Trở lại quý hương (Bút ký dự thi) - Lê Ngọc Minh
Tôi đã nhiều lần đến đất quý hương của nhà Nguyễn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, vốn là Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung xưa: Lần thì đến do công việc làm phim về Di tích lịch sử quốc gia Lăng miếu Triệu Tường; Lần thì do thích thú sau khi đọc được tập kỷ yếu Văn hóa Làng do Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa ấn hành từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, giới thiệu về bản hương ước độc đáo của Gia Miêu ngoại trang xuất hiện từ hàng trăm năm trước, trong đó có khoản mục quy định, trai đinh của làng, bất kể sang hèn, bất kể giàu nghèo, dù làm ăn gần xa nơi đâu, hàng năm ít nhất cũng phải một lần về dự lễ tế Thành hoàng hoặc dâng hương tại đình làng, nếu không sẽ bị phạt vạ. Thế mà vào năm Thiệu Trị thứ 9, không hiểu vì sao, nhà vua lại không xa giá về tế Thành hoàng, tế miếu tổ. Căn cứ vào hương ước, làng cử một đoàn gồm sáu mươi cụ bô lão đi bộ từ Gia Miêu vào kinh thành Huế trình lên đức vua bản hương ước. Nhà vua phải thân đến quán xá (nhà khách) thăm các cụ và tạ lỗi, vì bận việc nước mà ngài trót sao nhãng trách nhiệm “trai đinh”. Tạ rồi nhà vua cho thuê một người về Gia Miêu làm mõ sáu tháng để chuộc lỗi với làng; tôi còn có lần tự làm “hướng đạo” cho một người bạn đồng hương họ Nguyễn vào Nam lập nghiệp từ ba, bốn chục năm trước về quê, đến bái đất tổ của mình và chụp một tấm ảnh kỷ niệm tại đình làng Gia Miêu, ngôi đình không những nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh mà còn của cả nước. Còn lần này tôi đến địa linh Gia Miêu vì được biết xã Hà Long đã hoàn thành xong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn một và đang phấn đấu hoàn thành bước hai vào tháng 11 năm 2020 với những phương cách có nhiều tìm tòi, kiến tạo.
*
Nhờ sự giới thiệu của nhà văn Ngân Hằng, thư ký Tòa soạn Tạp chí Xứ Thanh, tôi đã làm quen được với Bí thư Huyện ủy Hà Trung, Trần Duy Bình bằng… phôn. Là người công việc, ông Bình giới thiệu tôi đến thẳng Đài Truyền thanh huyện. Đến đó không đầy năm phút sau, ông Đài trưởng đã cử anh Tuân, cán bộ của Đài, một thanh niên đẹp trai và lực lưỡng như cầu thủ bóng đá giữ hậu vệ khung thành đưa tôi về Hà Long. Trên đường đi, anh Tuân chỉ bằng vài cú điện thoại cho Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã sắp xếp xong việc “tiền trạm” cho nội dung buổi làm việc. Sau đó, như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp anh Tuân giới thiệu về địa chỉ quý hương, nơi chúng tôi đang đến. Theo anh Tuân, đất phát tích quý hương, nếu tính từ thời viễn tổ phải bắt đầu từ Thái bảo Quận công nhà hậu Lê, Nguyễn Công Duẩn. Ông Duẩn là một trong các hậu duệ của Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, Tể tướng nhà Đinh (968-980) ở kinh đô Hoa Lư, Đại Cồ Việt. Theo đó sau cuộc tranh đoạt quyền lực cung đình với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thất bại, Nguyễn Bặc bị giết, con cháu còn sót lại, chạy loạn tứ tán khắp nơi, trong đó một nhánh đến phía nam dãy Tam Điệp ẩn danh lập nghiệp tại Gia Miêu. Trải qua nhiều đời, một người nổi lên như một nhà cự phú là ông Nguyễn Công Duẩn, người được gọi là hào trưởng Gia Miêu ngoại trang. Trong buổi đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã hiến tặng cho nghĩa quân mười vạn hộc lượng, 350 thùng mắm và nhiều tấm vải. Ông được Bình Định Vương Lê Lợi giao cho trông coi việc lương thảo cho toàn quân. Khi đất nước khải hoàn, Nguyễn Công Duẩn được gia phong chức Thái bảo, đứng vào hàng công thần khai quốc của nhà Lê sơ. Con trai của quan Thái bảo là Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, người đã có công cùng một số đại thần như Nguyễn Xí, Đinh Liệt đưa Lê Thánh Tông lên ngôi báu sau khi phản tặc Nghi Dân bị phế truất vào năm 1460, và là bố vợ của nhà vua. Đó là phần khai mở viễn tổ, còn chính thức đất quý hương được tính từ Tĩnh vương Nguyễn Kim, thân phụ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người đã mở mang xứ Đàng Trong, lập ra triều Nguyễn, cả thời chúa lẫn thời vua cộng lại là 387 năm (từ 1558-1945). Câu chuyện của anh Tuân mạch lạc và nhiều thông tin đến nỗi, ông bạn doanh nhân Nguyễn Văn Huấn, người giúp tôi phương tiện đến Hà Long phải thốt lên: “Cảm ơn anh bạn trẻ, mình vốn dân họ Nguyễn càng nghe càng sướng cả cái bụng”…
*
Mất chừng hai mươi phút chúng tôi đã đến Hà Long, tại trụ sở Ủy ban xã đang có giao ban sơ kết Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn hai nhưng Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Thành và phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lê đã đứng sẵn ở thềm hội trường chờ chúng tôi.
Sau khi giới thiệu bức tổng quan về công tác Xây dựng nông thôn mới của Hà Long, anh Thành giao công việc còn lại cho anh Lê để tiếp tục buổi giao ban. Anh Lê cho gọi thêm một người mà anh cho là rất am hiểu từng bước triển khai các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của Hà Long trong suốt gần 10 năm, từ năm 2011 đến nay. Người đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Nguyễn Văn Hợi.
Anh Hợi trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 39. Với tác phong nhanh nhẹn và cách giao tiếp mộc mạc cởi mở, anh Hợi xin lỗi đã biết tinh thần buổi làm việc nhưng do bận tiếp đoàn cán bộ tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp đến làm thủ tục cho bà con vay vốn tín chấp nên không kịp gặp chúng tôi ngay từ đầu.
Nhân chuyện vay vốn ngân hàng, anh Hợi sôi nổi kể về việc Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho các hội viên vay vốn làm ăn đã nhiều năm, đặc biệt trong ba năm lại đây đã xây dựng thành nền nếp, giảm được nhiều thủ tục và thời gian, đồng vốn đến đúng địa chỉ cần vay, không có nợ xấu và uy tín của hội ngày càng tăng, được ghi nhận bằng kết quả, trong ba năm vừa qua, số hội viên đã tăng từ 724 lên 1230. Để làm được việc này, hội Nông dân xã đã luôn tổ chức các đợt tập huấn, giải thích cho bà con rõ rành, đồng vốn mà họ cần vay, ngân hàng phải huy động từ thị trường vốn, nghĩa là đi vay để cho vay chứ không phải của chùa. Thông rồi, bà con chấp nhận quy chế, hội Nông dân đứng ra tín chấp, mọi việc êm trôi, nề nếp, giải ngân, hoàn vốn, hoàn lãi đúng thời gian quy định…
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lê chen lời giới thiệu “trích ngang” của anh Hợi, theo đó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Long có thâm niên “phó rồi chánh” đã 13 năm, một người trưởng thành từ công tác Đoàn xã, sau chuyển sang công tác Hội Nông dân và đã theo học đại học, lấy được bằng kỹ sư trồng trọt của Trường Đại học Nông nghiệp. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Hợi có nhiều đóng góp cùng lãnh đạo và nhân dân Hà Long xây dựng được nhiều phong trào an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đưa cây giống vật nuôi vào đúng địa chỉ canh tác, khôi phục lại ngành nghề truyền thống tại các thôn làng. Đây là tác nhân rất quan trọng để làm nền móng cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Nhờ thế thu nhập bình quân của người dân tăng gấp 6,5 lần, tính từ năm 2011 và nay đang phấn đấu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới bước hai vào cuối năm 2020, với mục tiêu thu nhập bình quân 48 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2,3%; 65% lao động đã được qua đào tạo tay nghề; 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, 42% đường làng là “đường hoa”… Được hỏi, bí kíp nào để có được thành tựu như trên, anh Hợi nói ngay, đó là nhờ sức dân, là quyết kế hợp lòng dân và tầm nhìn viễn kiến khi thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Về tầm nhìn “viễn kiến”, anh Hợi kể, lãnh đạo xã đã chỉ đạo Hội Nông dân Hà Long mở sáu lớp tập huấn, mời các chuyên gia hàng đầu của các viện, các trường đại học chuyên ngành nông lâm từ Hà Nội, từ sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm giống cây trồng Thanh Hóa… về địa phương phổ biến kiến thức chăn nuôi trồng trọt và bảo vệ môi trường cho bà con hội viên. Điều thú vị là sau khi kết thúc mỗi lớp tập huấn, các nhà khoa học đều có câu chúc bà con canh tác nuôi trồng thành công liên quan đến thế mạnh truyền thống văn hóa lịch sử của đất quý hương.
Anh Hợi nhớ lại, trong một dịp vào công tác tại Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm khu di tích Miếu tổ Triệu Tường nhà Nguyễn và đình Gia Miêu. Sau khi làm công đức như một người con xa quê của họ Nguyễn về bái yết quý hương, đất tổ, Chủ tịch Quốc hội trò chuyện thân mật với các cụ phụ lão và đại diện ban quản lý dự án trùng tu đình Gia Miêu. Bà đề nghị mọi người, việc trùng tu đình Gia Miêu cần phải được tiến hành thật chu đáo, đúng thiết kế, đảm bảo độ bền vững cho hàng trăm năm sau, nếu phát sinh vốn ngoài dự kiến đầu tư như trượt giá, như bị kéo dài thời gian do rủi ro mưa bão, thiên tai… thì có thể huy động con em họ Nguyễn trong cả nước đóng góp công đức thêm.
Kể lại câu chuyện đó, anh Hợi liên hệ luôn với công việc thực tại. Đó là chuyện giải tỏa ba hộ dân phía trước mặt nam của đình Gia Miêu. Ba hộ này đã định cư tại vị trí này từ lâu, và đất ở của họ đang là những mảnh đất vàng bên lề con đường huyết mạch nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh. Lúc đầu cũng căng lắm nhưng rồi thuyết phục bằng sự đền bù hợp lý nhất có thể, bằng tầm quan trọng hướng nam mặt tiền ngồi đình thiêng hơn 200 năm tuổi, ngôi đình có kiến trúc độc đáo vào hạng bậc nhất không những của Xứ Thanh mà của cả nước, ba hộ dân đã đồng ý dời đến nơi đất mới.
Kể đến đây, anh Hợi có vẻ triết lý, theo anh, xây dựng nông thôn mới, ngoài cơ sở vật chất được tăng trưởng vấn đề cốt lõi là xây dựng được một nền nếp tư duy mới, đó là tư duy kiến tạo, đồng thuận để kiến tạo theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Anh Hợi nói cụ thể luôn về tiêu chí bảo vệ môi trường. Hà Long có nhiều diện tích đất trồng màu, nhu cầu phân bón vô cơ và các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh rất lớn. Trước đây sử dụng xong, bà con nông dân thường vứt bao bì xuống mương nước hoặc góc xó ruộng vườn. Vì thế, mỗi khi giông gió nổi lên, các phế liệu loại này bay loạn xạ trên đồng, tạt vào thôn làng, rải thảm trên các con đường…, vừa mất vệ sinh vừa cản trở giao thông; rồi khi mưa xuống thì rác đọng làm tắc cống, tắc mương, ô nhiễm nguồn nước, gây úng cục bộ. Hội Nông dân xã đã chủ động bố trí các thùng rác ở các vị trí thuận tiện để người làm đồng, sau khi sử dụng xong phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống… thì bỏ bao bì, vỏ bọc vào đó. Việc làm hợp lòng dân này có hiệu quả rất nhanh. Đến nay không những trên mọi cánh đồng mà ở các con đường làng đều có những thùng rác công cộng đặt ở vị trí tiện dụng. Nhờ thế mà tiêu chí bảo vệ môi trường của Hà Long đang được ghi nhận là điển hình trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới bước hai của huyện Hà Trung.
“Khi lòng dân đã đồng thuận bằng một tư duy kiến tạo, dân làm, dân hưởng thụ thì việc nan khó đến mấy cũng có thể vượt được - Anh Hợi kể tiếp - Mùa cưới sau tết vừa qua, cả xã có mười bảy đám cả thảy, trong đó phần lớn là rơi vào thời điểm đại dich Covid-19 đang rộ nhất, thế mà bà con đã thu xếp cho các đôi trẻ vui duyên mới an lành, không tập trung đông người cùng lúc nhưng vẫn thể hiện tính đoàn tụ họ hàng bằng cách quay các clip trao gửi để hai họ, người thân bạn bè cùng xem; bằng cách chia theo giờ giấc thăm mừng, hoặc gọi phôn chia vui và thực hiện việc rửa tay, sát trùng, đeo khẩu trang nghiêm cẩn. Những việc đó, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã đã kết hợp với từng đám cưới bàn bạc ngay từ đầu, ai ai cũng bằng lòng”.
*
Cũng sắp đến giờ nghỉ trưa, tôi đề nghị được ra dâng hương ở khu Lăng miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu. Đi qua phòng bà con đang làm thủ tục vay vốn, nếu không có tấm thẻ đề chức danh đeo trước ngực áo của các cán bộ ngân hàng thì khó nhận ra ai là dân, ai là quan, ai là “chủ nợ”, ai là “con nợ”. Người nông dân Hà Long thời ấm no đã ăn mặc đẹp, đã có phong thái giao tiếp bình đẳng, tự tin…
*
Trên con đường nhựa rộng rãi chạy từ quốc lộ 15 vào khu Lăng miếu Triệu Tường, nơi có hai vỉa “đường hoa”, trồng tuyền loại giống hoa quý mười giờ đỏ tươi, tôi nhìn thấy mấy cháu học sinh cấp 2 vừa tan học về, các cháu vừa đạp xe, vừa ăn kem rồi dừng xe bỏ vỏ giấy bọc vào cái thùng rác bên đường.
Việc tưởng nhỏ thôi nhưng tôi cứ nghĩ, “nó” đã khẳng định được một nét đẹp, một định hình ý thức trách nhiệm cộng đồng; khẳng định một tư duy mới đã đi vào cuộc sống trong thời kỳ công nghệ 4.0, tại Hà Long trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới bước hai của miền đất quý hương.
L.N.M