Ý Đảng, lòng dân (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Liệu
Cũng đã mười năm có lẻ, tôi mới có dịp về quê. Hỏi thăm chừng từng chặng một, đã đứng giữa mảnh đất quê hương vậy mà tôi vẫn chưa hoàn toàn tin vào mắt mình! Bạn đọc cũng “thể tất” cho tôi. Không phải tôi là kẻ “mất gốc” quên cả nơi sinh đẻ ra mình mà vì cái “gốc” đã đổi thay quá nhiều làm tôi ngỡ ngàng chưa nhận ra đây chính là xã Quảng Đại của tôi. Chỗ tôi đang đứng đây chính là nơi thời niên thiếu chúng tôi lê la trong bùn đất. Cái chuyện đến trường, chúng tôi phải cởi quần vắt vai, quay quắt vật vã đến cổng trường xỏa chân cho rũ bùn đất rồi mới “đánh quần trường” bước vào lớp học là chuyện thường nhật, mà, oai oắm thay cả các “cô chiêu” cũng phải chịu chung số phận như vậy! Quần áo “nhất bộ”, không cẩn thận để lấm láp, ướt át thì chỉ còn có nước vào bồ mà ngồi! Còn bây giờ dưới chân tôi là con đường nhựa láng bóng dẫn tôi qua những đường “xương cá” đi vào các thôn làng cũng đều được nhựa hóa hay bê tông hóa. Trước mặt là khu dân cư san sát những nhà bằng, nhà cao tầng, trường học, công sở, những vườn cây ăn trái lúc lửu quả ngọt, ngan ngát hương thơm. Sau lưng là cánh đồng lúa đang xanh thì con gái, ngút ngàn…
Đến văn phòng Đảng ủy xã, may mắn tôi gặp được cả ba đồng chí Thường vụ. Mặc dù rất bận công tác chỉ đạo các chi bộ đại hội để tiến tới Đại hội nhiệm kỳ toàn Đảng bộ, nhưng các đồng chí vẫn dành thời gian trao đổi với tôi được nhiều vấn đề dân xã. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về tình hình xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng chí Nguyễn Trường Giang Phó Bí thư Thường trực đưa cho tôi tập văn bản tổng kết công tác xây dựng NTM (2010-2019) do đồng chí Phạm Văn Huyền, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã thảo đã được Đại hội nhân dân toàn xã thông qua, và đồng chí nói với tôi “Để khách quan, mời đồng chí xuống địa bàn gặp gỡ dân… chúng tôi không cử người hướng dẫn đâu.”
Tôi nghĩ về ý mà các đồng chí Thường vụ đã trao đổi: “Khi nghe nói xây dựng NTM, người dân cho là Nhà nước xây dựng cho ta ấy mà! Cho nên nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phải giải thích, động viên thế nào đây để dân hiểu rằng đây là việc làm cho dân, chính dân hưởng thụ thành quả, vì thế nên chủ thể phải là dân, dân phải tự làm, tự đầu tư kinh phí? Dù muốn hay không vẫn phải đổi mới. Xây dựng nông thôn mới vừa là yêu cầu khách quan, vừa là đòi hỏi tự thân cốt để tự tương thích… Điều này đòi hỏi cán bộ phải đổi mới tư duy ngay trong cách lãnh đạo, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân một cách sâu rộng. Phải thực sự gần dân, đối thoại trực tiếp, bình đẳng, dân chủ với dân. Không thể dùng mệnh lệnh cũng không có chế tài nào để xử phạt những người không làm theo. Toàn thể hệ thống chính trị, các đoàn thể của Mặt trận Tổ quốc phải vào cuộc. Khích lệ truyền thống cách mạng của xã đã từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dựa vào những người đã từng đổ xương máu trong hai cuộc kháng chiến, những người có tầm nhận thức tốt làm nòng cốt, gương mẫu làm trước rồi như vết dầu loang, thu hút dần những người khác. Cuối cùng cũng ổn”.
Lại nói về chuyện những con đường, theo nghĩa thực của nó, cho tôi nhiều suy nghĩ. Những đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; đường phục vụ dân sinh kinh tế, đường phục vụ du lịch được làm mới, nâng cấp… cứ đua nhau luồn qua địa bàn xã, nó giao cắt với đường nội xã, nội thôn, chia thành những khu dân cư vuông vức như đường bàn cờ, tạo ra diện mạo của một vùng nông thôn đô thị hóa, cũng là nằm trong tổng thể hạ tầng cơ sở của khu du lịch Nam Sầm Sơn đang lừng lững hiện hình. Những con đường rộn rã làm bừng thức giấc ngủ mơ màng của cô thôn nữ vốn đã má đỏ môi hồng thêm chút son phấn ra chưng diện với thiên hạ, đón luồng gió mới đang ùa về. Nó là động lực cũng là động cơ để phát triển những hoạt động khác. Các thôn đều có đường rải nhựa thẳng dăng chạy giữa thôn. Trước kia dân ở trong những ngôi nhà cấp 4 xập xệ, lung tung bây giờ đồng loạt chuyển dịch ra sát hành lang đường nhựa, xây tường rào kiên cố có cổng sắt gần như cùng khuôn mẫu. Phía trong tường rào là những vườn cây cho hoa trái và cho bóng mát…
Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nghe ra có vẻ thứ tự rạch ròi nhưng khi bắt tay vào làm thì mọi người “bận như nuôi con mọn”. Đảng ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mà lựa chọn, ưu tiên cho cái nào làm trước, cái nào làm sau. Quyết định khởi đầu là xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, khu dân cư, nhà ở. Kết quả thể hiện trong báo cáo của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Huyền: Nhựa hóa đường giao thông liên xã và 18,2 km đường liên thôn, nội thôn; đường nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Duy tu, bảo dưỡng đường 257. Chỉnh trang, giải tỏa hành lang giao thông. Xây dưng 8 phòng học (2 tầng) cho trường mầm non. Xây mới công sở của xã. Đại tu các công trình Văn hóa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (Đình Mỹ Lâm, Đền thờ Đông Hải Đại vương). Làm mới lại khu Tượng đài liệt sỹ. Chỉnh trang các khu nghĩa trang nhân dân…
Tôi đã nghe, đã thấy cán bộ làm, nhân dân làm. Chỉ đạo thực hiện tiêu chí nào thì cán bộ đặt ra mục tiêu cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để tiến hành những việc tiếp theo. Nhân dân thì làm bất cứ việc gì cần làm, phấn khởi làm, làm với vai trò chủ thể. Cứ nhìn vào việc họ làm, cách họ làm, thái độ khi làm việc của họ tôi tin rằng vai trò chủ thể của người dân được nâng cao và nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở đây được thực hiện rốt ráo như lời đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM. Và hơn hết là tôi tin ý Đảng, lòng Dân đã gặp nhau, hòa hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, vững bền.
Quảng Đại là một xã nghèo. Điểm xuất phát thấp (8/19). Các tiêu chí quan trọng còn lại chỉ khoảng 40%. Nhưng chỉ sau 5 năm (2015), xã đã cán đích NTM đầu tiên của thành phố Sầm Sơn, hướng tới xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu với những kết quả ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm là 13%; thu nhập 40 triệu đồng/người/năm; 3 trừơng và trạm xá đạt chuẩn quốc gia; nhà ở của dân đạt chuẩn của Bộ Xây dựng 100%; hộ nghèo còn 4%; 500 hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ; 5 doanh nghiệp tư nhân đang “ăn nên, làm ra”; 100% các hộ dùng nước sạch… Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là dãy số liệu so sánh sau đây; tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 32%; tiểu thủ công - xây dựng cơ bản chiếm 28%; dịch vụ thương mại chiếm 40%.
Xin nói thêm nông nghiệp Quảng Đại trước đây là ngành trọng yếu. Những năm gần đây năng suất trong nông nghiệp tăng nhanh nhất là sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Có năm đạt 20 tấn/ha/năm. Tuy vậy, nó vẫn thua xa tỉ trọng của ngành thương mại dịch vụ. Ấy chưa tính đến dịch vụ du lịch. Xã Quảng Đại nằm trong khu du lịch Nam Sầm Sơn nhưng chưa chính thức đi vào hoạt động cho nên hoạt động này coi là “tự phát”, không tính. Như vậy là Quảng Đại đã đi rất đúng hướng “giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế quốc dân”.
Cái căn cốt văn hóa nhu nhuyễn, phổ quát nhận thức của con người làm nảy sinh những giá trị mới, bền vững như trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất sâu sắc khi nói (đại ý): Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Tôi đến chơi nhà bạn nghe anh kể “năm kia tôi trồng thử 200 gốc bưởi Diễn vì đất ít. Ai ngờ năm sau mỗi cây ra đến mươi quả. Mấy người “xui” vặt bớt chỉ để lại mỗi cây vài ba quả “xem sao” và để dưỡng sức cho cây chờ vụ sau. Vậy mà đúng. Năm ngoái mỗi cây cho ra từ sáu đến tám chục quả, tròn trĩnh, mọng nước. Rất tiếc, nhưng vẫn phải vặt bớt đi kẻo cây không tải nổi, vậy mà người ta còn bảo phải rẽ quả ra mới thấy lá. Giá mỗi quả hiện tại là 20 nghìn đồng. Mấy anh bạn đến chơi thích quá, gạ mua 3 cây về thờ tết. Đang ngà ngà say, tôi hứng lên phát giá “cứ 10 triệu một cây, thích thì chồng tiền ra”. Tưởng “hét giá” như thế cho nó nản. Ai ngờ nó đặt ra chiếu đúng 21 triệu - Bạn tôi có vẻ buồn - “Nhưng mà… lời nói lúc đó nó bay vào rượu, tuột vào họng rồi, quân tử ai nuốt lời. Thế là nó bứng cả ba cây, đi luôn!”.
Nghĩ đến chuyện đó tôi xin “mạn phép” lãnh đạo và nhân dân Quảng Đại, nghĩ rằng: Nếu nhiều người như anh bạn tôi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả, không phải trồng thử, không phải trồng hai trăm cây mà trồng hai nghìn cây, hai vạn cây và nhiều hơn nữa các giống cây mới như cây bưởi này hay các cây ăn quả khác cho năng suất cao, chất lượng tốt thì sẽ ra sao? Tôi lại cũng có pha tí máu “lạc quan tếu” mà nghĩ thêm rằng: Lúc ấy ta sẽ gắn cho mỗi quả kia một đôi cánh cho nó bay ra thương trường, làm một địa chỉ vàng cho các “thượng đế” thời thượng thì… Và cũng là làm cái việc “mỗi xã 1 sản phẩm, 1 thương hiệu” như các nơi người ta đang thực hiện chương trình ÔCP?
P.V.L