Hoằng Kim xây dựng nông thôn mới từ sức mạnh đồng thuận Kỳ 1: Nhìn từ làng (Bút ký dự thi) - Nguyễn Hải
Ông Long chỉ tay về ngôi đền làng phía ngọn đồi bên cạnh con đường chúng tôi đang thong dong: “Cái cũ còn lại từ xưa đến giờ của mỗi làng chắc chỉ còn bốn cái đình...”. Ông liếc ngang sang tôi như dò xét thái độ, thấy tôi có vẻ mơ hồ, ông tiếp “… đình làng là nơi lưu giữ hồn cốt, sức vóc, hình ảnh của làng, tâm tính của người dân trong làng cất giữ trong đình cả. Đình làng nhiều lần sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp cũng cốt là để giữ lấy cái hồn làng. Có thể cái tường mới, bức tượng mới nhưng hồn cốt của làng, tâm tính người làng bao đời gửi vào đình thì vẫn thế…”.
Con đường liên xã Kim Xuân được làm từ năm 2007, không bị xuống cấp nhiều bởi một phần ít xe trọng tải lớn đi qua đây, phần nữa là được người dân giữ gìn, hỏng đâu sửa đó, không trông chờ ỉ lại vào chính quyền, hơn thế, bà con còn tự giác trồng cây và hoa hai bên đường thành luống, thành vồng theo kiểu khéo tay hay làm nên con đường thêm đẹp hơn.
Vậy theo bác đình làng phản ánh điều gì về quá trình xây dựng nông thôn mới của làng? Tôi hỏi dồn. Bác vẫn giữ cái giọng đĩnh đạc, chậm rãi của mình “… Cái con đường nhựa phẳng phiu, đẹp đẽ mà tôi và anh đang đi cùng với hơn hai cây số bê tông đường thôn ngõ xóm của làng là kết quả của cái tâm, cái tính, cái tình của người dân Kim Sơn đấy. Hơn mười năm trước đường sá của làng đều trong cảnh mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm, hai bên đường là hàng rào dứa dại, cúc tần, ngày rằm, ngày lệ khô ráo thì chả nói làm gì, đúng hôm mưa gió thì nhiều người đứng ở sân nhà vái vọng Thành hoàng. Cái đình làng này trước đây cũng chỉ là một nhà cấp 4 ba gian thấp bé chứ đâu có được bề thế, quy củ như thế này. Ý tôi muốn nói là việc gì mà xuất phát từ cái tâm thiện lành, phục vụ thiết thực cho nhân dân thì khó mấy dân cũng hết sức làm. Làm nông thôn mới hiểu nôm na là làm mới cái nông thôn cũ kĩ, trì trệ, đói nghèo tồn tại bao lâu nay đi thôi…” Nói đến đây cũng vừa lúc bác cháu tôi chạm cổng đình làng.
“Anh Hải này…” - bác vẫn thường gọi tôi kiểu trịnh trọng như thế, “… anh đọc nhiều biết nhiều, vậy anh nói thử xem đình làng có phải chỉ là nơi thờ tự không?”. “Không, ngoài thờ tự ra đình làng còn là nơi hội họp, tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của người dân trong làng nữa bác ạ”. “Đúng thế”, bác làm câu chắc nịch rồi nói thêm “Nhưng đó là ngày trước thôi, còn bây giờ hội họp và tập luyện, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người già, trẻ nhỏ, các hội, đoàn thể của làng diễn ra ở nhà văn hóa nằm ngay trung tâm làng, tiện cho bà con đi lại, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến không gian thiêng của đình, từ đó đình làng có điều kiện để trùng tu và giữ gìn khang trang, sạch đẹp, tôn nghiêm như bây giờ”. Vậy câu chuyện đình làng sạch đẹp và nhà văn hóa khang trang có quan hệ như thế nào? Ý nghĩa là gì? Liên quan gì tới quá trình xây dựng nông thôn mới của làng, của xã? Thấy tôi có vẻ lúng túng, ông Long giải thích “đình làng tôi thiêng lắm, thờ ông Cao Ninh, một vị tướng giỏi, có nhiều công trạng thời nhà Lý, chính ông là người mộ dân lập làng, sau khi ông mất được nhân dân trong làng tôn thờ làm Thành hoàng làng. Ngày rằm, ngày lệ, ngày tết người trong làng đến đình thắp nhang dâng lễ tưởng nhớ và cầu khấn phước lành cho gia đình, con cháu học hành tấn tới, làm ăn gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc. Làng vẫn giữ được câu lạc bộ hát chèo, hát tế, chầu văn, trống chầu vừa là để dâng hầu Thành hoàng vừa để biểu diễn cho bà con trong làng, trong xã xem vào các ngày lệ làng hay lễ lớn. Con cháu của làng nhiều người đi ra làm ăn thành đạt quay về xây dựng quê hương, báo đáp Thành hoàng, báo đáp tổ tiên, và truyền thống ấy luôn được giữ gìn và phát huy. Đình làng, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm bê tông hóa… sáng, xanh, sạch, đẹp như anh thấy phần nhiều là nhân dân trong làng và con em xa quê cung tiến, ủng hộ, đóng góp xây dựng. Đã thành cái nếp, con cháu trong làng học hết cấp ba giỏi thì đi học đại học, không đủ sức học đại học thì học nghề, đi xuất khẩu lao động, đi bộ đội… phần nhiều ở làng giờ chỉ còn người trung tuổi, người già và trẻ con. Hai chục năm về trước, nhà tầng, xe máy, ô tô đếm trên đầu ngón tay, còn bây giờ mọc lên san sát, nhà nào có đám cưới, đám giỗ ô tô đứng hàng dài, cuối tuần nhà nhà thi nhau mở karaoke hát hò nghe ra thì vui, thì mừng vì dân trong làng giờ có của ăn của để, không còn nghèo như trước nhưng văn hóa làng, văn hóa cộng đồng tôi thấy có vài điều chưa ổn...”. Giọng ông chùng xuống, tôi thấy nét mặt ông không vui, đôi lông mày đã đốm bạc chau lại, những nếp nhăn trên trán nổi lên sau tiếng thở dài nhè nhẹ. Câu chuyện các làng quê ở nông thôn đang thay đổi theo kiểu kinh tế đi trước văn hóa tụt sau, không riêng gì ở làng Kim Sơn của ông Long mà diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Đó cũng chính là lí do cho sự ra đời Nghị quyết xây dựng văn hóa Việt Nam tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, trong đó có đoạn viết “Xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng…”. Nhưng với cái đà thay đổi vừa nhanh, vừa mạnh này, những người tâm huyết và có trách nhiệm với làng ở những lớp người sau liệu có đủ sức gánh vác không, khi mà tuổi những người như ông Long ngày một nhiều?!
- Đội văn nghệ tập tành đến đâu rồi ông Long? Ổn cả chưa?
Ông Tám, trưởng làng Nghĩa Trang, tìm ông Long hỏi chuyện đội văn nghệ tập luyện chuẩn bị giao lưu văn nghệ tối khai mạc hội làng, cắt ngang tiếng thở dài trên khuôn mặt có phần rầu rĩ của ông Long. Tháng hai và tháng ba âm lịch hằng năm, các làng trong xã sẽ tiến hành tổ chức lễ hội kỳ phúc đầu năm. Thông lệ thì làng Nghĩa Trang làm đầu tiên rồi đến Kim Sơn, My Du và cuối cùng là Nghĩa Phú. Trước đây lễ hội ở các làng phần nhiều chỉ để tâm đến phần lễ mà ít quan tâm tới phần hội, mươi năm trở lại đây, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ phía ủy ban xã, các làng đã quan tâm nhiều hơn đến phần hội, khôi phục và đưa vào các trò chơi truyền thống. Vì vậy mà sau phần cúng tế hương khói ban ngày đến đêm hôm khai hội là màn giao lưu văn nghệ giữa các làng và sang ngày sẽ là các trò chơi dân gian, mỗi làng đều có đội văn nghệ riêng, nhưng xét về lịch sử và tính chuyên nghiệp thì không làng nào so được với làng Kim Sơn.
- Ông đi vào đây uống ngụm nước đã. Đến ngày là diễn thôi, ông không phải lo, đâu sẽ vào đấy.
Nét mặt ông Long vui trở lại khi nói tới đội văn nghệ, ông tự tin và có phần hãnh diện về độ chuyên nghiệp của đội văn nghệ làng ông. Bởi không ai khác, bản thân ông trưởng làng ở cái tuổi ngấp nghé bảy mươi này cũng đã bao phen lao tâm khổ tứ để duy trì đội văn nghệ ấy. Cũng vì miếng cơm manh áo mà có thời điểm người người, nhà nhà theo nhau vào Nam, ra Bắc, vào công ty, ra nước ngoài làm ăn, đi giữ con, giữ cháu, giữ nhà cho con cái, anh em ở tứ xứ, khi đó làng chả còn mấy người, đội văn nghệ cứ vơi dần, có lúc tưởng như phải giải tán vì vài ba người thì tập tành, biểu diễn làm sao. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, với bốn năm người ông Long vận động thành lập câu lạc bộ, sau đó mời gọi thêm các cháu học cấp hai, cấp ba tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đến nhà văn hóa của làng vừa học các cụ, vừa tham gia biểu diễn mỗi khi đến ngày lễ, ngày tết ở đình làng. Vậy là một công đôi việc vừa duy trì được đội văn nghệ truyền thống của làng vừa nuôi dưỡng được thế hệ kế cận, gìn giữ nét đẹp của ông cha. Và câu lạc bộ ấy mấy năm nay cứ đông dần lên bởi người đi xa về, con rể, con dâu của làng cũng hăng hái tham gia, đặc biệt các thế hệ học sinh của làng cứ thay nhau giữ chỗ trong câu lạc bộ. Thành quả ấy thuộc về câu lạc bộ, nhưng dấu ấn cá nhân của ông trưởng làng là không hề nhỏ.
Làng Nghĩa Trang của ông Tám cũng đâu có kém cạnh là mấy, đội văn nghệ liên thế hệ quân số cũng ngót nghét hai chục người. Tuy mới thành lập được bảy, tám năm nay nhưng cũng đã có tiếng là hát hay múa đẹp trong và ngoài xã, đã từng đi hội diễn văn nghệ do huyện tổ chức nhiều lần. Còn chưa kể các câu lạc bộ bóng chuyền hơi của hội phụ nữ, câu lạc bộ tập dưỡng sinh của hội người cao tuổi, câu lạc bộ cầu lông, bóng chuyền, bóng đá của đoàn thanh niên… câu lạc bộ nào cũng có vài chục người tham gia tập luyện đều đặn. Nói về diện tích, dân số, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu ngành nghề thì gần như mọi chỉ số Nghĩa Trang đều đứng đầu cả xã, dễ hiểu vì làng có tới ba thôn. Hai thôn 1 và 2 Nghĩa Trang vừa làm nông, vừa buôn bán nhỏ lẻ, thôn Hiệp Thành trước đổi mới là hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, sau đổi mới đến nay tập trung vào phát triển dịch vụ, thương mại. Hơn ba mươi năm đổi mới, mà đặc biệt là mươi năm trở lại đây, tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường cộng với sức nóng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo ra đã làm cho bộ mặt của làng Nghĩa Trang nói riêng và xã Hoằng Kim nói chung thay đổi nhanh chóng. Thương mại và dịch vụ của Hoằng Kim luôn đứng tốp đầu của huyện Hoằng Hóa, nghĩa là làng Nghĩa Trang đang là cánh chim đầu đàn đưa nền kinh tế của cả xã phát triển mà mũi nhọn chính là thương mại và dịch vụ chiếm tới 44,1% trong cơ cấu giá trị sản xuất năm 2019.
Công sở, trường học, trạm xá, phân viện, chợ, cây xăng, siêu thị, cửa hàng cửa hiệu, hàng quán ăn uống… tập trung cả ở Nghĩa Trang, đi qua làng mà ngỡ như đi qua phố, rõ ràng Nghĩa Trang là bộ mặt, là hạt nhân quan trọng của xã. Ấy vậy mà, khi kinh tế phát triển được một bước người ta lại cảm nhận thấy có sự phân hóa cả về giàu nghèo, cả về tình đoàn kết của người Nghĩa Trang. Tức là người giàu, người có tích tụ tài chính bao lâu nay thì bây giờ khi môi trường kinh doanh thông thoáng từ các chính sách kích cầu của nhà nước những hộ này được dịp mở rộng loại hình, quy mô ngày một đa dạng hơn, rộng lớn hơn và ngày một giàu có hơn. Còn các hộ thuần nông, khi ruộng đất ít, xưa nay làm chỉ đủ ăn, không có tích tụ thì không có điều kiện tham gia vào dòng chảy kinh doanh, vì thế mà vẫn được xếp vào hàng “đủ ăn bền vững”. Thêm vào đó khi đất ruộng trở thành đất quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp thì Nghĩa Trang có thêm nhiều người làm công nhân hơn. Họ, người dân của cái làng có lịch sử mấy trăm năm gắn bó với nghề nông giờ không mấy tha thiết với ruộng đồng nữa, bởi một tháng lương làm công nhân bằng cả vụ làm lúa. Làm công nhân mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu, không như làm nông phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thu nhập chẳng được là bao. Có lẽ Nghĩa Trang đang rơi vào cảnh như bao làng quê khác, chỉ thấy người già và trẻ nhỏ ở nhà, cả tuần mấy bà ngồi chợ chỉ trông chờ vào ngày chủ nhật, vì công nhân được nghỉ làm mới có đông người mua. Quán game trước đây chỉ một hai nhà mở lèo tèo vài máy, giờ cả chục nhà mở, thi nhau đầu tư rầm rộ từ số lượng, cấu hình, màn hình máy, đến bàn ghế, đồ ăn, thức uống, biển hiệu bắt mắt thu hút khách hàng, mà khách hàng của họ lại chỉ toàn học sinh. Đâu đó vẫn có cãi cọ, xô xát khi vì túi rác, khi do tiếng loa mở nhạc quá to, có cả trộm cắp vặt, say rượu đập phá, lô đề, cờ bạc… Chắc chắn chính quyền địa phương biết những điều đó, ông Tám, ông Long và các ông trưởng làng khác cũng biết rất rõ điều đó.
Ông Tám cho rằng Nghĩa Trang là làng phức tạp nhất xã, bởi có sự góp mặt của nhiều thành phần, dân bản xứ có, dân góp có, dân từ tứ xứ đến làm ăn, buôn bán, giao lưu cũng có. Bản thân người bản xứ cũng tồn tại sự phức tạp bởi cái tính nửa thương, nửa nông đã thành cái nếp trong cách nghĩ, cách làm tồn tại suốt bao đời nay nên thành ra làm cái việc “vác tù và hàng tổng” như ông đúng là “làm dâu trăm họ” khó đủ đường. Dân thì chín người mười ý, hôm nay gật đầu tham gia, ngày mai lại phản đối rầm rộ, chồng đi họp thì giơ tay biểu quyết tán thành ngày mai vợ con dắt díu đến nhà trưởng làng, trưởng thôn phân bua từ chối… Hơn mười năm gánh vác việc làng, việc tổng, ông Tám có còn lạ lẫm, bỡ ngỡ gì đâu, thậm chí còn chỉ mặt đọc tên tính cách từng người, từng nhà, và đó cũng chính là vũ khí, là lợi thế để ông tiếp cận kêu gọi, khích lệ mọi người đoàn kết vì mục tiêu chung. Có “vũ khí sắc bén”, có kinh nghiệm hơn mười năm ấy vậy mà cũng có lúc ông vẫn “bí” như thường. Cái vụ làm nhà văn hóa ông cũng đã toát mồ hôi, khô cổ họng cuối cùng vẫn phải nhờ đến sự vào cuộc của Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban xã mới xong được. Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, bắt đầu bằng việc mỗi thôn xây một nhà văn hóa làm khu hội họp và sinh hoạt cộng đồng. Triển khai họp dân ban đầu mọi người đều đồng tình với chủ trương ấy, nhưng khi tính toán và công khai tài chính, chia đầu khẩu đầu hộ thì số tiền lên tới cả triệu, người dân bắt đầu bàn ra tán vào, hội trường bắt đầu nóng lên với rất nhiều ý kiến than vãn, những anh lâu nay không có thiện cảm với chính quyền thôn, xã được dịp to tiếng phản đối, những người khác thấy vậy cũng chạy theo đám đông lên tiếng phản đối ra mặt. Cuộc họp chia thành hai phe đồng ý và phản đối lời qua tiếng lại không bên nào chịu, ông trưởng thôn đành phải cho tạm dừng. Ban mặt trận thôn, ban văn hóa làng vào cuộc vận động hành lang, đến từng nhà phân tích, kêu gọi nhưng vẫn chưa thể thống nhất. Cuối cùng cả hai ban kéo lên xin ý kiến chỉ đạo từ Bí thư và Chủ tịch xã, đáp án là “chia nhỏ”, nghĩa là sức dân có hạn, hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác, không thể cứng nhắc tất cả đều đóng cùng lúc như nhau, chỉ bằng cách chia nhỏ số tiền của mỗi hộ ra và thu cùng với phí nông nghiệp hằng năm. Cuộc họp dân lần hai đích thân Phó Chủ tịch xã và cán bộ địa chính nông nghiệp cùng với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã xuống dự họp và giải đáp thắc mắc của người dân, kết quả nhân dân thống nhất chủ trương xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa thôn, nhiệt tình tham gia ngày công lao động, kêu gọi người thân làm ăn xa quê ủng hộ… Chỉ mười tháng, sau toàn xã xây dựng xong 8 nhà văn hóa mới, sửa chữa xong 4 nhà văn hóa cũ, hoàn thành tiêu chí số 6 trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bước đầu chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư được triển khai có hiệu quả.
Nhưng bây giờ khách quan mà nói thì Nghĩa Trang không phát triển đồng đều như làng Nghĩa Phú, dù Nghĩa Phú ít dân hơn, diện tích hẹp hơn, ít thương mại và dịch vụ hơn nhưng họ có “đô la”. Ý ông Tám là làng Nghĩa Phú giàu lên nhờ con trai thì đi xuất khẩu lao động, con gái thì đi làm cho công ty may, giày da xuất khẩu của nước ngoài, những người trung tuổi thì ở nhà làm rau màu, hoa, củ, quả theo tiêu chuẩn Việt GAP… Với hơn một trăm hộ và chưa đầy năm trăm khẩu, vậy mà chỉ mươi năm trở lại đây, làng Nghĩa Phú lột xác từ một làng nghèo nhất xã với hầu hết là nhà cấp bốn, thậm chí có nhà tranh vách đất, đường đất chật hẹp, nhanh chóng trở thành ngôi làng triệu phú… và một bộ mặt hoàn toàn khác sau khi chỉnh trang làng xóm để cùng cả xã chung sức xây dựng nông thôn mới. Nghĩa Phú là một bằng chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện chấp nhận đánh đổi, và khi mục tiêu kinh tế đã bước đầu có kết quả thì quay trở lại xây dựng tiếp cơ sở văn hóa, cơ sở hạ tầng theo chiều hướng đồng bộ. Điều gì tạo ra sự thay đổi của Nghĩa Phú? “Đó là chính sách và tư tưởng” - ông Toán trưởng làng, kiêm trưởng thôn và đồng thời là Bí thư chi bộ khẳng định với tôi trong lần gặp trước đó. Ông cho rằng chính chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động của nhà nước ta nhằm xóa đói giảm nghèo đúng hướng mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho thanh niên cộng với tư tưởng cầu tiến muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu của lực lượng lao động trẻ đã tạo ra sự phát triển về kinh tế cho làng. Không ngại khó, không ngại khổ, không ngại làm việc xa nhà, từ một hai người đầu tiên trở về với số vốn dắt lưng khấm khá, về sau này ngày càng có nhiều người đi. Cũng chính vì như vậy mà con số thống kê dân số năm 2018 của Nghĩa Phú gần năm trăm khẩu nhưng trên thực tế số lao động tại địa phương chỉ chiếm khoảng hai phần ba, chưa kể lao động tại địa phương cũng là công nhân cho công ty nước ngoài. Nghĩa là gần như thời gian dành cho gia đình cực kỳ eo hẹp, mắt xích kết nối giữa các thành viên trong gia đình đang có nguy cơ bị đứt gãy, từ đó việc quản lí các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên đang có dấu hiệu bị sao nhãng, bài toán về giữ vững các giá trị văn hóa và đạo đức trong cộng đồng lại làm đau đầu các nhà quản lí. Khi bức tường rào cao lên thì tình đoàn kết cộng đồng giảm xuống, nghĩa là tính cá nhân, tính biệt lập, nhu cầu riêng tư dâng cao thì giao lưu cộng đồng trong khu dân cư sẽ giảm, khi đó tình đoàn kết, tương hỗ cũng giảm theo.
Bức tranh tổng thể nhìn từ làng của Hoằng Kim có đầy đủ đường nét, màu sắc, góc cạnh mà chắc chắn màu sáng về kinh tế, cơ sở hạ tầng vẫn là chủ đạo. Đường nét khắc họa về một làng quê đang trong quá trình thay da đổi thịt, từ một xã có thu nhập thấp tiến lên thu nhập khá, từ một làng quê nghèo nàn mái ngói tường rêu được thay thế bởi những tòa nhà cao sang, đường sá đi lại từ liên thôn đến liên xã đều sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhưng hãy còn đó những góc cạnh loang lỗ vết đen, xám, nâu về văn hóa, về chênh lệch giàu nghèo, về tình đoàn kết từ các thành viên trong mỗi gia đình đến khu dân cư làng xã cần tiếp tục phải điều chỉnh, phải thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn để bức tranh nông thôn mới hoàn thiện và thêm phần rạng rỡ. Đó là bài toán khó, là thách thức không nhỏ cho các cấp chính quyền từ Trung ương trở xuống, mà sát sườn nhất, gần gũi nhất là cấp làng, xã. Cần phải có những con người có lối tư duy dám nghĩ, dám làm, và phải làm bằng trí tuệ, tình yêu và trách nhiệm với quê hương mới mong gặt hái được những mùa quả ngọt.
(Còn nữa)
N.H