Làm rõ hơn về quê hương của nhà Nguyễn - Phạm Tấn
Về vấn đề quê hương của nhà Nguyễn, vì đã quá rõ ràng, cho nên cũng chẳng có vấn đề gì cần bàn cãi.
Sau khi lên ngôi được một năm, vào năm 1803, để tỏ lòng thành kính đối với vùng đất cội nguồn, gốc rễ - quê hương, vua Gia Long đã ban phong danh hiệu cao quý cho Gia Miêu Ngoại trang là đất Quý Hương và huyện Tống Sơn là Quý Huyện. Từ đó trở đi, các bộ sách lớn của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí và các sách địa chí như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đồng Khánh địa dư chí, Thanh Hoá tỉnh chí, v.v… cùng rất nhiều loại sách khác cũng đều thống nhất ghi chép về quê hương của nhà Nguyễn (bao gồm cả vua Nguyễn và các chúa Nguyễn) là Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung.
Qua khảo cứu các sách và tài liệu địa chí cũ, chúng ta có thể biết chính xác về xuất xứ của huyện Tống Sơn là: đời Trần về trước là huyện Tống Giang. Thời thuộc Minh cũng là huyện Tống Giang, thuộc Ái Châu, phủ Thanh Hoá. Đến đời Lê Thánh Tông (vào năm Quang Thuận thứ 10 - 1469) đặt huyện Tống Giang thuộc Thanh Hoa thừa tuyên. Đời Lê Trung Hưng, vì kiêng tên huý của Trịnh Giang nên đổi tên Tống Giang thành Tống Sơn. Và từ sau Cách mạng tháng Tám - 1945 trở đi thì huyện Tống Sơn mới được đổi tên là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.
Riêng cái tên Gia Miêu Ngoại trang xuất hiện từ lúc nào thì vẫn còn bỏ ngõ. Các bộ sách của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và các bộ sách của triều Nguyễn khi chép về quê hương của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn cũng không có sự giải mã rõ ràng về xuất xứ của Gia Miêu Ngoại Trang là có từ thời gian cụ thể nào.
Ngay ở bản "Gia phả họ Nguyễn trước Gia Long" của Tôn Thất Hân (thực hiện theo biên bản họp họ tộc ngày 9-9-1919 và ngày 26-3-1920) cũng phải thừa nhận: "Dòng họ ta (tức họ Nguyễn - P.T) có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên các việc tìm tòi ngược lên các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần tuy rằng làm tỉ mỉ nhưng không đưa đến kết quả. Tập Ngọc phả tức Gia phả của Hoàng tộc chỉ bắt đầu từ Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế (tức Nguyễn Kim - P.T) vì ông có nhiều chiến tích và sống gần với thời đại chúng ta".
Về nguồn gốc Gia Miêu, nhiều tập phả của họ Nguyễn đã không ghi chép rõ ràng ai là người đầu tiên đến Gia Miêu lập nghiệp. Nhưng qua Chiếu tuyên dương Nguyễn Công Duẩn của vua Lê Thái Tổ, chúng ta có được lượng thông tin rất cụ thể như: "Vua dụ cho Bắc Vệ quân đại đội trưởng Nguyễn Công Duẩn, người Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoá như sau:
Trẫm nhớ thuở xưa tổ tiên nhà ngươi thờ nhà triều Đinh, Lý, Trần đều hết lòng. Con cháu đời đời trung trinh. Gần đây họ Hồ bất nhân, giặc binh ngó trộm đem binh cướp nước ta, khắp nơi rối loạn, sai trái liên miên, nhân dân đói khổ… Trẫm và ngươi cùng chung hoạn nạn. Ngày hội Lam Sơn lúc mới nhóm nhen, nhà ngươi tiến lương 3 ngàn 5 trăm thạch. Đến khi nghĩa quân thất thế, tránh nạn, lui giữ Linh Sơn, lương thực thiếu thốn, nhà ngươi đã điều lương 5 ngàn 3 trăm thạch để nuôi khắp mọi người, lại còn đem binh giải vây thoát nạn, đuổi địch sang tận Lào. Nhà ngươi một lòng một dạ thu đủ lương thực đem đến trại quân do đó quân không thiếu lương ăn. Đến khi Trẫm đem quân đến Nghệ An, nhà ngươi tiến 5 ngàn 5 trăm thạch lương, 5 trăm bao muối để cấp đủ mọi nơi. Khi mà: Xương Giang, Chi Lăng băng tan ngói vỡ, Ninh Kiều, Tốt Động tre chẻ tro bay, việc cấp lương cho quân ăn đều do sức nhà ngươi…
Xét lời tâu của đình thần… Nay Trẫm thưởng thêm lộc hậu, ban cho tước lớn để đền công.
Nay thăng: Nguyễn Công Duẩn làm phụng trực đại phu, đô kiểm sự, lĩnh việc quân dân ở huyện nhà.
Cho phép thu ruộng đất của các thế gia nay đã tuyệt tự đem sung công cùng với ruộng hoang của các trang, xã, tổng trong huyện thưởng cho Nguyễn Công Duẩn làm của riêng để truyền cho con cháu lâu dài mong đền đáp kẻ có công…" (Toàn văn tờ chiếu này đã công bố trên Địa chí huyện Hà Trung, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 844-845).
Như vậy, từ nội dung tờ chiếu này, chúng ta có thể khẳng định rằng:
- Dòng họ Nguyễn trước Nguyễn Công Duẩn từ Đinh, Lý, Trần đều rất có công và "con cháu đời đời trung trinh".
- Trước khi đến với khởi nghĩa Lam Sơn - Nguyễn Công Duẩn - "người Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Giang" (như tờ chiếu đã ghi) đã là một hào trưởng (Thủ lĩnh vùng) đầy thế lực ở huyện Tống Giang. Vì vậy mà ông mới có điều kiện huy động binh lương cho nghĩa quân Lam Sơn nhiều đến thế.
- Khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Công Duẩn đã 59 tuổi. Từ đó, chúng ta có thể suy ra, từ cuối thời Trần, với sự hiện diện của gia đình hào trưởng lớn Nguyễn Công Duẩn, Gia Miêu Ngoại trang đã là vùng đất nổi danh ở huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoá. Và cái tên "Gia Miêu Ngoại trang" chắc chắn là có từ thời cuối Trần đó vẫn không hề thay đổi cho đến tận bây giờ.
Về tên gọi "Gia Miêu Ngoại trang" không phải chỉ thấy xuất hiện trong tờ chiếu tuyên dương công trạng Nguyễn Công Duẩn của vua Lê Thái Tổ (năm 1428) mà còn thấy ghi ở tấm bia mộ (hình hộp) của ông Nguyễn Hữu Vĩnh (1437 - 1477) - cháu nội Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn, anh ruột Huy Gia Hoàng Thái Hậu - quý phi của vua Lê Thánh Tông. Bia này do Vị Đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, chức Hiển Lượng đại phu, Hàn lâm viện Thị thư, chưởng Hàn Lâm sự Nguyễn Xung Xắc soạn và cho khắc vào đá ngày 16 tháng 9 năm Mậu Thân, niên hiệu Hồng Đức 19 (1488). Bia này ghi rõ: "Ông huý là Hữu Vĩnh, họ Nguyễn, là người Tống Giang, Gia Miêu Ngoại trang". Ngoài ra còn một tấm bia mộ nữa, đó là bia mộ Phò mã đô uý Nguyễn Thuẫn (khắc dựng vào ngày 30 tháng 11 năm Hồng Thuật thứ 2 - 1510) cũng ghi: "Ông người họ Nguyễn tên huý là Thuẫn, là người Gia Miêu Ngoại trang huyện Tống Sơn… lấy Nghi Loan trưởng công chúa, con gái thứ 6 vua Hiến Tông, chưa kịp có con đã mất…".
Trong thực tế lịch sử, ở thời Lê Sơ (T.K XV) cái tên "Gia Miêu Ngoại trang" ngày một lẫy lừng trong thiên hạ. Với ân duệ của triều đình, cả 7 người con trai của Nguyễn Công Duẩn đều lần lượt được đảm nhận nhiều chức vị quan trọng. Riêng Nguyễn Đức Trung (con trưởng cũng là một Bình Ngô khai quốc công thần) vì có công dẹp loạn Nghi Dân để tôn lập Lê Thánh Tông mà được xếp vào hàng "Đại thần xướng nghĩa". Còn người con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung là bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Huyên) lại trở thành quí phi của Lê Thánh Tông - người sinh ra Thái tử Tranh. Từ đó trở đi, Gia Miêu Ngoại trang vừa là đất công thần, vừa là đất ngoại thích của nhà vua. Vì vậy mà dòng họ Nguyễn - Gia Miêu thời vua Lê Thánh Tông có rất nhiều người được làm quan lớn trong triều, hoặc đi trấn giữ những nơi trọng yếu. Và điều đó đã được Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục rằng: "Lúc này họ Nguyễn có hơn 200 người làm quan trong triều". Chính nhờ thế lực to lớn của dòng họ Nguyễn - Gia Miêu mà đã tạo ra động lực và nền tảng vững chắc để cho Nguyễn Kim sau đó phất cao ngọn cờ "phù Lê diệt Mạc" để trung hưng nhà Lê. Và trong công cuộc trung hưng nhà Lê, mâu thuẫn Trịnh - Nguyễn xuất hiện. Và chính vì vậy mà đã tạo ra tình thế để Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên đi mở đất phương Nam, tạo ra cục diện phân tranh quyết liệt giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Và trong quá trình xây dựng, mở rộng Đàng Trong 9 đời chúa Nguyễn (kể từ Nguyễn Hoàng đến Phúc Thuần) đã tạo ra một nền móng vững chắc để Nguyễn Ánh đủ lực đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra vương triều Nguyễn thống nhất từ Mục nam Quan đến Mũi Cà Mau vào năm 1802. Ngay tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), trên đường ra Thăng Long, vua Gia Long đã cử quan về Gia Miêu tế tổ và tháng 10 năm đó, trên đường từ Thăng Long về Thuận Hóa, nhà vua đã đích thân về bái yết tổ tiên ở quê hương Gia Miêu.
Có thể nói, trong biết bao bộn bề nhằm củng cố vương triều và quyền lực thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ đất nước sau khi vừa giành được, nhà Nguyễn vẫn rất chú ý quan tâm đến vùng đất cội nguồn, gốc rễ quê hương nơi phát tích của bản triều, đó là trang Gia Miêu Ngoại và huyện Tống Sơn với tất cả nỗi niềm biết ơn thành kính. Vì vậy mà sau một năm lên ngôi, ngoài việc ban tặng danh hiệu cao quí cho Gia Miêu Ngoại trang là đất Quý hương và huyện Tống Sơn là đất Quý huyện, Vua Gia Long còn cho xây dựng lăng - miếu để thờ các vị liệt tổ, liệt tông tại quê hương (mà sử sách gọi là Khu Lăng - miếu Triệu Tường). Để biểu hiện sự quan tâm đặc biệt đối với quê hương Gia Miêu và Tống Sơn, nhà Nguyễn đã ban đặc ân miễn phu, phen tạp dịch cho nhân dân ở đây. Không phải chỉ có thế, tình cảm sâu nặng đối với quê hương của nhà Nguyễn còn được biểu hiện ở chỗ hình ảnh của núi Thiên Tôn (Triệu Tường) đã được khắc trên Cao đỉnh và sông Mã được khắc trên Cửu đỉnh (đó là hai trong chín đỉnh đặt ở điện Thái Hoà).
Trong cuộc sống vương giả ở cung đình với trăm ngàn thứ ngon, vật lạ, các vua Nguyễn vẫn nhớ đến những đặc sản bình dị của quê hương như mắm tép Đình Trung (nay thuộc xã Hà Yên, Hà Trung) và mía Triệu Tường (hay còn gọi là mía Đường Trèo ở Gia Miêu, nay là xã Hà Long, Hà Trung). Và hai sản vật này đã trở thành vật tiến cúng hàng năm của huyện Tống Sơn đối với các vua Nguyễn.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là nhà Nguyễn rất quan tâm đến họ hàng gốc Gia Miêu. Ngày 21 tháng 7 năm 1802, sau khi giải phóng xong Thăng Long và đóng hành tại ở điện Kính Thiên để giải quyết ổn thoả mọi công việc ở Bắc Hà thì chỉ sau nửa tháng, vào ngày 5 tháng 8 năm 1802, vua Gia Long đã ra chiếu chỉ "Chiêu vấn Công Tính công tộc" để tìm kiếm họ hàng gốc Gia Miêu hiện đang phân tán, lưu lạc trên cả nước. Đến ngày 26 tháng 9 năm đó, nhà vua đã chính thức công nhận 581 người thuộc dòng dõi Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn có Công Tính và được mang chữ lót là Hựu. Đương nhiên, khi đã được công nhận họ Công Tính thì tất cả những người này đều được hưởng rất nhiều quyền lợi như được miễn thuế thân và miến phu phen tạp dịch, v.v…
Như vậy, vấn đề quê hương Gia Miêu Ngoại trang - Tống Sơn - đất phát tích của Vương triều Nguyễn ngay từ đầu đã được vua Gia Long và các vua tiếp theo chú ý quan tâm một cách đặc biệt. Đó là sự ứng xử tất yếu của bất kỳ vương triều phong kiến nào. Có nhẽ vì rất đỗi thiêng liêng mà cái tên Gia Miêu Ngoại trang vẫn được giữ nguyên trong 143 năm tồn tại của vương triều Nguyễn (1802 - 1945). Và trong 143 năm ấy, lúc nào trang Gia Miêu Ngoại cũng thuộc về tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn. Riêng tổng Thượng Bạn, ở đầu thế kỷ XIX có 12 hương, trang (gồm: hương Gia Miêu Ngoại, trang Khắc Ninh, trang Hoàng Vân, trang Yến Vỹ, trang Bảo Đối, trang Mỹ Lưu, trang Động Tiền, trang Động Hậu, hương Gia Miêu Nội, trang Gia Miêu Thượng, trang Đông Đô, trang Quảng Đô) (xem sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX). Đến thời Đồng Khánh (1885-1888), tổng Thượng Bạn lại có 16 trang, giáp (gồm trang Gia Miêu Ngoại, trang Gia Miêu Nội, trang Gia Miêu Thượng, trang Động Tiền, trang Động Hậu, trang Hoàng Vân, trang Yến Vĩ, trang Khắc Ninh, trang Phù Lưu, trang Bảo Đới, trang Động Bình, trang Sung Doanh, trang Quảng Phúc, trang Thanh Hải, trang Nghĩa Động, trang Dũng Lược) (xem Đồng Khánh Địa dư chí). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Thượng Bạn được đổi là xã Lam Sơn rồi Long Khê gồm 13 làng tương đối ổn định là: Gia Miêu Nội, Gia Miêu Ngoại, Gia Miêu Thượng, Đồng Toàn, Đồng Hậu, Đồng Bình, Phù Nhân, Hoàng Vân, Yến Vĩ, Nghĩa Đụng, Bái Lạt, làng Vóc và trại Dềnh. Từ 1954 đến nay đều thuộc về xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
P.T