Đất và người Nga Thành (Ký dự thi) - Nguyễn Bá Doanh
Chú em tôi là cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn hồ hởi nói với tôi rằng: “Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện ta thì nhiều điển hình lắm, nhưng nếu chỉ viết riêng về lĩnh vực trồng trọt thì theo em, anh nên về xã Nga Thành, thoải mái mà viết”. Chú ấy chia sẻ thêm: “Nga Thành là một trong 5 xã “cán đích” nông thôn mới sớm nhất huyện ta đấy”. Tôi tin lời chú và hăm hở về Nga Thành.
Tiếp tôi tại công sở xã Nga Thành, Bí thư Đảng ủy xã Mai Văn Quyên và Chủ tịch xã Thịnh Văn Đại cho biết, cũng như các xã vùng màu khác trong huyện, ruộng ít, người đông, Nga Thành có tới hơn 4000 nhân khẩu nhưng diện tích canh tác chỉ chưa đầy 243 ha, trong đó 80 ha đất 2 vụ lúa, số còn lại là lúa, màu và chuyên màu. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất, gắn với việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, ngay từ đầu, Đảng ủy xã đã xác định, cùng với việc mở rộng các ngành nghề, dịch vụ, thương mại, phải tập trung cao cho sản xuất nông nghiệp, coi nông nghiệp vẫn là “mặt trận hàng đầu”. Ở đâu chẳng nói chứ ở Nga Thành, câu nói của người xưa vẫn đúng “Phi canh nông bách nghề bại”. Thâm canh cây lúa thì Nga Thành cũng như các xã lân cận thôi, không có gì nổi trội. Chỉ có cây rau màu khác một chút thật. Mà thôi, “trăm nghe không bằng một thấy”. Mời anh đi thăm đồng với chúng tôi.
Cơ cấu cây trồng quy hoạch lại đồng ruộng
Cánh đồng phía sau làng có diện tích gần 100 ha, đây là vùng đất chuyên canh cây rau màu lớn nhất của xã. Thường vào cuối tháng 6 như thế này, cây trồng vụ xuân như lạc, ngô, đậu đỗ v.v... đã được thu hoạch xong, cánh đồng trống trơn, chỉ có những xá cày lật úp, phơi ải, chờ mưa xuống hoặc nước thủy lợi về để làm vụ mới. Nhưng bây giờ… khác quá, trước mắt tôi không có mảnh, thửa nào “đất đang chờ người” cả, không có dấu hiệu gì chứng tỏ mùa vụ vừa thu hoạch xong. Các cây trồng vẫn tươi tốt, chủ yếu là dưa trái vụ, dưa hấu, dưa leo và những thửa cà chua đang cuối kỳ thu hoạch. Theo hướng chỉ tay của Chủ tịch xã Thịnh Văn Đại, tôi nhìn sang bên kia đường, mấy chị phụ nữ đang cúi lom khom, dùng ghim tre, cố định dây dưa để dưa bò theo ý muốn. Lá dưa xanh nhạt, ngọn dưa to, tròn, ngạo nghễ vươn lên dưới cái nắng chang chang của mùa hè. Tôi chợt nghĩ, có lẽ cây dưa hấu nơi đây cũng mang tinh thần của Mai An Tiêm thuở xa xưa nên mới kiên cường như vậy. Bất chợt có tiếng ai đó gọi tên tôi, tôi quay lại, thì ra là cháu Thanh, con bố Mạnh, đồng đội của tôi thời chiến tranh biên giới phía Bắc. Cháu kéo nghiêng vành nón, nở nụ cười rất tươi chào chúng tôi. Sau mấy câu thăm hỏi, nhớ đến mục đích của chuyến đi lần này, tôi “khai thác” luôn:
- Trồng dưa hấu trái vụ như thế này có khó không cháu?
- Dạ, không khó, nhưng lại phải chịu khó chú ạ. Tỉa nhánh, găm dây, tưới tắm… chẳng khác gì chăm con mọn.
- Đám này, vụ vừa rồi cô thu có được vài chục không? Anh Đại hỏi.
- Chỗ này gần 2 sào cơ mà, em thu 24 triệu đồng đấy anh ạ. Vất vả một chút nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với những cây trồng khác nên… cũng ham.
Tôi ngạc nhiên:
- Cháu nói sao? Đã trồng một vụ dưa rồi giờ lại trồng dưa tiếp? Chú được biết, người ta khuyến cáo, không nên trồng cùng một loại cây vào 2 vụ liền kề trên cùng chân đất cơ mà.
Cháu Thanh cười:
- Đúng là, về lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế… chú nhìn đây này. Luống dưa rộng thế này cơ mà (khoảng 1,5-1,6m). Vụ đầu tiên cháu trồng ở mép bên này cho dây bò sang mép bên kia. Còn vụ thứ 2 cháu lại trồng mép bên kia cho dây bò sang mép bên này, thế thì sao cùng chân đất được ạ.
Tôi khẽ “à” lên một tiếng và nhận ra vốn hiểu biết của mình còn hời hợt quá. Biết ý, anh Đại chống chế cho tôi:
- Cách làm này có lẽ là do kinh nghiệm, chứ về kỹ thuật chẳng ai khuyến cáo cả, phải không cô?
- Em cũng chẳng biết nữa. Nhưng khi em về đây làm dâu, mẹ chồng em đã hướng dẫn cho em trồng như thế này rồi.
Anh Đại còn cho biết, phải thâm canh như vậy để thu dưa xong, kịp làm vụ đông sớm. 100 % diện tích đất đồng màu ở đây đều được nhân dân tính toán, cơ cấu cây trồng hợp lý, để thu được 3 vụ/năm (các cây rau màu có giá trị kinh tế cao). Ví dụ như: Vụ xuân thì trồng lạc, thu lạc xong thì trồng dưa leo hoặc dưa hấu, thu xong dưa là trồng rau vụ đông sớm. Hoặc, không trồng lạc thì có thể là trồng cà chua, rồi dưa leo, khoai tây. Như khu vực đất nhà cô Thanh mà anh em vừa đi qua đấy, thì cơ cấu 2 vụ dưa, vụ rau sớm hoặc khoai tây, v.v.. nghĩa là tùy theo khả năng của mỗi hộ gia đình, căn cứ vào quy hoạch của xã mà bố trí cây trồng cho phù hợp, không phải chờ “mùa nào cây ấy” như kiểu “Tháng chạp là tháng trồng khoai - Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”. Nhiều hộ gia đình còn áp dụng phương pháp thâm canh gối vụ, hoặc xen canh, đạt 4 vụ/năm. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân 1 ha đất nông nghiệp ở đây đạt tới 170 triệu đồng, góp phần rất lớn để thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng (năm 2019).
Ở đâu chẳng nói chứ ở Nga Thành, tôi biết rất rõ, thâm canh rau màu đã trở thành truyền thống từ rất lâu rồi. Còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, trong khi nhiều địa phương khác đang phải hô hào coi vụ đông là vụ sản xuất chính thì ở Nga Thành vụ đông đã trở thành vụ làm giàu rồi. Hồi ấy, cứ gặt lúa mùa xong là các gia đình tập trung mọi nguồn lực để trồng rau, chủ yếu là rau su hào, bắp cải, súp lơ, xà lách, cải thảo, v.v...
Trên những cánh đồng, từ sáng sớm cho đến tối mịt không lúc nào vắng bóng người. Nhất là khi chiều xuống, hai bến ao và tuyến kênh tưới, chạy ngang cánh đồng, nhộn nhịp hẳn lên, người lên, người xuống gánh nước tưới rau. Tối đến xóm làng rậm rịch làm hàng để sáng mai đi chợ. Rau lên xe thồ, xe lai đi các ngả, ra vùng cói, xuống vùng chiêm, sang cả Kim Sơn (Ninh Bình) đến chợ Gáo (Hà Trung), chợ Diêm Phố (Hậu Lộc), v.v... rồi từ rau mà có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học tử tế, mua sắm vật dụng đắt tiền như đài, cát sét, ti vi,… nhiều gia đình còn sắm được cả xe máy nữa. Truyền thống đó như mạch ngầm cứ lặng lẽ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, khơi dậy ý chí làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
- Để làm được 3 vụ/năm, mà toàn là những cây trồng “khó tính” chắc xã cũng phải cân nhắc kỹ lắm? Tôi hỏi đồng chí Bí thư Mai Văn Quyên.
Ngẫm nghĩ một lúc, anh Quyên mới nhỏ nhẹ:
- Đúng là phải cân nhắc kỹ lắm anh ạ. Đảng ủy bàn, ủy ban bàn, rồi đưa ra dân tham gia góp ý thêm theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Chúng tôi lại có được thuận lợi lớn là người dân nơi đây rất ưa thích cái mới, năng động, sáng tạo trong sản xuất nên họ đồng tình hưởng ứng rất cao. Nhờ vậy mà, việc quy hoạch lại đồng ruộng để sản xuất tập trung theo yêu cầu của sản xuất hàng hóa rất “xuôi chèo mát mái”. Bởi quy hoạch lại vùng sản xuất, đi theo nó là mương máng thủy lợi, là đường giao thông nội đồng, nếu dân không tự nguyện hiến đất thì làm sao có cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất được?
Được sự hỗ trợ kích cầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã cải tạo và nâng cấp toàn bộ hệ thống thủy lợi, chủ động tưới tiêu cho trên 90% diện tích canh tác. Xã đã xây dựng thêm 3 tuyến giao thông nội đồng và bê tông hóa 100% các tuyến đường rải đá trước đây, với kinh phí gần 3 tỷ đồng, chủ yếu vẫn dựa vào “sức dân” là chính. Bên cạnh đó, xã quy hoạch lại hơn 70 ha đất tốt để chuyên trồng các cây màu giá trị kinh tế cao ở phía Đông và phía Tây kênh 19, phía Nam và phía Bắc đường Hồ Đông, Hồ Nam trong đó có 3 ha rau an toàn, 106 ha dưa hấu, dưa leo các loại và 33 ha cà chua, cùng nhiều loại cây trồng khác. Đặc biệt, cây khoai tây đã được sản xuất theo “chuỗi”, cụ thể là Viện Nông nghiệp cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật. Xã sản xuất. Công ty An Việt (Liên doanh với Hàn Quốc) bao tiêu sản phẩm với diện tích toàn vùng lên tới 166 ha.
Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện rôm rả cho đến khi hiện ra trước mắt là hai dãy nhà lưới. Tôi hỏi, anh Đại bảo cả hai dãy đều là của hộ anh Nguyễn Văn Điều, chuyên trồng dưa Kim Hoàng hậu. Tất nhiên tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này liền gợi ý được vào thăm.
Sản xuất theo mô hình công nghệ cao
Trước khi vào thăm, anh Đại dẫn chúng tôi đi xung quanh một vòng dãy nhà đầu tiên (người ta hạn chế người ngoài vào ruộng) nhìn qua lưới để “tận mục sở thị” loại dưa mang tên dòng dõi đế vương: “Kim Hoàng hậu”. Nhìn vào ruộng dưa, không chỉ tôi mà bất cứ ai lần đầu nhìn thấy cũng phải thốt lên: Đẹp! Chao ôi là đẹp, đẹp như tranh vẽ. Cả một khu nhà rộng gần 3000 m2 (tương đương với 6 sào đất) ngàn ngạt là màu xanh. Những dây dưa cứ bám vào dây đỡ cố định buông từ trên xuống mà vươn lên theo một phương thẳng đứng. Những ngọn dưa mập mạp, vươn cao hơn đầu người, thẳng một hàng dọc theo luống. Còn ở dưới mặt đất, cách mặt luống chừng một mét, lủng lẳng những quả là quả, màu vàng tươi rất bắt mắt, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy ngon rồi.
Năm 2016 trên địa bàn xã Nga Thành mới có 2 nhà lưới của anh Mai Chấn Nhâm và anh Nguyễn Xuân Hoàng, với diện tích cả hai nhà chỉ là 2000 m2. Vậy mà chỉ 3 năm sau, năm 2019 đã có tới 11 hộ làm nhà lưới với tổng diện tích lên tới 18.400 m2, chuyên trồng dưa lưới và dưa Kim Hoàng hậu, trong đó, anh Điều có diện tích lớn nhất gồm 2 nhà, tổng 5.400 m2. Chi phí xây dựng 1000 m2 nhà lưới như thế này hết 400 triệu đồng, nhà nước (huyện và tỉnh) chỉ hỗ trợ (kích cầu) 70 triệu đồng, số còn lại là các hộ tự bỏ vốn đầu tư.
- Thế còn xã? Tôi hỏi.
Anh Quyên cười, nói như người có lỗi:
- Cũng muốn lắm, nhưng “cái khó bó cái khôn” anh ạ, ngân sách xã eo hẹp quá. Xã chỉ có cơ chế, tuyên truyền, động viên và làm trọng tài trong việc tích tụ đất.
- Làm trọng tài? Tôi thật sự không hiểu.
- Cụ thể là thế này - Anh Đại giải thích - Như diện tích đất của anh Điều đây (cả diện tích ngoài trời nữa là 4 ha), anh phải thuê của 40 hộ gia đình (những gia đình không còn lao động hoặc đi làm việc khác). Thời gian thuê lên đến 20 năm, nhưng giá cả thuê là do xã định hướng (tương đương với mức thu nhập trên cùng thửa đất). Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, xã phải đứng ra làm trọng tài, có hợp đồng kinh tế, văn bản ký tá của cả hai bên chứ.
Tôi đã hiểu. Người xưa có câu “Đánh nhau chia gạo - Chào nhau ăn cơm”. Cái gì ra cái nấy, phải minh bạch rõ ràng, nhất là chuyện đất đai điền thổ. Nhưng… còn có điều tôi chưa hiểu mà không dám nói ra, ấy là về anh Điều. Anh đang là một ông chủ của cơ sở sản xuất cơ khí rất có uy tín “Điều Huyền” với 5-7 công nhân “đang ăn nên làm ra” sao lại xuống đồng trồng dưa? Sập tiệm, phá sản hay lợi nhuận dưa cao hơn? Tôi đang tìm cách hỏi dò anh Quyên thì đã nghe tiếng anh Điều gọi vọng ra mời chúng tôi vào. Anh tiếp chúng tôi ngay bên nhà lưới. Đặt đĩa dưa đã gọt sẵn lên bàn, anh mời chúng tôi ăn cho mát. Đang ở ngoài nắng, bước vào trong nhà lưới cái nắng đã dịu đi một phần, lại được ăn miếng dưa nước nhiều, ngọt thanh, mùi thơm nhè nhẹ rất đặc trưng, tôi như tỉnh cả người, khỏe hẳn ra. Bất chợt anh Đại cao hứng, xuất khẩu thành thơ:
Dưa kim hoàng hậu ở xứ Thanh
Chỉ có quê tôi đất Nga Thành
Mới thơm mới ngọt là đệ nhất
Do đất do người giỏi thâm canh
Tất cả chúng tôi cùng cười vang, tán thưởng.
Anh Điều bảo: “Dưa ở nhà lưới bên kia đấy, còn ở đây, phải một tuần nữa mới cho thu hoạch”. Rồi anh nói thêm, hôm qua khách hàng ở Hà Nội vào lấy mẫu đi kiểm nghiệm, sáng nay họ vừa gọi điện thông báo, dưa đạt các tiêu chuẩn cả, hẹn sáng mai họ sẽ cho xe vào lấy.
- Phải kiểm nghiệm? Cẩn thận vậy sao? Tôi hỏi.
- Đúng vậy. Có 3 tiêu chuẩn phải đạt đó là độ đường phải từ 14 - 15. Khối lượng vừa phải (từ 1,2 - 1,6 kg /quả) và màu sắc phải vàng tươi, da sáng, thế họ mới mua với giá 30 nghìn đồng/kg chứ - anh nói thêm - Sáng nay cũng có 2 thương lái ở Ninh Bình sang, trả dưa 31 mua “xô” (không chọn). Tính ra cũng kiếm thêm được dăm bẩy triệu nữa thật. Nhưng tham dăm triệu bạc để mất đi chữ “tín” thì… “chát” quá. Tôi chả dại.
Nhân anh Điều nói chuyện này, anh Đại kể lại, năm ngoái anh Dũng cũng có một khách hàng ở Hải Phòng về mua cả nhà dưa 2000 m2. Thống nhất giá cả xong, hẹn 2 ngày sau đánh xe vào lấy. Trước khi ra về, anh ta xin phép ông chủ được lắp camera quan sát. Tất nhiên là anh Dũng đồng ý liền. Nhưng chỉ duy nhất lần ấy thôi, các lần sau không thấy anh ta gợi ý lắp camera nữa. Hỏi, anh ta bảo: “Chú thông cảm, lần đầu tiên anh em mình làm ăn với nhau mà. Giờ thì anh tin chú rồi, cần gì phải camera nữa”.
Anh Quyên nhỏ nhẹ:
- Các cụ đã dạy cấm có sai, mất tiền mất của làm lại ra, chứ mất lòng tin là mất hết. Ngẫm lời các cụ dạy cho đến bây giờ càng đúng.
Trở lại câu chuyện đang dở dang, tôi hỏi anh Điều:
- Mỗi sào dưa trồng trong nhà lưới thế này, thu được bao nhiêu tiền mỗi vụ?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, anh cho biết, nhà lưới bên ấy, với 2.400 m2, anh thu hơn 7 tấn quả (đã loại bỏ những quả không đạt tiêu chuẩn), trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng, mà thời gian cũng chỉ tương đương như trồng dưa hấu 75-80 ngày.
Tôi nhẩm tính, mỗi sào sẽ thu 24 triệu đồng, một năm 3 vụ, tổng thu sẽ là 72 triệu/sào (500 m2). Con số đó thoạt nghe khó tin, nhưng đó là sự thật. Có lẽ cho đến hiện bây giờ nông nghiệp ở tỉnh ta chưa có cây trồng nào đạt được giá trị cao như vậy.
Tôi lại hỏi anh Điều:
- Nghe cụm từ “Sản xuất công nghệ cao” chắc đòi hỏi kỹ thuật cao lắm?
- Cao thì tất nhiên là cao rồi - Anh nói - Nhưng những gì về kỹ thuật, các nhà khoa học đã viết thành quy trình rồi, mình cứ theo đó mà thực hiện, thực hiện cho nghiêm túc, riêng bón phân thì hòa vào nước tưới nhỏ giọt, chỉ có các khâu làm bằng tay như thụ phấn, quấn dây cho dưa leo lên, tỉa quả, hãm ngọn… khéo tay, chịu khó một chút là ai cũng làm được cả, chứ khâu nào cũng “kỹ thuật” thì tôi đâu dám làm quy mô lớn như thế này - Ngừng một lát anh nói như tâm sự - “Cũng có người cho tôi là tham, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi chưa phải là giàu nhưng cũng có điều kiện hơn một chút, tôi muốn “mở” ra như thế này để không chỉ cho riêng mình, mà anh em trong nhà cũng có thêm việc làm, có thêm thu nhập, chứ mỗi nhà có vài ba sào ruộng làm xong rồi chẳng còn biết làm gì… dặt dẹo chợ búa hay các công việc linh tinh khác, thu nhập chẳng đáng là bao mà lại vất vả, nhìn tội quá. Tôi nói thật lòng đấy anh ạ, còn anh có tin hay không thì… tùy”.
Tôi nhìn anh hơi ngỡ ngàng, nhưng chợt hiểu, chương trình xây dựng nông thôn mới, với nền công nghiệp 4.0 đang tạo ra một thế hệ nông dân mới, họ không chỉ biết làm giàu ngay trên đồng đất quê mình mà còn biết nghĩ cho người khác, truyền thống làng quê từ bao đời đang được phát huy trên một bình diện mới.
Trở lại công sở xã Nga Thành, Bí thư Đảng ủy xã Mai Văn Quyên mới nói cho tôi hay, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã vẫn không ngừng phấn đấu để đạt “xã nông thôn mới nâng cao”. Nói rồi, anh rút trong tập hồ sơ ở trên bàn đưa cho tôi một bản, tôi liếc nhanh tiêu đề “Báo cáo kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao”.
Anh Quyên cất giọng vui vẻ:
- Chúng tôi đang chuẩn bị để cấp trên về thẩm tra công nhận, tôi gửi để anh tham khảo thêm. Khi nào đón bằng công nhận, chúng tôi a lô, anh về dự cho vui nhé.
Tôi hăng hái:
- Vâng! Nhất định tôi sẽ về...
Tháng 7 năm 2020
N.B.D