Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Những giá trị văn hóa tâm linh trong “Bài ca mừng xuân” của tác giả Hà Văn Thương - Lê Xuân Giang
Những giá trị văn hóa tâm linh trong “Bài ca mừng xuân” của tác giả Hà Văn Thương - Lê Xuân Giang

Cuốn “Bài ca mừng xuân” là công trình thứ hai của tác giả Hà Văn Thương sưu tầm và nghiên cứu về văn nghệ dân gian dân tộc Thái Thanh Hóa. Nếu cuốn thứ nhất, “Trường ca đại sự” nói về những công việc theo tập tục của người Thái Thanh Hóa từ khi trong bản có người qua đời đến lúc đưa được hồn vía của người chết lên đến nhà Chao trên mường Trời, thì ở cuốn thứ hai này, “Bài ca mừng xuân”, lại kể về quá trình con cháu người Thái dưới trần gian, nhân dịp tết đến xuân về lên tận nhà Chao trên mường Trời mời tổ tiên về ăn tết. 
Theo tác giả Hà Văn Thương, “Bài ca mừng xuân” là bài lễ ca của một gia đình người Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình đó trong năm không có người chết, không có người mắc lỗi lầm, làm ăn thuận lợi, “gà nhiều đàn, lợn đầy máng, trâu bò đầy bãi”(*). Có được thành quả ấy là nhờ Then (Ngọc Hoàng) và tổ tiên trên mường Trời che chở, phù hộ. Vì vậy, nhân ngày đẹp, mùa xuân, năm mới, “Cả trần gian ai cũng vui mừng”, bấy giờ mới nhờ “Mo Luông đến đón tổ tiên xuống, Mo lớn đến đón tiên tổ về” trần gian ăn tết với con cháu. Đây là truyền thống  “Uống nước nhớ nguồn” hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, trong đó người Thái cũng không ngoại lệ. 
Tuy nhiên, với người Thái ở Thanh Hóa, truyền thống ấy, được thể hiện hết sức cụ thể, độc đáo và sinh động trong cuốn “Bài ca mừng xuân” mà tác giả Hà Văn Thương sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu với bạn đọc.
Là một bài lễ ca nên giá trị văn hóa đầu tiên và xuyên suốt trong cuốn “Bài ca mừng xuân” phải kể đến là hệ thống văn hóa tâm linh của người Thái xứ Thanh. Bao trùm lên trong đời sống tâm linh của người Thái ở đây là quan niệm về Trời (mường Trời) và đất (trần gian). Mường Trời được coi là Thiên đình (người Thái chưa có khái niệm Thiên đình), trên đó có Then (Ngọc Hoàng) cai quản. Muốn mời tổ tiên người Thái ở nhà Chao trên mường Trời “Xuống ăn cơm thăm cháu. Xuống ăn cỗ thăm con” dưới trần gian, ông Mo phải “Đưa tiên tổ vào trình Trời. Đưa tiên tổ vào trình Then”  để trình bày lý do và gia cảnh người nhà của tổ tiên dưới trần gian, khi Then đồng ý, tổ tiên mới được “Đi theo lời Mo nói. Đi theo tiếng Mo kêu” xuống trần gian.
Trên mường Trời, theo quan niệm của người Thái Thanh Hóa, cũng có những luật lệ riêng. “Nhà Then đẹp đừng nhìn quá lâu”, “Đừng chơi nhà Then sai phép”, qua bến nước của nhà Trời không được rửa chân, rửa mặt, “Rửa chân sai phép Trời. Rửa mặt sai phép Then”. Và, một quan niệm hết sức độc đáo về người trên mường Trời và người dưới trần gian của người Thái là: Người trên mường Trời “mặt dài, mắt dọc” còn người dưới trần gian thì ngược lại. Vì thế muốn xuống trần gian tổ tiên phải “thay hình đổi dạng” bằng cách rửa mặt ở mó nước, nơi được coi là ranh giới giữa trời và đất. (Khi ăn tết xong, tổ tiên muốn trở về mường Trời lại phải thay đổi hình dạng ngược lại, Then mới nhận về). Đây có thể coi là một quan niệm về con người giữa Trời và đất hết sức độc đáo, mới lạ của người Thái xứ Thanh.
Mặc dù Trời, trong trí tưởng tượng của người Thái là lực lượng thần bí, siêu nhiên, nhưng hoàn toàn không phải là vô biên, là tất cả. Cũng có lúc “Trời ốm, Trời không còn tiếng sấm” làm cho “Nhà con trồng lúa, lúa không lên. Làm ăn luôn thiếu nước”. Lúc ấy “Hai chú Lào quẩy gánh đi buôn. Hai chú Tình quẩy hàng đi bán”, nhìn thấy “Rễ cây si nó quấn cổ Trời. Rễ cây đa nó quấn cổ Then”, liền ra tay “Chặt rễ si, rễ si liền nhả. Chém rễ đa, rễ đa liền buông”, khi ấy “Mới có lối cho trời sấm. Mới có luồng cho trời kêu”. Có sấm, có mưa, ruộng nương mới tươi tốt, gia súc mới sinh sôi. Phải chăng, vai trò của hai chú Lào và hai chú Tình (người dân tộc Xá) như vai trò của nhân dân, một vấn đề vẫn còn mang tính thời sự đến ngày hôm nay.
Quan niệm về đất (Trần gian) của người Thái xứ Thanh cũng đến lạ. Sau khi đã thay hình đổi dạng “Không còn ai mặt dài, mắt dọc” nữa tổ tiên đi ra cánh đồng, nơi trai gái trong bản vui chơi. Nhưng “Cánh đồng này còn có đường ma đi” từ trần gian về nhà Trời nên tổ tiên phải tránh con đường ấy. Khi đến hòn đá to có thể đứng ngắm mường, nhìn bản từ trên cao, “Bên trái là đường ma lên, Bên trên có đường ma đứng” tổ tiên cũng không được đứng lại. Hòn đá to ở đây có thể có thật, cũng có thể chỉ có trong trí tưởng tượng của người trần gian về một nơi để người chết trên đường về mường Trời, lần cuối cùng đứng “ngắm mường, nhìn bản” thân yêu của mình.
Đi qua hòn đá to là đến trần gian. Từ đây tổ tiên được ông Mo dẫn ngược lại với con đường tổ tiên đã từng đi lên nhà Chao trên mường Trời ngày trước. Có điều là, trước khi về đất Thanh Hóa, tổ tiên còn phải đi qua Mường Thanh (Điện Biên) “Bản mường này từ lâu quê cũ”. Chi tiết này khẳng định mối quan hệ ruột thịt của người Thái xứ Thanh với người Thái vùng Tây Bắc nước ta.
Qua đất Mường Thanh, “Đến đây chưa được bước. Nơi này chưa được qua” để Mo còn làm lễ xin phép chúa đất (như Thổ công của người Kinh) để trên đường về được suôn sẻ và trong lời hát ông Mo cũng không quên hứa “Lúc về có gói cơm biếu. Lúc trở lại có gói thịt dâng”. Đó là luật lệ ở đâu, thời nào cũng có.
Lúc này tổ tiên còn đi qua mường Hăng, mường Hung (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) mới đến “Mường Ánh, Mường Le” (Phú Lệ) là đất Thanh Hóa. 
Khi đi đến mường Ca Da, quê cũ, nơi tổ tiên đã đi xa lâu ngày, sợ quên, vả lại, thời nay thay đổi quá nhanh, nên ông Mo luôn phải “giới thiệu” để tổ tiên biết, nhớ lại. Ví như, xưa đi qua sông Mã phải đi thuyền, trả tiền công, nay có “Cầu lớn bắc qua sông to” không phải mua vé.
Một thủ tục hết sức thiêng liêng của người Thái xứ Thanh là, về đến mường cũ (mường Ca Da) việc trước tiên tổ tiên phải làm là “Rủ nhau ra bãi tha ma” tìm “Mộ nào là của mình”, “Biến vía vào trong Chung (hòm)”. Bấy giờ vía cả lật lớp vải che mặt, lật gấm vóc che thân xem có đúng mộ mình hay không, rồi mới đạp bật nắp hòm, lần theo dấu dao, dấu búa năm xưa “Nhẹ nhàng ra đầu Chung. Vui bước lên miệng mồ”.
Đây cũng là con đường đi ngược lại trong “Trường ca đại sự”, khi người chết phải bỏ vào Chung, chôn ngoài nghĩa địa, rồi từ trong Chung, vía đi ra từ nghĩa địa lên nhà Chao trên mường Trời. Nay trở về với con cháu cũng phải biến vào Chung, rồi mới từ Chung bước ra về nhà ăn tết. Quan niệm này đã có từ bao đời nay, hằn sâu trong đời sống tâm linh của người Thái xứ Thanh  
Không chỉ dừng lại ở nghĩa địa cũ, khi trở ra đến sân bản, một bãi đất to, đã có từ xưa, là nơi “có nhà bán nhiều đồ”, tổ tiên lại tạm nghỉ ngơi để ông Mo vào nghĩa địa mới tìm những người họ hàng vừa qua đời (nếu có), gọi về sân bản gặp tổ tiên mới từ trên trời xuống để cùng đi về nhà con cháu. Khái niệm về tổ tiên của người Thái xứ Thanh cũng lạ, khi các vía về đến nhà con cháu, rửa ráy xong, vào nhà, lúc này vía ở 2 nơi, từ trên trời và từ nghĩa địa nhập vào vía đầu (Dồn vía vào vía đầu. Thu vía vào một thân) mới thành tổ tiên trọn vẹn.
Lại nói đến vai trò của ông Mo trong hoạt động tín ngưỡng của người Thái. Ông Mo của người Thái được coi như “thầy cúng” của người Kinh nhưng thông tuệ và thạo nghề hơn. Đó là những tri thức bản địa, hành nghề theo truyền thống gia đình. Cũng có ông Mo hiểu biết sâu rộng, có giọng trầm bổng, được các gia đình trong bản tôn trọng, đón mời.  Người Thái cho rằng, năm nào gia đình có lễ mừng xuân mới, đón được ông Mo như thế, việc cúng bái suôn sẻ, năm ấy làm ăn thuận lợi, phát đạt.
Đến đây, phải nói đến không gian diễn ra lễ cúng đầu năm của người Thái. Cũng giống như “Cồng chiêng của người Tây Nguyên”, phải được gióng lên giữa đại ngàn mới vang động khắp đất trời Tây Nguyên như nó vốn có. “Bài ca mừng xuân” của người Thái cũng vậy. Ông Mo sau khi “Ăn trầu cho thơm mồm. Nhai cau cho thơm miệng”, thì “Giọng Mo lớn đã trong. Tiếng mo luông đã tròn” lúc ấy “Mo cất giọng vang mời cỗ. Ca lời rõ mời cơm”. Bằng ngôn ngữ bản địa, giọng ông Mo vang lên trầm bổng trong ngôi nhà sàn, mùi hương khói thơm nức, bên đàn con cháu nội ngoại vây quanh. Lúc ấy cả núi rừng, sông suối chừng như lặng đi nhường cho giọng ca của Mo vang lên như mật ngọt rót vào tâm hồn và trái tim của người nghe. Không một hình thức giáo dục truyền thống nào đạt hiệu quả bằng, thông qua nghi thức tế lễ, trong không gian hành lễ đầm ấm, với lời ca mượt mà, giọng ca trầm bổng trong lễ cúng mừng xuân của người Thái xứ Thanh.
Trong đời sống tâm linh của người Thái, việc nói rõ về lai lịch, nguồn gốc đồ ăn thức uống trên mâm cơm cúng tết có vị trí hết sức quan trọng. “Không ca táy kháu (nói rõ) không xong lễ. Không láu páng (kể) không xong cơm” mà “Không xong lễ, tết chưa về. Không xong cơm, kỵ (kiêng kỵ) nhà con cháu”. 
Thực chất của việc truy xuất nguồn gốc bữa cơm tết là bài tổng kết quá trình tổ chức sản xuất trong năm để hôm nay có gạo thịt làm cỗ tết của người Thái. Từ việc trồng lúa nương, trồng lúa nước gian khổ như thế, đến việc đi bắt cá, đi săn thú rừng đều được kể rất chi tiết, cụ thể từng động tác. Việc kể tỉ mỉ ấy để khẳng định rằng, những lễ vật bày trên mâm cúng tổ tiên đều là thành quả lao động của con cháu, là thực phẩm sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, con cháu dâng lên tổ tiên.
Ngoài việc kể về nguồn gốc đồ ăn thức uống, người Thái Thanh Hóa còn kể chi tiết việc chế biến từng món ăn cụ thể. Xôi thì đồ thế nào, món cá ủ chua trong chỉnh ra sao, món thịt lợn rừng, nai rừng ướp trong ống thế nào cho nó thơm phức, thơm lừng. Đó là những món ăn truyền thống của người Thái đã bao đời nay, qua lời kể của ông Mo, nó cứ hiển hiện lên rõ mồn một.
Người Thái xứ Thanh còn hết sức quan tâm đến người chuẩn bị mâm cỗ. Chỉ có con dâu cả và con trai đầu trong nhà mới được giao công việc hệ trọng này. “Con dâu cả giữ lửa. Con trai đầu giữ nhà”, là khẳng định sự tôn trọng đối với con dâu cả và con trai đầu. Riêng việc bày mâm cỗ cúng chỉ có dâu cả được làm. Trước khi bày cỗ, con dâu cả còn phải kiểm tra lại mình xem trong quá trình lao động sản xuất có vấp điều gì kiêng kỵ không. Vai trò của người vợ, người con dâu, đồng nghĩa với bên ngoại được người Thái đặc biệt quan tâm. Bao giờ chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, dâu cả sắm luôn một mâm cỗ cúng bên nhà ngoại để “sát bên cạnh” mâm cỗ bên nội. Đối với dân tộc Thái và một số dân tộc khác, bên ngoại luôn được tôn trọng, được thờ cúng cùng bàn thờ tổ tiên với bên nội.
Khi mời ăn tết, người Thái mời tổ tiên ăn trước rồi mới đến các thần linh cai quản trên địa bàn, thần linh là khách, tổ tiên là chủ, mời chủ trước, mời khách sau. Mời đi mời lại 3, 4 lần rồi mới được xin giải đi những cái xấu, cầu xin những cái tốt. Sau đó còn phải chuẩn bị đồ đạc cho tổ tiên mang về mường Trời. Ở đây một lần nữa ông Mo đề cao vai trò con dâu cả và nàng dâu (con dâu thứ). “Vải phá con dâu dệt, vải hoa con dâu sắm. Nàng dâu chia ai cũng có phần”. 
Chương cuối cùng là tiễn tổ tiên về nơi ở cũ, tức là về mường Trời. Như đã nói ở trên, quá trình trở về mường Trời là đi ngược lại khi xuống trần gian, tổ tiên lại ra nghĩa địa, vào ở trong Chung (hòm), khi nghe ông Mo gọi mới dậy để ông Mo tiễn về trời. Ông Mo còn không quên nhắc “Nhớ đem gói thịt lên biếu Then luông (Ngọc Hoàng). Lấy cá cơm lên biếu Then thầu (bố Ngọc Hoàng) và phải thay hình đổi dạng để trở thành con của mường Trời.
Cùng với giá trị văn hóa tâm linh, “Bài ca mừng xuân” của người Thái Thanh Hóa còn có những giá trị văn hóa khác như: Về phong tục tập quán, về cấu trúc câu từ, nghệ thuật so sánh, nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong diễn đạt theo cách tư duy của người Thái sống trên hai bờ sông Mã và sông Chu..
Đặc biệt, trong “Bài ca mùa xuân” chúng ta bắt gặp cách sử dụng hình ảnh vừa mộc mạc, vừa gần gũi với đời sống thường ngày của người Thái. Khi bày mâm xôi, cô dâu “Tạo lúa nương thành hình bờ ruộng. Tạo lúa nước làm hình tổ mối”, hay cách nói phóng đại “Gói to như chòi rẫy. Gói lớn như chòi nương”, cách diễn đạt bằng hình ảnh “Quấn quýt bên nhau như bện thừng”, “Mặt trời trôi vào mây ón chon (mặt trời sắp lặn), nghệ thuật so sánh “Hai ba ngày (lúa) lút đầu chim chấu. Chín mươi ngày (lúa) lút mào chim công”, khi xuống thành phố, “Người đi lại như đàn bướm trắng. Ngược xuôi như lũ ong bay”, “Đường đi lại ngang dọc muôn phương. Như cành cây nằm trên nương rẫy” 
*
Tác giả Hà Văn Thương sinh ra sau cách mạng tháng 8, trong một gia đình dân tộc Thái có truyền thống cách mạng, được học hành chính quy, đã từng làm thầy giáo vùng cao, rồi làm cán bộ lãnh đạo cấp huyện và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Vì vậy khi viết sách “Bài ca mừng xuân”, bên cạnh việc giữ nguyên những giá trị văn hóa tâm linh của người Thái xứ Thanh đã có từ ngàn xưa, tác giả còn đưa vào nhiều tình tiết mới của ngày nay, làm cho “Bài ca mừng xuân” mở rộng ra cả về không gian và thời gian. Tác giả đặt “Bài ca mừng xuân” này trong bối cảnh cụ thể của gia đình anh ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (mường Ca Da). Nhưng đến đời anh và con cháu đã xuống ở số nhà 30 phố Ngọc Giao, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa. Vì vậy khi đón tổ tiên về ăn tết, lẽ ra chỉ về đến bản Bút như ngày xưa, thì nay phải về nơi gia đình anh cư trú hiện nay, cách quê cũ tới trên 100 cây số. Đó là cái cớ để anh đưa ồ ạt những thành quả đổi mới trên quê hương Thanh Hóa hôm nay vào một bài ca cũ, mà không hề khiên cưỡng.
Những thành quả đổi mới ấy là những chiếc cầu to bắc qua sông lớn thay thế cho thuyền bè nhỏ xưa kia, là những sạp ngồn ngộn các loại hàng hóa, lại đi qua những di tích lịch sử, nơi Lê Lai liều mình cứu chúa, nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, đi qua sân bay Sao Vàng, nơi máy bay ta cất cánh đánh máy bay Mỹ, qua các địa danh Đông Sơn, Bưu điện tỉnh, đến đây có đường rẽ ra cầu Hàm Rồng, đường về biển Sầm Sơn, đường đi vào phía Nam.
Đặc biệt, phương tiện đi từ mường Ca Da về thành phố không còn là đi bộ mà đi bằng xe ô tô “Đắm ông cha ngồi lên xe con. Đắm con cháu lên xe ca”. Trên đường đi, ông Mo còn giới thiệu nhiều bản mường mới “Có cả Thái, cả Kinh, cả Mường, cả Mọi. Tiếng nói pha trộn nghe cũng vui tai. Ai biết tiếng gì thì kêu tiếng ấy”. Đó là hình ảnh đẹp theo tinh thần đại đoàn kết các dân tộc của Đảng ta.
Khi đã tạo ra được cái cớ, thì con đường về ăn tết với con cháu của tổ tiên người Thái Thanh Hóa được mở rộng đến vô cùng. Tác giả Hà Văn Thương nói rằng, nếu con cháu sinh sống trong Nam, ngoài Bắc, thì tổ tiên chỉ đi xe ô tô đến sân bay Dân dụng Thọ Xuân, rồi đi bằng máy bay đến với con cháu, kể cả đi ra nước ngoài. Nếu coi tác giả Hà Văn Thương là một ông Mo Thái, thì đây là ông Mo Thái cách mạng đích thực.
*
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng người đông, có 28 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó dân tộc Thái đứng thứ 3 trong bức tranh dân số toàn tỉnh.
Đồng bào Thái ở Thanh Hóa có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng. Qua lao động sản xuất và quan hệ với thiên nhiên, các thế hệ người Thái trên đất tỉnh Thanh đã sáng tạo và trao truyền nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Trong kho tàng chung ấy, di sản văn hóa phi vật thể mà đồng bào Thái xứ Thanh còn lưu giữ và thực hành là khá đa dạng và độc đáo với nhiều thể loại như truyền thuyết, truyện kể, truyện thơ dân gian, hệ thống văn hóa tâm linh qua các trường ca và lễ ca… 
“Bài ca mừng xuân” mà tác giả Hà Văn Thương giới thiệu với chúng ta thuộc thể loại Lễ ca, nằm trong hệ thống văn hóa tâm linh của người Thái xứ Thanh. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa.
                                

L.X.G 


(*) Những chữ in nghiêng trong nháy nháy “…” là trích nguyên văn bản dịch “Bài ca mừng xuân” ra tiếng Việt của tác giả Hà Văn Thương.
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 4110
 Tổng số truy cập: 12861003
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa