Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nguyễn Bao hồn nhiên trong sáng - Mã Giang Lân
Nguyễn Bao hồn nhiên trong sáng - Mã Giang Lân

Đến nay đường thơ của Nguyễn Bao đã khá dài. Những bài thơ còn lại với người đọc và được chấp nhận đấy là thơ là những rung động chân thực vẫn mang dấu ấn ngày tháng chiến tranh chống thực dân Pháp. Từ khi là học sinh cấp III, Nguyễn Bao bắt đầu tham gia những hoạt động sáng tác của Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Thơ ông đã được đưa ra đọc góp ý phê bình trong các cuộc thảo luận thơ, được  “đưa lên bàn mổ” như cách nói hồi ấy. Với cái tuổi 19 hăm hở say sưa ông tìm tòi và những tìm tòi ấy đến nay vẫn đáng trân trọng. Những năm cuối của cuộc kháng chiến, các nhà thơ của chúng ta, nhất là lực lượng sáng tác ở Liên khu IV đã có những đóng góp tích cực trong việc sáng tạo hình thức thơ. Tìm được cách thể hiện thích hợp với nội dung miêu tả. Thơ Nguyễn Bao đã sớm nằm trong trường hợp đó. 
Ông viết về một đồng chí thương binh trong đêm công đồn, nằm trên sàn nứa:
Ngoài kia một mảnh trời trong quá
Gió chiều thăm thẳm xanh
Đôi mắt khẽ nhắm
Anh nhớ thâu đêm công đồn
Một lô cốt bay trong khói ngập
Và gập ghềnh bước chân tải thương…
Đêm khuya chân người bước vội
Tiếng hát đi về trong sương
Sau cây lửa đồn cháy sáng
Đơn vị kéo về kín đường
Anh mỉm cười nhìn thấy
- Đồng chí
Những anh lính sách súng lên thang.
                (Ngoài kia cháy đồn-1951)
Không ồn ào mà trầm tĩnh, không kể lể mà chi tiết vừa đủ để gợi lên hình ảnh, tâm hồn giản dị của người lính. Người lính ở đây hiền lành ít nói nhưng ý thức được nhiệm vụ và sự hy sinh của mình. Cũng năm 1951, ông đã nói được những cảm xúc mới mẻ và sâu đậm trước cánh đồng lúa:
Lúa
Mai thơm đường làng
Anh lính chiều nay qua đồng
Mắt đọng màu xanh lá lúa
Trở lại với thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mới thấy cái hay của các câu thơ trên: tươi trẻ và tinh tế, câu chữ ngắn gọn mà tình ý dồi dào. Những bài thơ Nguyễn Bao viết lúc này nhìn chung là thế.
Những năm tiếp theo, thơ Nguyễn Bao đã mở rộng đến nhiều đề tài. Tập thơ Đôi cánh của ông gồm 40 bài xuất bản năm 1961 là một bằng chứng về sự xông xáo kiên trì sáng tạo của ông. Thế nhưng những bài thơ có chất lượng, vẫn là những bài ít nhiều có gắn bó với phong cảnh làng quê thân thuộc: Hoa chanh, Sau hai mùa lúa, Mùa lúa mới trên Điện Biên lịch sử…Phải chăng như ông nói “Tôi ngày nhỏ sống ở làng quê cũ - Hòn đảo xanh giữa biển lúa xa mờ” đã giúp ông hiểu để tạo nên màu mỡ cho thơ. Bài thơ Hoa chanh (1957) thành công, đánh dấu và khẳng định bước tiến mới của thơ Nguyễn Bao mượt mà trong sáng, bài thơ kết cấu như một chuyện kể; hai đứa chúng mình, chân quê, nhà em bên nhà anh ra vào chung ngõ, “gọi nhau xin lửa qua rào”:
Nhà em có một giàn trầu
Lá tốt xanh trùm bể nước
Vườn bên anh lối vào ngõ trước
Hoa trắng ngần thơm một gốc chanh.
Bài thơ làm hiện lên cái tình quê, hồn quê sâu đậm. Cảnh và người rất quen thuộc, đầm ấm chan hòa như tự thuở xa xưa. Những kỷ niệm thời niên thiếu trong áng thơ ngây không dễ gì phai nhạt: đi chăn bò, hái ổi, đốt lửa, hơ tay. Kỷ niệm ngày khôn lớn:
Rửa chân hai buổi cầu ao
Em vội cúi đầu khỏa sóng
Đôi bóng người rung khóm bèo chao động
Ánh mắt thẹn thùng lặn xuống đáy sâu.

Tóc em dài dịu mát màu xanh
Anh đưa qua rào một nắm lá chanh
Em gội tóc thơm bên hè hong nắng
Cây chanh đương mùa hoa trắng.
Đất nước chiến tranh cả hai cùng ý thức “Khi Tổ quốc cần - chúng mình biết hy sinh”. Và một cái kết đẹp, lý tưởng:
Đám cưới mùa xuân
Trầu hái giàn nhà, thắm môi hai họ
Có anh thương binh
Đêm ngồi bên vợ
Tóc ai dài thơm nước lá chanh
Nguyễn Bao cứ âm thầm, lặng lẽ khiêm tốn sáng tác đều đều, 16 năm sau, năm 1977, tập thơ Suối bên đường 45 bài của ông đã ra đời. Đến đây diện mạo thơ ông đã rõ nét và rõ nhất là sự chân thành hồn nhiên. Hiện thực cuộc sống ông cảm nhận đến đâu đều được chuyển thành những rung động thơ trong cái nhạc điệu nhẹ nhàng tha thiết của các thể thơ 7 chữ, 8 chữ. Ông ca ngợi những chiến công anh hùng và cả những con người bình thường mà làm nên kỳ tích. Nhưng cái nổi trội trong thơ ông là những cảnh sắc thiên nhiên đẹp, hài hòa với những đổi mới của nhiều vùng quê trong cuộc sống lao động, xây dựng. Đường số 4, Đoàn thuyền trên kênh, Gặt, Mùa xuân chín, Quê nhãn, Niềm vui ở Mai Châu, Mùa cây mới, Xóm thuyền là một mảng thơ tiêu biểu cho cảm xúc và cách thể hiện của thơ ông. Ông phát hiện và trình bày một cách nghệ thuật những vẻ đẹp của một làng quê đồng bằng hay miền núi mà ông có dịp đặt chân tới. Câu chữ, hình ảnh chọn lọc và có liều lượng nên rất thích hợp với việc phác họa những bức tranh thiên nhiên:
Đồi cọ vẫy tay tiễn những trai làng
Hoa trẩu trắng dọc con đường đất đỏ
Gió thổi buổi chiều, lúa reo nỗi nhớ
Những sóng xanh quấn quýt lượn chân đồi
                (Một góc quê hương)
 Đó là những câu thơ duyên dáng, tuy còn thiên về tả, nhưng có tình. Đến bài Gặt thì cái tình đã sâu nặng hơn bởi vì ông đã cảm nhận cuộc sống ở một bề dày vững chắc hơn. Cảnh ruộng gặt xong, máy tuốt lúa rào rào sân phơi “niềm vui đọng sáng mắt mẹ già”. Và cái kết của bài thơ lại mở ra những suy nghĩ, những hứa hẹn:
Trăng trong như lụa: còn đẹp nắng
Mai ngày gặt rộ lúa vào kho
Mấy anh “kỹ thuật” say khói thuốc
Đã tính ngày gieo mạ kịp mùa
Mấy năm gần đây thơ Nguyễn Bao cấu tứ, nhịp điệu có bước phát triển mới. Tập Sang thu (1995), thơ ít giãi bày, có thêm suy tư và có lúc như trẻ hơn: Về một cây xà gạt, Vườn lê xứ Lạng, Bằng chính tình yêu. Bài thơ Về một cây xà gạt cảm xúc đã phóng túng nhưng câu chữ lại rất ngắn gọn, sắc nét tạo nên được “ý tại ngôn ngoại” cho thơ. 
Hai mươi năm
Xa vợ
Xa con
Hai mươi năm, sát kề quân giặc
Anh đã tìm ra
con đường gần nhất
bằng lối đi cắt rừng
Khẩu súng ngắn bên hông
tay cầm ngang xà gạt.
Cứ như thế người cán bộ cách mạng phát rẫy băng rừng, bám dân bám đất, quên mọi hiểm nguy, góp phần làm nên chiến thắng. Sự hy sinh thầm lặng và tinh thần quả cảm ấy làm ta cảm động. Và không phải chỉ thế, tác giả mở ra một liên tưởng, một nỗi nhớ, mà cũng là một sự chịu ơn: 
Hôm nay
Trên đường 20
Xe chạy một giờ trăm cây
Thênh thang gió mát
Tôi nhớ
Cây xà gạt
Cán dài 
Và bàn tay đồng chí
Sần trai.
Cùng một hướng tìm tòi biểu hiện, ông có bài Vườn lê xứ Lạng. Những câu thơ ở đây mượt mà hơn mà tình cảm cũng dạt dào hơn:
Người làm vườn
Cầm súng đi săn giặc
Ngày trở về
Cỏ mọc xanh um
Sông quê hương
Vẫn cần mẫn ngày đêm
Đẫm phù sa từng gốc
Trong vườn rậm
Những mầm xanh rất mượt
Gió vào vườn ve vuốt những trái thưa.
Nguyễn Bao tự làm phong phú cho mình về thể tài. Ông đã sử dụng nhiều thể thơ: những thể thơ cách luật dân tộc quen thuộc như thơ 5 chữ, lục bát, 7 chữ, 8 chữ… Ông cũng đã nhiều lần tràn sang thể thơ tự do, một thể thơ không bị gò bó về cách hiệp vần, về số câu số chữ, nên có điều kiện đi sâu vào biểu hiện cuộc sống một cách chi tiết và phóng khoáng hơn, ghi lại được trung thực hơn những cảm xúc tinh tế. Thơ ông sau này ngắn gọn súc tích hơn, giàu suy tưởng và chiêm nghiệm. Một bài thơ tình rất gợi.
Vàng đâu nhuộm hết cây đồi
Xanh đâu mà trải kín trời thẳm xanh
Gió len rất nhẹ trong cành
Như em, thu chiếm lòng anh khi nào
        (Sang thu)
Một triết lý thâm sâu Dòng sông ơi/ Lắng lại/ Cho trong suốt lòng mình/ Khi nhìn tận đáy/ Sẽ thấy trời cao xanh (Lắng lại).
Một thảng thốt rất đời, thanh thản Có ai hẹn, ai mong/ Mà bâng khuâng chờ đợi/ Một nhịp cầu tự nối/ Bắc sang bờ hư không (Không đề).
Trong tuyển tập Thơ thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước, NXB Hội Nhà văn, 2014, Nguyễn Bao góp vào mấy bài thơ và chùm bài Haiku:
Năm trước bạn tới thăm
Trăng thu cùng ta trò chuyện
Nay chỉ tôi và trăng

Tôi vớt trăng non
Làm thuyền sang với ai bên ấy
Đang chờ tôi mỏi mòn.
Chúng ta thấy rõ ông đã tự sức, tự định vị mình bằng những bài thơ độc đáo trong dòng chảy chung của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Cần cù lao động hơn 60 năm và sự cố gắng của ông đã có sự đền bù xứng đáng. Hiện thực xã hội, cảnh sắc, con người trong thơ ông thường ánh lên niềm vui trong sáng. Vì vậy qua thơ ông, người đọc cảm xúc và tin yêu cuộc sống của mình, cũng là tin yêu vào đất nước, vào sức lực của nhân dân đang vượt qua những khó khăn để sống và xây dựng. Và như thế những bài thơ ấy là những bài thơ có ích, những bài thơ thực sự cần thiết cho đời, cho sự nghiệp của chúng ta.
                                

M.G.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 104
 Hôm nay: 9578
 Tổng số truy cập: 13138667
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa