Mang hồn quê về quê (Bút ký dự thi) - Nguyễn Minh Khiêm
- Này, đã về thăm khu sinh thái nghìn tỷ Yên Trung chưa? Đẹp ơi là đẹp! Nông thôn mới rứa mới xứng đáng là nông thôn mới chứ. Có rì-sọt (Resort) này. Có hồ rộng mênh mông này. Có bể bơi này. Có nhà bảo tàng văn hóa làng này. Có đường xe điện du lịch này. Thích lắm!
Mấy người khoe với tôi mà như hát, niềm vui, sự phấn khích long lanh trên ánh mắt, mặc dù họ biết tôi là người Yên Trung. Tôi biết rõ khu sinh thái ấy nằm ở đâu, bao gồm cánh đồng nào, khu trại nào. Tôi biết rõ chủ nhân của khu sinh thái ấy là ai. Nhưng họ cứ để cho cảm xúc tràn ra, lan tỏa từ giọng nói đến cử chỉ. Nghe thanh âm giọng nói đã hiểu cái mới đang đơm hoa kết trái, đang giăng tơ nhả kén trong tâm trạng của họ. Nhưng nhìn điệu bộ, cử chỉ, một thứ ngôn ngữ hình thể bộc lộ rõ nhất cảm xúc, mới nhận ra có bản nhạc mới của một vùng đất đang hát trong họ, đang vỗ cánh bay lên, cất tiếng hót từ da thịt họ. Đúng là họ đang rung ngân về sự đổi mới, rất mới, rất lạ về một làng quê. Không chỉ râm ran thế. Họ thông báo cho nhau. Họ điện thoại cho nhau. Họ hẹn hò nhau đi thăm khu sinh thái Yên Trung. Đúng là một hiện tượng. Phải gọi là háo hức. Rất nhiều người có tâm trạng háo hức đó.
Năm 2015, Yên Định là huyện đầu tiên của khu vực miền Trung, cùng một lúc đón nhận hai danh hiệu: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Yên Định cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt Danh hiệu Nông thôn mới. Hai mươi bảy xã, hai thị trấn cùng hoàn thành mười chín tiêu chí. Dân vui lắm. Nhưng vui theo kiểu trống giong cờ mở. Vui theo kiểu tổ chức lễ hội chào đón là chính. Nó nề nếp, quy củ. Nó bài bản, nghi thức. Sang trọng và nghiêm trang. Nó thiếu đi cái không khí dân chúng, cái dân dã, cái cuốn nhau đi, cuộn nhau đi, gọi nhau đi. Cái hoành tráng thì có. Nhưng cái tươi mới, rào rạt tự nhiên còn khuất lấp đâu đó. Ngay cả khi bao nhiêu khu đô thị mới, quảng trường mới được quy hoạch, được quảng bá, được phóng to trên pa nô, bản đồ cho dân biết, dân bàn, dân góp ý cũng không thấy có cái không khí hồ hởi, phấn khởi, nô nức như người dân rủ nhau đi xem khu sinh thái Yên Trung.
Không phải vô cớ, không phải ấu trĩ, không phải ngây thơ bồng bột mà giữa cái nắng nóng trên bốn mươi độ xê (C), từng đoàn người già, trẻ, gái, trai, cán bộ, công chức có, giáo viên có, công nhân có, nông dân có, xã gần có, xã xa có, bằng đủ mọi phương tiện xe máy, ô tô, xe đạp, đi bộ lũ lượt kéo nhau lên thăm khu sinh thái Yên Trung. Có phải lần đầu họ được nhìn thấy chậu hoa cây cảnh đâu. Có phải lần đầu họ được thấy thiên nga nhựa trên hồ nhân tạo đâu. Có phải lần đầu họ được thấy cái nhà vệ sinh có van xả nước mạ vàng tự động đâu. Có phải lần đầu họ được xay lúa, giã gạo, giần sàng trên nong, trên nia, trên mủng, mẹt đâu. Họ cũng chẳng lạ gì nơm, lờ, chúm, đó, vó, giậm. Chẳng lạ gì cào, cuốc, liềm, hái, quang gánh, dao phát, cào cỏ nhật, xe bò, xe cút kít, tay kẹp tre đập lúa, cối đá lủng. Trong số họ, rất nhiều người đã quá quen các khu du lịch vui chơi giải trí nổi tiếng như Bà Nà Hills, Đà Nẵng, Sa Pa, Đà Lạt. Họ quá quen hình ảnh rì-sọt Đại Lải, rì-sọt Hạ Long, rì-sọt Phú Quốc. Nhưng sao họ lại có một tâm trạng nô nức, phấn chấn, đầy cảm xúc rủ nhau đi khu sinh thái Yên Trung đến thế?
Phải khẳng định, chưa có một huyện nào ở tỉnh Thanh Hóa tốc độ xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa nhanh như ở Yên Định. Hàng trăm khu đất màu mỡ, đất cấy lúa hai vụ giữa đồng bằng phì nhiêu chỉ thoáng chốc được khoanh lô, khoanh vùng, phân lô, phân thửa đấu thầu, đấu giá bán. Tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt. Không ai phản đối việc làm ấy. Nó đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng luôn nhắc đi nhắc lại, xây dựng Nông thôn mới phải luôn gắn liền với đô thị hóa. Phải ghi nhớ sâu sắc điều đó. Lãnh đạo huyện Yên Định quán triệt sâu sắc tinh thần ấy của Thủ tướng. Hết khu công nghiệp này mọc lên đến khu công nghiệp khác mọc lên. Hết khu đô thị này xuất hiện đến khu đô thị khác xuất hiện. Hàng trăm, hàng nghìn hộ nhận tiền bán ruộng rồi, họ không còn được reo vui trên mảnh đất ấy nữa. Họ không còn được í a, í ơi, không được gặt hái, không được trồng tỉa trên đất cha truyền con nối nữa. Những câu ca dao, tục ngữ nghìn đời để lại: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Lúa cày nông, bông cày sâu; Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên…sẽ vĩnh viễn theo họ đi Tây Nguyên, Lâm Đồng, Bình Dương hoặc vào các công ty để làm thuê cho các ông chủ. Khu sinh thái Yên Trung chính là nơi họ được sống lại tuổi thơ, sống lại kỷ niệm, sống lại ký ức ông cha, ký ức làng, ký ức văn hóa làng. Và họ được trải nghiệm. Xem những video được quay bằng điện thoại phát trên Facebook, ai nấy cười nói hết cỡ mới hiểu lòng họ mở, lòng họ trào dâng hạnh phúc đến chừng nào. Chẳng biết học rộng, tình sâu đến đâu nhưng chủ nhân khu sinh thái Yên Trung, anh Trịnh Xuân Nghiệm đã đem được hồn quê về quê, đã làm cho những khuôn mặt, những nụ cười rạng rỡ, tỏa sáng. Người ta xuýt xoa, nông thôn mới thế mới thật là nông thôn mới chính bởi cái lý ấy. Đó là tiếng reo của hồn quê trống vắng, hồn quê bị tẩy xóa, hồn quê bị sa mạc hóa nay được nhìn lại, ngắm lại, tắm lại di sản tinh thần gắn liền với mồ hôi nước mắt làm nên tâm hồn họ, nuôi lớn tâm hồn họ. Sung sướng lắm. Thỏa nguyện lắm. Không cười nói hả hê hết cỡ làm sao được.
Có một nhà văn tâm sự với tôi: Muốn mới kiểu chi thì mới, nông thôn phải giữ được hồn cốt của nông thôn. Nông thôn phải khác thành thị. Công nghiệp hóa hay hiện đại hóa, dứt khoát những tính chất, đặc trưng cơ bản của nông thôn phải giữ được. Nếu đánh mất những tính chất, đặc trưng làng xóm thì mọi cải cách, mọi đổi mới đối với nông thôn coi như thất bại. Một triết gia nào đó đã nói, bộ mặt của một quốc gia là thành thị. Nhưng hồn của một quốc gia lại ở nông thôn. Đổi mới kiểu gì thì đổi mới, phải giữ được cái hồn của nông thôn. Đó là hồn của dân tộc. Nếu biến nông thôn thành đô thị, đâu đâu cũng đèn đỏ đèn vàng, đâu đâu cũng biển chỉ đường, đâu đâu cũng công xưởng, công ty, nhà máy, công nghiệp, thức ăn công nghiệp, siêu thị thì làm gì còn nông thôn. Nếu nông thôn như thế thì xây luôn thành phố, xây luôn đô thị, xây luôn nhà hàng khách sạn chứ cần gì đến khẩu hiệu nông thôn mới.
Điều đó có lẽ đúng. Người dân không lạ gì đô thị, không lạ gì công nghiệp. Yên Định hiện có hàng chục khu công nghiệp lớn. Khu công nghiệp đá Yên Lâm gần năm mươi công ty đá. Mấy nghìn công nhân ngày đêm trên các mỏ đá. Máy xẻ đá, máy nghiền đá, máy xay đá, máy cắt gọt đá, máy mài đá. Mỗi ngày hàng trăm chuyến xe chở đá về xuôi. Xe vừa có. Xe lớn có. Xe siêu trường siêu trọng có. Ầm ầm suốt năm, suốt tháng. Khu công nghiệp bò sữa Thống Nhất hiện đại nhất nhì Đông Nam Á. Công nhân, khách tham quan muốn vào phải phun thuốc sát trùng, khử trùng, theo một quy trình nghiêm ngặt. Khu công nghiệp Định Tường, hàng nghìn công nhân tấp nập mùa hè như mùa đông. Đường làng mà xe cộ đông nghịt chẳng khác nào đường phố. Khu công nghiệp Định Công, mỗi năm hàng triệu viên gạch các loại ra lò. Lớn nhất là khu công nghiệp Định Liên - Thị trấn Quán Lào, gần hai mươi nghìn công nhân. Buổi sáng, buổi tối, trước giờ làm và sau giờ tan ca, hàng nghìn xe máy nối nhau. Con đường như một dòng sông người cuồn cuộn. Cảnh tượng ấy tấp nập, nhộn nhịp, sôi động. Sắp tới, khu công nghiệp Định Long - Thị trấn Quán Lào được xây dựng, sẽ có thêm hai chục nghìn công nhân làm việc ở khu vực ấy nữa. Hơn 170.000 người Yên Định đang được thưởng thức bản giao hưởng công nghiệp hóa trong sự thăng hoa của vùng đất giữa sông Cầu Chày và sông Mã. Kỳ lạ thay, một số người trong guồng máy công nghiệp làm nên bộ mặt công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Yên Định lại thích thú tìm đến khu sinh thái Yên Trung. Chỉ có thể lý giải, họ tìm thấy ở đó sự thư giãn, sự trở về nguồn cội, sự cân bằng cuộc sống. Sâu xa hơn, họ tìm thấy hồn quê giữa quê.
Cách đây không lâu, tôi đã đến thăm một trang trại của anh Trịnh Xuân Nam ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh. Làng Trịnh Xá còn có tên là làng Chiềng. Yên Ninh có trò Chiềng rất nổi tiếng. Trò Chiềng được ông Thành Hoàng Tam công Trịnh Quốc Bảo (998-1085) sáng tạo ra giúp vua Lý Thái Tông đánh tan giặc Chiêm Thành. Sau khi “cáo lão hồi hương”, ông về quê truyền dạy lại cho dân làng. Từ đó dân gian gọi là trò Chiềng. Ngày 20 tháng 7 năm 2017, trò Chiềng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trịnh Xuân Nam sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi giàu truyền thống văn hóa ấy. Học xong phổ thông, anh xung phong đi bộ đội đánh giặc Pôn Pốt bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Rồi anh trong đoàn quân Giải phóng Cam-pu-chia. Giải ngũ, anh theo học khoa công nghệ thông tin trường đại học thành phố Hồ Chí Minh. Cả gia đình anh đã có quốc tịch ở Úc. Anh mở một số công ty lớn ở Sài Gòn. Nhưng anh kiên quyết bỏ quốc tịch Úc, để mấy công ty ở Sài Gòn cho vợ quản lý. Anh thuyết phục vợ đem vốn về đầu tư cho quê hương. Đầu tiên, anh đặt tên công ty của mình là Quê Hương. Thấy thế, vợ anh bảo, Quê Hương nghe nó thế nào ấy. Sao anh không đặt là Hương Quê? Thấy vợ nói có lý, anh đổi công ty thành Hương Quê. Khi được hỏi, lý do gì anh chị đặt tên công ty là Hương Quê? Không trả lời ngay, anh gọi người giúp việc đem chiếc điện thoại đến. Anh bật to nhạc chờ lên. Tôi nhận ra ngay giọng hát Anh Thơ với bài Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo. Khúc nhạc chờ bắt đầu “Quá nửa đời phiêu dạt. Nay lại về úp mặt vào sông quê”. Đấy, anh hiểu vì sao tôi đặt tên công ty là Hương Quê rồi chứ. Quá nửa đời rồi anh ạ. Chẳng biết còn khỏe được bao lâu nữa. Anh Trịnh Xuân Nam tâm sự. Trăm tỷ, nghìn tỷ là lớn, rất lớn. Nhưng có ý nghĩa gì, nếu không nhớ đến quê hương, không góp phần vào làm cho quê hương lớn lên, đẹp lên. Mình như cái cây, hút phù sa màu mỡ của quê, nhưng lại sum suê hoa trái trên đất khách quê người. Thơm cho ai? Ngọt cho ai? Mình mang hồn quê ra đi. Giờ mình phải mang hồn quê về quê. Làng quê mình đẹp lắm. Đẹp nhưng chưa mới, chưa quyến rũ, chưa hấp dẫn. Có cái mới nhưng không đẹp. Quê mình đẹp nhưng chưa mới. Đạt tiêu chuẩn nông thôn mới bao nhiêu năm rồi nhưng làng quê vẫn cũ. Mấy ai biết đến Trịnh Xá? Mấy ai biết đến làng Chiềng. Dù rằng, trò Chiềng đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nó có kém gì Di tích lịch sử Văn hóa đền Đồng Cổ, đền Hổ Bái, đền thờ Khương Công Phụ, đền Bà Triệu trên đất Yên Định này đâu. Đưa mô hình trang trại tổng hợp về quê, không phải anh muốn khoe giàu. Nếu muốn nhanh giàu, siêu giàu, anh ở Sài Gòn, anh ở Úc. Đưa vốn về làng Chiềng, bắt đầu mua từng mét, từng thửa, của từng hộ nơi đầm lầy thụt giữa Ngọc Đô và Trịnh Xá gom thành mười mấy héc-ta để xây dựng nên trang trại, với nhiều người là một chuyện điên rồ. Anh đã làm chuyện điên rồ ấy. Anh muốn góp sức, góp cách nhìn, góp hình ảnh sáng tạo cho làng anh, quê anh một tầm nhìn mới, tiếp cho quê một năng lượng mới. Anh không phá vỡ bất cứ một kiến trúc, cấu trúc nào vốn có của làng. Anh muốn nâng hồn làng trên đôi cánh mới. Ngoài kinh tế, mỗi năm, trang trại của anh có thể thu về lợi nhuận từ ba mươi đến năm mươi tỷ đồng. Hy vọng nó còn là nơi thăm quan, du lịch, vui chơi giải trí. Tôi mê từng thước đất trong trang trại của anh Trịnh Xuân Nam. Nó khoa học, kinh tế đến từng tấc đất. Mê nhất là tất cả được tính toán trong một môi trường khép kín. Chưa nơi nào mô hình vườn - ao - chuồng lại khoa học, hiệu quả như ở Hương Quê. Không lãng phí bất kỳ một thứ gì. Nhưng tôi mê nhất là cách nghĩ của anh. Không phải nghĩ mọi cách để kiếm tiền. Anh về đây là nghĩ mọi cách góp phần làm cho quê hương có một diện mạo mới, có một sức hút mới, sức lan tỏa mới. Những người nông dân đầu tắt mặt tối được thư giãn bởi không gian ấy, môi trường ấy, thưởng thức hương thơm vị ngọt của cuộc sống hiện đại ngay trên mảnh đất quê mình. Và hiệu ứng từ công ty Hương Quê là rất rõ nét. Ngay cổng công ty Hương Quê đã có đường hai làn được thi công. Tương tự thế, lại có thêm một con đường lớn chạy từ Ngọc Đô qua Bích Động sang Yên Hùng, liên hương, liên xã. Rồi ngôi chùa Trịnh Xá được đưa vào kế hoạch. Anh Nam bảo, nếu có nhà đầu tư xây dựng ngôi chùa, anh đăng ký thiện tâm ba tỷ đồng.
Hình như có một sự gặp gỡ, giao thoa, đồng quy của những người con Yên Định xa xứ nghĩ về quê hương. Cách đây mươi năm, anh Đỗ Trung Thành, một người con của làng Cẩm Trướng, nơi sông Cầu Chày hòa nước vào sông Chu, đã đầu tư cho Định Công hai công trình lớn. Công trình lớn thứ nhất là khu Phủ Cẩm Định Công. Đây là một khu tâm linh. Trước kia, bà con làng Cẩm Trướng, Phú Ninh thường phải đi thuyền qua Ba Bông sang đền Cô Bơ, đền Hàn ở Hà Trung để lễ cầu lộc, cầu tài, cầu may, cầu phúc. Hiểu thấu lòng người quê, anh Đỗ Trung Thành đã đầu tư cho quê xây một ngôi Phủ Cẩm (thường gọi là đền Cẩm Trướng) thờ bà Bạch Hoa. Công trình tâm linh hàng chục tỷ đồng đã hiện hữu như thế. Không phải có vậy, anh còn đầu tư một khu sinh thái hàng trăm tỷ phía trong đê. Hiện đại mà cổ kính. Tráng lệ mà tâm linh. Cầu kỳ, tinh tế mà văn hóa. Những người công nhân, nông dân thời đại a còng (@) ong ong tiếng nổ, ro ro, sành sạch tiếng guồng máy ở công ty, sớm tối ra vào trong ngôi nhà ống có chiều rộng 4, 5 mét mặt đường, không bóng cây, lọt thỏm trong cái thung lũng bê tông không ngừng nâng cao tầm vóc tỏa than, tỏa lửa giữa trời xanh, họ tìm đến khu sinh thái, chùa chiền là được thư giãn, được hít thở cái thảnh thơi, cái trong lành, yên ả. Mệt nhọc được xả ra. Khói bụi được xả ra. Áp lực được xả ra. Thế là mãn nguyện. Thế là nhẹ nhõm, hạnh phúc. Họ lại có thêm năng lượng cho một ngày mới. Định Công không còn chói chang màu ngói đỏ độc tôn nữa. Bộ mặt làng xã Định Công đã mang một màu sắc mới.
Anh Trịnh Tiến Dũng (thường gọi là Đại Dũng), một người con của làng Yên Định, xã Định Tân, người đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho quỹ khuyến học Yên Định, hiện đang có một dự án đầu tư cho làng xây một ngôi chùa trên một quả đồi nhìn ra sông Mã, diện tích mấy héc ta. Vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trước anh Trịnh Xuân Nghiệm, chủ khu sinh thái Yên Trung nghìn tỷ như dân gian ca tụng, trước anh Trịnh Xuân Nam chủ công ty Hương Quê ở làng Chiềng - Trịnh Xá, trước anh Đỗ Trung Thành ở Định Công, người đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho Cẩm Trướng… rất nhiều người ở Yên Định đã đầu tư tiền của cho quê hương. Có anh cho làng công trình khôi phục một giếng cổ. Có anh cho làng một cây số đường trải thảm nhựa áp-phan. Có anh cho làng một ngôi chùa. Có anh cho xã một giàn tưới tiêu theo công nghệ hiện đại Israel. Có anh cho xã, cho huyện một dự án...
Trong dòng chảy, toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, không phải chỉ Yên Định mới có những tấm gương sáng. Hầu như địa phương nào cũng có những tấm gương đẹp, hình ảnh đẹp. Gia đình Giáo sư Lê Viết Ly ở Hoằng Hóa là một ví dụ điển hình cho nghĩa cử cao đẹp. Thật khó mà thống kê hết được những đóng góp cao cả, quý báu của ông đối với Hoằng Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung. “Ông đã dành gần 8 tỷ đồng trao thưởng cho hàng ngàn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Năm 2016 có 361 học sinh, sinh viên, giáo viên được trao thưởng với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Nhiều học sinh, sinh viên thật sự cảm động khi nhận được quỹ khuyến học Lê Viết Ly, bởi nguồn lực này đã giúp các em có cơ hội tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ cơ sở bán trú cho những học sinh miền núi xa nhà tại xã vùng cao Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân. Ông đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng thư viện, hoàn thiện cơ sở vật chất cho trường tiểu học Hoằng Quang để thầy và trò có điều kiện vươn lên “Dạy tốt - học tốt”. Ông ủng hộ 4 tỷ đồng giúp đỡ cho trên 500 học sinh ở vùng bão lụt của huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc; xây dựng quỹ khuyến học cho 2 Trường THPT Chuyên Lam Sơn và THPT Lê Viết Tạo”... (Báo Văn hóa Đời sống, ngày 15-12-2016, Thúy Hòa).
Tự nhiên tôi ngân nga hai câu thơ:
Hồn như hạt cải, hạt kê
Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh
Có một câu chuyện cổ tích kể về con chim ăn quả khế rồi con chim trả một cục vàng. Các anh không phải là con chim ăn quả khế. Các anh được nuôi dưỡng bằng văn hóa làng, hồn làng, tình làng, truyền thống làng, nghị lực làng, trí tuệ làng, khát vọng của làng. Các anh không muốn mình là con chim lớn lên từ tinh túy của làng nhưng chưa có vàng trả nghĩa, khi bay đi rồi tiếng hót cũng mang theo. Những doanh nhân thành đạt, những giáo sư, tiến sĩ, mỗi người về làng xanh theo cách của riêng mình.
Có một điểm chung, tất cả những người rót vốn về quê, đầu tư cho quê đều không cầu lợi bất cứ thứ gì từ quê. Nguyện vọng duy nhất của họ là làm cho làng quê thêm sức mới, tinh thần mới, văn hóa mới, tầm nhìn mới. Trong trái tim họ, trí tuệ họ có chung một dòng chảy là đem hồn quê về quê. Thế mới biết, cái hồn quê, hồn làng quan trọng biết chừng nào. Xét cho cùng, xây dựng nông thôn mới không phải chỉ chồng cao cái nhà lên năm tầng, bảy tầng bằng gạch bằng đá, không phải cổng sắt mạ vàng, mạ bạc xủng xoảng rợn người. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng hồn quê, hồn làng trên đôi cánh mới của tâm linh, đôi cánh mới của văn hóa, đôi cánh mới của truyền thống yêu thương, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp ông cha đã tích lũy nghìn năm đồng thời từng bước làm chủ công nghệ mới, khoa học, tiên tiến và hiện đại. Xây dựng nông thôn mới là mang công nghệ mới về quê. Người trẻ, người già làm quen, rồi làm chủ công nghệ mới ấy. Đó là cách đưa thế giới về làng, đưa làng hòa nhập vào cái rộng lớn bao la của thế giới. Sức quê từ đó mà nhân lên. Hình ảnh quê từ đó mà lung linh, mà thăng hoa, tỏa sáng. Biến nó thành keo, thành nhựa, thành nam châm giữ người quê ở lại, hút những người xa xứ trở về.
Nếu được hỏi, một trăm phần trăm người dân Yên Định đều trả lời, nông thôn bây giờ khác xưa một trời một vực. Khang trang lắm. Hiện đại lắm. Mức sống gấp năm, gấp mười mấy chục năm trước. Bây giờ không ai nói đến cái ăn, cái mặc nữa. Lúa đầy đồng. Ngô đầy đồng. Rau quả đầy đồng. Máy lồng, máy cấy xong vụ để ngoài đồng. Không mất trộm. Không mất cắp. Đúng là, “lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Ô tô để ở cổng, ở ngõ như khoai như sắn. Suốt tháng này qua tháng khác chẳng hề hấn gì. Gương không mất. Sơn không trớt. Không ai nhắc đến điện, đường, trường, trạm nữa. Hạ tầng cơ sở đã đủ. Mọi nhu cầu đi lại, thắp sáng, nước sinh hoạt đã được đáp ứng. Ngoài điện lưới, Yên Định còn có điện năng lượng mặt trời. Có lẽ Yên Định là địa phương tiên phong nhất tỉnh Thanh Hóa về sản xuất điện mặt trời. Không ai nói bê tông hóa nữa. Mọi ngóc ngách đường làng ngõ xóm từ đầu huyện đến cuối huyện đều đã bê tông hóa. Mương máng cũng bê tông hóa cách đây hàng chục năm. Có khi còn lâu hơn thế.
Nhưng hồn làng lại không phải ở những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Hồn làng cũng không phải trên những con đường bê tông giữa trưa vừa đi vừa nhón chân chạy. Hồn làng cũng không phải ở chỗ tiếng còi xe cấp cứu rú inh ỏi như ma đuổi trên đường. Hồn làng lại ở bậc ao làng, giếng làng, bóng cây làng, tiếng cót két võng làng, tiếng hát giao duyên dưới bóng trăng êm dịu của làng. Nhưng những thứ đó lại đã, đang chìm khuất vào sâu dĩ vãng.
Trong dịp dã ngoại Hà Trung, tôi ngạc nhiên vì huyện này còn giữ được nhiều đình, nhiều giếng làng đến thế. Theo anh Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hà Trung, Hà Trung hiện còn 154 làng cổ. Làng cổ nào cũng có một lễ hội. Như vậy, Hà Trung có 154 lễ hội. Có nhiều Lễ hội lớn như Lễ hội đền Hàn, Lễ hội đền Cô Bơ (có tài liệu gọi Cô Ba), Lễ hội đốt đình liệu, Lễ hội cơm thi. Đặc biệt, Hà trung còn giữ được 74 giếng làng cổ. Những giếng này đều là giếng tròn, đào sâu tìm mạch ngầm dưới đất của đồng bằng Bắc Bộ. Nhân dân vẫn gọi là long mạch làng, huyệt đất làng. Đường kính của giếng hàng chục mét. Giếng nào cũng được xây tường gạch bao quanh cao gần một mét. Sân giếng lát bằng gạch bát nung. Giếng ở Hà Trung rất đầy nước. Mực nước giếng gần như ngang với mực nước ruộng. Chỉ cần dây gầu dài một hai thước là múc được. Giếng nào cũng trong vắt. Nhiều giếng vẫn là nơi cho dân làng sử dụng nước sinh hoạt. Ở Hà Trung xã nào cũng còn đình làng. Anh Tùng cho biết, còn gần năm chục đình làng. Có đình được xây dựng từ thời nhà Lý. Đình làng Động Bồng hơn năm trăm tuổi. Đình có tuổi trên một trăm năm rất nhiều. Đình năm gian, bảy gian. Ngói mũi, lợp kiểu vảy cá. Cột đình làng nào cũng to. Đường kính cột năm, sáu mươi phân. Giang tay ôm không xuể. Hà Trung cũng là huyện Nông thôn mới. Ấy thế mà văn hóa nghìn năm không mất. Hồn làng, hồn quê nghìn năm không mất.
Yên Định là huyện đi đầu trong cuộc cách mạng chống mê tín dị đoan những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Bao nhiêu đền chùa miếu mạo đều dỡ hết làm trường. Giếng làng lấp hết. Mỗi gia đình đào giếng, khoan giếng ngay trước cửa nhà mình. Bây giờ lại thắp hương khấn vái tìm lại ngày xưa. Một số địa phương đang cố gắng khôi phục lại đình làng, nghè làng, chùa làng và giếng làng. Quý Lộc có dự án xây dựng đền thờ Bà Chúa Đồn Trang. Yên Ninh có kế hoạch xây chùa làng Trịnh Xá. Yên Trung có kế hoạch xây dựng đền thờ Đào Cam Mộc, Lý Thường Kiệt. Thị trấn Quán Lào có kế hoạch xây dựng đền thờ Ngọ Tư Thành. Đó cũng là cách tìm lại văn hóa làng, tìm lại hồn làng. Cái chủ trương, cái ý tưởng là của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến xã. Nhưng có quy định chung, tất cả những công trình ấy không được dùng tiền ngân sách Nhà nước. Có nơi gọi được vốn xã hội hóa. Có nơi tìm được dự án từ nguồn này nguồn khác. Hầu hết các công trình lớn được xây dựng mỹ mãn lại từ sự hảo tâm. Nhiều người con quê hương làm ăn phát đạt ở nơi khác phát tâm thiện nguyện làm bà đỡ cho các công trình. Phủ Lời Yên Trung được xây dựng theo cách ấy. Đền thờ Lý Thường Kiệt ở làng Thọ Lộc, Yên Trung; cánh đồng làng Lạc Tụ ở Yên Trung được trang bị hệ thống tưới tiêu hiện đại của Israel được xây dựng theo cách ấy. Một phần kinh phí khôi phục giếng cổ làng Thành Phú, Định Tường (nay là Thị trấn Quán Lào) được xây dựng theo cách ấy. Giếng cổ, đình - đền cổ ở làng Yên Hoành, Định Tân thờ bà Ngọc Hoa, công chúa nhà Trần, người có công lập nên làng Yên Hoành (Định Tân) và làng Vệ (Định Hưng) cả hai làng thờ Thành Hoàng, công trình hàng trăm tỷ đồng được xây dựng theo cách ấy. Lạ thế. Hàng chục, hàng trăm tỷ mà không cần biểu quyết, nghị quyết. Không cần băng rôn biểu ngữ. Không cần trải hoa, trải thảm. Mọi thứ cứ đến. Mọi thứ cứ sinh sôi nảy nở đơm hoa kết trái ngoài mong đợi.
Sự hợp lưu tự nhiên giữa chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, sự hài hòa giữa lãnh đạo các cấp chính quyền với ý thức, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tinh thần, tâm linh, nguồn cội, ân nghĩa, văn hóa, nhân văn, nhân sinh đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu ấy. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ được phát đi trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Một công cuộc không ngừng, không nghỉ, không kích thước, không giới hạn. Dù lớn đến đâu, mới đến đâu, lạ đến đâu, hiện đại đến đâu, tiên tiến đến đâu, khi xây dựng Nông thôn mới phải giữ cho được hồn quê. Phải mang cho được hồn quê về quê.
5-7-2020
N.M.K