Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   “Với quê Thanh” Những tác phẩm nặng tình, nặng nghĩa - Lê Bá Thự
“Với quê Thanh” Những tác phẩm nặng tình, nặng nghĩa - Lê Bá Thự

Chào mừng 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019), bộ sách “Với quê Thanh” có sự tham gia của 116 tác giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn người Thanh Hóa đang công tác, sinh sống tại thủ đô Hà Nội, vừa mới được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành quý II năm 2019. Đây là một công trình tập thể, đẹp, công phu, trang trọng, dày gần 500 trang. Bộ sách “Với quê Thanh” được Tỉnh ủy Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội hỗ trợ về mặt tinh thần và kinh phí ấn hành.
Bộ sách vinh dự được nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu. Ông nhấn mạnh: “Bộ sách “Với quê Thanh” là một bộ sách đồ sộ, giới thiệu các gương mặt tiêu biểu của văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trong khoảng thời gian đổi mới 1986-2016… Bộ sách còn là những tư liệu quý cho dư địa chí địa phương, nhân vật chí hiện đại, là tư liệu cần cho các nhà khoa học xã hội. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đúng để nâng cao hình ảnh người xứ Thanh ở bốn phương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tự hào về nền văn hiến tỉnh Thanh. Tôi chúc mừng bộ sách quý đã được xuất bản nhân dịp 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, năm 2019”.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, hiện là Trưởng ban Liên lạc Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội đã gửi cho bộ sách bài viết giàu tâm huyết với tiêu đề “Niềm tin”.
Bộ sách “Với quê Thanh” được chia làm sáu phần: Văn xuôi, Thơ ca, Nhà báo, Hội họa, Đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn, Nhạc sĩ. 116 tác giả, gồm: 18 nhà văn, 30 nhà thơ, 13 nhà báo, 30 họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, 18 đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn, 7 nhạc sĩ.
Đây là một bộ sách với những tác phẩm nặng tình, nặng nghĩa, đậm hồn quê và bản sắc xứ Thanh của những người con Thanh Hóa hiện đang làm việc, sinh sống tại Hà Nội. Người đọc bắt gặp trong bộ sách này những hồi ức, những kỷ niệm không bao giờ phai mờ của họ với quê Thanh yêu thương. Đó là những làng quê nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn, nơi họ sinh ra và lam lũ thời thơ ấu, đến nỗi cây rau má đã trở thành biểu tượng. Đó là những bà mẹ luôn miệng nhai trầu, hiền lành như cục đất, thật thà như đếm “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”, đã nuôi nấng, dạy dỗ họ nên người. Đó là những dòng sông đã cho tuổi thơ của họ đong đầy những cảm xúc và hồn cốt quê hương - sông Mã, sông Chu, sông Thị, sông Yên, sông Cầu Chày, sông Lèn, v.v… Xem bức ảnh nghệ thuật Thanh thản của Phạm Công Thắng, trang 238, ta cảm nhận, Sông Mã từng “gầm lên khúc độc hành” bây giờ bình yên và thơ mộng như thế nào khi bè luồng trôi xuôi dòng. Chỉ riêng giới họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư trong bộ sách này đã có tới 30 nhân tài, tương đương với số lượng các nhà thơ, trong đó có rất nhiều họa sĩ còn rất trẻ. Nếu đi từ Bắc vào Nam ta sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng tượng đài Đài Chiến thắng Sông Lô của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, tượng đài Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở Tuyên Quang của kiến trúc sư Trần Hiệp; tượng đài Không quân Việt Nam tại Hà Nội, tượng đài Thanh niên xung phong tại Hàm Rồng và tượng đài Ngã ba Đồng Lộc của họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ. Tôi dám chắc, khi còn nhỏ NSND Tâm Chính, con nhà nông, đâu dám nghĩ, mình sẽ trở thành một nghệ sĩ xiếc nổi tiếng với tiết mục “Cô hàng giải khát” và là Giám đốc nữ đầu tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Lắm lúc ngồi suy ngẫm, do đâu mà Thanh Hóa quê tôi lại có được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tài ba và lừng danh như vậy. Ai phú cho các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn và nhiều nghệ sĩ xứ Thanh khác giọng ca vàng làm rung động lòng người, lịm ngọt như mía tím Kim Tân? Tôi lấy làm thích thú khi hai anh em họ, người Hoằng Hóa, nhạc sĩ - NSND Nguyễn Thế Dân và TS. NSND, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa là những bậc anh tài trong lĩnh vực nhạc cụ truyền thống và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.
Ai cũng biết, xứ Thanh là miền đất địa linh nhân kiệt. Cái nghèo, cái khổ không thể cản ngăn dòng máu anh hùng, ý chí quật cường dựng nước và giữ nước của những con người lam lũ trên đồng bằng sông Chu, sông Mã. Nhà thơ Trịnh Anh Đạt đã có lý khi anh viết: Bao giờ em về quê anh/ Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa/ Vĩ nhân và các đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua nên người… 
116 tác giả trong bộ sách này là 116 gương mặt sáng giá của giới văn nghệ sĩ, nhà báo Thanh Hóa tại Hà Nội. Thông qua những tác phẩm của mình, họ muốn thể hiện tình sâu nghĩa nặng đối với quê hương, muốn đa tạ quê hương đã nuôi nấng họ lớn khôn, trưởng thành, để họ được trở thành những con người có ích cho dân cho nước và có cuộc sống như hiện nay. Bộ sách “Với quê Thanh” khẳng định rằng, những người con xứ Thanh xa quê luôn hướng về quê hương, hướng về cội nguồn.
Để kết luận bài này, tôi xin trích dưới đây một khổ thơ trong bài thơ “Nơi sông Mã, sông Chu” của tôi, có in trong bộ sách “Với quê Thanh”:
Trời tỉnh Thanh hôm nay nắng chói chang 
Tắm mát hồn tôi sông Chu sông Mã
Người quê tôi dù có đi muôn ngả
Nhớ sông Chu sông Mã lại muốn về.
                            

Hà Nội, tháng 6 năm 2019
                                                                                   L.B.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 159
 Hôm nay: 7854
 Tổng số truy cập: 12864747
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa