Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Phạm Thị Kim Khánh, núi dồn hương đầy ngực - Ngô Đức Hành
Phạm Thị Kim Khánh, núi dồn hương đầy ngực - Ngô Đức Hành

Phạm Thị Kim Khánh gửi cho tôi 2 tập thơ: “Hai ngọn gió”, NXB Văn học, 2016 và “Cõi vọng”, NXB Văn hóa dân tộc, 2018. Tuy nhiên, tôi được biết năm 2014, Phạm Kim Khánh đã trình làng tập thơ đầu tay “Vườn tháng giêng”, NXB Hội Nhà văn. Với 2 tập “Hai ngọn gió” và “Cõi vọng”, Phạm Kim Khánh đều nhận giải cao của tỉnh Thanh Hóa, giải của Hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam và được tái bản bởi Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tôi chưa gặp Phạm Kim Khánh ngoài đời và cũng không có năng khiếu “bói toán” nhưng tôi biết chắc chắn chị là người các dân tộc thiểu số. Chị là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa và hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. 
Như vậy cũng có nghĩa là mới đọc thơ Phạm Thị Kim Khánh.
“Hai ngọn gió” gồm 66 bài, trong đó “Kịch bản” từ “Màn 1” đến “Màn 6” có thể coi là một bài thơ dài; “Cõi vọng” gồm 61 bài. Tôi xem 2 tập thơ thì thấy, đề tài thơ Kim Khánh đa dạng. Trong đó, viết về cây cỏ, hoa lá có 12/114 bài, tức là hơn 10%. Thế là nhiều trong “đa đề tài”. Phụ nữ là hoa của cuộc đời, hẳn Phạm Kim Khánh yêu hoa cũng là lẽ tự nhiên.
Rừng kiêu hãnh dâng mùa thơm tho
Giục trai bản khiêng bọng ong lên rừng
Lấy mật
Mùa gái làng vấn hương vào khăn áo
Thả xuống suối một dòng hương
        (Mùa hoa rừng)
Phạm Kim Khánh có một hạnh phúc được gắn với núi rừng xứ Thanh, nơi có “mùa hoa rừng” thanh khiết và thơm thảo. Trước một rừng hoa và dòng hương như thế, trái tim không cất lên thành thơ thì thật đáng tiếc. Với chị, khác biệt, nơi đó “Đánh thức trong ta mầm khát khao đang ngủ quên/ Xóa trên trán ưu tư vết nhăn nghi hoặc/ Đổ lá cũ, bóc vỏ ngày cằn cỗi/ Ta nâng mầm nảy nụ dâng xuân” (Lời của cây).
...
Hối hả mùa
Cơn sốt cuộc đời hầm hập
Ấp vào ta những hương vị không chờ
Nhưng hoa dẻ nói lời thơm ấm lắm
Quen như là hơi ấm mẹ ta
        (Gặp lại hoa dẻ)
Các bài thơ “Đi qua mùa hoa sậy”, “Gặp hoa bông trăng ngoài phố”, “Hoa trắng”, “Ngũ sắc” - tập “Cõi vọng”; “Mùa hoa lúa nương”, “Hoa giẻ”, “Hoa vông” - tập “Hai ngọn gió” đều có những thi ảnh đẹp, câu thơ hay. “Nàng/ nhận được từ đất đai nắng gió/ Ta/ nhận từ nàng e ấp, thơm tho”, (Hoa giẻ); “Núi dồn hương đầy ngực/ gió dành phấn đẫm bông/ Lúa vào độ trổ đòng/ sáng nương màu áo mới”, (Mùa hoa lúa nương). Đọc những câu thơ này, tôi quả quyết rằng, Phạm Kim Khánh yêu quê đến rưng rức, yêu mỗi cành lá, ngọn cây, bông hoa quê nhà. Chị đã “phơi” bản thể nhà thơ từ mỗi cánh mềm cỏ cây, hoa lá.
*
Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, nơi chứng kiến và in dấu nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa trọng đại của dân tộc.
Từ bao đời nay, các sử gia đã viết về đất và người xứ Thanh đầy xúc cảm: Địa hình “Mặt Đông trông ra biển lớn, mặt Tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn châu chặn hiểm ở phía Nam (tục gọi là Eo Ông), giáp huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; núi Tam Điệp dăng ngang ở phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở bên ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở, thực là một trọng trấn có hình thế tốt”.
Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Thanh luôn là miền đất hiểm yếu để hợp binh, chờ thời cơ diệt giặc, vùng đất linh địa sinh cho đất nước những tướng lĩnh tài ba, văn nho xuất chúng “lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút”, họ chính là “những con người đã hóa núi sông ta”, làm rạng rỡ nòi giống Tiên - Rồng.
Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Hàng trăm vị nhân thần, thiên thần, nhiên thần, nam thần, nữ thần được thờ tại Thanh Hóa như là một sự quần tụ các vị thần được thờ trong cả nước về đây, từ các vị thần thời đại Hùng Vương, An Dương Vương đến các vị anh hùng liệt nữ có công với dân với nước trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã nói lên lòng ngưỡng vọng tâm linh của con người ở vùng đất này đối với cả nước.
Dễ hiểu vì sao mạch đất này không chỉ vượng “tướng” mà còn giàu “thi nhân”. Hơn thế, hai phẩm chất này hội tụ, sinh ra những hào kiệt từng làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước: Đinh Củng Viên, Hồ Quý Ly, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Lê Văn Hưu, Lương Đắc Bằng, Lê Khôi, Lê Quát, Lê Cảnh Tuân, Trịnh Sâm, Trịnh Tráng, Nhữ Bá Sỹ, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn v.v... Những tên tuổi lừng lẫy ấy, dù là đấng quân vương hay bậc sĩ phu, nho sĩ, họ đều có chung những phẩm chất: khí phách và tài hoa.
Cách mạng tháng Tám, rồi tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Pháp, thời đại sử thi với những sự kiện lớn dường như “hợp” với tố chất xứ Thanh, đồng điệu với khí chất xứ Thanh, nên khi thi đàn của nền văn học mới cách mạng đang thưa thớt bởi các “chiến tướng” của thơ mới chưa kịp nhập cuộc bỗng xuất hiện những cái tên gắn với những thi phẩm chói sáng: Trần Mai Ninh với Tình sông núi, Nhớ máu; Hữu Loan với Đèo cả, Màu tím hoa sim, Yên Mô, Hoa lúa, Những làng đi qua; Hồng Nguyên với Nhớ, Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn... Qua sàng lọc của thời gian, đến bây giờ, những thi phẩm ấy vẫn là những tác phẩm tiêu biểu của nền thơ kháng chiến.
Trong lớp thế hệ thơ thời chống Mỹ, xứ Thanh góp những cái tên: Nguyễn Duy, Cẩm Giang, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Lữ Giang, Nguyễn Bao, Xuân Sách, Trần Vũ Mai, Mã Giang Lân, Trịnh Thanh Sơn, Anh Chi, Mai Văn Hai... Thời kỳ đất nước đổi mới có cả những người lính từ chiến trường ra như: Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Nguyễn Ngọc Quế, Trịnh Anh Đạt... Và các thế hệ tiếp nối như Văn Đắc, Mạnh Lê, Đào Phụng, Mai Ngọc Thanh, Vũ Thị Khương, Lê Thị Kim, Phạm Khang, Lê Quang Sinh, Nguyễn Minh Khiêm... Và gần đây là những cái tên mới: Nguyễn Anh Nông, Lâm Bằng, Phạm Văn Dũng, Trương Thị Mầu, Bùi Nhị Lê, Đinh Ngọc Diệp, Phạm Thị Kim Khánh...
Cũng như các nhà thơ xứ Thanh nhiều thế hệ, viết về quê hương trở thành bổn phận trái tim thơ Phạm Thị Kim Khánh. Sông Mã, bắt đầu từ Lai Châu, qua nhiều tỉnh trước khi vào Thanh Hóa trở thành dòng sông kiêu hùng, niềm tự hào xứ Thanh trong thơ Phạm Thị Kim Khánh đầy cá tính, nhìn sông thấy mình.
Sông Mã
Sông muốn túa mát trong soi hoa Ban, hoa Trẩu
Nhưng đá dựng sông chĩa kiếm ghếch trời
Đá dốc lưng, bắt sông làm vực xoáy
Hết nợ, xuống thung sâu sông bắt điệu tình ca
        (Sông Mã khúc thượng nguồn)
...
Trông bóng sông ta nhớ về bóng núi
Nơi cửa sông điệp điệp sóng cửa rừng
Ta nhìn thấy lững lờ con nước chảy
Nỗi gập ghềnh bao thác đã đi qua
        (Viết ở cửa sông)
Không chỉ viết về núi rừng, nơi mình sinh ra và lớn lên, Phạm Thị Kim Khánh còn nhiều bài thơ về sông, biển quê hương xứ Thanh. Nhưng dù đi đâu, ở đâu, chị luôn nhớ về nguồn cội. Đọc thơ chị, thấy người phụ nữ làm thơ nhiều trăn trở, ẩn ức nhưng đôn hậu, vị tha, thương mến. Quê hương trong chị có khi chỉ là vị chát của quả khế xanh non, bột ngô, hạt muối cõng trên lưng áo diêm dân đến với vùng cao.
Sung chát khế chua ta gặp thuở chào đời
Sữa thơm mẹ có ngô non đậm vị
Củ mài tháng ba, sắn non tháng bảy
Bột ngô muối vừng nghẹn suốt tuổi thơ ta
        (Đường về)
*
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đưa ra khái niệm ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại của thơ Việt Nam. Trong sáng tác của một tác giả, có thể tồn tại một hoặc nhiều hệ hình và có thể không phụ thuộc vào hệ hình mà tác giả đó đang sống (theo Hoàng Thụy Anh “Thơ Hồ Thế Hà và giấc mơ cỏ hát”). Điều này cũng đúng với nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh.
Trong các nhà thơ xứ Thanh mà tôi biết, ở thời mình đang sống như Nguyễn Minh Khiêm, Huy Trụ, Lê Quang Sinh...; anh em nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, Đinh Thị Hường và Phạm Thị Kim Khánh dẫu tiêu biểu cho hệ hình hậu hiện đại nhưng tiền hiện đại và hiện đại vẫn chi phối. Trong 2 tập “Hai ngọn gió” và “Cõi vọng” chỉ tìm thấy một bài thơ lục bát (Cầu trong Cõi vọng), thơ “5 chữ” xuất hiện nhiều với “Lên dốc”, “Gặp bông hoa trăng ngoài phố”, “Trăng”, “Tạnh”, “Đêm Bãi Sau”... Điều này đúng với những nhà thơ đang định hình về phong cách, thi pháp.
Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự có đánh giá rất công bằng rằng: “Thơ Phạm Thị Kim Khánh đang độ chín nhờ vào vốn văn hóa tích lũy được, trên nền tảng bản sắc dân tộc, địa phương, mà chị gìn giữ. Thơ chị như dòng suối chảy gặp dòng sông”. Ông hy vọng, trên con đường sáng tạo, đổi mới thơ mình, Phạm Thị Kim Khánh luôn giữ được hương rừng gió núi, âm thanh tiếng chim trên mái nhà sàn, vị ngọt thanh của mó nước chị soi ngắm mỗi ban mai.
Bởi nói như nhà thơ Trần Quang Quý, không ai bứng được ông ra khỏi cố hương. Gắn bó với giọt sương nơi thung rừng, dòng nước mát đầu nguồn, chắc chắn thơ Phạm Thị Kim Khánh ngày càng ngát thơm hương mật.
                              

 N.Đ.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 142
 Hôm nay: 5895
 Tổng số truy cập: 12862788
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa