Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Hồn đất (Ký dự thi) - Trung Thực
Hồn đất (Ký dự thi) - Trung Thực

Năm Canh Tí này, Phú Nhuận được đánh giá là một trong ba xã đẹp và giàu nhất Như Thanh, nhóm xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện. Năm năm trước, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, các xã láng giềng của Phú Nhuận đều về đích nông thôn mới như xã Hải Long, Mậu Lâm (huyện Như Thanh), Vạn Hòa (huyện Nông Cống) giúp cho cả vùng quê rộng lớn này từ thuần nông nay tươi rói hẳn lên.
Phú Nhuận là mảnh đất quen thuộc với tôi hơn nửa thế kỉ. Đất này, dân Hoằng Hóa định cư. Giáp Phú Nhuận là Mậu Lâm, chủ yếu dân Quảng Xương lên khai hoang theo lời kêu gọi của Đảng từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Nhà tôi cách xã này một vạt rừng nhỏ, lối đi vướng lá rừng cho nên “đường đi nước bước” thế nào, bản thân khá tường tận. Xã vùng thấp nhưng vẫn đủ bốn dân tộc trong huyện: Kinh, Mường, Thái, Thổ... Xã có đền thờ Bạch Y Công Chúa, Nhà thờ đạo Thiên Chúa ở làng Eo Son nổi bật giữa vùng đồi yên tĩnh trập trùng.
Đường lớn đã mở
Có thể nói từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, trong nhiều Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp - nông dân và nông thôn thì chủ trương về xây dựng nông thôn mới được người dân ủng hộ nhiệt liệt. Đây là sự nghiệp chấn hưng nông thôn lâu dài. Trước mắt từ năm 2010 đến 2020 thực hiện cho được toàn bộ 19 tiêu chí. Về mặt hạ tầng phải quy hoạch theo hướng chỉnh trang nông thôn chứ không phải phá bỏ nông thôn cũ, làm mới lại. Hiện đại nhưng không bê tông hóa nông thôn. Nông thôn là nông thôn chứ không thể là thành thị. Phú Nhuận là một trong ba xã được huyện chọn làm thí điểm. Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hồ hởi của dân, cuối năm 2015, xã đã làm xong đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng. Tuyến đường liên xã từ Mậu Lâm về Phú Nhuận được một doanh nghiệp quân đội làm ngay sau đó. Còn đường liên huyện (từ Như Thanh qua xã về Nông Cống), tỉnh đầu tư trải nhựa. Thiên nhiên thật khéo điểm tô. Con đường mềm mại xuyên qua những đồi cây, cánh đồng lúa, bãi ngô đẹp mơ màng. Dân trong xã gọi đùa là “con đường tơ lụa” để làm tăng sự giàu có cho một vùng quê.
Các số liệu báo cáo trong Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kì 2020-2025 trình Đại hội lần thứ XXVI công bố: thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 48 triệu đồng bình quân trên người thì năm 2025 sẽ là 76,8 triệu. Con số ấy ở vùng có điều kiện thuận lợi thì vừa phải nhưng địa bàn miền núi được như vậy thật là vui. Tám nghìn dân, 12 thôn và 287 đảng viên trong xã đã ngẫm, đã bàn, quyết tâm để năm 2025, Phú Nhuận đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Trong Báo cáo, các số liệu nhiều, tươi rói, thể hiện quyết tâm xẻ núi, đào sông, tận dụng thế mạnh về con nguời, đất đai, thổ nhưỡng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lí, đem lại quyền lợi cho người dân. Chủ tịch xã Dương Ngọc Chinh nói rằng: “Các chỉ tiêu này là quyết tâm mà Đại hội Đảng bộ đã bàn. Nhưng nó sẽ là những con số vô hồn nếu gần ba trăm đảng viên không xốc vác, người dân thiếu đồng tâm. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong mà”. Chủ tịch cười tươi khi đọc thơ của Bác Hồ.
Đường lớn đã mở nhưng phải nỗ lực, thần tốc, mạnh mẽ thì mới “đi tới tương lai”. May, xã có một nguồn lực lao động có chất lượng tốt trong huyện, 78% dân trong xã là người từ Hoằng Đại, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) định cư. Vốn là đất quan, đất học bà con mang phẩm chất cần cù tự xa xưa, không chịu cảnh đói nghèo. Nếu Hoằng Hóa làm rạng ngời truyền thống hiếu học của xứ Thanh thì Phú Nhuận góp phần lớn nhất để chất lượng giáo dục Như Thanh luôn duy trì tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh. Trường THPT Như Thanh có hai học sinh giỏi quốc gia (trong đó có giải Nhì) đều thuộc đất học Phú Nhuận, là dân xã Hoằng Phượng. Ngoài ra, các giải học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh của trường, Phú Nhuận luôn chiếm đầu bảng. Đây là nguồn lợi lớn về nhóm lao động có chất lượng, giúp cho việc chấn hưng nơi này nếu Đảng bộ, chính quyền ở đây biết tận dụng, khai thác.
Để Phú Nhuận thành vùng quê đẹp như hôm nay cần phải kể đến công sức của bà con người Mường từ Lạc Thủy, Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) di cư vào từ đầu thế kỉ trước. Thêm vài trăm người Thái, người Thổ nữa làm cho vùng đất này phong phú về bản sắc văn hóa, sâu lắng hơn hồn quê.
Người dân trong xã thường khoe: “Phú” là giàu, “Nhuận” là thêm, là dư giả. Có thể chỉ là cách nói chứ làm ruộng khó giàu, nhất là vùng đất đai chật hẹp. Đây là thực tế. Xã mới khá lên dăm bảy năm nay từ khi bỏ độc canh cây lúa. Sự thuận lợi được mở ra thêm khi có trang trại bò sữa lớn với số lượng 2000 con được lập ở thôn Phú Quang. Những vùng trồng lúa năng suất thấp chuyển sang trồng cỏ, trồng ngô nuôi bò, đem lại nguồn lợi đáng kể cho bà con nông dân. Riêng trồng cỏ đầu tư thấp. Rồi kinh tế phi nông nghiệp như thương mại, dịch vụ, cơ khí... nhanh làm ra tiền chứ không phải chờ đến vụ như lúa hay hoa màu. Có đồng ra đồng vào cuộc sống thêm tươi màu, ổn định.
Mười năm trước, khi được huyện chọn làm xã điểm của chương trình nông thôn mới, Phú Nhuận chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Hai xã khác trong chương trình thí điểm này nhỉnh hơn một chút là Yên Thọ và Xuân Du. So với các xã khác đã đạt chuẩn nông thôn mới, Phú Nhuận có “độc đáo” là vẫn còn giữ được hồn quê, dáng quê. Đến vài xóm sâu trong chân núi, ta vẫn còn gặp trâu mẹ ọ nghé con. Con chim sáo đậu lưng trâu. Ở nhiều nơi, vây quanh trụ sở ủy ban là những nhà ống, lợp ngói hay tôn đủ dạng, đủ loại kích cỡ, nóc đắp đủ kiểu chổng ngược, chổng xuôi như đít muỗi anophen! Vì đất cắt thành ô, thành lát. Ở Phú Nhuận, ba bề quanh trụ sở xã là cánh đồng lúa. Vào lúc thì con gái, cả vùng một màu xanh mát mắt miên man. Tôi đã lui tới nhiều lần các xã trong huyện và chín huyện miền núi trong tỉnh (trừ Mường Lát, Quan Sơn) thì không ở đâu có cánh đồng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh như ở nơi này. Đứng trên đồi ở trường Tiểu học, nhìn về thôn Phú Phượng I, cánh đồng lúa mấy trăm héc ta miên man một màu xanh bao la hòa vào chân trời. Đợt dịch Covid, người thì ở trong nhà, đi đâu phải đeo khẩu trang, lúa ở đất này cứ thế đuổi theo làn gió xuân, gợn sóng, xanh mát mắt. Một vẻ đẹp khó mà tìm được ngôn từ để tả. Từ cánh đồng này, nhà thơ người Mường, Phạm Tiến Triều đã viết những vần thơ dâng trào cảm xúc, đăng ở các trang văn nghệ trong Nam ngoài Bắc. Thực lòng tiếc và buồn khi chính quyền xã đã cắt đi chỗ đẹp nhất của cánh đồng rộng mấy trăm héc ta (được ví như khuôn mặt, vóc dáng người con gái tuổi dậy thì), để làm cây xăng. Tới đây lại cắt tiếp cho doanh nghiệp may, công ti thương mại.. (vẫn ở vị trí sinh sôi nếp cái hoa vàng). Được biết, tỉnh đồng ý. Cánh đồng lúa đẹp như bức tranh của một danh họa từng vào thơ ca, nhạc họa, thật tiếc khi dần đi vào cổ tích. Tại sao không bán đất đồi nhỉ? À, vì làm ruộng khó giàu. Vả lại các doanh nghiệp chỉ chọn đất nơi bằng phẳng để dễ sinh lời. Thực trạng môi trường như hiện nay, thế giới khó tránh khỏi những đợt dịch bệnh mới. Lương thực sẽ lên ngôi, trong khi nước ta có lợi thế trời ban mà không biết khai thác thì cần phải nghĩ.
Ông chủ tịch xã (nhiệm kì trước) mặt buồn như thời bao cấp mất sổ gạo, nói với tôi: “Bà con không mặn mà với ruộng, thu nhập thấp lắm. Họ chọn li nông và li hương. Nhà nông mà không thiết tha với đồng ruộng thì buồn. Nông thôn bây giờ không chỉ cần cù mà cả sự sáng tạo”. May, Đảng đã đề ra chương trình nông thôn mới, nhanh chóng chỉnh trang nông thôn, để đích đến là đời sống người dân được hài hòa về vật chất và tinh thần. Còn tôi hẳn nghĩ chưa được thấu đáo, nhưng thấy rằng nếu cứ xén dần đất ruộng để làm công nghiệp, dịch vụ thì nên xem lại. Làm công nghiệp là tất yếu nhưng để ổn định, giữ được cái căn bản thì phải nhìn vào cánh đồng, vào người nông dân khó nhọc một nắng hai sương. “Phi nông bất ổn”. Cổ nhân dạy rồi. Đấy, nhiều nước đổ xô sang ta mua gạo trong đợt dịch Covid này để thấy sự sâu xa từ lời người xưa.
Dăm năm nay, trên cánh đồng phì nhiêu rộng 475 héc ta của Phú Nhuận, người dân bỏ độc canh cây lúa. Ngoài lúa còn ngô, cỏ (cho bò sữa) và dưa chuột, ớt, khoai tây... Hơn một nghìn héc ta đất ở chân núi Nưa của hai xã Mậu Lâm và Phú Nhuận, xưa là đất sim, mua và cây cỏ cứng, là cỏ cháy đồng khô. Nhờ có Chỉ thị 661, dân hai xã biến khu đồi hoang này thành những vạt rừng tươi tốt. Chỗ đất xấu, người ta bón phân ban đầu để cây có lực. Một cuộc cách mạng xanh. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí “Đất với người cùng một dòng suy nghĩ”. Đất có hồn. Vào tay người cần cù năng động, đất đẻ ra tiền, ra lúa gạo. Lộc đang hiển hiện ở đất này. Sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là lợi thế của tư duy nông nghiệp, nông thôn mới đang hiện hữu ở nơi đây.
Giữ được sự độc đáo cho làng quê phát triển, người quản lí dần quen cập nhật những thông tin mới, thổi vào nguời dân lòng nhiệt tình, chịu thương chịu khó. Vấn đề là, chính quyền phải quy hoạch cho khoa học từng khu đất, để ngô ra ngô, lúa ra lúa, màu ra màu. Như thế cánh đồng sẽ thêm giá trị kinh tế, thuận cho làm những cánh đồng mẫu lớn.
Nhìn vào báo cáo, tôi tưởng tượng trước mặt, lãnh đạo xã này như dáng anh chủ nhiệm trong thơ Hoàng Trung Thông: “Anh giơ tay vẽ cả đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”. Nhìn kênh mương đầy ắp nước, các tuyến đường bê tông liên thôn làm đã lâu nhưng không hề có dấu hiệu hư nát mà mừng. Không riêng địa phương này, ở xã nào đạt chuẩn nông thôn mới cũng thế. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ cho nên các công trình dân sinh sẽ mãi “Trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhà cửa của dân bám vào các lưng đồi, ở giữa là cánh đồng lúa và hoa màu. Từ trên cao, những tuyến đường bê tông tỏa đi nội đồng, vào các xóm nhìn như một đường kẻ. Cánh đồng bao la này không bao giờ hết màu xanh, một màu xanh bất tận. Dù chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa. Nghĩa là trên cánh đồng ấy, đất nghỉ chỗ này, thì chỗ khác vẫn mơn mởn. Nó vẫn khoe vẻ đẹp như duyên cô thôn nữ. Từ cánh đồng ấy, tòa nhà ba tầng của ủy ban xã, sơn màu vàng nổi lên như một Hoàng cung! Đây là nét độc đáo, chỉ nơi này có trong huyện.
Đọc trên báo Nhân Dân, số ra ngày 18-2-2020, bài “Đánh thức miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh” có câu: “Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Thanh - Nghệ - Tĩnh được ví như “xa lộ công nghệ cao”. Nghĩa là phải đầu tư thâm canh cho không chỉ cây lúa mà còn nhiều loại cây khác để thêm đa dạng sinh học. Máy móc được đầu tư thay thế sức người vì sức kéo từ trâu bò không còn kinh tế nữa. Phương pháp cấy trồng, lai ghép mới được đưa dần vào nông nghiệp làm năng suất đẩy lên. Vì vậy mà diện tích đất lúa không lớn, hàng năm xã vẫn thu về ổn định hơn 4800 tấn thóc, giải quyết vấn đề lương thực cho tám nghìn dân từ nhiều năm nay. Phải đủ ăn thì mới có thể bàn đến chuyện khác, một con đường tất yếu phải đi. Ăn rồi đến ở. Năm 2020, tỉ lệ nhà bê tông kiên cố (tức là chuẩn) của xã đạt 92%, phấn đấu đến năm 2025 là 100%. Năm năm tới, xã chỉ còn 1% hộ nghèo, so với 1,9% hiện nay. Con số này nói lên ý nghĩa chính trị và kinh tế của phong trào nông thôn mới.
Sự đổi thay như trong cổ tích, như một giấc mơ
Nắng chan hòa khắp nơi, lúa bắt đầu chắc hạt. Thời điểm này thưa đi những tấm lưng nhấp nhô trên đồng, lúc nào cũng thế, vụ chiêm luôn cho năng suất cao. Ở trên đồng lúa đang chín, các công xưởng vẫn cứ thế vận hành, họ li nông mà không li hương. Nhìn những người tuổi trung niên trần trùng trục, đỏ au như người dân vùng Cô dắc, miền nam nước Nga đang lật gạch, chuyển gạch không nung mà thấy làng quê bây giờ cơ man nào là sức bật. Xin nêu mấy con số ra đây để thấy tỉ trọng nông nghiệp của xã từ 72% năm nay, năm 2025, còn một nửa là có cơ sở. Xã có 7 xưởng gỗ mộc dân dụng, 6 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 9 xưởng cơ khí, 3 xưởng xẻ gỗ, 1 doanh nghiệp chế biến gỗ của anh Nguyễn Bá Dần. Riêng doanh nghiệp này một năm xuất khẩu 9 tỉ đồng. Cũng nên kể thêm, xã có 252 hộ buôn bán kinh doanh, những con số biết nói cho thấy nguồn lao động phi nông nghiệp ở địa phương giúp cho đời sống nguời dân được nâng lên rất nhiều.
Có được thành quả như hôm nay người dân trong xã mấy chục năm qua đã đổ bao công sức dầm mưa dãi nắng, cải tạo đất đai, chăm bẵm ruộng vườn, đồi rẫy. Mồ hôi đổ trên ruộng đồng, đồi rừng, công xưởng để nông thôn được khoác tấm áo mới. Nhà cao tầng nhiều hơn, đồi núi xanh hơn, đường trong làng không còn ổ trâu, ổ gà những ngày mưa gió. Giàu lên nhưng vẫn giữ được diện mạo nông thôn, thành quả ấy rất đáng biểu dương vì nó có từ sự gắn kết giữa Đảng và dân, từ nỗ lực nhọc nhằn. Ngoài ra còn vai trò của các ngân hàng khi tạo điều kiện cho dân vay vốn. Vui và khen dân vùng này, đặc biệt là chị em phụ nữ. Để làng “5 không, 3 sạch” chị em phải lo toan tay hòm chìa khóa, thùng đựng rác, làn đi chợ để giữ cho làng thêm sạch sẽ, gọn gàng. Đàn ông, người có sức vóc đi làm ăn xa, hoặc bám công xưởng, nhà máy trong xã trong làng, chị em làm ngày ngày vô vàn việc không tên. Chăm người già, bảo ban con trẻ học, làm đồng, hội họp, đóng góp, bám ruộng vườn, bám làng quê để chồng con yên tâm đi làm kiếm đồng tiền, sắm sửa, đóng góp cho làng xã. Chính các mẹ, các chị mới là chủ nhân để cho làng quê có mãi một màu xanh bất tận.
Còn nhiều nếp cũ
Mượn lời thơ của Hoàng Trung Thông từ gần 60 năm trước “Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây”, tôi muốn nói đến sự phát triển mà không có chuẩn bị cũng dễ dẫn đến mất mát. Đảng đề ra đường lối đổi mới hơn ba chục năm rồi nhưng tư duy tiểu nông trong làng quê nhiều nơi vẫn chưa hết. Thành quả khá ấn tượng trên không có nghĩa là bức tranh nông thôn ở xứ này mang một màu hồng mà vẫn còn nhiều nếp cũ cùng không ít lực cản đang làm chậm bức tranh đổi mới. Để nông thôn mới như mong mỏi của Đảng và dân thì cán bộ phải sâu sát, lắng nghe từng ngõ, từng nhà, mắt sáng lòng trong. Họ phải là những con chim báo bão, dám đấu tranh để thắng chính mình, thực lòng nghĩ đến dân, như Nguyễn Trãi từng mong vua Lê Thái Tông “Xin nhà vua hãy chăm dân... Mong cho tận thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu...”.
Cần những con người yêu quê hương nhưng cũng phải biết nhìn xa trông rộng, biết tìm hướng đi, để làng quê ngày một có hồn, có nét. Chính đội ngũ cán bộ xã phải làm rất nhiều để thanh niên lớn lên không nhất thiết phải lao ra phố tìm việc mới có tiền xây nhà, xây cửa. Vẫn biết đưa người đi xuất khẩu lao động là chủ trương đúng, vì nó đã đổi đời cho nhiều hộ nông dân, nhưng làm nên vẻ đẹp của làng quê, giữ được hồn cốt của làng quê là cây đa bến nước thì luôn cần sức trẻ. Còn may, vùng quê này cũng như xã Mậu Lâm quê tôi, chị em phụ nữ chịu khó việc ruộng, việc làng, tiếc là sức yếu, kiến thức mới chưa kịp cập nhật, quanh đi quẩn lại vẫn nghiêng nhiều về làm ăn theo lối cũ.
Chính quyền không nên giản đơn trong quá trình làm nông thôn mới. Con đường dễ là con đường xuống dốc.
Từ Báo cáo Đại hội Đảng bộ nhiệm kì 2020-2025, những số liệu, câu chữ chưa làm yên lòng những người có trách nhiệm. Ví dụ như chuyển cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, giá trị ngành công nghiệp, xây dựng còn chiếm tỉ trọng thấp, vẫn còn tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Năm 2019, xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản vào ban ngày. Công tác quản lí đảng viên đi làm ăn xa còn bất cập. Nguời dân còn vứt rác thải, gia súc, gia cầm chết xuống suối, kênh, mương gây ra ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh. Vì thế dòng sông Yên được con suối Cái chảy từ xã Cán Khê, luồn rừng về Phượng Nghi, xuôi về Mậu Lâm qua Phú Nhuận vốn là dòng suối trong vắt chảy từ rừng sâu, giờ nó chở theo không ít các túi rác, xác động vật chết, làm vơi đi sự trong mát, êm đềm. Tỉ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng vẫn còn cao... Đua theo nhịp sống hiện đại, người dân tộc thiểu số trong xã bỏ dần truyền thống văn hóa độc đáo của cha ông họ nghìn đời. Đây là một mối lo. Kinh tế thì có tiền là lo được nhưng giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của một dân tộc được tích lũy từ bao đời thì không tiền nào mua nổi. Nông thôn hiện đại đến mấy vẫn cần giữ được sự yên bình. Làng quê vẫn phải giữ được cái nếp tối lửa tắt đèn có nhau như có người nói: góc làng thì hẹp, lòng người thì bao la. Xu hướng muốn làm người đô thị nên nhiều người quên “Quê hương là chùm khế ngọt”...
Tôi muốn khép lại bài viết bằng niềm tin về sự đổi thay của vùng đất lúa thân yêu này. Cái mới vẫn là dòng chảy chính. Khát khao đổi mới ấp ủ trong tâm can lãnh đạo xã và người dân đất này lâu rồi, giờ gặp luồng gió mới là nó thành một sức mạnh to lớn lan đến từng thửa ruộng, vùng đồi. Sự đổi thay này thật thiêng liêng. Nhưng còn nhiều việc phải làm, phải tính đang trĩu nặng đôi vai Đảng bộ và người dân. Thiên thời địa lợi phải đi liền với “nhân hòa”. Nhân hòa là cốt lõi của mọi thành công, có sức mạnh dời non lấp biển. Đây là một trong những nhân tố để xã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, và phấn đấu năm 2025, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, sẽ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
                    

 T.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 6
 Hôm nay: 1421
 Tổng số truy cập: 9247332
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa