Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Đánh thức Pù Luông (Ký dự thi) - Nguyễn Hải
Đánh thức Pù Luông (Ký dự thi) - Nguyễn Hải

Những ngày đầu tháng sáu, trời nắng như đổ lửa, tôi đã lên một kịch bản điên rồ là “phượt” Bá Thước bằng xe máy. Gặp nhau trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Tết đảo của nhà văn Lê Ngọc Minh, tôi chia sẻ ý định đi Bá Thước với nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, nhà thơ nói ngay với tôi bằng nét mặt rất nghiêm nghị và trịnh trọng: “Em hãy tìm gặp bằng được nhà thơ Lê Huy Hoàng và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nam Ninh. Hai người này là của hiếm đấy, là vàng mười đấy, bây giờ mà tìm được những người hiểu rõ nhiều nhất, bỏ công bỏ sức ra nghiên cứu về quê hương, bản quán mình nhiều như hai vị này thì quả là hiếm, hai người này sẽ giúp em trả lời được rất nhiều câu hỏi về Bá Thước và đặc biệt sẽ cho em một chuyến đi thú vị…”. Tôi hăm hở lên đường tới Bá Thước ngay chiều hôm đó, một hành trình dài, dưới cái nắng vàng như mật ong, chạm thị trấn Cành Nàng khi trời vừa nhá nhem tối không còn tỏ mặt người. Đây là chuyến hành trình trở về với vùng đất có những trận thắng đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn hơn sáu trăm năm trước, đến với vùng đất phát tích của người Mường, người Thái cổ, đến với địa danh có “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc” trong Sử thi Mo Mường “Ðẻ đất đẻ nước”, đến với vùng đất có đầy đủ các hình thái rừng núi, sông hồ, suối thác, ruộng bậc thang và những bản làng còn giữ được nét nguyên sơ của người thiểu số miền núi phía tây tỉnh Thanh. Tôi mang theo hy vọng thấy được sự đổi thay của Bá Thước sau hành trình mười năm xây dựng nông thôn mới. Đêm đầu tiên trong lòng Cành Nàng, hầm hập nóng như trẻ con sốt lên răng, may thay sáng ra thấy Cành Nàng mát mẻ, trong lành đến lạ như chưa từng có cơn sốt chiều tối qua, hay quá, thế mới thấy giá trị của rừng, thế mới biết vì sao lại phải bảo tồn khu sinh thái Pù Luông.
“Cậu có biết vì sao chỉ khi đánh ở Bá Thước với những trận Kình Lộng, Ba Lẫm, Úng Ngãi… thì nghĩa quân của Lê Lợi mới thắng được quân Minh không?”, đó là một câu hỏi khó mà nhà thơ Lê Huy Hoàng dành cho tôi. Nghĩa quân Lam Sơn trong mười năm đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh đã gặp rất nhiều khó khăn, khi phải chạy về Lang Chánh để cố thủ, có lần chạy bạt lên tận Mường Lát, thậm chí tướng Lê Lai đã phải xả thân cứu chúa để bảo vệ thủ lĩnh khỏi vòng vây quân thù, chỉ khi đi vào đất Nghệ An xây dựng đội quân hùng mạnh từ đó mới liên tiếp thắng lợi cho đến trận cuối cùng là chiến thắng Đông Quan. Vậy cớ gì mà trên đất Thanh Hóa, chỉ khi đóng quân ở Bá Thước, nghĩa quân Lam Sơn mới có những trận thắng đầu tiên, không như ở những địa phương khác luôn bị quân địch đánh cho tơi tả phải rút vào thế phòng thủ? Nhà thơ Lê Huy Hoàng giải thích rằng lí do ở đây chính là thế đất và sức dân. Nếu ở Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát thế đất chỉ hợp cho phòng thủ với địa hình núi cao hiểm trở nhưng dân cư thưa thớt. Ở Thọ Xuân, Ngọc Lặc thì thế đất thấp, đồng bằng nhiều, quân ta ít, quân địch đông giăng hàng ra đánh thẳng mặt với nhau làm sao thắng được. Vậy nên chỉ có Bá Thước, thế đất có cả rừng núi, có cả đồng bằng, vừa công vừa thủ đều tốt, dân đông, lương nhiều, người Mường, người Thái nhuần tính, yêu nước một lòng một dạ đi theo nghĩa quân, không bị quân Minh mua chuộc. Khi hết lương, nhân dân Bá Thước có thể lo, khi nghĩa quân cần chiêu mộ thêm binh lính, Bá Thước có đủ người tham gia, đó chính là lí do mà trên đất Thanh Hóa chỉ khi đánh ở Bá Thước nghĩa quân Lê Lợi mới có thể thắng. Vậy là đất Bá Thước là đất lành, người Bá Thước trung nghĩa, thế của Bá Thước là thế công, đánh là sẽ thắng, ấy vậy mà đánh mãi vẫn chưa hết đói nghèo, lạc hậu, vì sao? Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nam Ninh, một người Thái chính gốc, phân tích theo cái cách khiến tôi không khỏi bất ngờ. Người Bá Thước nói chung và người Mường, người Thái ở Bá Thước nói riêng không đói nghèo nếu anh xét theo quy chiếu văn hóa của họ. Trong xã hội thường có ba mối quan hệ chính, đó là quan hệ cộng đồng làng bản, quan hệ họ hàng anh em, quan hệ thông gia. Đối với người Kinh thì họ coi trọng họ hàng trước tiên, tiếp đến làng nước rồi mới đến thông gia. Người Mường thì coi trọng thông gia trước rồi đến làng nước, thứ ba mới đến họ hàng. Người Thái thì xem cộng đồng lên trên hết, tiếp đến là thông gia cuối cùng mới đến họ hàng. Về mặt thứ tự quan tâm có khác nhau, mỗi mối quan hệ đều có những ưu tiên nhất định để từ đó hình thành nên tính cách, bản sắc của từng tộc người. Với người Thái việc xem cộng đồng làng bản là ưu tiên thì rõ ràng tính cộng đồng họ cao hơn hai tộc người còn lại, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, cộng đồng có mối quan hệ ràng buộc rất chặt chẽ, có yếu tố tương tác qua lại rất mạnh. Điều này vừa là ưu điểm lại vừa là nhược điểm, ưu điểm là tính đoàn kết luôn được củng cố và giữ gìn theo hướng ngày càng bền chặt, hòa khí trong thôn, trong bản được coi trọng từ đó mà nếp sống của người Thái được giữ vững. Nhưng nhược điểm của nó là không có sự cạnh tranh, bứt phá tạo ganh đua trong làm ăn kinh tế, do vậy họ chưa giàu. Gần như làm giàu không phải là nhu cầu của người Thái và ngay cả đồng bào Mường cũng thế. Và khi không có nhu cầu thì họ không cố gắng bằng mọi giá để đạt lấy nó như người Kinh, mà chỉ luôn duy trì, cầm chừng ở một mức sống vừa đủ, đủ cho mình và đủ chia sẻ với mọi người, do đó khi bước vào đời sống lấy kinh tế làm trọng, họ sẽ thua thiệt ít nhiều. Nên có một sự thay đổi về mặt nhận thức cũng như tư duy làm giàu cho không chỉ người Thái mà cả người Mường ở Bá Thước. Bàn về vấn đề này, nhà thơ Lê Huy Hoàng cho rằng đa phần người miền núi chứ không riêng gì Bá Thước đều chậm, họ quen với cuộc sống tự cung tự cấp xưa đến nay, họ bằng lòng với cuộc sống sơ sài từ trước đến hiện tại, mùa nào thức ấy và phụ thuộc phần lớn vào rừng, do vậy kinh tế thị trường với họ vẫn còn là một khái niệm rất mơ hồ, muốn thay đổi được lối sống của họ cần phải có thời gian chứ không thể nói thay đổi là thay đổi ngay được và chắc chắn là cần phải có chất xúc tác, việc người Kinh đến Bá Thước làm kinh tế sẽ là chất xúc tác rất tuyệt vời, bởi họ sẽ tạo ra sự cạnh tranh, tạo ra môi trường trao đổi hàng hóa từ đó sẽ giúp hạn chế và đi đến chấm dứt câu chuyện xin cho, và thay đổi lối làm ăn tự cung tự cấp của người miền núi. Nhưng cũng cần phải xác định rõ ràng rằng văn hóa bản địa sẽ có một cú va đập rất mạnh, nếu những người làm công tác quản lí không chăm chút, che chở, nâng đỡ cho văn hóa trước sức tàn phá khủng khiếp của đời sống kinh tế thị trường thì cái giá đánh đổi sẽ rất đắt.
Tôi đem câu chuyện về tính cách, bản sắc của người miền núi Bá Thước chia sẻ với đồng chí Phó Chủ tịch huyện Lò Văn Thắng, để tìm câu trả lời cho câu hỏi tính cách và bản sắc của người dân tộc ít người ở Bá Thước đang tác động như thế nào đến quá trình phát triển của du lịch nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Bá Thước nói chung? “Một câu hỏi rất hay!”. Anh Thắng cảm thán trước khi kể tôi nghe câu chuyện du lịch của Bá Thước. “Vốn dĩ người Thái hay người Mường không chỉ ở Bá Thước mà ở huyện nào, tỉnh nào cũng thế, đã thành bản tính tự nhiên của họ, đó là thích lối sống khép kín, không phải mang tư tưởng cát cứ nhưng muốn riêng biệt, không thích sự ồn ào, xô bồ, chậm rãi như cái cách mặt trăng lên trên ngọn bương, mặt trời lặn sau các dãy núi. Chính vì sự riêng tư và khép kín như vậy, tự nhiên họ tạo ra sức hút cho người khác, những người thích tò mò, khám phá, và du lịch cộng đồng ở Bá Thước bắt đầu từ nguồn cơn như thế. Cái tính cách ấy, bản sắc thú vị ấy mang đến cho những người làm công tác quản lí và hoạch định chính sách hai cái nhìn, một là khai thác, phát huy cái tích cực, hai là cải thiện, khắc chế cái tiêu cực. Đó là một trong những thách thức lớn nhưng bao giờ cũng thế trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội”.
Tôi thích cái cách nói chuyện rất tự nhiên và đầy tự tin của đồng chí Phó Chủ tịch huyện. Anh là một trong những người soạn thảo chính đề án phát triển du lịch Bá Thước đến năm 2025 tầm nhìn 2030 trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt đầu năm 2018. Để có được sự hiểu biết cặn kẽ ấy, tôi chắc chắn anh đã bỏ ra không ít thời gian “ăn nằm” trăn trở với du lịch của Bá Thước, một huyện có tiềm năng vào bậc nhất của tỉnh mà nhiều thứ hãy còn nằm trên giấy, chưa khai thác được bao nhiêu. Theo cái cách mà anh phân tích thì rõ ràng ngoài tính cách, lối sống của người dân ra, còn nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển du lịch của Bá Thước như cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư, kỹ năng… để phát triển du lịch Bá Thước cần rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức, không phải cứ nói phát triển là phát triển ngay được. Trong rất nhiều việc, rất nhiều nhiệm vụ và nhóm giải pháp, thì Ủy ban nhân dân huyện Bá Thước xác định nhiệm vụ trọng tâm có tính chất tiên quyết đó là lập nhóm dự án quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch; bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch. Huyện đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp như xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện. Tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cải tạo môi trường... là tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch và dịch vụ. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng; làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. 
Vậy còn giải pháp về con người thì sao, thưa anh? Thấy tôi có vẻ sốt ruột, anh châm nước vào ấm và rót nước mời, tôi hiểu anh ngầm muốn nói tôi đừng vội. Đưa tôi xem bản báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của huyện năm 2019, anh bảo “chú xem qua đi, sẽ thấy”: Đã xuất hiện một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao: Khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat (doanh thu hàng năm đạt hàng tỷ đồng), Puluong Eco Gardel, Puluong Tree House, Puluong Home; mô hình homestay nhà ông Hà Văn Sĩ (Bản Hiêu, xã Cổ Lũng), nhà ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch (Bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (Bản Kho Mường, xã Thành Sơn) thu nhập hàng năm từ 200-400 triệu đồng... Thu nhập bình quân của các hộ tại thôn Kho Mường tăng từ 26 triệu đồng/01 người/năm lên 30 triệu đồng năm 2018, tại Bản Đôn từ 26,5 triệu đồng lên 33,2 triệu đồng. Du lịch đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thêm thu nhập cho rất nhiều hộ dân làm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng. Tổng số khách du lịch đón được giai đoạn 2015 - 2020 là khoảng 250 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 200 tỷ đồng. Đã tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 380 lao động, thu nhập bình quân từ bốn đến năm triệu đồng một tháng; ngoài ra có khoảng 500 lao động gián tiếp có thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch. Việc tạo ra việc làm góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân đã làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo tại các thôn bản. Như bản Đôn tỷ lệ hộ nghèo từ 12% năm 2015 xuống còn 5% năm 2019; Bản Kho Mường từ 13% xuống còn 6,6%... Các thiết chế văn hóa được ưu tiên đầu tư như nhà văn hóa, sân thể thao, mua trang phục, nhạc cụ dân tộc, thành lập các đội văn nghệ truyền thống, khôi phục các nét đẹp văn hóa, các điệu khặp, múa sạp của người Thái, xường của người Mường để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời phục vụ khách du lịch. Việc xây dựng các homestay đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đã làm tăng thêm chất lượng nhà ở của người dân, vừa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, vừa đảm bảo thẩm mỹ mà vẫn giữ được bản sắc của nhà sàn truyền thống. 
Nghĩa là, khi cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hoàn thiện sẽ tạo đà cho du lịch phát triển, khi du lịch phát triển sẽ tạo ra sự thay đổi trong tính cách và lối sống của bà con. Từ đó sẽ có tác động ngược trở lại, các mô hình du lịch và dịch vụ sẽ xuất hiện nhiều hơn, kết quả là đời sống kinh tế của bà con ngày một nâng cao hơn, đời sống tinh thần, đặc biệt là các công trình văn hóa được trùng tu khôi phục sẽ giúp bà con được sống đúng với các giá trị văn hóa tốt đẹp của mình, từ đó góp phần hoàn thành hàng loạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nghe tôi nói xong, anh mỉm cười rồi cho tôi biết thêm một vài con số đáng mừng khác. Huyện Bá Thước cũng đã được phê duyệt Quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son -Bá - Mười từ năm 2015, Khu du lịch Thác Hiêu năm 2018 và trong năm 2019 là khu du lịch Thác Muốn. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chủ động trong việc phê duyệt hai bản Quy hoạch 1/500 hai điểm du lịch bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn) vào năm 2020. Riêng các năm từ 2015-2019 Bá Thước đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch là 286,6 tỷ đồng (Trong đó vốn xã hội hóa khoảng 200 tỷ đồng) tập trung xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, bungalow, homestay; xây dựng đường giao thông đến các khu, điểm du lịch, xây dựng các khu vệ sinh công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng... thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội cũng như trò diễn có từ ngàn xưa đang bị thất truyền, vừa để củng cố vốn văn hóa giàu bản sắc, vừa góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã tổ chức và tới đây sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội nghị kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư từ các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân để tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như hình thành thêm nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, liên kết với các trường, các trung tâm mở thêm các lớp đào tạo về dịch vụ du lịch cho lao động tại chỗ… hàng loạt các giải pháp và việc làm cụ thể, Bá Thước quyết tâm đánh thức Pù Luông, đánh thức tiềm năng, lợi thế để đưa du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của toàn huyện nói chung vươn vai sau giấc ngủ dài.
Từ thị trấn Cành Nàng, tôi tiếp tục hành trình của mình về với Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, những địa danh đã có tiếng về làm du lịch homestay. Quốc lộ 521C men theo các triền núi cao, xuyên qua những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, hoang sơ. Thi thoảng lộ ra những bản, làng nho nhỏ bên những thửa ruộng bậc thang đẹp hút mắt, nếu là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng thì không ít người phải xuýt xoa, reo lên vì sung sướng. May mắn cho tôi, chuyến đi lần này đúng vào thời điểm lúa chín, cánh đồng bản Báng, cánh đồng bản Đôn, cánh đồng Đông Điểng và những cánh đồng nhỏ ven đường tôi qua đổ vàng óng ả, màu vàng của lúa hòa vào màu của nắng đổ dài theo triền thung men theo bờ sông tựa như một dòng suối vàng đẹp đến nao lòng. Anh Hà Văn Hạnh, Chủ tịch xã Thành Sơn đã chiếu cố làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho tôi, đưa tôi đi thăm những cánh đồng đẹp nhất, những khu tập trung nhiều hộ gia đình làm dịch vụ homestay, ghé thăm những hộ tiên phong và hoạt động có hiệu quả nhất trong việc phát triển dịch vụ này ở Thành Sơn. Những ngôi nhà sàn theo lối kiến trúc của người Thái, chỉ có cái mái là “chịu ảnh hưởng nặng nề” của người miền xuôi, mái tôn giả ngói, mái tôn uốn vòm, mái tôn xanh, đỏ… một số rất ít giữ được mái cọ nguyên bản. Ngân Văn Thơ, một thầy giáo tiểu học, cách đây ba năm đã bén duyên với homestay theo cái cách không thể tình cờ hơn, đó là cho hai vị khách nước ngoài ở nhờ vì các khu kinh doanh homestay ở bản Đôn đã cháy phòng. Sau lần đó anh Thơ mạnh dạn vay mượn anh em họ hàng, đồng nghiệp người thân sửa sang lại nhà cửa để làm homestay. Sau hai năm, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng mở rộng thêm khu nhà đồng thời quy hoạch lại khu nhà bếp, nhà vệ sinh, sắm thêm hàng quán, trang thiết bị phục vụ khách, mỗi tháng trừ chi phí anh còn để ra hơn hai mươi triệu đồng. Không những thế anh còn giúp đỡ các hộ xung quanh làm dịch vụ du lịch giống mình, động viên các gia đình trong bản không đủ điều kiện mở dịch vụ lưu trú thì tích cực trồng rau, nuôi gà, thả cá… cung cấp thực phẩm sạch cho các hộ kinh doanh. Đến giờ ở Thành Sơn ngoài homestay Thơ Hà của gia đình anh còn có các cơ sở khác như Nguyễn Lan, Anh Toàn, Trung Hoa, Mạnh Cường… đều cho thu nhập ổn định, đời sống đã khá giả hơn, nhiều hộ khác đang trong quá trình xây dựng, những hộ đã đi vào hoạt động thì đang mở rộng và hoàn thiện cả bên trong lẫn bên ngoài, nhằm thu hút khách du lịch đến lưu trú nhiều hơn. Những mô hình tiểu cảnh, bồn hoa trước nhà, những con đường hoa nội thôn, nội bản dù chỉ là những cây hoa dại lấy từ rừng đem về trồng nhưng cũng làm cho các khu làng, bản dọc đường 521C sinh động và lôi cuốn hơn. 
Tuy tiềm năng du lịch được đánh giá là rất lớn, nhưng nhìn chung Bá Thước khai thác vẫn chưa được nhiều. Đây thực sự là một điều đáng tiếc, theo như anh Lương Văn Thuân, Chủ tịch xã Thành Lâm chia sẻ thì rõ ràng câu chuyện thu hút nhà đầu tư và khuyến khích người dân tại địa phương tích cực tham gia phát triển du lịch là một bài toán không dễ. Riêng xã Thành Lâm có 6 thôn bản, 860 hộ với gần 3.500 nhân khẩu, nhưng cả xã mới có 30 hộ kinh doanh cơ sở lưu trú trong đó tập trung chủ yếu ở bản Đôn (27 hộ), bản Bầm (2 hộ), bản Leo (1 hộ). Nhưng như vậy vẫn còn khá hơn xã Thành Sơn, một xã được coi là có điều kiện hơn về khí hậu, cảnh quan, lại là nơi khởi phát của du lịch cộng đồng, ấy vậy mà đến nay cả xã mới có 8 hộ kinh doanh lưu trú. So với mươi năm về trước, giờ đây kiến thức làm du lịch của bà con có khá hơn nhiều, mọi người đã biết sắm sửa thêm chăn màn, ga đệm, nuôi thêm gà, vịt, trồng thêm rau sạch, thả thêm cá, chế biến món ăn ngon hơn, sạch sẽ hơn, chuyện trò cởi mở, hồ hởi và tự nhiên hơn với khách. Tuy nhiên, cái khó khăn chung mà người dân và chính quyền hai xã này đang phải trăn trở đó là câu chuyện về vốn, kiến thức và khả năng liên kết với các công ty lữ hành để có được nguồn khách ổn định. Tôi cũng đã đặt vấn đề này trong cuộc trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch huyện, anh Thắng cho rằng ngoài khó khăn về vốn đầu tư thì du lịch Bá Thước còn gặp rất nhiều khó khăn khác nữa, ví dụ như công tác kêu gọi nhà đầu tư; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, số cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu của khách. Giao thông tiếp cận một số khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, chưa có bãi đỗ xe, công trình xử lý rác thải, nước sạch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống, đón tiếp khách, hướng dẫn du lịch... Số lao động thông thạo ngoại ngữ chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là mới qua các lớp tập huấn ngắn ngày, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chuyên nghiệp… Trước rất nhiều khó khăn như vậy liệu Bá Thước có chồn chân? Anh Thắng cười bảo “vạn sự khởi đầu nan”. Với một địa phương làm du lịch còn non trẻ như Bá Thước thì việc phải đối mặt với nhiều khó khăn là đương nhiên. Khi đã xác định lấy du lịch làm mũi nhọn, làm đà cho sự phát triển của địa phương thì phải xác định luôn tâm thế khi vào cuộc, cần phải có quyết tâm đủ lớn, khát vọng xứng tầm và ngọn lửa nhiệt tình cùng với tình yêu quê hương bản xứ luôn rực đỏ thì mới có thể vượt lên những khó khăn ấy. Thực tế Bá Thước đang có những bước đi hợp lí, chậm nhưng chắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12%/năm (2015) lên 16,8%/năm (2019); thu nhập bình quân đầu người từ 14,5 triệu đồng lên 27,5 triệu đồng trong cùng thời gian đó, tính đến cuối năm 2019 toàn huyện đã có 3 xã và 64 thôn về đích nông thôn mới và trong năm 2020 sẽ có thêm một xã và hai thôn về đích. Đối với một huyện miền núi, có điểm xuất phát thấp, mỗi bước đi luôn đối diện với muôn vàn khó khăn, rõ ràng những con số ấy đã nói lên sự quyết tâm không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước trong thời gian qua.
Trên đường từ xã Thành Sơn về thị trấn, chúng tôi dừng chân ở cánh đồng bản Báng khi ánh nắng đã xuyên chéo qua các tầng mây, chiều về nơi đây tĩnh lặng và đẹp đến nao lòng. Bóng tôi và bóng anh Hạnh đổ dài trên con đường bê tông dẫn xuống bản Báng, hai bên đường là hai cánh đồng bậc thang vàng ruộm màu lúa chín đẹp như tranh. Con đường không rộng, chỉ đủ cho hai xe máy đi qua nhưng hai bên lề đường vẫn có chỗ cho những luống hoa dại trổ bông dập dìu trong gió buông lơi theo ánh nắng chiều. Anh Hạnh chỉ tay về phía thung ven đường 521C có các triền núi thoải nhìn ra phía đồng ruộng và sông hồ giới thiệu như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp: Đi dọc con đường này về thị trấn chúng ta sẽ đi qua khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm)... của các nhà đầu tư bên ngoài mới đi vào hoạt động được hai, ba năm nay, chỉ vài năm nữa khi các dự án mới được phê duyệt, các công trình đang thi công kia hoàn thành và đưa vào sử dụng thì sẽ có nhiều thêm những khu nghỉ dưỡng đẹp và đẳng cấp hơn nữa. Tôi nhớ đến câu nói của đồng chí Phó Chủ tịch huyện “khi du lịch tiến được một bước thì chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tiến thêm được nhiều bước…” qua lời giới thiệu của anh Hạnh, tôi thầm nghĩ nếu thế chả mấy chốc mà Bá Thước về đích nông thôn mới. Trong bữa cơm tối, ngoài tôi và anh Hạnh còn có nhà thơ Lê Huy Hoàng, bữa cơm được đồng chí Phó Phòng Văn hóa huyện chuẩn bị rất hậu, có vịt Cổ Lũng, cá lăng nấu măng và nhiều món khác nữa toàn những đặc sản của bà con Bá Thước tự nuôi trồng được. Cả ba vị chủ nhà đều đồng tình với khẳng định của đồng chí nguyên Bí thư huyện ủy, nhà thơ Lê Huy Hoàng khi ông cho rằng “nếu cứ làm quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ như những năm qua thì du lịch Bá Thước sẽ tiến nhanh, tiến chắc…”. Hay như cách ví von khá thú vị của ông nguyên Phó Chủ tịch huyện, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nam Ninh khi tôi hỏi quan điểm của ông về mối quan hệ giữa phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới của Bá Thước, ông cho rằng “du lịch giống như cây cà kheo, nó giúp cho bước đi trong xây dựng nông thôn mới của chúng ta dài hơn, nhanh hơn, nhưng nếu không cẩn thận thì cũng rất dễ ngã, vậy để không bị ngã thì phải thành thục, phải làm chủ được nó và luôn giữ được sự tập trung cần thiết...”.
                  

N.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 294
 Hôm nay: 2900
 Tổng số truy cập: 9245067
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa