Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Nghệ thuật điêu khắc đá nửa đầu thế kỷ XVII ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi
Nghệ thuật điêu khắc đá nửa đầu thế kỷ XVII ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi, tên chữ là “Phúc Khê Tướng công từ” tọa lạc trên một khu đất cao ráo ở xứ đồng Mau thuộc thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cấp Quốc gia năm 1990.
Nguyễn Văn Nghi - tự là Ấp Thanh - người xã Ngọc Bôi, huyện Đông Sơn, châu Ái, nay là thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm Ất Hợi (1515), trong một gia đình thuộc dòng họ “danh gia thế phiệt” thời bấy giờ. Cụ Cao tổ là Nguyễn Hồ có công mở nước được phong Đại tướng quân, Đại minh tự, nhà vua ban sắc cho con cháu đời đời được tập phong bổ dụng; Cụ bà là Lê Thị Điện. Cụ tằng tổ là Nguyễn Cầu - nho sinh, cụ bà là Lê Thị Mạ. Ông nội là Nguyễn Uyên làm Tri huyện, được phong Thái bảo; Bà nội là Lê Thị Miền, tặng phu nhân. 
Thân phụ của ông là Nguyễn Tứ, làm Tham nghị Thái Nguyên được phong Thái  bảo. Thân mẫu là Lê Thị Niệm - con gái đầu lòng quan Hiến sứ Lê Hựu. Bà sinh được ba người con trai, đều nối chí làm rạng rỡ danh tiếng của cha ông thuở trước. Con trai trưởng là Nguyễn Văn Nghi; thứ hai là Nguyễn Văn Liêm, được phong Thông chính phó; thứ ba là Nguyễn Văn Diễn, được phong tặng Tuyên lực tá lý công thần Thượng bảo tự khanh, tước Tuyên Đạt tử.
Ông lấy hai bà vợ: Chính thất là Lê Thị Nhu - người xã Phúc Thọ (nay là thôn Phúc Triền). Bà sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái). Trai trưởng là Nguyễn Tuấn, được phong chức Cẩm y vệ phó đoan sứ; thứ hai là Nguyễn Khải làm đến chức Tham tụng, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Đăng Quận công, thượng trụ quốc. Trai út là Nguyễn Mô, được phong Tuyên lực công thần, tước Cẩm Lễ tử. Con gái là Ngọc Thiềm làm vợ ông Tham nghị Thanh Hóa Lê Nhâm. Bà vợ thứ sinh được một người con gái là Ngọc Giáp, làm vợ ông quan viên Lê Danh Xuân ở Phúc Thọ. 
Thời kỳ nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, Nguyễn Văn Nghi còn trẻ tuổi, ngày đêm đèn sách. Đến năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554), đời vua Lê Trung Tông mở chế khoa chọn kẻ sĩ, Nguyễn Văn Nghi thi đỗ Nhất giáp chế khoa xuất thân. Từ đó, ông được bổ dụng làm quan trong triều rất được tin yêu và quý trọng cả về hai mặt: Tài và đức. Ba mươi năm hết lòng phụng sự 3 triều vua Lê Trung hưng: Trung Tông (1549 - 1556), Anh Tông (1557 - 1573), Thế Tông (1573 - 1600) , Nguyễn Văn Nghi đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Hộ khoa cấp sự trung kiêm quản lý tài chính (1557); Đông các hiệu thư (1560); Tham chính Nghệ An (1565); Lại bộ Tả thị lang (1569); Tuyên lực công thần, Đông các học sĩ, tước Phúc Ấm bá (1570); Tả thị lang bộ Binh, Tổng ký lực kiêm Tư quân vụ chính dinh (1573); Tả thị lang bộ Lại, nhập thị Kinh Diên kiêm Đông các học sĩ (1580). Ông là thầy dạy của 2 vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. 
Ông mất năm 1583, hưởng thọ 69 tuổi. Khi ông mất, nhà vua gia ân tặng Thượng thư bộ Công, Thái Bảo, ban tên thụy là “Phúc Khê Tướng Công”, được phong làm Phúc thần. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “… Ông tính đoan chính cẩn thận, có khuôn phép… là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”(1). Người đương thời ngợi ca: “Ông là bậc đại khoa, ngôi cao chốn triều trung, được khí thiêng của trời đất chung đúc, được tôn làm Phúc thần, vinh hoa chồng chất, phúc đức cao dày, phúc cho nước, phúc cho dân, phúc cho con cháu, phúc cho dòng dõi… công danh chói lọi sẽ rạng rỡ muôn đời, con cháu được hưởng tiếng thơm lâu dài với dương thế…”(2). 
Đền thờ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm Hoằng Định thứ 18 (1617), thời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Quốc lão tham dự triều chính Đăng Quận công Nguyễn Khải đứng ra mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Và cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy - Tri phủ Hà Trung chỉ huy nhân dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1631, thời vua Lê Thần Tông (1619-1643). Bao gồm một quần thể kiến trúc gỗ và đá được bố cục theo kiểu “nội công - ngoại quốc”, với 2 vòng thành: Thành ngoại đắp bằng đất lẫn đá hộc và thành nội xây bằng đá nguyên khối được tạc đẽo vuông thành sắc cạnh. Giữa thành ngoại và thành nội là quần thể điêu khắc đá gồm: Tượng võ sĩ, chó ngao, voi, ngựa, bia ký… được bài trí đăng đối hai bên đường Thần đạo. Bên trong thành nội với diện tích 5880m2 có 4 cụm kiến trúc gỗ: Cụm kiến trúc số 1 hình chữ “Công” (gồm tiền đường, trung đường, nhà dọc và chính tẩm) là nơi thờ Nguyễn Văn Nghi. Cụm kiến trúc số 2 bố cục theo kiểu chữ “Nhị” là nơi thờ Tổ tiên dòng họ Nguyễn Văn Nghi. Cụm kiến trúc số 3 bố cục theo kiểu chữ “Tam” là nơi thờ Chính thất của Đăng Quận công Nguyễn Khải (con thứ của Nguyễn Văn Nghi) và các bà cô. Cụm kiến trúc số 4 theo kiểu chữ “Nhất” (chưa rõ chức năng). Ngoài ra còn có Nghinh môn (3 gian nhà gỗ, lợp ngói, tường xây bít đốc), cổng thành ngoại (2 cây cột nanh) và cổng thành nội (Tướng công môn).
Trải qua những biến cố lịch sử, hầu hết những công trình kiến trúc gỗ đã bị tháo dỡ, chỉ còn ngôi nhà dọc (3 gian) của kiến trúc chữ “Công” làm nơi thờ tự Nguyễn Văn Nghi và nền móng của các công trình. Duy chỉ có các công trình kiến trúc đá như: Thành nội, nhóm tượng chầu thờ, bia ký… vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và tồn tại như một nhân chứng lịch sử về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đá ở xứ Thanh hồi nửa đầu thế kỷ XVII.           
Quần thể điêu khắc đá ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi gồm có: 
- Thành đá: được bố cục theo hình chữ nhật, chiều dài 89m, rộng 66m. Toàn bộ thành được ghép bằng những phiến đá nguyên khối được tạc đẽo vuông vắn và xếp thành từng lớp (6 lớp) chồng lên nhau nhưng không có chất kết dính, tạo thành bức tường hình thang cân (đáy rộng 1,36m, mặt thành rộng 1,20m) (chưa tính phần móng). Bốn góc thành là những phiến đá nguyên khối được tạc đẽo theo hình gấp thước thợ làm “chốt giằng góc”. Nét độc đáo ở đây là toàn bộ mặt thành được đặt một lớp mai luyện bằng đá được tạc đẽo theo một khuôn mẫu như nhau (rộng 0,75m, dài từ 1,2m đến 2m).
- Tượng Võ sĩ: Cao 2,10m, vai rộng 0,70m. Tác giả thể hiện tượng võ sĩ trong tư thế nghiêm trang đứng gác. Khuôn mặt đầy đặn, đôn hậu. Hàng ria mép cong đều. Chòm râu hơi dài, gọn thể hiện sự từng trải. Hai tay nắm chặt chùy đồng ngang tầm ngực. Đầu đội mũ trụ, chân đi hia. Toàn thân hình vạm vỡ được khoác lên bộ y phục người lính rũ xuống quá gối. Phần dưới của áo loe rộng tương xứng với đôi vai. Hai ống tay áo cộc đến khuỷu tay để lộ đôi cánh tay mập mạp, rắn rỏi. Hai dây dải lưng thắt ngang bụng, nút thắt hình “số 8”, bốn đầu dây cuộn lồng vào nhau thả về hai bên cân xứng tạo thành những đường nét trang trí phá vỡ ấn tượng tẻ nhạt, đơn điệu trên bề mặt của mảng khối to lớn. Bằng kỹ thuật điêu luyện, tác giả đã thể hiện tượng võ sĩ một cách hiện thực và sống động.
- Tượng Voi đá: dài 2,68m, cao 1,50m, thân rộng 1,26m được diễn tả trong tư thế nằm phủ phục. Cả thân hình đồ sộ áp đặt trên bốn chân mập mạp, chắc khỏe. Đầu voi hơi ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước. Đôi ngà dài, nhọn. Vòi voi cuộn tròn vào phía ngực, đuôi vắt về bên hông. Với bố cục hình khối chặt chẽ, đường nét phóng khoáng, kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, tác giả tạo cho con vật có hình thể vạm vỡ, trong trạng thái nghỉ ngơi nhưng không tạo cảm giác quá tĩnh mà hết sức sống động, sẵn sàng bật dậy với sinh lực dồi dào ẩn giấu bên trong thân hình vạm vỡ của nó.
    - Tượng Ngựa đá: dài 2,35m, cao 1,78m, thân rộng 0,85m. Con vật được thể hiện trong tư thế đứng tự nhiên. Đầu hơi ngẩng cao, bộ ngực nở nang, bốn vó thon khỏe, bắp vế căng tròn. Toàn thân con vật toát lên dáng vẻ dũng mãnh. Đặc biệt với đường nét chạm khắc trau chuốt tạo thành hình yên cương đóng sẵn, đường nét phần đuôi, chuỗi chuông nhạc vòng qua ngực, đã tạo cho con vật trở nên ung dung đường bệ. Dưới tầm mắt người xem, con vật không gây một cảm giác tĩnh lặng, nghỉ ngơi mà nó luôn luôn được coi là sự sẵn sàng với tất cả sức mạnh tiềm tàng còn đang chờ đợi để vùng lên phía trước.
- Tượng Chó đá: cao 0,70m, thân rộng 0,28m: Con vật được diễn tả trong tư thế ngồi cao. Hai chân trước thon khỏe chống thẳng đứng. Bộ ngực nở nang. Hai chân sau thu gọn sát bụng để lộ bắp vế căng tròn. Đầu hơi ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước như đang chăm chú theo dõi. Cái đuôi dài, tròn nhẵn, mềm mại uốn nhẹ đặt trên tấm thân mập mạp. Phần cuối đuôi xòe rộng hình lá đề, được tạo bởi những nét hoa văn chạm nổi trau truốt, tinh tế. Để phá vỡ thế đơn điệu, tẻ nhạt, tác giả tạo nên dải dây đeo chuông nhạc quàng qua cổ, đầu dây thắt nút hình số “8” thắt trên gáy cổ. Dưới tầm mắt người xem, tác giả diễn tả toàn thân con vật toát lên vẻ mạnh mẽ, nhanh nhẹ, mang tính “khuyển mã” của bậc quyền quý.
- Rồng ổ bằng đá: được đặt trên nóc cổng thành nội. Con rồng được diễn tả trong tư thế nằm cuộn tròn trên phiến đá hình vuông (mỗi cạnh 1,20m), đầu rồng nhô cao giữa thân hình to khỏe, mặt nhìn vào đền thờ. Đuôi rồng vắt ngược lên trải đều sang hai bên đầu rồng tạo thành hoa văn vân mây trên thân rồng. Tư thế con rồng được thể hiện như trên, thường gọi là rồng ổ. Với cách bố cục chặt chẽ và bút pháp nghề nghiệp điêu luyện của người nghệ nhân, tượng Rồng ổ bằng đá ở cổng thành nội đền thờ Nguyễn Văn Nghi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, “độc nhất vô nhị”.
- Thành giếng bằng đá: Từ một khối đá liền màu xanh lam tạo tác thành hình cái “nậm rượu miệng loe” đặt trên bệ 7 cạnh chân quỳ cao 0,65m, đường kính miệng 0,80m, đục rỗng bên trong. Hoa văn trang trí ở đây là hình cánh hoa sen có hình hoa cúc ở giữa. Cánh hoa cúc được tạo bởi hai hình số 3 úp ngược chiều nhau. Phần bệ chân quỳ cao 0,25m chia thành 7 cạnh đều nhau (mỗi cạnh dài 0,53m). Bề mặt mỗi cạnh chia thành 4 cấp không đều nhau, có độ dốc thoai thoải ra ngoài. Nhìn tổng thể cách bố cục hình khối hợp lý, đường nét trau truốt. Thành giếng Ngọc là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá rất độc đáo.
- Bia “Phúc Khê tướng công từ”: cao 1,97m, rộng 1,26m, dày 0,33m đặt trên bệ đá có kích thước 2,56m x 1,50m x 0,33m. Bia dựng ngày 2 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 18 (1617) đời vua Lê Kính Tông. Nội dung văn bia ghi về dòng họ, gia đình, thân thế sự nghiệp của Nguyễn Văn Nghi. Bia được tạo tác từ loại đá núi An Hoạch (núi Nhồi), có “sắc óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt”. Đề tài trang trí trên bia vẫn theo một mô típ quen thuộc: trán bia chạm khắc “Lưỡng Long chầu nhật”. Riềm bia trang trí hoa sen, hoa cúc cách điệu. Đáy bia trang trí 3 lớp hoa văn sóng nước. Nét độc đáo ở tấm bia này là ở giữa đường diềm mặt trước trán bia trang trí hình “chim điểu”, một loài chim được xếp vào hàng cao sang quyền quý, làm biểu tượng chỉ bậc quân tử tài cao, đức trọng, giỏi văn chương.
- Bia “Lệnh công Thượng thư ký” dựng ngày 8 tháng 3 năm Vĩnh Tộ thứ 11 (1629), bia hình chữ nhật (cao 2,15m x rộng 1,50m x dày 0,54m), làm bằng đá trắng. Bia có mái che cũng bằng đá trắng. Toàn bộ bia và nhà che bia đặt trên bệ đá dài 3,0m, rộng 2,33m, dày 0,30m. Trán bia chạm khắc nổi hình “Lưỡng Long chầu nhật” với những lớp hoa văn hình ngọn lửa. Riềm bia chạm khắc nổi hình hoa sen, cúc dây lẫn chim muông và thú. Đáy bia trang trí hai lớp hoa văn hình nậm rượu. Ở giữa hình nậm rượu trang trí hoa văn hình “số 8”. Nhà bia làm bằng hai tấm đá trắng mài nhẵn dựng khít vào hai cạnh bia tạo thành bộ khung hình chữ “H”. Phần mái che bia là một khối đá liền được tác đẽo thành hình mái nhà, bốn đầu đao uốn cong, đặt lên kết cấu hình chữ “H”. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá khá độc đáo ở Thanh Hóa.
Như vậy với khối lượng đá sử dụng vào việc xây thành, tạc bia, tượng, rồng và bao nền các công trình kiến trúc… đã có khoảng hơn 1.000m3 đá khối, chưa tính đến công sức khai thác, tạc đẽo và vận chuyển từ núi Nhồi về, cho thấy sự góp công, góp sức và nhất là sức sáng tạo nghệ thuật trong các công trình kiến trúc của nhân dân lao động quả thực là lớn lao biết nhường nào. Thật đúng là:
Cơm ăn một bữa một năng, 
Bao giờ kéo đá ông Đăng cho rồi.
Cơm ăn một bữa một nồi,
Bao giờ kéo đá núi Nhồi cho xong.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc đá thế kỷ XVII ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi, dù rằng chưa đầy đủ, song có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và rất cần thiết, góp phần làm sáng tỏ sự phát triển của nền văn hóa dân tộc nói chung, nghệ thuật chạm khắc đá nói riêng của xứ Thanh thời bấy giờ. Đó là thời kỳ các loại hình kiến trúc tôn giáo như đình, đền, chùa… được phát triển mạnh mẽ. Trong các công trình kiến trúc đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá… mang phong cách dân gian đậm nét, phản ánh cuộc sống bình dị của nhân dân lao động. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XVII, nghệ thuật tạo hình có phần nào trở lại tính chính thống (nghệ thuật cung đình), trang nghiêm thời Lê (thế kỷ XV), nhưng không đến nỗi gò bó, công thức và kỹ thuật thì ngày càng điêu luyện, tinh tế. Vào nửa sau thế kỷ XVII, phong cách nghệ thuật dân gian lại được thể hiện vô cùng phong phú, diễn tả một cách hiện thực và sinh động, phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm, nói lên tính lạc quan yêu đời và sức sáng tạo nghệ thuật của nhân dân lao động.
                                

N.N.K

(*) Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, T.1, Nxb Sử học, HN, tr. 303.
(**) Bia “Phúc Khê tướng công từ” dựng ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi. 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 4705
 Tổng số truy cập: 7552526
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa