Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Mùa dâu tằm (Bút ký dự thi) - Phạm Vĩnh Sơn
Mùa dâu tằm (Bút ký dự thi) - Phạm Vĩnh Sơn

Những năm gần đây, con đường từ thành phố Thanh Hóa về Cẩm Thủy quê tôi thuận tiện hơn khi có thêm tuyến xe buýt đi suối cá thần Cẩm Lương. Mỗi lần muốn về thăm mẹ, thăm quê hoặc có việc đại sự bên họ hàng, bạn bè, tôi lại ngồi xe và thanh thản đọc vài trang báo, ít trang sách, xe buýt đã đến đường rẽ vào làng. Con đường có dãy núi hình lưỡi rìu chắn phía đông, dài vài quăng dao, giờ đã được rải bê tông phẳng mịn, hai bên đường là đồng lúa hai vụ đủ nước nông giang và luôn được chăm bón tươi tốt. Chưa cần cảnh vật gì mới mẻ, với bọn trẻ trang lứa chúng tôi, cánh đồng hai bên đường làng đã có sự hút hồn cả mấy mùa trong năm. Lúc lúa bén rễ, vào thì con gái đi qua cánh đồng rộng thơm thứ hương man mác dịu nhẹ lâng lâng, mùi của lúa thanh tân có thể làm cho ban mai trở nên bay bổng. Vào kỳ trổ đòng, hoa lúa thơm ngọt lịm vừa lâng lâng vừa rạo rực về một mùa no ấm. Đến tiết heo may, lúa nếp xào xạc trong gió thu gọi mùa cơm mới làm cho người ta quên cái gian lao, nghèo khó mà nghĩ đến cái ấm no, vui tươi. Thời còn đi học trường làng, trường huyện, tôi đã từng say mê, từng rưng rưng biết ơn cái mùi thơm của các thì cây lúa. Cánh đồng lúa đã cho tuổi thơ của bao thế hệ chúng tôi no các hương lành ngọt, hương thơm vấn vít diệu kỳ ấy theo mãi và nuôi nấng nỗi thương nhớ khi xa quê.
Như bao người con ra đi từ làng, nỗi mong ước, niềm vui lớn lao trong chúng tôi là thấy làng xóm ngày một ấm no, đổi mới. Tôi về làng lần này mang theo bao háo hức, hồi hộp về tin làng tôi có con đường liên xã chạy qua, con đường chạy dọc hết phần đất bãi, chạy qua mấy làng ven sông Mã nối với thị trấn huyện nhà. Con đường sẽ chạy qua, mở rộng cây cầu nối qua khe giữa làng tôi và làng trên. Nếu bạn ở trong một ngôi làng nhỏ, nép bên núi đồi, một bên sông Mã, cách xa đường cái bạn mới hiểu hết nỗi vui mừng của đứa con của làng khi có con đường liên xã chạy qua như thế nào. Nhưng khoan hãy nói đến niềm vui về con đường và cây cầu mới với những mở mang mà nó đem lại. Lần này con đường đó làm tôi hồ hởi vì nó mở rộng đường từ làng xuống bãi, phần đất làng trồng mầu xưa nay và bây giờ nó đang là tâm điểm để tôi trở về với bãi dâu và những mùa tằm gợi lại một truyền thống, một nghề lâu đời của người Mường Phấm, Mường Renh đã bao đời sống với nghề chăn tằm dệt sại, làm nên cạp váy ngũ sắc, khăn thùa, chăn phá… bản sắc riêng của chúng tôi.
Bãi bồi của làng Sanh quê tôi ven theo bờ sông Mã, dài hơn cây số. Từ làng xuống bãi một bên đồi, bên dưới sông, giữa là bãi. Địa hình đó tạo nên một cảnh quan hữu tình, sơn hà sóng đôi, đọng mãi cái thân thương và mỹ lệ trong lòng những người con gắn bó khi gần, rưng rưng thương nhớ khi xa và bồi hồi khi về lại.
Xưa kia vùng bãi làng rất rộng, làng vãi cải, vừng, trồng ngô, gieo lạc, ra tận mép nước. Mùa nhổ lạc, bọn thanh nữ, thanh nam chúng tôi ôm cả đống cây xuống sông giũ sạch rồi ngồi bên mép nước bứt củ, chuyện râm ran chả biết gì mệt nhọc. Đôi lúc hứng chí, trêu chọc còn giở trò khoát nước sông gây ướt áo, cười nắc nẻ. Có khi chiều về, nhìn sang bến sông bờ bên kia thấy thấp thoáng bóng người còn hò câu hò sông Mã đưa đẩy, trêu chọc lũ trai làng gái bản bên ấy cũng ra sông tắm. Vào tiết tháng Một, tháng Chạp, khi cái lạnh đã se sắt, người làm cỏ ngô trên bãi đã xuýt xoa cái tê tái của gió bờ sông cũng là lúc hoa cải nở in bóng vàng ươm xuống nước ven bờ, đẹp như bờ cổ tích. Sau này, sông qua nhiều mùa lũ xoáy, bị cát và đá cuội lấn dòng, bãi có vẻ rộng ra nhưng phần đá lấn cả vào đất, đất bãi làng bị thu hẹp, bãi trồng mầu của làng chỉ còn ít diện tích dành trồng ngô, trồng mía. Cảnh những dải hoa cải như tấm thảm lớn, vàng tươi, hoa vừng tim tím dập dờn trong gió bờ sông, in bóng nước, đẹp nao lòng, chỉ còn trong hoài niệm.
Bãi hẹp, làng ngày càng sinh thêm nhiều hộ, thành thử người ta phải tính kỹ hơn về việc chọn cây giống, canh tác sao cho đất bãi bù lại những thiếu hụt mà đồng lúa ngoài kia không bị sẻ bớt diện tích trồng mầu. Nhưng đất ngày càng bị hẹp, làm sao trên từng ấy đồng bãi vẫn tạo ra nông sản cho giá trị cao là bài toán đổi mới cây trồng cho dân làng. Qua một vài năm lúng túng, làng họp bàn quyết định giao một phần đất bãi khoán bãi 30 năm. Người chủ thầu chỗ đất khoán ấy là anh Sinh, người cùng trang lứa với tôi, trong đám bạn cùng quê, anh được coi như một người đặc biệt với cách nghĩ, ý chí vươn lên làm giàu, làm đổi mới đồng bãi của làng.
 Là đứa con sinh ra từ làng, năm 1983 anh Phạm Trường Sinh vào học trường Sỹ quan lục quân, năm 1986 anh tham gia mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên (gộp hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Qua thực tế chiến trường, anh lại được quay về trường xưa đã học để công tác. Sau phục viên anh trở về với mặt trận sản xuất. Anh coi đây cũng là mặt trận, vì với anh Sinh đây cũng là chiến tuyến gian lao. Anh đem nhiệt huyết người lính, người cán bộ mẫn cán và sự cặm cụi của một nông dân tri điền với óc sáng tạo tưởng tượng lạc quan như một nghệ sỹ quyết tâm làm giàu trên đất quê. Anh đứng ra thầu đất bãi và thử nghiệm những vụ đầu với các loại cây trồng quen đất. Trong hơn chục năm trời anh đã vật lộn với cây ngô, rồi cây mía. Phạm Trường Sinh luôn trăn trở làm sao để nâng cao sản lượng trên vùng đất thầu lâu năm trên đất bãi này. Bãi bồi phát triển thu hút nhân lực, tạo thêm việc làm cho người thân, người làng. Là người cầu thị và đặc biệt nung nấu khát vọng làm giàu trên quê hương anh ra sức vực kinh tế gia đình và đóng góp một phần xây dựng cái thôn bản nằm bên sông, gối đầu lên đồi núi này một chút tươi sáng. Khi trò chuyện, anh dùng hình ảnh ánh sáng để diễn tả cái khao khát cống hiến cho làng, anh nói: không đủ sức làm cả đường điện được thì cũng làm cái bóng điện thắp một góc làng cho mọi người đi không mò mẫm trong đêm tối.
Nghĩ là làm. Dải đất bãi hơn 30 héc ta anh thầu 30 năm, 19 năm chuyển đổi ba lần cây trồng. Khi các nhà máy đường trên địa bàn Thanh Hóa đặt đơn, mía sốt, anh đã cho trồng mía, nhưng sự khởi đầu không may mắn, đường năm ấy mất giá do đường nhập bằng đường tiểu ngạch, đường nhập lậu quá rẻ, mía nội địa tụt giá thảm. Đó là vào năm 2007-2008, cực chẳng đã, anh phải cho phá mấy chục héc ta mía. Không chán nản, anh vay vốn, cải tạo đất, đầu tư giống mới trồng ngô. Ngô trồng ở bãi làng rất hợp chất đất phù sa. Quê nhà Cẩm Thủy từng nổi danh với ngô phù sa đất bồi ven sông. Cẩm Thủy có trại ngô giống, có giống ngô mới từ hồi người Bí thư huyện trẻ tuổi Quách Lê Thanh đem giống từ nước ngoài về lập trại, làm nên những mùa ngô sản lượng cao chưa từng có trong lịch sử canh tác của huyện nhà những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Nhưng dẫu ngô tốt, sản lượng cao vẫn không có lãi. Vật tư và công thuê các khâu làm cho ông chủ được mùa mà vẫn thua.
Thấm thoắt hơn mười năm trời, người trồng cấy yêu đất và khát vọng xanh như rừng vào hạ vẫn buồn bã vì nguyện vọng chưa thành. Anh Sinh lại mầy mò, học hỏi, chuyển hướng cây trồng. Anh tìm đến trạm đầu tư kỹ thuật và quyết tâm trồng dâu nuôi tằm.
Nghề trồng dâu nuôi tằm là một nghề truyền thống của người Mường trong. Truyện thơ “Nàng Nga - Hai Mối” kể rằng: nàng Nga đẹp nức vùng, một hôm đi chợ Quan Hoàng cùng gia nhân bán tơ, mua trằm, mua dây xuân thu ống bạc duyên kỳ ngộ gặp được chàng đạo Hai Mối. Câu chuyện tình của họ cũng quấn quýt, ràng quấn như tơ. Họ cùng hái dâu, xin trầu trong rộc dâu, nói lời hẹn thề trong nương dâu, và rồi cuộc diễm tình đầy bi lụy đó cũng kết trong nương dâu nhà nàng Nga. 
Đằng sau bức màn hư ảo của bi tình cổ của người Mường cho thấy nghề trồng dâu nuôi tằm, nền may dệt tự cung tự cấp có tự ngàn năm.
Nghề trồng dâu chăn tằm đã sáng tạo ra bao nhiêu làn điệu xường rang về kéo kén, se sợi, dệt váy, làm chăn phá, thổ cẩm, cạp váy, thắt lưng, khăn chít đầu. Người Mường đã tạo nên cả một văn hóa chăn tằm dệt sợi. Con gái quê tôi xưa mười tuổi đã ngồi khung dệt, hái nổi lá dâu đã theo mẹ trẩy lá. Đêm đêm trên nhà sàn các mế ra suốt, dệt sại, dệt sồi, dạy con gái, cháu gái vuốt lồ làm phá, làm chăn, chuẩn bị cho ngày về nhà chồng. Người làng tôi chưa bao giờ giàu có nhưng chăm đồ mặc, đồ vận, đồ đắp nằm ấm thì không thua kém bất kỳ đâu. “Đêm nằm năm ở” chăm cho giấc ngủ nhà sàn mùa hè mát, mùa đông người già, trẻ thơ gió không lọt lên lưng, sương sa không trở giấc là niềm tự hào của người đàn bà Mường vén khéo. Ngày giặt tơ trên bến sông quê đã thành một vẻ đẹp khó phai trong tâm trí bọn con gái làng chúng tôi, những người con xa xứ với nghề “ăn cơm đứng” khó nhọc mà tình tứ của người quê.
 Kinh nghiệm là một thứ vốn liếng, nhưng việc trồng dâu chăn tằm bây giờ có khác. Anh Sinh tâm sự, trồng dâu chăn tằm quê mình trước đây chỉ mang tính quảng canh, nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung tự cấp. Đằng này, với mấy chục héc ta bãi bồi và mơ ước đổi mới, làm sáng lên bộ mặt xóm làng thì kinh nghiệm chưa đủ. Anh đã theo các đoàn Hội Nông dân tham quan học tập những điểm mẫu ở các tỉnh ngoài, liên hệ với Viện nghiên cứu dâu tằm Việt Nam để được tư vấn và đầu tư kỹ thuật, cây giống, giới thiệu địa chỉ tiêu thụ tằm, kén, tơ sợi. Hôm tôi về thăm, chúng tôi đi trên bãi dâu xanh bên bờ sông Mã lộng gió, những lá dâu tằm to như bàn tay người lớn dờn dợn trong gió, cây cao đến lưng, đến bụng người đứng. Anh bảo giống cây dâu này của Viện dâu tằm cho năng suất cao, lâu cỗi, lại có khả năng chống sâu đục thân, một loại sâu rất phổ biến ở bãi bồi. Sau hai tháng ươm hạt, cây được tách trồng hàng cách hàng 1,5 mét, cây cách cây 30 cm, sau ba tháng cây đã cho hái lá. Song anh vẫn băn khoăn lo lắng về vốn. Nếu quy mô dự tính cần phải có nhà trại cho công nhân, nhà và sạp cho tằm, sau mấy lần thất bại hai loại cây trước, vốn huy động gia đình và các nguồn hỗ trợ cũng chưa thấm tháp vào đâu. Có một nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để vực lên lúc đầu là nỗi niềm lo lắng của người bắt đầu làm lớn, đó cũng là bài toán không chỉ với anh. 
Sau mấy tháng nuôi thí điểm anh mừng rỡ gọi cho tôi giọng hồ hởi “Em đã nuôi được năm lứa, đầu tư còn khiêm tốn nhưng đã bán tám tạ sản phẩm. Tằm chín giá 130.000đ/kg, kén cả nhộng 100.000đ/kg. Khách ươm tơ từ Nam Định, Thái Bình vào lấy hàng. Mệt chị ạ, nhưng tín hiệu tốt”. Anh trao đổi về giá trị và cách thức chế biến tằm: tằm rang làm thức ăn bổ và lành, phơi khô, rang vàng trộn mật ong là món bổ dưỡng tăng cường sức khỏe cho người suy nhược, người già, trẻ nhỏ, dưỡng tâm và dưỡng dung cho phụ nữ. Tằm lá dâu ngâm rượu là thuốc bổ thần kinh, cường dương cho nam giới đã được y học cổ truyền xác nhận. Tôi bỗng hình dung ra cảnh mai này trở về đi trên con đường bê tông kéo dài tận thị trấn, xe đi bên bờ sông ngút ngát nương dâu, đầu làng có cửa hàng giới thiệu sản phẩm chế biến từ tằm, lòng xôn xao như ngày mình làm được cái nhà mới vậy.
Nhưng, khó khăn còn đó. Những lứa đầu này chưa có sạp, có nhà cho tằm, anh Sinh đã phải thuê sân nhà hàng xóm để nuôi, giống tằm ưa khô ráo, việc nuôi không có sàn về mùa mưa ẩm hoặc đông rét mướt sẽ không ổn. Tuy thế, “có nụ mừng nụ”, gần một tấn tằm thành phẩm đã là   niềm phấn khích đối với người nuôi cấy, dấy lên tiềm năng còn ẩn tàng trong con người và mảnh đất làng tôi.
Mùa dâu, bãi dâu dợn dợn trong gió bến sông, những sân tằm ăn dỗi rào rào, những thúng kén vàng ươm đã thành những bức ảnh ấn tượng của tôi trong lần về lại. Anh Sinh mong mỏi có một nguồn đầu tư góp sức, bồi vào những niềm vui đầu mùa để những lứa tằm bạt ngàn trên sạp nhà trại gọi về khách mua kén, mua tằm, mua sản phẩm tằm, làm nên một hình ảnh mới mẻ làng tôi. Đó cũng là nguyện ước của những đứa con của làng.
                           

 Mùa hè 2020
 
                                 P.V.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 320
 Hôm nay: 60
 Tổng số truy cập: 9245971
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa