Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương và lễ hội Thánh Gióng ở Thanh Hóa - Trần Thị Liên
Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương và lễ hội Thánh Gióng ở Thanh Hóa - Trần Thị Liên

Ông Gióng đánh giặc cứu nước đã đi vào tâm thức văn hóa dân gian của dân tộc bằng hình tượng cao đẹp và kỳ vĩ. Lễ hội tôn vinh, tưởng nhớ người anh hùng làng Gióng đã đi vào đời sống tâm linh nhiều thế hệ người Việt, không ngạc nhiên hội Gióng là một trong những lễ hội văn hóa dân gian tiêu biểu, được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Châu thổ Sông Hồng là cái nôi của những huyền thoại và lễ hội, trong đó có hội Gióng. Hội Gióng đã góp phần tạo nên không gian văn hóa dân gian rộng lớn với những trung tâm như:
- Làng Phù Đổng bên bờ sông Đuống, nơi có người “sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ”.
- Núi Châu Cầu thuộc bộ Vũ Ninh thời kỳ nước Văn Lang là “chiến trường” nơi ông Gióng đánh giặc mà dấu tích còn lưu lại là rất nhiều dấu chân ngựa.
- Sóc Sơn - là vùng “trước núi” trong hệ thống núi sót của châu thổ sông Hồng, nơi Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc đã cưỡi ngựa “thoát nợ trần hoàn lên tiên”.
Lễ hội Gióng đã đi vào tâm thức dân gian và được lưu truyền qua nhiều thế hệ:
Ai ơi mùng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng như mất đời.
            (Ca dao)
Thần thoại về Thánh Gióng có nhiều lớp văn hóa. Điểm nhấn của sự tích ông Gióng chính là chi tiết nhuốm màu huyền thoại của cư dân nông nghiệp cổ - người anh hùng lớn lên “như thổi” nhờ lúa gạo của văn minh nông nghiệp lúa nước. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Cái cốt lõi của sự thật lịch sử trong câu truyện đầy chất thơ, chất mộng về người anh hùng Gióng là một trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong đó nổi bật lên chiến công của con em người dân thường. Với huyền thoại và hệ thống di tích, lễ hội đậm đà tính nhân văn, người anh hùng làng Phù Đổng tượng trưng cho các anh hùng Việt Nam chống giặc ngoại xâm.
Châu thổ sông Mã - xứ Thanh không phải cái nôi của huyền thoại và hội Gióng nhưng vùng đất phía Nam của nước Văn Lang này vẫn lưu truyền huyền thoại về Thánh Gióng và Phù Đổng Thiên Vương đã đi vào thần điện của người dân trong vùng.
Về cơ bản, truyền thuyết về Thánh Gióng được lưu truyền ở xứ Thanh có thể xem là dị bản của truyền thuyết Thánh Gióng ở châu thổ sông Hồng, song một số chi tiết đã được “địa phương hóa” gắn với những hiện tượng tự nhiên vùng châu thổ sông Mã như:
Dấu chân người khổng lồ trên đất làng Còng Cháy ở xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc) chính là việc Thánh Gióng dậm chân nhảy qua sông Mã; bụi tre đằng ngà ở một số nơi trên đất Vĩnh Lộc được cho là ngựa Gióng phun lửa có màu xám như bị đốt; loại tre “mọc ngược” tại đồi Ông Thánh (huyện Hà Trung) được đời sau lý giải từ hành động ông Gióng nhổ tre đánh giặc, bụi tre rơi từ trên cao, cắm ngọn xuống đất thành ra “mọc ngược” và đáng kể nhất chính là địa danh núi Sóc ở Vĩnh Lộc (chung với địa danh núi Sóc ở bộ Vũ Ninh) là nơi Thánh Gióng để lại áo giáp sắt rồi cùng ngựa sắt bay lên trời.
Thần điện về Thánh Gióng trên đất Thanh Hóa đáng kể nhất là đền thờ Đổng Thiên Vương thần.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập 2) cho biết: Đền Đổng Thiên Vương thần ở làng Trịnh Điện (làng Chiềng, nay thuộc xã Định Hải). Điện thờ được xây dựng ở vị trí gần làng Trình Điện và làng Ái cận kề sông Mã, đối diện với di tích đồi Sóc bên kia sông. Theo lời truyền văn, điện Đổng Thiên Vương có quy mô khá lớn, phía trước có một khối tượng ngựa, tạc trong thế bay lên trời (mô típ phổ biến tại các di tích thờ Thánh Gióng). Căn cứ vào các vật liệu kiến trúc còn lại, có thể thấy điện thờ được xây dựng khá sớm, muộn nhất cũng được tạo dựng vào thời Hậu Lê và đã được tu sửa nhiều lần.
Lễ hội ở điện thờ Đổng Thiên Vương thần được tổ chức vào đầu tháng tư (âm lịch). Tuy quy mô lễ hội không hoàng tráng như ở làng Phù Đổng nhưng đây là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống lớn của vùng, thu hút nhiều khách thập phương.
Cùng với lễ hội tôn vinh Phù Đổng Thiên Vương còn có những tục lệ liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng đến nay vẫn tồn tại ở các làng Ái, làng Chiềng và các vùng lân cận.
Làng Ái và làng Chiềng có tục trồng cà, muối cà để cúng tế trong dịp lễ. Trong tâm thức người dân địa phương, trước khi ra trận, ông Gióng đã ăn hết “bảy nong cơm, ba nong cà”. Cà muối được lựa chọn kỹ càng, không già quá cũng không non quá, không bị sâu, khi muối rất cẩn thận, sạch sẽ, giòn ngon để dâng cúng ông Gióng.
Trò thổi cơm thi khá phổ biến trong đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp Việt Nam nhưng với các vùng thờ phụng Thánh Gióng, việc nấu cơm nhanh và ngon bắt nguồn từ tích xưa, người dân phải nấu cơm gấp để ông Gióng ăn đủ no.
Một số làng còn lưu dấu tích ông Gióng nhổ tre đánh giặc vẫn có tục trồng tre vào đầu năm. Trong tâm thức người dân, năm xưa ông Gióng đã nhổ tre đánh giặc nên nay hậu thế phải trồng lại trước khi vào chính hội. Từ khi Bác Hồ phát động “tết trồng cây”, người dân không chỉ trồng tre mà còn trồng nhiều loại cây khác.
Trong hệ thống trò chơi đầu năm tại một số làng ở vùng Yên Định có trò chơi quăng gậy tre - người nào “quăng tre” xa nhất là thắng cuộc. Việc “ném tre” phải chăng là để nhớ đến hành động ông Gióng quăng gậy tre đánh giặc thuở trước?
Truyền thuyết, di tích, tín ngưỡng cùng lễ hội Thánh Gióng trên đất Thanh Hóa phản ánh sự thống nhất của lễ hội lịch sử truyền thống. Dẫu còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, song có thể khẳng định những “trầm tích văn hóa” có liên quan đến Thánh Gióng ở xứ Thanh đã góp phần tôn vinh những người anh hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, đồng thời góp phần làm phong phú di sản văn hóa phi vật thể truyền thống dân tộc.
                              

 T.T.L


 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 71
 Hôm nay: 2791
 Tổng số truy cập: 9306759
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa