Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Huyện Quảng Xương, nhìn về tương lai (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Liệu
Huyện Quảng Xương, nhìn về tương lai (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Liệu

Huyện Quảng Xương ở vị trí đầu sóng ngọn gió nằm giữa hạ lưu sông Mã và sông Yên. Núi Trường Lệ ở đầu Bắc và núi Lau Chẹt ở đầu Nam như hai cánh tay khổng lồ chắn đỡ đón nhận phù sa của hai dòng sông lớn và những hải lưu của biển. Sau năm 1954, huyện Quảng Xương có 47 xã, qua nhiều lần biến đổi địa giới hành chính đến nay còn 25 xã, 1 thị trấn, 1 Thị tứ với diện tích 171.260 km2. Mật độ 1181 người/km2. Quảng Xương là huyện trọng điểm lúa của tỉnh Thanh Hóa. 
Thời gian Mỹ tiến hành chiến tranh “leo thang” ra miền Bắc, các chiến lược gia Hoa Kỳ mệnh danh cho vùng đất Quảng Xương là “khu vực cán xoong” cho nên số bom đạn mà chúng trút đổ xuống đây xấp xỉ đầu người, nhằm thực hiện âm mưu quái đản, chỉ có Mỹ mới nghĩ ra “đưa Việt Nam trở về thời đồ đá”. Năm 1975 trong niềm vui hòa bình được lập lại thì nhân dân Quảng Xương còn mang nỗi đau vì quê hương bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cũng năm 1975, Lịch sử ghi lại “… đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và không đồng đều giữa các vùng miền, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, cơ cấu mùa vụ, giống vật nuôi cây trồng và ngành nghề trong sản xuất còn bất hợp lý. Bên cạnh đó, người lao động còn mang nặng tư tưởng tiểu nông lạc hậu…” (Lịch sử Quảng Xương - Nhà xuất bản Thanh Hóa 2015).
Vậy mà bắt đầu thời kỳ đổi mới (năm 1986), nhất là từ năm 2010, Đảng có Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh nông dân nông thôn Quảng Xương đã bừng lên sắc diện như bức họa thần kỳ. 
Năm 2018, huyện Quảng Xương đã đạt chuẩn NTM (29/29 xã của huyện đã đạt 19/19 tiêu chí quốc gia). Báo cáo của huyện ghi rõ “… kinh tế tăng trưởng 14,3%. Thu nhập 42,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2010). Tỉ lệ hộ nghèo còn 3,5% (năm 2010 là 24,5)… Năng suất nông nghiệp tăng nhanh nhưng tỷ trọng trong tổng thể nền kinh tế so với công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm sâu…”.
Mặc dù các doanh nghiệp đã đầu tư vào Quảng Xương và cùng với nó là đô thị phát triển, lấy đi một số diện tích đất đai trồng cấy và cả con người nữa, đã chuyển dịch sang lãnh địa công nghiệp. Đó cũng là sự tiếp biến tất yếu của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhưng các nhà lãnh đạo Quảng Xương đã sớm có chủ trương “niêm phong” quỹ đất nông nghiệp và kích cầu, khuyến khích ngành trồng cấy nhằm bảo vệ an ninh lương thực địa phương theo Nghị định của Chính phủ.
Vùng Phúc, Vọng, Ngọc, Trường, Văn, Long, Hòa, Hợp, ngay trong thời kỳ còn khó khăn đã tiềm ẩn một sức vóc. Đến nay, các doanh nghiệp tìm về đầu tư đặc biệt là khi có chủ trương xây dựng NTM của Đảng, sức vóc ấy được tiếp cận cơ hội mới như chàng trai trẻ có tầm vóc vâm váp, căng tràn sức sống, cựa mình, bật dậy. Các địa phương khác như Hải, Lưu, Lộc, Lợi… (Quảng Lợi, Quảng Lĩnh nay đã tiến lên thành Thị tứ Tiên Trang) cũng đều có thế mạnh riêng, gặp sách lược xây dựng NTM, đã bứt phá khỏi rào cản tự thân để đón luồng gió mới. Tất cả đang làm nên một Quảng Xương phát triển.
Ấn tượng nhất đối với những người đến với Quảng Xương là hạ tầng giao thông. Chỉ có đến Quảng Xương, đi trên những con đường ở Quảng xương thì mới thấy được “đường NTM” là thế nào, là cộng tất cả các con đường được đổ nhựa hay lát bê tông, cho ra số thành bằng 1/3 con đường chạy suốt dọc dài đất nước. Đường nối các hộ với nhau, đường nối các khu dân cư với nhau, đường vượt đồng, vượt bãi nối các xã với nhau, nối với đường của huyện, đường của tỉnh, đường quốc gia đều được bê tông hóa, nhựa hóa. Đường ra đồng, đường dẫn đến từng khu ruộng nhỏ đều lát bê tông hay rải đá cấp khối. Chạy dọc theo đường là cây xanh và mương nước tưới tiêu. Đã đi vào dĩ vãng cái cảnh lặn lội trong bùn lầy, nước đọng. Bây giờ đi bộ cả ngày, chân không lấm tí đất bụi. Bởi vì đội môi trường có sắc phục, có phiên hiệu riêng hoạt động thường xuyên thu gom rác thải vào bãi xử lý.
Những con đường, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều là cửa ngõ đón Văn hóa, Văn minh vào làng quê vốn lặng lẽ, bình yên, cát cứ bằng những lũy tre dăng thành, giữ gìn, bảo vệ những thuần phong mỹ tục truyền đời nhưng cũng thúc thủ những hủ tục lạc hậu đã bám rễ vào mảnh đất nghèo. Những con đường kéo gần đời sống cư dân nông thôn và cư dân thành thị… Được biết khi thực hiện tiêu chí về hạ tầng giao thông NTM, đã có nhiều người tự giác hiến đất, phá dỡ tường rào, đường cũ, để mở đường mới nhưng đây đó cũng còn có người đắn đo, do dự, phải cố gắng nhiều. Làm được hệ thống đường sá như vậy chắc chắn là phải nhiều tiền của và sức lực trong khi bà con còn nghèo. Nhưng họ đã thành công. Điều này cho thấy ý Đảng lòng dân đã gặp nhau, đã hòa hợp tạo thành sức mạnh vượt qua khó khăn.
Nhà cửa là tấm giấy thông hành để người ta nhận ra là dân tộc nào, ở địa phương nào, vùng miền nào. Nông thôn Quảng Xương đã tránh được hiện tượng “đồng phục hóa nhà ở”. Tiêu chí thứ 9 trong bộ tiêu chí  NTM là nhà ở dân cư, có ghi “3 cứng”: nền cứng, khung cứng, mái cứng (quy định của Bộ Xây dựng). Vật liệu “cứng”xây dựng là bê tông cốt sắt bền vững đã làm nên nhà cửa đa dạng hóa phong cách, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều khu nhà lấy ý tưởng từ kiểu nhà “mái thái”, “nhà vườn”, “nhà gác lửng”… nhưng sáng tạo thành những mẫu mốt riêng, độc đáo mang tư cách của chủ nhân, kế thừa đặc trưng nông dân, nông thôn Việt Nam. 
Đi theo đường sá là hệ thống đường ống nước sạch đi vào từng nhà. Và cây xanh. Cơ man là cây xanh làm nên quê hương xanh, thân thiện. Theo điều tra về môi trường gần đây, chỉ tiêu cây xanh cho đầu người ở Quảng Xương là 7,2 m2. Những năm trước, nhất là khi tiến hành xây dựng NTM, nhiều cây xanh ở Quảng Xương đã phải chặt phá để sắp xếp lại khu dân cư và mở mang đường sá. Có ai đó nặng lòng với mầu xanh thân thiện, với hồn cốt hương quê, cả nghĩ, nhớ thương về những bờ tre, mái rạ, những giàn trầu quấn quýt hàng cau, những giậu cúc tần, hàng chè mạn vương mang dây tơ hồng như tình làng nghĩa xóm ràng rịt, thân thương, nhu nhuyễn, đã đi vào ký ức vẹn nguyên, bây giờ không còn nữa. Nhưng xin hãy bình tâm dạo bước dưới tán xum xuê của những hàng cây đủ chủng loại mới được trồng từ mươi mười hai năm nay đang tỏa bóng, ôm ấp làng xóm quê hương, ngan ngát hương hoa, rộn rã bướm lượn, chim bay, dạo khúc nhạc đồng quê trường cửu.
Hầu như ở Quảng Xương, xã nào cũng có các tụ điểm, các cửa hàng cửa hiệu, là những đại lý cho các hãng buôn lớn hay hợp đồng trực tiếp với các cơ sở, nhà máy sản xuất các mặt hàng cơ khí, điện tử, xe máy, ô tô, máy nông nghiệp, máy dân dụng… Họ cạnh tranh bằng uy tín chất lượng, mẫu mã, giá cả, thái độ phục vụ.
Trong cách mạng công nghệ 4.0, dịch vụ thương mại Quảng Xương nhạy bén, kịp thời, đi trước, đón đầu, nắm bắt chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với mọi người, mọi ngành, mọi mặt, nhanh chóng xây dựng mối quan hệ cung cầu công bằng, hữu nghị. Nhiều đại lý cho biết doanh thu khá, đồng nghĩa với nhiều máy móc, thiết bị, xe cộ đã đi vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, đi xuống đồng phục vụ sản xuất. Nhớ lại, vào khoảng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, trong sách giáo khoa lớp 4 có bài thơ của nhà thơ Tố Hữu nói về anh nông dân nước Nga kể chuyện làm nông nghiệp bên nước Tây “anh ngồi hát lái máy/ chị đi giày làm vườn…”. Hồi đó nghe sao mà viễn vông đến thế! Bây giờ, chuyện đó đã là hiện thực hiển nhiên ở ngay thôn quê huyện Quảng Xương chứ đâu phải xa xôi?
Muốn đánh giá đúng đời sống người dân, không nên chỉ đọc vài con số trên văn bản thống kê, báo cáo, khô cứng, lạnh lùng mà cũng cần đi ra chợ - chợ NTM. Huyện Quảng Xương có nhiều chợ lớn từ khoảng đầu thế kỷ trước, thậm chí còn xa xưa hơn nữa như chợ Lưu Vệ, chợ Môi, chợ Hội, chợ Bùi, chợ Đai, chợ Ghép…, bây giờ thực hiện tiêu chí “chợ nông thôn mới”, mỗi xã đều mở chợ riêng. Các chợ đều có Ban quản lý điều hành một cách chuyên nghiệp. Không ai đếm nổi có bao nhiêu mặt hàng được bầy bán tại chợ. Đúng là “thượng vàng hạ cám”. Tất thảy đều sắp xếp theo hàng lối, nghiêm ngắn, sạch sẽ. Hàng hóa bắt mắt, đủ các chủng loại, đủ các mẫu mốt, đủ các hãng hiệu. Người tiêu dùng thoải mái lựa chọn, chấp nhận hay tẩy chay, đó chính là đặc quyền trả giá của các “thượng đế” thời nay, cho thấy lợi ích từ cơ chế thị trường và hội nhập đem lại. 
Người bán đông, người mua lại càng đông gấp bội. Người chào hàng, người trả giá đều nói lời văn minh, lịch thiệp. Nhìn sức mua, hàng mua, có thể thấy đời sống nhân dân khó khăn hay dư dả. Chả ai chịu đói rách mà đi sắm ti vi, tủ lạnh, đi mua xe máy, ô tô. Điều này còn chứng tỏ một phần sự văn minh, văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng nông dân thôn quê.  
 Nay mai, khi con đường Duyên Hải Bắc miền Trung qua địa phận Quảng Xương đưa vào sử dụng, sẽ mở ra cơ hội lớn cho các địa phương ven biển cùng với thành phố Sầm Sơn tham gia dịch vụ du lịch. 
Hiện nay khu du lịch sinh thái Tiên Trang đã đi vào hoạt động. Mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch, nghĩ dưỡng. Dải biển ngang suốt từ Quảng Hải đến Thị tứ Tiên Trang có bãi cát bằng phẳng, mịn màng. Nước ở đây quanh năm trong xanh, mát mẻ, có độ mặn trung bình 35PPt, có thể chữa được một số bệnh thông thường. Sóng, gió hiền hòa trung bình ở cấp độ 3, thích hợp với tất cả lứa tuổi khi tắm biển. Nếu nối liền được khu du lịch Sầm Sơn với khu sinh thái Tiên Trang chắc sẽ thành khu tắm mát, nghĩ dưỡng đẳng cấp.
Kết quả của ngành chăn nuôi Quảng Xương cho một lượng sản phẩm từ động vật, nhiều và phong phú. Ngoài trâu, bò, lợn, gà truyền thống, nay người nông dân đã đưa vào đàn nhiều con nuôi mới như ếch, ba ba, cá quả, cá diêu hồng, cá chim trắng và cả chim muông, dã thú…, tạo thành nguồn thực phẩm dư dả, tinh sạch, bổ dưỡng. Các loại cá ngon, từ xưa cũng được đặt tên theo vùng đánh bắt như cá thu, cá ngừ Quảng Nham, mực Hới như là những thương hiệu đương nhiên trong lòng người tiêu dùng. Ai quên được dưa hấu Quảng Lưu, thuốc lào Quảng Định? Ai đã một lần được thưởng thức sẽ khó quên món rươi tươi chiên xương sông, lá lốt, kẹp bánh đa vừng ở Quảng Phúc, Quảng Trường!... Ngày nay các thượng đế sành ăn lắm. Các thức cao lương mỹ vị thời công nghiệp làm sao sánh được với các đặc sản Quảng Xương có “thâm niên cố đế” như mắm cáy, rươi muối Quảng Vọng, mắm nhút, nước mắm cốt Quảng Nham. Chim gà cá gỏi Quảng Xương lúc nào cũng sẵn sàng mời khách hữu tình... Và, thịt ếch đồng theo cung cách chế biến “bí truyền” của người làng Bùi (xã Quảng Giao) còn chưa “phát lộ”. 
Sản phẩm hoa quả ở Quảng Xương thì phải tính đến na, hồng xiêm, vú sữa, xoài, mít, vải thiều…và bưởi. Đại trà là cây ăn quả, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa không nhỏ. Về bưởi có bưởi “nhà”, bưởi hồng niên, bưởi lai ghép mới, đặc biệt là bưởi Diễn, quả to, mọng nước, ăn vào lòng thấy mát cả trưa hè. Riêng “anh” bưởi diễn này ở Quảng Xương nếu thực hiện đúng quy cách “viet GAP” có thể đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP, gắn con tem điện tử cho nó chu du thiên hạ, đến với những “thượng đế” thời thượng chỉ là trong tầm tay.
Chương trình sản xuất theo hướng sản phẩm hàng hóa, trong nhóm 10 mặt hàng thiết yếu, Quảng Xương có thế mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm động vật và sản phẩm từ gỗ.
Các nghệ nhân Quảng Xương xưa đã để lại nhiều dấu ấn tinh xảo trên đình chùa, miếu mạo, nay con cháu họ nối tiếp truyền thống đó, thành lập những “tổ hợp”,“công xưởng liên doanh” sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ. Với những bàn tay tài hoa chế tác, tre, gỗ cũng đơm lá, nở hoa. Sản phẩm từ gỗ của họ đã được chấp nhận ở nhiều thị trường khó tính.
Theo báo cao thống kê của Cục Di sản, tính đến năm 2000 huyện Quảng Xương đã có trên 120 di tích Lịch sử văn hóa, Lịch sử cách mạng, Danh lam thắng cảnh được Nhà nước cấp Bằng công nhận. Tài sản “văn hiến” vô giá đó đang phát huy tốt công năng phục vụ tinh thần với vai trò là những địa chỉ tỏa sáng tinh thần nhân văn, nhân nghĩa, truyền thống yêu nước, anh hùng… của người Việt Nam nói chung và người Quảng Xương nói riêng. Người du ngoạn, tham quan cảnh sắc làng quê đem lại tinh thần thư thái, an bình; người thao thiết cội nguồn; người ái mộ tâm linh… thường xuyên đến đây như là một nhu cầu tự thân, thuộc về tâm đức.…
Bức tranh quê “nông thôn mới” Quảng Xương với gam mầu tươi sáng nhưng đôi chỗ, nét cọ cũng “lỡ làng”, lệch chuẩn.
 Trước đây, hầu hết các xã trong huyện Quảng Xương đều có đội Văn nghệ “cây nhà lá vườn”, thường xuyên tổ chức diễn xướng phục vụ bà con trong làng ngoài xã góp phần làm tươi mát cuộc mưu sinh của người thôn dã vốn đã nhọc nhằn lam lũ. Đặc biệt là ở làng Mễu cổ, bây giờ gọi là làng Trinh Miếu, làng Lăng, làng Bất Động (thuộc các xã Quảng Hợp, Quảng Ngọc) có phường ca trù nổi danh - cái vạch nối dài sự kiện lịch sử về Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đồn trú tại vùng núi Văn Trinh (xã Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Văn) để ngăn chặn quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi (năm 1275). Tôi đã may mắn được một lần xem họ biểu diễn. Không thể quên chất giọng của ca nương Nguyễn Thị Thu, học trò Nghệ sỹ ca trù Kim Oanh (Thành phố Thanh Hóa) đã hội được các tố chất “nhà nòi”: quán, xuyến, dằn, thét, diệu, vợi, rẫy, khuôn; đã từng chiếm huy chương Vàng hội diễn ca trù của Tỉnh và tiếng đàn đáy luyện đủ năm cung của Kép đàn Nguyễn Văn Tâm - đệ tử của thầy đàn gạo cội Nguyễn Phú Đệ (Hải Dương)…Tiếng hát, tiếng đàn, theo nhịp phách bổng trầm bay cao, bay xa như có hình khối, có sắc màu. Nhưng bây giờ tôi trở lại chỉ vương lây nỗi buồn xa vắng của các cụ tuổi cũng đã cuối chiều xế bóng khi hỏi thăm chuyện cũ người xưa, khi hỏi thăm phường Ca trù năm ấy. Còn các bạn thanh niên thì có lẽ cái màng nhĩ mẫn cảm thời nay, từ lúc mới sinh ra đã run rẩy trong tiếng nhạc “rock”, nhạc “rap” với dải âm vực không rộng lắm tràn ngập trong các nhà hàng, ngoài câu lạc bộ, trên đường phố, trên các sàn nhảy với ánh điện đủ màu chói gắt chớp nháy đến chóng mặt khiến thứ nhạc “ả đào” diệu vợi có lẽ không còn thương thích với “sê ri” màng nhĩ ở thế kỷ XXI nữa chăng?
Những ngôi đình, ngôi chùa cách đây mới mươi năm thôi còn nguyên ngói “mũi hài” rêu phong với mái uốn long đao thâm nghiêm, trầm mặc. Vậy mà chỉ mấy năm trở lại đây, nhiều nơi có tiền là gạt phăng đi, xây mới, xây lại, lợp ngói sứ công nghiệp, tô vẽ những gam màu lạnh, nhức mắt. Nhiều đình chùa còn trưng ra những con sư tử đá kiểu Trung Hoa nhe nanh, xù bờm vừa kệch cỡm vừa xiểm ác, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, làm mất đi chức năng thân thiện của đình chùa với làng quê. Hỏi ra thì được biết “…những nhà hảo tâm đem đến “cung tiến”, chả lẽ “hê” đi! 
Nông thôn Quảng Xương có được diện mạo mới như ngày nay là cả một quá trình lao động trường kỳ, gian khổ dưới ánh sáng của đường lối “xây dựng nông thôn mới” của Đảng và Chính phủ. Qua những gì đã thấy, có thể kỳ vọng, tin tưởng, tương lai không xa, nông thôn Quảng Xương sẽ là một vùng quê đáng sống: đổi mới, tiến bộ cả trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người.  
Chủ trương, đường lối, chính sách đúng là yếu tố cốt tử cho thắng lợi, cộng với tiềm năng, thế mạnh và vận hội, nhưng cũng rất cần những viên chỉ huy đức độ, tài ba để chèo lái con thuyền đang giữa biển khơi sóng gió của kinh tế thị trường, hội nhập, thì thắng lợi sẽ viên mãn hơn nhiều.
                

P.V.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 286
 Hôm nay: 816
 Tổng số truy cập: 9246727
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa