Ta đi dan díu thị thành đắm đuối lời ru của mẹ - Thy Lan
Chim vịt bay vào hoàng hôn
Ráng đỏ, mây chiều, tóc mẹ
Bể rộng, sông dài, sương khói
Quê xa ngăn ngắt xanh trời.
Ta mãi chỉ là con trẻ
Hút tầm theo cánh chim bay
Mùa thu gió thổi héo trời
Đau đáu một phương thương nhớ
Hời ơ! Muối mặn gừng cay
Biền biệt năm dài cát bụi
Ta đi dan díu thị thành
Đắm đuối lời ru theo mãi
Núi cội, sông nguồn, bến đợi
Ai về cho ta theo cùng
Năm canh mẹ ngồi thức đủ
Lời ru trong vắt nỗi buồn.
(Lời ru trong vắt - Nguyễn Ngọc Quế)
Nguyễn Ngọc Quế là người con của quê hương Nga Bạch - Nga Sơn. Sinh năm 1950, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 49 tuổi. Ông đặc biệt có hơn 30 năm gắn bó với các thế hệ học trò trường cấp III Lam Sơn và Đào Duy Từ. Chính tâm hồn của một nhà giáo đã cho ông những nhạy cảm trước cuộc đời và những rung động cần thiết của người cầm bút khi bước chân vào nghiệp sáng tác. Tác phẩm của ông viết nhiều cho thiếu nhi, dưới các thể thơ, truyện thơ và truyện... Tôi nhớ nhất ông bởi cái giọng quê hồn hậu và thân thuộc của người con vùng biển. Cái mặn mòi ngấm vào da thịt và hồn cốt, ngôn ngữ con người, dẫu bao năm sống đất thủ đô cũng không hề phai nhạt. Tôi gọi ông là nhà thơ “Vọng ngóng”, bởi thơ ông là cuộc hành trình “Từ nhà ra đồng và… dan díu thị thành” nhưng vẫn “đắm đuối lời ru theo mãi”. Ấy là nhà thơ ngược về nguồn cội nhưng lại bước cùng thế hệ trẻ như một logic tự nhiên.
• Một bài thơ hoài niệm
Phàm thì ai cũng sinh ra có mẹ. Mẹ gắn liền với một miền quê. Mẹ là nỗi quê, là niềm thương nỗi nhớ cho mỗi người. Và thật thiệt thòi nếu ta không được lớn lên trong lời ru của mẹ. Lời ru đó như “chất đạm” đủ đầy nhất với những ai sinh ra trong thời bao cấp. Họ cứ thế lớn lên, tâm hồn và thể chất ngấm thấm hồn quê và lời ru của mẹ mà trở nên “vạm vỡ”. Hồn thơ mỗi thi nhân đều khởi nguồn từ những gì gần gũi nhất mà lay động đến trái tim bạn đọc. Tôi đã gặp lại tôi, tuổi thơ tôi và những ngày tôi xa nhà khi đọc bài thơ “Lời ru trong vắt” để tĩnh tâm mà chiêm nghiệm, mà đồng vọng:
Chim vịt bay vào hoàng hôn
Ráng đỏ, mây chiều, tóc mẹ
Bể rộng, sông dài, sương khói
Quê xa ngăn ngắt xanh trời
“Lời ru trong vắt nỗi buồn” - câu thơ chủ đề cho bài thơ, có gì mâu thuẫn chăng? Thường thì “trong vắt” là tính từ đi liền với các danh từ chỉ sự vật như nước hay chuyển nghĩa chỉ tâm hồn thanh khiết, tinh khôi như chưa lấm bụi trần. Lần đầu tiên tôi thấy tác giả Nguyễn Ngọc Quế sử dụng như một tính từ nhưng bổ nghĩa cho một danh từ chỉ khái niệm có ý nghĩa trừu tượng là “nỗi buồn”. Cách sử dụng từ có vẻ như “ngược” lại tạo ra được sự cộng hưởng ám ảnh riêng có - nhấn mạnh sự khắc khoải, tiếc nuối đối với những gì đẹp đẽ, thân thương. Vậy nỗi buồn ấy khởi phát từ đâu? Bức tranh hoài niệm hiện ra trước mắt cùng với ráng chiều và dáng mẹ. Khổ thơ chỉ duy nhất một động tác “bay” của con chim vịt. Mà lại là chim vịt bay vào hoàng hôn càng thật buồn. Ánh mắt nhân vật trữ tình dõi theo cánh chim “hút tầm” - Tâm thế xa quê, ngóng quê đã được khắc họa ngay từ những câu thơ đầu tạo nên sự giằng xé quá khứ và hiện tại. Câu thơ thứ hai trong khổ đầu xuất hiện như một tất yếu: “Ráng đỏ, mây chiều, tóc mẹ”. Tác giả dùng màu sắc để gợi nỗi buồn. Ba gam màu cứ thế hiện ra: màu đỏ của ráng chiều càng trở nên nổi bật trước màu xám của mây chiều và màu trắng của tóc mẹ. Đến đây ta đã hình dung tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng đã sang tuổi xế chiều. Hai câu cuối của khổ đầu bài thơ như một tiếng thở dài tiếc nuối nhưng chứa chất đầy chiêm nghiệm: chuyện kiếp người được hình tượng hóa qua thiên nhiên mà trở nên gợi. Nếu như “bể rộng, sông dài” là chuyện vĩnh cửu của thiên nhiên nó chiếm đến 4/6 âm tiết trong câu thơ, thì “sương khói” lại là hạn hữu của đời người chỉ chiếm 2/6. Cái buồn từ đó hiện ra từ chính tâm tư của nhân vật trữ tình - tác giả “xa quê ngăn ngắt chân trời”. Câu thơ trên chính là căn nguyên, lại cũng là lời lý giải thi vị cho chủ đề bài thơ. Bài thơ hàm chứa cái buồn đẹp, nỗi buồn thi nhân của một tâm hồn thuần khiết nhưng cũng nhiều suy tư, trăn trở.
• Ta đi dan díu thị thành
“Dan díu” không phải là một từ lạ. Có rất nhiều cách nói khác nhau để tạo nên nghĩa đẹp cho động tính từ này như “dan díu với thi ca”, “dan díu với hoàng hôn”, “dan díu với mùa xuân”… Lần này tôi lại gặp cách nói cũng đẹp như thế: “dan díu với thị thành”. Nhà thơ thêm một lần xác tín với độc giả về tâm thế xa quê và nỗi quê. Đồng thời dùng hình ảnh thơ ca để nói hộ lòng mình:
Ta mãi chỉ là con trẻ
Hút tầm theo cánh chim bay
Mùa thu gió thổi héo trời
Đau đáu một phương thương nhớ
Tả về quê, nhớ quê các nhà thơ đi trước đã quá nhiều bài thơ hay, các thể thơ đường luật, lục bát, thất ngôn, tứ tuyệt, tự do… đều tạo nên những âm hưởng khác nhau. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế chọn thể thơ lục ngôn hiện đại, tự do, phóng khoáng, thích hợp với tâm hồn bay bổng của người Việt. Đặc biệt ông rất khéo trong sử dụng các tính từ, động từ, động tính từ: Hút, biền biệt, đau đáu, thương nhớ, đắm đuối, dan díu, đợi, thức… đây chính là thế mạnh trong thơ: đánh thức giác quan bằng ngôn ngữ hàm súc. Bài thơ viết về những điều rất quen, rất chung nhưng vẫn tạo được cái mới, lan tỏa cho mọi người từ cái riêng, cái cụ thể:
• Đắm đuối lời ru theo mãi
Hiện đại trong ngôn ngữ phóng khoáng, nhà thơ vẫn tạo cho bài thơ một không gian “thuở ông bà”. Đó là không gian “tục ngữ, ca dao” với “muối mặn, gừng cay” để bày tỏ ước vọng trở về với Mẹ, với quê, với núi cội, sông nguồn, bến đợi:
Núi cội, sông nguồn, bến đợi
Ai về cho ta theo cùng
Năm canh mẹ ngồi thức đủ
Lời ru trong vắt nỗi buồn.
Trở về thời gian xưa “ta mãi chỉ là còn trẻ” với nỗi quê, nhà thơ kéo đến hiện tại với “năm canh mẹ ngồi thức đủ” để làm một việc ngay tức thì và vô cùng quý giá “ai về cho ta theo cùng”. Câu chuyện không còn dừng lại ở một chuyến xe chở thi nhân về quê nữa. Mà bốn câu cuối đã mở ra một “chuyến xe” hoài niệm - chuyến ngược dòng. Hay đó còn là chuyến đi ngược lòng mình, hồn mình để khắc khoải lời ru của mẹ lúc canh thâu, để nghe nỗi buồn chảy về từ sự tiếc nuối mà lời ru cũng trở nên thăm thẳm như nhìn thấy đáy: Lời ru trong vắt.
Ta đi dan díu thị thành
Đắm đuối lời ru theo mãi
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế đã cho tôi thêm một lần chiêm nghiệm với nỗi quê, nỗi đời, tình mẹ để trân trọng hơn những gì mình đang có: yêu thương và trân trọng hơn mỗi phút giây ta có mẹ bên đời. Tôi chợt nhớ ở một bài thơ khác ông viết về mẹ:
Trên cánh - đồng - trời, mẹ gặt
Hạt lúa vàng và những câu hò
Trên cánh - đồng - trời, mẹ có
Những đứa con không làm mẹ phiền lòng
Từ nhà ra đồng và…
Đoạn đường này con không dám đo
(Cánh đồng của mẹ)
Tôi cảm nhận rõ hơn một điều: “Tình mẹ” là “mầm” của chữ mà nuôi dưỡng, đắp bồi cho thi ca - Muôn đời đã vậy và vẫn luôn như thế!
Viết cho ngày tháng 3-2020
T.L