Hoằng Lộc - Một địa chỉ văn hóa của Hoằng Hóa - Lê Xuân Toàn
Từ xưa, Hoằng Hóa là vùng đất học, danh thơm vẫn còn lưu truyền câu ca: “Mẹo mực Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”. Vùng địa dư văn vật đáng tự hào ấy, có thể nói đến cụm di tích đền thờ các danh nhân được xếp hạng di tích Quốc gia như đền thờ trạng Quỳnh, Bảng Môn Đình và một số di tích văn hóa thuộc Tổng Bột Đà Gia Trang xưa thuộc xã Hoằng Lộc ngày nay.
Đền thờ Trạng Quỳnh ở xã Hoằng Lộc, Nguyễn Quỳnh, truyện Trạng Quỳnh được dân gian hóa, một ông Trạng thông minh, hóm hỉnh, chỉ mặt đặt tên những thói hư tật xấu của chế độ phong kiến. Mặc dù chỉ đỗ Hương Cống (tương đương cử nhân) nhưng cụ Nguyễn Quỳnh được người kinh đô thời bấy giờ suy tôn là “Tràng An Tứ Hổ”. Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thanh, cán bộ đã nghỉ hưu, hậu duệ đời thứ 15 của cụ Nguyễn Quỳnh vào dâng hương đền thờ quan Trạng. Đền thờ Trạng Quỳnh tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thanh sạch, hình mu rùa. Trước sân đền là một ao sen, mùa hè hương sen lan tỏa thơm ngát, phía sau là cánh đồng lúa bát ngát đến tận chân đê sông Mã. Khách tham quan, nhất là học trò, đến dâng hương cầu nguyện sự hanh thông, thành đạt trên con đường học vấn. Nguyễn Quỳnh và truyện Trạng sống mãi trong lòng nhân dân. Ông Nguyễn Thanh cho chúng tôi biết: Họ Nguyễn ở Hoằng Lộc xưa đến nay con cháu sinh sôi nên có rất nhiều các chi phái, nhiều người đỗ đạt cao. Trong đó, chi của cụ Nguyễn Quỳnh là nhiều người đỗ đạt nhất. Hằng năm, vào ngày hai tám tháng giêng, ngày giỗ Trạng Quỳnh, con cháu các chi phái trong họ và nhân dân trong vùng làm lễ cúng rất long trọng. Con cháu công tác, làm ăn xa quê về làm giỗ, dự lễ, xe cộ nêm cứng cả một vạt đường dài.
Theo đường làng bê tông láng mượt, rộng rãi, chúng tôi đến thăm Bảng Môn Đình, khu di tích vào bậc nhất đất nước. Bảng Môn Đình được hiểu nghĩa rõ hơn là nơi cúng tế, hội họp của làng cũng là nơi xướng danh, tôn vinh những học trò học hành thành đạt thời phong kiến. Vào năm thứ ba đời vua Lý Thái Tông, niên hiệu Càn Phù thời nhà Lý, nhà vua trên đường Nam chinh đi dẹp giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi nước ta, ngày ấy, đường thiên lý vào Nam chạy qua Bột Đà Gia Trang (Hoằng Lộc ngày nay) thấy bình địa rộng rãi, khí đất trong lành, vua cho hạ trại nghỉ ngơi và chiêu mộ thêm quân sĩ. Một đêm, luận bàn quân sự với các tướng quá khuya, mệt quá, nhà vua thiếp đi trên bộ sạp mượn tạm của dân địa phương. Bỗng một cụ già dáng vóc đạo cốt hiện lên báo mộng cho nhà vua: “Ngày mai Hoàng Thượng sẽ gặp một người siêu phàm, người đó sẽ giúp nước nhà đuổi được quân giặc ra khỏi bờ cõi, hãy nhớ lấy lời ta!”. Nhà vua chưa kịp định thần để hỏi han thêm thì cụ già phất tay biến mất sau làn khói mỏng. Sáng sau, quả nhiên quân lính vào bẩm báo có một thanh niên dáng hình, tướng mạo rất khôi vĩ xin được yết kiến đức vua. Người trai đó chính là Nguyễn Tuyên, năm đó ông 21 tuổi, “văn võ tinh thông, tài năng xuất chúng, trí độ hơn người”. Được nhà vua tin dùng, phong làm tướng tiên phong chỉ huy binh mã đi đánh giặc. Trận ấy, dưới cờ của Nguyễn Tuyên, quân ta chiến thắng vang dội, truy đuổi quân giặc lùi sâu vào đất Chiêm. Ghi nhận công trạng của ông, vua phong cho ông chức Đại tướng. Cuối năm, đoàn quân ca khúc khải hoàn chiến thắng trở về. Đến đầu làng, sấm sét nổi lên đùng đùng, đang trên lưng ngựa chiến, ông đã Hóa về trời, vào ngày 21 tháng chạp năm 1037 (Đinh Dậu). Vô cùng tiếc thương, dân làng đã xây lăng mộ ngay nơi ông mất. Sau đó lập đền thờ để ghi nhớ công lao người con của làng, anh hùng đánh giặc cứu nước, tôn vinh gọi là Thành Hoàng làng. Đến thời nhà Lê (thế kỷ thứ XV), đền thờ được mở rộng tôn tạo thành nơi hội họp của dân làng gọi là Bảng Môn Đình. Trước cửa Bảng Môn nghệ nhân khắc chạm tấm bia đá bốn chữ trang trọng: “Địa linh nhân kiệt” (Đất linh thiêng, người tài giỏi). Người Bột Đà Trang có truyền thống “trọng khoa hơn trọng hoạn” (tức tôn vinh người đỗ đạt khoa bảng). Các quan tân khoa sau khi nhận bảng vàng, được vua ban mũ áo, võng lọng, về làm lễ ra mắt Thành Hoàng làng và nhân dân.
Hằng năm, vào ngày hai mốt tháng chạp, ngày giỗ Đức Thành Hoàng ở Bảng Môn Đình rất long trọng. Ngày này cũng là ngày hội làng, nhân dân nghỉ việc để tham gia lễ hội. Tất cả con cháu đều có mặt. Từ người làm quan to trong triều đến thứ dân buôn bán nơi xa đều phải tề tựu đầy đủ. Sau nghi lễ cúng tế Thành Hoàng làng, là lễ hóa đồ cúng, chiếu hoa được trải ra từ trong nhà đến ngoài sân đình. Quy định chỗ ngồi của mọi người theo thứ bậc đỗ đạt học vị thời bấy giờ. Người đỗ đại khoa ngồi chiếu trong, đến các bô lão, sau đó cứ chiếu theo mức độ phẩm trật mà ngồi cho đến thứ dân. Cách sắp chỗ ngồi này vừa thể hiện sự nghiêm cẩn nơi uy linh vừa có ý khuyến khích con em nỗ lực dùi mài kinh sử để đỗ đạt thành tài giúp dân, giúp nước. Bảng Môn Đình thuộc loại cổ kính vào bậc nhất nước ta, xếp ngang hàng với Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và Đình Bảng ở Bắc Ninh.
Phía sau Bảng Môn Đình còn lưu giữ được di tích Văn chỉ Hoằng Hóa. Đó là tấm văn bia bằng đá xanh phẳng lì, chiều cao khoảng hai mét, rộng khoảng hơn một mét, có khắc tên những người đỗ đạt thời phong kiến của huyện nhà từ tiến sĩ trở lên, xung quanh còn có các ghế, ngai, sập bằng đá chạm khắc rất công phu. Khu đặt Văn chỉ diện tích khoảng hai trăm mét vuông, dưới tán cây cổ thụ cổ kính, râm mát quanh năm. Tương truyền, xưa kia, Văn chỉ đặt tại phủ huyện Hoằng Hóa cách Bột Đà Gia Trang khoảng 5km, một đêm mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng, người thường không ai dám ra ngoài đường, các vị thần hô mưa gọi gió, đã sai khiến quân sĩ âm binh đem Văn chỉ về đặt cạnh Bảng Môn Đình, cạnh đường thiên lý. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Văn chỉ còn bảo quản được đến bây giờ quả là một bảo vật vô giá của quê hương.
Đến Bột Đà Trang - Hoằng Lộc, tại Bảng Môn, chúng tôi còn được thưởng lãm “Hòn đá Sư Lộ”. Sử làng kể rằng, Nguyễn Sư Lộ trước khi đỗ đại khoa ra làm quan thường ngồi học ngay bên đường, học trò đem sách đến nhờ ông giảng hộ, thầy giảng bài hay quá, người đi đường dừng lại nghe thầy giảng một cách say mê rồi đem con em đến ghi tên xin học. Lời đẹp lan xa, tiếng lành truyền mãi, học trò đến xin học ngày càng đông, nhiều người đỗ đạt cao. Thầy dạy giữa đất trời, thẩm định chất lượng là học trò và nhân dân, phải chăng là một kiểu dạy học mà ngày nay chúng ta cần học tập. Hòn đá thầy ngồi dạy học nhiều năm đã mòn vẹt, nổi vân hoa rất đẹp. Hòn đá Sư Lộ là một huyền tích đẹp về truyền thống hiếu học của quê hương, “tôn sư trọng đạo” của người Bột Đà Trang.
Chúng tôi vào thăm nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Đức Lợi, cũng trong chi phái họ Nguyễn, ở thôn Đông Phú, Hoằng Lộc. Dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Lợi còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Bên chiếc chõng tự đóng bằng tre đẵn trong vườn, nhâm nhi chén trà thơm giòn, chúng tôi nghe ông kể những sự tích về quê hương. Đây là một làng cổ nhất của xã. Những mái nhà rường cổ kính, mái ngói nhấp nhô, rêu phong, xung quanh là vườn cây ăn quả xanh mướt râm mát. (Hoằng Lộc là xã có nhà rường cổ nhiều của tỉnh). Vẳng nghe tiếng đục khàn chầm chậm của ông giáo già nghỉ hưu dạy các cháu học bài. Những rặng dừa xanh mát, quả lúc lỉu soi bóng xuống dãy ao chum quanh năm tím ngăn ngắt hoa lục bình, hoa sen, hoa súng. Dân gian có câu: “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào”. Giống dừa ở đây quả to, nước nhiều ngọt lịm. Dừa Hoằng Lộc có mặt khắp nơi trong tỉnh, bao giáo sư, tiến sĩ Hoằng Lộc nên danh cũng là nhờ từ đồng tiền bán dừa. Tre trúc ken dày hai bên đường làng quanh co, hun hút. Xa xa, trong lùm tre, trúc, cặp chim cu gù nhau dìu dặt. Ở bờ ao nọ, đôi vợ chồng nhà con chim cuốc thơ thẩn kiếm ăn. Làng quê êm đềm, thanh bình dường như chưa bị nhiễm cái không khí náo nhiệt của đô thị hóa nông thôn như một số nơi. Tiếng ru nựng con “à ơi!” trầm bổng ngọt ngào của người mẹ trẻ làm xao động tâm tư du khách. Tiếng lách cách thoi đưa của nghề canh cửi một thời như còn vẳng đâu đây nhắc nhớ về một thời xưa cũ, con gái làng Bột siêng năng, chăm chỉ với nghề truyền thống của quê hương. Một vùng quê có truyền thống hiếu học. Ông Lợi bấm đốt ngón tay để nhớ: Bột Đà Trang hay còn gọi Hoằng Nghĩa, làng quan Trạng xưa có đến 12 người đỗ đại khoa, 7 tiến sĩ được đề danh bia đá tại Quốc Tử Giám và trên 200 người đỗ hương cống, cử nhân. Ở đây còn lưu mãi câu ca:
Trai thời đề bảng thành danh
Gái thời dệt vải vừa nhanh vừa tài.
Gái Hoằng Lộc nổi tiếng đẹp người đẹp nết, từ xưa đến nay kiệm cần nuôi chồng, nuôi con ăn học thành danh.
Trên mảnh đất này biết bao huyền tích đẹp. Du khách cúi đầu dâng hương đền thờ Tướng quân Bùi Khắc Nhất, vị tướng lập nhiều chiến công ở thời nhà Lê, đến viếng thăm đền thờ Thượng thư Hà Duy Phiên, con người lẫy lừng uy danh, từng nhiếp chính triều đình khi vua Tự Đức triều Nguyễn đi công cán bang giao sang Pháp. Nghe người dân ngậm ngùi, tiếc thương kể về tài năng xuất chúng mà yểu mệnh của vị Hoàng giáp trẻ tuổi Nguyễn Bá Nhạ từng làm quan triều Nguyễn, ông về trời khi chưa đầy 23 tuổi… và còn nhiều giai thoại văn chương, kể mãi không hết. Ngày nay, Hoằng Lộc có 11 giáo sư, phó giáo sư, 45 tiến sĩ, 50 thạc sĩ, hàng nghìn cử nhân đại học. Trong đó, các cấp học từ Mầm non đến THCS của xã là những vườn ươm tài năng tri thức cho trường THPT Hoằng Hóa 4.
Bắt tay thật chặt và cám ơn các cụ dòng họ Nguyễn trong tình cảm bịn rịn, lưu luyến, chúng tôi hẹn một ngày không xa sẽ lại trở về thăm Hoằng Lộc. Lan man trên bản đồ du lịch tỉnh Thanh, về với Hoằng Hóa, địa chỉ đỏ về văn hóa hấp dẫn du khách chính là Bột Đà Trang xưa và Hoằng Lộc ngày nay.
L.X.T