Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Thầy mo - Người giữ hồn văn hóa của đồng bàoThái ở xứ Mường Ca Da huyện Quan Hóa
Thầy mo - Người giữ hồn văn hóa của đồng bàoThái ở xứ Mường Ca Da huyện Quan Hóa

Không biết từ bao giờ, vị thầy mo trong các lễ tục của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành nhân vật trung tâm cho các sự kiện văn hóa mang tính chất cộng đồng. Ở những vị thầy mo ấy, vừa có nét bình dị, dân dã như bao người, vừa thấp thoáng dáng vẻ huyền bí mà không phải ai cũng có.
Từ người nối nhịp giữa thế giới tâm linh và thế giới thực
Từ xa xưa đến nay, các lễ tục tín ngưỡng truyền thống vẫn luôn hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc nói chung và của đồng bào người Thái Quan Hóa nói riêng. Vốn là nơi có hình sông thế núi hùng vĩ, nơi giao hòa giữa trời và đất nên đầy ắp trong đó các lớp văn hóa, tín ngưỡng mang đậm tính bản địa. Có lẽ vì thế, sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng ở xứ này rất đa dạng và nhiều màu sắc. Trong từng hoạt động mang tính tâm linh ấy, chúng ta thấy nổi bật vai trò của người thầy mo - người được xem là linh hồn của buổi lễ.
Theo quan niệm của người Thái ở đây, một thầy mo được xã hội thừa nhận không chỉ do học tập rèn luyện, mà còn theo năng lực cá nhân, và nhất là phải được “người Trời” lựa chọn. Thế nên, thầy mo có thể giao tiếp được giữa thế giới của người sống và thế giới của người đã mất, hay những “quyền năng” nhất định để hỗ trợ cho đời sống tinh thần của cộng đồng. 
Nền kinh tế chủ yếu của đồng bào Thái ở Quan Hóa vẫn là nông nghiệp trồng trọt nên phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vì thế họ luôn quan niệm rằng những hiện tượng tự nhiên (như mưa, gió, sấm, sét, nhật thực, nguyệt thực…) hay những sự vật cụ thể (dòng sông, con suối, gốc cây, ngọn núi…) đều có thần linh với sức mạnh siêu nhiên. Từ đó họ cho rằng, nếu cúng bái thờ thần thì sẽ thuận lợi hơn cho việc làm ăn. Những lần như vậy, họ lại cậy nhờ đến thầy mo - với ngôn ngữ riêng có thể giao tiếp được thế giới bên kia - sẽ chuyển đến thần linh thông điệp của mình. 
Trong cuộc sống, người Thái rất quan tâm đến sức khỏe. Những câu chuyện họ còn truyền lại rằng: Then Luôn Mường Trời có ban cho loài người ở trần gian được sống no khỏe tới 120 tuổi. Và ước mơ ấy luôn đi cùng với sự cố gắng lao động, rèn luyện, ăn uống và sinh hoạt của người Thái để đạt được tuổi thọ cao. Ngoài ra, cư dân Thái ở đây rất chú ý đến các tục lệ để cầu cho sức khỏe như làm vía (hệt khoăn), giải hạn (hệt dài han)… Nghi lễ cúng cho sức khỏe liên quan chặt chẽ tới thầy mo, vì chỉ thầy mới biết “ma” nào đang đe dọa sức khỏe từng người, và cũng chỉ thầy mới biết làm cách nào để đuổi nó đi. Hiện nay, trong xã hội hiện đại, phần lớn khi có bệnh, đồng bào thường đến trạm y tế hoặc bệnh viện. Nhưng đôi khi, thầy mo với những hiểu biết của mình vẫn có thể chữa được một số bệnh đơn giản thông thường như: quai bị, ngứa ghẻ lở, trẻ con khóc dạ đề, phụ nữ đau đẻ… 
Trong các tín ngưỡng của đồng bào Thái, những nghi thức trong tang lễ được thực hiện rất chặt chẽ. Họ quan niệm rằng, người mất chẳng qua chỉ là rời thế giới này để đến ở thế giới khác mà thôi. Vì vậy họ rất chú tâm trong từng việc, từng bước theo sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy mo bởi thầy mo là người có uy tín duy nhất đưa hồn người chết về cõi vĩnh hằng. Chỉ trong lễ tang, cũng đã có những câu chuyện hết sức ly kỳ. Ví như việc chọn đất để an táng. Người nhà tang chủ sẽ đưa thầy mo đến khu đất dự định để an táng, thầy mo sẽ xác định chính xác vị trí mà hồn người chết đồng ý táng tại đó. Thầy dùng một quả trứng sống (thường là trứng gà), đốt một que hương, sau đó thầy sẽ nói thầm vào quả trứng. Quả trứng ném về vị trí nào mà không vỡ có nghĩa là hồn người chết không chọn vị trí đó, còn chỗ nào mà trứng vỡ thì có nghĩa hồn người chết muốn được táng tại đó. Có nhiều đám, trứng ném mấy lần liền mà vẫn không vỡ.
Những nét ấy thôi cũng thấy được rằng, có nhiều câu chuyện tâm linh mà chúng ta chưa thể giải thích được. Và thầy mo, thật không sai khi nói họ chính là người chăm sóc phần hồn cho đồng bào Thái.
Trở thành nghệ nhân dân gian 
Thầy mo thường vận dụng những tri thức dân gian truyền thống và kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều thế hệ để vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài việc am hiểu về phong tục, tập quán, nghi lễ còn là quá trình tích lũy kiến thức về các lĩnh vực trong đời sống xã hội như thiên văn, địa lý, lịch sử, y học… Thầy mo có thể xem được ngày tốt, ngày xấu, ngày mưa, ngày nắng để giúp cộng đồng người biết được lúc nào nên xuống đồng, lúc nào bắt đầu mùa vụ, ngày nào nên dựng nhà, ngày nào nên cưới hỏi… 
Những tri thức và kinh nghiệm thường được đúc kết lại trong các bài mo sẽ được xướng lên trong hoạt động cộng đồng, nhất là các lễ hội. Ở đó toàn bộ câu chuyện về quá trình hình thành bản mường từ thuở khai thiên lập địa, lúc mở đất, mở nước sẽ được thầy mo dẫn dắt kể lại.
Mo Thái là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Thái từ bao đời. Mo chứa nhiều điều huyền bí, ly kỳ, song cũng là kho chất liệu văn học dân gian độc đáo, phong phú. Chúng ta thấy hình ảnh thầy mo trong các lễ hội văn hóa, trong các trò diễn dân gian, đặc biệt trong các đám tang được thể hiện như một người nghệ sĩ tài tình và điêu luyện. Nếu xét theo góc độ văn hóa, thì hình ảnh ấy như một sự kết hợp giữa nghệ thuật văn hóa dân gian và sân khấu. 
Và sứ mệnh bảo tồn văn hóa Thái
Từ bao đời nay, những thầy mo và gia đình họ vẫn sống bình dị, hiền hòa giữa cộng đồng dân cư như một chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở họ, hiện rõ nét văn hóa đặc trưng cho từng dân tộc, cho từng vùng miền. Cũng chính nơi họ là kho tàng sống đang lưu giữ các giá trị văn hóa đặc biệt tại địa phương. Ngày nay, trong thời đại công nghệ thông tin, nghề “thầy mo” có thể đang mai một dần, số lượng “thầy mo” theo đó cũng ngày một hạn chế. Do vậy, với những vị thầy mo hiện tại trên vùng đất quê hương Mường Ca Da - Quan Hóa, chính là thực thể lưu giữ văn hóa sống động nhất. 
Theo thời gian, cuộc sống ở các bản làng đã có nhiều thay đổi, dấu ấn về đại ngàn có thể không còn nguyên vẹn như trong suy nghĩ của nhiều người, nhưng vai trò của thầy mo vẫn không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Thái ở Mường Ca Da nói riêng, trong đời sống của các dân tộc trên địa bàn huyện Quan Hóa nói chung.
                              

 H.C.T - N.C


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 10132
 Tổng số truy cập: 7639041
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa