Lễ hội Lam Kinh trong dòng chảy lễ hội truyền thống dân tộc - Trần Thị Liên
Uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, các anh hùng dân tộc, những người có công với cộng đồng, đất nước là một trong những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc ta.
Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, lễ hội truyền thống là một thành tố góp phần giáo dục, tôn vinh và trao truyền những giá trị văn hóa nhân văn cho các thế hệ.
Từ cái nôi của văn hóa dân tộc, quê hương buổi đầu lịch sử, lễ hội Thánh Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng đã trường tồn cùng văn hóa dân tộc Việt Nam và đóng góp vào di sản văn hóa chung của nhân loại.
Trên vùng đất xứ Thanh, trước khi lễ hội Lam Kinh đi vào đời sống văn hóa, trở thành lễ hội truyền thống, trên đôi bờ sông Mã đã có nhiều lễ hội văn hóa dân gian được các thế hệ lưu truyền. Tiêu biểu là những lễ hội lịch sử - văn hóa tôn vinh những anh hùng dân tộc, những người có công với quê hương, đất nước.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm tại đền thờ và lăng Bà Triệu (huyện Hậu Lộc) nhằm ca ngợi lòng yêu nước, ý chí kiên cường của Triệu Thị Trinh “Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương” (lời Bác Hồ). Hội trận đền Bà Triệu với màn trình diễn quân ta đánh quân Ngô sôi động, hấp dẫn là dịp để các thế hệ nhớ lại một thời vô cùng oanh liệt của Bà. Câu nói bất hủ của Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người” được các thế hệ trao truyền đã tiếp sức cho nhiều thế hệ lên đường đánh giặc cứu nước.
Đền thờ và lễ hội Dương Đình Nghệ ở vùng đất cổ Dương Xá (huyện Thiệu Hóa nay thuộc Thành phố Thanh Hóa) được tổ chức vào mùa xuân hàng năm tôn vinh sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Dương Đình Nghệ. Từ xưa, quy mô của lễ hội này đã vượt ra khỏi quy mô của một làng trở thành lễ hội lịch sử của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã.
Lễ hội và đền thờ Lê Hoàn ở vùng đất Xuân Lập (huyện Thọ Xuân) là lễ hội tôn vinh người anh hùng dân tộc đã có công đánh tan quân xâm lược Tống và thiết lập vương triều Tiền Lê, xây dựng đất nước sau đêm dài của thời kỳ Bắc thuộc hắc ám.
Trên những cung bậc khác nhau, lễ hội truyền thống ở các vùng miền với những hoạt động văn hóa đậm đà tính nhân văn trên đôi bờ sông Mã đã góp phần làm cho lễ hội truyền thống dân tộc thêm đa dạng và nhiều hương sắc.
Trong không gian văn hóa xứ Thanh, lễ hội văn hóa lịch sử cùng với lễ hội mùa xuân trong các làng quê, mường bản đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng để mọi người gần nhau hơn trong nghĩa tình đồng bào, bạn bè, đồng chí.
Lễ hội Lam Kinh là sự tiếp nối của lễ hội truyền thống trên đất Thanh Hóa. Lễ hội được tiến hành trên địa danh lịch sử Lam Sơn - cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quê hương của lãnh tụ Lê Lợi - Người khởi xướng, lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược thắng lợi và cũng là Tây Kinh - kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt trong “kỷ nhà Lê”.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc một mốc son chói lọi, ánh hào quang của hào khí Lam Sơn còn tỏa sáng, huyền thoại Lam Sơn còn sống mãi trong lòng nhân dân... là những thành tố để lễ hội truyền thống lịch sử Lam Kinh hình thành, phát triển và kế thừa đến mai sau.
Đối với các vị Hoàng đế nối nghiệp Lê Thái Tổ và các vị khai quốc công thần triều Lê, mỗi lần hạ quy Lam Sơn, bái yết sơn lăng, tưởng niệm tiên đế, đánh trống đồng, tổ chức diễn xướng khúc “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” là dịp thể hiện tấm lòng biết ơn đối với tiên đế đã một thời “nếm mật nằm gai” bình ngô khai quốc, khai sáng vương triều.
Đối với các khai quốc công thần triều Lê, được trở lại Lam Sơn là dịp để ôn lại những năm tháng theo Bình Định Vương đánh giặc Ngô gian nan, vất vả, tướng sỹ một lòng “nước sông hòa rượu, trên dưới một dạ cha con” (Bài cáo bình Ngô).
Trong tâm thức nhân dân, khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ là bản hùng ca của hào khí Lam Sơn mà sự nghiệp bình Ngô còn là tấm gương sáng để muôn đời soi chung:
Bình Ngô công đức tày trời
Tấm gương còn để muôn đời soi chung
Hỡi ai con Lạc, cháu Hồng
Giở trang lịch sử nhớ công đức này.
Trong không gian của vùng đất phát tích khởi nghĩa Lam Sơn, lịch sử và huyền thoại đã tạo dựng nên một vùng văn hóa Lam Sơn với những vùng văn hóa lấp lánh hào khí Lam Sơn mà trung tâm là vị lãnh tụ Lê Lợi huyền thoại.
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.
Theo sự vận động có tính quy luật của văn hóa dân gian, lễ hội cung đình Lam Kinh đã trở thành lễ hội văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhiều thế hệ.
Trong quá trình hình thành, phát triển, lễ hội Lam Sơn bị tác động của những yếu tố “ngoài lễ hội” nhưng về cơ bản vẫn giữ được bản chất nhân văn của một lễ hội lịch sử là tôn vinh anh hùng dân tộc, những người đã không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu vì độc lập, chủ quyền của quốc gia.
Tính nhân dân, truyền thống nhân văn của dân tộc đã được thể hiện trong quy trình, thời gian của lễ hội.
Trong tâm thức văn hóa dân gian, nhân dân tôn vinh anh hùng dân tộc, những người xả thân vì nghĩa lớn nhưng không quên những quần chúng có danh và vô danh đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô.
Câu tục ngữ: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu’ (trong tiếng Mường là: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lới, hăm ba chôi pi chôi chỏ) cũng là một lời nhắc nhở của tâm thức văn hóa dân gian.
Không gian của lễ hội Lam Kinh không chỉ giới hạn trong khu vực điện miếu, lăng tẩm, đền thờ vua Lê mà được mở rộng đến khu đền thờ Lê Lai trên đất Nga Lạc xưa (nay là huyện Ngọc Lặc), theo sông Chu đến nơi có thanh gươm thần được kéo lên từ dòng sông Chu để Lê Thận dâng cho minh chủ Lê Lợi, đến lễ hội Lũng Nhai, đến Mục Sơn, nơi có trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân Lam Sơn rồi đến bến Mục Sơn nơi Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn dừng chân trên đường tìm vào sơn trại gặp Lê Lợi và đến với những dấu tích các trận đánh của nghĩa quân buổi đầu giáp trận... Những địa danh lịch sử đã đi vào vùng văn hóa Lam Kinh những sắc màu huyền thoại.
Tính nhân dân của lễ hội văn hóa lịch sử làm cho lễ hội Lam Kinh ngày càng có sức hút và sự lan tỏa.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, lễ hội Lam kinh vẫn được duy trì. Các lớp văn hóa lễ hội qua thời gian đã để lại dấu ấn trong lòng người dân. Vũ Khúc “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” trong cung đình được trình diễn trong lễ hội làm nền cho các diễn xướng dân gian. Sự sáng tạo của văn hóa dân gian theo dòng chảy của lịch sử đã làm cho không gian lễ hội rộng mở và thêm phần đa dạng, thấm đượm tính nhân văn.
Đầu thế kỷ XIX, sự hình thành lễ hội ở thái miếu nhà hậu Lê ở Đông Vệ (nay thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) với màn diễn xướng “Hội trận đền Lê” và trò chơi chạy chữ “Thiên hạ thái bình” đã cho thấy sự phát triển, sáng tạo của văn hóa dân gian trong lễ hội.
Cùng với lễ hội Lam Kinh trên đất Lam Sơn, nhiều nơi trên đất Thanh và các vùng trong nước nhất là quê hương của các vị khai quốc công thần triều hậu Lê cũng tổ chức lễ tưởng niệm những người đã tham gia và có công trong khởi nghĩa Lam Sơn.
Khu di tích Lam Kinh đã được tôn tạo khang trang, bề thế có dáng dấp của một công viên lịch sử. Di tích Lam Kinh đã được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt, tạo điều kiện cho lễ hội Lam Kinh ngày càng đậm đà dấu ấn lịch sử - văn hóa.
M.H