Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Lịch sử một miền quê (Bút ký dự thi) - Lê Thám
Lịch sử một miền quê (Bút ký dự thi) - Lê Thám

Làng Nhô hôm nay đang là một công trường lớn. Suốt chiều dài trên 2500 mét bờ biển san sát những máy gạt, máy xúc, người, xe nhộn nhịp. Đoàn gầu múc vươn những cánh tay khổng lồ in bóng dưới mặt nước trong xanh tựa dàn khiêu vũ đồng điệu. Xe công trình chở đất đá, xi măng nườm nượp ngược xuôi. Tiếng máy trộn bê tông rào rào, ở các trạm bê tông dã chiến không khí rộn ràng như ngày hội. Năm doanh nghiệp trúng thầu đang đua nhau thi công công trình kè đê chắn sóng, phấn đấu xong giai đoạn một trước mùa mưa bão.  
Làng Nhô là “con đẻ” của làng Mom. Làng Mom nay là xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. 
Xa xưa làng Mom có tên là làng Mỏm. Làng Mỏm còn có tên chữ là Cự Nham nên sau này xã đã mang tên Quảng Nham. Cái tên Cự Nham được vua Lý Thánh Tông đặt cho từ khoảng năm 1070 trong một lần Nam chinh có ghé vào cửa sông tới vùng đất này. Rẻo đất vốn là bãi bồi nơi cửa sông Yên nhô ra phía biển như mỏm một chiếc hài. Sau này làng Mỏm được gọi trại đi thành làng Mom. Khi ấy làng Nhô chỉ là bãi cát cằn khô, bỏng rát, hoang phế nằm cuối làng Mom, phía đông giáp biển, phía nam và phía tây là sông, tịnh không một bóng người qua lại, cỏ lông chông mặc sức lăn tròn cùng gió cát. Làng Mom chỉ cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía đông nam nhưng là một ngõ cụt, đường vào không có lối ra, mật độ dân số đông, tình trạng thất học phổ biến, đời sống văn hóa xã hội lạc hậu, thấp kém tựa vùng sâu vùng xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Không có đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và buôn bán nhỏ, sống thuần ngư.
Sau nhiều năm đi xa, năm 1978 về thăm lại tôi thấy ngỡ ngàng vì miền đất cha truyền con nối chỉ làm nghề chài lưới nay đã biết làm nông nghiệp. Một phần bãi cát hoang phế được cải tạo trồng dưa hấu và những chiếc lều canh ánh vàng dưới nắng chiều (manh nha là những cư dân đầu tiên của làng Nhô ngày nay). Tôi reo lên: Nơi xưa tôi qua chang chang cồn cát/ Nay trở về như lạc giữa màu xanh/ Nắng chiều rộm chòi canh giữa bãi/ Ba bề sông nước vây quanh/ Tôi ngơ ngác, con nai chiều lạc lối/ Lao xao sóng nước vỗ bờ/ Làng chài làm nông nghiệp!/ Ngổn ngang một bãi đầy dưa/ Cát đã hóa vỏ xanh lòng đỏ/ Năm nay dưa hấu được mùa… 
Reo lên vì ngạc nhiên trước sự đổi thay chứ làm nông nghiệp trên cát bỏng không xóa nổi cái nghèo. Rồi vì đất chật người đông, vì cuộc mưu sinh khó khăn và khắc nghiệt, vì nghe nói nguồn lợi có vẻ hấp dẫn của nuôi trồng hải sản; sau một thời gian ngơ ngác trước cơ chế mới, những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước vài người can đảm đã rời làng đến cái mỏm đất này khởi sự, vật lộn cùng bùn đất. Lợi thế ba bề sông nước và những con người lao động thông minh, cần cù, chịu khó, đương đầu đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã có chút thành quả. Mở ra cách nhìn thông thoáng cho chính quyền địa phương tạo điều kiện phát triển thế mạnh nuôi trồng hải sản, biến vùng cát bỏng cằn khô thành ấm no, trù phú.
Vào năm 2000 UBND xã cấp 50 suất đất ở cho 50 hộ di dời đến định cư trên bãi cát này, lập nên làng Nhô mang tên hành chính xóm Tân. Đường vào xóm Tân chỉ là lối mòn cát bụi, lầm lầy. Xóm nhỏ toàn những túp lều tranh, nơi tá túc của những gương mặt người khắc khổ. Ranh giới giữa các túp lều bỏ ngỏ, đêm về không điện đóm tối thui. Nhớ lại ngày ấy để so sánh với bây giờ; để biết làng Nhô không phải là một ngôi làng cổ với cây đa, bến nước, sân đình; để biết hai mươi năm ấy bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi đã đổ cho gương mặt người rạng rỡ hôm nay.
Lần này tôi về trên con đường nhựa phẳng phiu. Biết xã vừa Đại hội Đảng bộ xong chiều hôm trước, chắc mọi người còn mệt vì lo tổ chức một sự kiện quan trọng nên tôi không rẽ vào trụ sở. Dọc đường về làng Nhô nhiều lần tôi phải dừng xe vì gặp người quen. Lâu ngày, những câu chuyện thăm hỏi ríu ran trong tiếng ồn ào của xe công trình tấp nập, tôi nghe câu được, câu mất nhưng nhận thấy niềm vui trên nụ cười hồ hởi và ánh mắt rạng ngời. Gặp anh thương binh Trấn Nhân Tâm, tôi rủ anh cùng đi đến nhà trưởng thôn Vũ Hoàng Anh. Trong hình dung của tôi, làng Nhô vẫn hoang sơ gió cát, tanh tưởi mùi cá mắm và những ngôi nhà lụp xụp, xác xơ trên bãi cát cằn cỗi như sa mạc. Thế nhưng tôi đã nhầm, con đường nhựa rộng rãi dập dìu người, xe, xập xình tiếng nhạc và những ngôi nhà xinh xắn hai bên cùng hàng hóa nhộn nhịp đã xuyên suốt giữa làng thẳng ra gần sát cửa sông. Người trưởng thôn còn rất trẻ, tiếp chúng tôi trong câu chuyện cởi mở quanh bàn trà, mới hay làng Nhô đã xây dựng thành công làng văn hóa. Năm 2018 chính thức được công nhận là làng văn hóa mới. Anh vui vẻ bộc bạch: Có được làng Nhô hôm nay là công lao của quá trình nhà nước và nhân dân cùng chung sức. Nhờ đó mà giao thông thuận lợi, hội trường khang trang, điện sáng tưng bừng, người dân yên tâm đầu tư trên diện tích nhận thầu của gia đình mình vì có hợp đồng thuê thầu rõ ràng. Bây giờ cư dân làng Nhô đã là 185 hộ, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau: đánh bắt, thu mua, chế biến, nuôi trồng hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nông nghiệp, kinh doanh… Không còn tình trạng thất học, trên 93% số người trong độ tuổi lao động có việc làm. Diện tích nuôi trồng hải sản quanh làng đã lên tới 65,2 ha đang mang lại việc làm cho nhiều người và nguồn thu lớn mỗi năm. Đặc biệt người dân ở đây vẫn giữ nguyên nếp sống thuần khiết, nhân hậu, chất phác, thật thà, không có tệ nạn xã hội. Anh nói: khi mới đảm nhận chức trưởng thôn cũng thấy lo lo, nhưng như cỗ máy đã vào guồng quay, sự vận hành hóa ra đơn giản… Chia tay anh để đến cơ sở doanh nghiệp, Công ty nuôi trồng hải sản Ba - Lợi, mang theo câu nói ấn tượng của anh:
- Xây dựng thành công nông thôn mới bền vững phải bắt đầu từ xây dựng tri thức để làm ra thật nhiều của cải vật chất, để nhận thức mà làm chủ được mọi hành vi của mình, là nguồn gốc tạo nên văn minh, bình yên, hạnh phúc - Và như sợ tôi không hiểu, anh nói thêm - Xây dựng tri thức không phải chỉ đến trường học, xây dựng tri thức của chúng tôi là tích cực học từ cuộc đời, học lẫn nhau, làm việc có tư duy, có đúc rút kinh nghiệm, luôn tìm tòi sáng tạo để chọn ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả cao nhất trong mọi công việc. Với lớp trẻ cần phải động viên và ưu tiên chăm lo cho việc học hành, vừa có kiến thức văn hóa, vừa không còn thời gian tiếp xúc với những thói hư tật xấu ngoài xã hội. Ngay như gia đình anh Tâm đây, các con của anh đều học hành tới nơi tới chốn, đứa là nghệ sĩ, hai đứa là cán bộ giảng dạy ở trường đại học, điều mà vùng quê ít học chúng tôi trước đây nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Tới khu nuôi trồng hải sản, chứng kiến thành quả gây dựng hơn hai mươi năm đổ sức người sức của từ những bàn tay chai sạn mà ngưỡng mộ. Bãi sông hoang hóa đã lột xác, tôi không thể nào nhận ra nét cũ. Ngồi tâm sự với anh Hoàng Văn Ba, tôi càng thấy những người lao động như anh thật đáng nể phục. Nước nhà thống nhất cũng là lúc mẹ anh mất do vết thương chiến tranh khi anh vừa bảy tuổi. Năm sau bố anh đi bước nữa, bốn anh em mồ côi mưu sinh nuôi nhau. Trong hoàn cảnh ấy, tuổi ấu thơ của anh đã không được may mắn cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Nhưng vốn tư chất thông minh, sáng dạ, lại cộng thêm đức tính cần cù, chịu khó, mười hai tuổi anh đã bắt đầu làm thuê kiếm sống. Trải qua rất nhiều công việc, hết xuống biển lại lên rừng, thấy ai làm gì cũng mày mò học hỏi và làm theo bằng được mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Lấy vợ rồi không dám sinh thêm con vì lo không nuôi nổi. 
Người xưa bảo “tam thập nhi lập”, năm 1998 vào tuổi ba mươi vợ chồng anh tiên phong tới bãi sông hoang hóa của làng Nhô bây giờ đắp bờ, vây bãi nuôi ngao. Anh bỏ nhà cửa ra màn trời chiếu đất lăn lê với bùn lầy hy vọng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Rồi giữa đồng không mông quạnh anh dựng lên túp lều để cắm chốt, ngày ngày vợ anh phải đưa cơm nước đến cho chồng. Trời không phụ công người siêng năng, bước đầu đã ra cơm ra cháo. Thấy anh làm có tí thu nhập, vài năm sau một số người cũng lục tục làm theo. Anh lại mày mò tìm cách cho ngao đẻ để bán giống. Anh vừa làm vừa chịu khó lần mò học hỏi những vùng đã có người làm trước. Dần thành đam mê, thu nhập được đồng nào anh lại đổ xuống đầu tư mở mang. Anh kiên trì mười mấy năm như vậy cho tới lúc cả vòng vây quanh làng Nhô thành một vùng nuôi ngao rộng lớn. Nhưng con người luôn trăn trở của anh vẫn không chịu ở yên, năm 2014 anh rủ thêm anh Trần Văn Lợi chung vốn chuyển hướng cải tạo đào hồ nuôi tôm trên một phần diện tích nuôi ngao. Hai gia đình bán hết tài sản để đầu tư, kể cả những chiếc xe đang đi. Thật may mắn, vựa nuôi đầu tiên sau hơn ba tháng đã mang lại lợi nhuận bất ngờ hơn 20 tỉ đồng. Mừng quá, anh sai người kéo mấy tạ tôm đưa đi chia biếu khắp làng. Lại tiếp tục đổ tiền đầu tư, rồi thành lập công ty và từ ấy đến giờ năm nào hai anh cũng có thu nhập 20 tỉ đồng trở lên. Giờ thì tổng diện tích nuôi trồng của công ty đã có hơn 19 ha, tự học hỏi và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, từ sự tư duy rồi mạnh dạn thử nghiệm chứ chưa bao giờ anh phải thuê kỹ thuật. Đôi khi anh còn nhận các cháu sinh viên về đây thực tập, truyền dạy những kinh nghiệm mà mình từng trả giá…
Vốn sinh ra trong nghèo khó, giờ làm lụng có thu nhập khá, anh luôn hào phóng ủng hộ các phong trào và các cuộc vận động quyên góp. Anh bảo:
- Đã mê nghề quá rồi, ăn ngủ cùng tôm, cả tuần chỉ lảng về nhà một tối ngó xem con cái học hành rồi lại đi ngay. Bây giờ em chuyên nuôi tôm thôi, phần nuôi ngao giao hẳn cho vợ tự quản lý, tự thuê lao động và lo trả lương - Rồi anh cười - Nhà thành “hai giám đốc” anh ạ. Vợ chồng có khi vào mùa vụ cả tháng mới gặp nhau. Chỉ mong sao con cái lớn lên hiểu được rằng: cơ ngơi mà bố mẹ chúng gây dựng lên là bằng hai bàn tay lao động và lòng kiên trì, đôi khi phải từ bỏ cả những niềm vui của riêng mình, để chúng biết quý trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà phấn đấu vươn lên.
Thì ra có những con người như anh Hoàng Văn Ba mới góp phần làm nên một làng Nhô đổi mới. Mấy năm nay diện tích bãi sông không còn nữa mà không khí lao động mở mang làm ăn thì đang sôi nổi, chính quyền lại tạo điều kiện cho một số gia đình đấu thầu diện tích nuôi ngao trên bãi biển, bước đầu cũng đã có thu hoạch. Rồi phát triển thêm nghề nuôi cá lồng… Nhiều tỉ đồng thu nhập mỗi năm quanh ngôi làng nhỏ chỉ riêng mảng nuôi trồng hải sản cho tôi niềm tin về một làng Nhô ngày càng giàu mạnh. Lại nghe nói sắp tới có một dự án xây dựng khu ẩm thực, vui chơi, du lịch trên vùng đất làng Nhô. Làng Nhô rồi sẽ như cá chép hóa rồng!
Tạm biệt làng Nhô vừa gặp buổi tan trường. Đoàn học sinh váy áo xênh xang đủ sắc màu, tươi cười ríu rít lời chào trong niềm hân hoan được tựu trường sau kỳ nghỉ dài vì dịch covid-19, tôi như lây niềm vui thơ trẻ từ những ánh mắt trong veo của các em. Đi dọc bờ sông trên bến dưới thuyền, trong tiếng rì rào sóng nước hòa cùng tiếng gió reo vi vút trên ngọn phi lao mà lòng tôi dậy lên một cảm xúc lâng lâng khó tả. Tôi hình dung một ngày không xa, nơi đây sẽ thành vùng du lịch sinh thái còn nguyên vẻ hoang sơ đầy hấp dẫn. Tôi sẽ trở lại làng Nhô, rủ theo bạn bè về đây thư giãn sau mỗi kỳ làm việc. Chúng tôi kéo tay nhau chạy chân trần đua cùng lũ còng còng trên cát biển, chụp ảnh với cánh đồng dưa và thưởng thức những trái dưa hấu đất cát ngọt lịm rồi túm tụm đốt lửa nướng cá, tôm, cua, ốc, ngao, ghẹ… Chúng tôi sẽ có kỳ nghỉ thật thú vị, cùng nhau tận hưởng những làn gió trong lành, mát rượi từ biển khơi bao la thổi tới và mỗi ban mai đón ánh bình minh thanh khiết nơi rẻo đất ba bề sông nước - Làng Nhô!...
        

Tiên Trang, ngày 22-6-2020
                  L.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 147
 Hôm nay: 9062
 Tổng số truy cập: 7492918
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa