Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Người neo lòng mình trong Hoài niệm tình quê" - Đinh Ngọc Diệp
Người neo lòng mình trong Hoài niệm tình quê" - Đinh Ngọc Diệp

Anh Nguyễn Ngọc Bỉnh, khi còn công tác cũng như khi nghỉ hưu, ở khá gần nhà tôi - Thành phố biển Sầm Sơn. Nhưng tôi mới được quen biết anh vài năm nay qua một người bạn thơ. Và cũng từ đó mới biết anh Bỉnh có làm thơ và thơ khá “được”, nhất là với thể thơ lục bát truyền thống. 
Gần đây, khi đọc bản thảo tập thơ đầu tay Nguyễn Ngọc Bỉnh tin cậy trao tôi nhờ thẩm định, tôi thực sự bất ngờ vì thơ anh không còn quanh quẩn trong cái riêng nhỏ bé mà đã có nhiều bài thơ liên tưởng, quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội. Tình cảm của chủ thể thơ được bộc lộ dưới góc độ của sự hoài niệm, tức đã được lắng lại qua thời gian. Được “gạn đục khơi trong”, chắt lọc những gì là tinh túy, bền vững nhất… Trong thơ anh, tình thương yêu không hề là sự khách sáo, khô khan, dửng dưng, hay “thổn thức” làm màu, mà hiển lộ tình cảm, xúc động thực, người đọc cảm nhận được nhịp tim của người viết đập dưới từng con chữ. Sự “dấn thân” bước đầu trong thơ anh đã khiến tôi cầm bút viết những dòng cảm nghĩ về tập thơ anh, cố gắng trung thực với lòng mình.
59 bài thơ trong tập “Hoài niệm tình quê” chính là 59 “mảnh” tâm trạng, tâm tình của tác giả, được lần lượt “cất tiếng” tâm sự với người đọc theo bốn nhóm đề tài/ nội dung: Tự sự (12 bài), Tình quê (12 bài), Bước thời gian (21 bài) và Mùa tình (14 bài). Tập thơ có 27/59 bài thơ lục bát, chiếm 45% số bài… Có lẽ vì thể thơ ấy hợp với “tạng” tâm hồn anh: thủ thỉ, chân tình và ân tình. Nhìn tổng quát, thơ anh không hề vướng phải sự ấu trĩ cũng như những “lỗi” thông thường của người mới làm thơ mà đã có sự chỉn chu, bước đầu tỏ ra “có nghề” trong tứ thơ, trong lựa chọn thi ảnh và tu từ... Cho dù một bài thơ, một câu thơ thanh thoát, “phiêu bồng” của anh, tưởng như nó “vuột ra” một cách tự nhiên, dễ dàng, quá trình “ngấm” các tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ nổi tiếng trong quá khứ và sự nhạy bén của tâm hồn, tư duy cộng sự nghiêm túc, nỗ lực của anh trong lao động nghệ thuật.  
Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn”, điểm mạnh của thơ anh, nhìn từ phía khác cũng chính là điểm còn hạn chế. Đó là, dù làm thơ lục bát hay thơ tự do thì với tập thơ “Hoài niệm tình quê”, tác giả chủ yếu đi theo lối thơ truyền thống, trực tả và “trình bày” cảm nghĩ nên không khỏi có sự gần gũi, tương đồng với thơ của người khác, hạn chế sự phong phú trong giọng điệu và cách thể hiện của thơ. Nhìn nhận thế để thấy, hướng phát triển tiếp theo của thơ Nguyễn Ngọc Bỉnh chính là “lấp đầy” những chỗ tạm gọi là “khoảng trống” đó trong thơ anh. Viết ra như thế, cũng là người viết bài này tự nhắc mình để bồi đắp cho con đường thơ ngày càng đa dạng, thuyết phục hơn. 
Mở đầu tập thơ, ở phần“Tự sự”, tập trung những bài thơ về cuộc đời, xã hội… Có những bài thơ, câu thơ ý tứ sâu xa nhưng không khô cứng mà có sức gợi và vẫn giữ được vẻ tự nhiên tươi rói của tình cảm đi vào lòng người. Như bài “Lời ru” (anh viết tặng những người vợ liệt sỹ): Thay mùa nắng cạn chiều rơi/ Màu thời gian úa một thời tuổi xanh - dẫu thể hiện người thơ “có nghề” nhưng chỉ là câu thơ “đèm đẹp”. Song đến câu: Nỗi buồn buốt mái nhà gianh, thì mái gianh là một thực thể vô tri, không thể có phản ứng tình cảm như con người; nhưng ở đây, nỗi buồn của người vợ liệt sỹ mất chồng trong chiến tranh đã làm “đảo ngược” cái quy luật muôn thuở ấy: làm “buốt” cả mái gianh, cho người đọc cảm nhận nỗi buồn đã thấm sâu, buốt nhói đến tột cùng! 
Cũng tương tự, với bài thơ “Tình duyên nàng Tô Thị”. Thơ kể truyền thuyết người phụ nữ chờ chồng đi đánh trận, đến hóa đá mà vẫn chờ. Tư tưởng nhân văn bộc lộ ở cuối bài, tác giả khuyên người phụ nữ “về đi”: Vọng Phu mưa nắng giữa trời/ Niềm tin hóa đá một đời đơn côi/ Về đi Tô Thị nàng ơi!/ Ngàn năm nhân thế đầy vơi nỗi niềm. “Về”, (từ đá trở lại làm người) chấp nhận thực tế “mất chồng” dù sự mất mát này có đau đớn đến đâu chăng nữa! Về! Về để tạo dựng cuộc sống mới, chăm lo bản thân, con cái, người thân… Qua bài thơ này, tác giả đã góp phần “giải phóng phụ nữ” một cách thiết thực nhất, cơ bản nhất để chị em được hưởng quyền sống, quyền làm người. Họ được sống đúng chức phận của mình… Tác giả cũng dành những bài thơ như “Nhớ Mông Dương” hồi tưởng những năm tháng công tác gắn bó với vùng “vàng đen” Quảng Ninh; bài “Người lái đò” đầy ân tình với thầy giáo, cô giáo cũ. Tác giả trăn trở với “Vùng cao” chung ý nghĩ với nhiều người, mong bớt đi những biệt phủ, tượng đài phô trương, tốn kém để có thêm trường học, nương lúa, cuộc sống an yên, no ấm hơn cho đồng bào. Tác giả tràn đầy sự cảm thông trong “Thư gửi người ra phố”, và được đẩy cao lên với 2 câu thơ kết khá hàm súc và tinh tế: Cảm thương lòng em ở lại/ Thức bên bóng mẹ hao gầy. Trong bài thơ có người em từ làng quê ra phố mưu sinh, phải đối mặt với bao nhiêu “cạm bẫy lằng nhằng”… Dù trong một hoàn cảnh khác nhưng em không khác gì một “Nàng Vọng Phu - Tô Thị”, đang bị giam chân ở chốn xa quê. Hai câu thơ kết nói trên tạo nên một “thực tại ảo”, để nói hộ lòng em rằng: em như vẫn đang bên mẹ hiền, quan tâm và chăm lo cho mẹ.
Bài thơ “Gặp bạn” là kỷ niệm ùa về khi 2 người bạn già ngồi đối ẩm: Rượu ủ bè sành đem đối ẩm/ Nhấp niềm vui lẫn vị đắng đất trời (…)/ Rượu cạn bạn về, thơ khó ngủ/ Đêm bâng khuâng tóc bạc chong đèn/ Ngoài khe cửa trăng buồn phơi ngọn cỏ/ Trằn trọc dưới lưng... nghe chiếu cựa mình. Có gì chung giữa “trăng” ngoài khe cửa và người “tóc bạc” bên ngọn đèn chong? Trăng thì “buồn phơi ngọn cỏ” và người thì trằn trọc, khó ngủ. Người muốn nằm yên, muốn ngủ say để quên đi bao nghĩ suy ngổn ngang trong đầu (nghĩ về bạn, về bao chuyện đời được kỷ niệm với bạn bè “đánh thức” dậy…) nhưng bất lực nên bất giác “trở mình” mà không biết, chỉ ngỡ là “chiếu cựa mình”(?). Trăng và người cùng chung nỗi ưu tư nên vô tình đã thành tri kỷ của nhau trong đêm trường cả vũ trụ… Thơ hay vốn đa dạng, nhiều khi cái hay cứ “lẩn” đi, khó nắm bắt? Với bài thơ “Gặp bạn” - nếu cứ theo nếp cũ “soi” từng câu chữ, chưa thấy cái hay bật lên nhưng sự khúc triết về ý tứ, những chi tiết cảm động, kỹ lưỡng được đào sâu vào diễn biến tâm lý của nhân vật trữ tình khiến bài thơ này hình như cũng “không phải dạng vừa”? 
Với bài “Dã bụi” - theo tác giả cho biết, tên bài thơ cũng là “biệt danh” của một người bạn thân. Bài thơ dựng chân dung một “lữ khách phong trần”, không chỉ bằng cách kể lại hành tung, cử chỉ… mà quan trọng hơn, bằng những câu thơ tài hoa bộc lộ chiều sâu bên trong của tâm hồn nhân vật: Ta gói chiều rơi vào trong trang giấy/ Tấm ảnh tháng ngày khao khát chạm hoàng hôn. Đến 2 câu thơ kết: Sông lưu luyến khi nhập vào biển lớn/ Trái đất thành quán trọ sau lưng. Là tác giả đã đồng nhất con sông dọc ngang trời đất với sự phóng khoáng, “ngang tàng”, cái ý chí tự do của người khách lãng du tên là “Dã bụi”. Nhưng “tự do, tự tại” như sông rồi cũng đến lúc kết thúc khi “nhập vào biển lớn”. Ở cái giây phút ấy, lữ khách phong trần hẳn sẽ phẩy tay, cười “khà” một tiếng: Trái đất thành quán trọ sau lưng - thì quả là thơ tài hoa đến độ... Câu thơ đầy chất khí khái và tinh thần lạc quan làm chủ cuộc sống của mình bất chấp mọi hoàn cảnh.
Tiếp đến phần thơ thứ 2: “Hồn quê”, dày đặc trong các bài thơ là những hình ảnh thân quen quê kiểng, được những câu thơ hồn vía đánh thức, ai đã sinh ra ở quê đều không thể quên: Cả mùa trăng nghiêng bóng xuống sân đình (Đường làng); Hồn như ngõ vắng lá đầy lối xưa (Bến quê)… Và chỉ qua những hình ảnh vô cùng giản dị nhưng “Hồn quê” hiện ra trong bài thơ cùng tên thật đậm đà, lay động, cụ thể như có thể cầm nắm được: Bên sông hoa cải chưa ngồng/ Đôi bờ hoa gạo đơm bông đỏ trời; và: Hàng cau nặng bẹ đợi ngày trổ bông. Quê mới hiện tại của anh là thành phố biển Sầm Sơn cũng đã kịp vào thơ. Trong bài “Làng chài”, hai câu kết đã tạo nên tứ thơ khá thú vị: “Ra khơi biển cuộn lên cơn sóng dữ” là phong ba của biển thách thức người dân chài. Câu tiếp theo: “Lúc về bờ biển ru khúc tình ca” - khi người dân chài đã vượt qua thử thách sóng dữ thì hình như biển cũng “quy phục” trước sự mạnh mẽ của con người làng biển, không hoạnh họe chi được nữa mà vui vẻ “ru khúc tình ca”. Với bài “Tâm sự thuyền chài” thì người đi biển lại quên đi những hiểm nguy, vất vả của chính mình để thấu hiểu nỗi lòng của người vợ đêm đêm ngóng chồng ngoài biển khơi trở về: Chỉ riêng ai gánh cả trời lạnh giá/ Vẫn đêm đêm mở cửa đợi anh về.
Phần thơ thứ 3: “Bước thời gian”, tác giả có nhiều nội lực, cảm xúc gọi ra những mùa ký ức Xuân, Hạ, Thu, Đông tuần hoàn nỗi nhớ. Tiêu biểu là các bài  “Giêng non”, “Hoa cải”, “Thu xưa”… Bài “Vũ điệu lá” đã lấp ló một sắc thái mới của thơ Nguyễn Ngọc Bỉnh, đó là khả năng triết lý: Một đời lá… xanh vàng thắm đỏ/ Tan tác rơi… theo vũ điệu vô thường. Lại có trường hợp một câu thơ “cứu” cả một bài thơ. Đó là bài “Tàn thu”, gần suốt bài thơ có cái gì đó cứ đều đều, quen thuộc… Cho đến đoạn kết: Giữa thanh thiên phút giao mùa khắc khoải/ Một chút lòng ta… theo gió thu đi. Không hiểu sao, đọc đến câu cuối: “Một chút lòng ta… theo gió thu đi”, tôi có cảm giác run lên, khắc khoải đến lạ, như có luồng điện vừa chạm vào mình mà không thể lý giải vì sao lại như vậy. Chỉ biết đó là câu thơ hay. Và nó làm cho cả bài thơ thu hay lên. Thấp thoáng trong các bài còn lại: “Tình Xuân”, “Mùa hạ và em”, “Thu phai”, “Hoa cải”, “Tháng mười”, v.v…
Phần thơ cuối cùng có tên là “Mùa tình” - chủ yếu nhìn tình yêu dưới góc độ “hoài niệm”. Một lần nữa nhấn vào bản chất yêu thương tràn đầy trong thơ anh, luôn ngóng đợi, khắc khoải những điều tốt đẹp sẽ đến trong tình yêu (và mở rộng ra là tình gia đình, tình quê, tình bạn). Một câu thơ có động từ mạnh “rách” - cho thấy kỷ niệm yêu vừa cụ thể, vừa mạnh mẽ xiết bao: Gió lùa rách cả tầu cau/ Bâng khuâng câu hát tìm nhau thuở nào (Lục bát vu vơ)…
Tập thơ “Hoài niệm tình quê” của tác giả Nguyễn Ngọc Bỉnh còn tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp văn chương. Nhìn chung, thơ Nguyễn Ngọc Bỉnh bộc lộ thế mạnh giàu hình ảnh, chi tiết sống, người thơ trải lòng “dan díu” với thiên nhiên. Cảnh hòa vào tình, người hòa vào cảnh, thiên nhiên hòa với con người… Một cảm giác non tơ, thánh thiện khi đọc thơ anh, được nghe thời gian luân hồi những trẻ trung, đợi chờ, nuối tiếc… Trong dung lượng của bài viết này chưa thể đề cập hết những vẻ đẹp ấy; xin dành cho bạn đọc tiếp cận tập thơ để có cảm nhận của riêng mình.


                                                                Trường Lệ, Sầm Sơn, 8-10-2019
                                                                                     Đ.N.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 157
 Hôm nay: 9782
 Tổng số truy cập: 12866675
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa