Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   Âm vang trống đồng ngàn năm (Ký dự thi) - Quỳnh Thơm
Âm vang trống đồng ngàn năm (Ký dự thi) - Quỳnh Thơm

Về miền quê Đông Sơn, Đông Sơn âm vang trống đồng ngàn năm văn hiến. Về miền quê Đông Sơn, Đông Sơn nghe câu dân ca tha thiết nghĩa tình, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng… 
Những giai điệu ngọt ngào, say đắm cứ ngân nga, vang vọng như mời gọi, thúc giục tôi về thăm quê hương Đông Sơn anh hùng. Cái nắng, cái nóng như thiêu như đốt của những ngày hè cũng không thể ngăn bước chân tôi phiêu diêu và khám phá miền quê tươi đẹp này. Đông Sơn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, là nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, là địa danh vinh dự được đón Bác trong lần đầu tiên Người về thăm tỉnh Thanh (20-2-1947), tại Rừng Thông. Ngày nay, huyện Đông Sơn được biết đến là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Với ý chí quyết tâm “đoàn kết, năng động, sáng tạo”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tạo nên những thành quả trong xây dựng nông thôn, diện mạo huyện Đông Sơn đã có sự thay đổi toàn diện. Ngày 16-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Đông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Hiện nay, Đông Sơn đang hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Tôi cỡi trên “con ngựa sắt” lượn lờ qua những con đường nông thôn mới thông thoáng, sạch đẹp, dọc hai bên đường trồng đầy hoa thơm ngát. Trung tâm huyện Đông Sơn hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng đua nhau mọc lên như nấm. Hoạt động kinh doanh nơi đây sầm uất, náo nhiệt. Ai ai cũng rạng rỡ niềm vui, lấp lánh tin yêu. Nông thôn mới thực sự đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ có 2 tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm các tiêu chí còn lại. Bởi nông thôn mới muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Sơn đã triển khai nhiều nội dung, hoạt động nhằm thúc đẩy đời sống văn hóa cơ sở phát triển, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Công sở huyện Đông Sơn khang trang, to đẹp. Đến đúng vào dịp cả huyện đang tất bật với việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nên tôi không có may mắn được gặp các đồng chí lãnh đạo huyện. Tiếp và làm việc với tôi là chị Lê Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Sơn. Ngay từ lần đầu gặp mặt nữ trưởng phòng đã gây ấn tượng với tôi bởi vẻ ngoài trẻ trung và thân thiện. Không để tôi đợi lâu, chị Phương vào chuyện luôn: Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thu nhập cho người dân, việc tạo dựng nên một đời sống văn hóa mới và một diện mạo nông thôn mới văn hóa - văn minh là một trong những mục tiêu quan trọng được huyện Đông Sơn đặt ra trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, giải pháp cơ bản là thực hiện hiệu quả các tiêu chí văn hóa.
Bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa của các địa phương còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu. Qua rà soát 14/14 xã có nhà hội trường, tuy nhiên không đảm bảo diện tích, chỗ ngồi, trang thiết bị; nhiều xã chưa xây dựng khu thể thao, sân vận động. Năm 2011, chỉ có 76/130 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 58,8%).
Chị Phương cung cấp cho tôi một tập tài liệu. Tôi đọc lướt qua một lượt và nắm bắt những thông tin quý. Những con số ấn tượng đọng lại trong tôi. Từ năm 2011 đến nay thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân trong huyện đã tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động, vật liệu xây dựng để xây mới, nâng cấp 110 nhà văn hóa và khu thể thao thôn. Hiện nay, sau khi sáp nhập thôn thì toàn huyện còn 85 thôn (14 xã). Huyện Đông Sơn hiện có 14/14 xã có Trung tâm văn hóa - thể thao với diện tích, quy mô xây dựng đạt chuẩn; 85/85 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn. Kinh phí đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa thôn đến nay lên đến 60,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách huyện là 11 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách xã là 5,5 tỷ đồng; kinh phí còn lại là do nguồn huy động đóng góp từ nhân dân. Toàn huyện Đông Sơn có 85 sân bóng chuyền, 120 sân cầu lông, 85 sân bóng bàn, 31 sân bóng đá.
Những con số như minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân huyện Đông Sơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Trong xây dựng nông thôn mới,  lãnh đạo huyện luôn “lấy dân làm gốc”. Xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Cùng với việc chú trọng thực hiện tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa, huyện Đông Sơn cũng quan tâm triển khai thực hiện các nội dung của tiêu chí 16 về văn hóa. Trong đó, lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới làm nội dung trọng tâm. Ban chỉ đạo cấp huyện đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa phù hợp; lồng ghép nội dung của phong trào xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. 
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang lễ cũng được các địa phương trong huyện Đông Sơn quan tâm, tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình và trên 50% đám tang thực hiện theo hình thức hỏa táng. Một số nơi tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa thôn như: thôn Văn Thắng, Văn Châu xã Đông Văn; thôn Mai Chữ xã Đông Nam; thôn Đoàn Kết xã Đông Thịnh,… Việc tang cũng được thực hiện đúng theo quy định. Khi có người chết không để quá 48 giờ mới tổ chức an táng; trường hợp chết do bệnh truyền nhiễm được tổ chức an táng ngay; các hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. 

Áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp


Người xưa có câu “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Có đi về địa bàn các xã, sâu sát vào từng xóm làng, tiếp xúc với những người dân thôn quê, tôi mới cảm nhận rõ nét được sự khởi sắc của những vùng quê. Đông Văn từng được biết đến là xã hai lần được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1990, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2000. Ngày nay, Đông Văn được nhắc đến là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Và giờ đây xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng bộ xã trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết và sự vươn dậy kỳ diệu của toàn dân, từ một vùng quê “chiêm khê, mùa úng”, Đông Văn đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Những người dân thôn quê không chỉ được chăm lo về đời sống vật chất mà còn được hưởng thụ đời sống văn hóa lành mạnh.
Dù đã quá quen với gốc gác, nơi ăn chốn ở quê hương nhưng mỗi lần đến đi trên con đường từ nhà dẫn đến công sở xã Đông Văn, lòng tôi vẫn cảm thấy lâng lâng khó tả. Con đường nông thôn mới rộng rãi, sạch đẹp trong mơ của người dân thôn quê lam lũ giờ đã trở thành hiện thực. Đến công sở xã, tôi may mắn được gặp chị Mai Thị Ngọc Linh - một nữ chủ tịch xã sinh năm 1982 còn rất trẻ. Đông Văn vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã. Chị Linh cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, xã Đông Văn luôn chú trọng đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Cả xã có 7/7 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn. Xã có tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa trung bình hằng năm là 95%. 
Nữ chủ tịch xã dẫn tôi tham quan Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Đông Văn nằm tọa lạc giữa một hồ sen rộng lớn. Hương sen thơm ngan ngát quyện với hơi nước trong xanh man mát như xua tan đi cái nắng, cái nóng của những ngày hè oi ả. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã  được xây dựng năm 2013 theo tiêu chí Nông thôn mới. Trung tâm (hay còn gọi là Nhà đa năng) có sức chứa lên tới hơn 600 chỗ ngồi được trang bị đầy đủ trang thiết bị như bàn, ghế, tủ, loa, đài, âm thanh, ánh sáng,... Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đã đáp ứng phục vụ tổ chức các nhiệm vụ chính trị địa phương như: Đại hội Đảng, hội nghị, hội thảo,… tổ chức các hoạt động truyền thông, hoạt động vui chơi, giải trí. Và nơi đây cũng là địa điểm thuận lợi cho tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt.
Rời công sở xã Đông Văn đi thẳng hơn 200 mét, tôi đến thăm thôn Văn Bắc. Đây là thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Đông Sơn. Đón tôi tại nhà văn hóa thôn Văn Bắc có đồng chí Bí thư chi bộ Thiều Ngọc Đức và đồng chí phó Bí thư chi bộ Trần Minh Hội. Với chất giọng mộc mạc đậm chất thôn dã, ông Đức cởi mở: “Nhà báo thấy nhà văn hóa thôn Văn Bắc thế nào?”. Không giấu được vẻ ngạc nhiên, tôi bày tỏ: “Ở một vùng quê mà xây dựng được một nhà văn hóa thôn như thế này thì quá hoành tráng ấy chứ đồng chí Bí thư ạ!”. Nhìn bao quát bên ngoài mà tôi đã bị choáng ngợp trước diện tích rộng lớn của một nhà văn hóa cấp thôn. Theo chân các đồng chí lãnh đạo thôn vào mục sở thị bên trong, tôi đi từ sự bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhà văn hóa thôn Văn Bắc được xây dựng đạt chuẩn theo quy định với tổng diện tích trên 3000 m2 gồm có hội trường chứa tới hơn 200 chỗ ngồi, sân khấu trên 30 m2 với đầy đủ các trang thiết bị như loa đài, bàn ghế, phông màn, tượng Bác,…; khu thể thao thôn (sân bóng đá; sân chơi bóng chuyền, cầu lông) được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ thể thao; khu vui chơi của trẻ em, khu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Bao quanh khuôn viên được chọn trồng các loại cây như phượng tứ quý, bằng lăng, sao đen,… Được tận mắt nhìn thấy nhà văn hóa thôn Văn Bắc, tôi mới nhận ra rằng những lời mọi người khắp làng trên xóm dưới truyền tụng quả không sai. Đúng là đi hết cả huyện Đông Sơn không có nhà văn hóa thôn nào to đẹp, khang trang như nhà văn hóa thôn Văn Bắc. Chẳng thế mà những ngày qua các đồng chí lãnh đạo thôn đã phải tất bật với việc tiếp đón các đoàn ở các huyện, thị trong tỉnh về tham quan và học tập mô hình nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
Từ khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, các đồng chí lãnh đạo thôn nhận thấy nhà văn hóa thôn Văn Bắc khá cũ kĩ, chật chội, không đảm bảo cho việc tổ chức hội họp nên đã bàn bạc, thống nhất xây dựng mở rộng nhà văn hóa mới nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Năm 2013, thôn đã tiến hành xây dựng nhà văn hóa mới trên khoảng đất ruộng lầy hơn 6 sào. Kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới lên đến con số gần một tỉ đồng. Ngoài hỗ trợ của nhà nước, nhân dân trong thôn đóng góp lên tới khoảng 70%. Đến cuối năm 2019 thôn Văn Bắc thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Và đương nhiên, nhà văn hóa thôn cũng phải đạt được tiêu chí kiểu mẫu. Các đồng chí lãnh đạo thôn lại tiếp tục nhận được những đóng góp ủng hộ của nhân dân để thực hiện việc chỉnh trang, nâng cấp nhà văn hóa thôn. Toàn bộ hội trường thôn đã được quét sơn lại bóng loáng, mới tinh; những hàng rào bao quanh cũng được xây cao thêm, sân bóng chuyền được lát bê tông kiên cố, sạch đẹp,... Kinh phí cho việc tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa khoảng 300 triệu đồng.
 Ngắm nghía thành quả mà cán bộ và nhân dân trong thôn đã đồng tâm hợp lực gây dựng nên, ông  Đức xúc động: “Để xây dựng được một nhà văn hóa thôn khang trang, to đẹp như thế này là nhờ phần lớn ở sự đóng góp về sức người, sức của của nhân dân trong thôn. Đúng như lời Bác Hồ nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Giờ đây người dân trong thôn đã có một nhà văn hóa kiểu mẫu đáng mơ ước. Tất cả là nhờ người dân thấu hiểu được thành quả họ tạo ra sẽ đem lại lợi ích cho chính bản thân họ. Nhà văn hóa - khu thể thao thôn đã đáp ứng tốt nhu cầu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân trong thôn, cũng như tổ chức thường xuyên các hoạt động của các loại hình câu lạc bộ tại thôn.
Hơn 5 giờ chiều, những tia nắng mặt trời còn sót lại đổ dài trên nền sân thể thao. Từng tốp nam thanh niên, rồi trẻ em trong thôn lũ lượt kéo về nhà văn hóa để chơi thể dục thể thao. Bà Trần Thị Thảo, người được giao nhiệm vụ giữ chìa khóa và trông coi nhà văn hóa thôn Văn Bắc, thổ lộ cùng tôi: “Cứ tầm này là các cụ già, thanh niên đến đây tập thể dục thể thao, trẻ em chơi xích đu,... Từ khi có nhà văn hóa mới đạt chuẩn, quê tôi không còn cảnh trẻ em chơi bóng đá, cầu lông ngoài đường xá gây nguy hiểm nữa. Nhìn thấy người dân có không gian để vui chơi, rèn luyện thể dục, thể thao, được hưởng thụ đời sống văn hóa lành mạnh, chúng tôi hạnh phúc lắm lắm”. Trong cái dáng chiều liêu xiêu, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chằng chịt những vết nhăn của người phụ nữ ở độ tuổi ngoài bảy mươi khiến lòng tôi thêm ấm áp. 
*
Với bề dày truyền thống của vùng đất rực rỡ, Đông Sơn được coi là một trong những cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Sơn có 31 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 07 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh). Công tác bảo tồn di tích được huyện hết sức chú trọng, thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện”. Từ năm 2000 đến năm 2017, tổng giá trị của công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện là 16 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2018 - 2019, con số này mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Đây được xem là nỗ lực không nhỏ của huyện nhằm khẩn trương bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện.
Mỗi mùa sen tỏa hương thơm ngát, những người con đất Việt lại bâng khuâng nhớ đến Người. Về với mảnh đất Đông Sơn giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, tôi đến thăm Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng thông - địa danh vinh dự được đón Bác Hồ trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-02-1947). Đã rất nhiều lần đến địa chỉ đỏ này nhưng lần nào tôi cũng có cảm xúc nao nao khó tả. Đến nơi đây, tôi được ngắm nhìn một vùng non xanh với bao trầm tích văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh hấp dẫn. Ngày 6-11-1989, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) ra quyết định công nhận Rừng Thông - nơi Bác lần đầu về thăm Thanh Hóa là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp xây dựng công trình Đài tưởng niệm Bác Hồ, được khởi công từ ngày 3-2 đến ngày 19-5-1990. Đài tưởng niệm được đặt trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Phượng Lĩnh trong dãy núi Viện Sơn trông ra cánh đồng bát ngát và thị trấn Rừng Thông đang từng ngày thay da, đổi thịt.
Với quyết tâm làm tốt công tác gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị khu di tích nơi Bác về thăm, huyện Đông Sơn nói chung, thị trấn Rừng Thông nói riêng thường xuyên đầu tư kinh phí tu bổ nơi đây ngày càng khang trang, hiện đại, trở thành điểm tâm linh, tham quan của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch của tỉnh; đồng thời tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Đông Sơn cũng đang hoàn thiện dự án tôn tạo khuôn viên địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông với các hạng mục tôn tạo Nhà truyền thống, xây kè đá giữa Nhà bia và khuôn viên Nhà truyền thống, bậc lên từ sân Nhà truyền thống đến Nhà bia và từ Nhà bia lên đường dạo trên núi...
Đài tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Rừng Thông những ngày qua đón hàng trăm lượt khách thăm viếng, tỏ lòng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trên đồi thông vi vút gió thổi, hương hoa thông thoang thoảng xen lẫn hoa đại ngào ngạt dưới chân  Đài tưởng niệm Bác Hồ khiến lòng tôi dâng trào cảm xúc. Một nén hương dâng lên Người để tỏ niềm biết ơn vô hạn.
*
Xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đông Sơn không chỉ là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập... mà còn là hành trình bền bỉ, nhằm khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong từng thôn xóm của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. 
Xã Đông Khê - quê hương của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, là mảnh đất không chỉ được biết đến với di tích cấp Quốc gia Đền thờ và bia ký Tể tướng Lê Hy mà nơi đây còn nổi tiếng với di sản Ngũ trò Viên Khê (dân ca, dân vũ Đông Anh) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.  
Làng Viên Khê - nơi được mệnh danh là “cái nôi” hình thành và phát triển của Ngũ trò Viên Khê. Nơi đây không còn cây đa, giếng nước, sân đình - hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt truyền thống xưa khiến lòng tôi có chút thoáng buồn. Nhưng cũng may, Ngũ trò Viên Khê trải qua thời gian dài tưởng như bị thất truyền, mai một, đến nay gần như đã được khôi phục khá đầy đủ với hệ thống 12 trò diễn khá phong phú, đặc sắc như: Múa đèn, Tiên cuội, Tô vũ, Trống mõ, Thiếp, Vằn vương (Hùm), Thủy (thủy phường), Leo dây, Xiêm Thành (Chiêm Thành), Hoa Lan, Tú Huần, Ngô Quốc. Bên cạnh đó còn có một số trò như Đại Thánh, Nữ quan… 
Sự ra đời và hoàn chỉnh của hệ thống các trò diễn trong Ngũ trò Viên Khê không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Đó là sự chắt chiu, góp nhặt, trao truyền, tinh túy cùng sáng tạo nghệ thuật của cha ông xưa. Nhờ sự dẫn đường của anh Lê Trọng Bình, cán bộ văn hóa xã Đông Khê, tôi cũng tìm đến được nhà bà Nguyễn Thị Cúc, Bí thư chi bộ thôn Viên Khê 1. Trong cái nắng, cái nóng gay gắt của những ngày hè, tôi được nghe bà kể về những năm tháng gắn bó với “di sản sống” của quê hương, của dân tộc. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi hình thành Ngũ trò Viên Khê, bà Cúc bắt đầu đi tập hát, tập múa từ khi còn đang ở độ tuổi thiếu nhi. Những câu ca, điệu múa ấp ủ, lắng đọng hồn quê đã nuôi dưỡng những người dân quê khắp làng trên xóm dưới. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, trò diễn này có giai đoạn tưởng như bị thất truyền, mai một. Nhưng nhờ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, di sản Ngũ trò Viên Khê đã được quan tâm khôi phục, giữ gìn. Khi còn là cán bộ văn hóa xã Đông Anh cũ, bà Cúc cùng với Viện Âm nhạc Việt Nam trải qua hành trình đầy gian truân, vất vả để khôi phục, giữ gìn những giá trị của di sản. Bà Cúc chia sẻ: Năm 2002 là năm đánh dấu mốc thời gian quan trọng của việc khôi phục di sản với dự án do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp với nhân dân Đông Anh. Sau gần 10 năm sưu tầm, nghiên cứu các trò diễn cơ bản đã được khôi phục khá đầy đủ. Đặc biệt, để thế hệ trẻ hiểu, yêu mến và giữ gìn phát huy giá trị di sản thì các trò diễn còn được địa phương phổ cập đưa vào các trường học. Cùng với đó các Câu lạc bộ cũng được thành lập ở mỗi thôn để việc hoạt động được diễn ra đều đặn, thường xuyên.
Để hiểu hơn về cuộc hành trình khôi phục bảo tồn, giữ gìn “di sản sống” Ngũ trò Viên Khê của những nghệ nhân, tôi tìm đến gia đình hai cụ Nguyễn Sỹ Lịch và Lê Thị Nghi. Đây là cặp vợ chồng của làng Viên Khê vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.  Từ bên ngoài cổng nhà cụ tôi đã bị cuốn hút bởi những câu dân ca mượt mà, thiết tha trong điệu Múa đèn  “Lên chùa bẻ một cành sen - Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”. Bước vào khoảng sân rộng trước nhà cụ, tôi được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng cảm động. Đó là hình ảnh một cụ ông cao gầy, phơ phơ tóc bạc đang tận tình chỉ dẫn, uốn nắn từng động tác cho các em nhỏ. Ngôi nhà với khoảng sân rộng rãi, thoáng mát này chính là nơi tập múa, tập hát, là nơi cụ trao truyền cho thế hệ trẻ tình yêu với văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng đầu óc cụ vẫn còn khá minh mẫn. Cụ ông rót nước chè mời tôi. Không để tôi chờ đợi lâu, cụ bắt đầu những câu chuyện ký ức cùng với việc khôi phục các tích trò diễn. Khi cụ còn bé, mới khoảng 9, 10 tuổi đầu đã hăm hở theo đám bạn trong làng í ới gọi nhau đi xem các tiết mục, trò diễn. Ngày ấy, tại lễ hội Nghè Sâm, Ngũ trò Viên Khê được tổng duyệt đầy đủ, bài bản, quy mô lắm. Các làng phải tự tập luyện, lựa chọn con trò đưa đến các cụm thi trò. Cuộc thi cụm này có các vị chức sắc hàng tổng đến dự và chấm giải để chọn trò nào hay, xuất sắc đưa đi diễn ở Nghè Sâm.
Nhớ lại những ngày tháng cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, nhân dân xã Đông Anh cũ nói chung cùng đồng lòng quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn Ngũ trò Viên Khê, cụ Lịch không giấu nổi niềm xúc động. Khi có chủ trương của xã về việc giao nhiệm vụ cho 7 thôn, mỗi thôn phải khôi phục được một tích trò cũ và sáng tạo, xây dựng một tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, người dân hưởng ứng nhiệt tình, không khí làng xã lúc bấy giờ sôi nổi như chuẩn bị bắt đầu hội diễn lớn, đâu đâu cũng tập tành hăng say. Những ngày đầu khôi phục trò diễn gặp không ít khó khăn. Từ con người, lứa tuổi, trang phục, tìm kiếm tư liệu… vì không có bất cứ một tư liệu văn bản nào được lưu giữ. Chỉ bằng trí nhớ thì việc sưu tầm các bài ca, điệu múa, động tác, trang phục của từng tích trò quả thực vô cùng gian nan. Bên cạnh đó còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Bởi muốn làm gì cũng cần có kinh phí…
Giữa không gian râm ran tiếng ve, cụ Lịch vẫn say sưa kể cho tôi nghe cuộc hành trình khôi phục, gìn giữ “di sản sống” của những nghệ nhân nơi đây. Cụ trải lòng trăn trở, xưa kia song hành tồn tại với di sản phi vật thể dân ca Đông Anh là hệ thống đền, chùa, đình làng. Bởi việc biểu diễn được diễn ra ngay tại đình làng - không gian văn hóa truyền thống. Nhưng trải qua sự biến thiên của thời gian, nay đình làng không còn, nhìn dưới góc độ văn hóa thì chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến ý nghĩa, giá trị của các trò diễn. Vì vậy, việc phục dựng một không gian văn hóa truyền thống thực sự là mong mỏi của người dân Viên Khê hôm nay.
Những nghệ nhân ưu tú của làng Viên Khê chính là “linh hồn” của Ngũ trò Viên Khê. Trên hành trình đưa Ngũ trò Viên Khê đến với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, họ không chỉ là những người “giữ lửa” mà còn mang trên người sứ mệnh “truyền lửa”. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, người còn người mất, những nghệ nhân đặt hết tâm huyết, hy vọng vào thế hệ con cháu hôm nay. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần có chính sách riêng cho việc gìn giữ các “di sản sống” cũng như kinh phí bao cấp duy trì hoạt động bảo tồn. Mong rằng các cấp, các ngành sẽ quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để Ngũ trò Viên Khê mãi là khúc ca, điệu múa tiêu biểu của cư dân nông nghiệp xứ Thanh, xứng tầm Di sản.
Tôi rời làng Viên Khê giữa cái nắng trưa hè như đổ lửa. Trong đầu tôi miên man những dòng suy nghĩ. Giá trị riêng của nông thôn là sự yên bình, là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là tính gắn kết cộng đồng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nhân văn, hồn cốt của dân tộc. Không bảo vệ, lưu giữ được những giá trị này thì “hồn quê” sẽ dần phai nhạt, khôi phục lại sẽ vô cùng khó khăn. Trong hành trình gần chục năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, và hiện đang hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đông Sơn không chỉ chăm lo cho “cái vỏ” nông thôn mới mà còn hết sức quan tâm, chú trọng đến “cái ruột” là xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa mới cho người dân, nhất là việc giữ gìn, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi tin tưởng rằng, phát huy truyền thống của quê hương, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Sơn sẽ không ngừng nỗ lực vươn lên, góp phần cùng với cả tỉnh xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác hằng mong muốn.
                  

Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 327
 Hôm nay: 796
 Tổng số truy cập: 9246707
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa