Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Văn học Việt Nam sau 1986 nhìn từ hệ giá trị “Dân tộc - hiện đại” - Hỏa Diệu Thúy
Văn học Việt Nam sau 1986 nhìn từ hệ giá trị “Dân tộc - hiện đại” - Hỏa Diệu Thúy

Các hệ giá trị xã hội được tạo nên bởi chính điều kiện và nhu cầu xã hội và con người sống trong môi trường đó tạo ra. Vì vậy, thang giá trị xã hội không nhất thành bất biến mà thay đổi theo hoàn cảnh và điều kiện xã hội nhất định. Khi các quan hệ xã hội thay đổi thì hệ giá trị, trật tự thang bậc cũng sẽ bị thay đổi. 
Văn học là sản phẩm mang tính xã hội và có hệ giá trị riêng, chịu tác động của hoàn cảnh, điều kiện xã hội. Nền văn học Việt Nam hiện nay, tính từ sau năm 1986(1) gắn với thời điểm đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, khác hoàn toàn với trước đó, đã hình thành một hệ giá trị mới gắn liền với thời đại. 
1. Cơ sở kiến tạo tạo nên hệ giá trị mới của văn học từ sau 1986 
Đời sống xã hội của đất nước sau 1986 là một thực tiễn vô cùng đa dạng, phong phú và cũng hết sức mới mẻ với chính chủ nhân của môi trường ấy (hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất, bạn bè thế giới rộng mở…). Các mô thức xã hội cũ chưa hoàn toàn bị xóa mờ, mô thức mới cũng chưa hiện diện rõ ràng, khiến các giá trị đời sống xã hội và văn hóa luôn xuất hiện trong thế lưỡng cực, thậm chí đối cực trong đánh giá, cảm nhận. Song, nhịp sống vĩ đại đã điều chỉnh tất cả, các quan niệm đều cùng tồn tại, làm quen với nhau, đi cạnh nhau, những xung đột ban đầu (từng rất gay gắt) đi đến thỏa hiệp, chấp nhận cùng hiện diện. Người ta mỗi ngày dần nhận ra và học cách chấp nhận những quy luật mới, hình thành thói quen mới, giá trị mới. Với văn chương, đây là thực tiễn gai góc nhưng vô cùng đa dạng cho những ý tưởng và phương thức sáng tạo. Đó là nguyên nhân, trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay, các dòng chảy, xu hướng, phong cách, cá tính khác nhau, thậm chí khác biệt đến đối lập vẫn cùng tồn tại, bởi có độc giả riêng, cũng giống như hiện trạng có rất nhiều cách thức linh hoạt để văn học phô diễn diện mạo: đăng tải trên báo, tạp chí, xuất bản sách (ký kết hoặc tự xuất bản), hoạt động câu lạc bộ, sử dụng sân chơi công nghệ (facebook, blog, twitter)…  
 Có thể nói, đời sống sinh hoạt văn chương hiện nay đã khác cơ bản so với trước 1986, vì vậy, hệ giá trị mà văn chương hiện nay cũng sẽ khác so với giai đoạn trước. Dưới đây là một số biểu hiện đáng kể trong hệ giá trị mới ấy. 
2. Văn chương hiện nay trở về với quy luật là sản phẩm của cái tôi - cá nhân
Văn chương tự nó vốn là sản phẩm sáng tạo của cái tôi - cá nhân, song, khi cá nhân tự nguyện đứng trong cộng đồng, cùng chung lợi ích, lý tưởng với cộng đồng thì văn chương sẽ không còn là tiếng nói cá nhân mà trở thành tiếng nói mang khát vọng, ý chí chung của cộng đồng, tức là tính đại diện. Tính đại diện này khác với tiếng nói của cái “ta” trong văn chương trung đại. Tôi mà là “ta” vì “tôi” không nói tiếng nói bản ngã mà nói tiếng nói giai tầng mà cá nhân đó thuộc về. Văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám đến trước 1986 lấy cộng đồng làm mục đích sáng tạo (đại diện cho cộng đồng, phục vụ cộng đồng), văn chương đã trở thành phương tiện, thành công cụ sắc bén, lợi hại, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian ấy kéo dài gần nửa thế kỷ đủ để hình thành, tạo nên thói quen tiếp nhận và sáng tạo trong đời sống văn chương mấy chục năm. Khi mục tiêu ấy đã hoàn thành, hoàn cảnh xã hội trở về với đời sống bình thường, văn chương, vốn là sản phẩm của cá nhân - cá thể trở về với đúng quy luật của hình thành sáng tạo mà nó thuộc về. 
Cuộc “trở về” này khá lặng lẽ và tự nhiên, khác hẳn khi nó được huy động thành công cụ của cộng đồng. Mặc dù có một vài “tuyên ngôn”(2) gây tranh luận, cũng có một vài cuộc trao đổi, bàn tròn lên tiếng về sự “trở về” này nhưng cũng nhanh chóng trở về trạng thái hòa hoãn, cuộc chuyển giao cứ tự tin tiến về phía nhu cầu nhân bản. 
Văn chương trở về với nhu cầu cá nhân ở cả hai tư cách: sáng tạo và thụ hưởng sản phẩm của chính mình. Nhà văn viết gì mình thích, mình tâm huyết, am hiểu, trăn trở bấy lâu và lựa chọn phương thức thể hiện theo “tạng”, theo “gu” thẩm mỹ của bản thân. Lần thứ hai, văn chương Việt Nam đi theo lộ trình hiện đại hóa, hội nhập văn chương thế giới và tiếp tục nở rộ những cá tính sáng tạo. Ở cả hai thể loại chính, văn xuôi và thơ, các lớp thế hệ nối tiếp nhau, xen kẽ nhau cùng bộc lộ. Chẳng hạn, ở văn xuôi, những cây bút từng trải qua trận mạc như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Trọng Oánh… điềm tĩnh “nhận thức lại” tạo nên lối tiếp cận hiện thực nhiều chiều sâu sắc; Những cây bút thuộc thế hệ mới, như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Thuận, Đặng Thân, Nguyễn Bình Phương… táo bạo, tài hoa dấn thân vào cuộc chơi chữ nghĩa và đã tạo ra những sản phẩm có sức mê hoặc. Ở thể loại thơ có hơi khác, những cây bút cách tân táo bạo nhất lại không thuộc về lớp trẻ mà thuộc về thế hệ kiên trì nhất cho hành trình đổi mới thơ đã được khởi xướng từ thế kỷ XX: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… Nhờ những cây bút này, hành trình hiện đại hóa thơ Việt Nam dường như không bị đứt quãng. Mỗi người một thế mạnh, họ đã trình làng thơ những sản phẩm độc lạ gây sững sờ(3). Một số cây bút trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến cho thấy khả năng thích ứng của tài năng khi các cây bút làm mới tác phẩm từ những góc nhìn và đối tượng tiếp cận thật sâu sắc: Thanh Thảo với các tập Khối vuông ru bích, Từ một đến một trăm; Phạm Tiến Duật với Nhóm lửa; Nguyễn Duy với Tình tang, Bụi; Hữu Thỉnh với Thư mùa đông, Thương lượng với thời gian… Lớp sau như: Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông, Châu thổ; Nguyễn Hữu Hồng Minh với Giọng nói mơ hồ, Vỉa từ; Inrasara với Lễ tẩy trần tháng tư; Mai Văn Phấn với Hoa giấu mặt, Bầu trời không mái che; Vi Thùy Linh với Khát... Họ đã đưa thơ từ thế giới của cảm nhận sang thế giới tri nhận. Mỗi người một vẻ, dấu ấn cá nhân tạo nên một nền văn học tự vị, gây “chia rẽ” sở thích.   
3. Văn chương hiện nay - sân chơi rộng rãi cho người yêu thích song là thách thức bản lĩnh sáng tạo 
So với trước đây, chưa khi nào văn chương trở thành thú chơi rộng rãi như hiện nay với các dạng thức sinh hoạt hết sức đa dạng từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Có nhiều lý do để hiểu điều này: đời sống vật chất được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ tinh thần cũng rộng mở. Người Việt Nam vốn yêu thích văn chương - thú chơi tinh thần giản dị mà tao nhã, dễ gắn kết mọi người đã được lựa chọn. Sáng tác văn chương giờ đây không còn là cấm địa của những cây bút chuyên nghiệp. Các hội đoàn, câu lạc bộ văn chương bùng nổ, đáp ứng nhu cầu sáng tác của những người đam mê. Việc xuất bản thông thoáng, cùng với việc in ấn đã trở nên đơn giản, thuận tiện tạo điều kiện cho việc tự “phát hành” sản phẩm cá nhân. Vì vậy, giá trị thứ hai mà văn chương hiện nay đem lại chính là trở thành “sân chơi” rộng rãi cho nhiều đối tượng, tầng lớp xã hội. Các cây bút có năng khiếu hoặc đã thành danh tìm tới sân chơi chuyên nghiệp dưới sự kiểm định của các tổ chức chuyên nghiệp. Đây là lực lượng chính làm nên diện mạo và chất lượng của nền văn học nước nhà. Những cây bút không chuyên tự xây dựng sân chơi riêng và họ có muôn vàn cách để chia sẻ niềm ham thích văn chương với sự hỗ trợ của công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. 
Trong xu thế cái tôi cá nhân lên ngôi, trình độ tri thức cùng với nhu cầu hưởng thụ của độc giả cũng ngày càng cao lại phân hóa thành nhiều hướng sở thích tiếp nhận. Không ít độc giả vẫn còn hứng thú với nguyên tắc thẩm mỹ quen thuộc, song, những khác lạ trong tiếp cận hiện thực và cách thức biểu hiện lại được cổ vũ bởi những độc giả thích cách tân. Tuy nhiên, viết những gì quen thuộc, theo quan niệm thẩm mỹ quen thuộc tuy không được chào đón nồng nhiệt, nhưng ít bị soi mói, vì đã thành quen, nếu viết một cách mới mẻ thì dễ bị/ được “soi”, những đánh giá, khen chê, bình giá đương nhiên, cũng trên quan điểm cá nhân, hiểu biết cá nhân, vì vậy, khá ngẫu hứng và chủ quan, điều này thử thách bản lĩnh nghệ thuật của các cây bút. Phương thức sáng tạo mới, nhất là trong nghệ thuật vừa quyến rũ vừa là cái bẫy thử thách, không đủ tài, không đủ bản lĩnh theo đuổi chỉ có thể tạo nên những sản phẩm dở dang. Văn chương, tuy là nơi thi thố sở thích và tài năng cá nhân, song, để độc giả công nhận một cá tính nghệ thuật nào đó quả không dễ.
Từ kinh nghiệm của cuộc cách tân văn chương lần trước cho thấy cái mới xuất hiện bao giờ cũng có cái lý của nó và tất yếu sẽ thay thế cái cũ. Thêm nữa, nhìn ra bên ngoài, ra xung quanh, đã thấy những mới lạ bủa vây tự lúc nào. Trong sáng tạo, không ai muốn bị coi là lạc hậu, bảo thủ, song, để cái mới được khẳng định trong xu thế có nhiều lựa chọn hiện nay là cả một vấn đề thách thức tài năng và bản lĩnh. Tuy nhiên, như thực tiễn đã chứng minh mấy chục năm qua, những tác giả, tác phẩm từng khiêu khích dư luận lại là những tác phẩm có tư tưởng và ngày càng được khẳng định. Đương nhiên, những gì mang danh “mới” nhưng trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược với vẻ đẹp và giá trị truyền thống thì đã và sẽ bị đào thải.    
4. Văn chương hiện nay vẫn là căn cốt lưu giữ và tỏa sáng tâm hồn dân tộc
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta vẫn luôn nhấn mạnh sự gắn bó khăng khít của văn hóa, văn nghệ với sự nghiệp cách mạng. Đất nước đổi mới, văn hóa, văn nghệ cũng cần đổi mới để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng do Đảng khởi xướng. Hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII) năm 1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về văn hóa: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; “Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh”. Văn chương, bộ phận cốt lõi của văn hóa, nơi đặt nền móng và ý tưởng cho nhiều ngành nghệ thuật khác sẽ là bộ phận tiên phong và chủ chốt trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Một vấn đề đặt ra: liệu có mâu thuẫn giữa việc thực hiện “nhiệm vụ” Nghị quyết của Đảng với nhu cầu tự do sáng tạo theo sở thích cá nhân? Mới nghe, tưởng sẽ có gì xung đột hay ràng buộc gì ở đây, nhưng: không! Nghị quyết của Đảng là định hướng "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để có nền văn hóa tiên tiến, bộ phận văn học nằm trong nền văn hóa ấy cũng phải là nền văn học tiên tiến mới mong hội nhập được với thế giới. Đó sẽ là nền văn học biết khai thác tinh hoa văn học nhân loại để làm giàu có cho văn học dân tộc mình, đồng thời, cũng sẽ biết đưa những giá trị đặc sắc của văn học dân tộc mình ra giới thiệu với bạn bè thế giới. Nền văn học ấy sẽ tự hào sánh vai với các nền văn học khác, song, trước hết sẽ là món ăn tinh thần ưa thích của công chúng cả nước, góp phần nâng cao, tôn vinh văn hóa đọc nơi đồng bào mình. Như vậy, nền văn học “tiên tiến” ấy chắc chắn sẽ “đậm đà bản sắc dân tộc”. Xu hướng trở về khai thác các yếu tố của văn học dân gian (cả thể loại lẫn thi pháp), khai thác lịch sử, huyền sử, dã sử của dân tộc làm chất liệu, ngữ liệu cho thấy văn hóa - văn học truyền thống dân tộc đã trở thành một phần máu thịt, tâm hồn trong mỗi nhà văn Việt Nam. Việc khai thác sử dụng thủ pháp, kỹ thuật hiện đại để làm sống dậy văn hóa truyền thống đang là hướng được lựa chọn của nhiều tác giả và không ít các cây bút đã thành công(4). Luôn gắn chặt với cuộc sống và con người đất nước, sự vận động, phát triển của văn chương Việt Nam đương đại vẫn là nơi căn cốt để gìn giữ và tỏa sáng tâm hồn Việt Nam.
Kết luận: 
Như vậy, hệ giá trị văn học Việt Nam đương đại là kết quả tất yếu của hoàn cảnh đời sống xã hội mới. Là sản phẩm của thời đại, văn học Việt Nam đương đại đã xây dựng/ tạo ra những giá trị mới, hệ giá trị ấy là: Văn học trở về với quy luật sáng tạo là sản phẩm của cá nhân, in đậm dấu ấn cá tính nhà văn; Là sân chơi rộng rãi cho người yêu thích văn chương, song là thách thức bản lĩnh sáng tạo; Văn học vẫn là bộ phận căn cốt lưu giữ và tỏa sáng tâm hồn dân tộc. Hệ giá trị này vừa phản ánh tinh thần thời đại mới của Việt Nam, hội nhập để phát triển. 
Nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng trong công trình Thẩm định các giá trị văn học (NXB Văn học ấn hành năm 2012) có đưa ra quan điểm: “Lý luận văn học và mỹ học Mác-xít cần phải được tiếp tục xác định vai trò chủ đạo, là sự lựa chọn có tính nguyên tắc cho sự tồn tại và phát triển của nền văn học”. Song, không “tiếp thu một cách máy móc, thụ động, biến học thuyết triết học và mỹ học của Marx, Engels, Lenin vốn được xem là học thuyết có tính khoa học và cách mạng thành một giáo điều tư tưởng nghệ thuật, một công thức cứng nhắc, gò bó mà phải chủ động sáng tạo, phát triển học thuyết Marx trong điều kiện lịch sử mới, phù hợp với thực tiễn văn hóa, văn học mang đậm bản sắc mỗi quốc gia, mỗi khu vực” (tr 86-87). Quan điểm này không chỉ là nhận thức về tư duy sáng tác mới mà còn có giá trị định hướng tư tưởng với mong muốn để có một nền văn học Việt Nam mới mà giá trị của nó sẽ góp phần bồi đắp tâm hồn, trí tuệ Việt Nam trong thời kỳ mới, xứng đáng là chủ nhân chân chính của một nước Việt Nam mới trong tư thế công dân toàn cầu.   
                                

H.D.T


(1) Hai điểm khác biệt cơ bản nhất của hoàn cảnh đất nước trước và sau 1986 là: đất nước thống nhất, chấm dứt chiến tranh và hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng với thế giới. Bài viết lấy mốc 1986 trên tinh thần tổng thể, là năm Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước chọn hướng đi “mở cửa” hội nhập thế giới.
(2) Những tuyên bố về quan niệm văn chương, như: “Văn chương là trò chơi” (Phạm Thị Hoài); “Làm thơ là làm chữ” (Trần Dần), Lê Đạt tâm đắc “Chữ bầu lên nhà thơ” (Edmond Jabes) v.v… 
(3) Các tập: “Mùa Sạch”, “Jờ Joạcx”, “Thơ không lời - Mây không lời” (Trần Dần); “Bóng chữ”, “Ngó lời” (Lê Đạt); “Mưa Thuận Thành”, “Lá diêu bông” (Hoàng Cầm); “Đàn” (thơ ngoài lời), “Dương Tường - Thơ” (Dương Tường) v.v…
(4) Có thể kể đến các tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bình Phương… (văn xuôi); Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trương Nam Hương…(thơ)
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Lê Huy Bắc, Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và tiếp nhận, (2012), NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. 
2. Lã Nguyên, Lí luận văn học - những vấn đề hiện đại, (2012), NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Hồ Thế Hà, Tiếp nhận cấu trúc văn chương, (2014), NXB Văn học, H.
4. Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), NXB Giáo dục, H.
5. Nhiều tác giả, Thế hệ nhà văn sau 1975, (2016), NXB Hội Nhà văn, H.
6. Nguyễn Bá Thành, Giáo trình Tư duy thơ hiện đại Việt Nam, (2012), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 
7. Phan Trọng Thưởng, Thẩm định các giá trị văn học, (2012), NXB Văn học, H. 
8. Nguyễn Thành - Hồ Thế Hà (chủ biên), Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016), (2017), NXB Văn học, H. 

 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 168
 Hôm nay: 4272
 Tổng số truy cập: 12861165
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa