Bước đầu tiếp cận thơ Từ Nguyên Tĩnh - Trịnh Vĩnh Đức
Người đọc trong giới văn sĩ và các thế hệ yêu văn chương đã từng biết đến cái tên Từ Nguyên Tĩnh xứ Thanh từ lâu. Nhưng mấy ai biết được ông còn là một nhà thơ khá kín tiếng. Cũng phải thôi, vì gia tài văn xuôi mà ông đã mài mòn bút mực lên tới nhiều nghìn trang đã phủ tràn át cả phần sáng tác thơ ông. Với ông, cái tên bút danh như có gì lạ, bởi ông họ Lê lại lấy tên họ “Từ”. Tôi vẫn thường gọi yêu tên ông: “Họ Từ tên Tĩnh vốn dòng tài danh” để nói về một Từ Nguyên Tĩnh có cái gì đó mang đậm phong cách dấu ấn cá nhân trong lớp nhà văn vang bóng xứ Thanh có tiếng trên văn đàn. Ông tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội thuộc dòng học tử tế có chữ. Vì thế vốn chữ của ông khá dày. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh, vừa là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử. Ở mảng nào ông cũng bén duyên, để lại trong lòng bạn đọc những tình cảm tốt đẹp.
Cuộc đời sự nghiệp văn chương Từ Nguyên Tĩnh khá đa dạng. Ông quan niệm tài năng là thiên bẩm nhưng nếu không có sự cần cù trải nghiệm từ thực tế thì tác phẩm ấy chỉ là một cơn gió thoảng thổi qua với người đọc. Cái cần hơn cả, là thực tế trên cánh đồng chữ được cày ải bằng cái nhìn hiện thực được soi chiếu qua đời sống văn học, mới mang lại giá trị nhân bản cao cả. Nghĩa là, văn chương phải được thổi hồn bằng con mắt có chiều sâu của cảm xúc, chiều cao của trí tuệ mới xây nên độ tinh túy, tráng kiện của tác phẩm văn học. Từ quan niệm ấy, tác phẩm của Từ Nguyên Tĩnh đã mang đến cho bạn đọc niềm khâm phục về tinh thần lao động trí tuệ trong suốt chặng đường sáng tác.
Như một bản phối trên nền nhạc giao hưởng, các tác phẩm mà ông sáng tác như tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, các thể ký văn học, cả tiểu luận phê bình để lại nhiều sắc mầu trong lòng độc giả. Ở thể loại nào ông cũng tỏ ra sung sức. Đặc biệt ông có một gia tài thơ và trường ca khá phong phú. Thơ ông in thành tuyển tập, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2017 gồm 163 bài cùng với Trường ca Hàm Rồng có 24 chương đã ghi đậm dấu ấn cá nhân Từ Nguyên Tĩnh.
Với hàng trăm bài thơ theo thể tự do phóng khoáng, ông đã trải lòng tâm sự, đặt lên vai sứ mệnh lịch sử với tâm thế trách nhiệm của người cầm bút trước thời đại.
Thơ ông nhuốm mầu đạo lý. Phải chăng cái tư tưởng tự do khí chất trong con người ông luôn bùng cháy. Ở bài thơ “Thượng đế”; “Phật ngàn mắt ngàn tay”; “Tản Viên sơn”; “Tu tiên”, ông viết như người kể chuyện theo thể thơ tự do không vần, nhưng rất thành công. Bởi cảm xúc xuất hiện tự nhiên theo mạch cảm mang tư tưởng nhân sinh đã lôi cuốn người đọc một cách say mê. Với ông, gian dối không qua được mắt Phật. Chỉ một lần ông lên Tản Viên sơn cũng đã có nhiều suy nghĩ lớn lao với sự đời. Câu chuyện thơ như giãi bày tâm sự, con người có gian khổ luyện bền ý chí mới hiểu được lòng người thiện ác. Những câu thơ đượm mầu thế sự trong bài “Tu tiên” đã lay thức người đọc: “Còn đâu nữa hỡi chàng Từ Thức/ Hậu thế của ông không thích tu tiên/ Thôi xin đừng oán giận/ Vì sự say mê của hơi tiền”.
Một lời than mang mầu sắc của hiện thực đời sống đã tỏ rõ một lời khuyên đầy nghĩa khí, càng đọc càng thấy sâu sắc ý nghĩa: “Sống cho trọn bổn phận nơi trần thế/ Để đời khỏi mắng mỏ anh hèn”.
Thơ ông mang chất đạo Phật như có gì ám ảnh. Bài thơ “Tâm” là một triết lý. Ông quan niệm “cái tâm trong nhà Phật/ và cái tâm ở ngoài đời/ Nếu giống nhau cần chi đọc sách”. Ông đã cắt nghĩa mọi sự vật kể cả lời nói phải được tìm trong cái sâu thẳm của đạo đức con người chứ không phải vẻ bề ngoài che đậy cái xấu bên trong. Quan niệm của ông về con người là cõi tạm. Cái cuối cùng trả lại vị trí là số không tròn chĩnh ở cái miền cát bụi hư vô. Tôi cho rằng: cái tâm với người đời mà ông ước gặp không phải cái tâm ở đâu xa mà là cái tâm lành. Có lẽ theo tư tưởng Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” nên những bài ông viết về Phật thường cảnh báo cho người đời và khuyên họ hãy “Xin rũ lòng từ bi, hỉ xả nơi cửa Phật/ Nhưng không dám nhìn thẳng/ chắc Phật thấu hiểu tâm can” Từ Nguyên Tĩnh có cả một sê-ri những bài thơ khi mỗi lần ông đi đến cái tĩnh để suy tư về sự đời kể cả trong cõi mộng. Đến Ninh Bình, ông gặp Đinh Bộ Lĩnh, gặp Dương Vân Nga nghĩ về nhân tình thế thái. Đến Quảng Bình với biển xanh cát trắng, ông nghĩ đến thời gian. Gặp danh nhân Đào Duy Từ, ông đã đặt dấu hỏi cho hậu thế từ tấm gương của cụ Đào để đời sau tìm ra bài học về cách dùng người, cho trắng đen không lẫn lộn. Để bây giờ “Biển Quảng Bình thở dài, cát Quy Nhơn trắng phau thương tiếc tìm ông trong câu hát”. Trong ông, một niềm mong mỏi là lịch sử đi qua chiến tranh không làm mất đi vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa. Ông đến với biển rồi lại ngược lên non về miền đất Tổ trong một chiều Đền Hùng nhớ về cõi vọng, càng thấy hết vẻ thâm nghiêm trong cái tình người lữ thứ.
Với bản tính khi gặp ngoài đời, ông rất hồn nhiên và vui tính nhưng trong văn chương lại thể hiện chất nghệ sĩ. Những câu thơ khi ông gặp người đẹp rất bất ngờ khi ông thả bút “người đẹp đi trên phố, cuốn theo cả mây trời”; “Thợ nhiếp ảnh run bàn tay không kịp bấm/ Nhà thơ quên phòng kịp hé môi/ ngọng nghịu hỏi em từ đâu làm nên sắc đẹp”. Một cách dùng thi ảnh khá gợi “Người đẹp đi trên phố, cuốn theo cả mây trời” thì còn gì bằng. Câu thơ vừa lãng mạn vừa kiêu sa, tạo điểm nhấn. Đó cũng là thế mạnh trong cách viết của ông. Với lối thơ kiểu này, ông cũng như bao thi sĩ khác luôn trân trọng và đam mê cái đẹp.
Đặc biệt, ông viết về biển như sóng tình lan tỏa có hình ảnh khá đặc trưng “gặp người đẹp trườn lên bờ cát nóng, tự nhiên mát cả một vùng bởi ngọn gió yêu thương”.
Trong hành trình thế sự, bài thơ ông viết khi “Viếng mộ Nguyễn Du” đã hiện lên những địa chỉ ông đến. Từ Nguyên Tĩnh viết về Nguyễn Du bằng những câu thơ lạ nhưng ngẫm ra mới thấy giá trị vô cùng “Người tài thơ và hay chữ/ Viết về ông dài hơn cả truyện Kiều/ Bằng con đường lên vũ trụ”. Ông đã cắt nghĩa về cái tài của cụ Nguyễn không thể có gì so sánh được.
Ông đi nhiều nơi đúc rút được nhiều mảng mầu thế sự đời thường, đầy triết lí và chiêm nghiệm. Ông mê Hàn Mặc Tử trong một lần đến Gềnh Ráng, Quy Nhơn, thơ ông viết như có sóng vỗ, như có trăng bò bên cửa sổ. Hiểu nỗi đau của chàng thi sĩ họ Hàn, ông thả tình vào thơ, thả tình vào nhân thế, vẽ nên chân dung và nỗi niềm Hàn Mặc Tử như đau quặn xé lòng.
Đi nhiều nơi là thế, nhưng điểm hội tụ quay về nơi gốc rễ sinh ra mình bao giờ cũng chộn rộn, thao thức trong trái tim ông. Từ Nguyên Tĩnh có nhiều bài thơ khá ám ảnh. Sông Chu quê ông gắn trọn cả tuổi thơ đầy da diết: “Sông Chu tuổi thơ tôi, mênh mông hai bên bờ ngô mía những chuyến đò ngang chật cứng người”. Và sau những năm tháng xa quê ông trở lại như có gì thẫn thờ quá đỗi “Ôi con sông Chu sông vẫn chảy, thương con đò ngang vắng bóng người”. Một cách thể hiện tâm trạng lấy hình ảnh con đò vắng bóng người để tâm sự, âu cũng là cái cách của các bậc thi nhân xưa thường hay mượn cảnh để ngụ tình. Tôi có cảm tưởng thơ ông đậm tiếng lòng. Có hình ảnh đậm nét đặc trưng. Những thi ảnh trong thơ ông bao giờ cũng gợi nên một cảm giác man mác tình riêng qua một vài nét vẽ bằng ngôn ngữ chọn lọc tinh tế: “Chiều sông Chu, nắng vàng ai tung lưới, thuyền ai về chở trăng lên/ Chiều sông Chu ai về bến đợi, anh có kịp về đầm đón em sang”. Và thế rồi, những câu thơ ngọt ngào, êm dịu ấy, có sức lan tỏa càng lớn hơn trong bài thơ “Điệu hò Thanh Hóa”. Nếu như nhà thơ Mạnh Lê có bài thơ “Dô tả dô tà” vọng vào trăng sáng chạm vào miền nhớ của người dân xứ Thanh thì bài thơ “Điệu hò Thanh Hóa” của ông có cái chất riêng gợi một trường liên tưởng sâu nặng lắm. Những câu thơ ông viết như thả vào nhịp thời gian làm xao động lòng người. Vừa giản dị đời thường vừa chất chứa sắc thái không lẫn vào đâu được của người Thanh Hóa. Có nhiều câu thơ rất điển hình: “Câu hò Thanh Hóa, đưa vua chúa lên ngôi, thấm vào kiếp người nặng nhọc. Có âm hưởng câu hò ngàn năm. Từ thuở thanh xuân, mang câu hò đi đánh giặc… Câu hò Thanh Hóa, nặng nhọc chắt chiu. Chìm xuống bay lên cao vút dô tả dô ta!”. Nhiều bài thơ ông viết đậm chất nhạc, trong đó có bài thơ “Làm người Thanh Hóa đi em”. Bài thơ này, được chia làm sáu khúc cho mỗi đoạn, mỗi đoạn đều hiện lên nét đẹp của Thanh Hóa trong con mắt của bao người mà ông chính là người thiết kế vẽ lên những điểm sáng thẩm mĩ đặc sắc. Lấy cớ mời em về làm dâu Thanh Hóa, Từ Nguyên Tĩnh đã dẫn dắt người đọc hiểu về địa danh, những con người nơi đây chịu thương chịu khó gánh nặng nuôi con, một đời khó nhọc, nuôi con thay chồng đi đánh giặc chiến trường xa. Mỗi một lần bộc lộ qua nhân vật trữ tình, qua lời mời “Về Thanh Hóa làm dâu đi em” lại hiện lên những câu chuyện tự hào về miền đất sinh vua, sinh chúa, những địa danh đi vào sử sách sáng chói, những danh nhân, anh hùng, hào kiệt, gánh vác non sông làm nên những chứng nhân lịch sử. Cả một miền trầm tích văn hóa với những con người ăn sóng nói gió, luôn mang trên mình cái chất của người xứ Thanh trong cuộc sống mưu sinh, trong chiến đấu với kẻ thù không lẫn với riêng ai: “Về đi em/ Gặp người Thanh Hóa/ Ăn sóng nói gió/ Ăn nói thật thà/ Chí linh Lê Lai/ Liều mình cứu Chúa/ Sông Mã sông Chu/ Sực nức chén rượu/ Tình người nghĩa sĩ…Về Thanh Hóa làm dâu đi em/ Lên núi Nưa/ Có gặp bóng tiều phu hái củi/ Mới thương người con gái/ Cưỡi voi dẹp giặc cứu nước non/ Xuống Nga Sơn gặp cửa Thần Phù/ Một phút tĩnh lặng nghe lời ru của mẹ/ “Đưa nhau qua cửa Thần Phù, khéo chèo thì nổi, vụng tu thì chìm”, mới cảm được lòng dạ người dân/ Thương cho Trạng Quỳnh Xiển Bột bội phần…”. Và cuối cùng trong bài thơ với cái kết đậm đà ý vị, người dân Thanh Hóa tuy anh hùng là thế nhưng vẫn là người bình thường như bao người dân trong cả nước, trong đó có cả dâu con.
Thơ Từ Nguyên Tĩnh, bài nào viết về Thanh Hóa cũng có chất tự sự, toát lên cái đẹp của chất Thanh trong tâm hồn người quê Thanh. Thơ ông lãng đãng, mang phong vị có một chút ngông theo kiểu Tản Đà thi sĩ. Có lúc như một gã lực điền cày sâu trên thửa ruộng để vỡ tìm con chữ trên thửa ruộng hoang. Ở con người ông, có cái chất cao sang từ tấm lòng thi sĩ, không chịu cúi đầu trước một ai. Hình như, cái bóng của nhà thơ Hữu Loan đã ám ảnh ông trên trường đời, trong cái nghiệp làm thơ chăng? Thơ ông viết cứ đủng đỉnh nhưng đậm đà ý vị sâu sắc mang triết lý của một cái đạo. Hay như một con chiên nhìn Chúa trong cõi vọng tìm về sự khát khao vươn tới chiều sâu của bản thể. Bài thơ “Tự sự” như kiểu nhà thơ Hữu Loan kể chuyện. Vừa dung dị đời thường nhưng thể hiện rõ phong cách thơ ông:
Có lần vợ bảo
Cái ngữ ông không kiếm được người yêu
May mà lấy được nàng
Buồn
Tôi đi lang thang…
Đã nhiều lần và thế rồi vợ tôi nói,
may mà lấy được nàng,
kẻo khố cũng không có mà ăn.
Kiếp lãng du mà người nghệ sĩ trong bức tranh tự họa đã đưa ông về với thực tại để hiểu hơn cái gốc trong cội nguồn đạo nghĩa. Thơ ông rất đời, có chút phong tình nhưng rất gần với đời sống thực. Hình như, những dòng thơ được chắt ra từ máu, vỗ nhịp thời gian, tạo nên cung đàn sâu lắng, chạm vào cõi thinh không để lại bao điều suy ngẫm. Sau bài thơ “Tự sự” ông có bài “Côi cút”; “Tôi”; “Vợ”. Mỗi bài mỗi vẻ. Cứ lần lượt kể chuyện theo thể tự do hứng bút nhưng đầy dư vị sâu xa, thấm sâu vào câu chuyện của đời sống. Thế mà thế sự đời thường cứ hiện ra đậm nét. Bài thơ “Cháu hỏi ông” có cái chất kể dí dỏm như kiểu “chuyện cổ tích về loài người” của thi sĩ Xuân Quỳnh. Giọng điệu thơ ông hồn nhiên mang tính triết lí, vừa ngộ nghĩnh vừa nên thơ, phù hợp với phát triển tính cách tâm lí trẻ thơ.
Có người nói thơ ông nặng tình quê lắm. Chỉ một chiều buông xuống đã thành câu chuyện trong thơ ông đầy tâm trạng. Trong bài “Chiều 2” có nhiều đoạn thơ hay có nét tự sự xen trữ tình:
Những buổi chiều
Ta lâng châng trên đồng nội
Nhận ra bóng mẹ
Gánh nỗi buồn trên lưng
Nhà thơ có cái nhìn đầy sáng tạo đậm chất thơ, giàu cảm xúc: “Hình bóng chiều mong chờ dáng mẹ”. Nếu không có mẹ đời sẽ ra sao khi mỗi chiều thiếu mẹ. Câu thơ đặt lên gánh hai đầu của nỗi nhớ, vừa mơ vừa thực. Sức nặng của thơ ông như có mạch ngầm cảm xúc truyền dẫn vào mạch máu, thớ thịt, đường gân để rồi tạo nên vóc dáng, hơi thở của chiều quê như có gì ám ảnh. Đã hiện rõ phong cách thơ ông viết về mảng thơ có hình bóng quê hương không lẫn với riêng ai. Nhà thơ đã cảm nhận “chiều” trong bản nghĩ tự do. Đó là cái khoái mang chất lãng tử của chàng thi sĩ. Rồi đỉnh điểm đến là cùng bạn uống say lăn ra ngủ, không ai quấy rầy. Với ông, chiều quê “trong vắt như ca dao” nên mỗi khi say tại nơi này sẽ trở thành người tự do nhất vì đã rũ bỏ được bụi mầu trên phố phường. Những cảm xúc trong cách xây dựng hình tượng điển hình thơ ông, có những bài không kém chất thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Ánh trăng”. Ở bài thơ “Cái bóng”, sau những phút nhìn sự đời rồi soi lại mình, ông cho rằng hai chữ “Về quê’’ là điều tuyệt nhất dẫu nơi ấy nhìn ông như có gì lạ nhưng vẫn ngập tràn yêu thương vì cái nghĩa ở quê bao giờ cũng là đẹp nhất trong cõi vô thường.
Có thể nói những bài thơ “Về quê”; “Ngày con ra đi”; “Cái bóng” đã bước ra từ địa hạt của lớp sóng ngôn từ làm cháy lên những “khát khao giao cảm” giữa con người với con người theo nghĩa thuận, giữa con người với quê hương. Ông cho rằng chỉ có làng, có cỏ cây hoa lá, có những câu hát đồng dao là hiểu được tâm tư nguyện vọng của ông hơn cả. Soi vào bóng mình rồi nhìn ra cuộc sống muôn mầu của xã hội, ông tìm ra triết lý cuộc đời, ra cái đẹp, cái mà cuộc sống đang cần. Ông đã gửi những thông điệp về lẽ sống để gửi cho con, cho mọi người và mong những điều tốt đẹp ấy, vượt qua mọi trở ngại để tìm về giá trị chân, thiện, mỹ.
Trong sự nghiệp thi ca của Từ Nguyên Tĩnh xin được đặt dấu son vào hành trình thơ ông qua “Trường ca Hàm Rồng”, tác phẩm thơ đặc sắc của ông được nhiều người biết đến. Vào thời điểm này, tác giả xứ Thanh đã có nhiều người viết thơ, ca ngợi Hàm Rồng. Nhưng “Trường ca Hàm Rồng” của ông ở giai đoạn thời điểm bấy giờ tiêu biểu hơn cả. “Trường ca Hàm Rồng” đã kết tinh những nét đẹp về tâm hồn và cốt cách mảnh đất con người nơi đây. Hàm rồng là nơi đất thiêng của chim Hạc bay về làm tổ, nơi có nhiều nhà thơ trung, cận đại đề thơ vịnh cảnh. Nơi của những cuộc chiến tranh tàn bạo với nhiều tọa độ bom dày đặc ném xuống dòng sông, xuống núi Ngọc, núi Rồng hòng chia cắt mạch máu giao thông bằng cách phá cầu bắc qua sông Mã. Có một điều ở trường ca này, tác giả là người trong cuộc, là chiến sĩ ngày đêm bảo vệ cầu Hàm Rồng trong mưa bom bão đạn trước hàng ngàn máy bay ngày đêm bắn phá. Nhân vật được miêu tả trong thơ ông sống động và hiện thực được xây dựng bằng hình tượng nghệ thuật khá phong phú điển hình. Với tư cách vừa là người lính, vừa là nhà thơ, ông đã hóa thân vào nhân vật trong cách miêu tả để viết lên những vần thơ lửa cháy. Trong trường ca này có chất của sử thi, có câu chuyện thần kì gợi về muôn thuở để nhắc cháu con nghìn năm giữ lấy cái chất thần kì cổ tích ấy. Vẫn tràn đầy mạch cảm xúc có kết cấu những truyền thuyết xưa hiện về. “Trường ca Hàm Rồng” trong chương một là câu chuyện của sông Mã “Ngàn năm người còn nhớ, tiếng sóng vỗ vô cùng, chín mươi chín ngọn bên sông, còn ngọn côi cút đằng đông chưa về”. Ở chương 2 có nhiều câu thơ mang đậm chất thơ trữ tình mênh mang điệu hò sông Mã, gợi cho lòng người thao thức, bâng khuâng:
Sông nghìn đời vỗ nhịp mái chèo khua
Có ai biết nơi Hàm Rồng sông Mã
Người xưa đề thơ nơi đây
Dấu bàn tay in trên hoa văn trống đồng rạng rỡ…
Để “sông Mã ngàn đời vang sóng nhạc, ơi dòng sông dô tả dô tà”. Từ Nguyên Tĩnh là người có kiến văn sâu rộng nên ông rất nhạy cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Sự kết nối các hình tượng nghệ thuật thông qua hệ thống ngôn ngữ đậm chất phương ngữ làm nổi bật cái chất anh hùng của người Thanh Hóa. Những địa danh đã phải chịu hàng ngàn vạn tấn bom của giặc Mỹ vào thơ ông đã rực sáng như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đi qua mọi thời đại không chút bụi mờ.
“Trên những đỉnh đồi người dân quen gọi Yên Ngựa, Lưng Rồng, Đình Hương, Đông Sơn, Nam Ngạn, Yên Vực, Hạc Oa, từ trời cao, hàng trăm máy bay gầm rú… Lửa từ đất nối tận trời, không ai kịp lường hết đạn bom dữ dội... Ta bắt gặp một Hàm Rồng gan góc, những khuôn mặt lấm lem khói đạn rạng ngời”. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, tôi có cảm tưởng giọng thơ của ông trong “Trường ca Hàm Rồng” đầy kiêu hãnh, chất chứa nỗi niềm mang nặng cái tâm của người chiến sĩ và nhà thơ hòa chung một biểu tượng phi thường.
Tôi đã gặp đồng đội trên đồng đá
Bom vùi mắt vẫn mở trừng trừng
Dẫu ai chưa quen bom đạn chiến tranh
Đến với Hàm Rồng biết mình thành người dũng cảm
Và đồng đội tôi đã dạy tôi cách sống
Dạy tôi giữ vững lời thề
Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục.
Có thể nói, trường ca viết về Hàm Rồng không thể có trường ca nào viết hay và đầy đủ như “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh. Nếu ai đó thường coi Phạm Tiến Duật là thi sĩ có những bài thơ bất tử với thời gian, ca ngợi những người lính lái xe năm xưa là biểu tượng tự hào nhất về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thì Từ Nguyễn Tĩnh với “Trường ca Hàm Rồng” qua những giai điệu bằng ngôn từ đã khắc họa hình ảnh quân và dân Hàm Rồng trong chiến đấu chống máy bay Mỹ sẽ đọng mãi với thời gian, ghi lại bằng những trang thơ máu lửa cùng bước đi của dân tộc.
Có nhiều nhà thơ viết về xứ Thanh, viết về Hàm Rồng, sông Mã khá nhiều nhưng viết về đề tài chiến tranh có tính đậm sâu như “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh, vẫn có cái gì đó chưa thực tiễn bằng thơ ông. Thơ ông trong đề tài này như một bộ phim phóng sự có cả trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn và nghị lực chói sáng về phẩm chất người lính đi qua chiến tranh như một biểu tượng anh hùng sáng ngời nhất.
Đặc biệt trong những bài thơ Từ Nguyên Tĩnh viết sau chiến tranh, trong thời bình khi người lính trở về chất chứa một tấm lòng nhân văn cao cả. Đáng chú ý có bài thơ viết về Phạm Tiến Duật, ông đã có sự đồng cảm thấu tỏ về giá trị của những bài thơ mà thi sĩ Phạm Tiến Duật đã găm lại chiến trường xưa để hằn lên nỗi nhớ bao thế hệ người Việt trong đề tài chiến tranh. Với Trịnh Thanh Sơn, ông có bài thơ “Tưởng nhớ” bạn bằng nhiều câu thơ hay đậm chất tình bằng hữu. Với nhà thơ Đỗ Xuân Thanh, ông đã mượn hình ảnh thiên nhiên để ngụ cái tình với bạn thơ thiêng liêng và ý nghĩa: “Núi Vọng Phu ngàn năm đứng đợi, cho thơ văn không cạn được hết lời”. Hay như bài thơ “Đường về quê”, tưởng nhớ nhà thơ Mạnh Lê ông viết rất cảm động, ngôn từ lắng đọng sâu xa thấm đẫm chất tình:
Thôi em nằm lại cánh đồng
Câu thơ còn ngậm sữa đồng chắc xanh
Thôi em nằm lại dòng sông
Lấy hương của lúa mà dâng cho đời
Ở đâu có tiếng thở dài
Có thơ em đến cho lời em say.
Đường về quê trong lần đưa tiễn nhà thơ Mạnh Lê về quê an nghỉ, thơ ông viết có nhiều đoạn rất đặc sắc mang dấu ấn với bạn đọc về phong cách thơ Từ Nguyên Tĩnh. Đó là điều cần phải đánh giá khách quan khi đọc nhiều chủ đề thơ ông viết.
Ta biết thơ là tiếng nói của trái tim, là tiếng lòng tri ân của lòng người với cỏ cây hoa lá, song thơ cũng là niềm tâm sự chứa đựng những khát vọng cháy bỏng lớn lao về cuộc sống, về ý thức tâm niệm của con người đối với xã hội, với những nghĩ suy của thời cuộc. Từ Nguyễn Tĩnh với một tâm hồn thi sĩ đầy chất lãng tử đã có được điều ấy.
Điều đáng nói khi tôi viết về thơ ông, bao giờ ông cũng rất khiêm tốn không tự nhận mình là cây đa, cây đề. Nhưng với góc nhìn của tôi, riêng về mảng thơ, Từ Nguyên Tĩnh thực sự là một nhà thơ lớn. Thơ ông không phải là loại thơ “Thiền” hay dòng thơ “Hai kư” của Nhật mà thơ ông làm chủ yếu theo thể thơ tự do. Với trào lưu thơ hiện nay theo phong cách thơ hiện đại thì thơ ông được xếp vào dòng thơ mà các nhà thi pháp học xếp vào thơ có sự cách tân theo kiểu tự do, phóng khoáng, tha hồ biểu thị ý tưởng được xây dựng trên cơ sở lập tứ có kết cấu chặt chẽ với nhiều lớp nghĩa hàm ẩn, ý vị, sâu xa.
Vẫn biết thời gian có thể lấp lên một lớp bụi phủ mờ mọi vật nhưng với thơ của Từ Nguyên Tĩnh khi đi vào khai thác lớp vỉa ngôn từ cùng tư tưởng chủ đề ta thấy có một quầng sáng mà ở đó khi chạm vào sẽ cho ta một địa hạt khá đậm mầu trong thế giới nghệ thuật thi ca. Tất nhiên thơ ông bên cạnh những điều đã đạt được vẫn còn những điều mà độc giả chờ đợi nhiều hơn đó là thể loại thơ lục bát truyền thống cần phải có những bài thơ hay hơn, còn có một vài bài kết gọn chưa thả những thẫm mĩ dài hơn để đọng thêm dư vị suy nghĩ cho người đọc. Nhiều câu thơ ngắt dòng chưa tạo mạch cảm xúc liên kết chặt chẽ trong tổng thể cả bài. Tuy nhiên chỉ gặp một số bài, còn nhìn chung, phải khẳng định thơ Từ Nguyên Tĩnh thực sự có tầm vóc, đã đóng góp cho thơ ca Thanh Hóa nói riêng và thơ ca cả nước nói chung có một vị trí trang trọng trên thi đàn văn học dân tộc. Có điều các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học đề cập đến phong cách thơ ông so với một số nhà thơ khác còn khiêm tốn. Nên trong các phần khái quát về thơ các nhà thơ Thanh Hóa ít đề cập mà chỉ tập trung mảng văn xuôi trong sáng tác của ông là chính. Nên chăng, chúng ta cần phải đi sâu hơn trong việc nghiên cứu và đề cập đến thơ Từ Nguyên Tĩnh nhiều hơn, làm phong phú hơn những điểm sáng thẩm mĩ còn ẩn sâu trong lòng lớp vỏ tài nguyên mà ta chưa có dịp khai thác. Tiếp cận thơ ông trên thi đàn với bao điều thú vị. Với ông, tôi nghĩ phía trước vẫn là con đường cần phải đưa thơ ông đến gần hơn với độc giả, đặc biệt là giới trẻ nhiều hơn. Tôi tin những người bạn yêu thích tri âm với thơ ông vẫn đang chờ đợi khá nhiều để được chia sẻ với cái tên Từ Nguyên Tĩnh, tác giả của nhiều tác phẩm thơ được bạn đọc xứ Thanh và cả nước yêu mến.
T.V.Đ