Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Người nâng tầm bản đồ (Ký dự thi) - Vũ Quang Trạch
Người nâng tầm bản đồ (Ký dự thi) - Vũ Quang Trạch

Tâm đắc quá! Tôi gặp “điển hình” rồi viết ngay bút ký này. Chung sức xây dựng nông thôn mới, ai góp phần đều có thể tự hào, nên tâm, nên đức, chẳng cứ ở vị trí nào, ở nông thôn hay phố thị. Thương binh Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn đang sống và làm việc ở thị xã Bỉm Sơn, một thị xã công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Vậy anh, với cương vị là Tổng Giám đốc trước đây và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty, 100% vốn tư nhân, đã làm gì để chung sức xây dựng nông thôn mới...
Trước hết xin bạn đọc hãy ngẫm ngợi những số liệu này của Tổng Công ty anh:
- Từ năm 2006 đến 2020: Xây dựng và đi vào hoạt động 10 nhà máy may xuất khẩu đủ chỗ làm việc cho 19.400 lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Đủ việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 10.000 lao động trong đó có hơn 90% là lao động ở nông thôn và 2/3 là con cháu các cựu chiến binh, gia đình chính sách, hộ nghèo.
- Thu nhập của người lao động toàn Tổng Công ty: Năm 2015 là 38,5 tỷ/tháng, cả năm khoảng: 462 tỷ. Đến năm 2019 đã là 72 tỷ/tháng, cả năm khoảng 864 tỷ. 
Những số liệu thật hiếm có! Tổng Công ty của anh còn trực tiếp góp phần nâng cao đáng kể các kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở 6 huyện, một thành phố, một thị xã của tỉnh nhà: 
- Tăng lao động có việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo. Gián tiếp bổ trợ tốt các tiêu chí khác. 
Chắc chắn thu nhập mà anh trả cho người lao động sẽ là cơ ngơi, nhà cửa, đường xá, tiện nghi sinh hoạt nâng cao chất lượng cuộc sống của cả vạn con người ở nông thôn hiện nay, trong đó có những vùng sâu vùng xa như: Như Thanh, Thạch Thành. Và điều quan trọng nhất là anh đã và đang nâng tầm đất quê lên, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Thanh Hóa. Những miền đất cát nóng, bạc màu, nghèo dinh dưỡng đã thành đất thực sự nuôi người, cùng với tình người trở thành đất vàng, đất bạc. Cũng từ đó lao động nông thôn giờ đây không đơn giản chỉ là cày cuốc cấy trồng mà họ đã là lao động công nghiệp, làm việc trong những dây chuyền hàng may mặc xuất khẩu ở thời buổi kinh tế hội nhập.
... Tôi cùng ngồi trong phòng làm việc của anh, đối diện với tấm bản đồ Thanh Hóa có ghi các ký hiệu, địa danh: Những nhà máy may xuất khẩu của Tổng Công ty Tiên Sơn. Nổi rõ trên đó mười chấm tròn đỏ ấm như những ngọn đèn đường nối nhau mê mải trên đất tỉnh Thanh. Tôi liên tưởng đến cuộc sống của hàng vạn con người đang từng ngày được tiếp hơi thở từ bản đồ này, tỉnh Thanh rạng rỡ thêm từ bản đồ này. Anh đang tâm sự, nhưng tôi đã không thể không nâng máy ảnh đưa bản đồ vào ống kính và nghe anh...
Anh Lâm sinh ra ở xã Hoằng Quý, Hoằng Hóa. Năm 1962, cảnh thiếu đói đất chật người đông, làm sao cứ ở mãi quê nghèo mà rau cháo qua ngày. Khi ấy 6 tuổi anh đã phải theo bố mẹ gồng gánh định cư đến xã Hà Lan (hiện nay là xã Hà Vinh) huyện Hà Trung. Nhưng rồi cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo, đông con” cứ theo mãi những bàn chân bùn đất. Bố mẹ anh sinh được mười hai người con, anh là trai cả. Đang học dở dang lớp 4, phải bỏ học làm đủ việc ruộng đồng, mò cua bắt ốc để cho các em được đến trường. Mười chín tuổi, lấy vợ vội cho bố mẹ yên tâm rồi nhập ngũ, vào chiến trường. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, anh bị thương. Là thương binh ra quân về quê với hai bàn tay trắng. Biết làm gì đây khi cả nước vừa ra khỏi cuộc chiến. Tất cả chống chếnh, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn, khó khăn. Làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, rồi hợp tác xã mua bán trong thời thế ngặt nghèo. Chút vốn vay đưa cho bạn, bạn vỡ nợ không giả nổi đành vay mượn, vọt vẹt tiền túi của mình giả nợ. Trắng tay! Năm 1990, chính lúc cùng quẫn nhất, chưa biết tương lai thế nào nhưng anh quyết định rời làng lên thị xã Bỉm Sơn để sinh sống. Từ làng đến nơi ở mới, chưa đầy 10km, không ngại. Một lần nữa cả gia đình anh lại phải xa làng.
Bước đầu đến Bỉm Sơn là một thời kỳ vô cùng gian nan vất vả. Một vợ, năm con không có việc làm. Anh tìm kiếm sắt thép phế thải, gom vét xi măng, vợ mở quán cóc nhặt nhạnh từng đồng. Năm năm trời, hộ khẩu không có, cả nhà bơ vơ...
Năm 1994 khi chính sách thông thoáng, gia đình được nhập khẩu vào thị xã. Anh quyết định thành lập công ty. Công ty đầu tiên của thị xã Bỉm Sơn, lấy tên là Tiên Sơn. Có lẽ ngẫu nhiên mà ý trời chăng? Tôi có cảm nhận với cái tên này, anh Lâm đã đau đáu, duyên định với nó từ trong khao khát. Tiên Sơn, tiên đời nơi non núi, nơi có đền Sòng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nơi có núi đá răng cưa kéo dài tận biển, một sự ngẫu nhiên mà ngọn nguồn, bất tử.
... Trăn trở thấm vào anh cứ tự nhiên như hơi thở tìm nguồn thanh khí. Thao thức đến rạc người. Hàng ngàn lao động nông nhàn biết đi đâu, làm gì để kiếm đồng tiền? Hàng ngày bước chân ra đường, anh nhìn thấy từng tốp người quê, có sức có vóc đi lang thang tìm việc ở cái thị xã xi măng đỏ đất, bụi lầm. Bụi xi măng từ trời lắng xuống, bụi đất cháy từ đất bụi lên... Họ vật vờ hít bụi để rồi xẩm tối lại trở về các làng xóm quanh quanh thị xã với mấy đồng tiền còm nhính bụi. Anh nhìn thấy những thanh niên khát việc tổ chức nhau lên các triền đồi khô xác, ăn mỳ tôm, uống nước suối rừng, chui rúc, luồn lách, vắt bám, rắn trườn, lau cứa, cắt cỏ tranh khai hoang, trồng cây, trỉa hạt. Gian khổ đến mức đồi tranh bên làng Cẩm La họ cơ cực mỉa mai thành “cấm la”, bên làng Cổ Đam họ ngao ngán gọi là “cố đằm”. Èo uột trỉa trồng mươi vạt đất để rồi chập chờn trông chờ mưa nắng... 
Anh lại tự vấn chính mình: Đất quê đấy, người quê đấy, tại sao chỉ là đi làm công nhân trong dây chuyền may mặc cũng phải đi xa gần hai ngàn cây số đến tận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... mới có việc làm? Đất đấy, tại sao cứ phải nhất nhất là cây? Người quê đấy, cùng chung bước nắng bước mưa, cùng chung tiếng nói, tại sao cứ phải chờ các ông chủ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... đến đây mới có nhà máy, mới có công ty, mới khai thác được sức lực dân mình? Họ đấy, tiềm lực dồi dào làng quê đấy? Câu hỏi mà như ánh chớp lóe lên trong đầu anh: Tại sao những người lao động sức dài vai rộng này cứ phải thấp thỏm trông chờ công việc, phải ly hương? Tại sao không thể có công việc cho họ ở chính mảnh đất nơi họ sinh ra, lớn lên, đã thấm vào máu nết ăn ở, nét văn hóa và tình yêu xứ sở? Có việc làm nhưng vẫn ở nhà, có xóm, có làng... Đây chăng? Cái ngọn nguồn để anh xác định hướng đi mới đây rồi: “Ly nông không ly hương”. Tư duy triết lý này như sông núi tin giao, như đất trời gửi gắm. Ý nghĩ anh là vậy, tâm tình anh là vậy, nó bỏng cháy khao khát đến nghẹn ngào. Tư duy triết lý ấy như ngọn đèn khuya dẫn dắt anh đi, điều gì đến đang chính từ anh mà đến... 
Tiềm năng là lao động, lao động thiếu việc làm nhiều nhất là nữ, mà nữ thì không thể làm các công việc nặng nhọc, độc hại. Bước đầu hãy cứ làm hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Có nhà máy, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Nhưng nhu cầu thị trường quốc tế về mặt hàng này không lớn, chả lẽ ở một tỉnh vẫn được coi là đất chật người đông này chỉ dùng đến 300 lao động thôi sao? Không thể bằng lòng với chừng mực ấy, phải làm gì đây? Từng nấc thang trong công việc làm ăn của cuộc đời anh cứ “tua đi tua lại”: Mua bán phế liệu, xén kẻ giấy đóng sách vở học sinh, vận tải bốc dỡ hàng hóa, rồi đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, nhà hàng, khách sạn... Chưa ổn! Vẫn còn gì đó dồn nén, rộng dài, máu thịt mà chưa bứt phá, chưa bung tỏa được. Còn gì đó như đã âm ngầm có trong anh mà lại chưa thoát trong anh. Những nhà máy hàng ngàn lao động nông thôn! Tại sao không? Những nhà máy sử dụng đa phần lao động nữ sức khỏe phù hợp với công việc, tại sao không? Những nhà máy biến lao động nông nghiệp truyền thống thành lao động công nghiệp hoạt động theo dây chuyền, có tay nghề, có ngạch bậc, tiêu chuẩn, tại sao không? Miền quê này, xứ sở này trên bản đồ kinh tế vùng đâu phải chỉ độc câu hỏi một thời “trồng cây gì, nuôi con gì”, một câu hỏi nhưng tự thân nó lại bằng phẳng, đơn lời, chưa có gì khác trước. Chẳng cần ký hiệu trên bản đồ người ta cũng biết được các vùng ấy đều là người nông dân cấy lúa, trồng mía, trồng dứa, trồng cây công nghiệp. Con đường tương lai đâu chỉ một màu sản phẩm nông nghiệp, đâu chỉ đơn độc một dạng lao động thuần nông cấy trồng gieo vãi. Tại sao lại không thể có một bản đồ quê Thanh có mạng lưới nhà máy, những thế hệ công nhân công nghiệp sinh hoạt tại nông thôn mà tay nghề, tầm tri thức, tầm hội nhập của họ hình thành nên những chấm sáng đỏ tự tin trên nền màu nguồn cội?
Day dứt ấy cùng anh bao đêm se sắt... Những khuya! Trời Bỉm Sơn, chòm sao “Thần nông” bên dải Ngân hà chỉ thực sự sáng lên khi nó vượt khỏi bóng tối cao, mờ của rặng núi trước mặt, của khói bụi lò cao xi măng lờ đờ quen mắt. Anh lắng nghe trong muôn vàn tiếng đêm... Ngay giữa đất này, Tổng Công ty Cổ phần may 40 Hà Nội đã vào xây dựng Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà. Đã hoạt động được mấy năm nay nhưng hình như họ lại đang bán đi. Thời cơ đấy, muốn mua lắm nhưng may mặc xuất khẩu đâu phải là nghành nghề của Công ty Tiên Sơn? Thời cơ không thể có lần hai, hàng ngàn lao động nữ nông thôn không có việc làm, nhiều vùng đất bạc màu trên đất Thanh Hóa chưa có cách gì khai thác hiệu quả. Anh quyết định mua lại nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà ở Bỉm Sơn. Người lao động, đơn hàng, chất lượng sản phẩm, thị trường đầu ra... Hàng loạt vấn đề mới mà không thể chỉ có ý chí, nghị lực là đủ tầm xử lý. Tâm huyết, đam mê và tài năng, cái ngọn lửa “ly nông không ly hương” bừng cháy đã thực sự là “nhiên liệu” cho ý chí và nghị lực. Tất cả đã được tháo gỡ. Sơn Hà, nhà máy may xuất khẩu đầu tiên 100% vốn tư nhân của Công ty Tiên Sơn đã hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả. 
Bằng kinh nghiệm từ Sơn Hà, anh quyết định đầu tư, làm thêm nhà máy, sử dụng thêm nhiều lao động. Từ năm 2006 đến 2019 đầu tư, xây dựng 10 nhà máy lần lượt là: May xuất khẩu Bỉm Sơn, Thạch Thành, Nga Sơn, Yên Định (2 nhà máy), Thọ Xuân, Như Thanh, Triệu Sơn. Mua cổ phần của Công ty liên doanh may xuất khẩu Việt Thanh. Đến thời điểm 2020, các nhà máy may xuất khẩu của Tổng Công ty Tiên Sơn đã sử dụng mười ngàn lao động. Một con số quá kính phục đối với một Tổng Công ty 100% vốn tư nhân.
Vẫn trong phòng làm việc của anh, tôi càng nghe anh nói, lại càng trầm ngâm trước tấm bản đồ. Suốt quá trình học tập và công tác của đời mình, tôi đã từng đọc, từng xem, từng dò tìm chi tiết, từng thích thú với hàng trăm tấm bản đồ. Nhưng giờ đây trước bản đồ Thanh Hóa có ký hiệu các nhà máy của Tổng Công ty Tiên Sơn, tôi như thấy không chỉ đơn thuần là đường nét, là màu sắc, là ký hiệu, là chữ nghĩa trên mặt giấy cho con mắt dõi nhìn. Tôi cảm nhận được ở phần không gian mặt trước, mặt sau bản đồ, cái phần không gian vô định không màu ấy là hình khối ngang dọc những nhà máy vươn cao bên xóm, bên làng, ngời ngời trong nắng sớm. Là những chuyến xe container kềnh càng nối nhau chở nguyên phụ liệu, chở sản phẩm về nơi hải cảng. Là hàng vạn lao động nữ trắng trẻo, hết ca làm việc, áo quần tươi màu sạch sẽ, mắt sáng tinh anh, đằm thắm nụ cười, lao xao trò truyện, rủ nhau nhanh đến cây ATM gần nhất để rút tiền từ “tài khoản mồ hôi” của chính mình. Bất chợt nhận ra anh Lâm đã và đang nâng tầm bản đồ này lên. Nâng đất đai lên, nâng cuộc sống lên, nâng con người lên, nâng đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa lên. Chính cái thiên lương như tiên đời vùng đất khát xứ này đã làm cho con người cùng mở tâm, chung trí gọi lên đời đất, cùng giao thoa ánh mắt, cùng chung nghe tiếng máy, cùng hòa lòng những giọt mồ hôi. Để họ gắn bó nhau hơn, yêu thương nhau hơn vì họ yên tâm đã có những thu nhập công bằng, đối xử công bằng, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế công bằng. Anh Lâm đã truyền cho ta niềm rưng rưng thương mến những người lao động của anh mà ta chưa từng quen biết. Họ là phần không gian vô hình, vô định của bản đồ được nâng lên, và chính họ làm nên diện mạo hội nhập, tầm cỡ cho bản đồ, họ là những viên gạch hồng của làng quê đang xây dựng nông thôn mới. 
Sẽ là chưa đầy đủ nếu chưa nói thêm tầm nhìn của anh Lâm. Anh dạy dỗ chỉ bảo các con của mình rèn dũa nên người, nối tâm, nối đức, nối tình, nối nghiệp của bố mà yêu xóm, yêu làng, mà chung tay xây dựng nông thôn mới. Đời anh thiếu học nhưng các thế hệ sau phải được học hành tử tế. Từ 2015 đến 2020, Tổng Công ty của anh đã hỗ trợ quỹ khuyến học của xã, huyện, làm từ thiện, chăm sóc gia đình chính sách, hộ nghèo lên đến 17 tỷ đồng. Cả đời làm việc là cả đời đau đáu với miền đất xứ Thanh. Trò chuyện cùng anh, tôi cứ băn khoăn tự hỏi mình: Nhân bản, tình thương yêu không gợn chút lăn tăn, phân biệt những thân phận nghèo khó của anh có được từ đâu? Vì họ chính là anh chăng? Vì họ đang thấm mồ hôi chăm chút xây dựng đất mẹ thiêng liêng mà anh đã từng đổ máu giữ gìn? Hay vì anh là người con của non núi ruộng đồng, của dòng máu Lạc Hồng sẻ chia, nhân ái? Tôi lại không thể không gợi hỏi:
- Anh Lâm! Có thể có nhiều triết luận tâm đắc cho các doanh nhân, với anh thì sao?
Anh mỉm cười trả lời ngay:
- Với tôi đơn giản thôi, mình biết trân quý những gì tưởng như đâu còn giá trị, thì mình sẽ càng có được những giá trị lớn gấp bội bội lần. Biết trân quý mẩu sắt vụn, xẻng xi măng rơi vãi ta sẽ có những nhà máy đồ sộ, trân quý giọt mồ hôi khiêm nhường ta sẽ có cả vạn người lao động giỏi, hết lòng vì công ty, trân quý một bản nhỏ hẻo lánh, ta sẽ có tất cả các bản làng. 
Trân quý! Tôi lặng người...
Xin hết lòng trân quý tư duy triết luận của anh. Phải chăng đây cũng là mục tiêu không nhỏ, không thể thiếu của hồn cốt xây dựng nông thôn mới. Cùng với những tiêu chí khác, anh đã đào tạo, nuôi dưỡng, chăm chút một lực lượng lao động đặc biệt hàng vạn người. Đã nhìn ra nét hiện đại mà dễ tiếp cận, hội nhập mà bản thể, công nghệ cao mà phù hợp, sống ở nông thôn mà làm ra sản phẩm đi khắp địa cầu. Đó là tầng cao của nông thôn đổi mới, nông thôn “hội nhập”.
Còn rơm rớm với những câu chuyện đời anh... nhưng tôi phải tạm biệt, vì biết anh đang quá bận với nhiều đơn hàng khẩu trang mới khi mà dịch Covid -19 vẫn hoành hành. Xe lướt như mơ trên cầu vượt Đền Sòng. Chập chờn câu hỏi: Ở đất này đã có Công ty, Tổng Công ty nào dùng hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân mà làm nhà máy ở khắp các vùng quê trong tỉnh, đào tạo, sử dụng hàng vạn lao động để họ có “thương hiệu”, có thu nhập, có tầm nhìn cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Có lẽ chỉ anh Trịnh Xuân Lâm, người khai thác, trân quý nương niu tiềm năng lao động, đất đai, nâng tầm “bản đồ mới tỉnh Thanh”.
          

 Bỉm Sơn - TP Thanh Hóa 
                             8-2020
                 V.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 119
 Hôm nay: 5882
 Tổng số truy cập: 7451014
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa