65 năm ấy biết bao nhiêu tình - Kiều Thu Huyền
Con đường ngoằn ngoèo sạch sẽ, dẫn lối tôi vào xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, một Di tích lịch sử cách mạng địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam làng Quần Tín, thời kì 1947 - 1954. Tôi đã đến đúng địa chỉ, thực sự không tin nơi đây đã nuôi nấng, che giấu bao thế hệ văn nghệ sĩ, bởi không chỉ vì sự nghèo nàn, mà ngay đến những dấu tích cũng không còn để ai đó có thể nhận ra được.
Ngoài cái giếng Tiên với dòng chữ: Khu lưu niệm. Không một bóng người, có lẽ lúc này những người dân đã ra đồng hoặc đi làm ở nhà máy, xí nghiệp, chỉ có những chú chó ngoe nguẩy đuôi đón chúng tôi. Tất cả cái vắng vẻ, thanh bình của xứ nghèo hiện lên nơi làng quê Trung bộ này.
Lưu luyến buổi sơ đầu(*)
Cũng đúng thôi, sự vắng vẻ ấy phù hợp với phương châm trong quá trình hoạt động bí mật cách mạng: Không nghe, không biết, không thấy. Nơi đây từng là địa điểm sinh hoạt, học tập từ năm 1947 đến 1954 của rất nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, học giả “cây đa cây đề” là những cánh chim đầu đàn của văn nghệ Việt Nam, là “cái nôi” của Văn nghệ kháng chiến. Ngày 20-1-1949, Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời. Và ngày 4-8-1949, Hội Văn nghệ Khu 4 khai sinh tại đình làng Quần Tín.
Không riêng gì tôi, nhiều người thực sự ngạc nhiên khi biết được lí do tại sao làng có tên Quần Tín. Từ thế kỷ XIV, Bình Định Vương Lê Lợi hành quân qua và nghỉ lại tại làng đã được dân làng đón tiếp, chu cấp lương thảo. Ban đêm vua Lê Lợi được Thần hoàng làng báo mộng rằng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt thắng trận”. Quả đúng như vậy, khi thắng trận quay về, nhà vua sắc phong, ban thưởng đặt tên cho làng là Quần Tín, có nghĩa là “nơi hội tụ của niềm tin”. Và đúng như cái tên làng, nơi đây đã chất chứa bao nhiêu niềm tin về một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nơi đây, trường Đại học Văn hóa - trường Văn hóa nghệ thuật đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Nơi đây, xưởng Mỹ thuật Liên khu IV cũng ra đời do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của hầu hết các họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Không ai ngờ được mảnh đất hội tụ niềm tin này chính là nơi tập họp những con người tài năng nhất của một thời, với tất cả những nghệ sĩ, nhà văn, nhà chính trị. Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng thân Xu-Va-Nu-Vông lưu trú từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951. Và là nơi hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu ủy khu IV (1948 - 1949).
Ngày nay, ít ai tưởng tượng được tổng số dân Quần Tín lúc ấy có 70 nóc nhà, mà có tới 35 hộ luôn có người tá túc, những gia đình này đã tự nguyện nhường nhà, nhường phòng, chở che, đùm bọc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và các nhà chính trị hoạt động. Ngay cả nơi thiêng liêng nhất là đình, đền, trường làng cũng được dành cho các văn nghệ sĩ dạy, học, và làm cách mạng.
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi(*)
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 30 km về hướng tây, làng Quần Tín (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) từ lâu đã được biết đến như một "Thủ đô văn hóa" thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954).
Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Căn cứ công văn số 6829 ngày 29-09-2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đầu tư, xây dựng nhà bia, khu văn hóa lưu niệm làng Quần Tín xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn. UBND huyện Triệu Sơn đã có tờ trình số 1654 ngày 4-10-2012 đề nghị xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Đến ngày 12-6-2012 UBND xã Thọ Cường có tờ trình số 35 về việc xây dựng khu nhà bia lưu niệm và xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012. Ban Quản lí di tích và danh thắng Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa thống nhất lập hồ sơ khoa học và các thủ tục pháp lí cần thiết trình UBND tỉnh xét duyệt và cấp bằng xếp hạng di tích. Căn cứ vào các tiêu chí và giá trị của di tích. Ngày 31-1-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định công nhận làng Quần Tín là “Di tích lịch sử cách mạng” cấp tỉnh. Địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) làng Quần Tín thuộc Di tích lịch sử Cách mạng.
Sau sự công nhận về một địa chỉ, đã có rất nhiều đoàn công tác, các chuyến về nguồn của văn nghệ sĩ. Hồ hởi đón đoàn bao nhiêu thì nỗi buồn khi để các vị lãnh đạo phải vất vả đi bộ từ xa vào khu lưu niệm, chính là mục tiêu để mỗi người dân nơi đây cố gắng hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Những con đường bê tông càng ngày càng nhiều hơn, đi vào từng thôn xóm, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên khang trang với những mái ngói đỏ lô xô. Quần Tín là cái nôi đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật là tiền thân của Ủy ban Toàn quốc các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, là thủ đô văn hóa kháng chiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đã nhấn mạnh: “Phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sĩ các thế hệ đi về cội nguồn...”. Các nhân vật như Phan Diễn, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Khoa Điềm... đã nhiều lần về đây, ngủ lại trong những ngôi nhà xưa cũ càng làm những người dân nơi đây chờ và tin về một ngày vui sắp đến.
Các hộ gia đình nằm trong khu quy hoạch di tích lịch sử cách mạng đã sẵn sàng dời nhà đi nơi khác, nhường đất để xây dựng nhà bia và khu lưu niệm. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Thọ Cường Nguyễn Thị Thanh, chỉ trong hai năm, từ năm 2011 đến năm 2012, nhân dân xã Thọ Cường, nhất là làng Quần Tín, đã có 598 hộ hiến 38.160 m2 đất thổ cư và 18.120 m2 tường rào xây, quán và nhà cấp bốn để làm đường xây dựng nông thôn mới. Xã cũng đã lập quy hoạch xây dựng nhà bia, khu văn hóa lưu niệm làng Quần Tín. 35 hộ trong xã, nơi có văn nghệ sĩ ở ngày xưa đã tình nguyện hiến đổi 7.000 m2 đất để xây dựng Khu văn hóa lưu niệm. Hy vọng rằng, dự án về khu di tích nhiều ý nghĩa này sớm được khởi động.
Tuy vậy, bắt đầu khởi động từ năm 2011, nhưng sau gần 4 năm, vẫn chưa có một tín hiệu gì để hiện thực hóa một dự án vẫn nằm trên giấy tờ với đầy đủ thiết kế, kể cả hình ảnh 3D. Chị Thanh - Bí thư Đảng ủy sốt ruột với tư cách một người quản lí đã đi từng nhà vận động dân. Còn với mỗi người dân, họ lại có tâm trạng lo lắng. Những căn nhà mái ngói đang ngày một siêu vẹo, dột nát, nhưng lấy đâu tiền để trùng tu trong khi không được phép phá dỡ. Những nhân chứng của một thời, tuổi lại chẳng đếm bằng vài năm, họ không thể đủng đỉnh nhìn những ngày tháng ít ỏi còn lại. Trong khi bọn trẻ vẫn hàng ngày đòi bố mẹ, ông bà xây nhà mới đẹp hơn, tiện nghi hơn. Gánh nặng lịch sử không thể dồn lên vai bọn trẻ nếu bố mẹ, ông bà không biết giữ gìn. Không còn một dấu tích nào để bọn trẻ lớn lên hiểu rằng đây đã từng là chiến khu. Trường Tam Lộng ngày nào đã thành khu dân cư, ngôi đình cổ và khu đền cổ đã bị phá đi làm kho, làm lớp học. 13 gia đình Quần Tín có người ở liên tục trong suốt 8 năm từ 1947-1954 như Hải Triều, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân ở nhà ông Tơ Lai, gia đình Bùi Huy Phồn ở nhà bà Lê Thị Hạnh, gia đình Vũ Ngọc Phan ở nhà ông Tổng Xá. Tất cả các ngôi nhà này đang cần phải giữ gìn, thậm chí trùng tu lại.
Chị Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết thêm: Tại đây đã trên 16 lần hết công văn tới hội họp, rồi kiến nghị hết ở xã lên huyện, hết ở tỉnh lên Trung ương bàn việc xây dựng nhà bia, khu văn hóa tại làng Quần Tín để kỷ niệm cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam. Có lúc niềm vui đã đến sát sườn, nhưng rồi, tất cả qua đi, chỉ vì một nỗi: chưa có tiền.
Dân đã hiến tặng cho Khu di tích tới 7 héc ta đất, không đòi lấy một đồng. Đất đã có đó, mà nhà văn hóa cũng chưa có, nhà bia vẫn chỉ nằm trên giấy.
Niềm vui thì ít, nỗi buồn hằn sâu trong đáy mắt người quản lí, chị Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Gánh nặng gia đình để ông chồng lo, mình đi lo vận động dân xây dựng Thọ Cường. Chả phải chỉ có nhà thơ cũng phải biết xung phong, mà cán bộ xã như tôi, cũng phải xung phong để giữ lại những gì mà người dân nơi đây đã và đang đóng góp và hy vọng, vì thế hệ trẻ. Tôi hỏi: Đến như thế hệ trẻ ở làng còn không biết về một địa chỉ đẹp của những nghĩa cử trong sáng này, thì sao mong con cháu của họ hiểu được? Chị kéo cái nón xuống thêm một chút và lầm lũi đi.
Lớp lớp những thế hệ thuộc lòng Đêm nay Bác không ngủ, Màu tím hoa sim, Bài ca vỡ đất, Phá đường… Nhà văn Nguyễn Quang Hà cho rằng: Mỗi bài thơ ấy nếu được khắc lên đá, dựng thành tượng sẽ làm cho Quần Tín giữ được không khí một thời là "Chiến khu của văn nghệ thời kháng chiến". Lúc đó Quần Tín sẽ là nơi trở về cội nguồn của văn nghệ sĩ và là nơi đến của du khách trên đất Thanh Hóa này.
Quần Tín không chỉ là nơi hội tụ niềm tin, nơi đây còn là nơi thể hiện tình quân dân như cá với nước. Cái không khí "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến" đã xa rồi, nhưng cái tình người thì vẫn rất rõ. Tôi nhớ nhất bà cụ già trên 80 tuổi, tay run run mang lúa ra phơi vớt vát cái nắng cuối mùa. Khi được hỏi, bà có còn nhớ ông nhà văn nào đã ở làng này không? Bà bảo nhớ hết. Và bà kể ra toàn những tên tuổi tôi luôn ngưỡng mộ. Đó là những nhà văn hóa lớn, đã sống trưởng thành ở vùng quê này.
15 năm kháng chiến ấy chứa bao nhiêu tình thì hơn 65 năm đã qua những tấm chân tình của người con Quần Tín với cách mạng, với những con người đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà vẫn vẹn nguyên.
Nói hy vọng thì nghe rất xa xôi. Nhiều người đã chới với niềm tin rằng sẽ sớm thôi, Quần Tín sẽ có bia di tích và khu nhà văn hóa. Nhưng sự thực, tôi mong, rất mong, những dấu tích lịch sử, những con người lịch sử sẽ hiện diện nơi đây, nhắc nhớ lớp lớp thế hệ hậu sinh biết, hiểu và trân trọng những gì cha ông họ đã làm, đã chia sẻ và hy sinh.
Đến Quần Tín để tin vào những điều tốt đẹp một thời người ta dành và trao cho nhau.
K.T.H
(*) Các câu thơ trong bài Ngập ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh: “Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu… Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi”.