Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Thức dậy những tiềm năng (Bút ký dự thi) - Lê Xuân Soan
Thức dậy những tiềm năng (Bút ký dự thi) - Lê Xuân Soan

1. Giáp Tết Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp về thăm quê hương Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa), xã được công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 11 năm 2015. Sau hơn một năm đạt chuẩn, diện mạo nông thôn thêm khởi sắc với niềm hân hoan ngập tràn khắp đường thôn ngõ xóm. 
Lần này, về thăm lại xã Hoằng Xuân sau khi có sự sáp nhập cả xã Hoằng Khánh. Công sở của xã thật khang trang, bề thế đủ đáp ứng nhu cầu làm việc của một cơ quan công quyền với quy mô cấp xã mới. Tiếp chúng tôi tại Hội trường UBND xã, có đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Quốc Oai, huyện ủy viên nhiệm kì thứ hai, và đồng chí Trịnh Xuân Hoàn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã nhiệm kì hai, cùng các đồng chí Thường trực Đảng ủy, Thường trực Ủy ban. Các đồng chí lãnh đạo địa phương cho biết: Cuối năm 2019, xã Hoằng Khánh được công nhận xã nông thôn mới. Đó là một thuận lợi lớn để việc thực hiện sáp nhập, nhìn đại cục, là không bị khập khễnh, không phải so sánh gánh gồng. Ngày 01 tháng 01 năm 2020 chính thức sáp nhập hai xã, lấy tên xã Hoằng Xuân. 
Khi sáp nhập, có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, không hề đơn giản, nhất là công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Các anh tâm sự: Dù chỉ trong một làng thì cũng đã có vấn đề của dòng họ, chòm xóm. Rồi giữa các làng với nhau trong một xã với những khác biệt về phong tục, tập quán và thói quen trong lối sống và sinh hoạt... Bây giờ hai xã nhập làm một với 11 làng! Đó là cả một vấn đề lớn. Làm sao, sau sáp nhập sẽ tạo ra được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và trong nhân dân? Làm sao để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mỗi thôn quê với tình làng nghĩa xóm? Bây giờ sáp nhập thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như địa điểm công sở của xã đặt ở đâu cho trung tâm và hợp lí? Về tổ chức và nhân sự: ai làm gì, ai trưởng phó, ai trong diện về nghỉ, ai thuộc diện điều chuyển đến các xã khác? Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ công chức xã và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong xã? Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, nhân sự và hoạt động của các trạm Y tế, của các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở? Vấn đề ngân sách của hai xã trước đây?… Tôi hiểu đó là những những băn khoăn, trăn trở của các anh trước nhiệm vụ mới. Những câu hỏi đặt ra, được sự quan tâm rất chính đáng của mọi người mà đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải có tư duy nhạy bén và giải quyết sao cho hợp lí, hợp tình.
Sáp nhập không phải là sự cộng dồn, lắp ghép. Từ hai xã đạt chuẩn nông thôn mới sáp nhập làm một, đó là lợi thế rất lớn. Sáp nhập để tăng nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ để bứt phá và phát triển. Đó là ý kiến của đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Quốc Oai, như một định hướng, một mệnh lệnh ở thời điểm chuyển giao này. 
Với sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy Hoằng Hóa, Đại hội Đảng bộ xã Hoằng Xuân tháng 4 năm 2020 đã thành công tốt đẹp. Với sự thống nhất cao của toàn thể cán bộ, đảng viên, Đại hội đã tập trung giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Đại hội đã thống nhất cao với những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa xã hội - an ninh quốc phòng với những chỉ tiêu cụ thể. Một Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Đảng ủy mới đủ sức gánh vác nhiệm vụ chính trị của địa phương, có sự kết hợp hài hòa về kinh nghiệm và sức trẻ, bước đầu đã tạo niềm tin trong toàn đảng bộ và nhân dân trong toàn xã. 
2. Cho đến hôm nay, xã Hoằng Xuân có 11 làng với 7.702 nhân khẩu, tổng diện tích 13,440 km2 (mật độ dân số đạt 573 người/km2). Trong nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, chúng tôi chú ý đến các chỉ tiêu: 144 triệu đồng/ 1 ha canh tác, thu nhập bình quân 48,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo còn 1 - 2%. Ở một xã thuần nông, xa các trung tâm kinh tế, công nghiệp… liệu các chỉ tiêu ấy có xa vời lắm không? Biết chúng tôi có ý băn khoăn về các chỉ tiêu này, đồng chí Trịnh Xuân Hoàn cười tươi và sẵn sàng cho chúng tôi làm một chuyến điền dã vòng quanh xã…
Từ trung tâm xã đi ngược phía Tây lên ngã ba Bông gần 4 km. Xe qua những đoạn đường bê tông ven bờ sông Mã phẳng lì, thoáng mát của thôn Trà Sơn, Trà La. Một bên là núi đồi với keo, tràm, bạch đàn, mít, xoài, vải, nhãn và một bên là những bãi ngô xanh mướt đang độ cứng hạt bên cạnh những vạt chuối cao sản xào xạc trong cái gió đầu thu. Kia rồi, ngã ba Bông, nơi chung một tiếng gà gáy của năm huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Hà Trung. Bên kia là Định Công (Yên Định), một thời là hình mẫu của chủ nghĩa xã hội ở nông thôn. Kia nữa, đền Cô Bơ (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc), cách đền Hàn (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung) chừng 1 km ngày đêm dịu ngọt hương trầm và hắt hiu nhịp mõ. Nhưng vào những ngày tuần hay dịp lễ hội, nơi đây lại nhộn nhịp khách thập phương để cho “điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Và kia nữa, tiếng chuông nhà thờ của xứ đạo Phú Ninh (Thiệu Hóa). Bỗng nhiên có tiếng gọi đò…ơi… từ bên kia sông vọng sang của mấy người đi xe đạp và cả những người gánh gồng xin quá giang, nghe mà ấm áp, mà hoài cổ, gợi nhớ… Con đò ngang nhẹ lướt cập bến để kịp đón khách. Đò Bông bây giờ không còn tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền như mấy chục năm về trước. Bây giờ là một ngã ba sông hiền hòa, thơ mộng và những miền quê thật yên bình! Bất giác, tôi thầm mong giữa ngã ba Bông này có thêm một dự án cho sự ra đời những cây cầu nối đôi bờ sông Lèn để người Vĩnh Lộc, Hà Trung có thêm tuyến đường xuôi về phía biển. Và cũng có thêm một cây cầu nối bến Vàng với xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa để một vùng miền Tây xứ Thanh gồm Ngọc Lặc, Yên Định, Thiệu Hóa về xuôi hay ra Bắc sẽ rút ngắn được lộ trình. 
Vẫn trên đường về các làng ven đê thuộc phía Nam của xã. Gần 8 km đê sông Mã đã ôm ấp chở che cho cư dân Hoằng Xuân bao đời nay. Những giọt phù sa được dòng sông oằn mình trĩu nặng qua những mùa mưa lũ để tạo nên những bãi bờ. Như không phụ công sức của con sông yêu quý đã ngàn đời gắn bó với họ, người dân Hoằng Xuân đã biết dệt nên những màu xanh ngút ngàn của ngô khoai và các loại rau màu khác, để mùa nối mùa và đất cứ sinh sôi nảy nở dâng tặng cho những giọt mồ hôi lam lũ, cần cù. Và cũng gần 8 km hai bên bờ đê đã được trồng hoa như trang điểm cho quê hương, trang điểm cho dòng sông bằng con đường hoa ấy. Theo Chủ tịch Trịnh Xuân Hoàn thì con đường hoa ấy là công trình của các tổ chức xã hội, đoàn thể chào mừng ngày hai xã được sáp nhập, thể hiện khát vọng không chỉ làm giàu mà còn phải làm sạch đẹp cho quê hương!
3. Hoằng Xuân có 6 làng ven đê, có bãi phù sa màu mỡ được sông Mã đắp bồi; có 5 làng ven đồi núi với kinh tế vườn rừng; 5 làng chủ yếu trồng lúa hai vụ và một vụ đông. Như vậy, xã có 3 làng vừa có vườn rừng, bãi bồi vừa có đất trồng lúa. Còn lại là các làng có bãi bồi và trồng lúa, hoặc vườn rừng và trồng lúa. Thống kê tình hình cơ cấu địa hình và đất đai để thấy được những thuận lợi cơ bản của một xã thuần nông. Làm sao để phát huy tối đa lợi thế của cơ cấu địa hình đất đai và sự phân bố tự nhiên ấy? Anh Hoàn cho biết: Nghị quyết của Đảng bộ là tiếp tục chuyển đổi diện tích, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp và phát huy tối đa năng suất và sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện để phát triển trang trại và gia trại. Hiện tại toàn xã có gần 600 ha vườn rừng gồm thông lấy nhựa, keo, bạch đàn, xoài, mít, nhãn, vải… kết hợp với nuôi ong lấy mật, được giao đến các hộ gia đình. Với 20 ha thường xuyên bị ngập thì xã chuyển đổi thành trang trại lúa - cá - vịt; 50 ha thế đất cao thì chuyển đổi thành trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà và cây ăn quả như chuối, đu đủ, chanh tứ quý. Hàng chục trang trại được xã tạo điều kiện đã bước đầu làm ăn có hiệu quả, thu hút nhân lực lao động tại địa phương và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ bà con trong xã và các địa phương trong tỉnh. Đó là trang trại cá - lúa của anh Nguyễn Văn Oai làng Nga Phú 1. Trang trại bưởi diễn của ông Lê Chí Thanh làng Mỹ Cầu, nguyên Chủ tịch UBND xã đã về hưu. Trang trại cây vườn đồi của ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Trang trại cây vườn đồi của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quốc Oai ở làng Trà La…
Chúng tôi được đến thăm trang trại của gia đình ông Vũ Trọng Lưu ở làng Nga Phú 1. Ông Vũ Trọng Lưu sinh năm 1950, đi Thanh niên xung phong năm 1971 thuộc binh trạm 14 Đoàn 559, đường 20 Quyết Thắng. Năm 1974, ông xuất ngũ và chuyển sang nước bạn Lào tham gia làm con đường hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn. Năm 1981, ông về nước và chuyển đến Công ty Xây dựng Thủy lợi Thủy điện Thanh Hóa và được kết nạp Đảng năm 1988. Năm 1993, ông về nghỉ chế độ hưu trí. Với bản tính cần cù, năng động và sáng tạo, ông được bầu làm Bí thư chi bộ hai nhiệm kì, thôn trưởng 13 năm, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp 7 năm, và nhiều năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học, Hội người cao tuổi, Hội cựu Thanh niên xung phong của xã. Sau khi sáp nhập, ông vẫn được bầu làm Chủ tịch Hội người cao tuổi, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong. Ở tuổi thất thập nhưng ông còn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Có lẽ những năm tháng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn và trên công trường hữu nghị Việt - Lào đã tôi luyện sức bền cho ông. Và những năm tháng làm việc tại quê hương đã cho ông cái tầm nhìn của một “lão nông tri điền” đã từng đi đây đi đó…
Trang trại của ông có 4 ha, đấu thầu 50 năm từ năm 2018, với mô hình rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi lợn. Hàng năm, ông xuất bán hàng chục tấn rau củ quả sạch và hàng trăm tấn lợn hơi. Ông Lưu thường thuê nhân công làm rau màu theo thời vụ với 150 ngàn/ngày/người. Còn lao động chăn nuôi lợn có 2 người và 1 kĩ sư chăn nuôi là 250 ngàn/ngày/người. Việc xử lí môi trường được ông thực hiện theo đúng quy trình với công nghệ hầm chứa piôga hàng ngàn mét khối. Từ năm 2018 ông đã đầu tư đến 5 tỉ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, nhà xưởng, chuồng trại, hệ thống tưới tiêu, giống cây con… Mỗi năm, trừ chi phí ông còn thu về được 1 tỉ đồng. Không lâu nữa, cứ đà này, ông sẽ thu hồi được vốn ban đầu. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt của ông khi ông cho biết ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học, hai con trai làm cho các công ty, còn con gái là Thạc sĩ tiếng Anh, đang dạy ở trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh). Một người con dâu của ông với hai bằng đại học, nhưng khó xin việc, cũng vui vẻ chấp nhận làm kế toán cho trang trại gia đình. Còn một người con dâu là Phó Bí thư Đoàn xã Hoằng Xuân. Thế cũng là mãn nguyện cho một gia đình ở nông thôn lắm rồi.
Bên cạnh những trang trại gắn với đất đai, đồng ruộng, cây con, trên địa bàn xã Hoằng Xuân đang phát triển nhiều doanh nghiệp nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế và mức độ tiêu thụ hàng hóa của bà con nông dân. Đó là các công ty Hoàng Gia chuyên sản xuất và cung cấp nước uống cho các trường học; công ty khai thác vật liệu xây dựng của anh Nguyễn Văn Tùng; công ty cung ứng vật liệu xây dựng và bể bơi của anh Hà Ngọc Hân. Và rất nhiều cửa hàng, đại lí vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn gia súc, tạp hóa… được phân bố rải rác trên các trục đường chính của xã, trên các đường liên thôn rất thuận tiện cho việc cung ứng hàng hóa.
4. Sáp nhập để xã Hoằng Xuân bây giờ càng dày thêm những trang sử truyền thống. Gần ba trăm liệt sĩ chống Pháp và chống Mĩ. Hàng chục Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hàng chục vị là lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Hàng trăm cựu chiến binh và cựu Thanh niên xung phong. Hàng trăm cán bộ cao cấp, trung cấp trong lực lượng vũ trang, trong đó có một anh hùng và một tướng lĩnh quân đội. Hàng trăm cán bộ là con em địa phương có trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân… đang là nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhiều người giữ những chức vụ cao trong bộ máy quản lý cấp tỉnh, sở, huyện, cục, vụ, viện, trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông. Nhiều người thoát li quê hương, ra đi làm ăn và lập nghiệp đã thành công và thành danh trên các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn, vật liệu xây dựng, là chủ các dự án về năng lượng sạch, về phòng cháy chữa cháy, về công nghệ thông tin… Chính họ đã làm rạng danh cho quê hương, có những đóng góp tích cực và đang có những dự án cho quê hương.
Tự hào về hiện tại, người dân Hoằng Xuân còn tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông. Trải dài 8 km dọc triền đê sông Mã với hai Phủ: Phủ Sở và Phủ Vàng. Phủ Sở thuộc làng Nghĩa Hương, ghi lại một huyền thoại về bà Hà Thị Cai quê làng Quan Nội, xã Hoằng Anh (nay thuộc thành phố Thanh Hóa), bán nước chè bên bến đò. Khi Lê Lợi bị bọn giặc Minh ráo riết đuổi theo, Bà đã mưu trí tìm cách đánh lạc hướng giặc để cứu thoát Lê Lợi. Sau khi đánh tan giặc Minh (1428), Lê Lợi đã phong cho Bà tước hiệu là Quốc mẫu và cho xây Phủ để ghi nhớ công ơn của Bà. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng Chạp, dân trong làng và dân khắp vùng lại tổ chức làm lễ, rước kiệu để tỏ lòng thành kính. Năm 2005, Phủ Bà (hay còn gọi là Phủ Sở) được trùng tu để đón khách thập phương về viếng Bà.
Từ Phủ Sở ngược lên phía Tây Bắc chừng 4 km là Phủ Vàng. Thế kỉ XVIII, Phủ Vàng đã tọa lạc trên núi Chùa của làng Vàng (làng Đại Điền), thờ đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của truyền thuyết người Việt. Phủ Vàng, làng Vàng nay là Trung tâm công sở xã Hoằng Xuân. Truyền thuyết kể rằng: Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc để dẹp giặc Thanh, tới Phủ Vàng, ông cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào phủ dâng hương kính lễ. Nghĩa quân được báo mộng về kế sách để đánh thắng giặc Thanh. Do vậy, quân của Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó. Khi lên ngôi, Nguyễn Huệ - Quang Trung tìm về để tri ân Thánh Mẫu và ban sắc phong cho Ngài là “Chế thắng bảo hòa diệu Đại Vương - Đệ nhất Thánh Mẫu”. Hàng năm, các ngày tuần của tháng giêng, tháng ba, tháng sáu người dân địa phương và quanh vùng tổ chức cúng tế, rước kiệu và các trò chơi kéo co, chọi gà, đánh cờ… Tháng 10 năm 2011, xã Hoằng Khánh (cũ) đã xây dựng lại Phủ Vàng trên nền đất cũ rộng 11.000 m2. Cùng với Phủ Sở, Phủ Vàng cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân trong và ngoài xã.
Một xã có hai Phủ để thờ các bậc thánh nhân. Lược đi cái phần huyền thoại sẽ nguyên vẹn và lấp lánh cái cốt lõi lịch sử: đó là lòng yêu nước, căm thù giặc và quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm để giữ yên gấm vóc giang sơn. Truyền thống yêu nước ấy sẽ là sức mạnh tinh thần nâng bước cho các thế hệ mai sau… mà lớp lớp con cháu của Hoằng Xuân hôm nay luôn tự hào và biết phát huy ngay trên quê hương mình và trên mọi miền đất nước!
5. Người xưa dựng nghiệp lớn và muốn thành công phải có ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nay các đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Xuân với khát vọng làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp mà mục tiêu trước mắt là xã đạt xã nông thôn mới nâng cao và có hai làng đạt làng văn hóa kiểu mẫu. 
Trao đổi thêm với các anh, chúng tôi cùng nhau chỉ ra những lợi thế của xã Hoằng Xuân mà trách nhiệm người đứng đầu phải biết tận dụng, biết khơi dậy những nguồn lực. Đó là chúng ta đã có cơ chế chính sách rộng mở thông thoáng về đất đai, về vay vốn ngân hàng để người dân tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Đó là nguồn lực về địa thế, đồng đất, hình thế: có đồi rừng, có bờ bãi phù sa ven sông, có bãi cát vàng lấp lánh với trữ lượng không hề nhỏ và những cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu. Có sông Mã ôm ấp và hàng năm mang lại một lượng phù sa màu mỡ cho hàng trăm ha bãi bồi. Có hệ thống thủy lợi Bắc sông Mã dễ dàng điều tiết tưới tiêu. Có đường giao thông liên xã Trung - Xuân và Xuân - Kim rộng mở. Và một điều vô cùng quan trọng có tính chất quyết định cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Hoằng Xuân là nguồn lực về con người. Người dân Hoằng Xuân luôn đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, cần cù, sáng tạo. Các di tích lịch sử và văn hóa tâm linh làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân, để các giá trị văn hóa ấy như một nhân tố được phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.        
Các nguồn lực ấy có trở thành hiện thực sinh động trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có hiện hữu trong đời sống của gần tám ngàn người dân xã Hoằng Xuân hay không? Câu hỏi không chỉ của hôm nay, của nhiệm kì đầu tiên mới sáp nhập!
Những nguồn lực ấy đang được các đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Xuân tìm cách khơi dậy. Khơi dậy những nguồn lực, khơi dậy những tiềm năng để thức dậy một khao khát thịnh vượng cho hôm nay và cho mai sau.
Chia tay các anh trong cái bắt tay rất chặt, trong ánh mắt và nụ cười tin tưởng… Chia tay các anh trên bờ đê sông Mã lộng gió, đầy hoa và mát lịm màu xanh cây trái trên đồi và hoa màu dưới bãi. Thỉnh thoảng vài con thuyền ngược xuôi trên sông như điểm tô cho vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của một xã ở điểm cuối cùng và chót vót của miền Tây huyện Hoằng Hóa. 
   

 Hoằng Xuân, tháng 8 năm 2020
               L.X.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 7327
 Tổng số truy cập: 7461558
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa