Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Sắc màu trên quê hương Nga Hải (Ký dự thi) - Thịnh Kiên
Sắc màu trên quê hương Nga Hải (Ký dự thi) - Thịnh Kiên

Nhận được thông tin về chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường THCS Nga Hải và đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, tôi gấp vội mấy bộ quân phục vào chiếc ba lô con cóc, hối hả vượt qua bao đèo dốc, núi rừng bồng bềnh mây trắng, về với quê hương Nga Hải, Nga Sơn, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cảm giác ê mỏi sau 6 tiếng đồng hồ di chuyển đã nhanh chóng dịu vơi khi Nga Hải hiện ra trước mắt tôi như một thiếu nữ xuân sắc trong tấm áo “nông thôn mới” mướt mát xanh tươi!
Tất cả hình dung về những con đường đất mấp mô, chật hẹp, những nếp nhà heo hút, đơn sơ từng ăn sâu trong tiềm thức khi tôi đi tắt qua cánh đồng từ xã Nga Yên về Nga Hải ngoắt ngoéo, nhọc nhằn năm nào đã hoàn toàn thay đổi khiến tôi ngỡ ngàng! Sự ngạc nhiên không chỉ bởi mùi hương từ đồng ruộng cứ vương vấn theo mỗi bước đi, trong màu xanh miên man của những cánh đồng trải dài tít tắp và màu đỏ vàng của hoa trái  lủng liểng trong nhà lưới, mà còn bởi những dãy nhà khang trang, những con đường bê tông bóng như trải ni lông với hai hàng cột điện sáng trưng bên đường. 
Sau hơn chục phút đi bộ tới nhà trưởng thôn Trung Tiến Mai Thế Bính, vì phải chờ khá lâu để trưởng thôn gói buộc ghế đá, cây cảnh cho cựu học sinh chở đi tặng trường THCS nhân dịp trường đón chuẩn nên tôi tranh thủ dạo quanh sân vườn, ngắm vườn cây cảnh bon sai đủ các thế dáng đẹp mắt và hòn non bộ gợi vẻ đẹp trầm tư, cổ kính, thanh cao trước sân nhà anh. Có lẽ mỗi người dân ở xã Nga Hải không cò xa lạ gì cái thú chơi của người “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như anh Bính nữa. Mỗi khi đến mùa vụ, trưởng thôn ra thăm đồng ruộng, gặp gỡ bà con để nắm bắt tình hình sản xuất; buổi sớm tối khi người dân ở nhà, lại cần mẫn ngồi trước loa truyền thanh, triển khai công việc bằng giọng nói sang sảng, đầy tâm huyết. Sau mỗi tiếng loa nhắc nhở, người chưa nộp thuế phí sẽ vội vã tìm ví; người chưa ra đồng xuống giống sẽ vội vã tìm cày cuốc cho kịp mùa vụ. Tiếng loa trở thành thông điệp khẩn thiết của thôn chứ không phải của cá nhân trưởng thôn, tiếng loa không chỉ có chức năng tuyên truyền thông báo mà còn là công cụ nhắc nhở, giám sát việc thực hiện quy ước, hương ước của thôn làng. Trong thời đại 4.0 nếu đâu đó nơi phố thị, người ta đòi dẹp bỏ loa phường thì trong không gian gắn kết thân thiết của tình làng nghĩa xóm, của những hương ước đậm chất văn hóa làng xã tự ngàn xưa, tiếng loa thôn vẫn còn đầy hiệu lực và tiện lợi, thậm chí như linh hồn của thôn làng! Bận là thế nhưng ngày nào anh Bính cũng dành thời gian để chăm sóc những cây cảnh của mình như lấy lại cân bằng và thêm nhiệt huyết trong công việc. Bộ sưu tập cây cảnh quý giá này là công sức, là kết quả lao động của anh khi hàng ngày vẫn đi nhận làm các việc sơn nhà, đắp tranh tường, xếp non bộ... để làm đẹp cho quê hương, cho cuộc đời.
Nhấp ngụm nước vối, tôi hỏi trưởng thôn:
- Tình hình làm đường ở thôn ta thế nào rồi anh?
- Sắp triển khai rồi đấy, bắt đầu thu quỹ làm đường từ vụ 5 vừa rồi. Toàn vốn huy động từ dân con số lên đến hai, ba tỷ chứ chả chơi nhưng được cái dân mình háo hức lắm, cứ cầm sổ đến nhà, mình chưa kịp trình bày họ đã liền tay đưa tiền đóng ngay.
Rồi như sợ tôi thắc mắc, trưởng thôn giải thích thêm cho tôi hiểu, sở dĩ có 750m đường bê tông mà dự toán lên đến “hai tỷ ba” là vì phải san nền mở rộng lòng đường, hành lang và làm cống rãnh thoát nước, như vậy sẽ đáp ứng được tiêu chí của nông thôn mới nâng cao, không phải nâng cấp. Trưởng thôn Mai Thế Bính vừa nói vừa nhắm nghiền đôi mắt như mơ màng điều đang sắp đến, có lẽ cái “hám” nông thôn mới để mang đến cho người dân quê anh cuộc sống sung túc và ấm no đã ngấm vào máu của anh. Tôi đọc được ở anh niềm tự hào về tình đoàn kết, về cái truyền thống, “tắt lửa tối đèn có nhau” của những người dân nơi đây. Ở Trung Tiến mọi việc lớn nhỏ đều thực hiện theo tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, người dân thực sự làm chủ cuộc sống của mình, quê hương của mình, vì thế họ nhìn nhau, hô hào nhau cùng làm. Tình làng nghĩa xóm được gắn kết bắt nguồn từ từng gia đình, dòng họ, nhất là từ vị thế của cả những người dân yếu thế được ứng xử bình đẳng, dân chủ.
Có tiếng chuông điện thoại. Trưởng thôn xin phép nghe vài phút rồi vui vẻ thông báo với tôi: “Chiều mai các cháu thanh niên tổ chức giải bóng đá, bí thư đoàn vừa điện mời dự khai mạc”. Rồi anh nói thêm, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp ngày đại đoàn kết toàn dân là thanh niên thôn Trung Tiến lại đăng cai tổ chức giải bóng đá mở rộng, mời các thôn trong xã, có cúp có cờ thưởng, có tường thuật trực tiếp trên loa truyền thanh của thôn và phát trực tiếp trên facebook để con em trong thôn ở xa quê theo dõi.
Giờ đây khi cuộc sống đã đầy đủ thì việc quan tâm đến sức khỏe và tinh thần lại càng được chú trọng. Ở Nga Hải, các phong trào tập thể được nhân dân tham gia hưởng ứng và duy trì thường xuyên. Mỗi sớm mai, sau tiếng gà gáy báo thức, khi màn sương còn giăng kín trên mỗi con đường, từ trong các ngõ, các ông, các bà, các chị đã gọi nhau đi tập thể dục. Từng đoàn người dập dìu, ngược xuôi qua làng trên xóm dưới. Tiếng chào hỏi, cười nói hòa cùng nhịp bước, những câu chuyện về kinh nhiệm sản xuất được bàn bạc và chia sẻ trong ánh bình minh. Trong nhà văn hóa thôn Trung Tiến, câu lạc bộ yoga có tới 70 thành viên, cả trẻ em, thanh niên và phụ nữ say mê tập luyện; chiều chiều các sân bóng chuyền rộn rã tiếng cười sảng khoái của người dân sau một ngày lao động mệt mỏi; câu lạc bộ xe đạp thể thao lại nối hàng băng ra triền đê hóng mát. Hàng tuần câu lạc bộ thơ Hương quê lại tổ chức sinh hoạt, bình thơ và chuyển thể thơ sang các làn điệu chèo truyền thống. Đặc biệt 5 năm qua những gia đình ở dọc con đường giáp ranh hai thôn Trung Tiến và Bắc Sơn đã thống nhất đặt tên là đường “Ánh Sáng” với mong muốn có ánh sáng văn hóa, văn minh cho khu phố trong tương lai. Các hộ bầu ban điều hành khu đường có trưởng, phó ban, hoạt động chặt chẽ. Thôn còn vận động kinh phí xây dựng đường điện chiếu sáng, đóng góp quỹ tình nghĩa để thăm hỏi việc vui buồn trong cộng đồng, làm băng rôn, cổng chào, trang trí đèn ông sao mỗi dịp lễ tết… Vào các ngày quốc tế thiếu nhi, trung thu, khu đường đều tổ chức chương trình ca nhạc, các hoạt động vui chơi giải trí, trao quỹ khuyến học cho các cháu có thành tích trong học tập. Khu đường còn thành lập một đội lân biểu diễn phục vụ các sự kiện ở trong làng ngoài xã và sáng tác bài hát riêng, mỗi khi có sự kiện mọi người lại tề tựu để cùng hát, cùng vui, cùng múa lân chơi với “Đường Ánh Sáng quê tôi”. Đó là những hình thức sinh hoạt cộng đồng chủ yếu hướng về con em, vì một khu đường đoàn kết, kết nối hai thôn để chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Đó chính là những tiêu chí 19+ do người dân làm ra và thụ hưởng mà không phải bằng giá trị vật chất hữu hình.
Ở thôn Tây Sơn các bạn đoàn viên còn vận động được kinh phí để lắp các thiết bị tập gym ngoài trời. Cả xã có 10 sân văn hóa thể thao, 7 nhà văn hóa thôn, 9 câu lạc bộ, đội văn nghệ hoạt động hiệu quả. Các hội đông y, hội làm vườn, câu lạc bộ liên thế hệ của người cao tuổi với phụ nữ… làm hàng thủ công mỹ nghệ đều có sự thi đua, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và phát huy, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Vì thế, ngoài các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, người dân còn đa dạng hóa các ngành nghề như: vận tải, cơ khí, xây dựng, may mặc và nghề mộc…, nhờ đó đời sống nhân dân ngày một nâng cao. 
Từ lâu, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang được người dân Nga Hải tự giác, tự nguyện thực hiện như một nét đẹp tự nhiên. Ở các đám cưới không còn hiện tượng thanh niên lắc lư theo tiếng nhạc chát chúa và ánh điện lập lòe. Đời sống khá lên, nhiều dòng họ đã duy trì tốt phong trào khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, xây dựng nhà thờ khang trang như họ Nguyễn Bá, họ Vũ… để con cháu có điều kiện báo đáp khi trở về cội nguồn. Các nghĩa địa được quy hoạch gọn gàng, không còn hiện tượng các dòng họ, gia đình đua nhau xây dựng lăng mộ hoành tráng, lô nhô, lãng phí. 
Nhiều năm qua trên địa bàn xã Nga Hải không có tội phạm, không có người nghiện hút, không xảy ra vụ việc phức tạp. Năm 2019, xã có 7/7 thôn được công nhận lại thôn đạt chuẩn văn hóa. Tình làng nghĩa xóm, kỷ cương, hương ước của thôn làng được thực hiện một cách tự nguyện, người dân nêu cao ý thức tinh thần đấu tranh thẳng thắn với các thói hư tật xấu và tích cực phòng ngừa các loại tội phạm. Riêng việc thu gom rác thải, Nga Hải quy định chỉ sáng thứ ba và thứ năm là tập kết rác về đúng các vị trí quy định để xe đến chở đi, còn lại người dân tự phân loại và bảo quản trong vườn nhà. Việc làm tưởng như đơn giản nhưng không phải vùng quê nào cũng duy trì được và khi đã làm được thì tinh thần tự giác lên rất cao ở các công việc khác.
Không như một số xã, sau khi về đích nông thôn mới để lại gánh nợ hàng chục tỷ đồng cho nhân dân oằn oại trả dần, Nga Hải về đích nông thôn mới từ năm 2017 một cách nhẹ nhàng với đủ 19/19 tiêu chí mà không để lại đồng tiền nợ nào cho dân. Với nhiều nguồn lực được huy động, xã đã xây dựng một số hạng mục nổi bật như  khuôn viên, phòng làm việc công sở xã, sân văn hóa thể thao 10.000m2, trạm xá, các phòng học chức năng của các trường. Đặc biệt để làm được 26km đường giao thông nội thôn, người dân đã tự nguyện hiến trên 7ha đất. Vốn huy động trong dân cho xây dựng nông thôn mới lên tới 81 tỷ đồng.
Năm 2019, tổng thu nhập toàn xã đạt 199,8 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 15,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/người (năm 2017 đạt 31 triệu). Sau khi đạt nông thôn mới Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo xây dựng dự án như đường Từ Thức kéo dài, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy học của 3 nhà trường, phát động các thôn xây dựng, mở rộng đường giao thông nội thôn, rãnh thoát nước và một số công trình theo kế hoạch đầu tư công của UBND xã. Từ 2019 đến nay, đã nâng cấp thêm được 3,75 km đường bê tông nội thôn ở các thôn Hải Bình, Hải Tiến, Cần Thanh và Tây Sơn và 0,5km đường nội đồng ở thôn Trung Tiến với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Đi kèm với kết quả đó đã có hàng chục gia đình tự nguyện hiến đất mở đường, dỡ tường nhường hành lang, làm cho đường sá khang trang, không cần tính toán. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Hữu Thận - Chủ tịch UBND xã thì “Nga Hải vẫn còn một số việc phải nỗ lực thường xuyên hơn như quản lý hành lang an toàn giao thông, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra”.
Chẳng mấy khi về quê, nên có sự kiện là tôi đi, có loa là tôi đến. Gặp anh bạn Mai Văn Hiểu, trưởng thôn Hải Bình đang thuyết minh bóng đá ở sân, tranh thủ giờ giải lao tôi lại gần vỗ vai:
- Bình luận viên có thù lao không mà lên tận thôn tôi thuyết minh đó?
- Có gì đâu bạn. Người ta ủng hộ kinh phí, còn tôi ủng hộ không khí.
Chờ ông bạn cười xong, tôi lái sang câu chuyện làm sân văn hóa thể thao của thôn Hải Bình với ý định để tham khảo rồi tham mưu cho thôn mình:
- Dưới đó mới làm xong sân văn hóa thể thao à? Mức đóng góp thế nào?
- Làm hết hai trăm nhưng kêu gọi xã hội hóa, dân không phải đóng góp.
Giọng trưởng thôn nhẹ tênh, nhưng tôi không ngạc nhiên, chỉ hỏi thêm để hiểu về cách làm. Từ cái ao làng cạn nước, ban quản lý thôn bàn bạc rồi cho lấp đất lát gạch, xây tường, xây bồn hoa, dựng cột đèn cao áp thành sân văn hóa thể thao với các khu chức năng gồm sân khấu, sân bóng chuyền, sân cầu lông. Đó thực sự là bộ mặt của thôn để các thôn khác nhìn vào, học hỏi làm theo. Để triển khai, trưởng thôn Mai Văn Hiểu đã đi tận Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh để gặp con em thành đạt vận động kinh phí.
Tiếng còi trọng tài vang lên báo hiệu hiệp hai trận đấu bắt đầu, trưởng thôn vội vẫy tay chào rồi chạy về bàn âm thanh để lại trong tôi hình bóng về một trưởng thôn đầy năng lượng và xông xáo.
Trước ngày kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường THCS Nga Hải và đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, các thầy cô bận rộn nhưng ai cũng rạng ngời niềm vui, nhất là những thầy cô có thâm niên công tác lâu năm. Chỉ vài năm trước, các phòng học xuống cấp, trần dột, bong tróc vữa trở thành nỗi sợ hãi cho giáo viên và học sinh mỗi khi đến lớp. Thế nhưng dưới sự chèo lái của nữ thuyền trưởng - Hiệu trưởng Ninh Thị Hoa, nhà trường đã bứt phá ngoạn mục chỉ trong vòng 3 năm. Trường lớp nay đã thay màu áo mới với cơ ngơi khang trang và phòng học chức năng hiện đại được xây dựng bằng các nguồn lực lên đến hàng chục tỷ đồng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, đã có học sinh giỏi cấp tỉnh. Chất lượng học sinh đỗ vào các trường THPT luôn đứng vào các xã tốp đầu của huyện. Đặc biệt năm học 2019-2020 có học sinh đạt điểm thủ khoa thi vào các trường THPT trong toàn huyện.
Hôm nay, sân trường rợp bóng cờ hoa. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong trang phục đủ sắc màu, ríu rít bên nhau hàn huyên và chụp ảnh check in. Có tới 7 khóa học trò hẹn nhau về họp mặt trong những bộ đồng phục đẹp mắt. Đó đâu chỉ là sự tri ân với thầy cô, với trường xưa, bạn cũ mà còn là cảm giác rất tự nhiên trong tiềm thức thủy chung của những người con trưởng thành từ bờ tre ruộng lúa, nay xúc động trở về với quê hương, với nguồn cội thân yêu!
Hóa ra nông thôn mới đâu chỉ là bề nổi của phong trào làm đường rộng nhà cao, hồn cốt thực sự của nông thôn mới phải hiện hữu ở chính những người con quê hương có nhân cách đẹp, có trí tuệ sáng, có tình yêu sâu sắc với thôn làng, khao khát dựng xây cuộc đời mới tươi đẹp, khao khát đem lại sự giàu có về cơ sở vật chất tới sức khỏe và sự nhân văn đẹp đẽ trong nền tảng văn hóa, tinh thần của quê hương! 
                

T.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 137
 Hôm nay: 1369
 Tổng số truy cập: 7455600
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa