Gió mới giữa đại ngàn (Ký dự thi) - Lê Dậu
Nhận lời mời của Bí thư Huyện ủy Như Thanh, vào một buổi sáng đầu năm tôi rủ anh bạn cũng là nhà báo lão thành cùng nhau vượt qua con đường ngập ngụa nước mưa từ thành phố Thanh Hóa về Như Thanh. Đêm qua đài báo có đợt gió mùa đông bắc tràn về, sáng nay bầu trời xám xịt, mưa đổ ào ào mỗi lúc một nặng hạt hơn, cái gạt nước của chiếc xe ô tô chúng tôi luôn phải hoạt động hết lực mới nhìn rõ mặt đường. Lòng tôi bồn chồn liền hỏi anh bạn:
- Mưa thế này chúng ta có nên đi nữa không đây?
- Đi chứ, đã hẹn rồi mà! Với lại sau mưa bao giờ trời cũng trong xanh, đẹp, hơn đó là dấu hiệu cho những niềm vui đang chờ đón chúng ta ở Như Thanh, anh đừng ngại - Anh bạn nói cứ như đã biết trước rồi ấy và đúng như vậy, chúng tôi đến gần thị trấn Bến Sung thì trời cũng bớt mưa, những đám mây đen triễu nước theo gió di chuyển về phía nam. Như Thanh hiện ra trong những sắc nắng rực rỡ, lung linh và huyền diệu.
Trụ sở Huyện ủy Như Thanh mới được tân trang, sừng sững tọa lạc giữa vùng đất Bến Sung, nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc, đồng thời cũng là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử hào hùng mà người dân Như Thanh đang tích cực khai thác để phục vụ cho công cuộc đổi mới, nhất là những kết quả đáng ghi nhận từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện trong những năm gần đây.
Anh Trần Văn Tuấn - Bí thư huyện ủy đón chúng tôi trong phòng làm việc của mình ở gác hai. Chén chè nóng, cách nói chuyện chân tình, cởi mở của anh đã làm ấm lòng hai nhà báo giữa cái giá lạnh mưa rét đang tràn về. Anh Tuấn quê gốc ở huyện Hoằng Hóa, được điều về làm Bí thư huyện Như Thanh đã khá lâu, anh có nét mặt phúc hậu nhưng cương nghị, cái cương nghị của một người đứng đầu luôn đau đáu, trăn trở về sự phồn thịnh một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa.
Huyện Như Thanh được thành lập từ tháng 11 năm 1996, có diện tích tự nhiên 58.809 ha, là huyện miền núi thấp không thuộc diện 30 a của tỉnh, gồm 16 xã, 195 thôn, bản, dân số có 76.045 nhân khẩu, với 3 dân tộc chính cùng chung sống là Kinh, Mường, Thái. Đảng bộ huyện Như Thanh có 23 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc huyện ủy, 168 chi bộ trực thuộc Đảng ủy và 1951 đảng viên. Mặc dù đã trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, chung sức chung lòng vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vì một Như Thanh ngày càng phát triển. Tuy nhiên Như Thanh vẫn là một huyện còn nhiều khó khăn, nhưng đã khởi sắc như hôm nay vì đã xác định được những công việc quan trọng nhất. Đó là nội bộ lãnh đạo đã giữ vững truyền thống đoàn kết, một lòng, một dạ vì dân. Đảng bộ đã tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề dân sinh. Và mạnh dạn chuyển giao những ứng dụng khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chính vì thế mà trong những năm qua Như Thanh đã đạt được những thành tích nổi bật: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 16,57%. Quy mô nền kinh tế tăng 22 lần, nếu tính theo giá cố định năm 1994, tổng giá trị sản xuất 1997 đạt 87,5 tỷ đồng. Năm 2018 đạt 1913,7 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ 1997 đến năm 2018, tỷ trọng nông nghiệp - lâm nghiệp giảm từ 81,6% xuống còn 23,9%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 7,5% lên 43,8%; dịch vụ tăng từ 10,9% lên 32,3%. Tổng sản lượng lương thực từ 22.000 tấn lên 37.332 tấn… Thu nhập bình quân đầu người tăng 26 lần từ 1,13 triệu lên 29,6 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm, năm 2019 Như Thanh còn 6,3%...
Hồ Bến En
Chúng tôi được Bí thư huyện ủy Trần Văn Tuấn thông tin cho biết về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện trong mười năm qua. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp trong huyện, sự đồng thuận cao của người dân. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới là 1960 tỷ đồng, trong đó huy động trong dân tới 61,5%, nhân dân đã hiến tặng trên 53 ha và tài sản trên đất, đóng góp làm đường bê tông được 588 km giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và nhiều công trình phúc lợi khác. Hiện nay Như Thanh đã có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62,5%, vượt mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ đã đề ra (trong khi đó huyện Cẩm Thủy mới đạt 42%, Thạch Thành 30,7%, Như Xuân 23,52%). Không những thế năm 2019 đã có 100% xã, thôn bản đã có điện lưới quốc gia, 100% công sở xã, trung tâm văn hóa xã được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông, thủy lợi cũng được xây dựng kiên cố vững chãi tạo điều kiện để người dân giao thương đi lại thuận tiện và chủ động trong sản xuất, canh tác… Như Thanh là huyện miền núi, rừng chiếm tới 65% diện tích của cả huyện. Trước những năm 1990, khi Như Thanh chưa được thành lập thì vùng rừng núi của huyện vẫn thuộc huyện Như Xuân quản lý. Thời ấy rừng Như Xuân còn là vùng rừng nguyên sinh, nhiều loại gỗ quý như lim xanh, lát hoa, sến, gụ… ken dãy trên những ngọn đồi chót vót chạy dài phủ kín các xã miền núi. Tôi còn nhớ dịp lên huyện công tác, ông Hạt trưởng hạt Kiểm lâm cho biết: Có lần Bộ Tư lệnh Không quân vào xây dựng sân bay Sao Vàng, lãnh đạo trong quân chủng đã bố trí cho Ban thường trực Huyện ủy, Ủy ban huyện Như Xuân lên máy bay trực thăng thăm những cánh rừng lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Thanh Quân, Thanh Phong và khu rừng phòng hộ Bến En… của huyện. Nhìn những cánh rừng xanh rờn, trập trùng chạy dài mênh mông, ngút ngàn phủ kín vùng các vị lãnh đạo huyện nhà cảm thấy tự hào, phấn chấn. Nhưng rồi qua lần đi thăm bằng máy bay đó, chỉ một thời gian sau, cả vùng lim sến, cùng những cây gỗ quý trong rừng đã không cánh mà bay, khi nhân viên lâm nghiệp, kiểm lâm của huyện luồn rừng vào kiểm tra thì chỉ còn thấy những gốc lim có đường kính 1,5 - 2 mét đã bị cưa sát đất, gỗ đã được mang đi đâu hết, khiến đoàn tuần tra của huyện hẫng hụt, hoang mang đến tột độ. Sau này huyện đã chủ động mở cuộc điều tra khi rõ nguyên nhân mới biết sự việc cụ thể bắt nguồn từ chuyến thăm bằng máy bay trực thăng năm đó!... Lại nữa, cũng những năm đó theo chủ trương của tỉnh, huyện tiến hành ngăn đập hồ Bến En để lấy nước cung cấp cho các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống , Triệu Sơn, Như Thanh, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp… Công trình ngăn đập Bến En được tiến hành rất khẩn chương, vì vậy những cánh rừng gỗ quý xung quanh vùng hồ chưa kịp khai thác đã bị ngập lũ chìm trong rốn nước mênh mông. Rồi nữa, khi ấy đời sống của người dân trong huyện còn gặp nhiều khó khăn, lương thực thiếu thốn, họ cũng thi nhau khai thác, biến rừng nhanh chóng trở thành đồi trọc nghèo kiệt…
Khi huyện Như Thanh được thành lập, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình. Việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là nội dung quan trọng được huyện chỉ đạo chặt chẽ. Những năm đó huyện ủy đã ban hành đề án trồng rừng gỗ lớn và khoanh nuôi tái sinh rừng lim xanh. Đến nay kinh tế lâm nghiệp đã có bước phát triển và đã thực sự trở thành ngành sản xuất chính, đây cũng là nguồn thu rất quan trọng của người dân trong huyện.
Anh bạn nhà báo đi cùng tôi ngồi chăm chú ghi chép, đến khi nghe Bí thư nói về nguồn thu do rừng mang lại hàng năm cho người dân, anh hỏi lại:
- Anh Tuấn cho chúng tôi biết thêm hiện nay rừng Như Thanh chủ yếu được trồng loại cây gì, và một héc ta rừng trồng cho thu nhập bao nhiêu?
Bí Thư Trần Văn Tuấn từ tốn trả lời: - Hiện tại đất rừng của huyện chúng tôi đã giao cho dân quản lý 100%, nhiều năm nay người dân ở đây trồng cây keo là chính, vì trồng cây này thì sau 6 năm đã được thu hoạch, mà một héc ta có nguồn thu từ 130 đến 150 triệu đồng. Cây keo chủ yếu bán làm nguyên liệu giấy viết, và để chế biến thêm một số vật dụng trong dân, vì vậy giá trị kinh tế cũng không cao lắm. Nhưng trong nhiều năm vừa qua, cây keo đã góp phần phủ xanh đồi núi trọc một cách kỳ diệu, đó là thắng lợi lớn nhất mà huyện chúng tôi đã đạt được. - Anh Tuấn nâng chén nước húp một ngụm nhỏ, đôi mắt trở nên mơ màng như đang chú ý tới một điều gì đó, rồi bỗng mắt anh sáng lên, giọng hồ hởi quay sang tôi hỏi:
- Khi sáng các anh đến văn phòng ở tầng một có nhìn thấy một đoạn gỗ tròn được cưa bằng phẳng, trông như một khúc gỗ khô, nhưng giữa thân lại mọc ra một hai cành lá xanh non đó không?
Tôi chợt nhớ đến khúc gỗ khô khốc nằm ngay ngắn dưới tầng một trụ sở huyện ủy, từ tâm gốc vài ba chồi non hé nở một cách kỳ lạ.
- Đó có phải là một loại cây cảnh mới dùng trang trí đúng không Bí thư?
Bí Thư Tuấn cười rổn rang đáp:
- Không nhé. Xin thông tin để các anh biết, vừa rồi huyện có tiếp xúc với một người Việt Kiều sống tại Canada muốn xin được đầu tư về huyện để trồng cây Tếch lai, đây là loại cây có xuất xứ từ Canada; trong nhiều năm qua đã có 5 tỉnh trồng thí điểm loại cây này. Cây Tếch lai là cây thân gỗ, lại là một loại gỗ quý, không bị cong vênh, không bị cháy, nhẹ và gỗ có thể chiết suất được tinh dầu, làm báng súng… cây phát triển nhanh, thân cây cao tới 40-50 mét, đường kính trong 5 năm đạt gần 40 cm và người trồng có thể thu hoạch toàn bộ sản phẩm như gỗ, cành, lá, hoa, quả… được bán trực tiếp cho cơ quan đầu tư toàn bộ số sản phẩm. Đơn vị bao tiêu sẽ trả cho người trồng số tiền trên 300 triệu/ một héc ta, gấp gần 4 lần giá cây keo hiện nay. Đặc tính của loại cây này có thể tái sinh đến 6 lần mới phải trồng lứa khác.
Bí thư Tuấn cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, một số cán bộ trong huyện ủy, phòng Nông nghiệp, Lâm nghiệp đã đi thăm và tìm hiểu cơ sở trồng cây Tếch lai trong nước, thấy tận mắt, sờ tận tay, khi trở về anh em phấn khởi lắm. Bước đầu vài cán bộ chủ chốt của huyện đã trồng khảo nghiệm tại vườn nhà, thời gian trồng hơn hai tháng tuổi, cây mọc cao tới 2,5 mét. Hiện nay Như Thanh có trên 14 ngàn héc ta cây keo người dân chuẩn bị thu hoạch, nếu được huyện triển khai trồng cây Tếch lai, người dân sẵn sàng đăng ký trồng đại trà. Bởi nguồn giống cây và phân bón do doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư, người dân chỉ cần chăm sóc, bảo vệ theo hướng dẫn cho tới khi thu hoạch, doanh nghiệp nhận tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo cam kết. Đó chính là hướng đi của lâm nghiệp Như Thanh. Lãnh đạo huyện quyết tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc, thuộc các xã miền núi nâng cao chất lượng cuộc sống bằng nghề phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Chúng tôi còn được các anh lãnh đạo huyện ủy cho biết, gần đây huyện đã thu hút đầu tư được một số dự án vào địa bàn như: Dự án may xuất khẩu Green-GBM tại xã Phú Nhuận; xây dựng khu dân cư Thung Ổi; chế biến tinh bột sắn; chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Thanh Tân; nuôi gà công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp Hungary tại xã Mậu Lâm… Các dự án trên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong lúc lắng nghe các anh lãnh đạo huyện thông báo một số dự án sắp được đầu tư vào Như Thanh. Tôi tự nhủ: hình như vẫn còn thiếu một dự án rất quan trọng, đó là dự án xây dựng Hồ Bến En thành khu vui chơi nghỉ dưỡng lớn nhất Thanh Hóa. Vườn Quốc gia Bến En có diện tích là 14.000 ha, riêng Hồ Bến En rộng 3.000 ha, độ sâu trung bình của lòng hồ là 30 mét, bao gồm hồ Thượng và hồ Hạ. Trong lòng hồ nổi lên 21 hòn đảo lớn nhỏ, cao thấp như vịnh Hạ Long. Theo các nhà thủy văn thì hồ có dung lượng nước rất lớn (từ 300 đến 400 triệu mét khối nước) do dòng sông Mực cùng 4 con suối lớn đổ vào, đó là suối Hận, suối Thổ, suối Cóc và suối Tây Tọn. Vào cuối tháng 9 năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin truyền thông phối hợp với phòng Văn hóa huyện và khu du lịch Hồ Bến En, đưa các nhà báo thuộc các Văn phòng đại diện báo chí Trung ương lên thăm Vườn Quốc gia Bến En. Đoàn nhà báo chúng tôi lên 5 chiếc thuyền cao tốc chạy trên mặt hồ giữa lúc nắng chiều vàng rực làm mặt nước lung linh, óng ánh đến mê hồn. Các nhà báo thỏa thích cười nói, mê mẩn ngắm nhìn cảnh hồ gợn sóng, các nhà nhiếp ảnh thi nhau ghi lại những hình ảnh sống động. Những chiếc thuyền của chúng tôi rẽ nước tung bọt trắng xóa làm xao động mặt hồ xen lẫn trong mầu xanh ngút ngàn từ cây rừng trên các hòn đảo hắt xuống mặt nước. Cả một vùng hồ mênh mông, huyền ảo, làm mát lòng chúng tôi trong chuyến đi đầy lý thú ấy. Sau này đã có rất nhiều nhà báo viết về vẻ đẹp thần kỳ của Hồ Bến En và kêu gọi các “Đại gia” có tiềm năng trong và ngoài nước, đầu tư vào Bến En thành khu du lịch nghỉ dưỡng thì tuyệt vời biết chừng nào.
Ở Như Thanh ngoài vẻ đẹp kỳ ảo của Bến En còn có rất nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ví như sắc hoa đào Xuân Du, Phúc Đường mỗi độ tết đến xuân về, ở đây còn nổi tiếng với những hình ảnh mộc mạc, ấm đượm tình nghĩa của những người dân chân chất đang dần tập làm quen với thời đại nông thôn mới hôm nay... Đây cũng chính là vẻ đẹp, sự giàu có mà đất và người Như Thanh đang dần khẳng định vị thế của mình trên con đường hội nhập.
L.D