Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Ký dự thi   /   “Trầm tích” Nga An (Bút ký dự thi) - Vũ Quang Trạch
“Trầm tích” Nga An (Bút ký dự thi) - Vũ Quang Trạch

Tôi háo hức về Nga An (Nga Sơn) khi nhận được điện thoại của Nghiêm Hồng Đông. Đông là Chủ tịch kiêm Giám đốc một Công ty Cổ phần tầm cỡ ở Nghi Sơn, đối tác tin cậy của các Công ty nước ngoài, nhưng lại trở trăn, đau đáu với quê nhà. Nga An là quê hương của anh. Đông nói: “Xã em bây giờ khá lắm anh ơi, một xã thuần nông mà năm 2019 tỷ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại đạt đến 82%, nông nghiệp chỉ còn 18% đấy anh ạ. Là xã đạt tiêu chí nông thôn mới đầu tiên của huyện Nga Sơn. Đã đề nghị tỉnh công nhận: “Nông thôn mới nâng cao” từ năm 2019 đấy.
Do Đông thông tin trước nên Bí thư Đảng ủy Mai Văn Dũng chủ động trao đổi với tôi tại công sở của xã. Một bí thư có trình độ, trẻ trung, phong độ, ân tình quảng giao, lấp lánh trí tuệ tinh anh “nghệ sỹ”. Sau vài lời thăm hỏi về tình hình phòng chống dịch Covid-19, Dũng đưa cho tôi bản tóm tắt số liệu 10 năm xây dựng nông thôn mới của Nga An. Tôi lướt nhanh: 
- Nguồn lực huy động vốn đạt 373,254 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 208,570 tỷ đồng. 
- Nhân dân hiến 4.150m2 đất, tháo dỡ 1.900m tường rào và hơn 100 cổng ngõ kiên cố để mở rộng đường giao thông nông thôn. 
- Huy động nguồn xã hội hóa từ những người xa quê, các doanh nghiệp trên địa bàn xã từ 2018 đến nay đạt hơn 20 tỷ đồng.
- Năm 2010 bắt đầu xây dựng nông thôn mới thu nhập bình quân đầu người đạt 10,4 triệu đồng/người/năm. Năm 2013 hoàn thành xây dựng nông thôn mới đạt 19,4 triệu đồng/người/năm. Năm 2019 đạt 45,1 triệu đồng/người/năm.
- Hộ khá, hộ giàu toàn xã chiếm trên 70%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,5% năm 2010 xuống còn 1,26% năm 2019.
- Nga An được UBND tỉnh Thanh Hóa chọn là 1 trong 4 xã điểm của toàn tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 vào ngày 7-8-2019.               
- Lao động qua đào tạo là 3.580 người trong tổng số 5.245 lao động có việc làm. 
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,4%.
Đạt quá! Những số liệu ấm lòng, tin yêu, gắn kết, khỏe khoắn đến mê dụ. Nghe mà xúc động, biết ơn, ngưỡng mộ những con người nơi đây. Cũng là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi biết những con số này đâu còn là bát cơm, là tấm áo như ước mong đỏ mắt của cả làng, cả xã thuở nào. Những số liệu này là hạt gạo thơm, là cây rau sạch, là quả giàu dinh dưỡng, là lon nước ngọt, là điều hòa nhiệt độ, tivi, điện thoại thông minh, là du lịch, nghỉ dưỡng của những người đem trí tuệ, mồ hôi tưới tắm ruộng đồng. Những kết quả ấy như là sự phát lộ lấp lánh của Nga An hôm nay. Lấp lánh từ đâu? Cội nguồn từ đâu? Tầng “quặng quý” nào giàu có, tiềm tàng nội lực mà bung tỏa năng lượng, phát ra thứ ánh sáng không chỉ một màu. Thứ ánh sáng khuất phục lòng người đâu chỉ là sự chiếu rọi mỹ cảm rời rợi không gian. Thứ ánh sáng mà những ai đã từng đi trên miền đất cỗi cằn, nhìn màu áo bạc, nhìn mái tóc sương… cũng đều thầm cảm ơn bằng sự lặng im rơi nước mắt.
Tôi trầm ngâm… Dũng tâm tình: 
- Người Nga An luôn mang trong mình khát vọng làm giàu, làm đẹp, làm sang, làm sáng quê hương anh ạ! Họ vươn lên bằng tấm lòng, ước mơ và ý chí. Người ở quê, người xa quê đều ham học hỏi, tằn tiện để học, bằng mọi cách để học, học để không kém thua thiên hạ. Học cách làm giàu, kiếm tiền bằng đầu óc, trí tuệ, làm giàu có đạo lý, có lương tri…
Chúng tôi đang trò chuyện thì Chủ tịch xã Phạm Văn Tuấn vào. Anh ý tứ đeo khẩu trang rồi ngồi giãn cách. Lời đi, lời lại tự nhiên, cởi mở. Tuấn nói về 12 thôn trong xã với 1.800 hộ, đời sống, con người ở quê, xa quê mà như đang ngồi tâm tính trước một bàn cờ tự tin, sáng nước. Câu chuyện có lúc xa xăm như thời Nga An còn đang là bãi nổi cô đơn Mai An Tiêm, rồi sông Hồng, sông Đáy đắp bồi mà xích lại liền cửa Thần Phù bên dãy Tam Điệp uy linh đo mình trước biển. Một chủ tịch chín chắn, ý chí, dày dạn nắng mưa với xã, với làng. 
Tuấn cụ thể thêm: 
- Anh cứ thoải mái đi tìm hiểu trong xã em, anh có thể dừng lại bất cứ nơi nào, sẽ thấy rõ việc áp dụng công nghệ cao, tạo chuyển biến trong sản xuất nâng cao giá trị đất đai, tăng thêm thu nhập. Năm 2019, xã đã đưa các mô hình lúa năng suất, chất lượng vào sản xuất, 7 mô hình trang trại nuôi lợn công nghiệp, mô hình cải tạo chất lượng thịt đàn dê, 15 mô hình lúa - cá - vịt - vườn. Chủ động đưa các cây, con giống mới vào sản xuất như măng tây xuất khẩu, trồng dưa hấu, nuôi cá diêu hồng, chạch. Đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như khoai tây, bí xanh, dưa lưới, dưa kim hoàng hậu, măng tây xanh, theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích. Tốt quá! Tôi thực sự thán phục những việc xã đã và đang làm. Đã đến lúc phải để thời gian cho các anh, tôi xin phép được đi dọc ngang làng xã. 
Người dẫn tôi đi là Nguyễn Thị Hoa Mai, công chức văn hóa của xã. 
Làng quê thật thanh sạch, lắng sâu, gợi cảm! Những cổng làng to dựng bằng cột đá, cột bê tông có mái che bề thế. Đường trục rộng thênh thang liên hoàn với cầu đá cong cong uốn qua mương nước lớn, bên những con đường có vỉa hè, có cống thoát nước, có hàng hàng cột đèn cao áp thẳng băng, nối nhau ngút mắt như đường trong một đô thị mới. Nét truyền thống nền nã, tôn ti bên nét hiện đại sáng tươi tầm cỡ. Một đoạn Quốc lộ 10B là trục chính giữa xã mở ra hai bên làng xóm, đồng ruộng, núi non, hồ nước, đền chùa, hang động. Mạn đông nam là làng xóm ruộng đồng. Mạn đông bắc tựa vào phần cuối cùng của dải Tam Điệp là những ngọn núi đá vôi nhấp nhô, uy linh, kỳ ảo thấp thoáng cổ thụ, đền chùa. Nhìn vào đó ta như thấy hiện lên bóng dáng người xưa để tóc chỏm đào thương nước, thương nòi đỏ mắt nỗi tiền nhân. Vừa đi, Mai vừa nói cho tôi nghe những câu chuyện về con người, vùng đất, di tích, thắng cảnh Nga An. Tôi cứ tò mò, háo hức cắt ngang câu chuyện như cố tìm ra, gọi ra một điều gì đó ở vùng đất này, vùng đất cách xa phố thị mà thuở xa xưa đã từng là hoang đảo…
Chúng tôi rẽ vào khu nhà màng trồng các loại dưa của gia đình anh Mai Xuân Huy và bà con ở thôn 11. Huy được cả vùng gọi là “Huy dưa leo”. Tiếp chúng tôi là bác Mai Xuân Cầu, bố đẻ của Huy. Mỗi nhà màng có ba ngàn gốc dưa đang nuôi quả. Thật nhiều loại dưa. Dưa kim hoàng hậu, kim thiên hoàng, kim hồng ngọc, dưa lưới, dưa hấu. Các giống dưa của Nhật bản, Israel, Thái Lan, Việt Nam. Chỉ mới nghe cái tên dưa cũng đã thấy sự trân quý, sang trọng, chiều chuộng, ước mong… Đứng trong nhà trồng dưa tôi có cảm giác như đứng trong một “nhà điều dưỡng cây trồng”. Vâng! Quá ngỡ ngàng… “Rưng rưng, sạch sẽ, nâng niu, tơ non, hứa hẹn”. Tôi chỉ viết ngắn gọn mười chữ ấy về nhà màng trồng các loại dưa, các ruộng dưa, rau ở cụm trang trại của gia đình anh Huy và bà con xung quanh. Bác Cầu nói cho tôi nghe về quá trình trồng các loại dưa theo công nghệ cao. Hạt giống, chăm bón, tiêu chuẩn VietGAP, đầu ra… Một lão nông sinh năm Bính Thân, 65 tuổi nhỏ thó, đen sạm vì dưa, nói về khát khao, ý tưởng giữ gìn và phát triển cây dưa. Hiệu quả, thương hiệu, thâm canh, luân canh, nhà màng, nhà lưới, ruộng vườn, ao tôm, tôi nghe còn sinh động, nỗi niềm hơn cả một kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi. Khi nghe bác nói về nước tưới cho cây dưa “kim hoàng hậu” phải lọc qua ba lần lõi lọc và tưới qua một chiếc kim nhỏ như kim tiêm, rồi thổn thức từng giờ, mong chờ nắng ươm thụ phấn, tôi như thấy trước mặt mình là hình bóng một Mai An Tiêm mà đất trời, biển đảo đã giữ lại cho làng. Bác Cầu, anh Huy cùng bà con đang hết mình vì các loại dưa, xứng đáng là hậu duệ Mai An Tiêm thời hiện đại. Họ đang âu yếm nuôi từng giọt đất, thương đất, thương cây, đam mê đến tột cùng mầm cây, nụ quả. Với tấm lòng này, đam mê này, tôi nghĩ họ không chỉ vì lo cho gia đình hàng năm có thêm vài ba trăm triệu bạc mà người trồng dưa Nga An đang hiện thực khát vọng tôn vinh và minh chứng sống động cho một truyền thuyết của tổ tiên…
Người Nga An là đây? Phải chăng mạch nguồn từ thuở Hùng Vương nghìn năm vật đổi sao dời vẫn thương giọt mồ hôi, ngọt mát cho đến hôm nay? Tôi chậm bước theo bác Cầu. Một vệt nắng thẳng căng từ phía núi Mai An Tiêm rọi chiếu lấp loáng những nhà màng. Vệt nắng như bừng trong ánh mắt con người tiềm tàng, bền bỉ và khát vọng, rọi soi lịch sử, văn hóa, nhân sinh… Có gì đó hàm chứa và gợi mở trong kiên cường yên ả đất này? Trời ơi! Đây rồi, điều mà tôi đang muốn tìm ở vùng đất này đây rồi. Trong lòng người Nga An: “Trầm tích”! Vâng đó là trầm tích, không khác được. 
Chúng tôi đi tiếp đến khu trang trại, nhà màng trồng măng tây xanh. Một vùng đất cát khô. Lần đầu trong đời tôi nhìn thấy cây măng tây. Những bụi măng tây ba bốn thân cây, lá nhỏ mơ màng như tăm, như sợi, lêu đêu mảnh mai tựa vào những sợi dây căng khắp mặt ruộng, khắp không gian nhà màng. Hình như chúng an lòng chấp nhận nhường chất dinh dưỡng cho những đọt măng mập mạp, non tơ đang âm thầm cựa đất để kiêu hãnh nhú lên đón nắng trời, trả ơn người. Tôi hỏi một chị đang ngồi phân loại măng:
- Chị ơi! Bao nhiêu ngày thì mình lấy măng một lần vậy?
- Ngày nào cũng lấy bác ạ! Cứ lấy hết ruộng quay vòng lại là có măng mới. Măng tây là loại thức ăn rất giàu dinh dưỡng. Giá tại trang trại là tám mươi ngàn một kg. 
- Chà! Giá cao hơn cả giá cá, giá thịt rồi đó chị ơi!
Chị cười tươi: Thì cũng phải có giá mới làm chứ. Với cả đất cát này nếu không trồng nó thì cũng khó mà trồng các loại cây khác để nuôi đất đai, để có đồng lãi!
Nghe chị nói, cách nghĩ, cách làm, tưởng như đơn giản nhưng để có được trang trại, nhà màng măng tây xanh như ở đây nào dễ mấy nơi…
Lời chị là lòng dân, là nếp nghĩ của quần chúng cùng với hơn 430 cán bộ đảng viên đồng lòng, đồng sức ngàn người như một trong vầng sáng Nga An. Với tôi đây là “tầng trầm tích cơ bản”, tầng trầm tích nuôi dưỡng trong lòng nó những tầng trầm tích khác trên dải đất này.
Lãnh đạo xã biết nhìn ra nguồn lực và rất năng động, tinh nhạy, quyết đoán trong khai thác nguồn lực. Ở xã thì các anh tôn vinh triệt để phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, động lực mạnh mẽ đã được khơi dậy từ chính phương châm. Còn những người rời quê sống và làm việc ở mọi miền đất nước thì các anh hiểu rõ từng người, từng gia đình chẳng thiếu một ai. Mọi ý tưởng, mục tiêu cụ thể của xã trong xây dựng nông thôn mới đều được thông tin đầy đủ đến những con em trong xã đang sống và làm việc xa quê. Giúp họ kết nối hình thành nên những nhóm đồng hương: Con em Nga An ở Đồng Nai, ở Hà Nội, ở Gia Lai… Truyền cảm hứng cho họ về quê hương đổi mới, đang nâng cao từng ngày chất lượng cuộc sống. Và tác động trở lại, đây là lực lượng đã động viên thường xuyên về tinh thần, hỗ trợ không nhỏ về vật chất để xã sớm hoàn thành các mục tiêu. Có người hỗ trợ quê hương cả chục tỷ đồng. Hàng trăm con em Nga An ở khắp mọi miền đã chung góp lại mấy chục tỷ đồng để làm mới, khang trang, sạch đẹp làng quê. Làm ngời sáng, lung linh huyền thoại, truyền thuyết, lịch sử và văn hóa lưu mãi muôn đời, lưu danh cả nước. Vậy mới thấy rằng, các anh đã nhìn nhận, đã trân trọng khơi dậy niềm tự hào về làng quê xứ sở của những cô bác, con em xa quê như thế nào. Người xa quê là thế, còn những công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang sống giữa đất quê thì sao? Mười một công ty, cơ sở sản xuất đủ các nghành nghề chả lẽ chỉ chung sức xây dựng nông thôn mới bằng góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, sử dụng lao động tại chỗ, trích nộp ngân sách, bằng thương hiệu doanh nghiệp? Doanh nhân nơi xa bạc tỷ, doanh nghiệp ở xã cũng phải cố mà noi gương chứ. Và xa gần chung lại, tụ lại để cùng được nhìn ngắm làng quê… Vậy đó, một lớp trầm tích có sức lan tỏa không nhỏ của Nga An. 
Đến vùng đất này, điều mà ta cảm nhận được trước tiên đó là sự lắng trong, thanh sạch. Một xã có đường quốc lộ đi qua nhưng lại mê hoặc lòng người bằng những chiếc cổng làng mang đậm sắc màu văn hóa phương đông, những đền chùa, hồ, động, ruộng đồng, gợi lên sắc màu truyền thuyết. Bí thư Dũng là một cử nhân quản lý văn hóa. Từ trưởng phòng văn hóa huyện, anh chuyển làm Bí thư xã. Cùng với Chủ tịch Tuấn, biết phát huy giá trị cụm di tích chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, động Phủ Thông. Thành tâm trân quý giá trị tâm linh đạo thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Trèo), Áp Lãng Chân Nhân Tôn Thần, chùa Tiên, chùa Hà, Đền Bái La. Những di tích ấy là trầm tích văn hóa rọi soi, nuôi dưỡng thiên lương, hướng thiện, nhân sinh và tâm hồn khí chất con người. Một xã có chùa thờ Phật, đền thờ Thánh, thờ Thần, có truyền thuyết nghìn năm để rồi có đến hai nghìn con dân bách tính trong xã, trong vùng phát tâm, công đức sức người, sức của dựng xây. Có người công đức cả chục tỷ đồng. Năm 2018 Thanh Hóa có 5 điểm được công nhận là điểm du lịch, thì trong đó Nga An có 2 điểm là động Phủ Thông và chùa Tiên. Một vùng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, cấp tỉnh có một không hai từ thuở khai sơ, ấm lòng tên gọi nước Nam. Đây là tầng trầm tích lịch sử văn hóa nuôi dưỡng nên hồn cốt, nên “hương chất Nga An”.
Đã đến được những nơi cần đến, buổi trưa tôi cùng ngồi lại với Bí thư Dũng và Chủ tịch Tuấn, tranh thủ còn chút thời gian tôi gợi chuyện vui vui:
- Đã đi, đã nhìn thấy “rất mới” của Nga An, thán phục bà con quá, thán phục xã mình quá, theo các anh những gì là nguồn cội đã làm nên một Nga An tươi trẻ, trong lành, bền vững hôm nay?
Tuấn nhìn tôi rồi hóm hỉnh:
- Anh lại thử chúng em rồi, anh đi quan sát từ sáng tới giờ anh hiểu hết còn gì nữa… Thôi thì cứ cho là do tên gọi Nga An đi anh! 
Nói xong Tuấn cười rất đắc chí. À! Chủ tịch này “sâu xa” đây. Dùng “thương hiệu” để trả lời vậy là vừa nguồn cội, vừa mới mẻ rồi… Tên là đất, đất sinh ra người, người làm cho đất sinh sôi. Chữ “Nga” trong Nga An cũng là chữ “Nga” trong Nga Sơn. Trong tiếng Hán có mười bảy chữ “Nga” cấu trúc chữ và nghĩa khác nhau. Buổi sáng, khi xem tấm bia đá ở Phủ Trèo đề ngày 16 tháng 2 năm 1985 (năm Ất Sửu), chữ Nga được khắc: ( 峨 ). Tôi chợt nhớ lại trong một bản đồ địa chí thời Nguyễn có địa danh Nga Sơn: ( 峩 山 ). Hai chữ Nga này đều có 1 bộ (sơn 山 ) và một bộ (ngã 我) hàm nghĩa như nhau, nhưng chữ Nga có bộ “sơn” nằm bên trên, bộ “ngã” nằm bên dưới, đáng tin cậy và chiết tự lý thú hơn. Rất thực tế! Ngã là bản thể con người, “ngã đội sơn” là sức mạnh nâng núi, dời non, là khát vọng, ý chí sáng tạo lớn cao như núi… Phải chăng tên đất ấy có cội nguồn từ lòng biết ơn, thán phục, tôn thờ, tạc dạ ghi tâm Mai An Tiêm cùng đất đai sông núi. Phải chăng vùng đất ấy, trong lòng rặng núi uy nghi còn có: “Nam Thiên đệ nhất động” gắn liền với huyền thoại đất trời mà con người đời đời vẫn nhớ ghi, gìn giữ. Ngọn nguồn hạt máu đã có từ mạch đất, có ý lưu truyền gửi gắm trong hồn chữ tiền nhân.
Khi viết gần xong bài ký, tôi lại xem bản đồ địa chính xã Nga An… Tâm đắc quá! Thoạt nhìn Nga An như hai bên hai trang sách mà gáy sách là trục đường quốc lộ 10B. Nhìn kỹ thêm Nga An lại như viên kim cương hình nón dựng ngược, và nhìn mềm mại hơn, Nga An tươi mới như một trái tim đang căng đầy sức sống. Có thể ai đó nghĩ tôi tưởng tượng ví von, nhưng quả là như vậy. Một sự liên tưởng logic hết sức ngẫu nhiên từ ranh giới hình học của xã, mà sao lại ứng với hồn đất, khát vọng và lòng người đến thế. Tấm lòng, đạo lý là trầm tích bao trùm. Ý chí, tri thức, nhạy bén sáng tạo là trầm tích sinh sôi. Tất cả đã có, đang có và còn khá tiềm tàng trên mảnh đất này. 
Lại nhớ về câu hát: “Nga Sơn, Mai An Tiêm ghi ý chí con người”. Khi được nghe, được thấy những gì trên đất Nga An, tôi muốn thưa lại với tác giả rằng: Nga An đâu chỉ là ý chí. Lời hát ấy đúng nhưng chưa đủ. Ý chí con người một khi đã nhiệt huyết đến bền bỉ, thăng hoa đến cao đẹp thì bừng nở mãi theo tấm lòng… Lòng người, tình người là trầm tích giàu có nhất sinh ra, nâng niu và nuôi dưỡng những trầm tích khác. Đó là điều ta rưng rưng cảm nhận khi bước đi trên vùng cát, ngọt mát nơi đây. Thật thú vị, tự hào khi nghĩ rằng “kim thiên hoàng, kim hoàng hậu” về với Nga An không phải để đón “Mai An Tiêm” hồi kinh, mà là ở lại an sinh, đơm hoa, tụ quả, chín mọng vàng thơm, sinh sôi trong lòng “trầm tích”.
          

Nga Sơn - TP Thanh Hóa 
                            4-2020

                V.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 324
 Hôm nay: 1296
 Tổng số truy cập: 9247207
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa