Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Thành phố Sầm Sơn (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Liệu
Thành phố Sầm Sơn (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Liệu

Tôi đến Sầm Sơn vào một ngày trung tuần tháng sáu âm lịch. Giữa trưa, cái nắng đúng là “chết cả cá cờ”… Vậy mà vừa nhìn thấy biển báo “Địa phận thành phố Sầm Sơn”, không biết là do hấp lực của dòng chữ mà mình ngóng đợi hay là do mình đã đi vào miền đất khác mà mát rượi cả người, lòng lâng lâng, phơi phới khiến cái kim báo tốc độ xe máy nhảy vọt lên con số 60 làm tôi hốt hoảng phải đạp phanh, kìm lại. Đã cảm nhận được cái vị mặn mòi của gió biển. Đã tiếp cận được cái sầm uất của đô thị. Đã đón nhận được cái tình thân thiện của người thành phố Sầm Sơn - những “sứ giả du lịch”. 
Các cấp chính quyền nhà nước và nhiều nhân sỹ Việt Nam đã nhận định Sầm Sơn là danh thắng, là kho tàng văn hóa vô giá, là tiềm năng thế mạnh về du lịch, có thể nằm trong tốp các khu du lịch hàng đầu Việt Nam với đa dạng thắng tích thần thoại, hội tụ những yếu tố lý tưởng về cảnh quan, sinh thái… Để khách quan, xin dẫn thêm ý kiến của một vài học giả người Pháp vào những năm 1980 thế kỷ XIX “…Đây là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe..”, “…Bãi biển Sầm Sơn là bãi tắm tốt nhất Đông Dương…”. Và, Toàn quyền Đông Dương fean-Frnest Moulie khi xâm lược nước ta đã cho xây dựng trên núi Trường Lệ nhiều vila, biệt thự, dinh “ba quan lớn tỉnh” và gọi là “Sầm Sơn Lehaut” để phục vụ nhu cầu xa sỉ của bọn tư bản thực dân. Dỹ nhiên đó là “của hồ vân”, là của người ta cướp lấy, không bền và chúng đã phải hoàn lại cho người Sầm Sơn năm 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Cũng phải nói rằng trước đây, ngồi trên cả đống của cải mà nhân dân Sầm Sơn vẫn chịu đói kém, đúng hơn là chỉ mới vỡ vạc một chút đỉnh đầu bờ của cả khu mênh mông chi xứ rừng vàng biển bạc. Phải đến năm 1986, khi Đảng phát động đổi mới, nhất là năm 2010, đường lối xây dựng nông thôn mới như là “bảo bối” giở ra, giúp Sầm Sơn bật dậy, phát triển đúng hướng và trúng đích
Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), vào năm 2017, thành phố đã huy động 426,9 tỷ đồng, nhân dân tình nguyện hiến 28,2 ha đất để mở đường giao thông. Khả quan nhất là hệ thống đường giao thông (tiêu chí 2) và nhà ở dân cư (tiêu chí 9). Hệ thống đường giao thông ở thành phố Sầm Sơn có thể nói là đã hoàn thiện. Đường vành đai phía Tây; đường từ trung tâm thành phố đến các xã, phường; đường liên xã, phường; đường liên thôn, khu phố; đường nối các khu dân cư, đường đến tận các hộ dân, đường ra đồng sản xuất… tất cả đều nhựa hóa (70%) hoặc bê tông hóa (28%) và cứng hóa. Mạng lưới giao thông khá hoàn thiện này góp phần hình thành quy hoạch 8 phân khu, tạo điều kiện để các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 như Tập đoàn Sun group, Đông Á, FLC, HUDA 4…; là một mặt quan trọng trong kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; hình thành trục liên đô thị thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; là tầm nhìn đến năm 2045 hình thành các hành lang phát triển: hành lang cộng đồng, hành lang lễ hội, hành lang sông, hành lang đổi mới, hành lang phía Nam.
Các tiêu chí thuộc các nhóm kinh tế - và tổ chức sản xuất, nhóm văn hóa - xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu. Nhất là giáo dục - đào tạo. Thành Phố đã đầu tư gần 200 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường. Thành lập trường chuyên Nguyễn Hồng Lễ nâng cao chất lượng giáo dục “mũi nhọn”. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 3 (mức độ cao nhất theo quy định). 
Các xã phía Nam mới sát nhập vào thành phố năm 2017 (theo Quyết định của U.B.T.V.Q.H), vốn là thuần nông. Một bộ phận dân cư (khoảng 30%) sống nghề biển ngang, chắc lép. Các dịch vụ khác không nhiều. Đời sống khó khăn. Từ khi xây dựng NTM thì diện mạo quê hương nơi đây dần dần khởi sắc. Tiến độ đô thị hóa nhanh, đến năm 2020, toàn thành phố đạt 83,45%. Tôi nhớ câu nhà văn Pháp Hautevill House nói từ năm 1866 “…con người cần sáng tạo, vì vậy mà thành ra đô thị…”. Đô thị là loại hình xã hội tiến bộ, tất yếu. Và, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở xây dựng NTM phải đi liền với đô thị hóa. Hiện nay Sầm Sơn là đô thị loại 3 và đang phấn đấu trong năm tới sẽ đạt đô thị loại 2. Trước kia, nhà dân ở rải rác, luôm nhuôm, manh mún, lãng phí đất đai. Bây giờ được quy hoạch lại, rút đất khai thác kém hiệu quả ra sử dụng đúng mục đích. Lợi ích kinh tế là nhiều cấp số nhân ở đấy. Từng khu dân cư vuông vức, thẳng hàng thẳng lối nhưng tuyệt nhiên không thấy có sự “đồng phục hóa”. San sát nhà mái chóp lợp ngói kiểu Thái, nhà mái bằng, nhà cao tầng. Nhà liên nhà, liên cư, liên canh, tươi rói màu phồn thịnh. Mỗi căn nhà mang cá tính riêng mang đậm bản sắc nông thôn Việt Nam. Ở từng xã, trường học cả ba cấp, trạm y tế đều xây cao tầng. Khu trung tâm văn hóa, sân bóng chuyền, khu vui chơi giải trí cho từng lứa tuổi… tất cả đều khang trang, đúng chuẩn mực. 
Diện tích đất trồng lúa thu hẹp do những khu kém hiệu quả thì chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng rau màu, cây ăn trái chất lượng cao như mô hình trồng rau sạch ở Quảng Hùng, thanh long tím ở Quảng Minh, sứa đóng gói Quảng Đại đã tham gia OCOP và được xếp loại 3 sao.
Tuy diện tích trồng lúa giảm, mà ngay lao động của ngành nay cũng có một phần chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ (đúng chủ trương của thành phố: giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp) nhưng sản lượng lúa vẫn tăng mạnh hàng năm 5,4%. Giá trị sản xuất đạt 5.964 tỷ đồng (toàn thành phố).
Trong quá trình quy hoạch nhà ở dân cư, mở mang đường sá đã phải phá bỏ nhiều cây xanh nhưng liền sau đó, trồng bù, trồng mới nhiều cây khác, đa dạng hơn nhất là cây vừa cho quả chất lượng cao vừa phủ xanh bóng mát như xoài, cam, na, vú sữa, hồng xiêm… các loại bưởi, bưởi hồng niên cho quả quanh năm; bưởi da xanh quả sai, to; bưởi diễn mỏng vỏ, tép mọng nước, mát, ngọt. Nhân dân đang thực hiện nghiêm ngặt quy tắc “VIETGAP” để tham gia chương trinh OCOP đối với loại bưởi diễn này. 
Cả một vùng xanh, xanh và xanh. Ruộng đồng xanh, cây lá xanh, sự sống xanh.
Các xã phía Tây thành phố như Quảng Thọ, Quảng Châu, trước kia cũng chuyên canh lúa, bây giờ trong vận hội mới nhất là với thế đất “nhất cận thị, nhị cận giang” đã chuyển đổi mạnh sang các ngành nghề khác, nhất là công nghiệp, dịch vụ. Các công ty có quy mô lớn, trang bị máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến như công ty Sơn Trang, công ty TNHH ĐTXD & PTHT Hợp Lực, công ty Vũ Phong… hợp thành khu công nghiệp Thọ - Châu. Bình quân 74,1 doanh nghiệp/vạn dân thì đủ thấy sức thu hút lao động cho công nghiệp như thế nào.
Sách lược Xây dựng NTM và Quyết định 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, với tư duy mở cửa trong nền kinh tế thị trường thời đổi mới giúp Sầm Sơn nhận ra thế mạnh của mình, ưu tiên cho “ngành công nghiệp không khói”.
Khu vực trung tâm thành phố gần như 100% người dân tham gia dịch vụ du lịch (Tuy rằng hiện nay mới chỉ rầm rộ nhất vào 3 tháng hè).
Ngành vận tải tập trung phương tiện chuyên chở khách du lịch. Xe khách giường nằm chất lượng cao, xe du lịch loại vừa và nhỏ, xe điện, xe xích lô, xe đạp đôi… một bước lên xe. Khách thích thong dong đi bộ ngắm cảnh chọn đại lộ Hồ Xuân Hương chạy suốt từ khu FLC đến chân núi Trường Lệ. Đây là loại đường hai chiều, rộng 50m. Dải phân cách là dải cây xanh được lựa chọn đúng văn hóa, đúng tính cách Sầm Sơn. 
Du lịch Sầm Sơn, việc đầu tiên là khách sẽ chọn phòng nghỉ ngơi lý tưởng, “có an cư mới lạc nghiệp”. Toàn thành phố có 690 cơ sở lưu trú với 19.000 phòng, trong đó hơn nửa nghìn phòng đạt 3-5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế: Marino, Gold, Avenue Hotel, Đức Thành, Châu long Hotel, Vũ Phong, Hồ Gươm…
Khách sạn Green FLC thời thượng với các phòng nghỉ có tới 70 tiện ích, thân thiện, hào phóng đón mời khách. Ở đây có bể bơi ngoài trời, phòng xông hơi khô, có bãi tắm riêng, Rosorc có trung tâm Spa, có khu mở tiệc nướng…  Khách sạn có những phòng thiết kế như là căn hộ khép kín cho gia đình từ bốn, năm cho đến chín, mười người ăn ở. Ai vào đây tưởng như mình đang ở thế giới Âu Mỹ. Green có phòng họp đăng cai Hội nghị quốc tế, có hội trường lớn đăng cai tổ chức sự kiện. Năm 2010 đã đăng cai tổ chức thi hoa hậu tại đây.
 Nói đến FLC, phải nói đến sân Golf LinKs với diện tích 92 ha, 18 lỗ, chuẩn quốc tế. Chiều dài 7,200 yardvs từ các điểm phát bóng là một ưu điểm được nhiều Bogey Golfer quốc tế lựa chọn. Đội nữ Caddy, Cadie, chuyên nghiệp luôn làm vừa lòng các Golf thủ cá tính.
Khách sạn Vạn Chài Resort nằm trong địa giới Làng Vạn Chài (Phường Quảng Cư) sát ngay mép nước có phòng nghỉ tuyệt đẹp có wi-fi miễn phí; có 2 hồ bơi rộng. Mỗi phòng nghỉ đem cho bạn một thế giới riêng. Bạn sẽ nghe một chuyện như kỳ lạ mà có thật. Làng Vạn Chài đến nay còn lưu giữ được những chiếc bè kết bằng luồng đã đi vào lịch sử, đó là một loại ngư cụ chủ công đánh bắt hải sản của ngư dân thời còn khốn khó. Lại nhớ chuyện năm 1990, một nhóm du lịch gia người Anh do ông Tim Sove Rin dẫn đầu đến đây chiêm ngưỡng, nghiên cứu những chiếc bè luồng này, đã nảy sinh ý tưởng táo bạo là dùng cây luồng ở rừng Ngọc Lặc (Thanh Hóa) kết thành chiếc bè theo nguyên mẫu “bè luồng Vạn Chài” và cùng một ngư dân bản xứ là ông Lương Văn Lợi căng buồm vượt Biển Thái Bình Dương, cập cảng New York (Mỹ) sau 3 tháng. Phấn khởi trước chiến tích đó, tỉnh Thanh Hóa có ý định phục dựng lại loại bè luồng này để đưa vào phục vui chơi trên biển, đặc biệt là “tua” du lịch dành cho khách ưa thích mạo hiểm. Tiếc là đến nay dự án này còn chậm trễ.
Các khách sạn khác như Gold, Avenue, Điện Lực, Hải Yến, Thăng Long, Phương Thúy..., nơi nào cũng tiện nghi, hấp dẫn. Người nghỉ ở Sầm Sơn cứ mở cửa phòng ra là có thể tận hưởng trọn vẹn làn gió thinh quang, hiền dịu và tươi mát từ biển ùa vào; say mê ngắm cảnh bình minh tươi sáng đang lên phía chân trời hay hoàng hôn đỏ lựng đang dần tắt sau dãy núi mờ xanh. Các khách sạn đầy đủ tiện nghi, nhiều món ăn Âu, Á; cao cấp có; dân dã có. Nhiều món ăn đặc sản Sầm Sơn, thuần túy Việt Nam, phong vị đặc biệt. Sò huyết chấm mắm tỏi. Gỏi cá. Riêng việc sưu tầm đến 10 loại rau ăn gém với món gỏi lạch đã công phu…. Các món ăn với bao nhiêu hương vị, màu sắc, thanh âm, muôn hình vạn trạng, khoan khoái khứu giác, thỏa thuê vị giác, khoái khẩu, thỏa mãn cả ngũ quan. Thưởng thức món ăn, hoài niệm ùa về làm người ta say cái say với cuộc sống, thương mến nước non, ràng rịt tình thân đồng loại.
Khách du lịch quan tâm đến thị trường hải sản đặc sắc Sầm Sơn, thì đến nước mắm Vích Phương, Lam Hiền, mực khô Quán Mến, nhất là đến 13 khu chợ lớn nhỏ được đánh giá là đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Duyên chợ, tình chợ, văn hóa chợ. Ở đây có đủ các mặt hàng nhất là tôm cua, cá, mực… Nhiều chủng loại hải sản lạ mà phải có “hướng dẫn viên” là người bản địa, là ngư dân có thâm niên mới có thể thuyết minh cho khách hiểu hết được. Đặc điểm hải sản ở đây là tươi và ngon. Tươi vì sản vật vừa đánh bắt dưới nước đem bán ngay tại chợ; người sành ăn nhận ra ngay nó giàu chất bổ dưỡng và hương vị độc đáo vì, như các lão ngư lý giải “vụng Sầm Sơn hứng trọn con nước sông Mã đổ về qua Cửa Thần Phù và Lạch Trào mang nhiều phù sa từ thượng nguồn”. Cho nên cùng là mực nhưng các “thượng đế” sẵn sàng bỏ tiền gấp rưỡi, gấp đôi để mua kỳ được mực Hới (mực Sầm Sơn).
Nói đến Sầm Sơn là người ta nghĩ đến vùng trời biển đẹp như bức tranh thủy mạc. Biển xanh, nắng vàng, gió mát. Nơi đây, rừng và biển gặp nhau nơi mép nước. Suốt dọc dài 9 km, địa hình huyền vào đất liền. Bãi phi lao xanh thẫm bao lấy dãi cát trắng trải dài, sóng bạc vỗ bờ tạo đường viền có hình trăng khuyết đẹp đến nao lòng. Sóng, gió hiền hòa, thường chỉ ở cấp độ 3. Bờ biển bằng phẳng, cát mịn màng, không có hố sâu, đá ngầm, dòng xoáy, có độ thoải dần ra xa. Nước biển có độ mặn trung bình 35PPt, thích hợp tắm mát, có thể chữa một số bệnh thông thường. Khí trời, gió biển tạo cho khu vực Sầm Sơn như một máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ, làm tăng, giảm đến hàng mười độ C, giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thiên văn học dự báo mấy năm lại đây nhiệt độ quả đất tăng, giảm mỗi năm đến 1-2 độ C, nhưng hình như ở đây điều đó chưa xảy ra. Mùa hè, không gian bãi tắm sát ngay đại lộ Hồ Xuân Hương vẫn cảm thấy mát mẻ bình thường. Người đông đúc náo nhiệt. Đủ lứa tuổi. Đủ màu da. Đủ mẫu mốt trang phục. Người thư thái dạo chơi ngắm biển. Người lăn lê như muốn hòa tan vào cát mịn. Người ngụp lặn, đùa chơi với những lớp sóng bạc đầu cần mẫn lùa vào bờ rồi lại hiền từ rút ra xa. Một số khách thích du lịch mạo hiểm, lên thuyền bè hoặc xe máy thuyền ra tận ngoài khơi xa, trải nghiệm cái rùng rợn như các nhà thám hiểm. Người háo hức leo lên núi Trường Lệ, chiêm ngưỡng danh lam, thắng tích như đình thờ Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên, đền Độc Cước, Hòn Trống Mái. Mỏm núi phía Đông Nam của dãy Trường Lệ nhô ra biển, một vẻ đẹp sinh thái, kỳ vĩ, diễm lệ là điểm hẹn của những đôi lứa đang yêu hay những du khách… “vạn lý tương tư”. Biển cả huyền bí thì thầm, trường cửu ru bản tình ca từ thuở hồng hoang, làm người ta như quên đi tất cả những lo toan, tính toán thường nhật, sống đúng với con người thật của mình cùng những huyền thoại lắng đọng trong mỗi tâm tư. Từng cá thể, cặp đôi, tổ, nhóm cùng sở thích, loay hoay tạo dáng, nhờ các “phó nháy” ghi cho mình những tấm hình “ấn tượng Sầm Sơn”... 
Đền Độc Cước trên ngọn Cổ Giải có tiếng là linh thiêng, thờ pho tượng bán thân, đó là thần Độc Cước, đứng vững chãi trên tảng đá to, tay cầm búa như đang lao về phía trước, nửa thân mình xông ra giữ gìn biển cả, nửa kia bảo vệ đất liền. Tượng thần Độc Cước là biểu tượng của khát vọng hòa bình, hạnh phúc. Chuyện thần Độc Cước đánh loài quỷ cướp bảo vệ nhân dân là chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa, còn năm 1950 thế kỷ XX là chuyện thật: Nữ Anh hùng Công an nhân dân Nguyễn Thị Lợi đánh chìm Thông Hạm Amyot Denville của thực dân Pháp ngay cửa biển Sầm Sơn, được nhân dân tạc “tượng vàng bia đá” để tôn thờ chỉ cách tượng thần Độc Cước 50m về phía Bắc, sừng sững, kiêu sa mà oai hùng nhìn ra biển cả, cảnh tỉnh bọn tham vọng bá quyền ở biển Đông và làm tên gọi cho thế hệ học sinh Sầm Sơn: Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Lợi. Tại khuôn viên đền Độc Cước, hàng năm, vào ngày 12-5, nhân dân không chỉ ở Sầm Sơn mà cả vùng rộng lớn tổ chức Lễ hội đền Độc Cước suốt ba ngày, cầu trời đất mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ hội này đang được chính quyền lập hồ sơ xin công nhận là Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cũng tại chân Đền Độc Cước còn diễn ra Lễ hội Bánh chưng bánh dầy với chủ đề tôn vinh hạt gạo, sản phẩm của nền văn minh lúa nước và thể hiện lòng hiếu đễ với tổ tiên. Những người tham gia trình diễn từ hành động đến trang phục theo ý tưởng của người thời Hùng Vương, thi làm bánh chưng bánh dầy ngay tại chỗ.
Dịch về phía Tây Nam hơn trăm mét là đền Cô Tiên trên Hòn Niết Cảnh, dưới chân là Vụng Ngọc, Hòn Câu. Chuyện kể rằng xưa có cô gái nghèo chuyên hái thuốc cứu người, khi mất, cô gái được nhân dân gọi là Tiên và lập đền thờ. Ngày 16-7-1960, Bác Hồ cũng đã về thăm nơi đây. Nhân dân xa gần, du khách đến Sầm Sơn nghỉ dưỡng, thiện nam tín mọi miền đến dâng hương, cầu phúc lộc. Đến thăm viếng đền Cô Tiên, bạn có nghe chăng trong nghi ngút khói hương linh nghiệm, đang vang vọng cuộc chiến của các thiên thần áo trắng dành dật những sinh linh thoát lưỡi hái tử thần trong thời đại dịch?
Hai hòn đá giống hình chim trống và chim mái đậu đối diện bên nhau trên đỉnh Niết Cảnh, có lẽ do “trời sinh” nên chỉ dính với hòn đá bằng phẳng, khổng lồ làm bệ đỡ một diện tích gần như không đáng kể mà vẫn vững vàng qua bão táp mưa sa và những cơn sang chấn dữ dội của thiên nhiên, vẫn hiên ngang đứng vững, “dãi dầu cùng tuế nguyệt”. Đó là Hòn Trống Mái lừng danh, tạc lên trời pho tình sử về nàng tiên nữ và chàng ngư phủ yêu nhau, sống cuộc đời “chồng chài vợ lưới” hạnh phúc, thủy chung. Trời nổi giận, bắt con gái trở về tiên giới, nhưng người vợ không nỡ xa chồng, họ đã hóa thành đôi chim trống mái đậu xuống núi Trường Lệ Sầm Sơn làm biểu tượng tình yêu thủy chung bất diệt. Lễ hội Tình Yêu tổ chức ngay chân Hòn Trống Mái là tiếng lòng thổn thức của tình yêu gọi tình yêu. Ngày Lễ hội, hàng ngàn hàng vạn người hội tụ về đây, nắm tay nhau vừa thành kính chiêm nghiệm đôi chim hóa đá tình tứ bên nhau vừa say sưa thưởng thức những màn diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 
Nhưng giá trị vật thể và phi vật thể ở Sầm Sơn còn nhiều. Chỉ tính những di tích đã được Nhà nước xếp hạng, xã Quảng Đại có Đình Mỹ Lâm đền thờ Đông Hải Đại Vương, nhà thờ họ Thừa; Quảng Hùng có Bia Chùa Kênh; Quảng Vinh có nghè Du Vịnh; Quảng Châu có đền An Dương Vương; Quảng Thọ có đền Đề Lĩnh, Quảng Tiến có đền Cả Lập. Riêng khu vực trung tâm thành phố có tới 15 di tích.
Và, lễ hội cũng vô cùng phong phú cả về số lượng cả về ý nghĩa nhân văn: Cầu ngư bơi chải, Bà Triều, Cổ Oản, Đệ Tam Nương, Kỳ Phúc, Du Vịnh… Ngoài ra, hàng năm Thành Phố còn tổ chức Lễ hội bắn pháo hoa, Carnival Sầm Sơn, bóng chuyền bãi biển, đua xe đạp địa hình… Đằng sau những di tích, lễ hội là những câu chuyện ngàn xưa kể lại vừa thần bí vừa ý nghĩa và hấp dẫn.
Những tài sản văn hóa đó là “...Những giá trị bền vững, những tinh hoa cộng đồng. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết… là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa…”, đang phát huy công năng, tỏa sáng Sầm Sơn trong hội nhập.
Một nhà kinh tế đã nói “đi sau có cái thiệt nhưng sẽ phát triển hoàn thiện”. Đúng là Sầm Sơn phát triển du lịch sau các nơi khác nhưng đi trúng mục đích đã chọn, làm một cú lội ngược dòng ngoạn mục thay đổi tư duy du lịch và cách làm du lịch, phát triển đồng bộ, mạnh mẽ, nhanh chóng dàn hàng ngang đi lên cùng tốp đầu ngành du lịch trong cả nước.
Trải nghiệm của người viết là quá phiến diện đối với vùng đất Sầm Sơn rộng lớn, của cải phồn vinh nên xin dẫn ra một vài số liệu đã được tổng kết:  
- Cơ cấu kinh tế đúng hướng (nông, lâm, thủy sản 8,1%, thủ công nghiệp, xây dựng 21,7%, dịch vụ 70,2%).
- Thu nhập bình quân đầu người 57,72 triệu.
- Xuất khẩu 193 triệu USD.
- Giai đoạn 2016-2020 đón 22,53 triệu khách du lịch, doanh thu 19,212 tỷ đồng.
Đây là những con số biết nói, nói rằng cánh chim trống mái kỷ hồng hoang đã thành cánh đại bàng thời 4.0 bay lên, bay cao, bay xa, viễn xứ, nói về “Thành phố Sầm Sơn - Tình Yêu - Hạnh Phúc”.
              

P.V.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 6201
 Tổng số truy cập: 7428500
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa