Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Xứ Thanh - Những thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử - Trần Thị Liên
Xứ Thanh - Những thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử - Trần Thị Liên

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc đã tạo điều kiện cho những người thầy giỏi, đức hạnh được tôn vinh và lưu truyền trong lịch sử. Người dạy không chỉ nâng cao nhận thức cho người học mà còn đào tạo nhân tài góp phần xây dựng đất nước, phát triển xã hội.
Trong xã hội phong kiến, nhiều ông thầy đã mang kiến thức và chí hướng truyền thụ cho học trò, hun đúc nên những nhân cách lớn, đào tạo những nhân tài cho đất nước. Những trường hợp như vậy không chỉ được nhân dân kính trọng, học trò ngưỡng mộ mà còn được sử sách lưu danh và trở thành những tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ noi theo.
Một trong những người thầy vĩ đại trong lịch sử phải kể đến là Nguyễn Văn Nghi. Nguyễn Văn Nghi người làng Ngọc Đôi (tức Ngọc Bôi) thuộc làng Cổ Bôn xưa. Ông sinh năm 1511, mất năm 1580, thọ 69 tuổi.
Dòng dõi Nguyễn Văn Nghi khá nổi tiếng ở Cổ Bôn. Ông tổ đời thứ năm của ông là Nguyễn Hồ, do có công mở nước nên được phong Đại tướng quân, được sắc vua ban cho con cháu đời đời tập phong bổ dụng. Ông nội Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Uyên, tri huyện được phong chức Thái Bảo.
Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, đỗ cao. Cho đến nay, nhân dân trong vùng vẫn còn truyền tụng về bài thi xuất sắc của ông đã được vua khen là “Thần cú”.
Chuyện kể rằng, khi còn là học trò, có lần dạo chơi trên bờ sông, được nghe một người thuyền chài hát ru.
Bên sông thanh vắng một mình
Có ông ngư phủ biết tình mà thôi
Nguyễn Văn Nghi liền nhớ nhập tâm câu hát đó.
Sau này, trong một kỳ thi, nhà vua ra đề: Quốc tử. Các thí sinh đều nghĩ rằng nhà vua muốn hỏi về Quốc Tử Giám. Riêng Nguyễn Văn Nghi cho rằng “Quốc tử” là con nước, nghĩa là thủy triều. Nhớ lại câu hát ru dạo trước ông mượn ngay ý tứ của câu hát để viết thành hai câu:
Giang hồ tịch mịch vô nhân vấn
Duy hữu ngư ông thức đắc tình
Câu thơ chữ Hán ý nghĩa hoàn toàn giống câu ca dao. Ý tứ thâm trầm, chữ dùng điêu luyện và gợi cảm. Vì thế khi chấm bài, quan trường đã phê vào hai chữ “Thần cú”, ý khen đây là lời lẽ của Thần, người thường khó làm nổi.
Khóa thi đó Nguyễn Văn Nghi là người có tài được triều Lê trọng dụng. Ông đã giữ chức Hàn lâm viện. Năm 1557 đời Thiên Hựu, ông giữ chức Hộ khoa kiêm quản lý tài chính. Đời Gia Thái, ông làm Tả Thị lang Bộ Binh, tổng ký lục chỉnh đỉnh, đời Quang Hưng (1580) là tả Thị lang Bộ Lại.
Nguyễn Văn Nghi là người có học vấn cao, tính tình đoan chính, có khuôn phép và là bậc danh nho. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Nguyễn Văn Nghi là thầy học của hai vua Lê: Anh Tông và Thế Tông, được ba vua Lê tri ngộ; còn Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến chương loại chí đã xếp Nguyễn Văn Nghi vào hàng các nhà nho đức nghiệp “tiếng tăm hơn cả các nhà nho thời Trung Hưng”. Sau khi mất ông được triều đình phong Phúc thần.
Ông Nghè Trần Chiêm cũng là một người thầy tiêu biểu với những học trò danh tiếng. Trần Ân Chiêm sinh năm 1673 tại làng Châu Bi, xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ ông là người thông minh, ham học, chuyên tâm đèn sách và đã đạt được kết quả tốt đẹp trong các kỳ ứng thí. Ông đã từng thi và đỗ khoa Sĩ vọng. Năm 43 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), làm đến Hàn Lâm Thừa Chỉ. Trong quãng đời làm quan, ông sống thanh liêm, làm việc tận tụy hết lòng phụng sự việc công. Sau về chí sĩ được triều đình truy tặng Công bộ hữu Thị Lang.
Theo lời truyền văn, ông quê gốc ở Nghệ An, về sau cụ thân sinh đến lập nghiệp ở vùng đất Yên Định (nay thuộc xã Định Tường).
Tại quê hương Yên Định, nay vẫn còn nhà thờ ông cùng nhiều câu chuyện về quãng thời gian ông về chí sĩ dạy học tại làng.
Đương thời, những vị quan về chí sĩ được quyền cắm đất sử dụng ở bất kỳ khu nào trong làng. Riêng ông, vì không muốn gây khó khăn, phiền nhiễu cho dân, ông chỉ cắm đất tại một khu đất còn bỏ trống ở cuối làng để không người dân nào vì ông mà phải dồn ép hoặc thay đổi nơi ở. Ông dựng ba gian nhà tranh vừa làm nơi ở vừa làm nơi mở trường dạy học. Hàng ngày ông sống rất giản dị thường mặc quần áo nâu, đi guốc mộc cùng đi thăm đồng với dân như một lão nông thực sự. Ông sinh hoạt hàng ngày đạm bạc, gần gũi với người dân. Dân trong làng vẫn truyền tụng câu chuyện về một lần có mấy người học trò đến tìm ông để theo học. Hôm ấy, ông ra thăm đồng gặp cơn mưa to phải trú mưa tại gốc cây đa đầu làng thì có ba cậu học trò đến hỏi thăm nhà quan nghè. Biết các cậu học trò tìm thầy để học ông bèn nảy ra ý định thử tài nên ra cho ba người một vế đối nói ngay về cảnh đường trơn sau trời mưa, vế đối đưa ra là: “Đi đất thịt đường trơn như mỡ” với điều kiện nếu đối hay ông sẽ dãn đường về tận nhà quan nghè. Nghe xong một trong ba người liền xin phép được đối lại ngay:
Ngồi bóng da mát đến xương
Vế đối ông ra đã hay, vế đối lại cũng rất chỉnh (vế ra có thịt và mỡ, vế đối có da và xương vì người Thanh Hóa cổ thường gọi đ thành d nên ông ngồi gốc cây đa cũng gọi là cây da). Giữ lời hứa, ông chỉ đường cho ba người học trò về nhà. Quan bà đón tiếp niềm nở, ân cần và cho biết quan ông đi thăm đồng chắc cũng sắp về. Ba cậu học trò nhìn nhau tỏ ý đoán non đoán già thì quan bà đã nói: “Ông nhà tôi đã về kìa”! Ba cậu học trò giật thót mình vì quan ông chính là ông cụ đã ra vế đối và chỉ đường cho họ ở gốc đa đầu làng ban nãy.
Ba người đến xin học với thầy sau trở thành những nhà khoa bảng nổi tiếng đó là bảng nhãn Hà Tông Huân, thám hoa Đỗ Huy Kỳ và tiến sĩ Nguyễn Đức Hoành.
Là một học trò xuất sắc của thầy Trần Ân Chiêm, Hà Tông Huân (1697-1766) đỗ bảng nhãn đình nguyên khoa Giáp Thìn (1724) niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời vua Lê Dụ Tông. Khoa thi này không lấy đỗ trạng nguyên nên ông là người đỗ đầu cả nước. Đương thời vẫn gọi ông là trạng Huân làng vàng, năm đó ông tròn 28 tuổi. Sau khi đỗ Bảng nhãn ông được bổ làm Thừa Tuyên đốc đồng trấn Sơn Nam, sau được đưa ra An Quảng (Quảng Ninh) làm đốc trấn. Khi triều đình Mãn Thanh có âm mưu bành chướng ở biên giới, Hà Tông Huân được cử giữ chức Đại tướng quân đi dẹp loạn. Với tài ngoại giao ông đã đẩy lui được quan Thanh giữ vững vùng Đông Bắc của tổ quốc. Với kiến thức uyên bác, khả năng thuyết phục thấu lý đạt tình, Hà Tông Huân đã nhiều lần được cử đi đàm phán với triều đình nhà Thanh và đều thu được thắng lợi. Ông đã được cử làm đại tướng thống lĩnh tây đao đi dẹp biến loạn ở vùng miền núi Thanh Hóa. Sau khi chiến thắng được thăng chức Thượng thư Bộ Binh vào làm Chính tham tụng kiêm việc dạy học ở trường Quốc Tử Giám được ban tước Huy Xuyên hầu. Năm Canh Thìn (khi 65 tuổi) ông xin về hưu nhưng chúa Trịnh vẫn mời ông ở lại phong làm quốc lão tham dự việc triều chính đồng thời dạy học cho vua nhỏ kiêm trông coi việc học tập, thi cử nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước.
Là một vị quan tài cao, đức trọng, văn võ song toàn Hà Tông Huân đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong cuộc đời được cử giữ nhiều trọng trách song dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong việc dạy học, tuy thời gian không dài nhưng học trò của ông thành đạt rất nhiều, nhiều người làm quan nổi tiếng và giữ những vị trí quan trọng của triều đình(*).
Trong lịch sử giáo dục xứ Thanh, một người có nhiều công lao và được thế hệ sau nhắc nhớ nữa là thầy Nhữ Bá Sĩ, quê làng Cát Xuyên, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm 1788, năm thứ hai đời vua Minh Mạng ông đi thi đỗ Hương Cống, năm sau thi Hội trúng Tam trường được bổ làm tri huyện rồi thăng chức Viên ngoại bộ Hình. Ông là quan thanh liêm không ham danh cầu lợi. Năm 1833 ông được triều đình nhà Nguyễn cử đi sứ sang Quảng Đông (Trung Quốc). Sau nhiều năm tham gia chốn quan trường, ông về quê mở trường dạy học, viết sách. Ông mở trường ở cạnh bờ sông Nghi nên người thời bây giờ còn gọi là Nghi Am. Tháng ngày ông say mê với sách vở và học trò thân yêu của mình. Sau nhiều lần bị ép ra làm quan ông buộc phải làm Huấn đạo rồi Đốc học Thanh Hoa song điều cốt yếu nhất là ông đem hết tài năng, trí lực truyền dạy cho học trò của trường mình nên tiếng tăm về ngôi trường Nghi Am ngày một vang xa. Học trò từ các nơi theo về học ngày một đông, có nhiều người đỗ đạt thành danh như Mai Anh Tuấn (Nga Sơn), Phạm Thanh (Hậu Lộc), Đỗ Xuân Cát (Hoằng Hóa)... Bên cạnh việc dạy học ông còn viết nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời như Thanh Hoa tỉnh chí, Đạm Trai quan nghi tập... Đặc biệt tập sách “Nghi Am học thức” là một sáng kiến lớn và tiến bộ trong nền giáo dục Việt Nam thời bấy giờ. Ông cho rằng: “Người học sinh phải ý thức học tập, học không nghiêm túc, không thấu đáo là tự dối mình. Thầy giáo không nắm vững kiến thức là lừa dối thiên hạ”; “Ở đời việc nhỏ nhất, từ nơi khốn cùng nhất cho đến nơi quyền quý cao sang cũng có thể chọn ý mà dạy, tìm việc mà học đều được cả. Điều cơ bản là không được dối trá”(**).
Ngày nay ngành giáo dục ở nước ta đã được quan tâm đưa lên hàng quốc sách; Nhiều giáo sư, tiến sĩ tham gia dạy học đã đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân; Nhiều học sinh giỏi giang đã đạt giải các kỳ thi quốc tế và trở thành những giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học lớn của đất nước; song những tấm gương tiêu biểu trong lịch sử nghề dạy học như Nguyễn Nghi, Trần Ân Chiêm, Hà Tông Huân, Nhữ Bá Sĩ... vẫn luôn là tấm gương sáng chói cho các thế hệ noi theo.
                                

T.T.L

 

(*) Danh nhân Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa 2006, tr 222.
(**) Đất và Người xứ Thanh, Ban Nghiên cứu Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa 2002, tr 258.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 667
 Hôm nay: 1522
 Tổng số truy cập: 9305490
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa