Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Thắng tích Hàn Sơn - Phạm Tấn
Thắng tích Hàn Sơn - Phạm Tấn

Từ bao đời nay, khách hành hương của cả nước dù đi đâu, về đâu vẫn không bao giờ quên được “tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (hội Gai tức hội đền Hàn, hội Mía tức hội đền Sòng). Đó là hai lễ hội văn hóa tâm linh lớn vào bậc nhất xứ Thanh và cả nước. Thời gian giữa hai hội này cách biệt nhau những bốn tháng. Nếu như hội đền Sòng là hội mùa xuân diễn ra trong suốt tháng hai ấm áp với rất nhiều mía “tiến” Triệu Tường thì hội đền Hàn lại là hội mùa hè kéo dài trong cả tháng sáu nóng nực với bạt ngàn dứa gai thơm ngọt.
Và có điều rất lạ, cứ vào mùa hội đền Hàn, trong khung cảnh nắng hè oi ả, nhưng hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp mọi miền đất Việt vẫn trẩy về vùng đất Hàn Sơn xứ Thanh với tất cả sự hứng khởi và sùng tín. Rồi ngay cả những người xa xứ ở mãi tận trời Tây, trời Đông có dịp về thăm cố quốc cũng không bỏ qua kỳ hội đền Hàn này.
Nói là đi trẩy hội đền Hàn, nhưng khách hành hương đều phải có mặt ở cả 4 di tích đó là:
- Đền Cây Thị ở cuối xã Hà Ngọc mà dân gian vẫn gọi là đền Trình (nơi thờ một liệt nữ thời Bà Triệu).
- Đền Hàn Sơn (tức đền Đức Ông) và đền Bông (tức đền Cô Bơ, hay Cô Ba Thoải) đều thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung.
- Đền Phong Mục (thuộc xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) với cả hệ thống thờ Mẫu phong phú nằm ở phía bên kia sông Lèn đối diện với đền Hàn Sơn.
Cả 4 di tích này đều nằm trong phạm vi không gian của khu vực thắng cảnh Hàn Sơn hữu tình và thơ mộng. Đây chính là vùng đất cổ có bề dày lịch sử thật sôi động. Qua khảo sát, nghiên cứu, được biết vùng đất xã Hà Sơn xưa còn có tên là Kẻ Nước và Chí Thủy. Điều này thật thú vị bởi vì vùng đất này nằm ngay trong khu vực Ngã Ba Bông - nơi sông Mã tách dòng trước khi về biển cả. Nơi đây chính là giao điểm của Ngũ huyện kê - nơi “một con gà gáy năm huyện cùng nghe”. Về mặt địa lý mà nhìn nhận thì thấy rõ vùng đất Hàn Sơn nằm lọt vào vùng rốn nước trung tâm của vùng châu thổ sông Mã. Và cũng vì lẽ ấy mà cái tên Làng Bông đã được dân gian đặt tên cho một ngã ba sông nổi tiếng khắp xứ Thanh - đó là Ngã Ba Bông. Ngôi đền thờ Mẫu Thoải (tức Mẹ Nước) ở đây cũng được lấy tên là đền Bông. Chính vì ở nơi ngã ba và rốn nước của sông Mã cuộn chảy mà việc thờ Mẹ Nước (tức bà Chúa Thoải) mới càng thêm “linh nghiệm” và cuốn hút khách hành hương ở khắp mọi miền đất nước.
Ở nơi miền sông nước, lại có núi non viền quanh, cái tên Hàn Sơn cũng được cắt nghĩa thật đơn giản, bởi vì, về triết tự thì thấy rõ sơn là núi, còn hàn tức là vực, thác ngầm ở khúc sông chảy qua. Sông Lèn tách ra từ sông Mã, khi chảy qua hệ thống đá ngầm ở chân núi, dòng sông trở nên hung dữ và xoáy xiết. Về mùa mưa, mỗi khi qua lại từ đền Hàn sang đền Phong Mục, để tránh nguy hiểm, thuyền bè phải lui xuống phía dưới để tránh đoạn Hàn (thác) ngầm này. Quả núi liền kề nơi có con sông đi qua chỗ hàn thác ngầm được gọi là núi Hàn (tức Hàn Sơn), và ngôi đền Đức Ông ở núi ấy cũng được gọi tên là đền Hàn Sơn (tức đền Đức Ông), ở phía bên kia sông là đền Phong Mục với cả hệ thống thờ tứ phủ và đền Cô Tám - vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên chữa bệnh cứu giúp dân lành.
Căn cứ vào các tài liệu sử sách, bia ký và truyền thuyết dân gian, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Đền Hàn Sơn (mà dân gian quen gọi là đền Đức Ông) chính là đền thờ vị danh tướng anh hùng thời Lê có công trong việc gìn giữ và bảo vệ đất nước. Theo nội dung bản dịch văn bia được phát hiện ở đền Hàn Sơn của nhà nghiên cứu Hán Nôm Bùi Xuân Vĩ thì chúng ta có thể tóm tắt tiểu sử về ông như sau: Khoảng năm đầu Hồng Đức (Triều vua Lê Thánh Tông - năm 1470 cách nay hơn 500 năm, Lê Thọ Vực theo binh đi chinh phạt Chiêm Thành. Trong trận đánh vây thành Chà Bàn (thủ đô Chiêm Thành), Lê Thọ Vực đã xông vào trước và bắt sống được vua Chiêm tên là Trà Toàn. Đến năm Kỷ Hợi (1479) nhân có tù trưởng, người đứng đầu xứ Bồn Man là Cầm Công, có ý làm phản, xui người Lão Qua (Lào) quấy nhiễu ở miền tây nước Việt ta, Lê Thọ Vực được triều đình trao chức Chinh di tướng quân. Lê Thọ Vực đã cùng với các tướng khác như Trịnh Công Lộ (con vị khai quốc công thần Lũng Nhai - Lam Sơn Trịnh Khả thời Lê Lợi), Lê Đình Ngạn, Lê Công và Lê Hưng Hiến kéo binh đi đánh giặc. Toàn thắng trở về, Lê Thọ Vực được phong chức Bình chương quân quốc trọng sự. Về sau, ông được làm đến chức Thái úy, đứng đầu hàng võ và được vua ban tước Sùng quốc công.
Theo Tiến sĩ Lưu Công Đạo, Tri huyện Vĩnh Phúc (tức huyện Vĩnh Lộc) thời Gia Long, cách nay gần hai trăm năm có viết về Thái úy Sùng quốc công trong sách chữ Hán “Vĩnh Lộc phong thổ chí” như sau: “Xét thấy truyền rằng ông (tức Lê Thọ Vực) là người thôn Đoài, huyện Thái Đường (tức Hà Sơn, Hà Đông, Hà Trung ngày nay) họ Lê, tên kiêng húy là Thọ Vực, hiển đạt vào khoảng niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức triều Lê (khoảng 1460 -1497).
Xét trong quốc sử: Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, vây thành Đồ Bàn, ông Lê Thọ Vực tiến lên trước, phá thành, bắt sống được vua Trà Toàn đem đến. Trà Toàn vua Chiêm vào lạy, vua Lê Thánh Tông sai Đỗ Hoàn, trỏ vào Lê Thọ Vực mà bảo Trà Toàn rằng: “Lúc đánh thành, lên trước phá thành là người này”. Về sau mấy lần đổi ấn Chinh di tướng quân, coi cả quân 5 đạo đi đánh Bồn Man, vào nước Lão Qua (Lào) tiến tới giới hạn sông Trường Sa, giáp với nước Diến Điện, được văn thư nước Diến, lại thăng thêm chức Bình chương quân quốc trọng sự. Khi ông Lê Thọ Vực ở địa vị chính sự, vua Lê Thánh Tông thường bàn tính công việc với ông nhiều lần.
Lại còn truyền rằng: Lúc Lê Thọ Vực đi đánh Chiêm Thành, tất cả người Chiêm nào bị bắt sống, ông đều vâng mệnh triều đình nhà vua lập trang trại, sai khai khẩn đồng ruộng như các trang trại Quán Bò, Quán Bốn hiện nay phần nhiều họ Vũ là vì thế, các trang trại này đều có miếu thờ - Lê Thọ Vực, cúng tế mãi.
Than ôi! Công nghiệp của ông thịnh đạt như thế, xét ở sử sách còn có chứng nghiệm rõ ràng. Hỏi các cụ già đều nói: "Đều nghe đời trước người làng có Sùng quốc công khoảng năm Hồng Đức đi dẹp Chiêm Thành… Trải qua các triều đại binh biến, họ hàng con cháu cũng cùng thời mà tan tác. Năm đã lâu, việc nguội lạnh, tuy chưa thể xét rõ được, song danh tiếng của Sùng quốc công và miếu, mộ Sùng quốc công còn biểu hiện ở tai mắt người ta thì sao lại có thể bỏ mất đi được cho nên phải nêu ra”.
Ghi chép về nhân vật Lê Thọ Vực, sách Thanh Hóa chư thần lục có đoạn: “Húy là Thọ Vực. Là người hình sung cao lớn, tính nết thông minh. Khoảng năm Quang Thuận đời Lê (1460-1469) có giặc Chiêm Thành xâm lấn, thần vâng mệnh đề binh mà tiễu trừ, xông vào trận bắt sống tướng giặc. Được phong là Bình chương quân quốc trọng sự. Sau khi mất được ban phong và sai dân lập đền thờ”.
Còn sách Đại Nam nhất thống chí thì cũng chép về ông tương tự như vậy: “Lê Thọ Vực, người xã Thái Đường, huyện Vĩnh Lộc đỗ Bảng nhãn đời Hồng Đức, đi đánh Chiêm Thành, vây thành Chà Bàn, ông lên trước phá thành, bắt được Trà Toàn; trải làm Bình dị tướng quân, lãnh binh sĩ năm đạo đi đánh Bồn Man, chiếm đất Lão Qua; gia phong Bình chương quân quốc trọng sự…”.
Như vậy, đến đây, chúng ta có thể khẳng định vị thần được thờ ở đền Hàn Sơn (mà dân gian vẫn quen gọi là đền Đức Ông Sùng quốc công) chính là một nhân vật lịch sử có thật - một danh tướng thời Lê tên là Lê Thọ Vực, người xã Hà Sơn, huyện Hà Trung hiện nay.
Theo nhân dân địa phương cho biết thì lúc mới mất, đền thờ Sùng quốc công Lê Thọ Vực được đặt ở khu vực đền Bông bây giờ. Sau đó, đền mới được đưa đến đặt ở sườn núi Hàn với cái tên đầy sự tôn kính: Đền Đức Ông. Và đền Đức Ông hay đền Hàn Sơn từ vài thế kỷ nay đã trở thành điểm hẹn của người xứ Thanh nói riêng và người đất Việt nói chung.
Trên sườn núi Hàn, đền Đức Ông (tức đền Hàn Sơn) xưa gồm 4 cung rất uy nghi và tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ Đức Ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ Mẫu, cung tam thờ hội đồng. Qua khảo sát nghiên cứu thì thấy rõ vị thần được thờ chủ yếu ở đây là nhân vật Sùng quốc công Lê Thọ Vực, còn hệ thống thờ Mẫu và thờ hội đồng là do người đời sau thêm vào… và đó cũng là điều thường thấy trong việc phối thờ ở các đền thờ hiện nay.
Sau hòa bình lập lại, do sự nhận thức ấu trĩ trong việc bài trừ mê tín, dị đoan nên đã xóa đi một thắng tích nổi tiếng. Giờ đây, từ trong tâm thức, với lòng khát vọng khôn cùng, địa phương và du khách đã góp công, góp của để đem lại vẻ nguy nga của đền Hàn xưa.
Khách hành hương gần xa đến với hội đền Hàn, điểm dừng chính không thể nào bỏ qua được lại là chỗ đền Bông mà dân gian còn gọi là “đền Cô Bơ” hay “Cô Ba Thoải”. Đó chính là hiện thân của một anh hùng văn hóa bà Chúa Nước mà chúng ta thường gọi là Mẫu Thoải (tức Mẹ Nước), giống như Mẫu Địa (tức Mẹ Đất), Mẫu Thượng Ngàn (tức Mẹ Rừng Núi), Mẫu Tiên (tức công chúa Liễu Hạnh), v.v… Tất cả tín ngưỡng thờ Mẫu này đều có nguồn gốc từ xa xưa - và là sự kế thừa của tín ngưỡng dân tộc, bản địa thời cổ đại.
Trong cả nước (nhưng chủ yếu là cư dân đồng bằng Bắc Bộ từ Nghệ Tĩnh trở ra) thì nơi thờ Mẫu Thoải (Mẹ Nước) chính thức và chủ yếu là đền Cô Bơ (Cô Ba) ở Ba Bông (thuộc Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa).
Khách thập phương đến đền Cô Bơ đông là vì lẽ ấy. Cư dân của một nước Việt truyền thống biết chọn vị trí Ba Bông - nơi tam giác nước của châu thổ sông Mã để thờ Mẹ Nước là điều dễ hiểu, bởi vì Mẹ Nước sẽ là người “tối linh” quyết định cuộc sống con người, nhất là đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Ngã Ba Bông còn là con đường đi ngược, về xuôi, khi lên thác, xuống ghềnh nguy hiểm thì bà Chúa Nước sẽ “phù hộ” cho mọi người được an bình.
Ngày cuối cùng của tháng hội đền Hàn là ngày rước nước lớn nhất ở khu đền Bông. Sau đó là những cuộc đua thuyền náo nhiệt trên sông nước, làm khuấy động cả khoảng trời - đất - núi - sông của năm huyện kề sát.
Hiện nay, nhân dân thập phương đã đóng góp tôn tạo lại đền Bông gần được như xưa để cho vùng sông nước Ba Bông của châu thổ sông Mã ở xứ Thanh ngày thêm sinh động.
Giờ đây, khu vực thắng cảnh Hàn Sơn (bao gồm cả đền Hàn, đền Bông của xã Hà Sơn và đền Phong Mục của xã Đại Lộc) cùng các điểm di tích phụ cận như núi non, hang động, sông nước, ruộng đồng, làng xóm xung quanh sẽ là một trung tâm du lịch lễ hội văn hóa rất giàu tiềm năng ở xứ Thanh.
Từ cầu Lèn đến Hàn Sơn, chỉ khoảng 4-5km, chúng ta có thể đi bằng các phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, hoặc đi bộ. Nhưng thú vị nhất là chỉ đi bằng thuyền hoặc bằng ca nô. Đi trên sông nước từ Lèn đến Hàn Sơn và Ngã Ba Bông, chúng ta sẽ có cảm giác thi vị và mến yêu đến say đắm về một vùng non nước kỳ vĩ và nên thơ này. Khi đi qua xã Hà Ngọc, chúng ta có dịp dừng chân ghé thăm một vùng đất lịch sử với không gian văn hóa Lý - Trần đậm đặc như chùa Linh Xứng và đền thờ Lý Thường Kiệt để nhớ những kỷ niệm hào hùng của vị danh nhân tiêu biểu của dân tộc đã có mười chín năm làm Tổng trấn Thanh Hóa.
Từ Lèn, lên Hàn Sơn và Ngã Ba Bông, bằng phương tiện đường sông, chúng ta sẽ lên được núi Đọ và khu thắng cảnh Bàn A nổi tiếng một cách dễ dàng, hoặc ngược lên Vĩnh Lộc để thăm động Hồ Công và Thành Nhà Hồ uy nghi bề thế.
Từ Lèn, du lịch đường sông để nghe hò sông Mã và lần lượt đến các điểm tham quan tọa lạc đôi bờ sông Mã, sông Chu thì tuyến du lịch từ cầu Lèn - Đền Lý Thường Kiệt - Hàn Sơn - Ba Bông - Núi Đọ - Bàn A Sơn - Lam Kinh hoặc từ Lèn - Hàn Sơn - Ba Bông đi quê hương nhà Trịnh - động Hồ Công - Thành Nhà Hồ chắc chắn sẽ càng hấp dẫn thêm du khách. 
Với vị trí địa lý thuận lợi, thuộc hạ lưu sông Mã, sát cạnh Ngã Ba Bông, cho nên vùng đất xã Hà Sơn - “Nơi con gà gáy năm huyện cùng nghe” chính là một đầu mối giao thông thuận lợi từ bao đời nay. Từ đây có thể đi được khắp các vùng trong tỉnh. Xưa kia, với phương tiện giao thông đường thủy là chính thì vùng đất này chính là nơi người qua lại tấp nập. Giờ đây, cảnh trí thuyền bè dập dìu với những buồm nâu, buồm trắng lướt lướt dăng hàng, hoặc cảnh đánh cá trên sông vẫn là những hình ảnh sinh động làm xốn xang lòng người.
Đoạn sông này cũng từng chứng kiến và nghi nhận nhiều cuộc giao chiến với quân Chiêm Thành và các cuộc thủy chiến thời Trịnh - Mạc phân tranh.
Cho nên, có thể nói, khu di tích thắng cảnh Hàn Sơn với cả một sắc màu lịch sử, văn hóa phong phú và lại ở một vị trí địa lý lịch sử đặc biệt, chắc chắn rồi đây, với sự quan tâm của Nhà nước, sự đóng góp nhiệt tình của người thập phương, Hàn Sơn sẽ trở thành một trong số những trung tâm du lịch lễ hội lớn của cả nước. Câu ca “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” sẽ còn ngân nga, ngân nga mãi để các cuộc hành hương từ mùa lễ hội đền Hàn này, đến mùa lễ hội đền Hàn sau không phải chỉ riêng xứ Thanh mà của cả nước cứ thế kéo dài, nối tiếp, dồn tụ khuôn đúc thành tình cảm, tâm linh, truyền thống, ước mong, khao khát của người đất Việt. Sức mạnh tinh thần từ người anh hùng văn hóa Mẹ Nước ở Ngã Ba Bông - Hàn Sơn sẽ giúp chúng ta càng gắn bó và yêu mến quê hương, đất nước.
                                      

P.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 2637
 Tổng số truy cập: 9303383
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa