, cồng, mèn, luống, sáo, nhị, mõ, kèn, khèn bè, chuông… mỗi loại đều có chức năng riêng, được sử dụng rất thiết thực đối với đời sống con người như: Làm hiệu lệnh trong chiến đấu, sản xuất; Làm nền cho các cuộc nghi lễ; Sử dụng âm nhạc trong sinh hoạt văn hóa.
Âm nhạc dân gian có quá trình phát triển khá liên tục, từ sử dụng làm hiệu lệnh đơn giản, âm nhạc đã đi vào phản ánh quy luật tình cảm của con người. Âm thanh đôi khi có sức mạnh khơi dậy những tình cảm tốt đẹp, chân chính mà có thể có những lúc lời nói đã bất lực.
Chỉ riêng hình thức khua luống kết hợp với cồng chiêng đã là một cách biểu diễn khá độc đáo, biểu hiện một tri thức âm nhạc cao trong nhân dân. Khua luống ở xã Luận Khê cho thấy khả năng của âm nhạc và trình độ về âm nhạc của nhân dân Thường Xuân rất đặc sắc.
Vì thế, chỉ có thể sáng tạo được những tác phẩm âm nhạc, ca khúc để ca ngợi con người, cuộc sống của huyện Thường Xuân khi các nghệ sĩ biết học tập kế thừa tinh hoa âm nhạc dân gian của châu Thường xưa.
Khác với các loại hình khác của văn hóa truyền thống, mỹ thuật là một trong những loại hình còn bảo lưu được tính truyền thống, đồng thời cũng có sự kế thừa nâng cao thường xuyên, liên tục. Đến vùng cư dân này, ta dễ dàng nhận thấy trình độ thẩm mỹ dân gian qua trang trí các “khâu cút” của nhà ở, đơn giản nhưng giàu tính ước lệ, những hoa văn trên chăn, gối, khăn, váy… màu sắc rất hài hòa, kết hợp chặt chẽ, mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, như hình ảnh con thuồng luồng trên mặt chăn, bông hoa trên khăn trùm đầu… hoặc có thể thấy sự khéo léo đến mức tinh xảo của nghệ nhân qua các đồ mỹ nghệ thường dùng được bằng mây, tre, nứa.
Nếu đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mỹ thuật dân gian của vùng văn hóa này, chắc chắn sẽ cho chúng ta những thông tin có giá trị tư tưởng về nghệ thuật. Đồng thời, cũng sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về trí tuệ, tài năng, tâm hồn, tình cảm của cư dân các dân tộc Thường Xuân trong tiến trình lịch sử.
Một thể loại đáng lưu ý trong kho tàng văn hóa truyền thống Thường Xuân là truyện kể dân gian và truyện thơ. Truyện dân gian sưu tầm ở Thường Xuân có khối lượng khá đồ sộ, đầy đủ các thể loại khác nhau bao gồm truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện thơ. Tuy thể loại khác nhau nhưng nhìn chung truyện kể dân gian ở đây rất đa dạng về nội dung và phong phú về đề tài cũng như cấu trúc, nghệ thuật. Ở đây có cả truyện ngắn, truyện dài, có những truyện khá hoàn chỉnh nhưng cũng có truyện là những “mảnh vỡ” của truyện dài bị “cắt” vụn ra theo trí nhớ hoặc theo nhận thức chủ quan của nghệ nhân; có những truyện bố cục chặt chẽ, hợp lý nhưng cũng có những truyện được thêm thắt, chắp vá có phần rời rạc.
Về buổi khai thiên lập địa có các truyện Ải Lậc Cậc, La Cùm Pha. Cũng như các mô típ chung về truyện khổng lồ đào sông, xây núi, tát bể của người Kinh phổ biến ở miền xuôi nhằm giải thích một số hiện tượng tự nhiên. Tuy có yếu tố hoang đường nhưng đằng sau lớp mây mù thần thoại, là khúc xạ về buổi xa xưa của con người trong cuộc chiến đấu với tự nhiên xác lập địa bàn cư trú, dựng mường, lập bản. Con người muốn vươn mình thành khổng lồ chế ngự tự nhiên và thần thánh hóa sức mạnh của  chính mình.
Những truyện về thế sự, truyện về tình yêu đề cao lòng chung thủy, đề cao nhân phẩm, ở hiền gặp lành có các truyện Hai chị em, Vực hàng Hay, Nàng Tóc thơm, Nàng Han, Sự tích chim Poong Poong - Nắc Nắc. Ở những truyện này, cuộc đấu tranh của người lao động chống “Kẻ thù hai chân và bốn chân” được phản ánh khá sinh động. Tình yêu thương chung thủy được đề cao. Những phẩm chất cao quý của người lao động như lòng nhân ái, vị tha, đức tính cần cù, chăm chỉ… được khẳng định. Chân lý thuộc về nhân dân. Cái thiện vươn lên chiến thắng cái ác.
Thi Thốn (truyện Chàng Thi Thốn) là một mẫu người đẹp có những phẩm chất cao quý đáng yêu. Chàng là đứa con của rừng núi, gắn bó với bản mường nên khi dân mường cần đến, chàng sẵn sàng xông vào hang giết hổ. Khi đất nước, bản mường bị đe dọa, chàng sẵn sàng lên ngựa đi giết giặc với ý nghĩa đơn giản nhưng sâu sắc “thời loạn cần người hùng” và khi tình yêu bị đe dọa chàng không quản nguy hiểm gian nan quyết chí giành lại tình yêu.
Những truyện thuộc loại này được nhân dân rất yêu thích, phổ biến rộng rãi và có một đời sống riêng của nó với bản mường. Hình ảnh Nàng Han (truyện Nàng Han) cưỡi ngựa giết giặc giữa rừng có phần giống với hình tượng Bà Triệu cưỡi voi giết giặc Ngô trong lịch sử dân tộc. Kết thúc của truyện là hình ảnh Nàng Han - người nữ anh hùng cưỡi ngựa bay lên đỉnh núi giống như hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời. Hình tượng Nàng Han đã được lý tưởng hóa, được nhân dân ngưỡng mộ. Trong niềm cảm phục đối với người con gái anh hùng, nhân dân ở đây vẫn tin rằng: Nàng Han là đứa con của quê hương mình. Nàng sống mãi với bản làng.
Loại truyện về anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa có truyện ông Vi Than, những truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. Truyện về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn được hình thành trên cốt lõi lịch sử là những hoạt động của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trên vùng đất Thường Xuân ngày nay. Những mẩu giai thoại, huyền thoại, cổ tích có liên quan đến Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn ở đây đã được sáng tác dân gian xây dựng thành những câu chuyện đầy hấp dẫn. Lê Lợi người anh hùng dân tộc qua sáng tác dân gian đã trở thành một hình tượng đẹp, gần gũi với nhân dân, một ông Lê Lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, một Lê Lợi “trong ngàn bước ra” chứ không phải một ông Lê Lợi đã khoác áo Hoàng bào.
Truyện dân gian ở đây tuy ít nhiều có yếu tố thần linh, thậm chí hoang đường nhưng có cốt lõi hiện thực phản ánh xã hội. Kết cấu của truyện đơn giản, dễ hiểu, phần lớn chưa bị gọt giũa theo nhận thức chủ quan của nghệ nhân hay người sưu tầm.
Truyện kể dân gian ở đây ngoài yếu tố cổ còn có sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng. Ải Lậc Cậc là truyện khá phổ biến ở Mường Then (Tây Bắc) với những địa danh cụ thể. Khi truyện này theo người Thái vào Quan Hóa lại được gắn với địa danh dọc theo sông Mã và khi du nhập vào đất Thường Xuân lại được địa phương hóa bằng một số địa danh như Mục Sơn, Cửa Đạt. Loại truyện với chủ đề cái thiện thắng cái ác rất phổ biến ở nhiều dân tộc, ở người Kinh tiêu biểu là truyện Tấm Cám, ở người Thái là các truyện: Chín ếch, Tìm bố, Nàng Khóa, Nàng Út và ở Thường Xuân là truyện Hai chị em. Cốt truyện giống nhau nhưng qua lời kể của từng vùng có nhiều chi tiết khác nhau nên đã hình thành nhiều dị bản. Trong từng vùng văn hóa, mỗi dị bản này về ý nghĩa còn được thể hiện tư tưởng nhân văn của quần chúng làm cho diện mạo văn hóa truyền thống thêm phong phú.
Về văn vần, tục ngữ, ngạn ngữ dân ca, thơ thì có khá nhiều nhưng những truyện thơ dài như: Tiễn dặn người yêu, Tạo Chun Sang, Khun Lù, Nàng Ủa cũng phổ biến như các vùng dân tộc Thái khác trong tỉnh. Đặc biệt, trường ca “U thềm” - một bản trường ca đầy chất huyền thoại và anh hùng ca, phạm vi phản ánh khá rộng từ nước này qua nước khác trong vùng Đông Nam Á nhưng lại được lưu truyền ở Thường Xuân rất phổ biến, được nhân dân xem như những điều tâm đắc, những ước mơ của mình được gửi gắm trong truyện.
Trên cơ sở vốn văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc, những năm gần đây chính quyền và nhân dân Thường Xuân đã không ngừng nỗ lực phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng quê hương Thường Xuân ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn.
                                                                               

         T.T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 93
 Hôm nay: 6834
 Tổng số truy cập: 9252745
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa