Bước chuyển động của quê hương (Bút ký dự thi) - Phạm Văn Dũng
Khi xem xong phóng sự của các bạn phóng viên trẻ đài truyền hình Thanh Hóa phản ánh về làng nghề rèn Tất Tác xã Tiến Lộc quê tôi. Bấy giờ, tôi mới thấy mình thật có lỗi với quê hương. Bởi chính mảnh đất này là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên được ngụp lặn trên những dòng sông yêu thương ấy. Cái đẹp, cái yêu kiều của quê hương tôi đã thấy nhiều rồi, vậy mà sao lại khó thốt nên lời đến thế. Nhưng cái đáng tự hào của quê tôi lại không phải là vẻ đẹp của một bức tranh thủy mạc về đồng ruộng, đồi núi, nhà cửa, dòng sông hay cây xanh ngút ngát. Mà cái đáng tự hào trong mỗi người con xã Tiến Lộc lại là nghề rèn truyền thống của quê hương. Các bạn sống ở phố thị quen với mỗi sáng mai với tiếng chuông của các chị lao công giục ra đổ rác, quen với tiếng rao của mấy bà bán hàng rong cho khách quen mua sáng, quen với tiếng còi xe bíp bìm bịp trên đường…Với tôi, sống ở làng quê này lại quen với tiếng cành cạch của những nhát búa đập vang tai lúc khoan lúc nhặt.
Xã Tiến Lộc quê tôi có tổng 5 làng: làng Xuân Hội, làng Bùi, làng Sơn, làng Ngọ, làng Thị Trang. Nhưng nghề rèn chiếm số đông lại thuộc về 3 làng: Bùi, Sơn, Ngọ. Các bạn phóng viên trẻ xây dựng những thước phim cho phóng sự truyền hình chủ yếu xoáy sâu về nghề rèn ở làng Ngọ. Cũng đúng thôi, vì nơi đây nghề rèn được khởi phát. Theo lịch sử truyền lại thì cách đây ba, bốn trăm năm có một chàng trai từ xa đi kinh lý qua làng thì dừng chân nghỉ ngơi, uống nước. Thấy dân tình sống chuyên nghề nông mà cái cuốc, cái cào trơ lì, rỉ ghét. Chàng trai vốn có nghề rèn được cha ông truyền lại, suy nghĩ trong giây lát anh liền quyết định ở lại trong ít ngày để hướng dẫn cho bà con cách làm ra con dao, cái cào, cái cuốc… Nhưng khởi nghiệp đâu có dễ thuận buồm xuôi gió: từ vật dụng, nguyên liệu đâu phải như bây giờ để mà chỉ một chốc, một lát là có thể tìm ra ngay được. Từ khi có ý định đến khi xây xong mô hình và cho ra được mẻ sản phẩm đầu tiên là mất cả hàng năm trời chứ chẳng ít. Vậy là từ 3, 4 người thợ lành nghề ban đầu, chẳng bao lâu con số được tăng theo cấp số nhân và cái làng ấy có tên là làng nghề rèn Tất Tác. Chính người truyền nghề ấy, khi mất đi được nhân dân trong làng suy tôn làm thành hoàng để được bà con nhang khói quanh năm tỏ lòng công đức. Cái nghề truyền thống ấy xưa kia chỉ có một làng, sau này bằng ý thức học hỏi mà nghề này đã lan sang hai làng bên cạnh là làng Sơn và làng Bùi.
Xưa kia nghề rèn còn rất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào sức người là chính. Vì vậy mà những năm 80 của thế kỷ XX khi tôi cắp sách tới trường, mình cứ mãi yêu mến bài thơ “Thợ rèn” của nhà thơ Khánh Nguyên đến thế: “Giữa trăm nghề, làm nghề thợ rèn - Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi - Suốt tám giờ chân than mặt bụi - Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/ Làm thợ rèn mùa hè có nực - Quai một trận nước tu ừng ực - Hai vai trần bóng nhẫy mồ hôi - Cũng có khi thấy thở qua tai/ Làm thợ rèn vui như diễn kịch - Râu bằng than mọc lên bằng thích - Nghịch ở đây già trẻ như nhau - Nên nụ cười nào có tắt đâu”. Cái giá trị cốt lõi của bài thơ là ngợi ca tinh thần hăng say lao động; không quản ngại, quản khó, không sợ nỗi nhọc nhằn. Mà trái lại luôn lạc quan, tươi vui. Quả đúng thế thật. Lúc bấy giờ nhà tôi ở cạnh nhà ông Phác, chủ của một lò rèn. Vào mùa đông với cái rét lạnh thấu tim gan mà ông còn đánh trần nữa là cái nắng dữ dội của mùa hè thì ông làm sao chịu nổi. Lúc bấy giờ một người muốn đứng cái để mở lò là phải kèm theo ít nhất 2 thợ bạn và một người quay bể (quạt lò than). Người thợ cả ngồi gần bếp, nung sắt và điều khiển bằng búa con. Khi ông đánh vào vị trí nào của thanh sắt trên đe thì 2 người thợ bạn cứ thế mà đánh theo. Nếu đánh trật tức thì thanh sắt sẽ văng vào mặt ngay. Hai người thợ bạn dùng búa tạ để quai, bặm môi dùng hết sức lực ban đầu để làm dẹt thanh sắt. Khi thành hình con dao, cái liềm, cái cuốc và đồng thời sắt cũng đã nguội dần đi thì hạ búa đánh nhịp nhàng theo ông chủ. Tiếng búa phát ra sau một màn trình diễn của một bếp lò cũng phải có nhạc điệu bổng trầm, du dương và vui tai lắm đấy. Tôi ví dụ, tiếng búa tạ là “cạch”, tiếng búa con là “ki”, âm thanh phát ra của một màn sẽ là: cạch ki cạch, cạch ki cạch ki cạch ki cạch, cạch cạch (trở bên) tiếp tục như vậy. Làm nghề thợ rèn có rất nhiều cái khỏe: làm khỏe, ăn khỏe, uống khỏe, ngủ khỏe, nói khỏe… Nghĩa là trong một ngày theo luật lao động sẽ làm trong 8 tiếng. Nhưng đối với nghề thợ rèn đã khó nhọc là thế mà quỹ thời gian 8 tiếng đâu có thực hiện nghiêm ngặt cho ngày nào. Tính chi li phải 10 đến 11 tiếng chứ chẳng chơi. Đối với mùa hè 3-4 giờ sáng đã nổi lửa và làm tận tới 10 giờ trưa, buổi chiều từ 14 giờ 30 đến 7 giờ tối. Mùa đông khung giờ được nghỉ trưa xích gần một chút và điểm khởi động của buổi sáng có thể bắt đầu từ 5 giờ, thường là như vậy. Tôi nói như thế là vì trong lò hẵng còn than còn sắt thì việc đánh rốn vài con dao, cái cuốc là lẽ thường tình. Đối với người thợ rèn cách đây 20 năm về trước họ thường phải hoàn thiện một sản phẩm trước khi đóng gói để đem ra thị trường. Từ đó họ phải chia ra các ngày làm việc cho thật hợp lý. Vài ngày đầu là dành cho việc làm dao mộc (mới ra hình thù sản phẩm). Trong vài ngày sau dành cho đàn, tôi, mài, liếc, tra cán. Riêng công đoạn mài cũng phải trải qua ít nhất 4-5 loại đá. Bước đầu là mài bở cho sáng bóng phần lưỡi và một phần ba thân con dao (viên đá ở công đoạn này thường mềm và người mài ở công đoạn này thường rất tốn sức). Tiếp đến là mài ve lưỡi, rồi đến gại, đến liếc. Các viên đá cứ chôn chặt một phần ba xuống đất và được xếp theo thứ tự lần lượt bên nhau. Ở mỗi công đoạn chất đá thường rắn hơn một chút, vì vậy mà độ mòn, độ lõm của mỗi viên đá cũng khác nhau qua thời gian. Viên đầu tiên đến viên cuối giống như bậc nhà leo cao dần và việc thay thế cũng lần lượt như vậy.
Giữa thời buổi thóc cao gạo kém, người thợ rèn quai búa mỗi ngày kiếm cho vợ con dăm sáu bơ gạo là cả niềm hạnh phúc vô bờ. Mọi thứ đều được quy đổi bằng vật chất. Nếu lấy gạo thì bà chủ lò rèn đi đong, nếu lấy khoai, sắn thì bà chủ đi mua về để phân phối. Vậy là công thợ phải được thanh toán trong ngày. Nếu lệch lạc thợ bạn sẽ bỏ ngay đi tìm chủ mới. Vậy là, trọng trách đặt lên vai thợ cả khá cao. Anh vừa phải có vốn để đi mua nguyên vật liệu, có vốn để trả cho công thợ hàng ngày, có vốn để khách hàng lấy sản phẩm còn phải găm nợ ít nhất vài ba tuần. Đó là cả bài toán để cho anh nào có gan mới dám mở lò để hành nghề được.
Vào những ngày hè nóng nực, tôi thấy ông Phác - chủ lò rèn nhà bên người cứ ròng ròng mồ hôi trông thảm thương lắm. Suốt ngày rát mặt nên cái cục tức trong người cũng dần đẩy lên cao. Hễ có anh thợ bạn nào, hoặc người quay bể mà lệch ý là ông sẵn sàng mắng mỏ sa sả ngay. Cứ rèn vài đũa ông lại nhảy qua lò chạy đến giếng khơi múc vài gầu dội từ đầu đến chân cho hạ đi cái hỏa đang bốc lên ngùn ngụt. Bọn trẻ chúng tôi cứ chiều đến đi chăn trâu, chăn bò qua nhà bắt được con rắn, con lươn, con ếch mang vào chìa cho ông coi thì đều được ông thu mua ngay lập tức. Có những hôm, con vật đang vùng vẫy, cựa quậy ông bèn túm cổ lấy kìm cắp ngang thân đút ngay vào lò than rực lửa. Nhìn thấy con vật quằn quại mà những đứa trẻ chúng tôi rùng mình sợ hãi. Chỉ ít phút, con vật vàng suộm, thơm lừng. Ông đem ra thớt lấy dao cạo nhanh lớp vảy bên ngoài chặt thành từng khúc rồi chạy nhanh vào nhà lấy ra chai rượu cùng với ít nước mắm. Thế là cả chủ và tớ dành ra ít phút thưởng ngoạn thật đê mê.
Thời buổi ấy nghề rèn làm ăn kiểu manh mún. Không theo một lộ trình, một dây chuyền nào cả. Mạnh ai người đó làm. Hàng của ai đẹp và giá cả hợp lý thì được người tiêu dùng chưng mua. Phương tiện đi lại thì khó khăn. Muốn xuất hàng đi xa phải chờ hàng tuần trời mới có xe chung chuyển. Khi làm thì các công đoạn phải nhịp nhàng từ khi lên khuôn cho đến khi hoàn chỉnh một sản phẩm để người mua chỉ việc mang về dùng. Đến thời điểm bây giờ đã khác. Tôi nhớ cách đây khoảng trên 20 năm làng tôi đã bắt đầu có người mua búa máy. Từ năm 1996,1997 anh Lan, anh Xuân, anh Vinh là những người thức thời mua búa máy về dùng. Trong khoảng 3- 4 năm sau con số búa máy của làng đã tăng lên đến chóng mặt. Vậy là những người đi làm thuê nay về gia đình cũng trở thành ông chủ. Từ khi có búa máy đã giải phóng sức lao động đi khá nhiều. Năng suất lao động lại tăng gấp bội lần. Xưa kia mỗi một lò rèn ngày làm ra được vài ba chục con dao là cả một kỳ tích. Vài ba chục ấy lại chia cho 4 nhân công thì mỗi người cũng chỉ được 7-8 con. Bây giờ thì đã khác nhiều. Chỉ một người ngồi lò từ sáng sớm tinh mơ đến chiều muộn, nếu cần mẫn ít đứng lên ngồi xuống, ít dong ra lượn vào, ít chè cháo thuốc lào vặt thì phải đạt cỡ trên trăm con dao là bình thường. Hơn nữa, nghề thợ rèn không còn kiểu làm ăn manh mún như xưa. Giờ đây như đã được chuyên môn hóa và làm theo kiểu dây chuyền. Ai làm kiểu dáng gì thì cứ thế làm và cũng không còn phải hoàn thiện từ đầu đến cuối một sản phẩm như trước đây nữa. Các công đoạn hoàn thiện được phân chia thành nhiều mảng. Rèn mộc (rèn thô) dành cho những anh có vốn để đầu tư búa máy, đầu tư nguyên vật liệu và vốn găm ở các ông chủ kinh doanh chưa tiêu thụ xong sản phẩm để gửi tiền về. Công đoạn hoàn thiện dành cho những người có điều kiện kinh tế, sức khỏe kém hơn. Vì đồng tiền chi trả cho người hoàn thiện được tính theo số lượng và với một mức chi trả khá khiêm tốn. Nếu ai chăm chỉ, cần cù thì mỗi ngày cũng kiếm được đôi trăm. Mỗi đầu sản phẩm tầm được năm ngàn đồng. Công suất, sự khéo tay và tính chịu khó tùy thuộc vào từng người. Nhưng qua tìm hiểu những người làm việc có hiệu quả nhất thì mỗi một ngày cũng chỉ hoàn chỉnh tầm được 50 sản phẩm là tối đa.
Nghề thợ rèn Tiến Lộc qua nắm bắt đã có mặt hầu khắp các tỉnh, thành trong nước. Nhưng tập trung đông nhất lại chủ yếu là các vùng miền nông thôn và vùng núi cao. Vì ở nơi đây họ mới có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm là dao, cuốc, cào, liềm, thuổng, xẻng, kiềng, bánh lồng, cưa, kéo, dùi, đục, đe, búa… Riêng mỗi chủng loại này cũng có tới 5- 7 kiểu loại khác nhau, chủ yếu là khác nhau về kích cỡ và kiểu dáng. Các sản phẩm này chủ yếu gắn với nghề nông, lâm, ngư nghiệp và giờ đây có thêm nghề thủ công nghiệp cũng đang rất thịnh hành, nhu cầu cần đồ nghề cũng rất lớn. Chả thế mà, với lượng sản phẩm mỗi ngày ra đời của cả xã phải chất đầy 5 xe container mới hết. Khối lượng khủng khiếp là thế mà vẫn cứ thấy các chủ thợ rèn ít có ngày được ngơi tay. Trong những năm gần đây, mặt hàng này không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn mở rộng thị trường, mở rộng thương hiệu đến tận các nước trong khu vực của chúng ta, như: Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc…Việc xuất khẩu thuận tiện bởi nhiều lý do, nhưng tựu chung là rẻ, bền, tiện ích. Riêng về phần thẩm mỹ ta không thể bằng sản phẩm của các nước bạn được, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng độ chắc và kiểu dáng thì lại hết sức phong phú, sử dụng linh hoạt trên nhiều công việc nên đầu ra của ta đã có được sự cạnh tranh.
Quê hương Tiến Lộc, nhờ có nghề rèn mà nhiều năm qua đã có sự thay da đổi thịt. Mức thu nhập bình quân hàng tháng đứng trong top đầu của huyện. Nguồn nhân công, lực lượng lao động chia khắp cho các độ tuổi. Từ 10 tuổi trở lên đều có thể giúp gia đình một vài việc ở các công đoạn của nghề thợ rèn. Vì vậy mà kinh tế ở các hộ gia đình là khá đồng đều. Chả thế mà giá đất mặt đường khi nhà nước có chủ trưởng quy hoạch thành đất ở, lúc đấu giá mức khởi điểm chỉ là ba, bốn trăm triệu, nhưng đến áp chót lên cả tỷ đồng. Thế mới biết nhiều đại gia thợ rèn họ nhiều tiền lắm. Khi làm thì hết mình, khi chơi cũng không đắn đo, suy nghĩ. Trong giới của họ cũng đã thành lập ra nhiều tổ chức, nhiều câu lạc bộ. Chủ yếu để hướng tới việc làm giàu, làm đẹp cho quê hương.
Trong hơn mười năm trở lại đây, bộ mặt các làng rèn ở xã Tiến Lộc đã đổi thay đến chóng mặt. Nhiều khu nhà cao tầng, nhiều xưởng sản xuất làm ăn đã khiến cho bức tranh làng quê trở nên sáng đẹp. Từ năm 2005, xã Tiến Lộc đã hình thành nên một làng rèn trên nền đất ruộng cỡ vài ha. Giờ đây có khoảng hơn 50 hộ gia đình đăng ký đến làm xưởng sản xuất. Với không khí nhộn nhịp của các chuyến xe ô tô chở hàng hóa và nguyên vật liệu ra vào đủ thấy sức làm ăn ở nơi đây đang phất lên như thế nào và mức thu nhập của ông chủ các xưởng làm ăn lớn đã phát đạt ra làm sao. Từ không khí làm ăn, đến lối suy nghĩ, điều kiện sống đã góp phần làm nên một bộ mặt văn minh ở xã Tiến Lộc, đã cho tôi niềm tự hào vô bờ bến về quê hương mình. Dẫu chưa phải là hình mẫu của tỉnh trong thời gian này, nhưng tôi tin trong một thời gian ngắn không bao xa, chính vùng đất này sẽ góp nên một bộ mặt tươi sáng cho huyện Hậu lộc nói riêng, cho xứ Thanh ta nói chung là điều không hề viễn tưởng.
P.V.D