Khát vọng xanh (Bút ký dự thi) - Phạm Tiến Triều
Những ngày đầu xuân, thời tiết ở miền sơn cước cứ đỏng đảnh như cô gái đương độ xuân thì. Lúc nắng xuân lên thì không gian ửng hồng như gò má yêu của cô gái mới lớn lần đầu chạm ánh nhìn của chàng trai lạ. Khi mưa xuân dầm dề thì sụt sùi như thể hờn dỗi ai đó trót quên lời hẹn hò… Không có mưa lớn, không có tố lốc mà cái gì cũng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng,… Bấy nhiêu ấy thôi nhưng cũng đủ làm xốn xang tâm hồn lãng mạn của bao người trai mê đắm nhan sắc của người sơn nữ giữa chốn non ngàn. Không gian núi rừng Như Thanh hiện lên như thế trong những ngày tháng đầu năm mới. Trong tôi bỗng nổi lên cái hứng của người khách lữ hành dễ bị mê hoặc bởi những cuộc viễn du. Và tôi đã đi về những miền yêu, hòa vào những triền mê của quê hương mình vừa để thỏa nguyện nhìn ngắm gương mặt người sơn nữ Như Thanh tuổi đôi mươi của tôi đang thay đổi “vóc ngọc dáng ngà”, vừa để thêm một lần khẳng định khát vọng xanh của một huyện nông thôn mới trong một tương lai không xa như lời khẳng định của ông Đinh Xuân Hướng, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện trong một lần chúng tôi được tiếp xúc gần đây.
*
Ngồi rong ruổi trên chiếc xe cũ kĩ của mình trong thời tiết xuân như thế kể cũng đáng. Tôi đi trong mọi ngõ ngách của đại ngàn, lách luồn vào những con đường nhỏ quanh vùng ven của Vườn quốc gia Bến En và dừng chân trên đỉnh dốc Cộc - con dốc cao nhất, hùng vĩ nhất cách ngăn giữa nhiều xã vùng cao của huyện Như Thanh mà quay ngược trở lại ngắm nhìn toàn cảnh gương mặt của quê hương. Xa xa là những ngôi làng trù phú đủ mọi sắc màu ẩn hiện trong màu xanh của cây lá. Đây đó là những con đường phẳng phiu, mềm mại như dải lụa uốn quanh những sơn thôn ở Xuân Phúc, Phúc Đường, Yên Thọ, Yên Lạc, Hải Vân, Hải Long,… và xa hơn là Phú Nhuận, Mậu Lâm, Xuân Du, Cán Khê - những địa phương đã về đích xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh. Những sắc màu nông thôn, bản làng xen kẽ nhau giữa núi rừng hiện lên nét hình hài duyên dáng của các họa tiết trong những vuông thổ cẩm trên cạp váy, gấu váy của phụ nữ người Mường, người Thái. Từng dải mây chỗ thì trắng nõn nà, chỗ thì phơn phớt hồng, chỗ thì xanh phai màu nõn chuối cứ ôm trọn lấy cái màu xanh ngút ngàn của núi rừng. Hình ảnh đó làm tôi liên tưởng đến chiếc khăn duyên quấn trên suối tóc mây bềnh bồng của những cô gái đẹp xứ Mường nơi miền sơn cước. Cuộc sống đi vào văn hóa của người dân tộc cứ tự nhiên và vẹn nguyên như từ thuở đẻ đất, đẻ nước dội về trong miền thẳm sâu của đời sống con người.
Câu chuyện về xây dựng nền kinh tế xanh ở Như Thanh có lẽ được bắt đầu từ khi huyện được thành lập cách đây hơn 20 năm. Năm 1996, huyện Như Thanh được thành lập từ việc chia tách huyện Như Xuân. Và cái tên gọi Như Thanh cũng là mối trăn trở của các lãnh đạo huyện thời kì đầu. Theo một số người, Như Thanh đơn giản là tên chiết tự từ chữ đầu của tên huyện cũ Như Xuân và tên tỉnh Thanh Hóa ghép lại mà thành. Đó là cách giải thích dễ hiểu nhất. Nhưng theo một số cụ “sính chữ nghĩa” thì cho rằng “Thanh” ở đây là trong xanh, trong lành. Và phải chăng giấc mơ về một miền đất trong lành, tươi đẹp, trẻ trung với khát vọng xanh trong phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường của bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân xuất phát từ cái tên gọi giản dị ấy chăng? Trong thời kì đầu thành lập, huyện Như Thanh có 16 đơn vị hành chính cấp xã. Sau đó, năm 2002, thành lập thị trấn Bến Sung trên cơ sở diện tích và dân số của một số thôn ở hai xã Hải Vân và Hải Long. Kể từ đó, Như Thanh có 17 xã thị trấn như là 17 bộ phận góp nên sinh thể của một Như Thanh tươi mới trong hành trình hơn 20 năm được góp mặt, gọi tên trên bản đồ xứ Thanh.
Từ khi mới thành lập, chọn hướng đi nào trong phát triển kinh tế của một huyện miền núi mới được thành lập còn bao nhiêu khó khăn này là một bài toán vô cùng nan giải của các thế hệ lãnh đạo huyện. Đẩy nhanh phát triển công nghiệp thì không phải là tiềm năng, thế mạnh của huyện. Phát triển du lịch, dịch vụ thành khâu đột phá thì chưa đúng lúc vì nguồn lực của huyện có hạn. Do đó, lãnh đạo huyện quyết định quan tâm vào thực tế nguồn lực sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế trên cơ sở xây dựng thật vững chắc kinh tế “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Từ nền tảng đó làm cơ sở để từng bước phát triển công nghiệp theo tiềm năng riêng của huyện. Đồng thời tạo cơ chế chính sách đầu tư để phát triển các loại hình du lịch, lễ hội và dịch vụ gắn với những lợi ích thiết thực của nhân dân địa phương. Năm 2010, khi có nghị quyết của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, với nguồn lực sẵn có từ nền kinh tế xanh đã định hình hơn mười năm thành lập, lãnh đạo huyện đã chủ trương ra nghị quyết xây dựng nông thôn mới và định hướng đến từng thôn xã với phương châm làm điểm để nhận diện, giải quyết dứt điểm từng tiêu chí. Nhân dân các thôn xã đã hồ hởi tham gia, cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc. Cứ thế, phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành cuộc cách mạng mới trong đời sống của bà con các dân tộc ở huyện miền núi non trẻ này. Và rồi, đất không phụ lòng người, Như Thanh đã thay đổi từ diện mạo đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những cánh đồng chuyên canh, những khu sản xuất chế biến, chăn nuôi, dịch vụ, thương mại… được quy hoạch, đổi mới theo hướng chuyên môn hóa, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của nhân dân mỗi vùng. Các mô hình này phát huy hiệu quả vừa mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương trong huyện. Sự gắn kết giữa người nông dân, cán bộ kĩ thuật và các cơ sở thu mua, tiêu thụ tìm đầu ra cho sản phẩm đã tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp phát triển. Có được đến thực tế tại mỗi xã nông thôn mới đã về đích, chứng kiến những cánh đồng ớt sai trĩu quả ở Yên Thọ, Hải Vân, Xuân Du,… những cánh rừng tái sinh bạt ngàn keo, nứa, luồng, vầu,… những vạt đồi đủ màu sắc của riềng, nghệ, gừng, đào phai ở Xuân Du, Cán Khê,… hay những cánh đồng mía tươi tốt cùng vô vàn cây ăn quả ở Xuân Phúc, Phúc Đường, Hải Long, Mậu Lâm, Yên Thọ,… mới thấy được giá trị và ý nghĩa của nông thôn mới ở muôn nẻo đất rừng Như Thanh.
*
Cách đây hơn 10 năm, khi còn công tác ở phố huyện, tôi có dịp về một số xã vùng khó của huyện Như Thanh cùng anh bạn dưới thành phố lên làm công tác thiện nguyện. Khi đó, nhắc đến những cái tên như Xuân Thái, Xuân Thọ, Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc, Phượng Nghi… là nhắc đến những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện với bao dốc đèo, khe suối nghe đến tên cũng đã mỏi gối chồn chân, nói gì đến tư tưởng làm kinh tế. Đồng bào các dân tộc thiểu số quen với nếp nghĩ giản đơn, lối sống và lối canh tác cũng giản dị, mộc mạc nên để thay đổi thói quen cho bà con trong phát triển kinh tế là điều không dễ. Vài chục năm trước đây, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, hầu hết những thanh niên trẻ khoẻ đều đi làm ăn xa khắp mọi miền đất nước. Những người còn lại ở quê thì chỉ quanh quẩn vào mấy sào ruộng nước, còn lại vẫn là đi nương trồng sắn, trồng ngô, vào rừng chặt củi, đào măng để bán, thậm chí vào rừng sâu khai thác gỗ lậu, săn bắn thú rừng... Trừ khu vực quản lí của vườn quốc gia Bến En, còn lại hầu hết các vạt đồi, các cánh rừng chủ yếu là cây bụi, là lau lách, là những vách núi trơ trọi, trầm mặc như cái nghèo khó vẫn đeo đẳng đời sống và suy nghĩ của nhân dân các dân tộc hàng bao đời nay. Thời gian rảnh rỗi thì chỉ lo tụ tập rượu chè, vui chơi. Những mâu thuẫn trong đời sống của nhân dân cũng sinh ra từ đó, tệ nạn xã hội cứ thế xuất hiện, loang ra như đốm ghẻ lở trên sinh thể xã hội Như Thanh. Phải thay đổi cách nghĩ của nhân dân và tìm cách mở lối để họ tham gia phát triển kinh tế, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thay đổi gương mặt quê hương Như Thanh. Đó là trăn trở lớn của các thế hệ lãnh đạo huyện mỗi khi đưa ra bàn bạc các phương án để huyện phát triển.
Nói về động lực phát triển kinh tế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Như Thanh, bà Lê Ngọc Hoa, Thường vụ huyện uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo huyện, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm qua chia sẻ với chúng tôi những kỉ niệm xúc động. Trong thời kì còn làm bí thư huyện đoàn rồi sang làm Trưởng ban Dân vận, qua những chuyến công tác và đi làm thiện nguyện, nhiều lần tiếp xúc với bà con nhân dân các dân tộc thiểu số ở những bản làng xa trung tâm phố huyện, thấy nhiều hoàn cảnh éo le, nghèo khó đến ái ngại đã ám ảnh nghĩ suy trong mỗi người, nhất là những người lãnh đạo. Dù Đoàn Thanh niên và các cấp chính quyền, các đội thiện nguyện hằng năm vẫn giúp đỡ người dân rất nhiều việc làm ý nghĩa nhưng điều đó chưa đủ vì chủ nhân để thay đổi cuộc sống của đồng bào phải là chính họ. Mỗi người dân phải thay đổi, phải đứng vững và làm chủ được chính cuộc sống của họ. Bởi suy cho cùng, dù ở thời điểm nào của lịch sử, dù ở xã hội nào thì an dân vẫn phải là chính sách được quan tâm hàng đầu. Điều đó lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết sách của đội ngũ cán bộ các cấp.
Có được nghị quyết và sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở cùng toàn thể nhân dân, diện mạo của huyện Như Thanh đã thay đổi từng ngày. Sự thay đổi đó không phải cục bộ ở từng địa phương, từng lĩnh vực mà được phát triển đồng đều trên tất cả các mặt và ở hầu khắp các địa phương trong huyện. Nếu về Như Thanh, đến được tất cả các xã trong huyện, chúng ta sẽ khẳng định được điều đó. Những thành quả đạt được bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh thể hiện sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự vào cuộc kịp thời và sát sao của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng chung sức chung lòng với bà con nhân dân các dân tộc chung tay xây dựng nền kinh tế tam nông trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh.
*
Dù lấy xây dựng nền kinh tế xanh làm nòng cốt, làm nền tảng nhưng nếu chỉ quan tâm phát triển thế mạnh của kinh tế nông nghiệp, chắc chắn Như Thanh hay bất cứ địa phương nào cũng đều chưa hiểu đúng tinh thần chỉ đạo trong nghị quyết xây dựng nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Hướng cho biết dù mới được tỉnh điều động, phân công về Như Thanh nhưng với tư cách người lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương và là Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kĩ các văn bản của các thế hệ lãnh đạo huyện trước đây. Ông khẳng định, xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh theo hướng lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng, làm điểm tựa vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội đã có trong nghị quyết của huyện ở nhiều nhiệm kì. Và điều đó cũng đã được khẳng định qua thực tế xây dựng nông thôn mới ở những địa phương đã về đích cũng như đang xây dựng ở Như Thanh.
Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu cao nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh. Tập thể lãnh đạo huyện qua các thời kì luôn tâm niệm phải thay đổi diện mạo của huyện một cách toàn diện ở tất cả các đơn vị cơ sở, ở tất cả các lĩnh vực. Song song với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng là lĩnh vực được huyện quan tâm chú trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà tiềm năng phát triển công nghiệp của huyện không phải là lĩnh vực lợi thế để ưu tiên đầu tư ngay từ đầu như các địa phương khác. Phải xây dựng nền công nghiệp trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của huyện, đánh thức được những ưu thế của tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người mới có thể đạt được hiệu quả. Sau bao thử nghiệm đã cho bài học kinh nghiệm quý giá. Một số doanh nghiệp đầu tư trước đây hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân nhưng lí do chủ yếu vẫn là các nhà máy, xí nghiệp ra đời không xuất phát từ những lợi thế tiềm năng và mang tính lâu dài của huyện, không thấy được sức mạnh riêng trong nguồn nhân lực của huyện nhà. Sau bao nhiêu thử thách, hiện nay, lĩnh vực công nghiệp đã dần ổn định với nhiều nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất, thu mua và chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp. Đặc biệt trong số này là nhà máy may xuất khẩu Như Thanh phát triển ổn định trong nhiều năm qua cùng hệ thống các nhà máy, phân xưởng may công nghiệp được mở ra ở thị trấn và nhiều thôn xã trong huyện đã thu hút được nguồn nhân lực nhàn rỗi trong nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động trước đây chỉ phụ thuộc vào ruộng nương, núi rừng. Tiêu biểu là các địa phương như Hải Long, Phú Nhuận, Xuân Khang, Cán Khê, Xuân Du, Thanh Kỳ,… Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện đều là những lĩnh vực phát huy tốt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và ít tác động đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Điều đó cũng đạt các tiêu chí về môi trường, đúng mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh mà lãnh đạo huyện đã đặt ra và phấn đấu trong suốt hơn 20 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay khi có những chủ trương đúng đắn trong xây dựng nông thôn mới của Trung ương, các nghị quyết xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện đến các cơ sở.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, các hoạt động du lịch và dịch vụ mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh ở Như Thanh. Nhìn trên tổng quan bộ mặt toàn tỉnh, nhất là ở miền núi, ít có huyện nào có được tiềm năng du lịch và chất lượng ngành dịch vụ tốt như ở Như Thanh. Từ cảnh quan thiên nhiên trời ban cho mảnh đất này đến bề dày truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống lâu đời ở đây đã cho Như Thanh những tiềm năng sẵn có để phát triển các loại hình du lịch trong tương lai. Hiện nay ở Như Thanh, các loại hình du lịch và dịch vụ phát triển một cách đa dạng. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo các đơn vị phát huy các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch và dịch vụ tại vườn quốc gia Bến En, các điểm du lịch tâm linh như Phủ Na, Phủ Sung, đền Đức Ông, đền thờ Bạch Y Công Chúa, các điểm du lịch về nguồn tham quan hang lò cao kháng chiến Hải Vân… Từ đó, tiếp tục tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng tìm hiểu, nghiên cứu các tầng văn hóa của các dân tộc Thái, Mường trong các bản làng, thăm thú các cảnh quan và hang động trải dài qua hàng loạt dãy núi đá vôi, bên nhiều cánh rừng, khe suối. Chỉ đạo tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống và lưu trú không chỉ ở trung tâm thị trấn mà cả ở nhiều xã trong huyện. Vấn đề quy hoạch đất rừng, phân loại rừng để tập trung phát triển kinh tế rừng cũng đã được quan tâm chú ý. Một mặt tạo cho nhân dân có được đất rừng để phát triển, canh tác các loại cây chuyên canh, mặt khác bà con nhân dân cũng tận dụng để xây dựng kết hợp giữa nông nghiệp và dịch vụ như đầu tư xây dựng các khu vườn hoa cây cảnh dựa vào yếu tố sẵn có của thiên nhiên để phục vụ du khách yêu thiên nhiên, yêu phượt và thích trải nghiệm. Những hoạt động đó trong nhiều năm qua đã góp phần làm cho gương mặt Như Thanh ngày càng tươi đẹp hơn, phát triển hơn trong sự đa dạng của tiềm năng phát triển nền kinh tế xanh nơi đây.
*
Khi chia sẻ với chúng tôi về những thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh, ông Đinh Xuân Hướng cho biết rất vui khi một huyện miền núi non trẻ như ở Như Thanh dù còn bao khó khăn nhưng đã bước đầu cho kết quả. Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, huyện đã tổng kết chương trình và cho những số liệu vui. Dù khởi phát ban đầu với 17 xã, thị trấn, trong đó có đến 11 xã đặc biệt khó khăn (135), thu nhập bình quân năm 2010 chỉ đạt 10,4 triệu, tỉ lệ hộ nghèo 40,3% thuộc diện cao của tỉnh, chất lượng đời sống và trình độ dân trí còn thấp nhưng sau 10 năm, đến nay đã có 10/17 xã, thị trấn (07/14 xã, thị trấn sau sáp nhập năm 2019) về đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 29,55 triệu đồng/người/năm, năm 2019 là 38,6 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng; dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, xét trên toàn diện, kinh tế Như Thanh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kì vọng của các tầng lớp nhân dân. Phải làm sao phát triển đa dạng các thế mạnh về kinh tế, xây dựng kế hoạch để tạo nên những đột phá thì Như Thanh mới có thể về đích thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới như chỉ đạo của tỉnh và kế hoạch đã vạch ra ở địa phương này. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hướng tâm sự, tiềm năng của Như Thanh không chỉ có nông nghiệp mà các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là một thế mạnh mà bao đời nay, Như Thanh vẫn chưa bứt phá lên được. Đặc biệt, ở mảnh đất xinh đẹp này có một tiềm năng du lịch lớn mà không phải địa phương nào cũng có được. Vườn quốc gia Bến En với diện tích hàng chục ngàn héc ta, một phần ba số đó là rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học và giá trị cảnh quan, trên ba ngàn héc ta mặt nước với 21 đảo nhỏ sẽ là điểm nhấn để kinh tế Như Thanh phát triển nếu kêu gọi thành công nhà đầu tư. Rải rác ở nhiều địa phương trong huyện, hệ thống hang động ở nhiều dãy núi đá vôi với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên vẫn chưa khai thác hết được. Bên cạnh đó, hàng loạt di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia cùng các vỉa tầng văn hoá của các dân tộc thiểu số rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng cũng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Sẽ thật lãng phí nếu chúng ta không khai thác và phát huy được tiềm năng của các địa chỉ kinh tế xanh rất giá trị đó. Phải thay đổi thật sự để Như Thanh cất cánh, phải tạo đột phá để Như Thanh thực sự là trọng điểm kinh tế của miền núi Thanh Hóa. Nhưng thay đổi từ đâu và đi theo chiều hướng nào vẫn là câu hỏi khó. Qua nhiều trăn trở, ông Hướng cho rằng, muốn Như Thanh phát triển mạnh mẽ phải thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, thay đổi phương pháp làm việc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí điều hành, vào sản xuất kinh doanh; đặc biệt phải có tầm nhìn chiến lược, quan tâm quy hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở làm nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế. Tương lai của Như Thanh phải là phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các cụm công nghiệp và phát huy tối đa để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ. Đó mới là những đột phá để Như Thanh thực sự phát triển.
Trên cơ sở những thành quả đạt được và những điểm thế mạnh của địa phương chưa khai thác, trong phương hướng phát triển năm 2020, huyện phấn đấu xây dựng thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng/người/năm. Rộng hơn, trong định hướng giai đoạn 2021-2025, tất cả số xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Cán Khê công nhận lại (sau khi sáp nhập với xã Xuân Thọ); phấn đấu 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó các xã Xuân Du, Yên Thọ, Phú Nhuận được lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Từ cơ sở đó, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025 khi 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đích. Chỉ tiêu đặt ra như vậy cũng cho thấy còn bao khó khăn trước mắt để toàn thể cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Như Thanh phải đồng sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu. Nhưng niềm tin vào sức mạnh đoàn kết, sự chịu thương, chịu khó của người dân sẽ cho chúng ta hi vọng về sự thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương Như Thanh tươi đẹp và giàu truyền thống cách mạng.
*
Trong làn nắng xuân dịu nhẹ, tôi cứ đăm đắm ánh nhìn về những chòm, những khóm dân cư tạo nên bao sơn thôn đủ sắc màu được che chở, ấp iu trong màu xanh biếc của ruộng nương, của rừng xanh, vườn tược. Phía xa kia, dãy Ngàn Nưa hùng vĩ và linh thiêng đã hội tụ linh khí của đất trời như người anh hùng ưỡn mình che chở cho miền đất Như Thanh xinh đẹp tồn tại và phát triển trong yên bình giữa miền xanh thẳm của núi rừng hàng bao đời nay. Tôi có một niềm tin rất chắc rằng, một ngày nào đó thật gần thôi, trên mọi nẻo đường nông thôn mới ở Như Thanh sẽ không chỉ phủ hết nhựa, bê tông sạch sẽ mà đôi bên đường sẽ nở muôn sắc hoa tạo nên những con đường hoa đẹp mê đắm uốn quanh các bản làng trù phú trên khắp mọi nẻo đường Như Thanh. Và khi các dự án phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ được khai sáng, bật mở, phát huy hết mọi tiềm năng, thế mạnh, Như Thanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong một tương lai không xa. Tôi tin là thế và chắc chắn rằng, Như Thanh sẽ về đích đúng kế hoạch để có thể kiêu hãnh sánh vai cùng các huyện bạn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương Thanh Hóa anh hùng. Đó không chỉ là kế hoạch, là chỉ tiêu mà còn là niềm tin, là khát vọng xanh của hàng vạn người Như Thanh trên hành trình đi tìm cuộc sống ấm no, hạnh phúc giữa chốn non ngàn.
Tháng 4-2020
P.T.T