Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Người nông dân không còn phải ly hương (Bút ký dự thi) - Lê Ngọc Minh
Người nông dân không còn phải ly hương (Bút ký dự thi) - Lê Ngọc Minh

Trong câu chuyện về cách thức xây dựng nông thôn mới ở Hà Trung, Bí thư huyện ủy Trần Duy Bình và Chánh văn phòng Trịnh Đình Phương luôn nhắc tôi, muốn nắm bắt được các bước triển khai và những thành tựu cốt lõi nhất mang dấu ấn Hà Trung thì nên gặp ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, người gắn bó với sự nghiệp “tam nông” từ khi rời trường đại học Nông nghiệp về công tác tại quê hương, đặc biệt là từ khi có nghị quyết TW 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiền thân của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực giai đoạn 2 hiện nay. Đó là quãng thời gian hơn ba mươi năm, ông Tuấn trực tiếp lăn lộn trên mặt trận nông nghiệp, trăn trở cùng lãnh đạo và bà con Hà Trung tìm hướng đi phù hợp với thực tiễn của quê hương mình dù khi mới chỉ là một cán bộ tham mưu, giúp việc cho đến khi đã trưởng thành ở cương vị  trọng trách: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hà Trung.
Dân dã và gần gũi, ông Nguyễn Văn Tuấn vừa pha trà vừa vào câu chuyện và “nó” trúng luôn cái ý cốt lõi mà Bí thư Huyện ủy Trần Duy Bình đã gợi ý cho tôi. Theo ông Tuấn, công cuộc xây dựng nông thôn mới là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước với 19 tiêu chí đã được thiết kế rành mạch theo từng tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn nào cũng đều có dự trù biện pháp khả thi để thực hiện, đều hàm chứa tinh thần lan tỏa nhằm xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng làng xã, hộ gia đình, tạo cho gương mặt nông thôn ngày một thay đổi cơ bản về chất, làm thay đổi tư duy bó buộc, ứng phó vụn vặt trong lũy tre làng của người nông dân trên hành trình đi đến ấm no hạnh phúc, vươn tới một tiền đồ bền vững và phát triển hài hòa. Từ nền tảng vững chắc đó, điều quan trọng nhất là phải có bước đột phá tìm hướng đi đầu tiên sao cho hợp lòng người, trúng thời điểm và có tầm định hướng dẫn dắt, thu hút niềm tin của hơn mười hai vạn dân Hà Trung, nơi kinh tế có xuất phát điểm ở mức thấp, thuộc tốp những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa mà dân gian đã lưu truyền: “Nhất Xương (Quảng Xương), nhì Gia (Tĩnh Gia), tam Hà (Hà Trung), tứ Cống (Nông Cống).
Đúng vậy, Hà Trung trước đây nghèo lắm, thu nhập bình quân đầu người chỉ mấy triệu đồng một tháng. Huyện có 25 xã, 1 thị trấn nhưng có đến vài chục tiểu vùng nằm trong các lòng chảo, ba bốn bề là vòng cung núi, phần nhiều là đồi hoang cằn cỗi chỉ có sim, mua mới mọc được; hoặc là đất trống toàn đá gan gà lổn nhổn với đất sét đỏ; lại còn có mấy tiểu vùng ở xung quanh cầu Cừ  thuộc các xã Hà Yên, Hà Bắc, Hà Dương… đất thấp dưới mực nước biển 0,5 mét.
Nghe ông Tuấn nói đến cầu Cừ, tôi bỗng nhớ lại, trước đây mỗi khi đi công tác vào Thanh hoặc phải qua địa giới xứ Thanh vào mùa mưa lũ, trước lúc xuất phát, bao giờ chúng tôi cũng phôn hỏi bạn bè làm trong ngành khí tượng thủy văn tỉnh xem đoạn quốc lộ 1A đi qua cầu Cừ có bị ngập hay không? Đã cẩn thận thế nhưng rồi vẫn có chuyến bị tắc xe, đó là một lần khoảng đầu tháng chín, năm 2012, xe vừa ra khỏi địa phận Hà Nội thì chúng tôi gặp một cơn mưa như trút kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ, khi qua Bỉm Sơn đến gần cầu Cừ thì trước mặt, nước sông Hoạt dâng lên mênh mang như biển. Mấy anh thợ bè kéo, xe lôi dịch vụ cứu ngập đành chịu bó tay. Chúng tôi phải lộn về thị xã Bỉm Sơn, đi xuống phía Nga Sơn, qua đường huyện Hậu Lộc để về thành phố Thanh Hóa; lúc trở ra, phía Hậu Lộc, Nga Sơn cũng ngập nên phải vòng lên đường Hồ Chí Minh để về Hà Nội bằng đường Sơn Tây - Hòa Lạc. Được biết năm đó chỉ trong tháng 9 lượng mưa nhiều đến hơn 800 mm, bằng gần 50% lượng mưa cả năm của Hà Trung (khoảng 1700 mm). Tính ra không biết cơ man nào là nước mưa với độ dày gần một mét nước (800 mm) rải đều từ các đỉnh núi cao, các đồi đất trống đến các tiểu vùng thung lũng; từ mặt đường nhựa không ngấm nước đến vùng lòng chảo Hà Yên, Hà Dương, Hà Bắc… nằm sâu tới nửa mét dưới mặt nước biển.
Mưa, dù là lớn hay nhỏ thì các con đường ở Hà Trung hồi đó đều trở thành vấn nạn, đường thiên lý 1A đoạn qua cầu Cừ ngập kinh niên đã đành, các con đường chính liên huyện, liên xã, đường mặt đê sông Lèn, sông Hoạt thì không những đầy ổ trâu, ổ gà mà nền mặt đường đất thó nổi màu đỏ quạch bám bết như nhựa, không có phương tiện xe cộ nào có thể đi lại được. Thế nên, đã có rất nhiều cán bộ chủ chốt của huyện đi công tác chống bão lụt ở địa phương chỉ bằng một loại phương tiện duy nhất là… đi bộ; bấm mười đầu ngón chân xuống bùn lầy, xuống đất sét nhão trồi trụt mà đi. Trong khi đó thì việc chống sạt lở, chống vỡ đê, chống ngập úng cần kíp còn hơn cả cứu hỏa.
Thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp khiến con người trần lưng làm lụng từ sáng ngày cho tới hoàng hôn mà nhiều khi không đủ “tay vo miệng lốm”, bởi thế phần đông người dân chẳng còn cách nào là phải tha phương kiếm sống.
Ông Tuấn nhớ lại, ngày ấy cứ sáng sáng là thấy ở hai bên đường 1A, đoạn từ cầu Cừ chạy qua huyện lỵ Hà Trung đến đầu cầu phía Bắc sông Lèn, dù là trời nắng hay mưa, cứ vài quãng ngắn lại có từng tốp người khăn gói co cụm đứng đợi để “bắt” xe đò. Tốp, tốp đi ra Bắc, ngược lên tới Lào Cai, Lạng Sơn, hoặc ra Móng Cái, Quảng Ninh… đi làm cửu vạn; tốp tốp theo hướng Nam vọt đến tận Bình Long, Phước Long, Đồng Nai hoặc vượt lên Tây Nguyên xa lắc kiếm việc làm thuê… Mà những người này lại toàn là lao động chính có sức khỏe, có chí làm ăn, có tay nghề. Bởi ở quê họ không thể vượt qua được cái ngưỡng đói nghèo nên đành phải tìm đường mưu sinh tứ xứ đầy gian nan, mạo hiểm bấp bênh như nghề đi đào đãi thuê quặng vàng sa khoáng, đi khuân vác hàng lậu, hàng cấm qua biên giới…
Ông Tuấn đã có lần gặp người đồng hương xã, một thợ cả làng nghề nổi tiếng phải dắt díu cả một cánh thợ đi mạn ngược tìm việc giữa mùa gặt hái, vì mùa đã mất trắng thì cần gì đến người thu hoạch nữa…
Để gỡ bỏ tình thế ly hương đầy tự phát và không ít rủi ro đủ kiểu  này của bà con trong huyện, khi triển khai Chính sách xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Hà Trung đã đề ra nhiệm vụ cấp bách, làm sao để người dân Hà Trung không ly hương nữa. Muốn thế, phải tạo cho họ có công ăn việc làm, có thu nhập bền vững ngay tại mỗi làng quê, thôn bản của mình; phải tìm ra các thế mạnh của từng tiểu vùng trong huyện. Hà Trung từ xa xưa đã có rất nhiều nghề nổi tiếng như nghề khai thác đá xây dựng, nghề khắc chạm đá tinh xảo cho các công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng, nghề mộc gia dụng; nghề làm mắm tép, nghề trồng lúa nếp “Bao giờ cho đến tháng mười” nổi tiếng với mỹ danh mắm quý tiến vua, nếp hương hoa vàng tiến vua… Trong huyện còn có đến mười bảy xã nằm trong vùng giàu trữ lượng tài nguyên khoáng sản, đây cũng là một môi trường đầy tiềm năng thu hút lao động tại chỗ. 
Với diện tích tự nhiên 24.450,48 ha, dân số hơn 12 vạn người, Hà Trung có mật độ cư dân tương đối thưa. Quỹ đất cho nông nghiệp là 15.197,35 ha, trong đó đất rừng gần 5.500 ha với hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, lại có hơn 292 ha rừng sến quốc gia (sến là một loại gỗ quý hiếm có tên trong tứ thiết)... Sông Lèn, sông Hoạt không chỉ là hai đường thủy lớn trong vùng mà còn là vùng nuôi trồng đánh bắt thủy sản truyền đời của các thôn làng bên sông của huyện. Ngay như vùng trũng dưới mực nước biển ở tiểu vùng cầu Cừ cũng là một vựa cá đồng, một thảm tôm tép dày đặc nhiều chủng loại trong đó tép gạo là nguyên liệu đẳng cấp để làm ra thứ mắm tép quý tiến vua nổi danh cả nước…
Một miền đất có nhiều lợi thế nghiệp nông như vậy, tại sao người nông dân Hà Trung lại phải ly hương? Câu trả lời không dễ. Và, để giải quyết được vấn nạn này thì trước hết phải biết cách phát triển kinh tế hiệu quả tại chỗ. Chỉ bằng cách ấy thì mới giữ được con em trong huyện ở lại quê hương, đem lao động, đem đôi tay nghề giỏi giang để xây dựng, để kiến tạo cuộc sống cơm no áo ấm ngay trong từng ngôi nhà, trên mỗi mảnh vườn thân thuộc, trên từng cánh đồng thấm đẫm mồ hôi nước mắt đã được khai phá canh tác bao đời của ông cha.
Hà Trung lấy điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới theo tư duy đột phá được bắt đầu từ những điểm mút khó khăn nhất trong huyện. Đó là các tiểu vùng đầm lầy, các nơi đường xa, ao sâu, cuối núi, đầu sông… Tại những nơi đó, loại trang trại mini tuy nhỏ về quy mô diện tích nhưng đa dạng về chủng loại mô hình nuôi trồng cây, con, và nghề phụ đã ra đời. Cụ thể, diện tích mỗi hộ trang trại chỉ khoảng trên dưới 0,5 ha. Trên mỗi diện tích như trên là nhà ở, là vườn cây, ao cá được hướng dẫn theo quy hoạch trồng cây, nuôi con hợp lý để khi thị trường có biến động, nếu loại sản phẩm này bị dư thừa ế ẩm thì đã có loại sản phẩm khác thay thế, chủ hộ không bao giờ bị hoài công, mất vốn, trắng tay.
Nghĩ được đã khó, làm ra được còn khó hơn nhiều. Các vùng trũng ở Hà Trung không những thấp mà nền đáy rất yếu, thậm chí có vùng phía dưới là tầng đầm lầy, bùn nhão có thể hút bất kỳ vật thể gì vào lòng sâu vô tận của nó.
Các kiến thức chống lầy đã được chuyên gia về thổ nhưỡng, thủy lợi, thủy văn… trực tiếp đến từng địa bàn thực hành và phổ biến cho bà con. Ông Tuấn nhớ lại mỗi khi xuống các vùng đầm nền đáy đầy bùn nhão dễ bị sụt lún khảo sát, ông và các nhà chuyên môn phải hai tay hai đoạn “xà dọc” tịnh tiến từng bước, nếu không sẽ bị hút vào đáy bùn, cực kỳ nguy hiểm.
Sau khi được các nhà chuyên môn trực tiếp “dò, thám”, đánh giá thực tế địa hình, hàng loạt biện pháp chống lầy tầng đáy vừa khoa học vừa kinh nghiệm dân gian được gấp rút thực thi: Cây que, rạ rơm năn lác sẵn có ở địa phương cùng với đá hộc đá tảng đã tạo được nền cứng tầng đáy. Sau này, khi đã làm ăn phát đạt, đã có vốn liếng thì các chủ hộ trang trại bê tông cốt sắt hóa mặt đáy, xây kè xung quanh, gây thêm tầng đáy mới bằng cách tạo ra thứ bùn phù sa màu mỡ kết tủa từ nguồn nước lụt, xây dựng những ao hồ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu chủ động. Nhiều gia đình còn kiến lập thành những cơ ngơi với khung cảnh nhà trại thủy tọa nổi lên trên mặt nước bạt ngàn các loại hoa sen, hoa súng, đẹp như một công trình kiến trúc văn hóa, thiên nhiên.
Một số ngành nghề khác như nuôi ong, đồ mộc gia dụng truyền thống, nghề sản xuất vật liệu xây dựng cũng được khôi phục, đi vào sản xuất kinh doanh nền nếp trong các thôn, bản trang trại. Gặp khi nông nhàn thì đây cũng là nơi tạo nguồn công ăn việc làm có thu nhập tấm món cho đủ các lao động, từ phổ thông đến người có tay nghề được qua học hành, đào tạo.
Chỉ trong vài năm đầu thực hiện chương trình trang trại mini, một dải ven sông quanh vùng cầu Cừ và các tiểu vùng trũng thấp lầy lội khác đã có hàng trăm hộ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả có thể nuôi được con cái học đại học, cao đẳng ở Hà Nội và thành phố Thanh Hóa. Những tòa nhà kiên cố, kiến trúc bắt mắt mọc lên làm thay đổi hẳn gương mặt các tiểu vùng đã một thời cứ trời mới rơi mưa là úng, trời bắt đầu nắng thì đá sỏi lại trồi lên như gò như đống nóng hầm hập tựa lò đốt, chảo rang.
Thành công bước đầu từ mô hình trang trại mini có thể gọi là nền tảng niềm tin khích lệ để người nông dân Hà Trung bám đất đai quê cha đất tổ xây dựng cuộc sống ổn định có căn cốt, không bị cái nghèo bươn trải thôi thúc, không phải khăn gói rời làng ra đường “bắt” xe, tha phương, mưu sinh độ nhật. Quê hương trở thành sức hút kỳ lạ, người dân bám ruộng đồng làm lụng đến quên mình và khi có sự cố thiên tai, nhân họa thì họ sẵn sàng xả thân bảo vệ sự an lành cuộc sống.
Kể đến đây giọng ông Nguyễn Văn Tuấn trở nên xúc động, ông nói, đời ông đã chứng kiến mấy trận lụt lịch sử vào các năm 2007, 2012 và 2015 tại quê hương Hà Trung. Trong các trận lụt đó, là người đứng đầu chính quyền huyện, ông có mặt trên tuyến đê bắc sông Lèn kéo dài ngót 20 km, đặc biệt là 8 km ở vùng hạ lưu. Trong mưa lũ sau hoàn lưu sau bão, sông Lèn từ Ngã Ba Bông đến Chế Thôn, xã Hà Toại nước dâng lưng mặt đê, chảy xiết xoáy tựa đuôi rắn. Nói dại, chỉ cần một chỗ đê bị bục, dòng chảy đổi chiều hút nước vào đó thì tai họa sẽ vô cùng khủng khiếp. Giữa thử thách thiên tai ngặt nghèo sống còn trong gang tấc, hàng chục ngàn người dân, bất kể là ở làng quê khuất nẻo hay thị trấn huyện lỵ đã mang bao tải đất, mang thuổng cuốc, tre gỗ, đá hộc… lên đê giữ bằng được phòng tuyến bảo vệ quê hương làng xóm trước giặc lụt, thứ giặc đứng đầu trong bốn đại họa của con người: Thủy - hỏa - đạo - tặc. Và, những người dân Hà Trung đã giữ vững con đê bắc sông Lèn qua những cơn thử thách vô cùng nghiệt ngã đó. 
Nói đến đây, ông Tuấn đặt câu hỏi, nếu dân Hà Trung cứ ngày ngày bám đường 1A ly hương như trước thì lấy ai cứu hộ con đê để giữ yên lành cho làng xóm đồng ruộng mỗi khi trời đất nổi thịnh nộ gây tai họa?
Khi các khu công nghiệp mọc lên ở đất Hà Trung đã tạo một môi trường làm việc mới cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng lao động trẻ có tay nghề, hiện tại Hà Trung có được mười ngàn lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chiếm ngót 20% trong tổng số người đang ở độ tuổi lao động của huyện (khoảng 60 ngàn người), đây là một tỷ lệ cao trong tỉnh.
Khi nói đến các con đường được xây dựng trong quá trình mười năm thực hiện Chính sách xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Tuấn đưa ra bức phác đồ tổng thể rồi giới thiệu một điển hình làm đường rất hiệu quả của xã Hà Sơn, địa phương có số núi đá vôi chiếm đến hơn ba phần tư diện tích tự nhiên tại địa bàn nằm ở ranh giới phía tây nam của huyện. Hà Sơn nhìn ra Ngã Ba Bông ở mặt Nam, nơi có thắng cảnh tuyệt diệu mà từ xa xưa người xứ Thanh đã có câu chiêm nghiệm: Một con gà gáy cả sáu huyện cùng nghe. Còn các thi nhân khi phiêu du đến các đền đình nổi tiếng như Hàn Sơn, Cô Bơ, Thánh Mẫu dâng hương, cầu tài cầu lộc và nghe giọng hát chầu văn của phường hội văn hóa tâm linh nổi danh cả nước ở đây thì cảm tác nên những vần thơ khiến bao người bâng khuâng, xao động: Những là chín nhớ mười mong/ Xa xôi chi để chờ trông bần thần/ Đắng cay bao nỗi kiếp trần / Hàn Sơn chuông thỉnh bấy ngần vợi vơi… (Thơ Trương Vạn Thành).
Với Hà Sơn, hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã đến nhưng đi bằng thuyền theo đường sông Mã mất hơn hai giờ vì đoạn đường chín cây số từ đầu cầu Lèn vào Hà Sơn gặp mưa dầm tháng bảy, đường lầy không chạy xe được. Còn lần này tôi chỉ mất mười hai phút ô tô chạy trên đường nhựa, mặt đê Bắc sông Lèn là đến trung tâm xã.
Con đường thuận tiện ấy khi đến địa phận Hà Sơn thì mặt đường được “nới” rộng ra gấp đôi; các con đường nhánh vào từng thôn làng được quy hoạch vuông vức, thẳng thoáng như đường sá một thị trấn, thị tứ mới kiến lập thời 4.0.
Khi nói chuyện về cung cách làm đường của quê mình, ông Bí thư Đảng ủy Hoàng Đình Dưỡng sôi nổi kể: Đường sá đi lại thuận tiện là ước mơ bao đời nay của người dân Hà Sơn, bởi xã ông nằm sâu ở góc tây nam của huyện, xung quanh toàn là núi đá, xã chỉ có mỗi mặt tây nam là thông ra đường thủy Ngã ba Bông. Đường bộ nối với trung tâm huyện lỵ chỉ độc đạo bằng con đê Bắc sông Lèn. Người Hà Sơn có nhiều nghề, ưa xê dịch và có chí tiến thủ. Các cửa ngõ thông thương với bên ngoài là nguồn sống của họ. Bởi thế khi có chính sách xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã liền lập một kế hoạch làm đường khá táo tạo. Theo đó, đường ô tô vào Hà Sơn không chỉ dừng lại ở trung tâm xã, ở ngã ba, ngã tư các thôn làng mà phải đến cổng ngõ của từng hộ dân. Đây là tư duy đi trước, đón đầu, tiên liệu cho nhiều chục năm của một xã miền núi đúng như tên gọi của “nó” là Hà Sơn. Khi ý tưởng làm đường đầy viễn kiến cho tương lai thấm nhuần đến từng người dân, về cái lợi họ sẽ được hưởng thụ thì bà con liền tích cực hưởng ứng, người xin hiến đất làm đường, người tham gia lao động công ích, đóng góp kinh phí, thậm chí có hộ còn tự nguyện xê dịch cả móng nhà để có con đường đẹp chạy qua mặt tiền nhà mình.
Những con đường bền vững rộng rãi đầy tính ứng dụng và hài hòa cảnh quan được xây dựng trong một thời gian khẩn trương đến bất ngờ đã giúp cho người dân địa phương dù làm ăn ở bất cứ nơi đâu, khi muốn về thăm quê hương, bản quán không bị cấn bợn nỗi đường sá xa xôi, khuất nẻo. Còn khách thập phương đến với Hà Sơn vào những mùa lễ hội đền thiêng Cô Bơ, Hàn Sơn… thì chẳng khác gì cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” mà không hề bị ùn tắc, không gặp rủi ro tai nạn giao thông.
Ông Hoàng Đình Dưỡng ví dụ, doanh nhân Nguyễn Văn Chung có trang trại Chung Thủy rộng hơn 50 ha ở huyện miền núi Thạch Thành và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ khác nhưng ông nghệ nhân hát chầu văn đoạt giải nhất cả nước này vẫn được bà con Hà Sơn ủy nhiệm làm “chân” trưởng nhang (ông từ) tại các ngôi đền thiêng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia của xã, bởi từ Hà Sơn lên trang trại Thạch Thành, và ngược lại, ông Chung chạy xe chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ.
*
Rời thị trấn huyện lỵ Hà Trung trong một sáng thu mát mẻ, đi về hướng quốc lộ 1A đoạn qua cầu Cừ, nay đã được nhà nước đầu tư nâng cấp, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh ngập nước trong mùa lũ, tôi bắt gặp, từng đoàn xe máy của lớp người trẻ tuổi, tác phong công nghiệp hối hả ngược xuôi đến nhà máy, xí nghiệp, công trình, đến những trang trại, tổ hợp sản xuất… bắt đầu một ngày lao động mới và chắc chắn rằng, chiều chiều vẫn trên con đường ấy, họ tan ca trở về phố thị, trở về thôn làng, nơi tổ ấm và người thân của họ đang chờ đợi. Đây là bức tranh của một nông thôn mới, nơi cuộc đời của người nông dân đang đổi thay từng ngày. Một sự đổi thay, kiến tạo, khai phóng nhưng những người nông dân bao đời đã gắn bó với họ mạc, thôn xã không phải rời bỏ quê hương, tha phương trăm miền chấp nhận rủi ro để cầu mong may mắn đổi đời như một thời đã và đang lui vào quá vãng.
        

Thanh Hóa, tháng Vu Lan,
          Canh Tý 2020

                          L.N.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 9827
 Tổng số truy cập: 7199586
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa