Hoằng Kim xây dựng nông thôn mới từ sức mạnh đồng thuận Kỳ 2: Lấy đồng thuận làm sức mạnh (Bút ký dự thi) - Nguyễn Hải
Hoằng Kim là một xã thuần nông, nằm phía tây bắc huyện Hoằng Hóa, cách trung tâm huyện khoảng hơn mười kilomet và cách thành phố Thanh Hóa gần hai mươi kilomet về phía Bắc. Có gần hai kilomet bám quốc lộ 1A, hệ thống giao thông liên xã, liên huyện hoàn thiện nối liền với các trung tâm kinh tế của huyện cũng như của tỉnh như Thị trấn Bút Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, thành phố Thanh Hóa, vậy nên có thể nói Hoằng Kim vừa có thế, vừa có lực để bứt phá vươn lên, nếu hợp logic thì Hoằng Kim không mất quá nhiều thời gian hoàn thành những tiêu chí để về đích nông thôn mới, vậy lí do gì kìm hãm, giữ phanh Hoằng Kim vươn lên?
- Chủ trương có, chỉ tiêu có, kế hoạch có nhưng dân chưa đồng thuận thì tất cả đều nằm trên mặt giấy để trong ngăn tủ, trên bàn làm việc. Để chủ trương được hiện thực hóa, thì phải giải quyết thật tốt bài toán đồng thuận, bởi đồng thuận là chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa, giải quyết mọi bài toán khó, tạo tiền đề, sức mạnh cho Hoằng Kim.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hoằng Kim khảng khái chia sẻ bí quyết để xã Hoằng Kim hoàn thành 19 tiêu chí sau hơn sáu năm tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Sáu năm không phải dài nhưng cũng không thể nói là ngắn, ngần ấy thời gian cho một hành trình vừa làm vừa dưỡng sức dân, vừa tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới và luôn luôn là những mục tiêu vừa sức chứ không đại nhảy vọt kiểu chạy đua hao người tốn của, nặng màu thành tích, thiếu thực tế.
Hoằng Kim có hơn sáu nghìn dân, với bốn làng là Nghĩa Phú, Nghĩa Trang, My Du và Kim Sơn, bốn sắc thái văn hóa, bốn cách thức làm ăn, từ đó hình thành nên bốn tư tưởng và ý thức hệ về xây dựng làng xã khác nhau, không làng nào giống làng nào, luôn mang tư tưởng “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Mươi năm về trước, Nghĩa Phú là một làng thuần nông, với tư duy con trâu đi trước cái cày theo sau, được hay mất mùa là do trời định, Nghĩa Trang lại mang dáng dấp của một làng sành sỏi về làm ăn buôn bán nhưng theo dạng cò con, manh mún, nhỏ lẻ, đa phần là hàng sáo, buôn thúng bán mẹt, làm thêm ruộng để lấy gạo ăn chứ không chuyên như Nghĩa Phú, My Du mang dáng dấp của một làng bạ, nghĩa là nhỏ, lép vế, và không mặn mà với xây dựng phát triển làng mà mang tư tưởng đi ra làm ăn, lập nghiệp ở nơi khác, Kim Sơn thuộc kiểu làng văn nghệ, làng vui chơi, làng ca hát, không nặng nề về kinh tế, làm đủ ăn không mang tư tưởng làm giàu, nên cái gì cũng chỉ cầm chừng, quan trọng là vui chơi, hội hè nên cả làng ai cũng biết và thích hát đặc biệt là hát chèo. Mỗi làng mang một tính cách, một cách nghĩ và cách làm riêng, làng nào biết làng đó, nước sông không phạm nước giếng, quan hệ giữa các làng gần như chỉ xoay quanh cái chợ Già, dù rằng cái chợ với vài trăm năm tuổi ấy chỉ còn giữ lại được mỗi cái tên chứ về cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ thương mại đã xập xệ, xuống cấp sau rất nhiều lần tu bổ chắp vá.
Ban Chấp hành Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đã nhìn nhận, đánh giá và rút ra được căn nguyên, gốc rễ, bản chất của vấn đề từ đó lập phương án tổ chức thực hiện một cuộc cách mạng để Hoằng Kim thay đổi. Rất nhiều cuộc họp đã được tổ chức của cả Đảng ủy, cả Hội đồng nhân dân, xin chủ trương, tranh thủ ý kiến từ lãnh đạo huyện, cuối cùng đi đến thống nhất quan điểm làm từng cái một, làm từng bước một, làm tới đâu chắc tới đó, triển khai mục tiêu nào đạt mục tiêu đó, không dàn trải, không tham bát bỏ mâm, không chạy đua thành tích, và quan trọng nhất luôn luôn phải giải quyết triệt để bài toán đồng thuận trong toàn dân. Nhưng muốn người dân đồng thuận thì cán bộ các cấp từ xã xuống đến thôn phải đồng thuận trước tiên. Cán bộ cấp thôn mà đứng đầu là Bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban mặt trận thôn, rồi tới trưởng các hội, các tổ chức đoàn thể phải là những người hiểu nhất, tường tận nhất về tầm quan trọng của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phải biết rõ nhất vị trí, vai trò của mình, việc mình cần phải làm, điều mình cần phải nói có như vậy mới định hướng được cho người dân trong làng, trong thôn. Cán bộ, đảng viên trong thôn phải là những người làm trước, gương mẫu đi đầu, sau đó lôi kéo, khích lệ, kêu gọi, động viên nhân dân tham gia làm theo. Đặc biệt mỗi cán bộ, đảng viên trong thôn phải làm tốt công tác tuyên truyền, nói cho dân biết, dân hiểu, làm cho dân tin, dân theo, khi đó mới đạt được đồng thuận trong dân và huy động được tối đa sức mạnh toàn dân. Để giải quyết vấn đề then chốt này Đảng ủy, Ủy ban nhân dân quyết định mời cán bộ truyền thông của huyện, của tỉnh về tập huấn cho cán bộ, đảng viên của thôn, của xã, nhằm tăng thêm phần hiểu biết về chính sách và nắm bắt rõ hơn chủ trương, đường lối, pháp luật, bổ sung kỹ năng về cách thức tiếp cận và phương pháp triển khai vấn đề đến người dân… có như vậy mới phát huy hết được vai trò và sức mạnh của công tác dân vận.
Khi mà nếp sống, nếp nghĩ đã ăn sâu vào tâm khảm, thâm căn cố đế của mỗi người thì để thay đổi nó là một quá trình lâu dài và phải thực sự kiên trì mới làm được, đây là một bài toán không dễ. Tất nhiên trong quá trình đó không tránh khỏi những va chạm, tranh luận nảy lửa nhưng tuyệt đối không xung đột, mất đoàn kết mà luôn hướng tới việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất, triệt để nhất, hiệu quả nhất. Cứng nhắc và khuôn mẫu sẽ thất bại, vậy nên chính quyền địa phương từ cán bộ cấp xã đến cấp thôn, làng thống nhất quan điểm làm việc theo nguyên tắc lắng nghe và thấu hiểu, vận động và thuyết phục nhiều hơn là sử dụng quy định hay sức ép công quyền. Khi mà chính quyền và người dân đã tìm được tiếng nói chung thì việc tháo gỡ các nút thắt dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi đồng ý với quan điểm của đồng chí Bí thư Đảng bộ xã khi cho rằng “làm việc với người dân không thể vội, càng không thể áp đặt theo kiểu cán bộ quan liêu đứng trên chỉ tay năm ngón, phải xắn tay áo lên cùng lo, cùng làm với nhân dân, phải hiểu được cái khó của người dân để thông cảm và chia sẻ với họ, có như thế mới lấy được niềm tin và sức mạnh của nhân dân mà giải quyết công việc”.
Một trong những tiêu chí của xây dựng nông thôn mới là chỉnh trang cứng hóa đường thôn và liên thôn trong toàn xã. Việc này tốn kém rất nhiều tiền của, công sức của nhân dân, nếu cứ đè người dân ra thu thì không ổn, sức nhân dân có hạn, không thể cáng đáng hết. Mặc dù số hộ nghèo năm 2015 của Hoằng Kim chỉ còn dưới năm phần trăm nhưng vừa làm nhà văn hóa và các ngõ xương cá xong, các khoản sản, thuế phí cũng đóng theo niên hạn và quy định của nhà nước, chưa kể chi phí cho con cái học hành, chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày… mà thu nhập thì có hạn. Kinh phí vẫn luôn là chủ đề nóng trong các buổi họp dân, và nó là lí do của việc trưởng các thôn tổ chức họp lên họp xuống mãi mà người dân vẫn một mực phản đối, không thể tranh thủ được sự đồng thuận của nhân dân vậy thì làm sao mà triển khai chủ trương được. Sau khi xem xét báo cáo từ phía cán bộ thôn và lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía người dân, Ủy ban nhân dân xã chủ động xây dựng kế hoạch, xin chủ trương của Ủy ban nhân dân huyện đồng ý cho triển khai theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Dùng ngân sách của xã ủng hộ xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi và ngày công khi làm đường nội thôn, riêng đường liên thôn ngân sách xã chi trả 100%, nhân dân bỏ công giám sát, chỗ nào chưa đạt nhân dân có ý kiến với cán bộ chuyên môn của ủy ban yêu cầu nhà thầu làm lại. Kế hoạch rõ ràng, minh bạch cộng với việc làm tốt công tác dân vận tranh thủ được sự đồng thuận của người dân, sau gần một năm toàn bộ 5,7 kilomet đường liên thôn, 2,9 kilomet đường ngõ xóm và 8,5 kilomet đường, kênh mương nội đồng đã được đổ bê tông 100%, hoàn thành tiêu chí số 2 kịp thời và chu đáo.
“Khi nghe báo cáo từ Bí thư các chi bộ thôn về kết quả họp dân ngay lần đầu đã thất bại, tôi thấy có nhiều điều lấn cấn trong lòng, cần phải làm rõ trước khi tổ chức họp dân lần hai. Tôi xuống cơ sở gặp gỡ, trao đổi riêng với các đồng chí đảng viên nhiều tuổi và các đồng chí lão thành cách mạng ở các thôn. Tôi đến với họ bằng thái độ lắng nghe và cầu thị chân thành thì họ sẵn sàng cởi mở và thẳng thắn. Sở dĩ chủ trương làm hệ thống đường thôn ngõ xóm gặp khó khăn là bởi ngoài yếu tố tài chính còn vì yếu tố niềm tin của người dân. Họ lo lắng về chất lượng công trình, năng lực nhà thầu, năng lực cán bộ giám sát, công tác kiểm định, vấn đề công khai minh bạch về tài chính… những điều họ lo lắng là có cơ sở. Còn nhớ nhiều năm về trước tình hình cán bộ địa phương có một số vấn đề làm chưa tốt, xuất hiện nhiều bất cập đặc biệt là trong việc xây dựng các công trình cơ bản, khiến cho lòng tin của nhân dân đối với cán bộ chính quyền ở địa phương có phần bị phai nhạt, vậy nên một số người cho rằng việc thực hiện kích cầu của ủy ban xã sẽ không được thực hiện như đã hứa và người dân vẫn phải bỏ tiền mua xi măng, có thể xảy ra chuyện cán bộ móc nối với nhà thầu làm ăn gian dối… Thành thật mà nói việc niềm tin của người dân dành cho cán bộ bị phai nhạt đi ít nhiều thì tôi biết, nhưng không nghĩ nó hằn sâu đến thế. Thế mới nói, niềm tin giống như quả cầu pha lê vậy, đẹp long lanh nhưng không cẩn thận, lỡ tay đánh rơi thì dễ bị trầy xước. Cũng đã nhiều năm trôi qua, tôi cứ nghĩ thế hệ cán bộ chúng tôi ra sức thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khắc phục chu đáo những tồn tại, hạn chế của các thế hệ cán bộ trước thì sẽ lấy lại được nguyên vẹn niềm tin của nhân dân, nhưng qua việc huy động sự đồng thuận của nhân dân lần này mới thấy, trên quả cầu pha lê kia vẫn có vết xước rất sâu chưa thể xóa mờ. Làm cán bộ mà không có được niềm tin của người dân thì hỏng, làm lãnh đạo mà không có được uy tín và sự ủng hộ của nhân dân thì càng hỏng. Tôi tự nhủ dù là cán bộ tham mưu giúp việc hay cán bộ lãnh đạo đều phải xem niềm tin của người dân đối với mình như của để dành, sự ủng hộ của người dân như gia tài, có như thế mới thấy quý mà gìn giữ, nâng niu. Lỡ đánh mất đi, lúc cần dùng biết bấu víu vào đâu…”. Nghe những bộc bạch chân thành từ phía đồng chí lãnh đạo cao nhất của một xã nông thôn, cấp nhà nước thứ tư mới thấy được khó khăn thế nào khi lòng dân không thuận và sẽ thành công khi giữ được niềm tin, tranh thủ được sự ủng hộ của người dân. Một khi cán bộ lấy mong muốn, lợi ích của nhân dân làm động lực, làm mục tiêu làm việc thì mọi việc ắt sẽ thành.
Để giải quyết dứt điểm nỗi lo của người dân, Ủy ban nhân dân xã thực hiện chính sách công khai minh bạch thông qua việc đưa xi măng tới tận nhà văn hóa bàn giao cho Ban Mặt trận thôn và ban giám sát cộng đồng của thôn. Đồng thời làm việc trực tiếp với hai ban này về thiết kế mặt bằng cũng như kết cấu và mác bê tông đổ cho đường nội thôn và đường liên thôn, khi nắm được những nội dung này họ sẽ dễ làm việc hơn và chuẩn xác hơn trong quá trình thi công, giám sát. Chính quyết định này đã đánh tan đi mọi nghi ngờ trong lòng nhân dân, cũng từ việc đó nhân dân hồ hởi, phấn khởi tham gia cùng các cấp chính quyền địa phương, chưa kể người dân còn chủ động tự nguyện bỏ tiền, bỏ công nâng cấp lại toàn bộ hệ thống rảnh thoát nước cho phù hợp với kết cấu đường mới. Để các hộ nghèo không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính trong việc nộp các khoản thu xây dựng đường cũng như nhà văn hóa, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã định hướng cho các thôn có chính sách hợp lí giảm hoặc miễn cho các hộ nghèo và neo đơn. Việc này được giải quyết thông qua các buổi họp dân trong thôn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cùng với Ban Mặt trận thôn sẽ làm công tác tư tưởng với các hộ trong thôn, thống nhất mức nộp hoặc hình thức đóng góp bằng tiền hoặc bằng ngày công đối với các hộ này. Các thôn đã giải quyết rất tốt vấn đề kinh phí đối với các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ thuộc diện neo đơn. Tất cả mọi người trong thôn đều tán thành, hào hứng và nhiệt tình tham gia công tác làm nhà văn hóa cho đến làm đường thôn ngõ xóm cũng như giám sát việc ủy ban xã đổ bê tông đường liên thôn. Đó là một thành công và là minh chứng thật chất nhất cho câu chuyện đồng thuận, nếu các cấp chính quyền cũng như người dân không đồng thuận thì mọi thứ đến giờ vẫn nằm trên giấy. Hoằng Kim đã thực hiện một cách triệt để, chặt chẽ công tác thực hành dân chủ nhân dân: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, đó chính là chìa khóa, là công thức áp dụng cho cả quá trình xây dựng nông thôn mới của Hoằng Kim.
Xây dựng đời sống văn hóa mới cũng là xây dựng nông thôn mới và trên mặt trận xây dựng văn hóa cũng cần đến đồng thuận, thậm chí đòi hỏi những người thực hiện phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, khéo léo hơn, sâu rộng hơn. Nhiều năm trở lại đây, văn hóa làng xã phải cùng một lúc làm hai việc vừa chống cổ hủ, lạc hậu, cục bộ vừa chống lại những tác động mạnh mẽ từ kinh tế thị trường, văn hóa lai căng từ bên ngoài tác động vào. Vì vậy chính những người trong làng, đặc biệt là những người đứng đầu của làng như trưởng làng, trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Ban Mặt trận thôn, Ban Văn hóa làng luôn phải đi đầu trong việc kêu gọi, động viên bà con nhân dân trong làng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Để phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng này xã Hoằng Kim đã tiến hành thành lập một kênh điều phối riêng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ trực tiếp làm việc với Bí thư chi bộ, trưởng thôn. Để duy trì tốt hơn tính liên tục, kịp thời, vừa tăng sức mạnh cho cấp ủy đảng ở cơ sở trong quá trình điều hành, xử lí công việc Đảng ủy đã cử cán bộ ủy ban về hỗ trợ cho cơ sở. Từ việc vừa tăng sức mạnh nội tại cho cán bộ thôn, làng thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng, tăng cường cán bộ xã xuống cùng đảm đương công việc với cán bộ thôn, đã cho những kết quả tích cực trong thời gian qua như một sự khẳng định về tính chất đúng đắn cả về chủ trương, đường lối, cả về phương pháp thực hiện. Từ chi bộ thôn đến các hội, đoàn thể của thôn đều phát huy sức mạnh trong việc động viên, khích lệ nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, Hội Phụ nữ với các câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, phát động sôi nổi các phong trào năm không ba sạch, nuôi con khỏe dạy con ngoan, câu lạc bộ văn nghệ liên thế hệ, rồi Đoàn Thanh niên với phong trào ngày chủ nhật xanh, tuổi trẻ khởi nghiệp, Hội Người cao tuổi với phong trào ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo, Hội Nông dân với phong trào thi đua sản xuất giỏi… lấy đồng thuận làm kim chỉ nam, tinh thần gương mẫu, đoàn kết, tương hỗ làm công cụ các hội này đã xây dựng kế hoạch cho các hoạt động cụ thể như gây quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế, tổ chức các cuộc thi đua giữa các thành viên trong nội bộ hội và giữa các hội với nhau, tranh thủ triệt để các buổi sinh hoạt tập trung để tuyên truyền và khích lệ tinh thần cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình phát huy điểm mạnh, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế... Nếu tính thành viên của các hội trong một gia đình thì gần như mỗi gia đình là một tập hợp hội, do đó, khi các hội lớn mạnh, hoạt động hiệu quả thì văn hóa gia đình sẽ được giữ vững, phong trào trong thôn, làng vì thế ngày một lên cao.
Quyết định 391 của Ủy ban nhân dân tỉnh ra đời cùng thời điểm Hoằng Kim xây dựng nông thôn mới, chính QĐ 391 tạo đà để xã hoàn thiện kế hoạch làm đồng đều về mặt dân số và diện tích giữa các thôn từ đó tạo ra sức mạnh nội tại cho các thôn phát triển về kinh tế, tăng cường hòa hợp về văn hóa, ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội. Từ mười hai thôn sau sáp nhập còn sáu thôn, thêm vào đó là quá trình quy hoạch và hình thành các khu dân cư mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hình thành và phát triển, vì thế về cơ bản các thôn tương đương nhau về dân số và diện tích nhưng về kinh tế ba thôn Nghĩa Trang vẫn có phần nhỉnh hơn đôi chút. Tính đến nay, sau gần ba năm sáp nhập các thôn đã đi vào hoạt động ổn định, do làm tốt công tác dân vận thông qua các hoạt động như làm đường, thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, các câu lạc bộ hỗ trợ phát triển kinh tế, các hoạt động thanh thiếu niên, đặc biệt là tổ chức tốt các hoạt động tăng cường đoàn kết khu dân cư như bữa cơm đoàn kết, các hoạt động lễ hội, hoạt động khuyến học khuyến tài, chăm sóc đường hoa tự quản… tạo điều kiện cho các làng phát huy thế mạnh của mình như Nghĩa Phú hình thành và phát triển vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, Nghĩa Trang phát triển mạnh dịch vụ và thương mại, Kim Sơn và Mi Du phát triển mô hình gia trại, trang trại theo hướng tập trung và bền vững, cùng với việc nâng cấp chợ Già cũ Ủy ban xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ mở siêu thị mini và hệ thống cửa hàng tiện lợi đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn toàn xã… Đặc biệt dưới sự dẫn dắt, lãnh chỉ đạo của chi bộ, mặt trận thôn mọi người trong thôn, trong làng đã xích lại gần nhau hơn, tinh thần đoàn kết của nhân dân trong toàn xã được nâng lên rõ rệt. Minh chứng là số người dân tham gia vào các câu lạc bộ ngày một đông hơn, hội làng đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa chung của nhân dân trong toàn xã chứ không phải chỉ riêng làng có hội, các buổi họp dân mọi người trong thôn đến dự và đóng góp ý kiến sôi nổi vào các việc chung của thôn, của làng, của xã, giữ gìn và phát huy tinh thần vì một Hoằng Kim sáng, xanh, sạch, đẹp về môi trường, đặc biệt là việc xây dựng thành công bộ hương ước, quy ước của các làng trên cơ sở ý kiến đóng góp tích cực từ phía người dân…
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vai trò của người dân lên mức cao nhất bởi người thấu hiểu được sức mạnh vô địch của nhân dân. Dù ở thời đại nào vị trí, vai trò của nhân dân luôn luôn quan trọng, đặc biệt đối với nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển từ một nước nghèo nàn lạc hậu tiến lên hiện đại, có tầm vóc trên trường quốc tế thông qua cuộc cách mạng mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò, trí tuệ, sức vóc của nhân dân lại càng quan trọng. Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và là cuộc vận động lớn của nhà nước để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Vì vậy, người dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, là nòng cốt, họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng. Hoằng Kim đã làm tốt công tác dân vận, biết khơi dậy và tranh thủ sức dân, đem sức dân để phục vụ cho dân. Tuy nhiên, về đích nông thôn mới chưa phải là cái đích cuối cùng, bởi thỏa mãn với thành tích đã đạt được thì chóng chày sẽ trở lại với điểm xuất phát. Nhận thức rõ được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Kim đang phấn đấu đi lên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao tiến tới trở thành xã kiểu mẫu và quan trọng trên hết là giữ được ngọn lửa quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng xây dựng một Hoằng Kim ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tâm khảm mỗi người dân nơi đây.
3-2020
N.H