Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Chợ Quăng - Chợ phiên ngàn năm tuổi (Bút ký dự thi) - Nguyễn Huy Súc
Chợ Quăng - Chợ phiên ngàn năm tuổi (Bút ký dự thi) - Nguyễn Huy Súc

Chợ Quăng - chợ phiên truyền thống với ngàn năm tuổi. Chợ có tiếng không chỉ ở xứ Thanh mà vang ra cả ngoài tỉnh. Chợ hình thành từ bao giờ vẫn còn nhiều ý kiến. Chỉ biết ở trang Bột Đà (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có Thiên Quan thị, cùng tên với bến sông Thiên Quan. Thuở ấy vùng phía Nam huyện trong đó có Bột Đà trang là những bãi bồi bao bọc xung quanh bởi sông nước và biển cả. Chợ ngay trên bến Thiên Quan. Trên bến dưới thuyền, tấp nập người trao đổi sản phẩm, sau dần thêm kẻ mua người bán của những người sống trên sông hay đến bằng đường sông nước từ tứ xứ với người sống ở các làng ven sông. 
Về tên chợ có luồng ý kiến:
- Ý kiến mang tính văn hóa dân gian: Dựa vào truyền thuyết trong vùng cho rằng chợ có tên là chợ Quăng vì có một ông tướng đi chiến trận bị giặc chém đầu lìa khỏi cổ nhưng ngài lắp đầu lại, cố gắng phi ngựa về tuyến sau. Khi về đến Thiên Quan thị ở trang Bột Đà gặp một bà lão bán hàng nước, viên tướng dừng ngựa lại hỏi: “Này bà lão! Bà có thấy ai đầu rơi khỏi cổ rồi mà còn lắp lại để phi ngựa về hậu tuyến không?”. Bà lão bán hàng nước nhìn người, ngựa của ông tướng bại trận, trả lời: “Tôi ngồi đây đã mấy chục năm chưa thấy người đầu lìa khỏi cổ mà còn sống chứ đừng nói còn cưỡi được ngựa. Nếu có, may ra chỉ có ông!”. Ông tướng nhìn bà lão, cười và nói: “Bà xem đây!”. Từ lưng ngựa, ông tướng quăng đầu xuống đất quay long lóc mấy vòng rồi xuống ngựa lấy đầu lắp vào cổ, lên ngựa phóng như bay. Vì vậy, người đời mới đổi Thiên Quan thị thành tên nôm là chợ Quăng!
- Ý kiến mang tính chất cả văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc có vẻ thuyết phục hơn. Đó là dựa vào chuyện người thật việc thật về Thành Hoàng làng Nguyễn Tuyên được thờ ở miếu Đệ Tứ, (Nguyễn Tuyên sinh ngày 10 tháng 3 năm Đinh Sửu (1017), là con ông Nguyễn Thanh và bà Lê Thị Hạnh quê trang Bột Đà, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Vào khoảng năm 1039-1040, giặc Chiêm Thành quấy phá dân ta, vua Lý Thái tông đưa quân xuống phía Nam dẹp giặc. Khi qua Bột Đà trang, vua Lý thấy thế đất như rồng chầu hổ phục, giao thông thủy bộ thuận tiện, dân cư đông đúc, chợ búa sầm uất nên ngài lệnh cho hạ trại nghỉ lại để tuyển thêm quân. Đêm hôm ấy, nhà vua nằm mộng thấy có 3 vị thần linh ngự trên 3 tòa sen tỏa ánh hào quang sáng cả bầu trời trang Bột Đà, báo cho vua biết vùng đất này có người tài. Vua Lý liền cho lập đàn tế, ra lời hiệu triệu mở cuộc tuyển chọn người phò vua giúp nước. Quả nhiên chàng trai trẻ có tên là Nguyễn Tuyên xin vào yết kiến, tâu bày mọi việc lưu loát từ địa thế núi sông, lòng dân thế nước, dâng kế sách phá giặc... Vua Lý Thái tông còn sai cận thần tổ chức để Nguyễn Tuyên thể hiện quyền cước võ thuật: Nguyễn Tuyên quả là một đấng nam nhi sức lực vô song, văn võ toàn tài. Vua Lý vui mừng khôn xiết, phong Nguyễn Tuyên làm đại tướng đi tiên phong tiến về phương Nam diệt giặc Chiêm Thành. Quân ta, thế ta mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu giặc Chiêm tan tác đến đấy. Cuối cùng ta bắt sống được chủ tướng Chiêm Thành là Xạ Đẩu. Sau thắng lớn, vua Lý cho thu quân hồi triều. Khi về qua trang Bột Đà, vua Lý ra lệnh hạ trại, sức cho dân làm 3 miếu (Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam) thờ 3 vị thần linh đã báo ứng trong đêm ngài dừng lại Bột Đà trang tuyển thêm quân. Cho phép Nguyễn Tuyên về bái yết tổ tiên, tạm biệt cha mẹ để hồi triều. 
Ngày Đại tướng Nguyễn Tuyên đi Thăng Long, mới đến khu đất Long Đầu thuộc bản trang thì trời nổi giông gió, sấm chớp ầm ầm, ngựa của ngài khụy xuống và ngài hóa về trời!... Hôm đó nhằm ngày 21 tháng Chạp.
Thương tiếc vị đại tướng văn võ song toàn đã cùng mình bình Chiêm cứu bá tánh, vua Lý Thái tông phong cho Nguyễn Tuyên là Đương cảnh thành hoàng, thượng đẳng phúc thần đại vương và sức cho dân làng lập miếu thờ Đại tướng Nguyễn Tuyên với thượng sàng hạ mộ ngay nơi ngài hóa. Đó là miếu Đệ Tứ. Hàng năm, triều đình cử quan thuộc Bộ Lễ về làm húy nhật. Về sau, dân làng dựng thêm Bảng Môn đình làm tiền đường cho miếu Đệ Tứ đồng thời là nơi hội tụ của nho sinh dùi mài kinh sử, nơi tôn vinh các vị khoa bảng khi vinh quy bái tổ về làng và nhắc nhở các thế hệ con cháu phát huy truyền thống học hành. Theo năm tháng, việc học hành đỗ đạt của dân trang Bột Đà ngày càng rạng rỡ. Có nhiều người đỗ cử nhân, có tới 12 vị là tiến sỹ, trong đó 7 vị được tạc tên trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhiều vị làm quan với phẩm hàm cao, phò tá triều đình, chăm sóc đời sống bá tánh... Với truyền thống rạng rỡ trên, về sau các triều vua giao cho dân bản trang tổ chức tế lễ ngày sinh nhật, húy nhật Thành Hoàng làng Nguyễn Tuyên.
Dân Bột Đà trang cho rằng Nguyễn Tuyên là người nhà trời nên các bậc quan lại, kỳ hảo địa phương muốn tránh chữ Thiên trong Thiên Quan thị nên đổi tên chữ Thiên Quan thị sang tên nôm là chợ Quan. Rồi do tiếng địa phương nên lâu ngày dân gọi chợ Quan thành ra chợ Quăng.
Cùng với thời gian, quá trình phong hóa, đất đá xói mòn, nước ở các nhánh sông Mã ở thượng nguồn chảy về, sự lắng đọng trầm tích làm bồi đắp phù sa, cùng với nước từ biển tràn vào rồi rút đi để lại các cồn cát mà hình thành nên những cánh đồng. Những đoạn sông rộng hẹp dần lại và tiến dần về phía Tây; các cồn cát tiến ra phía biển Đông làm nên những gò cồn cho cư dân đến trú ngụ thành làng thành xóm... Do quãng sông có bến Thiên Quan biến thành ruộng trồng lúa và hồ ao, bến Thiên Quan không còn nữa mà chỉ còn chợ Quăng trên khu đất bến Thiên Quan. Trải bao mùa mưa lũ, dần dà người ta chuyển vị trí chợ từ bến sông xưa vào khu đất cao ráo hơn, ở phía trước miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình. 
Chợ Quăng tuy là nằm ở trang Bột Đà nhưng về một khía cạnh nào đó, chợ phản ánh về đời sống kinh tế, mức sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa làng xã của cả một vùng rộng lớn. Ngoài việc trao đổi, bán mua sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, lạc, đỗ, gà vịt, trâu bò, lưỡi cày, khung bừa Đồng Lạc, chõng tre Hoàng Trì, Phượng Ngô, rổ rá thúng mủng kẻ Hành, Đoan vĩ, rượu Vĩnh Trị, Từ Quang.., chợ Quăng còn có vải sợi, tơ lụa từ các làng có thêm nghề dệt như làng Hoằng Nghĩa, Bột Hưng (nay là xã Hoằng Lộc), Nguyệt Viên, lâm thổ sản từ tứ xứ đưa về...
Từ xa xưa, trên bộ có đường Thiên Lý chạy dọc Nam - Bắc, đường thủy có trục buôn bán từ Trung Quốc sang cảng Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh cũng như hàng loạt các thương cảng nước ta để tới các nước Đông Nam Á. Thuở ấy, xứ Thanh Hoa đã có thương cảng Linh Trường sầm uất nằm trên trục đường biển nói trên. Như vậy, các chợ ở xứ Thanh nói chung, chợ Quăng nói riêng, đông đúc kẻ bán người mua với đủ các loại hàng của địa phương, của các phủ huỵện xứ Thanh, các vùng trong nước còn có hàng do các chú khách nước ngoài đưa vào theo con đường Thiên Lý Bắc - Nam và đường thủy qua cảng Linh Trường...
 Có nhiều tài liệu nói về sự quản lý nhà nước thời các vương triều Lý, như các sản phẩm nông nghiệp phục vụ hoàng cung và bộ máy nhà nước bằng cách dùng tù binh chiến tranh, những người tù tội, những thân phận nô tỳ để cày cấy Quốc khố điền, khai hoang mở các đồn điền ven sông Hồng, sông Mã, sông Lam... chế độ sở hữu ruộng tư bắt đầu phát triển và nhà nước cho phép mua bán ruộng đất, điền chủ được thuê mướn người. Binh lính được thay nhau nghỉ về làm ruộng. Nhà nước chú ý việc trị thủy, đắp đê ngăn lũ lụt tạo điều kiện cho việc canh tác đạt năng suất cao trên những cánh đồng phì nhiêu... Các nghề thủ công được phát triển như ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, đồ trang sức, làm giấy, in bản gỗ đến việc khai khẩn các lâm thổ sản... Trên những nền tảng này, việc buôn bán trong nước, ngoài nước ngày càng được mở mang nên nhà nước mới cho phép lập thêm nhiều khu chợ và củng cố phát triển các chợ đã có để nhân dân đến mua bán và trao đổi hàng hóa mà nâng cao đời sống. 
Theo sử làng để lại, năm 1936, làng có ông Nguyễn Trác gửi chức tỉnh trưởng Thanh Hóa trong chính quyền Trần Trọng Kim đã ưu ái quê hương bản quán nên ông có ý cho phát triển và củng cố trường học, mở rộng chợ búa. Năm 1941, chợ Quăng ở trước miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình, (khu Đình Bắc và Đình Trung) diện tích và quy mô không còn đáp ứng nhu cầu của người mua kẻ bán và giao lưu ngày một đông nên ông cho mở rộng. Việc mở rộng chợ về hướng Đông và hướng Tây gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng vì một số nhà quanh chợ không chịu chuyển đi nơi khác. Mặt khác, nếu giãn rộng chợ về phía Bắc sẽ gần Bảng Môn đình và miếu Đệ Tứ nơi thờ Thành Hoàng làng, không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho khu vực này. Hai lý do, một về tâm linh, một về diện tích và quy mô lại gặp khi đang có quyền lực trong tay, ông Nguyễn Trác đã cho phép chuyển chợ về cồn Mà Hàng (thôn Đình Nam bây giờ) nên mới xuất hiện tên chợ mới (chợ Quăng mới). 
Để chợ xứng tầm với một làng có bề dày lịch sử, và là trung tâm buôn bán phục vụ cho xã mình và các xã chung quanh, ông Nguyễn Trác cho phép chính quyền địa phương bán đất lấy tiền xây chợ. Việc cắt lô đất xung quanh chợ thành 3 dãy: Đông, Tây, Bắc và các nhà được mua đất phải xây nhà gạch, lợp ngói đã hình thành ba dãy phố bao lấy chợ ở giữa: Phố Quăng. Có bốn cửa vào chợ: Đông - Bắc, Tây - Bắc, Đông - Nam, Tây - Nam. (Phía Nam chợ là “một khu mở” không cho xây nhà mà cho đào hồ, trồng cây xanh như là một bức tường dày ngăn cản không khí và tiếng ồn của chợ búa với trường học tư thục Nghĩa Hưng - nơi đào tạo những nhà trí thức phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, các tướng lĩnh tương lai cho đất nước không chỉ có ở hai làng Hoằng Nghĩa, Bột Hưng mà cả một số xã vùng phía Nam huyện. Thiết nghĩ, nên có một bài riêng cho người sáng lập trường, vị hiệu trưởng đầu tiên, các nhà giáo, những học sinh của trường đã vượt qua các bước thăng trầm như chiến tranh, đói kém mà vươn lên xây trường thành lá cờ đầu của ngành giáo dục).
Ở trung tâm chợ mới được xây những dãy nhà lớn và phân các khu vực như các quầy hàng xén (giấy bút, gương lược, các đồ làm đẹp), khu hàng bán tơ lụa, phần nhiều là hàng cao quý từ Thăng Long đưa vào, hàng lấy từ trên chợ Tỉnh về hay các chú khách bên Tàu đưa sang), hàng bông vải sợi, tơ, nái - chủ yếu từ các làng Hoằng Nghĩa, Bột Hưng, Nguyệt Viên, làng Thẩy..., quầy quần áo đủ các loại do các thợ địa phương may hay hàng từ Nam Định, Hà Nam đưa vào... Các kiosque bán cổ bằng gỗ, bằng sứ. Khu bán lương thực, thực phẩm, hàng nan (rổ rá, dần sàng, nong nia), khu bán các lâm thổ sản như gỗ lạt, luồng nứa; khu bán đồ gốm (chum vại chĩnh vò, bát đĩa bình dân); khu bán thực phẩm tươi sống: thịt lợn, thịt bò, cá sông, cá biển, cua cáy; khu ẩm thực: bánh cuốn, bánh lá, bánh khoái, bánh đúc canh đam, canh dắt, kẹo mấu, kẹo dừa... khu bán gia cầm, lợn, riêng chợ trâu bò vẫn địa phận chợ cũ nhưng chuyển xuống phía Nam giáp với cổng Tây - Bắc chợ mới...
Chợ có 12 phiên chính (phiên đại) vào các ngày 2, 5, 7, 10... 30 và 30 phiên chợ vào các buổi chiều. Người ta đi chợ không chỉ bán mua, đổi chác mà nhiều người còn đi chơi chợ, thăm chợ, lấy chợ phiên làm nơi hò hẹn... Nhiều cô hàng xén nên duyên chồng vợ với anh học trò thường đến hàng cô mua giấy, bút, mực... Tuy là xa lắm rồi, nhưng trong lòng những người con Hoằng Lộc và các làng xung quanh vẫn nhớ lô (nhà) bốc thuốc bắc của ông thầy Bợt, ông Hạp Hơn, ông Trịnh Chu Trinh, ông Hội Cừ, ông thầy Tụy chồng cắt thuốc bắc vợ bán thuốc cam gia truyền chế từ cây lá do bà đạp qua thuyền tán, thứ bà gói lại bằng giấy, thứ bà vo viên chữa khỏi bệnh cho vô khối trẻ em sài, đẹn, “cam tổ mã”, phụ nữ hậu sản, đàn ông di mộng tinh... Có hiệu thuốc tây của ông Nguyễn Thiện, có ông Bảng médecin de indochinoises vừa bán thuốc vừa tiêm, có ông Thụ ở làng Đại Tiền là thợ kim hoàn kéo nhẫn cưới, hoa tai bằng vàng, bằng bạc cho các bà để dành cho con cháu; cho các cô làm kỷ niệm, cho những đôi lứa sắp cưới, cho các bà mẹ làm vòng đeo lấy khước cho con trẻ... Có ông Hội, thợ sửa đồng hồ kiêm chủ hiệu sách. Nhớ những đêm văn công diễn vở “Chị Nhàn”, những buổi chiếu phim “Bạch Mao Nữ”. Có anh Thuật bán lạc rang đong vào cái chén to hơn chén mắt trâu, anh có giọng hát hay và tài thổi sáo du dương, trầm bổng (về sau anh Thuật được một đoàn văn công Trung ương tuyển vào đoàn rồi cho đi học ở nước ngoài trở thành nhạc sỹ Nguyễn Xinh, nhà soạn nhạc giao hưởng nổi tiếng, là giáo sư của Viện Âm nhạc Việt Nam). Những chàng trai Hoằng Lộc còn nhớ những hôm góp nhặt hoặc xin mẹ 5 xu đủ cho thuê một giờ xe đạp của hiệu sửa xe Chí Thành, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngoan để tập dưới trăng.
Nhớ hiệu phở Rạng, phở Nhâm, mới đi qua thoảng mùi tai hồi từ nồi nước phở bay ra đã ứa nước miếng, có hiệu cơm bà Nông với món lòng gà, lòng vịt xào măng, thịt áp chảo, có canh dắt ăn với cà pháo muối xổi sao mà ngon hơn cả cơm canh vợ nấu ở nhà! Có hiệu Bảo Phương bán bánh khảo đậu xanh thơm ngon, gói hộp vuông, hộp chữ nhật bằng giấy vàng là món quà cho các đám hỏi hay các bà bạn hàng vải, tơ tằm thăm nhau... 
 Ngày 19-5-1950, giặc Pháp đã ném bom xuống chợ làm 49 người chết và bị thương. Tấm bia căm thù làng đã xây tại nơi bom rơi làm chết người vẫn còn đấy để nhắc nhở hậu thế “nhớ lấy thù này” mà phấn đấu cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình! Sau vụ vịnh Bắc Bộ ngày 2-8-1964, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, chợ Quăng mới sơ tán về Cồn Cáo (thuộc thôn Đà cũ), được một thời gian giặc Mỹ bắn rocket xuống chợ nên chợ lại chuyển về Cồn Con Ngựa ở xóm Bính Nam, (đoạn gần nhà thầy giáo Huyền kéo dài ra tận nhà bà Thoảng). Hòa bình vãn hồi, chợ được chuyển về khu vườn ươm ở thôn Đông Phú và một phần đất thuộc thôn Đình Bảng sau miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình. Thế là chợ đã đi một quãng dài quanh làng trong những ngày cao điểm của chiến tranh chống Mỹ. Bắt đầu từ trước miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình và dừng lại phía sau miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình như ngày nay, với quy mô rộng lớn và khang trang hơn trước. 
Những năm gần đây, thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty TNHH Hoằng Lộc đã đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống kiosque, khu nhà chợ chính, khu kinh doanh vãng lai, khu kinh doanh thực phẩm tươi sống và các công trình phụ trợ khác để xứng tầm là chợ cấp II, có vị trí, điều kiện và tiềm năng để phát triển thành khu chợ kinh doanh tổng hợp. 
Chợ Quăng mới về vị trí hiện nay để lại 3 dãy phố phảng phất như là phố cổ trong lòng Lưỡng Bột mà không phải nơi nào cũng có! Sự phát triển của giao thông kéo theo sự dịch chuyển về kinh tế - văn hóa với sự hình thành nên phố hàng vải và quần áo chạy dài từ ngã tư cây đa đến gần trường học mà có người gọi đùa đó là phố Lê Hoàn của Hoằng Lộc, cộng với các hộ kinh doanh hai bên đường với đủ các mặt hàng, đặc biệt tập trung từ cổng phía Tây - Nam chợ Quăng đến phía trên ngã tư ông Trình rồi tỏa ra trên đường đi Bút Sơn, đường xuống Hoằng Thành cho ta thấy rõ sự phát triển tất yếu của trục giao thông - kinh tế - văn hóa - xã hội. 
Sự sầm uất của phố cổ có phần lắng xuống và có những thay đổi về hình hài âu cũng là đương nhiên vì khi kinh tế dịch chuyển sẽ kéo theo dịch chuyển văn hóa, hay nói cách khác là văn hóa mới phát triển rộng thêm ra, cả văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng vẫn nằm trong tầm lãnh đạo, điều tiết của chính quyền có công sở ở phố cổ...  
Như lời ông Hoàng Văn Đức, chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc: Nằm trong các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã, việc nâng cấp đường làng, trong đó có con đường từ Bảng Môn đình đến nhà thờ Trạng Quỳnh được rải thảm nhựa qua phố cổ đã góp phần cho sự hình thành tua du lịch tâm linh: Khách du lịch đến thăm quan Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Bảng Môn đình, thắp nén hương tưởng nhớ Thành Hoàng Nguyễn Tuyên - vị Đại tướng anh hùng đi tiên phong cùng vua Lý Thái tông bình Chiêm gìn giữ non sông đất nước, khách sẽ được chiêm ngưỡng một trường phái kiến trúc có một không hai, cách đây cả ngàn năm với chủ đề rồng phượng vờn mây và nho điểu mai sóc... Dạo qua phố cổ, quý khách đến Thiên Nhiên tự, với lòng thành kính, chân tâm, hướng thiện để thắp hương lễ Phật và thưởng lãm nền kiến trúc cổ của ngôi chùa. Tiếp đến khách thăm Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, thắp một nén nhang tưởng nhớ một con người nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại mà trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên. Ở đây khách sẽ được cảm nhận không khí trong lành với hương hoa sen tỏa ra theo gió nhẹ đưa vào nhà thờ Trạng. Rời nhà thờ Quan Trạng theo những con đường liên thôn rợp bóng dừa dẫn khách về với chợ Quăng để ngắm nghía hoặc mua sắm các mặt hàng của một chợ phiên truyền thống có tới nghìn năm tuổi... 
Những dấu hiệu chính quyền đã cố gắng “tạo ra cái cần câu” cho dân hai bên con đường xuyên qua làng, trong đó có các hộ ở phố cổ. Và, sự phát triển tiếp theo của bộ phận dân cư này đang phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến yếu tố xã hội hóa, tức là phải tìm được cách để khơi thông nhiều thêm nguồn vốn để xây dựng quê hương cùng với vốn của nhà nước. 
Có thể lắm chứ, phố cổ sẽ đông người thăm quan du lịch làm cho sầm uất trở lại, và khi đó sẽ có những hộ mở cửa hàng bán quà lưu niệm với những tác phẩm tuyệt mỹ bằng gỗ, bằng đá cẩm thạch, bằng những chất liệu quý khác! Có thể lắm chứ, trong ngôi nhà cổ của cụ Trịnh Chu Trinh sẽ có một gian làm cửa hàng bán, và nhận ký gửi các món đồ cổ, đồ quý để bán cho khách sưu tầm các loại đồ cổ; có thể có những hộ dành một phần chỗ ở của mình để mở Picture shop mà đến đó khách vừa ngắm tranh vừa nghe nhạc Trịnh, dù không ưng mua hoặc ưng mua thì Picture shop vẫn vui vẻ đáp ứng những yêu cầu; có thể có những cửa hàng mỹ nghệ từ nghề dệt, thêu thùa, hàng mây tre đan truyền thống của Hoằng Lộc... Chắc chắn đến một lúc nào đó văn hóa đọc vượng trở lại, sẽ có cửa hàng sách, có hiệu cafe - thư viện gồm cả sách in, báo giấy, sách báo điện tử! Có những cửa hàng ẩm thực với món phở truyền thống. Và, không thể không có những quán giải khát bằng nước dừa mát ngọt thay cho các thứ nước uống pha chế hoặc bảo quản bởi các hóa chất; có quán cơm quê nâng cao làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi!... Nghĩa là thời điểm những ngôi nhà trong phố cổ, một phần quan trọng của chợ Quăng xưa, sẽ sinh ra bò gạo, bó rau, con cá phục vụ đời sống ngày một nâng cao nhờ vào du lịch. Khi đấy, không phải tác động của tổ chức mà tự người dân sống trong phố cổ sẽ dành hoặc tìm cách tạo ra kinh phí tu bổ lại các ngôi nhà, các công trình khác trong phố cổ để bảo toàn, để phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội ở mức cao hơn!
          

Hoằng Lộc, tháng 5-2020
                N.H.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 3243
 Tổng số truy cập: 7559831
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa