Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Nông thôn mới tới Biên giới Thường Xuân (Ký dự thi) - Thịnh Kiên
Nông thôn mới tới Biên giới Thường Xuân (Ký dự thi) - Thịnh Kiên

Để lại sau lưng cái nắng nóng chói chang giữa hè nơi trung tâm xã, lần lượt vượt qua những cung đèo uốn lượn với “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, những cánh rừng xanh thẳm ngút ngàn, những đỉnh núi dựng đứng như cổng trời, chúng tôi về với thung lũng bản Vịn trong cái mát mẻ giữa hè, cái bình yên bên những tán rừng xanh bao phủ. Bên dòng suối mát, những tốp trẻ em đang nhảy cầu tắm suối hồn nhiên. Xa xa, những tốp chị em địu con ở các chòm bản hướng về phía trung tâm. Đầu khu dân cư, một cổng chào to đẹp được dựng lên ngay bên triền núi với khẩu hiệu hành động của tương lai “Cán bộ và nhân dân bản Vịn quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Đó là tất cả những cảm xúc sau nhiều tháng chờ đợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tôi trở lại bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân để hòa mình vào ngày hội lớn: Ngày bản Vịn công bố quyết định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Trước khi đi anh em ở tổ công tác địa bàn điện về báo cho tôi rằng bản đã bố trí cho đoàn 8 người bao gồm cả chỉ huy và đội văn nghệ của đồn Biên phòng ăn nghỉ tại nhà số 23 - nhà ông Lang Thanh Quân. 
Vẫn mải mê nhìn ngắm thiên nhiên nên thơ và sự “thay da đổi thịt” của bản Vịn, tôi chợt phát hiện phía sau cổng chào, một người đàn ông ngoài sáu mươi đang đi đi, lại lại tay cầm ipad chụp ảnh, đó là đồng chí Lê Xuân Đấu - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Phụng. Sau cái tay bắt mặt mừng hội ngộ, bác Đấu tâm sự, thấy cổng chào đẹp, hai bên đường cờ đỏ bay phấp phới, lòng rất phấn khởi nên phải chụp một số ảnh để gửi cho con cháu ở xa. Nói xong, bác kéo chúng tôi vào trung tâm cổng chào chụp ảnh làm kỷ niệm.
Hôm nay, sân khấu nhà văn hóa rợp cờ hoa, người người rộn rã. Công an, dân quân phân luồng xếp xe cho khách, trẻ em tung tăng nô đùa, người già đi lại bắt tay chào hỏi… ai ai cũng tươi cười ngời lên vẻ hạnh phúc. Nhìn các cháu học sinh trường Tiểu học Bát Mọt 2 đang ghép nhạc chạy thử chương trình văn nghệ rất thuần thục. Cô giáo Vi Thị Lý phụ trách cho biết: Các cháu tập luyện văn nghệ từ sau tết nhưng tối nay mới được biểu diễn. Nhưng đây cũng là sự chuẩn bị dài hơi cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tuy là cây nhà lá vườn nhưng cũng là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân bản địa.
Bản Vịn đã trở thành bản biên giới đầu tiên và đứng vào hàng ngũ 29 thôn bản của 6 xã trong huyện Thường Xuân về đích nông thôn mới tính đến hết năm 2019. Kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân trong bản. Ngoài yếu tố lợi thế về địa lý tự nhiên với diện tích 2.131ha, có thung lũng ruộng bậc thang rộng lớn, có khí hậu mát mẻ, có rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên vây quanh che chở thì bản Vịn còn có quần thể cây di sản pơ mu và sa mu ngàn năm tuổi bên cạnh thác Suối Liềm hoang sơ, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách ưa thích khám phá. Là bản đông dân với 178 hộ/ 834 khẩu, trong đó 98% là người dân tộc Thái nhưng do ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nên trước đây cơ bản là “ngủ yên”, cách biệt với bên ngoài. Để ra được trung tâm xã, người dân phải đi trên con đường mòn dài 20km như sợi dây thừng vắt ngang qua núi, ngược lên bản Đục, qua bản Khẹo, vòng xuống bản Cạn. Do không có giao lưu thương mại nên đời sống của nhân dân chủ yếu là tự cung tự cấp, mặt bằng dân trí thấp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Thời tiết khí hậu lại khắc nghiệt, mùa đông sương mù giá buốt, thiếu nước sinh hoạt, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa nhờ nước trời… Cá biệt, một số người dân trong đó có cả cán bộ, đảng viên vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại…
Dấu ấn đổi thay bắt đầu từ năm 2016, khi bản được huyện đầu tư từ nguồn vốn 135 mở con đường bê tông xuyên rừng, cắt suối ra trung tâm xã, rút ngắn khoảng cách còn 15km. Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, xã, cán bộ và nhân dân bản Vịn đã bàn bạc, phân tích đánh giá những thuận lợi, khó khăn, từ đó bắt tay thực hiện chắc chắn từng bước. Với phương châm việc dễ làm trước, việc khó làm sau nhưng quan trọng là phải có được sự quyết tâm của ban quản lý bản, sự đồng tình, ủng hộ của bà con. Đội ngũ cán bộ được cử đi tập huấn, tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh, khi trở về đi từng ngõ, gõ từng nhà “đánh thức” người dân để họ nhận thấy mục tiêu, lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới gắn với làm mô hình du lịch cộng đồng homestay. Cán bộ, nhân dân cùng xuống đường đồng hành trong từng việc nhỏ, để rồi những khó khăn, điểm yếu đã từng bước được tháo gỡ. Mỗi tuần bản tổ chức lao động tập thể để tổng vệ sinh đường ngõ một lần. Thủ tục ma chay mai táng trước đây kéo dài vài ngày, ăn uống rình rang nhưng hiện nay đã được rút ngắn, tiết kiệm thực hiện nhanh nhất, tốt nhất huyện Thường Xuân…
Mục tiêu chuẩn nông thôn mới lẽ ra đã đạt được từ năm 2018 nhưng cơn lũ lịch sử tháng 10 năm 2017 đã quét đi của bản nhiều thửa ruộng đồng, kênh mương, đường sá và cả nhà cửa, gia súc, gia cầm… nên nhiều công trình và các thiết chế văn hóa bị hư hỏng nặng nề. Không chịu dừng bước, cấp ủy chi bộ, các ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong bản một lần nữa lại hợp sức đồng lòng bàn cách tái thiết quê hương. Truyền thống cần cù trong lao động sản xuất cùng với sự đoàn kết tương trợ được khơi dậy hơn bao giờ hết. Cán bộ, nhân dân lăn xả xuống đồng, lên rẫy vực dậy từng nhành cây, gọng cỏ. Mồ hôi công sức của đồng bào đã biến những vườn hoang thành vườn cây ăn quả, biến đồi cây cỏ dại thành vườn mận Tam Hoa. Những đàn dê, ngỗng, gà đồi, lợn cỏ được tái sinh ngày càng nhiều hơn; những đàn trâu bò hàng trăm con liên tục sinh sôi phát triển, có gia đình nhiều nhất tới 28 con trâu. Từ đó những thương lái dưới thị trấn lên săn lùng thu mua sản vật ngày càng nhiều hơn. Dân bản thấy được lợi ích thiết thực từ việc trực tiếp được thụ hưởng thành quả nên rất hào hứng, hăng say. Nhiều mô hình, tổ hợp đã ra đời và đi vào hoạt động có hiệu quả như mô hình “năm không ba sạch”, “nhà sạch vườn đẹp”, “làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, tổ nuôi lợn nái đen, câu lạc bộ trồng rau sạch… Đã có 10 hộ gia đình được hỗ trợ để sửa chữa nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh khép kín để đón khách. Đến nay 100% số hộ tại bản Vịn có điện lưới, xe máy, ti vi; không còn gia đình nào phải ở nhà tạm bợ dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm. Có 84% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa cấp huyện. Đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp ngành, cuối năm 2018 bản đã được tập đoàn Viettel lắp đặt cột thu phát sóng điện thoại. Bản Vịn thực sự được hồi sinh, bừng tỉnh, nối mạch giao thương và thông tin liên lạc với “thế giới bên ngoài”. Như một lẽ tự nhiên, không chỉ những hộ kinh doanh hàng hóa dịch vụ mà cả những nhà trực tiếp làm ra sản vật cũng thành thạo quảng bá, bán hàng online.
*
Khi những cơn gió mát mơn man thổi về, mặt trời dần lặn xuống chúng tôi tiến về nhà số 23 để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thấy bóng dáng áo xanh đi về cổng, ông Quân chủ nhà vội chạy ra đon đả:
- Hôm nay mời các chiến sỹ biên phòng thử mâm cơm “chuẩn” của bản Vịn nhé.
Là bộ đội đóng quân trên địa bàn Bát Mọt ngót nghét cũng hơn 2 năm và không ít lần được ăn cơm với đồng bào bản Vịn, nhưng lần này chữ “cơm chuẩn” của ông Quân khiến tôi không khỏi tò mò. Khác với những lần trước, khi bản có việc lớn, quan khách chỉ tập trung về nhà trưởng bản và nhà một vài cán bộ xã khang trang hơn, lần này Ban tổ chức đã chọn thêm 10 gia đình để đón tiếp khách và về lâu dài, đây sẽ là nơi lưu trú phục vụ cho mô hình du lịch cộng đồng mà chính quyền và nhân dân bản Vịn đang hướng tới. Mâm cơm “chuẩn” của ông Quân được bày ra làm thực khách chúng tôi cứ ngắm nhìn chăm chú. Ông Quân cho biết, sáng sớm con trai ông ra bản nhận 1,6kg thịt trâu để tiếp khách rồi lên rừng lấy thêm măng, hoa chuối và dưa chuột Lào; trưa con dâu vào bếp tự tay chế biến các món ăn để thiết đãi khách. Thích nhất là món nộm da trâu, vừa mềm, giòn lại bùi ngọt. Có lẽ chỉ cần món “độc” thế này cũng đã đủ khiến du khách khó mà rời được bản Vịn.
Bản Vịn quyến rũ chúng tôi không chỉ bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng biên cương lắm dốc nhiều đèo mà còn ở vẻ e ấp của những sơn nữ tần tảo đã tạo ra những món ăn ngon, lạ từ những thứ rất bình thường. Mọi ngày, khi màn đêm buông xuống, bản Vịn yên tĩnh, bình an. Sau một ngày lao động mệt mỏi, người dân trở về tổ ấm, chỉ còn lại tiếng côn trùng, chim muông réo rắt. Nhưng đêm nay, tiếng trống chiêng, tiếng gõ sạp và lời ca tiếng hát bên đống lửa trại đã rung động, hun nóng cả núi rừng. Tôi bỏ cả vị trí đại biểu để chạy ra, chạy vào chụp ảnh, quay phim và livestream. Đi qua đi lại sau lưng ghế đồng chí Vi Văn Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân. Có lẽ thấy vẻ mặt khấp khởi vui mừng của tôi đang mải mê ghi lại những tiết mục văn nghệ trên sân khấu mà Sinh hỏi:
- Anh thấy hôm nay các tiết mục có khác các lần trước không? Công sức của em cả chục ngày trên đây đó.
- Sao lại công sức của chú?
Để trả lời câu hỏi chứa đầy sự ngỡ ngàng của tôi, Sinh liền bật điện thoại cho tôi xem lại những hình ảnh, video trong đợt tập huấn phục dựng, truyền dạy cách thức Khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái do phòng của Sinh phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh vừa tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, rồi Sinh giải thích:
- Để làm du lịch cộng đồng thì phải có sản phẩm văn hóa bản địa anh ạ. Dù bản Vịn có đạt chuẩn nông thôn mới như hôm nay thì giá trị về văn hóa, hồn cốt của dân tộc bản địa mình lại càng phải giữ và càng phải đi vào đời sống mới.
Câu chuyện về làm du lịch cộng đồng được Sinh giãi bày với tôi như gặp được người để chia sẻ:
- Lợi thế ở đây cũng không nhiều, chủ yếu là khí hậu thiên nhiên ưu đãi và tình cảm, lối sống chậm của đồng bào nên ta phải khai thác các yếu tố truyền thống đó.
- Nhiều chứ. Này nhé, đường bậc thang lên cây di sản đã xong, dự án mận Tam Hoa đang lớn, tới đây được đào “quả hồ” nhân tạo Húa Na trị giá hai chục tỷ nữa thì...
- Thì có đủ cả tham quan, ngắm cảnh, ăn nghỉ, vui chơi ca hát; chỉ thiếu cái để cho du khách mua sắm nữa thôi anh nhỉ?
- Sao lại thiếu? Có mà thiếu tư duy kinh doanh thôi chứ ở đây mà gom lại, bày ra thì du khách chỉ có thiếu tiền. Này nhé: mật ong, măng đắng, măng khô, rượu cần, cơm lam, gà nướng, cung, nỏ, phách gỗ, đũa tre, hàng thổ cẩm… có cần anh kể nữa không?
Sinh vỗ đét vào đùi tôi, cười khà khà như xung quanh không có ai, rồi nhảy cẫng lên làm chiếc điện thoại văng xuống đất: “Ôi, chính trị viên mà cũng biết làm tiền”.
Sau một đêm ngon giấc trên nhà sàn ông Quân, sáng ngày 6 tháng 7 chúng tôi về sân văn hóa để khai cuộc. Lặng lẽ ngồi gần hai tiếng đồng hồ dự buổi lễ, đồng chí Lang Đức Bông, nguyên Phó Chủ tịch huyện Thường Xuân mới có lời với ban tổ chức để phát biểu cảm xúc ở vài phút cuối chương trình. Từ những ngày sẻ chia khoai sắn, đồng cảm khó khăn, hôm nay ông ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của bản Vịn, rồi ông ngưỡng mộ, tin tưởng và gửi gắm tình cảm với bà con: Bản Vịn là thôn biên giới nên có nhiều khó khăn hơn nhưng tất cả đã vượt qua. Có được kết quả đó, ngoài sự lãnh đạo, sự quan tâm của cấp ủy đảng và các ngành trong huyện, xã thì vai trò to lớn quyết định đó là công sức, là ý chí của nhân dân trong việc phát triển kinh tế, trong việc giữ gìn môi trường sinh thái. Để có được môi trường rừng như hiện nay, các ông, các bà, các mế đã phải bảo vệ giữ gìn mới được thế này. Bây giờ thông tin nhanh chóng, giao thông thuận lợi, giao lưu phát triển kinh tế nhưng phải giữ gìn an ninh cho tốt, giữ vững sự bình yên bản làng, xây dựng mối đoàn kết, hài hòa nhịp nhàng trong quan hệ với bạn Lào…
Trong cái nắng oi ả, mọi người vẫn nán lại đến phút cuối để lắng nghe. Ông Bông vừa dứt lời, bên cánh gà sân khấu các mế, các mẹ đã tập trung đông đủ, sán lại gần để vỗ vai, bắt tay và gửi gắm tâm sự thêm gì đó với người con rể thành đạt của bản. Ở dưới hàng ghế, ông Lang Hồng Tuyên, Bí thư kiêm trưởng bản quay về phía tôi tỏ ý trăn trở:
- Nông thôn mới rồi đó nhưng vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn lo chú ơi! Mua lưới B40 rào chắn hơn một cây số ruộng đồng rồi mà không xong vì nhiều hộ còn tập quán chăn thả trâu bò, dê, lợn tự do…
Nhìn người bí thư bản đã bước vào cái tuổi “bên kia dốc cuộc đời” đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, an nhàn. Nhưng vì việc làng, việc bản mà đôi mắt ông lúc nào cũng trũng lại đăm chiêu, dăn deo hơn, ít khi thấy gương mặt ông giãn ra một cách thoải mái vì những nghĩ suy cho dân cho bản. Vì vậy tôi cố gắng động viên ông:
- Nó khó chứ bác. Trâu, bò, dê, lợn vẫn là nguồn thu lớn, chả nhẽ bây giờ cấm chăn nuôi. Nhưng hộ nào chưa làm chuồng nuôi nhốt thì phải có người chăn dắt. Ở dưới xuôi chúng cháu nhà nào thả rông sẽ bị bắt, nộp phạt và thông báo trên loa xóm, thế là hết thả rông.
- Vừa rồi tôi đi thăm quan mô hình ở Sơn La, thấy họ trồng hoa ven đường và trồng cả cánh đồng hoa bạt ngàn đẹp lắm. Ở đây đất nhiều mà trồng được thì tốt, nhưng trâu bò phá quá. Nhưng tôi quyết rồi chú ạ, sắp tới dứt khoát tôi với anh em ở bản làm triệt để, trâu bò nhà ai nhà đó trông, ruộng đồng nhà ai nhà đó bảo vệ. Lấy sức dân mà giải quyết bức xúc trong dân.
Trong bữa cơm liên hoan sau buổi lễ, sau vài “mắt” rượu làm thủ tục chào hỏi, chúng tôi chuyện trò tâm giao như những người bạn. Cuộc gặp gỡ hôm nay tôi mới hiểu thêm rằng, để cán đích nông thôn mới thì công sức của nhân dân trong bản là không thể kể hết, nhưng sự chung tay góp sức của những tập thể, cá nhân ngoài bản cũng khá quan trọng. Bí thư kiêm trưởng bản Lang Hồng Tuyên có ý kiến: “Báo cáo với các anh em là đồng chí Đấu đây chính là người khai phá, thúc đẩy, tạo nên bước ngoặt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của bản Vịn”. Tôi biết thêm về đồng chí Lê Xuân Đấu sau khi được xem những bức ảnh trong ipad, trong đó chủ yếu là ảnh đồng chí cùng đoàn công tác xã Ngọc Phụng lên làm đường, làm Nhà văn hóa, khánh thành Trường Tiểu học Bát Mọt 2 đóng trên bản Vịn… Ông Đấu lần lượt kể lại nhiều kỷ niệm về mối lương duyên giữa bản Vịn và Ngọc Phụng: Năm 2016 khi còn là bí thư Đảng ủy xã Ngọc Phụng, ông Đấu đã kết nối để xã Ngọc Phụng nhận đỡ đầu bản Vịn, ngay sau đó bản được triển khai làm nhà văn hóa, mở rộng đường nội thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Những cán bộ kỹ thuật, cùng với máy xúc, xe tải huy động từ Ngọc Phụng được “kéo” lên Vịn với tinh thần “tất cả vì biên giới thân yêu”. Có lúc đội ngũ giúp sức của Ngọc Phụng lên tới 12 người thay nhau chuyển lương thực thực phẩm lên “ăn nằm”, túc trực tại công trường. Rồi nhà văn hóa với diện tích 120m2 và khu thể thao 1.980m2 có hàng rào bê tông trị giá hơn 8 trăm triệu được dựng lên, tuyến đường nội thôn 2.180m được giải phóng mặt bằng, san sửa, lu lèn và bê tông hóa. Trong khí thế đó, có 32 hộ dân tự nguyên hiến hàng ngàn mét đất, chặt cây, thu nhỏ vườn để hiến đất nhường đường. Từ chỗ đường nội thôn chủ yếu đi bộ, giờ hai ô tô có thể tránh nhau không cần giảm tốc. Cũng trong năm 2016 bản Vịn được công nhận bản văn hóa cấp huyện và giữ vững liên tục đến nay.
Sự quan tâm của xã Ngọc Phụng hay sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân tập thể đối với bản Vịn chính là tình cảm, là sự đồng hành chia sẻ của tuyến sau đối với tuyến trước, của miền xuôi đối với miền ngược. Sự vào cuộc tích cực đã huy động được số vốn xây dựng nông thôn mới lên tới 9,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn hai trăm triệu là vốn huy động từ nhân dân và cộng đồng, còn lại là các nguồn vốn ngân sách địa phương và các chương trình dự án.
Chia tay những vị khách quý, lòng tôi lâng lâng lưu luyến. Tự hứa với mình rằng sẽ đưa đoàn “du khách” là mấy gia đình anh em người nhà lên bản Vịn để trải nghiệm, để ngạc nhiên trước miền sơn cước trù phú, thanh bình. Tạm xa rừng xanh bạt ngàn, xa dòng suối trong veo bên cánh đồng bậc thang phủ kín lúa xanh đang thì con gái và xa những con người hiền hòa, đôn hậu. Hoàng hôn đang buông xuống, màn đêm sẽ bao phủ theo quy luật vũ trụ, nhưng một ngày mới lại nhanh chóng bắt đầu. Như bản Vịn hôm nay, đạt nông thôn mới là sự bắt đầu cho một bản Vịn nông thôn mới kiểu mẫu ngày mai.
                

T.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 329
 Tổng số truy cập: 7647735
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa