Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Chuyện đồng tôm - Đình Giang
Chuyện đồng tôm - Đình Giang

Hoằng Lưu lần trở lại. Xã của Duẩn không còn nghèo khó, diệu vợi như xưa! Những cánh đồng bỏ hoang, những thửa ruộng chẳng ai ngó ngàng, và trước mặt kia, những con đường, ngã ba, ngã tứ nay đã khác. Đó là diện mạo của một xã Nông thôn mới tươi vui…
Duẩn - tên đầy đủ là Lường Thế Duẩn, làng Phượng Ngô, xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Hắn cùng tuổi với tôi, chơi thân từ hồi còn học ở đất Hà Thành. Kỷ niệm sâu đậm nhất của hai đứa là những lần về quê hắn, ra đồng hái sen, bắt cá… Khi đó, đồng đầm sình lầy bỏ hoang nhiều tôm cá. Cả cánh đồng thẳng cánh cò duy chỉ túp lều bố mẹ hắn dựng để trông nom đàn vịt. Nhà hắn thầu đồng, nuôi vịt. Cũng hồi đó, tôi mang ơn hắn lắm, khi sẵn lòng mai mối, giúp tôi tán tỉnh em gái xinh nhất làng, nhà bên - tên Lan. Giờ thì đã khác, đồng hoang đã là đồng tôm, đồng mầu, đồng vàng, đồng bạc… Nhà hắn cũng may thay, chính quyền tạo điều kiện cho gối vụ thuê thầu, chứ để cạnh tranh sòng phẳng, e là khó. Hắn bảo, dù cánh đồng rộng tới cả trăm héc ta nhưng để có một khoảnh nhỏ nuôi tôm, nuôi cá… là niềm mơ ước của nhiều người, nhất là lứa trẻ đang muốn khởi thân, lập nghiệp!...
Cũng ngót gần cả thập kỷ tôi mới có dịp trở lại quê hắn. Chẳng việc đại sự gì cho cam, nửa đêm hắn gọi bảo nằm mình ngoài đồng tôm, nhớ bạn, muốn làm vài ly hàn huyên về cái thời quá vãng của hai thằng sinh viên nghèo tỉnh lẻ. Tôi cũng ngẫu hứng về theo lời đề nghị đường đột của hắn. Hắn bảo, khi ra trường cũng muốn bay nhảy làm theo sở trường, sở đoản được học. Hết vào Nam rồi lại ra Bắc làm đủ thứ nghề, nay về quê làm đồng, rảnh rỗi. Hắn kể, đã làm công nhân, làm một tay xách hồ, thậm chí làm cả nghề massage cho chị em ở đất Sài thành… Nhưng hắn chưa nói, tôi rõ cái tính thẳng tưng, không chịu luồn cúi của hắn, khiến thằng bạn vàng chẳng thể gắn bó với bất kỳ công việc nào lâu. Đi hoài, làm chán hắn nghĩ về quê là được tự do, tự mình làm chủ công việc của mình. Hắn gắn với đồng tôm chỉ sau 3 năm xuôi ngược Nam Bắc từ đó.
- Giờ mày thế nào? - Hắn hỏi.
- Tao lấy vợ muộn, giờ một nhóc và làm cái nghiệp “nặn con chữ” ở một tờ báo địa phương - đúng nghiệp nhà trường đào tạo… rất nghèo!
- Vậy cũng ổn! Tao hai nhóc, kinh tế từ đồng tôm này cũng cho thu nhập ổn định. Nhưng đem ra so với làng với xã thì chả là gì. Giờ quê tao đã là xã Nông thôn mới, phong trào phát triển kinh tế lên cao, khác lắm, nhất là so với cái thời cách đây gần thập kỷ trước, những lần mày về ấy?!
- Hắn nói đúng, xã hắn mà chính từ hắn thôi, tôi đã thấy một sự đổi thay. Cái túp lều xưa nay đã là một căn nhà cấp bốn. Chỉ để trông nom đồng tôm nhưng hắn mua sắm chẳng khác gì một tư gia với đầy đủ tiện nghi. Rồi, ngay cả những con đường về hắn cũng vậy. Chẳng phải dò hỏi, phải lặn lội tìm như trước. Đường to, thẳng, biển báo rõ ràng. Một sự trầm trồ khang trang, tít tắp quá! Dọc hai bên đường là cờ, hoa đỏ choét. Huyện hắn, xã hắn mới đại hội các cấp thành công. Từ QL1A, rẽ đường 10, qua ngã năm thị trấn Bút Sơn theo trục đường đôi đi biển Hải Tiến. Con đường mới, khang trang, rộng thoáng vừa đưa vào sử dụng cuối năm ngoái, khiến thị trấn trở nên sầm uất hơn hẳn, hàng quán, dịch vụ thi nhau mọc lên… Rẽ phải, theo tuyến đường đôi mới cứng cựa về Hoằng Lưu nhà hắn, đi mà tôi nghĩ như đường quốc lộ. Từ rộng rãi, khang trang, lưu lượng xe đi lại cũng nhộn nhịp, khác hẳn so với cái thời đồng đất, đường ổ voi, ổ gà năm xưa! Hắn vỗ vai tôi bảo: Mày đúng là bệnh nghề, nhưng nhìn nhận chí phải. Nhờ những con đường mà xã tao “phất” lên nhiều! Nó được ví như “sợi dây kinh tế” nối liền Hoằng Lưu cũng như các xã khác với trung tâm huyện lỵ.
Trên đường về quê hắn, đầu xã, tôi có ghé một quán nước ven đường. Bà Hạnh - chủ quán đã luống tuổi, dù chưa tường mặt khách đã liến thoáng: Các chú dùng gì, nước dừa, nước mía… hay làm cốc chè đậu đen cho mát họng?! Trước mắt tôi, vài ba bộ bàn ghế nhựa bày bán nhưng quán nhỏ này đắt khách đến lạ?! Nhà bà Hạnh, từ một hộ nghèo của xã, vợ chồng già yếu, con cái thì bươn trải phương xa, ông bà còn thằng út đang phải gồng gánh nuôi ăn, nuôi học. Kể từ khi có chủ trương mở con đường trung tâm, ông bà xung phong hiến đất, không nhận một đồng, một cắc bồi thường. Giờ đường rộng, là trục chính, công nhân, học sinh qua lại nườm nượp. Ông bà Hạnh ngẫu nhiên kiếm được một cái nghề mới cho thu nhập - nghề “bán nước”. Bà chủ quán hồ hởi: “Tầm giờ ít khách, chứ khoảng 5 giờ chiều đổ đi, quán đông lắm! Chả là công nhân tan tầm, rồi học sinh, học đồ về… thu nhập cũng tàm tạm. Không phải lo cho bản thân, còn có tiền dụm dành. Ông nhà tôi bảo, thằng út đang nhon góp vừa học vừa làm thêm, khi đủ khả năng sẽ về nâng cấp quán nước của ông bà lên chỉnh mỉnh, đủ bàn ghế cho cả một hội nghị cấp thôn. Mình thấy nó có chí hướng, thân già cũng vui và lấy đó làm động lực”.
Hớp ngụm trà, thứ chè do chính hắn trồng, lựa búp hái và sao… Hắn nói không biết có thật, thứ nước hắn dùng để hãm được hắn chắt lọc từ sương mai trong những búp sen trong đầm tạo vị riêng khó lẫn. Mà quả thật, thưởng trà mới thấy vị ngon đến lạ! Mới nhấp thì có vị hơi đắng nhưng càng chép miệng, dư vị ngọt dần. Tôi hỏi, hắn bảo bí kíp. Hắn bảo... bất truyền, rồi cười sặc bảo, muốn thưởng trà thì về với bạn nha nhà báo!... Đang bực vì hớ và lời mỉa của hắn, tiếng gọi từ xa vọng lại. - Thằng nhà báo về lâu chưa?! - Tôi nhổm khỏi ghế ngó, xa là ông Lường Kế Bảo, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phượng Ngô. Ông có cậu con trai lắm tài, lắm vẹo chính là thằng bạn trước mặt của tôi. 
- Dạ! cháu mới về! Bác khỏe chứ ạ?
Lệ ngày nào cũng vậy, xong việc thôn, việc xã ông Bí thư chi bộ lại ghé ra đồng tôm với cậu con trai. Vừa để phụ giúp, vừa để hàn huyên những việc làng, việc tổng. “Khổ! Tính ông là thế! Nhiều khi việc đâu đâu của thôn, ông cũng kể, cũng lôi về kể như chuyện gia đình. Rồi phải nghe, phải hiểu, phải tranh luận. Tranh luận không đúng chủ đề, ông lại trách bảo mình bất hiếu” - Duẩn kể khổ.
- À, tiện ông nội cu lớn kể cho bạn con nghe việc làng, việc thôn hiến đất làm đường, nhà mình được tuyên dương hiến 130m2 lên loa xã ấy. Tính ra cũng một suất đất, ngót tỉ bạc chứ chơi! Nhưng vì lợi ích chung của mình, của thôn, có đường rộng, đường khang trang, giá đất nâng lên… đâu lại vào đó! Hắn vừa đề nghị lại vừa phân tích. Đúng mạch cụ vừa họp chi bộ thôn xong, rít xong hơi thuốc lào, cụ Bảo một lèo: “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và hợp lòng dân. Riêng thôn Phượng Ngô, được đánh giá là thôn đi đầu trong các phong trào thi đua, như hiến đất làm đường, phát triển kinh tế. Cả thôn có diện tích 120 ha, trong đó có 84 ha đất nông nghiệp, 30 ha đất nuôi trồng thủy sản, còn lại là đất phi nông nghiệp. Đời sống của người dân được nâng lên khi nguồn lao động của thôn đa phần đang làm công nhân trong công ty may mặc, hoặc xuất khẩu lao động. Số còn lại tham gia sản xuất tại địa phương chủ yếu sản xuất trên đất 2 lúa, đất màu, làm rau sạch, hoa quả, nuôi trồng thủy sản... Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm. Cả thôn chỉ còn 11 hộ cận nghèo và 3 hộ nghèo. Phượng Ngô cũng đang phấn đấu cuối năm 2020 này không còn hộ nghèo và đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu”…
*
Trời nhá nhem, hắn bảo ra ao lấy tia kéo mớ tôm sú, vào nướng than làm vài ly. Hắn thì thầm: “Tao gọi em Lan của mày sang nhậu cùng rồi. Sướng nhé!”. Tôi hoảng, “Ấy chớ! em nó có gia đình rồi, mình cũng vậy! Tế nhị ông ơi!”. Lan như trên tôi đã nhắc, cô bé nhà kế bên thằng bạn vàng kém tôi hai tuổi. Em có nét đẹp rất riêng, nhẹ nhàng, hồn hậu. Lần nào cũng vậy, cái gật đầu rồi lẽo đẽo về quê hắn mỗi dịp cuối tuần, cuối tháng xin gạo, xin tiền bố mẹ… cũng xuất phát từ đó. Lan chơi thân với hắn lắm, nhưng hắn bảo, vì thân quá nên chỉ có thể là bạn… Nhờ hắn mai mối, rồi những lá thư tay viết đi, viết lại. Chẳng rõ tự bao giờ, em với tôi cũng đã tâm tỏ, ý tường. Thậm chí có những lần về quê hắn cũng chẳng cần hắn mời! Về chớp nhoáng để bớt nhớ, rồi lại ra đất Hà thành lấy động lực học tiếp. Chuyện tình mới nhen nhóm ấy của tôi bị đứt quãng từ khi em vào đại học. Những lá thư thưa dần, rồi đùng một cái - như một quả bom thả vào tim tôi. Em đi du học, nghe đâu lập nghiệp, lập gia đình bên ấy. Chuyện tình nhạt nhưng đó là đầu đời của tôi…
- Nghĩ gì vậy cha tướng! Đùa ông thôi, em ấy lấy chồng bên xứ người rồi! Chi gì đã lịm đi thế!… Ái ngại, tôi xoay chủ đề hỏi, đầu tư đồng tôm này tốn kém không? - Hắn cười, hiểu và chấp nhận câu hỏi: Ngót nửa tỉ mày ạ, nhưng là đầu tư dần dần. Góc kia 8 sào ao tao nuôi cá, chủ yếu là cá trắm ốc. Góc kia hắn đang nuôi tôm thẻ chân trắng - 4 sào. Phần diện tích còn lại hắn đầu tư theo hứng là nuôi chim bồ câu (giống Pháp), nuôi gà đồi và trồng ươm lan…
- Mày học đâu lắm nghề thế?! - Hắn cười bảo, thất bại mãi mới có ngày nay, rồi cầm cái điện thoại vào Youtube gõ cụm từ “nuôi tôm theo hướng công nghệ cao” rồi chỉ: Đây mày, học từ đây, trên mạng… có tút! Về sau, trong câu chuyện với ông Lê Ngọc Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu mới rõ, hắn cũng được xếp vào “sách vàng” những thanh niên trẻ có ý chí, có mô hình kinh tế cho thu nhập điểm của xã. Theo lời vị chủ tịch, thì Hoằng Lưu có vốn đồng đất tới gần 200 ha nuôi trồng thủy sản. Dựa vào lợi thế nằm cận con sông Cung, con sông nối liền giữa sông Mã với sông Lạch Trường. Hai đầu sông lại có hình cánh cung nối với những con sông gần cửa biển nên rất hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản hai ven bờ.
 Trước đây, đa phần diện tích trên là bãi lầy ven sông chủ yếu cây dại mọc um tùm. Nhờ vận động, tuyên truyền ra rã người dân mới mạnh dạn chuyển đổi. Đương nhiên, để người dân đồng thuận phải có xây dựng những mô hình điểm, chuyển đổi cho thu nhập, dần dà tạo sự lan tỏa. Nhẩm, trong khoảng năm đến bảy năm trở lại đây, không chỉ riêng Hoằng Lưu, các xã có sông này đã biết tận dụng các vùng đất hoang để cải tạo thành những vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ có quy mô, có hiệu quả.  Thống kê xã Hoằng Lưu cho thấy, 5 năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản ven sông Cung của xã đã tăng thêm khoảng hơn 70 ha do nhiều vùng bãi lầy hoang hóa được cải tạo. Không chỉ diện tích ngoại đê, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả kinh tế vùng nội đê cũng được xã và huyện chủ trương chuyển đổi thành đất nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, toàn xã Hoằng Lưu đang có gần 200 ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó 50 ha ngoại đê và hơn 100 ha nội đê với 68 hộ gia đình có đồng thủy sản… Mỗi năm cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều chủ đầm đã mạnh dạn đầu tư lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm trong bể có mái che theo hướng công nghệ cao. Hiện cả xã có 9 doanh nghiệp, 2 HTX, 1 trang trại tập trung và 10 gia trại... đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Bên cạnh đó là việc tích tụ đất đai, xây dựng phát triển những vùng rau an toàn. Đáng kể, cây măng tây với nhiều khuyến khích. Gần đây, mô hình trồng cà rốt, khoai lang Nhật, ngô ngọt, có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện xã đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…
Từ tập trung phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã liên tục được nâng lên, tạo điều kiện cho nhân dân đóng góp nguồn lực, chung tay góp sức xây dựng các công trình hạ tầng. Theo con số thống kê mà vị chủ tịch xã Hoằng Lưu - Lê Ngọc Hạnh thông tin cho tôi biết thì, qua vận động, người dân đã tự nguyện hiến trên 50 nghìn m2 đất, tự phá dỡ hơn 5 nghìn mét tường rào, 200 cổng ngõ… mở rộng, nâng cấp hàng chục kilomet đường giao thông. Trong đó, có 8 tuyến liên xã - thôn, 5 tuyến kênh mương, tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Lắp mới 5,8 km đường điện sáng, trồng hàng trăm cây bóng mát các tuyến đường…  
-  Tôi có thắc mắc về nguồn đầu tư các công trình, hạ tầng. Hẳn không nhỏ? - Ông Hạnh phấn khởi cho hay: Tổng huy động nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới địa phương là 144.139 triệu đồng. Trong đó, hơn 37 tỷ từ ngân sách nhà nước; 28.500 triệu đồng vốn lồng ghép;  hơn 30 tỷ đồng vốn tín dụng; 3.500 triệu đồng vốn doanh nghiệp và hơn 44 tỷ đồng vốn nhân dân đóng góp. Trong đó có lẽ thuận lợi nhất với xã như lời ông Hạnh là thu từ đấu giá đất để đầu tư các hạng mục hạ tầng. Đắt có giá nhưng phong trào hiến đất lại lên cao nên diện mạo cũng như việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới của xã có những thuận lợi không phải xã nào cũng có.
*
Trở lại với đồng tôm của Duẩn. Sau những ly rượu, đêm đó 2 thằng gần như không ngủ. Hắn kể, hắn tâm sự chuyện đời hắn, những ước mơ, mục tiêu sắp tới. Còn tôi, tôi hứa với hắn lần sau về sẽ cùng vợ, cùng con. Và mai mốt, câu chuyện về xã hắn xây dựng Nông thôn mới tôi sẽ ghi lại đăng trên một số báo gần nhất.  
Trước khi bài báo lên trang, tôi có gọi cho anh Lê Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa. Đáng mừng khi ý định viết bài xây dựng Nông thôn mới ở Hoằng Lưu trùng với tâm ý của ông. Ông Quang đề nghị: “Viết về Hoằng Lưu xây dựng Nông thôn mới là chuẩn. Huyện mình vừa đạt huyện Nông thôn mới. Giờ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại các xã đang được huyện chú tâm. Hoằng Lưu là xã nổi bật, không gì thay đổi cuối 2020 xã sẽ đạt tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao”. 
Ông Quang nhấn mạnh và đồng tình với những cách làm hay, sáng tạo của xã. Ông cho rằng: “Đây là “điểm sáng” của huyện cần phải tuyên truyền. Hy vọng qua bài viết, sẽ là cơ sở để những xã khác trên địa bàn tiếp thu, học tập, sớm hoàn thành xã Nông thôn mới nâng cao tiến tới xã Nông thôn mới kiểu mẫu”…
            

Đ.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 55
 Hôm nay: 166
 Tổng số truy cập: 9242333
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa