Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Sức sống nội sinh từ một phong trào (Ký dự thi) - Nguyễn Xuân Long
Sức sống nội sinh từ một phong trào (Ký dự thi) - Nguyễn Xuân Long

Hôm nay một ngày đẹp trời, tôi cùng chiếc xe đạp cà tàng đã gắn bó với nhau mấy chục năm thong thả lượn vòng quanh xã để cảm nhận đầy đủ hơn diện mạo của một làng quê đang từng bước khởi sắc, cảm nhận sức sống nội sinh mãnh liệt của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đang vận động mạnh mẽ trên quê hương anh hùng. Đi trên những con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu, dưới những ngôi nhà khang trang, bề thế hay trên cánh đồng bát ngát, lúa, ngô đang thì con gái xanh mầu mát mắt, mương máng được kiên cố dọc ngang mới thấy hết lợi ích vô cùng to lớn, sức lan toả sâu rộng của chương trình xây dựng quê hương hướng đến mục tiêu "gia đình kiểu mẫu, làng xã kiểu mẫu, tỉnh kiểu mẫu". 
Hoằng Kim một xã thuần nông nằm ở phía Bắc của huyện Hoằng Hóa, đất chật người đông, phần lớn là những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thu nhập bấp bênh, không ổn định, những năm trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (trước năm 2000). Công bằng, khách quan, nghiêm túc mà nhìn nhận, đánh giá thì Hoằng Kim vẫn là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng chắp vá, không cái nào dính với cái nào, lổm ngổm, không đồng bộ. Cả xã làm được 3 đến 5 km đường giao thông thôn xóm và kênh mương nội đồng từ thời phong trào xây dựng làng văn hoá đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại khó khăn, tưới tiêu bất cập, hộ nghèo chiếm tỷ lệ xấp xỉ 25% tổng số hộ trong toàn xã, chưa nói đến hộ cận nghèo, năng xuất lúa, mầu thấp, thu nhập bình quân đầu người còn lâu mới đạt tới mốc 10 triệu đồng trên năm, nhiều nhà ở của hộ dân là cấp 4, nhà tạm, đời sống vật chất đã thế, đời sống văn hoá tinh thần thì ngổn ngang trăm mối… Chưa ai kể cả lãnh đạo dám nói tới cây con có năng xuất, chất lượng, hiệu quả cao, điện đường trường trạm làm sao đã đặt vấn đề, lấy đâu ra "sáng, xanh, sạch, đẹp". Hoằng Kim luôn tự hào là xã có truyền thống cách mạng kiên cường có nhiều đóng góp sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành tự do, độc lập đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Được Đảng, Nhà nước phong tặng phần thưởng cao quý danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Kim tiến hành thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đạt được những kết quả bước đầu khá cơ bản trên các mặt kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định đây là cuộc hồi sinh ngoạn mục, nội lực thực sự được bật dậy, bứt phá từ năm 2000 đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần nông nghiệp. 
Thực hiện chỉ thị 14 và 15 của BCH Huyện uỷ về xây dựng vùng thâm canh lúa có năng xuất chất lượng cao, đổi điền dồn thửa lần hai chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn tất, phát triển tiểu thủ công nghiệp tăng 13 đến 15% so với trước năm 2000, kết cấu cơ sở hạ tầng xây dựng cơ bản từng bước được đẩy mạnh kinh phí thực hiện xây trường học, kiên cố hoá kênh mương đạt trên 7 tỉ đồng, văn hoá xã hội từng bước tiến bộ với những bước đi chắc chắn hộ nghèo từ chỗ 25% nay chỉ còn 12%. Sau nhiều năm bền bỉ phấn đấu với những chủ chương, quyết sách đúng đắn phù hợp đã tạo được tiếng nói chung, sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ chỗ ra rả tuyên truyền, giải thích, thành lập các đoàn, hội, đội vận động thậm chí là cưỡng chế đã thay đổi căn bản về nhận thức, về suy nghĩ của mỗi người dân, tính tự giác cao hơn, tình làng nghĩa xóm tốt hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn. Tôi cứ nghĩ trên nền tảng này bước vào xây dựng nông mới sẽ dễ dàng nhưng không hẳn như vậy: điểm xuất phát thấp, người dân mới rảnh rang chưa được bao lâu, nguồn lực cho thực hiện chương trình không hề nhỏ. Xây dựng nông thôn mới từ đâu? Không phải chỉ có người dân mà một số cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Tìm hiểu vấn đề này tôi được cô Khương Thị Thu cán bộ công chức ngân sách xã cho biết "Vốn đầu tư, hỗ trợ của ngân sách nhà nước bao gồm cả huyện, tỉnh, Trung ương chỉ chiếm 3,8%, còn trên 90% phải dựa vào sức dân, và ngân sách xã". Chao ôi! Như vậy bảo không khó khăn, không gian nan, vất vả sao được. 
Đầu năm 2011 khi tiết xuân còn phơi phới, hương xuân, vị tết vẫn đang ngọt ngào ở từng làng, từng nhà. Ban chấp hành Đảng bộ xã tổ chức hội nghị quán triệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Cấp uỷ, chính quyền, ban ngành các cấp đến toàn thể cán bộ đảng viên. Nêu rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời lựa chọn một cách khoa học sát với thực tế địa phương những nội dung, những việc cần ưu tiên trước, làm cơ sở để cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị và nhân dân trong xã thực hiện. Để Chương trình xây dựng Nông thôn mới thực sự đi vào đời sống nhân dân, bám rễ ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân, thành nguồn cảm hứng đồng thuận cao một loạt các chủ trương, chương trình hành động cụ thể đã được triển khai với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú: Tổ chức hội thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới thông qua hội diễn văn nghệ của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, lồng ghép qua các hội nghị, khẩu hiệu Pano, áp phích tuyên truyền, kể cả những khẩu hiệu được viết trên tường dọc các đường cái lớn, ngã ba, ngã tư khá nổi bật. Nhưng không phải vì thế mà công việc tiến hành trôi chảy, thuận lợi bởi vì nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới đa phần huy động sức dân đóng góp trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vậy mới nói, xây dựng Nông thôn mới không phải cán bộ cứ đứng hô hào khẩu hiệu là xong, càng không thể đem nội dung của Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch của Đảng ủy, Ủy ban đọc trên loa, viết lên tường mà dân tin, dân theo ngay được. Tôi còn nhớ khi thực hiện phong trào "Tam nông" một ngõ xóm chỉ mươi nóc nhà họp bàn làm đường bê tông mà cũng đã trên ba, bốn nhóm ý kiến, nhóm nào cũng cho phương án của mình là đúng, là hay, hợp lý, tính khả thi cao, thành thử kết thúc cuộc họp mà chẳng thể quyết định được vấn đề cần làm, khi tiến hành xây dựng nông thôn mới xã chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. 
Với quyết tâm cao, tích cực, chủ động, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai cụ thể đến từng thôn lấy ý kiến của nhân dân bổ sung vào kế hoạch, phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức, chung tay xây dựng nông thôn mới" gắn kết chặt chẽ với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Mặt khác Cấp uỷ, chính quyền trong những việc làm ưu tiên tìm ra điểm đột phá, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sắn tay áo cùng làm với dân nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Toàn xã như một công trường, đâu đâu cũng thấy người ta bàn về xây dựng nông thôn mới, thôn nào cũng phá cũng xây. Thiết nghĩ việc nhân dân còn chần chừ chưa tham gia ở một số tiêu chí không phải nhân dân chống đối, không muốn làm đẹp cho thôn quê mà cái chính là họ chưa hiểu ra vấn đề. Trong kháng chiến họ không tiếc máu xương, lẽ nào bây giờ làm đẹp xóm, đẹp làng mà lại không ưng, không đồng tình ủng hộ. Thế rồi những cuộc luận bàn sôi nổi, những cuộc đấu khẩu, gay gắt cũng qua đi, cái gì đến thì cũng sẽ đến, việc cần làm vẫn phải làm vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, mọi người đều thống nhất như thế. Không một ai thắc mắc nghi ngờ nhưng cái quan trọng bậc nhất, đau đầu nhất là ở nguồn vốn, chủ yếu huy động sức dân, ở túi tiền của mỗi người dân, để có nguồn lực thực hiện chương trình mỗi nhân khẩu đóng góp một số tiền không nhỏ so với thu nhập của họ. Làm thế nào để người dân tự nguyện đóng góp để chỉnh trang mương máng đồng ruộng, điện, đường, trường, trạm, hay sáng, xanh, sạch, đẹp của công cuộc xây dựng nông thôn mới? Để cụ thể hóa chủ trương thành thực tiễn, dưới sự chỉ đạo của BCH Đảng bộ xã với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ". 12/12 thôn trong xã triển khai đồng loạt cuộc vận động "chung sức, chung tay" đi từng ngõ, gõ từng nhà, xây dựng các nhân tố điển hình, tích cực làm nòng cốt, mở chuyên mục "nông thôn mới địa phương" phát thanh hàng ngày trên đài truyền thanh và nhiều hình thức linh hoạt sinh động khác như đảng viên đi trước làng nước theo sau, mỗi hội viên là một tuyên truyền viên tốt... Tập trung giúp đỡ các thôn mà trong khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là những thôn mặt bằng xây dựng hạn chế, phải di dời tường rào, nhà bếp, công trình phụ, lấp ao vv… Chính từ những việc làm có cân nhắc "khoan thư sức dân" từng bước một, đến công trình nào tổ chức họp bàn, triển khai công trình ấy mà việc huy động nguồn vốn đã dần dần ổn định "Xuôi chèo mát mái". Người dân từ chỗ thờ ơ xem như việc của nhà nước không phải việc nhà mình đã đi đến tham gia một cách tự nguyện, phấn khởi, mức huy động ngày càng nhanh chóng, thuận lợi. Thế mới nói khi lòng dân đã thuận, đã đồng tình hưởng ứng, thì khó vạn lần cũng xong. 
Sau hơn 7 năm chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân, thực hiện triệt để quy chế dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” từ lời nói đến việc làm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Hoằng Kim đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, tự hào: Tốc độ phát triển kinh tế luôn đạt mức 19%, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 15 triệu năm 2010 lên 46,7 triệu năm 2018 và dự kiến năm 2025 sẽ là 70 triệu/ người/ năm. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ chuyển động theo hướng tích cực, ngày càng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện rõ rệt và từng bước nâng cao, đời sống văn hoá tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới những năm qua lên tới 130,219 tỷ đồng, trong đó giá trị huy động từ sức dân chiếm 71,13%, đã đổ bê tông 43km đường liên thôn liên xóm, cống rãnh thoát nước có nắp đậy, 21km đường giao thông nội đồng và kênh mương được kiên cố hoá, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hoá thôn, nhà ở khu dân cư, các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư làm mới, cải tạo, chỉnh trang đạt tiêu chuẩn theo quy định. Môi trường sinh thái từng bước được bảo đảm. 
Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, thơm ngát hương sen, hoa phượng nở đỏ rực cả một vùng trời cũng là lúc xã Hoằng Kim long trọng tổ chức lễ công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong niềm vui hân hoan, phấn khởi, dạt dào niềm tin yêu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã. Đây là đóa hoa có ý nghĩa nhất, thành kính nhất dâng lên báo công với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Người luôn dành cho Thanh Hoá những tình cảm yêu thương và mong muốn tỉnh Thanh trở thành tỉnh kiểu mẫu, để có tỉnh kiểu mẫu thì trước tiên phải có con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, làng xã kiểu mẫu, hôm nay Hoằng Kim đã đi được đoạn đường đầu. Với quyết tâm cao từ sức mạnh nội sinh, rồi đây Hoằng Kim không chỉ là một xã anh hùng trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc mà sẽ là một xã anh hùng trong lao động thời kỳ đổi mới, một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Điều đó được thể hiện rõ trong lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Đạo chủ tịch ủy ban nhân dân xã “hiện tại xã đã về đích nông thôn mới nhưng điều đó không có nghĩa là phong trào xây dựng nông thôn mới kết thúc mà phải luôn duy trì và thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Tuy đã đạt 19/19 tiêu chí, xong còn rất nhiều việc phải làm, thực tế đòi hỏi còn rất nhiều nhiệm vụ phải cố gắng hoàn thành và hoàn thành thật tốt mới có thể xây dựng Hoằng Kim thành một xã kiểu mẫu được. Xây dựng nông thôn mới vẫn là mối quan tâm hàng đầu của địa phương, đồng thời là kim chỉ nam cho các hoạt động khác, làm sao cho người dân có việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế luôn tăng trưởng và văn hoá được đủ đầy để bổ sung, làm bàn đạp cho các yếu tố chính trị khác...”. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo không những trước đây mà trong hôm nay và cả mai sau nữa. Đó sẽ là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định về chính trị, bảo đảm về an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái cả nước. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục của cấp uỷ Đảng, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân Hoằng Kim. Nghị quyết, quyết định, phương hướng, chủ trương hay là gì đi nữa mà không thể hiện thực hóa vào đời sống thì chỉ là mớ chữ nghĩa khô khan trên giấy. Để có những tuyến đường giao thông trong xóm, ngoài đồng phẳng phiu, thoáng mát đi lại thuận tiện, bảo đảm cơ giới hóa đồng bộ, những công trình khang trang bề thế, điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn các tiêu chí quốc gia, nhà cửa mang dáng dấp hiện đại, văn hóa làng xã được giữ gìn và phát huy là cả một sự nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất không chỉ của cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn là công cuộc của toàn dân cùng tham gia góp sức. 
Anh em công tác cùng nhau lâu năm, tôi biết đồng chí Bí thư Đảng bộ xã cũng áp lực lắm. Cấp nhà nước thứ tư, gần dân, sát dân rạch ròi chuyện dễ khó, khó dễ với dân đã không ít lần làm đau đầu người đứng đầu của một Đảng bộ xã nông thôn. Chiều cuối năm, những ngày giáp tết Kỷ Hợi, tôi cùng đồng chí Bí thư tản bộ trên con đường đã được bê tông hoá từ công sở ra khu đồng mà mới cách đây vài năm những thửa ruộng manh múi, như manh áo vá chằng, vá đụp bây giờ là những ô, thửa lớn sau khi "Dồn điền đổi thửa" lần 3, đủ sức cho máy cày, máy gặt vẫy vùng. Trong cái gió mơn man se se lạnh cuối đông, ngắm nhìn khu đồng bà con vừa cấy xong vụ đông xuân bằng mạ khay máy cấy tự động, tôi có ý tò mò: - Xây dựng nông thôn mới xong rồi, giờ các anh tính làm gì? - Còn rất nhiều việc phải làm, sau khi hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiếp theo sẽ là xây dựng nông thôn mới nâng cao rồi tiến lên nông thôn kiểu mẫu. Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát chứ làm gì có điểm kết thúc đâu anh. Và Hoằng Kim vẫn giữ quan điểm tiếp cận và triển khai chương trình như thời gian qua vừa phát huy dân chủ cơ sở, vừa đảm bảo kỹ cương, lấy người dân làm trung tâm, thà chậm mà chắc chứ không chạy đua không bền vững. Câu chuyện của tôi với đồng chí Bí thư trong chiều cuối năm cứ như không có điểm kết thúc, anh cởi mở chia sẻ với tôi nhiều ý tưởng, dự định, mong muốn không chỉ với tâm thế của một người đứng đầu Đảng bộ mà còn là nỗi niềm từ cái tâm, cái tình của một người Hoằng Kim. Nhưng có một chuyện cứ trở đi trở lại trong tâm tưởng tôi là câu chuyện về quy hoạch Thị trấn Sơn Trang đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Tôi cứ miên man suy nghĩ, mường tượng về vóc dáng của một thị trấn, khi dồn xã. Rồi nơi đây vùng đất đắc địa nối giữa rừng và biển, cây cầu vượt sông Mã, con đường vươn tới sân bay Thọ Xuân, đường tránh thành phố Thanh Hóa, quốc lộ 1A tiếp tục được nâng cấp và mở rộng… tất cả sẽ kết nối thông thương các vùng kinh tế trong tỉnh, trong huyện và cả thị trấn tương lai này nữa, sẽ nhộn nhịp, sầm uất và ồn ào lắm. Tôi mơ hồ nghĩ đến ông bạn già hay đánh cờ và nói chuyện trời biển với tôi, có lần tôi khoe với ông ấy được Đảng bộ xã tặng cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Kim, ông ấy bảo “ông và con cháu ông nhớ giữ cẩn thận, vài chục năm nữa cuốn sách ấy quý lắm đấy, giống như những gì liên quan đến Hà Tây ấy, giờ lại rất có giá trị nhiều người cứ cuống cuồng đi tìm…”.
            

N.X.L
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 86
 Hôm nay: 218
 Tổng số truy cập: 9242385
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa