Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Hát xẩm - Loại hình âm nhạc dân gian cổ đang hồi sinh
Hát xẩm - Loại hình âm nhạc dân gian cổ đang hồi sinh

Những người già từng sống qua những thập kỷ bốn mươi, năm mươi thế kỷ trước thỉnh thoảng lại kể rằng, ở những bãi cỏ ngoài các chợ quê hoặc ở những sân ga tàu hỏa thường có gánh hát độ vài ba người ngồi trên những chiếc chiếu hoặc tấm đệm đay hát lên những bài ca mang âm hưởng dân ca của những làn điệu ngâm xổng, sa mạc, trống quân… mà nhạc đệm là đàn nhị, trống mảnh (trống nhỏ, một mặt) mà những người đến chợ hoặc đợi tàu hỏa cứ người trong, người ngoài chen lấn vào nghe. Đó là do những lời ca và âm hưởng dân ca cuốn hút: 
Ba đồng một lá trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Hoặc: 
Rằng con nát ruột xót xa
Từ nghe tin tức sự nhà Cảnh Yên
Trước là tủi phận trách duyên
Nguồn ân bể ái lát nên đôi đường
Sau là cảm nghĩa thương chàng
Văn nhân tài tử lỡ làng truân chuyên.
             (Truyện Phương Hoa)
Những gánh hát ấy thường là những người khiếm thị nhưng có giọng hát hay và thuộc nhiều làn điệu dân ca vùng Bắc Bộ và các bài ca dao cũng như những truyện Nôm thể lục bát như truyện Phan Trần, truyện Phương Hoa, truyện Kiều… rủ nhau vài ba người lập gánh hát đến các chợ, các bến tàu hỏa hát rong để kiếm sống. Những người đi chợ, đi tàu hỏa nghe hát cảm kích trước giọng hát, câu hát và vẻ rù rờ quờ quạng do khiếm thị của họ mà bỏ tiền thưởng xuống chiếu của họ. Câu thành ngữ “rù rờ như xẩm” ra đời từ những người đã nghe những gánh hát rong như thế, và vì thế lối hát ấy đã được gọi là “hát xẩm”.
Thế nhưng từ những năm cuối thập kỷ năm mươi thế kỷ XX đến nay ta không còn thấy những gánh hát xẩm ở các chợ vùng quê hay ở các sân ga tàu hỏa hoặc bến xe ô tô khách như đã nói ở trên nữa. Những người già cả đã từng nghe hát xẩm trước kia đôi khi ngồi nói chuyện với nhau còn nhắc lại một cách tiếc nuối và cùng nhau hát lẩm nhẩm một vài câu hát còn nhớ được: “Em mang dòng máu Phương Hoa/ Hẹn anh việc nước việc nhà đảm đang”…
Không rõ hát xẩm xuất hiện từ bao giờ nhưng theo truyền thuyết dân gian thì người được coi là “Tổ nghề hát xẩm” thuộc thời Trần (1225-1400). Huyền tích kể rằng: Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) có hai người con trai là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Người em Trần Quốc Đỉnh là người sống hòa nhã, thông minh lại nghiêm túc nên được mọi người trong hoàng tộc yêu mến, vì thế người anh là Trần Quốc Toán đem lòng ghét ghen và tìm cách hãm hại. Một lần hai anh em vào chơi trong rừng, Toán đã dùng dao đâm chết Đĩnh cướp viên ngọc quý và đẩy xác em xuống vực sâu rồi về nhà nói với cha rằng em đã bị hổ đói bắt ăn thịt. Nhưng thực ra Đĩnh đã được một người đốn củi cứu sống và đem về nhà chăm sóc. Đĩnh vốn có giọng hát hay và hay hát những bài dân ca nên ở trong nhà người tiều phu chàng đã làm chiếc đàn nhị và đệm đàn để hát giải sầu. Do đôi mắt của chàng đã hỏng nên chàng cứ rờ rẫm đi quanh sân, ra ngõ rồi đi lạc trong ngõ làng, và giọng hát, điệu đàn của chàng với âm hưởng sa mạc, ngâm xổng, trống quân đã cuốn hút bọn trẻ trong làng đi theo để nghe, không những thế cả người lớn cũng mê hồn… Về sau những người hát xẩm đã tôn Trần Quốc Đĩnh làm Tổ nghề và lập đền thờ dài lâu(1).
Những người già sống từ thế kỷ XX và từng nghe hát xẩm còn cho biết rằng, thời xưa hát xẩm chỉ có ở các chợ nên thường được gọi là “xẩm chợ”. Cho đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ đất nước ta, chúng đã tiến hành cải tạo các đô thị từ Bắc vào Nam thành các trung tâm hành chính cấp tỉnh, đặc biệt là Hà Nội trở thành thành phố với 36 phố phường mang tính thương mại hào hoa(2). Cùng với việc cải tạo các tỉnh lỵ, thực dân Pháp đã mở đường giao thông, đường sắt từ Bắc vào Nam để vận chuyển hàng hóa và hành khách từ tỉnh này sang tỉnh khác. Vì có giao thông bằng tàu hỏa trên tuyến đường sắt Bắc - Nam kèm theo các nhà ga để đón trả khách và tập kết hàng hóa mà việc giao thương giữa các tỉnh thành được thuận tiện. Cũng vì thế các gánh hát xẩm từ các làng quê hẻo lánh đã dần ra phố xá, nhà ga để hát phục vụ khách đi tàu hỏa ngày một phổ biến, nhất là đến Hà Nội, một thành phố lớn của Bắc Bộ.
Các gánh hát từ làng quê đến các đô thị, sân ga không còn chỉ vài ba người là mẹ con khiếm thị mà có thể đã thêm người hàng xóm sáng mắt, ban nhạc không chỉ có trống mảnh, đàn nhị mà có thể thêm sáo trúc và cả đàn bầu…. Thời kỳ đầu, từ những gánh “xẩm chợ” thành “xẩm nhà ga”, “xẩm phố”, họ vẫn thường hát những bài ca dao hoặc những trích đoạn trong các truyện Nôm thể lục bát như đoạn “Trao duyên” trong Truyện Kiều: “Cậy em em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa/ Giữa đường đứt gánh tương tư/ Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em/ Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề…”. 
Dần dà có thêm những bài ca mùi mẫn hơn để quyến rũ dân thị thành: “Nước trong leo lẻo, lơ lửng con cá vàng/ Cây ngô cành biếc có con phượng hoàng đậu cành cao/ Thân em phận gái má đào/ Trót tham đồng bạc trắng nên em phải lạc vào cái chốn cực thân/ …”. Có khi hát cả bài “Trăng sáng vườn chè” của Nguyễn Bính: “Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm em phải chạy dâu/ Vì chàng em phải dầu hao bấc tàn/…/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công đèn sách từ ngày lấy tôi/ Kẻo không rồi chúng bạn cười/ Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa/ Tôi thường khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là mấy trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi …”. Có gánh hát đến Hà thành, thấy phố phường đổi mới đã đặt ra bài “Hà Nội 36 phố phường”: 
Bắc Kỳ vui nhất Hà thành
Phố phường sầm uất văn minh rợp trời
Thanh cao lịch sự đủ mùi… 
Người đi xe chạy ầm ầm
Đua chen như hội bội phần ăn chơi
Nhất vui là cảnh bờ hồ
Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Ngang
Bày ra đủ các thứ hàng
Còn như Hàng Quạt, Hàng Gai, Hàng Lồng…
Có lẽ không có đô thị nào như Hà Nội mà các gánh hát xẩm ở khắp các miền quê từ Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ đua nhau tìm đến. Đặc biệt từ sau khi mạng lưới xe điện từ Bắc hồ Hoàn Kiếm tỏa đi khắp Hà thành để chở khách đi theo các đường phố lớn (năm 1911), thì nhiều gánh hát xẩm đã lên các tàu điện để hát phục vụ khách đi tàu. Từ đó một loại hình hát xẩm mới là “xẩm tàu điện” đã ra đời. Trên những toa tàu điện leng keng, hành khách đã được nghe những câu hát từ thơ Tản Đà: 
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện ước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Có thể thấy rằng, đến thế kỷ XX, hát xẩm đã rất phổ biến ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ “xẩm chợ” ở làng quê, đến “xẩm ga tàu hỏa”, “xẩm tàu điện” ở các đô thị đều được người dân đón nhận và tán thưởng. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc (năm 1954) và cuộc đánh đổ giai cấp địa chủ chia ruộng đất cho nông dân thắng lợi thì các gánh hát xẩm vốn là người dân quê ấy đã không còn đi hát nữa mà vui thú với mảnh ruộng, mảnh vườn của mình, với cuộc sống mới, và cho đến thể kỉ XXI, chúng ta không còn được nghe hát xẩm nữa.
Vào năm 2005, Trung tâm Âm nhạc dân gian thuộc Viện Âm Nhạc Việt Nam do GS.TS Minh Khang làm giám đốc và nhạc sĩ Thao Giang làm phó giám đốc đã ra đời, nhằm nghiên cứu, khôi phục và phổ biến hát xẩm cùng các loại hình dân ca khác thuộc vùng Bắc Bộ. Sau mấy năm hoạt động, Trung tâm đã cho tổ chức lễ dâng Tổ nghề hát xẩm ở Hà Nội và biểu diễn hát xẩm ở phố đi bộ Đồng Xuân vào dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long nhiều lần được nhân dân háo hức đón nghe và rất tán thưởng. Trung tâm cũng đã tổ chức những buổi hát xẩm ở Đồng Mô hoặc các nơi khác cùng với việc mở các lớp dạy nhạc cụ dân tộc và dạy hát dân ca cho lớp trẻ ở nhiều nơi. Trung tâm đã phát hành đĩa nhạc “Hát xẩm” do nghệ sĩ Thanh Ngoan hát gồm những bài hát xẩm sưu tầm được ở Hà Nội như “Hà Nội 36 phố phường”, “Lơ lửng con cá vàng”, “Huê tình”… nhằm phổ biến hát xẩm trong xã hội. Gần đây trên Đài Tiếng nói Việt Nam thỉnh thoảng ta cũng được nghe hát xẩm trong chương trình dân ca của Đài, đó là những giọng hát xẩm mới của Thanh Ngoan hoặc giọng hát xẩm của cố nghệ sĩ dân gian Hà Thị Cầu (người Ninh Bình) đã từng ở Hà thành hát xẩm (và hát ca trù) trước đây nhiều năm. Như vậy hát xẩm đã dần xuất hiện trên các phương tiện giải trí truyền thông sau hơn nửa thế kỷ chúng ta không còn thấy các gánh hát xẩm hát ở chợ, ở ga tàu hỏa hay trên xe điện nữa. Chắc rằng, hát xẩm cũng như các loại hình dân ca khác sẽ được hồi sinh và phát triển trong các câu lạc bộ dân ca ở các miền đất nước, đáp ứng nhu cầu âm nhạc của người dân lao động mà tổ tiên họ đã sản sinh ra loại hình âm nhạc này từ xa xưa.
                                                                             

Tháng 9 năm 2021
                                T.H 

(1) Truyền thuyết này trích dẫn theo “Trần Quốc Đĩnh - Tổ nghề hát xẩm” trong  “Truyền thuyết Việt Nam” trang 442, của nhóm Vũ Ngọc Khánh. Theo lịch sử Việt Nam, vua Trần Thánh Tông có ba người con: công chúa Thiên Thụy, con trai trưởng Trần Khâm (là vua Trần Nhân Tông (1279-1293) và Trần Đức Việp. 
(2) Hà Nội trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vốn là một tỉnh tập hợp dân các tỉnh khác đến buôn bán và làm các nghề cổ truyền kết hợp với làm ruộng ở các cánh đồng nhỏ. Cuối thế kỉ XIX thực dân Pháp cải tạo các làng này thành 36 phố và lấy tên các nghề sản xuất thủ công hoặc sản phẩm mua bán để đặt tên phố (Hàng Lược, Hàng Khay, Hàng Thuốc, Hàng Đường v.v…).  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 225
 Hôm nay: 1353
 Tổng số truy cập: 9298678
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa