Một lòng với Đảng với dân (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Dũng
Đã nhiều lần tôi có ý định đến thăm ông. Với lời mời thịnh tình của ông mỗi khi gặp tôi, cùng với sự trân quý về lối sống, nhân cách khiến nó thúc giục tôi phải đến tư gia thăm ông lấy một lần. Thế rồi công việc cứ lu bu, lần lữa mãi đến hôm nay tôi mới đến nhà để thăm ông được.
Ông là Nguyễn Trọng Ca, năm nay đã ngoại 80, nhưng trông ông vẫn còn quắc thước lắm. Khi nghe có tiếng người gọi cổng, ông đon đả ra ngay. Nhìn thấy tôi ông mừng khôn xiết. Cửa miệng cứ lặp đi lặp lại mãi câu nói: quý hóa quá, đến hôm nay mới được thầy giáo quá bộ đến chơi. Riêng ý tứ: hôm nay mới quá bộ đến chơi đã khiến tôi ái ngại vô cùng. Tự ngẫm trong lòng: mình thật có lỗi với ông, không rõ lẫn trong ý tứ ấy có một sự trách móc nào chăng? Nhưng tôi cũng đã kịp biện bạch và nói lời xin lỗi ông, rằng là do cháu bận việc này việc kia, rằng là khi có ý định ghé qua lại bị chiếc xe tải ngáng đường, khiến cháu phải quay đầu xe để có dịp thuận tiện sẽ đến thăm ông sau. Thế là, với ngàn vạn lý do lý trấu ấy, mãi đến tận hôm nay tôi mới có dịp để được thỉnh giáo cụ. Nhà cụ nhỏ, đặt trên thửa đất rộng hơn một sào Bắc bộ. Con cái đều đã phương trưởng, hai cụ có cả thảy 9 người con. Người con đầu lên ông cách đây đã 20 năm, nghĩa là cụ có chắt cũng từ đó. Thời kỳ vất vả, khó khăn, cơ cực cho việc nuôi con cái đã qua lâu rồi. Giờ đây ông bà rất đỗi tự hào, mặc dù con đông, nhưng đứa nào cũng chịu khó làm ăn, làm giàu chính đáng và rất hiếu thảo với cha mẹ. Tôi cứ thế để cho câu chuyện diễn ra một cách tự nhiên, không hề hé lộ về việc hỏi han cụ ý này ý khác. Vừa giục đứa cháu rể đến chơi đun nhanh ấm nước để pha trà, vừa nhẩn nha lấy thứ này, dọn thứ khác, nhưng cụ cũng không để không gian rơi vào khoảng im lặng. Cứ rủ rỉ cụ kể về gia cảnh mình: Chả giấu gì thầy, tôi có nấy người con là của 2 bà vợ đấy. Năm 1967 giặc Mỹ điên cuồng ném bom trên trạm gác gần cầu Đò Lèn, chẳng may lệch mục tiêu rơi gần trúng nhà tôi. Trong đêm khuya mưa rả rích của những ngày tháng ba, trời tối như mực. Sau tiếng dội kinh hoàng của bom, tôi cùng cậu con trai thứ hai cựa từ lớp đất vùi ra ngoài và nhanh chóng gọi to các thành viên trong gia đình xem có ai lên tiếng để đến ngay ứng cứu. Khi ấy có mẹ già, có em gái lên tiếng thì tôi đã kịp đến để bươi nhanh lớp đất ra và cứu họ sống ngay được, thằng con cả ở đâu chạy đến, tôi sờ trên đầu thấy ươn ướt, biết ngay là máu tứa ra từ lớp da đầu qua tóc. Tôi hỏi nó, có phải mảnh bom sượt qua không? Nó bảo không, là do miếng ngói rơi trúng. Khi này tôi mới tạm yên tâm. Bấy giờ còn vợ và đứa con thứ ba chưa thấy lên tiếng gì, linh tính trong đầu là có chuyện chẳng lành (vì vợ tôi đang mang thai đứa con thứ tư sắp đến ngày sinh nở nên nằm riêng ở trong buồng cùng đứa con thứ 3 mới hơn 2 tuổi). Kể đến đây giọng cụ như ứ lại, nghẹn ngào và tôi thoáng bắt gặp ánh mắt cụ nhòa đi trong màu nước loang loáng. Lời kể tạm thời dừng lại, cũng là lúc đứa cháu rể bê nước lên mời ông con chúng tôi. Ông vội đưa nhanh chén nước về phía tôi và ông khẽ nhấp một ngụm. Dường như lấy lại được bình tĩnh, ông kể tiếp. Sau đó tôi đã phải dùng hết sức lực của mình để đào bới đống đất đá với hy vọng bà ấy và đứa con tội nghiệp sẽ còn sống. Vì sức ép mà có thể chỉ bị ngất đi thôi. Khi tròi ra được người thì lay mãi chẳng ai chịu thưa, làm hô hấp, bóp lồng ngực ít phút cũng không thấy động tĩnh gì. Biết là mẹ con bà ấy đã ra đi nên tôi đã vội đi báo ngay cho chòm xóm và lãnh đạo địa phương được biết. Cái đận ấy tôi mất mát tới 7-8 thành viên là ruột thịt, vợ con anh em đấy thầy giáo ạ. Vâng cụ, con thành tâm cầu nguyện cho vong linh các cụ, các bác, các anh được thảnh thơi miền cực lạc. Tôi xen vào lời của cụ, cũng là để an ủi niềm xúc động của cụ trong giây phút này. Trấn tĩnh, cụ nói tiếp. Sau cái đận ấy, vì con nhỏ, bận bịu đủ nghề, đủ việc; không thể thiếu vắng bàn tay người mẹ, cùng với nhiều người ra vào động viên, thế là tôi quyết định lấy vợ. Được cái vợ tôi bây giờ, ông vừa nói vừa chỉ xuống nhà dưới để tôi được dõi theo mà nhìn tường tận vóc dáng của bà (khi nãy tôi cũng đã gặp bà rồi, nhưng vội vào gặp ông mà chưa nhìn kỹ được) bà ấy tốt tính lắm, người cùng làng nên dễ cảm thông cho nhau. Về ở với tôi chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bà ấy đã nhanh chóng nắm bắt được sở thích, tính cách của từng đứa và cất nhắc công việc cho mấy đứa con riêng của tôi rất khéo. Chúng nó không hề tị nạnh mà còn rất tự giác với công việc của mình. Có thế tôi mới yên tâm làm nhiệm vụ được chứ. Khi này tôi lại thấy ông nở nụ cười thật tươi trên khuôn miệng móm mém chỉ còn vài chiếc răng đung đưa ở cửa miệng. Bấy giờ chè đã ngấm, tôi nhấp thêm một chút, kỳ lạ thay màu nước đặc thế mà nó không hề đắng chát một chút nào, khẽ chép miệng lại còn có vị ngòn ngọt nữa chứ. Chả giấu gì thầy giáo, cụ vào chuyện tiếp. Hiện nay tôi có hơn bốn chục đứa chắt. Năm vừa qua góp vào tổng số đó là 6 đứa. Nhân dịp tôi mới nhận được tiền thù lao nhà nước trả cho cái năm đi dân công hỏa tuyến, được hơn hai triệu đồng. Tôi liền bảo đứa cháu chở tôi đi chợ Lèn để mua cho những đứa chắt mới sinh mỗi đứa một cái áo ấm (các chắt sinh trước đều đã được cụ trao quà cho rồi). Thấy tôi nói ra ý này, có đứa cháu liền tư vấn với tôi rằng, thời buổi này nên mừng tuổi bằng tiền thôi ông ạ. Nghe xong, tôi không đồng ý. Vì nhà nước trả thù lao cho tôi về cái lần gắn với bao kỷ niệm tươi đẹp của tuổi thanh xuân ấy, dứt khoát tôi phải mua kỷ vật đem tặng cho các chắt để còn được ngắm, được nhìn chứ. Suy nghĩ của cụ quả là sâu sắc. Cánh trẻ chúng ta bây giờ nhiều khi đơn giản quá. Cứ nghĩ, cùng với mệnh giá như vậy thì làm sao cho nó gọn nhẹ đi là được. Càng tránh đi sự cồng kềnh, phức tạp càng tốt. Vì thế mà dần dần ta đã đánh mất đi giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp vốn có tự bao đời.
Câu chuyện của tôi và ông giờ đây như được lái sang một hướng khác. Như khơi đúng mạch, ông kể tôi nghe về những chiến tích một thời. Mở đầu cho đề tài mới, tôi gợi vài câu với đại ý rằng: Xin phép ông, hôm nay cháu gặp ông với mong muốn được ông chia sẻ về quãng đời thanh xuân của mình, ông đã từng giữ những trọng trách, cương vị gì ở địa phương mình ạ? Vì có lần dự Hội nghị tiếp xúc cử tri ở xã, cháu thấy ông phát biểu rất trúng vấn đề; dám nói thẳng, nói thật tất cả tâm tư, nguyện vọng không chỉ của riêng mình với lãnh đạo chính quyền địa phương và các vị đại biểu cấp huyện về dự. Mà đó còn là ý nguyện của muôn dân đang rất cần các cấp giải đáp và có các biện pháp hữu hiệu, nhằm cải tạo đời sống cho người dân. Chỉ vài ý mào đầu của tôi đã khiến ông tuôn trào một mạch. Khẽ nâng chén nước đánh khà một hơi và lời kể chậm đều khiến tôi không thể quên đi một chi tiết nào được.
Năm 1958 ông lập gia đình, khi ấy đang ở độ tuổi mười chín, đôi mươi; trai trẻ, sung sức. Nhiều người cho rằng đó là cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nhưng với ông, cuộc sống bươn chải, cộng với ý chí, nghị lực, ham học hỏi đã tôi rèn nên bản lĩnh và ông đã có thể cùng vợ tự lập cuộc sống ngay sau đó. Năm 1960 ông tham gia làm công tác Đoàn Thanh niên và giữ chức Bí thư Đoàn xã. Năm 1961 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay sau cái đận thử thách một năm. Khi ấy, ông cùng với 20 thanh niên của xã xung phong làm dân công hỏa tuyến tại Lào. Công việc chính là làm đường chiến lược Việt Nam - Lào với thời gian ngót một năm. Khi trở về quê hương, với trọng trách của người trưởng đoàn, ông đã được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận thành tích ban đầu là tất cả những người tham gia đều trở về một cách nguyên vẹn. Không mất và bị thương tích một ai, quả là một kỳ tích của thời kỳ khói lửa đạn bom. Công việc của đoàn khi ấy lại hết sức suôn sẻ, thời tiết luôn ổn định, động lực tuổi trẻ lại hừng hực khí thế, nên tiến độ công việc đã hoàn thành sớm hơn so với dự định. Vẫn biết là gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập trong những ngày ăn lán ngủ rừng. Nhưng anh em khi ấy không một ai chùn bước, sờn lòng. Công việc thì vất vả, nhưng lúc nào cũng thấy nụ cười tươi rói ở trên môi. Trong khi làm việc ai có chuyện cười, chuyện khôi hài, chuyện tiếu lâm đều kể cho nhau nghe. Khiến nhiều khi có những anh ngủ say tự nhiên thấy nói mớ mấy câu rồi bật cười sằng sặc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn trở về địa phương. Lần ấy, với tư cách là trưởng đoàn, ông đã được đề nghị tặng thưởng huy hiệu tuổi trẻ tiêu biểu. Và ngay sau đó ông đã được tổ chức bồi dưỡng và cho kết nạp Đảng. Năm 1964 ông thôi giữ chức Bí thư Đoàn xã và chuyển sang làm ở bộ phận văn phòng Đảng ủy. Ở cương vị nào, khi tổ chức điều động, phân công ông đều vui vẻ chấp hành và làm với một lòng nhiệt thành khiến nhiều anh em phải nể phục. Năm 1966 ông bị kết án vì tội bao che, không khuyên bảo người thân trong gia đình mình dừng ngay việc nấu rượu trộm (vì khi này nấu rượu đang là một trong những việc cấm của nhà nước). Với lòng tự trọng của người đảng viên, ông tự xét thấy mình không còn xứng đáng là người đảng viên kiên trung; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng nữa. Rồi ông tự thấy xấu hổ với lương tâm nên đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi Đảng. Tổ chức lấy làm tiếc, nhưng biết làm sao được. Chi bộ đành phải mở phiên họp và thi hành kỷ luật là khai trừ đồng chí Ca ra khỏi Đảng. Tưởng là sau cái đận ấy tinh thần cách mạng của ông sẽ suy giảm. Nhưng không, ông đã xin về làng để làm kế toán trưởng cho hợp tác xã nông nghiệp, ít năm sau làm thêm chức trưởng ban kế hoạch làng. Vì không còn là đảng viên nên ông chỉ phụ trách bên chính quyền, chứ không tham gia vào các hoạt động của chi bộ. Giai đoạn 1986-1991, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã kiêm trưởng ban vận động xây dựng làng văn hóa. Nghĩa là quãng thời gian ông lăn lộn việc làng tính ra cũng đã hơn 20 năm (1968-1991). Cái năm ông đột ngột xin nghỉ, nhiều người dân trong làng tỏ ra bất mãn lắm. Họ cho rằng, đằng sau vụ bầu bán này chắc chắn có điều gì khuất tất. Mặc cho ông giải thích rằng: do mình tuổi cao, sức yếu; do mình không còn thích hợp với thời cuộc bây giờ; do mình không là đảng viên nên không được tham gia vào cấp ủy để thuận tiện cho việc phân công nhiệm vụ của chi bộ, vân vân và vân vân. Ông chốt lại, việc nghỉ của tôi là do tôi tự nguyện, tự giác đấy; bà con không nên ì xèo chuyện đó làm gì. Mặc dù ông luôn ra sức quán triệt bà con về chuyện đó để bà con chuyên tâm làm ăn và nên ủng hộ người vừa được bầu thay ông. Thế nhưng cũng phải mất một thời gian dài bà con mới tạm nguôi đi sự bực bội đó.
Trong những năm giữ cương vị công tác và các chức vụ khác nhau tại làng, ông đã không ngừng nghỉ việc chăm lo, suy tính những mô hình sản xuất có hiệu quả để nhằm cải thiện đời sống hàng ngày cho bà con nhân dân. Diện tích cấy lúa thì vẫn giữ nguyên. Riêng phần chân đồi lâu nay bỏ hoang, cỏ mọc tràn lan đến vài ha đất. Trong khi bà con mình vẫn đói. Nhìn thấy thực tế đau lòng, chua xót ấy, ông âm thầm đi khảo sát các vùng miền khác. Về làng ông liền triệu tập một cuộc họp khẩn với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Sau cuộc họp là việc tuyên truyền cho bà con về giống cây trồng mới là cây khoai lang, vừa thích hợp với thổ nhưỡng quê ta, vừa chống đói nhanh cho những vụ lúa giáp hạt. Hay những ngày ba tháng tám, nhiều gia đình trong bồ, trong cót không còn tìm thấy lấy một hạt thóc nào. Bà con nghe chủ trương vậy, cơ bản đã đồng thuận ngay (dĩ nhiên ban đầu cũng không thể có được 100% răm rắp nghe theo, vẫn có kẻ lười nhác, hoài nghi đứng ra chống đối). Những ai đồng thuận thì ngay ngày hôm sau đã cùng ông vác cuốc, vác cào lên đồi vỡ đất. Tiếng là đất đồi nhưng không hề cằn cỗi, rắn chắc. Vẫn đủ độ tơi xốp để lực lượng tham gia chỉ trong vòng có hơn một tuần lễ đã cho một vùng đất thành vồng trở nên đẹp mắt. Khi này chỉ chờ ông đi lấy giống về là bà con có thể vun luống bón chăm. Vài tuần sau dây bén rễ, hơn tháng sau lá đã trải rộng mướt xanh. Độ tròn hai tháng ông cùng nhóm cán bộ của làng đến nhổ thử xem. Chao ôi, cầm trên tay là một chùm củ đều đặn như quả dưa leo. Đồng chí Bí thư chi bộ nở nụ cười tươi rói và nói lớn tiếng rằng: đồng chí Ca đã cứu đói cho hơn hai trăm hộ dân của làng rồi. Nghe xong câu này, lòng ông nghẹn ngào, xúc động không thể thốt nên lời. Quả thực, như một nhà thơ đã từng viết “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Sau vụ khoai ông hướng dẫn cho bà con trồng đỗ, rồi đến trồng lạc. Nhiều hộ gia đình xen canh còn trồng thêm cả vài luống rau giúp sinh hoạt hàng ngày. Thành công, theo ông là nhỏ nhoi ấy, nhưng nó đã khiến ông ấn tượng mãi đến tận bây giờ.
Khi tôi đề cập đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã. Như có dịp được thổ lộ nỗi lòng, ông hào hứng ngay. Vấn đề này tôi đã nhiều lần trao đổi với làng, với xã rồi thầy giáo ạ. Ngay như cái nghĩa địa của làng, tôi đã tư vấn với anh trưởng làng là: phương án mở rộng, san lấp, bao tường rào, nếu các anh cứ dựa vào sức dân thì khó lắm. Giờ phải lợi dụng nhân dịp tết Thanh minh, con cháu khắp nơi túa về dâng hương cho các cụ. Trong số ấy đa phần đều thành đạt cả (vì tôi thấy họ đi ô tô ra tận nghĩa địa kia mà). Khi này các anh chỉ cần mang loa đài, mang hòm công đức đặt ở chỗ bãi đất trống rồi phát thanh, tuyên truyền về cái chủ trương đúng đắn ấy. Tôi tin chắc, sau buổi đó số tiền quyên góp sẽ có được là kha khá. Đằng này, với dự toán công trình ban đầu là hơn hai trăm triệu, hiện nay quỹ của làng mới có được hơn năm mươi triệu. Hạch toán để bổ bán trên đầu dân với số tiền còn lại thì đến bao giờ mới xong được. Trong khi dân mình còn nghèo. Nhiều nhà còn phải lo cái ăn cái mặc từng bữa thì họ lấy đâu ra hàng triệu đồng để nộp cho thôn đây. Bảo thu một vài trăm thì họ còn có thể kham được. Chưa nói đến việc, còn dăm bảy hộ đụng đến việc gì cũng trây lười, gần như trở thành căn bệnh truyền kiếp. Không những thế, họ còn là những cái loa tuyên truyền ngược lại với những chủ trương mà các ông đề ra. Tôi đã mạnh dạn tư vấn đến thế mà các ông ấy bảo: phương án này chúng tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng lãnh đạo địa phương cho rằng kêu gọi cái gì cho nó lớn và có ý nghĩa hơn một chút (như trường học chẳng hạn). Vụn vặt quá, những con em này họ đâm ngại ra. Suy nghĩ thế cũng đúng, nhưng theo tôi cái gì chia nhỏ ra họ cũng sẽ vui vẻ và sẵn sàng chung lưng đấu cật. Mỗi người dăm trăm, đôi triệu họ thoải mái hơn. Đằng này một lúc bắt họ móc hầu bao hàng vài ba chục triệu thì khó lắm. Vâng, ý của cụ là chí lý lắm. Tôi chen ngang vào mạch diễn giải của cụ khi cụ dừng nghỉ để nhấp thêm một ngụm nước. Vậy, theo cụ đã nắm bắt lòng dân lâu nay, thì quyết tâm chính trị của các xã viên, hội viên trong toàn xã về chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện giờ có cao không ạ. Không chần chừ, cụ trả lời ngay. Cao chứ, đang rất cao. Mấy năm qua, nhờ chủ trương này mà kênh mương nội đồng, đường làng ngõ xóm, cầu cống đều được bê tông hóa sạch đẹp lắm rồi. Máy móc hiện đại về đến tận chân ruộng. Mùa nào thức nấy, bà con hăng hái lao động sản xuất. Lúc nông nhàn thì các mẹ, các chị đi công ty. Giờ trong làng, trong xã đã có nhiều nhà cao tầng mọc lên, xây theo kiểu cách Tàu, Tây trông đẹp lắm. Chỉ có điều, nói đến đây giọng ông hơi ngập ngừng một chút. Như đang có ý thăm dò thái độ của tôi chăng? Đọc đoán được điều này, tôi bèn phải khích lệ để được ông nói tiếp. Dạ, ông cứ thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đi ạ. Chỉ có ông con mình chứ có ai đâu mà ngại. Chả giấu gì thầy giáo. Rất cởi mở, thân tình nên ông đã tiếp lời ngay. Không biết tôi đã già, lối suy nghĩ hay cách hành xử của mình có phần cổ hủ quá rồi hay chăng. Nhưng tôi mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình là: về phần địa phương của tôi tuy đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng nhìn ra các xã bạn thì vẫn còn thua kém lắm. Mong rằng nhà nước các cấp khi muốn khảo sát, tư vấn, động viên cho xã sớm về đích xây dựng nông thôn mới thì chỉ nên cử vài anh chuyên gia có chuyên môn giỏi, có tâm huyết trực tiếp về làm việc với chính quyền địa phương, rồi xuống thôn gặp gỡ chúng tôi để hỏi han, tư vấn cặn kẽ những việc làm có tính trọng tâm, trọng điểm và theo một lộ trình có tính hợp lý, thì thật quý hóa lắm thay. Đằng này, nhiều hôm đoàn nọ vừa đi, đoàn khác đã đến và họ chỉ nắm bắt khơi khơi vài cái báo cáo của UBND xã rồi đi. Tôi nhẩm tính, để chi phí cho công việc này không phải là ít đâu thầy giáo ạ. Đến đoạn này, tự nhiên tôi thấy ông dừng lại một cách đột ngột. Tôi đang chăm chú dõi theo ông. Còn ông lại đánh mắt ra phía mấy chậu hoa đang được ánh mặt trời rọi chiếu vô tư nên nó cứ thế nở bung và chói ngời sắc thắm. Sau đó, ông tiếp tục quay về phía tôi như có ý muốn được cải chính điều gì. Ngập ngừng giây lát, ông nói: Thôi, chuyện đó tế nhị lắm, nói đây bỏ đây, có gì sai sót mong thầy giáo bỏ qua cho nhé. Tôi đỡ lời cụ, không sao đâu cụ ạ, tấm lòng thanh sạch của cụ đã chứng minh bằng gần cả cuộc đời rồi, nên mọi lời nói, việc làm của cụ đều là chuẩn mực, không gì phải ngại cả ạ. Để xua đi cái suy nghĩ đang nặng trĩu trong đầu cụ, tôi nhanh ý lái sang chuyện đời tư. Dạ, ông cho con biết, nhờ bí quyết nào mà đã ngoài tám mươi ông vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai và tinh anh vậy ạ. Cháu được biết, hàng ngày ông có thể tự đạp xe dăm bảy cây số ấy nhỉ? Ông cười khà khà và bảo ngay. Chính trong câu hỏi của thầy có kèm theo cả câu trả lời rồi đó. Ngẫm lại một chút, tôi thấy câu hỏi của mình thật dư thừa làm sao. Trong cái ý hỏi của tôi phải tự luận ra mà hiểu là: vì lý do hàng ngày cụ tự đạp xe đến gần chục cây số, nên sức khỏe và tinh thần của cụ mới dẻo dai và minh mẫn được như vậy. Khi này tôi mới chợt vỡ lẽ ra câu nói “khôn đâu đến trẻ…” của các cụ xưa kia quả đúng lắm vậy. Dù cho mình có được học hành, được giữ trọng trách này, cương vị nọ mà không có được những va đập, luyện rèn từ thực tế đời sống hàng ngày thì mình khó có được sự trưởng thành lắm lắm. Chỉ trong vài giờ được hầu chuyện cụ, tôi như được vỡ vạc ra nhiều điều trong cuộc sống bộn bề này.
Chia tay cụ, tự đáy lòng mình, tôi luôn mong cụ khỏe mạnh và luôn giữ vững, vẹn tròn một tấm lòng với dân, với Đảng. Mặc dù có một quãng thời gian khá dài cống hiến cho xã hội, nhưng đến thời điểm này cụ vẫn không có lấy một đồng lương nào.
P.V.D