1. Làng tôi ở cách thị trấn huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa khoảng 7 km về phía Tây, trên đường 217 đi Suối cá Thần Cẩm Lương. Từ đường cái Tây, đi bộ, các bà ăn vừa nhạt miếng trầu thì vào đến làng. Vượt qua cánh đồng hút một tầm mắt trông làng như hình cánh cung. Phần trũng cánh cung quay lưng ra sông Mã gọi là chòm Thào (Sông), bên cánh trái nhiều cây cau vồng cao như vườn sào chĩa lên nền trời là chòm Hón, một nửa cái vòng cung đó tựa vào đồi cây bốn mùa xanh thẫm gọi là chòm Đồi. Chòm Thào có bến ra sông Mã, vừa là bến gánh nước, bến tắm, bến cho bè luồng, bè củi dạt vào bờ mỗi khi nước lụt hoặc có bè trên thượng về. Những năm làng còn dùng giếng chung, chòm Thào dùng nước sông ăn, tắm giặt. Chiều đến bọn trẻ còn lùa trâu ra bến tắm, cả người và trâu cùng ngâm mình thỏa thích trên bến sông ráng chiều đỏ lựng.
Tuổi thơ của tôi gắn với triền sông Mã, nơi tôi theo cô ra bến giặt, tập bơi vào những tà chiều hè, rửa lá dong và giặt tất niên vào 25 tháng Chạp trong cái đông đúc, rộn ràng của bến sông ngày Tết và xuýt xoa cái lạnh se sắt. Đây cũng là nơi mùa nước lũ làng phải nổi trống khoán độ lụt, củi cành, nhà cửa từ lũ thượng nguồn đổ về kìn kịt, người làng tranh thủ vớt củi để đun quanh năm, có khi còn vớt được xác những con trâu đực bị lũ cuốn trương phềnh, phải kéo lên bãi đem chôn, có khi cả một nửa mái nhà sàn nhà ai trên thượng bị lũ cuốn vật vờ như bóng ma sấp ngửa cả buổi giữa sông, cảnh tượng đó làm cho người làng xót tiếc, la ó, đau cái nỗi đồng bào mình khốn đốn đâu đó trên thượng nguồn.
Vào mùa lặng, những ngày nắng nóng, tôi thường theo cô ra sông tập bơi. Mỗi lần ra bến tôi thường nhìn sang bờ bên kia, ao ước một ngày nào đó tôi bơi vượt sông, sang cái làng có tên cổ là làng Tray, nay gọi là làng Phù Lai, trong thời xa xưa đã cùng với làng tôi kết nghĩa huynh đệ, ăn chạ vào tháng Giêng trước Mổ lớn của làng. Đó là những dịp vui nhất, tưng bừng nhất của cái làng nhỏ xa đường, nép bên sông, bên đồi như làng tôi. Còn nhớ, nơi bến sông này, có lần tôi đã đánh bạo bắt con chuồn chuồn bà đỏ như quả ớt chín, bí mật vào bụi cây rì rì bên cạnh bến vạch cạp quần cho chuồn chuồn ghé răng vào rốn. Khi con chuồn chuồn bà bất thần nhích toàn bộ hàm răng vào rốn làm tôi đau điếng. Tôi tự an ủi và tin một niềm tin mãnh liệt, thế nào cũng có một ngày tôi tự bơi qua dòng sông cách trở này, tận mắt chứng kiến cái vực Gỗ bên sông nơi cất giữ câu chuyện lạ của làng, làm nên tình huynh đệ nhiều đời của làng tôi và làng Tray.
2. Cậu tôi là Phạm Văn Chương, sinh 1930, đến nay cả tuổi mụ tròn chín chục mùa măng bương. Biết tôi là đứa con mang nặng ân nghĩa làng mạc, khi tôi gặp và hỏi chuyện làng quê xưa, cậu đều kể rất lâu, rất dài và kỹ những câu chuyện cũng đã già nua theo thời gian. Câu chuyện có khi được kể bên bếp than tháng một, tháng Chạp lép bép ngô nướng cũng có khi vào dịp đầu năm tôi đến mừng tuổi cậu. Ở tuổi đại thọ, cậu tôi vẫn tinh anh, tỉnh táo lạ thường. Đặc biệt cậu có giọng kể, giọng nói còn rền nẩy, mỗi lúc kể đến đoạn tế lễ ông lại đổi ngữ điệu thướng lên cái giọng ông ậu đặc thù, vừa cao vừa dài hơi, gợi không gian và thời gian vời vợi. Những lúc đó mắt ông nhìn vào xa xăm, vừa thành kính vừa say sưa như quên bẵng năm tháng, tuổi tác, chỉ còn hiện hữu và tươi đẫm trong không khí tưng bừng của hội làng, trong tiếng chiêng, trống dàm binh bung lan rộng mặt sông, gọi hai làng vào chạ.
Cậu tôi bảo, Lùng Theenh là tên gốc của làng theo cách phát âm của mường dưới, làng tôi. Người mường Khô, mường Ai, mường Mẩm phát âm thành Lùng Kheenh. Sau cách mạng, có nhiều người dưới xuôi lên định cư, làng không nói tiếng Mường mà nói tiếng chung cho dễ giao tiếp và thể hiện tinh thần đoàn kết Kinh - Mường. Lùng Theenh được gọi và viết trong giấy tờ hành chính là làng Sanh, có người phát âm nhẹ gọi chệch thành làng Xanh, nhưng phiên âm từ tiếng Mường sang tiếng Việt phải là Sanh mới đúng (Sanh giống như sinh).
Làng tôi ở bờ Nam sông Mã (xã Cẩm Bình) và làng Tray (bên bờ bắc sông Mã), xã Cẩm Giang cùng huyện Cẩm Thủy. Làng Tray sau này đổi tên thành làng Phù Lai. Hai làng chúng tôi trong tầm nhìn vượt sang bờ bên kia cách khúc sông khá rộng có nhiều vực nước. Mùa nước cạn cũng có thể hò điệu sông Mã đưa đẩy sang, bên kia cũng nghe và đối đáp lại. Xưa kia, đò giang cách trở, không có cầu phà, hai làng rất ít giao thiệp. Muốn sang chỉ duy nhất bằng thuyền. Hai làng trở thành anh em gắn kết từ khi xảy ra một chuyện thấm đẫm màu sắc truyền thuyết hư thực lẫn lộn.
Chuyện kể, làng Sanh tôi ở ven sông, có đồi đất và đồng ruộng mầu mỡ. Người làng Sanh có nghề đánh bắt cá sông. Mùa nước cạn quăng chài, săn tôm, cào hến. Mùa nước lớn chực chườm cá vào vụng đẻ, kéo vó. Nước rút để lại vụng đầm, làng ới nhau “đánh đầm” cơ man là tôm cá. Cá sông, hến sông, tôm sông là nguồn thực phẩm lớn của làng. Khi chưa có làng chài, người làng tôi làm chủ cả một dải bờ sông dài, nhiều chỗ thoải, đánh bắt khá thuận lợi.
Một hôm, sau đêm mưa, như thường lệ, người đàn ông trong làng ra kéo vó. Mẻ vó cất lên chỉ được một quả trứng to. Lấy làm lạ ông đem về đưa vào ổ cho gà ấp. Kỳ lạ thay quả trứng nở ra một con thuồng luồng. Hằng ngày con vật lạ cứ quấn quýt lấy ông. Khi đối diện ông gọi thuồng luồng là con, xưng bố. Thời gian trôi qua con vật to lớn làm ông cảm bất thường, lo sợ. Một hôm nhân lúc con vật cuộn mình trên đầu cày theo ông ra đồng, ông cầm dao sắc mới mài phạt mạnh vào con vật nhưng chỉ trúng khúc đuôi. Con vật cự lại định hại ông. Thấy vậy ông liền đổi giọng, thanh minh: Con hiểu cho bố, nay tuổi đã già, sức đã yếu, không nuôi nấng con được nữa, nay bố cho con về với sông nước. Làng ở gần Vực Gỗ, Vực Nghè, Vực Tôm… con muốn ở đâu? Hỏi rồi ông xin âm dương được phép nên thả thuồng luồng xuống Vực Gỗ gần làng Tray. Nhưng con vật thành tinh quấy nhiễu dân mấy làng không yên. Hai làng phải cùng nhau hợp lực mới giết được thuồng luồng ma. Sau trận huyết chiến, con vật bị giết, người làng phải đắp mười ba cái chiếu mới che hết thân nó. Hai làng cùng đem chôn cất và từ đó sống yên bình. Và cũng từ đó hai làng Tray và Theenh kết nghĩa huynh đệ. Hai làng ăn thề và giao ước từ nay coi nhau như anh em ruột thịt, đời đời kiếp kiếp thương yêu đùm bọc giúp đỡ vô điều kiện, và nữa tuyệt đối trai gái hai làng không yêu, không được lấy nhau. Hằng năm cứ vào tháng Giêng, sau cai hạ (hạ cây nêu) hai làng sẽ tổ chức ăn chạ. Ngày 12 ở làng tôi, làng Tray sẽ đáp lễ vào ngày 16 Âm lịch.
3. Việc ăn chạ hai làng được chuẩn bị chu đáo. Khi mùa màng, tết nhất xong, làng xóm dọn dẽ quang quẻ, khoảng đất trước làng gọi là Mổ lớn được dọn sạch cỏ, các xới chơi được trang trí. Ngày 11 tháng Giêng chủ tế làm lễ xin động thổ, chọn trai tân khỏe đẹp chuẩn bị chỗ đặt bài vị thần cho ngày mai.
Sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, trong tiếng trống chiêng, trống dàm báo tin vui, đoàn quan viên làng chỉnh tề lễ phục màu vàng, khăn xếp đỏ đi theo hàng về phía bến sông đón đoàn quan anh làng Tray sang lễ và ăn chạ. Tiếng chiêng, trống, sắc áo rực rỡ trong sớm xuân đầy hứng khởi và chờ đợi. Khi đoàn thuyền làng bên cập bến, đội làng bên sắc áo tím, khăn đen lên dốc sông, hai bên tay bắt mặt mừng, hai làng đều gọi nhau là quan anh, xưng em. Câu hát câu xường chào, mời nhau chén rượu lễ rồi cùng lên đình chấp lễ. “Nhà tạo chiếu ngang, nhà lang chiếu dọc” đã trải ngay ngắn, người chủ tế dẫn dắt việc dâng cỗ, thượng hương, châm tửu, sau mỗi lời nhắc, một tiếng “phèng” đáp. Xong ba lần điểm, chủ tế bắt đầu khấn “Đại Nam quốc, Thanh Hóa tỉnh, Cẩm Thủy huyện, Cẩm Bình xã”… sau khi xin âm dương biết thánh đã nhập vị, mâm cỗ đặt trên bàn án thư đi trước, chủ tế đội bài vị và hai người đi chầu hai bên; bên trái trống, bên phải chiêng gióng nhịp đi về phía Mổ lớn hành lễ.
Lễ tế trang trọng có đầu lợn cắp đuôi đặt trên cỗ xôi lớn diễn ra vừa tàn tuần nhang. Phần hội bắt đầu. Các trò chơi dân gian được người chủ tế cho phép về sới. Các chị ném còn, đu dây. Trong lúc còn tung lên, một câu ca, một điệu cười cũng vang theo. Đánh khăng của bọn trẻ, vật đôi của lực sĩ. Đánh mảng của các bà các cô. Trong trò chơi hay thi đấu nhất nhất đều trọng nể, không ăn thua, coi được vui là phần thưởng. Các trò chơi được diễn ra khi chiêng trống hội cứ bung binh rộn rã, âm vang những giai điệu thanh bình.
Việc ăn cỗ ngày chạ để lấy may, làm lệ chứ không trọng phải linh đình, no nê được lấy từ quỹ đinh của làng. Ai cũng dùng lời vui, ý hay để đối đãi với nhau, không khí anh em, bè bạn được hội ngộ, tương giao hào hứng như món quà mùa xuân. Họ chúc nhau năm mới an lành, ăn nên làm ra, tình nghĩa thuận hòa.
Lễ chạ kết thúc bằng việc chia tay và đưa tiễn làng anh ra thuyền vượt sông. Những lời chào giã biệt, hẹn hò, những câu xường chúc tụng “thương thiết thương nồng” lan trên mặt nước sông khói sương. Đoàn đưa tiễn đứng mãi nơi bến, trống chiêng, trống dàm vọng mãi cho đến lúc đoàn làng anh sang sông, lên bờ, những bàn tay vẫy chào lưu luyến như không muốn rời.
4. Tục ăn chạ của làng tôi chỉ còn được tham dự trong hình dung qua những câu chuyện của mẹ tôi, của cậu người em họ hơn tuổi của mẹ tôi kể lại. Ngôi đình thiêng của làng nay chỉ còn những đá cột trên khoảng đất dây rừng chằng chịt sau một trận hỏa hoạn không biết nguyên do. Trong câu chuyện khôi phục những nét đẹp văn hóa của làng, anh Phạm Văn Hưng, một người làm công tác văn hóa lâu năm, tha thiết muốn khôi phục lại ngôi đình. Người bạn cùng tuổi của tôi là anh Phạm Văn Lương, Bí thư thôn cũng gật gù tán đồng khi trao đổi về ý nguyện muốn khôi phục ngày ăn chạ, kết lại tình nghĩa thiêng của hai làng vẫn trân trọng và gìn giữ bấy nay. Trong không khí nông thôn đổi mới, việc khôi phục nét đẹp xưa sẽ làm cho làng xã gắn bó hơn, tốt lành hơn.
Trong hơi khí ngày đầu đông, chúng tôi đứng trên bến nhìn ra bờ sông bên làng quan anh với con đường ven bờ sông thấp thoáng sau bóng cây nay đã liên thôn trải nhựa, dưới bóng dãy núi chạy dài cao ngất xanh màu rừng tái sinh mỗi người hồi tưởng và theo đuổi một ý nghĩ. Tôi cứ nghe đâu đây âm vang bên vách núi tiếng trống chiêng, trống dàm và những con thuyền chở đoàn người mặc sắc phục tím, đội khăn xếp đen của làng quan anh đang hướng về phía bờ tôi đứng như sắp cập bờ.
Cẩm Thủy tháng 11-2019
P.V.S