Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em qua tranh dân gian _ Hoàng Minh Tường
Đối với trẻ em trước khi cắp sách đến trường học chữ, học làm người thì điều trước tiên đó là học vẽ. Vẽ chính là xuất phát điểm đối với trẻ, dẫu ban đầu chỉ là vô thức. Đầu tiên là cầm que vạch trên đất, tiếp theo là dùng gạch và than rồi sau nữa dùng đất nặn nặn những gì mà các em yêu thích như quả chuối, quả cam, con gà con bé tí rồi đến dùng bút chì, màu, sáp, kéo, giấy màu. Các em vẽ nặn, cắt dán những gì gần gũi, thân thiết. Với trẻ thơ các em thường vui mà vẽ hoặc vẽ, nặn, cắt dán theo cảm tính chứ chưa phải theo chủ định từ trước như người lớn.
Trẻ thơ thường quan sát cụ thể về màu sắc. Trẻ sớm làm quen với màu xanh của cây lá trong vườn, màu vàng của quả cam, quả bưởi, của đồng lúa chín, màu đỏ của lá cờ, con gà có mào màu đỏ cất tiếng gáy ò ó o thức gọi ông mặt trời. Chẳng thế mà những con tò he đủ sắc màu rực rỡ, những trâu lá đa, những con thuyền giấy, cánh diều... đã theo các em đi suốt tuổi thơ và cả sau này không bao giờ phai trong ký ức. Đối với trẻ thơ, đặc biệt là trẻ thơ vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ bé trẻ đã sớm được tiếp xúc với những đường nét trang trí thêu dệt và màu sắc được ông bà, cha mẹ là các nghệ nhân dân gian chăm chút nhen lên trong tâm hồn con trẻ niềm đam mê hài hòa màu sắc, mỹ thuật.
Khi đứa con đầu lòng của các đôi vợ chồng trẻ chào đời, trong lễ đặt tên con, nếu là con gái thì gia đình đặt trên mâm lễ vật cúng một mảnh vải trắng cùng với cái kim đã luồn sợi chỉ màu làm động tác cho đứa bé cầm kim chỉ thêu mảnh vải tượng trưng để truyền dạy con cháu biết thêu thùa kế nghiệp truyền thống nghệ thuật của ông bà, cha mẹ. Đồng thời bà ngoại đứa trẻ cũng làm địu hoa thêu thùa lộng lẫy sắc màu để cõng và hát ru đứa cháu ngủ trong nôi. Có hai loại địu: Địu thêu và địu hoa. Địu thêu, được thêu thùa cầu kỳ hơn, thường được thêu bằng chỉ màu viền giấy kim tuyến tạo thành màu sắc lấp lánh. Hoa văn thường làm nổi với mô típ làn máy bay và dây leo. Còn địu hoa thường được ghép những mảnh vải hoa cắt gấp hình quả trám cài xen các màu khác nhau. Màu sắc các mô típ hoa văn cả hai loại địu thường dùng màu đỏ - xanh (gam nóng - lạnh) tạo màu sắc trung hòa của cảnh quan khí trời miền núi làm cho đứa trẻ sau một năm tuổi biết hưởng thụ, tiếp thu cái đẹp qua thị giác một cách hồn nhiên, trong sáng để hình thành nên thị hiếu thẩm mỹ và nâng cao nhu cầu sáng tạo cái đẹp khi lớn lên sau này.
Lớn hơn một chút cùng với việc gần gũi những người thân như ông bà, cha mẹ, anh em... trẻ em làm quen với những gì ở quanh mình đó là con chó, con mèo, con trâu, bông hoa, ngôi nhà, rồi xa hơn nữa là dòng sông, cánh đồng, con đường, núi non, trời, biển... được các em vẽ theo sự quan sát và trí tưởng tượng của mình.
Tranh của trẻ em rất đơn giản, ngộ nghĩnh, ngây thơ, sinh động, đẹp hấp dẫn. Màu sắc cuộc sống vô cùng phong phú và đa dạng, nó mang theo cái rực rỡ, trong sáng vào tranh vẽ của trẻ thơ với những sắc màu cơ bản: màu đỏ, đen, trắng, vàng, xanh. Trong quá trình thực hiện trẻ nhận thấy: không chỉ có mặt trời màu đỏ mà cả bầu trời màu đỏ bởi ông mặt trời đã hắt lên trên nền trời những tia nắng đỏ rực... Lúc ấy, mọi vật được nhuộm trong những sắc màu tươi sáng, ấm áp... cảm thụ nghệ thuật của trẻ được khơi dậy, đánh thức từ sự quan sát tinh tế.
Tranh vẽ của trẻ em rất gần với tranh dân gian, hay nói cách khác tranh dân gian rất phù hợp với tâm hồn trẻ thơ bởi tính hồn nhiên, vui tươi, hóm hỉnh, mộc mạc, màu sắc tự nhiên, đường nét, hình khối đơn giản, dễ hiểu làm cho trẻ em yêu thích.
Tranh dân gian phản ánh mọi mặt của đời sống với cái nhìn lạc quan, tươi sáng, từ xưa đến nay được mọi người ham chuộng. Với nội dung và hình thức độc đáo tranh dân gian là một loại hình nghệ thuật được phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Tranh dân gian phản ánh đa dạng cuộc sống xã hội, song đối với đề tài trẻ em và những con vật được trẻ em ưa thích đã được nghệ sĩ dân gian gửi hồn mình trong bức vẽ. Đó là: em bé cưỡi trên mình nghé, đầu che chiếc lọng lá sen, tay nâng ống sáo kề miệng thổi... là một hình tượng nghệ thuật đẹp yêu đời, yêu cuộc sống, yêu lao động ngay từ tuổi thơ. Bức tranh bảy em bé đu cành đào với những hoa và quả ở tranh Thất đồng làm người xem nức lòng với thế giới trẻ con bụ bẫm vô cùng mến yêu, hồ hởi với ước vọng con trẻ hạnh phúc, khoẻ mạnh. Những em bé ôm con cóc, ôm gà hay vịt ở các tranh Lễ trí, Phú quý, Vinh hoa... đều là những đứa trẻ khôi ngô mà mọi người làm cha mẹ hằng mơ ước.
Những tranh về các cuộc vui chơi trong ngày hội, ngày tết như rước rồng, múa lân, đánh vật... càng thấy cuộc đời phơi phới đáng yêu. Cả đến những sinh vật như gà đàn, lợn ổ... khi đã đi vào tranh cũng mang một niềm vui hồn hậu, đậm đà. Người xem đã nhận ra ở con lợn nái lúc nhúc 5 con có cái mồm tủm tỉm như mới gặp được điều gì lý thú. Gà mái mỏ còn ngậm mồi đang "túc... túc..." gọi đàn con xúm xít chia mồi. Gà trống rướn cao cổ đầy khí phách che chở cho gà mẹ, gà con.
Trong tranh dân gian con người dù trong lao động hay vui chơi đều rất thoải mái. Chẳng những vui khi múa rồng, múa lân... mà vui ngay cả lúc đi cày, khi xung trận. Bà Trưng, Bà Triệu mỉm cười đánh giặc. Anh đô vật hớn hở trong cuộc đấu sức không hề có ý được thua.
Ngay cả những bức tranh thờ như Ngũ Hổ, Tứ Pháp... các nghệ nhân dân gian cũng thả hồn mình vào từng nét vẽ, mảng màu làm cho tranh thờ mang tính tôn nghiêm cũng trở nên gần gũi, hiền lành, bình dị, tranh dân gian với cảm quan nghệ thuật và thẩm mỹ trong sáng bắt nguồn từ đời sống, những bức tranh như hình bay ở trên tưởng như các nghệ sỹ dân gian vẽ riêng cho trẻ em vậy.
Trong tranh dân gian, một bộ phận khá lớn đã đi vào đề tài lịch sử, phản ảnh những anh hùng cứu nước và giữ nước của dân tộc, những chiến công lẫy lừng trong nhiều thời kỳ lịch sử được trẻ thơ yêu thích không chỉ về nội dung tích truyện mà cả về nghệ thuật thể hiện giản dị, tự nhiên nhưng đầy sức biểu cảm. Bắt gặp ở đây những Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân, Trưng Vương trừ giặc Hán, Triệu Ẩu đánh quân Ngô, Ngô Vương Quyền đánh giặc Hán, Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên, Lê Thái Tổ quét sạch quân Minh, Bắc Bình Vương đại phá quân Thanh, Đinh Tiên Hoàng tập trận với trẻ mục đồng. Trong tranh Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân, cậu bé làng Gióng cưỡi trên con ngựa hồng đang băm băm phi nước đại, hai tay quay tít những cây tre ngà, tung hoành giữa đám giặc Ân đang rối loại vứt giáo mộc, đứa ngã lăn ra đất, đứa co chân chạy thục mạng... đằng sau Phù Đổng Thiên Vương, núi non của Tổ quốc trùng điệp, hùng vĩ, dưới ngọn cờ hồng, cả hàng quân chỉnh tề vũ khí ra quân tiếp sức như kéo dài vô tận. Tất cả những tranh anh hùng ấy với lòng yêu nước, yêu dân đã làm xúc động tâm hồn các nghệ nhân dân gian, rồi qua bàn tay trân trọng của nghệ nhân, được hiện ra trên giấy dó, dẫn dắc tuổi thơ ngược dòng lịch sử về với cội nguồn truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Cùng với tranh dân gian, loại hình tranh cắt giấy trang trí cũng rất gần gũi và có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ cao đối với trẻ thơ. Đồng bào Hoa, Dao, Tày, Mông... từ lâu đời đã có khiếu thẩm mỹ và nghệ thuật cắt giấy làm tranh và trang trí trong nhà nhân các dịp lễ tết, hội hè cũng tác động tốt đối với trẻ em. Các mô típ trang trí hoa văn rất phong phú, bao gồm các loại hình: hình thực vật (bông lúa, hoa lê, lá cây dương xỉ, lá cây leo, lá tre mai... ), hình động vật như: trâu, ngựa, lợn, gà, chim, cá, ngỗng, hổ, rồng trong đó hình chim chủ yếu là hình chim én và con dơi; hình mặt trời, mặt trăng, ông sao, làn mây bay, sóng nước, núi non, mái ngói, cửa sổ... rất gần với trẻ nhỏ, giúp trẻ dễ nhận ra và tự cắt dán, trang trí làm đẹp.
Tranh dân gian gần gũi, không cầu kỳ, dễ hiểu đối với trẻ em, phản ánh tâm hồn trẻ thơ, được trẻ em yêu thích. Vì vậy giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em thiết nghĩ không phải đem đến cho trẻ những cái gì mới lạ mới là tốt mà trước hết phải biết khai thác, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc, giúp các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của tranh dân gian bằng hình tượng, đường nét, màu sắc, qua đó bồi dưỡng, nhen lên trong tâm hồn trẻ thơ tình cảm thương yêu ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè, tình yêu Tổ quốc, yêu thiên nhiên đất nước, biết quý trọng những thành quả lao động của cha ông để lại, thắp lên tình cảm yêu nước thiết tha, tự hào với truyền thống, lịch sử vẻ vang của đất nước, quê hương để gắng công rèn đức, rèn tài mai sau đem tài năng, trí lực của mình góp phần làm rạng rỡ non sông đất Việt.
Nghệ thuật tạo hình nói chung và tranh dân gian nói riêng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn niềm vui cho con người, cho trẻ thơ bằng cái đẹp của đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng và quy luật xa gần. Đích của nó là làm đẹp cho người, cho đời.
Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em bắt đầu từ tranh dân gian là việc làm hữu ích thiết thực mang giá trị thẩm mỹ cao đã được bao đời nay sáng tạo, kết tinh thành giá trị "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" cần phải được làm tốt hơn nữa.
H.M.T