Hát chúc và nhạc đệm trống vả - Sự giao lưu văn hóa Việt - Chăm - Hoàng Minh Tường
Nga Bạch là một trong số các xã nằm ở phía nam huyện Nga Sơn hướng ra dòng sông Lèn (một trong số các nhánh của sông Mã) đổ ra cửa biển Lạch Sung. Nga Bạch có 9 thôn, khi nói tới tên thôn đã gợi nhớ tới biển khơi, đó là các thôn: Bạch Hải, Bạch Đằng, Bạch Đông, Bạch Hùng… Cửa Lạch Sung rộng có nhiều loại tôm cá quần cư, sinh sống. Do vậy mà nghề đánh cá khá phát triển. Nghề nghiệp chính của cư dân nơi đây từ xa xưa và cho tới nay vẫn là nghề làm ruộng, đánh cá và: “Buôn cói, buôn cau, buôn mắm tôm” cùng với cá khô, muối... lên ngược về xuôi.
Với vị trí địa - lịch sử và địa - văn hóa đặc thù đã mang đến cho Nga Bạch có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa khá rõ nét. Nằm trong không gian văn hóa Lạch Trường - thương cảng cổ, nơi giao thương hàng hóa với khu vực và quốc tế thông qua con đường hàng hải. Với các di vật còn lưu giữ cho biết nơi đây đã có người Hán sinh sống, buôn bán và giao lưu văn hóa với các miền đảo xa. Sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa đó dù nhiều hay ít vẫn còn lưu dấu trên đất Bạch Câu, Nga Bạch nơi có cửa sông thông ra biển lớn, cách Lạch Trường không xa. Con sông Lèn - một nhánh của sông Mã trước khi đổ ra cửa biển Lạch Sung bắt nguồn tự non cao, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào Mường, chính vì vậy đã mang đến cho mảnh đất bên bờ sóng này có sự giao thoa và tiếp biến của văn hóa Mường mà dấu tích khảo cổ học ở di chỉ văn hóa Hoa Lộc, Gò Trũng huyện Hậu Lộc cách Nga Bạch bởi sông Lèn đã chứng minh điều đó.
Với sự giao thương về sản phẩm của biển lên rừng và từ rừng xuống biển: “măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” theo các con thuyền và hành trình đò dọc từ Lạch Sung theo sông Mã lên miền non cao dần hình thành rõ nét văn hóa Mường hiển hiện nơi đây. Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của cư dân nhận thấy khá rõ ngôn ngữ Mường nơi cuối sông ở vùng nước mặn. Cách phát âm của cư dân Nga Bạch có những từ khá giống với tiếng Mường như gọi trời = tời, trăng = lăng; những từ có dấu ngã của tiếng Việt thì chuyển thành dấu hỏi như: đã = đả, những = nhửng; những từ có dấu nặng thì chuyển thành dấu sắc: nặng = nắng, tận = tấn; những từ có dấu huyền thì chuyển thành dấu sắc và ngược lại dấu sắc thì thành dấu huyền. Về tín ngưỡng, tôn giáo ngư dân nơi đầu sóng cũng như người Mường theo đạo Phật, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Việc thực hành các nghi lễ, đối với người Mường phải có thầy mo chủ trì còn với cư dân Nga Bạch có thầy cúng làm chủ lễ. Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện không phân biệt là nam giới hay nữ giới. Cũng như người Mường, phụ nữ cũng như nam giới ở Nga Bạch thích hút thuốc lào. Ðặc biệt, phụ nữ còn có phong tục cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc. Về quan hệ xã hội, quan hệ trong làng xóm với nhau chủ yếu là quan hệ láng giềng. Gia đình hai, ba thế hệ chiếm phổ biến. Con cái sinh ra lấy họ cha. Quyền con trai trưởng được coi trọng và được thừa kế tài sản. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cư dân nơi đây cũng duy trì các kỳ hội lễ tương tự như đồng bào Mường. Trong một năm có nhiều ngày hội đó là: hội xuống đồng, hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới... Về đời sống tinh thần, ngư dân cũng sáng tạo và truyền nhau các thể loại: tục ngữ, truyện thơ, truyện cổ, dân ca ngợi ca cuộc sống, lao động với các hình thức: hát ru, hát đồng dao, hát chúc (như hát séc bùa) với các nhạc cụ phụ họa như cồng, chiêng, nhị, sáo trống được mọi người ưa thích.
Vào đầu năm mới ở Bạch Câu thường tổ chức đoàn hát chúc, hình thức và nội dung giống như đoàn séc bùa của người Mường. Họ là những ngư dân tập hợp thành đoàn đi tới nhà chủ thuyền và các gia đình trong thôn để hát chúc cầu cho nhân khang, vật thịnh:
Mừng thọ rồi lại mừng khang
Mừng phú, mừng quý, quan sang, mừng giàu
Chúc cho các cụ sống lâu
Phơ phơ tóc bạc trên đầu tựa bông
Tay cầm gậy trúc hóa long
Trên mừng thượng lão, dưới mừng các trai
Mừng chín rồi lại mừng mười
Cây phúc lắm chồi, cây đức lắm con…
Trong khi một người xướng thì những người trong đoàn đồng thanh hát theo với nét mặt phấn chấn, hân hoan. Đoàn hát chúc sử dụng các nhạc cụ gõ là cồng chiêng, ngoài ra còn có loại nhạc cụ nữa rất đặc biệt đó là trống Vả. Hình thức hát chúc ở vùng cửa biển này cũng giống như hát séc bùa của đồng bào Mường tỉnh Thanh trong những ngày tết. Người hát chúc cũng đóng vai chính như là ông chủ trò “khoách rác” - người nói hay, khéo nói trong hội hát séc bùa. Sau khi hát chúc, gia chủ vui vẻ mời cả đoàn hát ăn uống. Sau khi chung vui cùng gia chủ, đoàn còn được tặng quà bánh hoặc tiền. Cũng như phường “khoách rác” của người Mường, đoàn hát chúc ở miền cửa biển lại tấu lên khúc nhạc khen cơm ngon, rượu ngọt, hát lời tạm biệt và hẹn gặp lại năm tới. Cứ như thế, cả đoàn hát chúc sẽ đi hết từ nhà này đến nhà khác trong những ngày đầu năm mới, cầu chúc gia chủ an khang, thịnh vượng. Mỹ tục hát chúc đầu năm mặc dù đến nay chỉ còn được phô diễn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ ở huyện Nga Sơn do các nghệ nhân cao tuổi làng Bạch Câu thể hiện, nhưng trong tâm thức của cư dân làm nghề đánh bắt hải sản Nga Bạch vẫn còn vang vọng lời hát chúc tốt đẹp đầu năm trong thanh âm náo nức, rộn ràng của dàn cồng chiêng, trống Vả.
Vào những thế kỷ trước, cửa biển Lạch Sung từng là nơi giao thương, trao đổi buôn bán với các vùng trong tỉnh, trong nước và với nước ngoài. Hàng hóa xứ Thanh xuôi sông Mã, sông Chu, theo các cửa biển Thần Phù, Lạch Càn, Lạch Sung, Lạch Trường để vào Nam ra Bắc. Khảo cổ học cũng đã chứng minh quan hệ trao đổi buôn bán giữa cư dân nơi đây với người Hán và còn vươn xa tới các miền đảo xa. Chính sự giao thương đó không chỉ tạo điều kiện phát triển về kinh tế mà còn đem đến sự phong phú, đa dạng và độc đáo về văn hóa biển Lạch Sung nằm trong không gian văn hóa Lạch Trường những năm đầu công nguyên và những thế kỷ sau đó. Ngoài ra Lạch Sung có vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Lạch Sung cũng là nơi dừng chân của các đạo quân Nhà Trần, Nhà Lê, Chúa Trịnh… vượt biển đi đánh Chiêm Thành hoặc đi dẹp loạn phía Nam đất nước. Truyền thống Bơi Chải hàng năm hiện duy trì ở thôn Bạch Hải đã ra đời từ sau chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) để vận động con cháu ra tòng quân cứu nước đã trở thành ngày hội tưởng nhớ các vị tiền nhân, ngày hội rèn chí, thi tài, vui khỏe không chỉ của các làng xã nơi đây mà còn cuốn hút người dân khắp nơi về hội.
Sự giao lưu văn hóa của cư dân Nga Bạch với văn hóa Mã lai đa đảo mà cụ thể là với văn hóa Chăm pa còn lưu dấu ở đất này. Nghề làm chượp, mắm tôm, nước mắm về sâu xa có nguồn gốc du nhập từ Chăm pa. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng thì người Việt không phải là chủ nhân của chượp và nước mắm mà họ chỉ quen với việc chế biến các sản phẩm của nông nghiệp như dưa cà, tương… làm thực phẩm để phục vụ cho bữa ăn thường ngày. Chỉ từ khi tiếp xúc với văn hóa biển, người Việt mới biết cách muối chượp, làm nước mắm. Điều đó không chỉ đúng với cư dân ven biển mà càng đúng với nghề làm mắm tôm, muối chượp ở Nga Bạch đem đến các làng quê trao đổi, bán mua để đổi lấy lương thực.
Trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của cư dân biển Nga Bạch, dấu ấn văn hóa Chăm đã được họ tiếp thu qua hình thức “hát nhật trình đường biển”. Hành trình bắt đầu từ địa phận Nga Sơn, giáp với Phát Diệm tỉnh Ninh Bình và dong ruổi về phương Nam:
... Kể từ Lai Lát, Dơi Leo
Buồm dong hai cánh gác chèo nghỉ ngơi
Ngày xưa lời nói không chơi
Trâu nằm ăn cỏ là nơi Thần Phù
Vườn đào chúa ngự bao lâu
Lác trông thấy cửa Bạch Câu ra vào…
Dù nội dung lời hát tuy không giống với lời hát của người Chăm, nhưng cách thức và không gian diễn xướng dù ở đất liền hay hành trình trên biển vẫn dễ nhận ra “hát nhật trình đường biển” của ngư dân Nga Bạch giống với cách hát và cấu trúc ngôn từ của người Chăm trước đây, đó là hát vãi chài, tiếng Chăm gọi là Pwớc Jal l - một loại hình văn hóa dân gian nổi tiếng của người Chăm xưa. Hát vãi chài thường được thực hiện trong các dịp lễ hội mang tính cộng đồng và dòng tộc. Hát vãi chài gồm hai dạng chính: dạng hát ứng khẩu và dạng hát theo những bài ca có sẵn. Trong lễ hội Rija Praong của người Chăm thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, hát vãi chài do một thầy (ôn Mứk schàn) và một người múa phụ họa (chà plôi) thực hiện. Nhạc cụ đệm cho hát là tiếng trống paranưng do thầy Vỗ đánh đệm, còn người múa mô phỏng theo động tác bắt cá.
Mặc dù ngày nay dân tộc Chăm không còn mặn mà với biển, nhưng xa xưa người Chăm rất thông thạo biển và chính vua Quang Trung đã sử dụng họ vào việc thuỷ binh, đội quân thuỷ chiến người Chăm này rất thông thạo sông nước, biển khơi khiến quân thù bạt vía. Với phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, hưởng ứng lời kêu gọi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã có nhiều tay chèo cự phách, họ là con em của ngư dân nơi đây đã hăng hái tòng quân, ra nhập thuỷ binh, thần tốc tiến quân ra Thăng Long tiêu diệt 20 vạn quân Thanh xâm lược. Mỗi khi ra lộng vào khơi, lúc ngơi mái chèo, buồm căng đón gió lướt trên mặt biển dịu êm, những ngư dân Nga Bạch lại cùng vui hát khúc nhật trình được họ ghi lòng. Trong khi hát chân dậm xuống sạp thuyền, hai tay gõ mạn và sử dụng cả trống Vả... tất cả hòa chung một nhịp át đi cả tiếng sóng vỗ và tiếng gió reo phần phật trên những cánh buồm, lòng như mở cờ với niềm lạc quan phơi phới, dẫu nghề chài lưới hiểm nguy nơi đầu sóng nhưng họ trọn đời gắn bó.
Cùng với “hát nhật trình đường biển”, trong các cuộc hát chúc đầu năm bao giờ ngư dân cũng sử dụng trống Vả. Gọi trống Vả là do trong khi sử dụng không dùng dùi gõ thông thường mà dùng tay vỗ vào mặt trống, tiếng địa phương gọi là vả, nên có tên trống Vả là như vậy. Trống Vả hình tròn, đường kính khoảng 35 - 45 cm. Mặt trống bịt da bò một mặt, tang trống bằng gỗ hình ống tròn, hai đầu bằng nhau, tang trống để mộc hoặc sơn đỏ. Mỗi khi sử dụng trống, người ta ngồi hoặc đứng đặt trống trước bụng rồi dùng hai tay vỗ vào mặt trống. Tay trái vỗ vào mặt trống cận vành phát ra âm trầm, tay phải vỗ vào giữa mặt trống phát ra âm cao. Trong khi vỗ trống hai tay phải liền nhịp. Hình thức và cách đánh trống Vả tương đối giống với trống Paranưng của người Chăm. Đó là loại trống tròn, bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45 m. Mặt trống bịt da dê, thân trống bằng gỗ. Trống này được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực, là biểu hiện cái tâm con người. Trống Paranưng vỗ với tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực, vỗ hai tay vào trống. Chính trống Vả - nhạc cụ gõ của người Việt ở Bạch Câu có sự tiếp thu trống Paranưng của người Chăm và được ngư dân nơi đây cải biên cho phù hợp và sử dụng thành thục.
Theo Đại Việt sử ký cho biết, miền đất Nga Sơn nói chung, Bạch Câu nói riêng đã từng có sự tiếp xúc với Chăm pa. Năm 1383 chính Hồ Quý Ly và tướng Nguyễn Đa Phương đã từng đánh tan đạo quân của Chiêm Thành ở đất này. Tên Lạch Càn cũng gợi nhớ tới ngôn ngữ của người Chăm. Theo tiếng Mã lai “càn” là cá và là ám chỉ cá Voi. Lạch Càn phải chăng là lạch cá mà người Việt đã tiếp nhận từ ngôn ngữ Chăm để đặt tên cho địa danh nơi cửa biển này? Không chỉ như vậy, ở Bạch Câu vẫn còn có tục thờ cá Ông - cá Voi. Hàng năm, ngư dân các làng như Bạch Câu thường tổ chức lễ hội cầu ngư, tri ân cá Voi cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển và cầu cá Ông phù hộ cho sóng lặng biển yên, dân chài đánh bắt được nhiều tôm cá. Tục thờ và lễ hội cầu ngư này có xuất xứ từ tín ngưỡng thờ cá của người Chăm.
Giao lưu và tiếp biến văn hóa là quy luật tất yếu của nhân loại, sự giao lưu văn hóa Việt Mường và Chăm pa qua hát trống Vả ở Nga Bạch cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Chính sự giao lưu này giúp cho chúng ta và các thế hệ mai sau hiểu thêm các lớp trầm tích văn hóa đã kết tụ trên mảnh đất quê nhà, nhận rõ sự giao tiếp, hỗn dung và tái tạo nên sắc thái văn hóa mới vừa giữ được vốn cũ, vừa chọn lựa cái mới tiếp thu từ bên ngoài để làm nên sắc thái văn hóa bản địa thêm phong phú, vừa phù hợp với tâm hồn, tình cảm của họ. Giao lưu văn hóa Việt Mường và Chăm pa qua mỹ tục hát chúc đầu xuân và hát trống Vả là cách tiếp nhận khôn ngoan mà những ngư dân Bạch Câu, Nga Bạch đã lựa chọn và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa tinh thần ấy cần tiếp tục được bảo lưu, phát huy giá trị phục vụ cuộc sống không chỉ hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
H.M.T