Miên man “Vết chân của ngày” (Thơ Phạm Khang - Nxb Hội Nhà văn 2019) - Văn Đắc
Miên man là trạng thái tỉnh mê, thực ảo, xác hồn... miên man với những dấu vết cuộc sống từng ngày đi qua. Phạm Khang đánh thức, vực dậy tất cả nỗi lòng, nghĩ suy, triết lý về xưa, nay, thiện, ác, mất, còn, thủy chung, phản bội, hạnh phúc... và khổ đau với nhiệt huyết của một người đàn ông ôm ấp nghiệp văn chương.
Trong bài thơ “Những thi ảnh lang thang” anh đã từ chỗ “đẫy giấc với các vì sao” “lạc vào miền cổ tích”... rồi trở về với thực tại “hành trình mệt lử”... “vô vọng”... cuối cùng thức dậy ở chính ngôi nhà mình mà “gọi hồn cha”... “lưng còng của mẹ”... “tình em nhạt nắng giả vờ say”. Nếu tách các đoạn riêng ra từng câu thì đấy là những thi ảnh lang thang, nhưng hơi thở của toàn bài là nỗi lòng yêu người, yêu đời, khát khao sự sống:
Ta đẫy giấc nơi ngàn hoa sắc thắm
những tơ non sức sống múa tưng bừng
lời thương mến thiêng như là nước thánh
ta hóa thành nô lệ của bao dung...!
Với cách khai triển bài thơ theo một ý niệm, một cảm hứng, một vấn đề chủ đạo lan tràn, ý tứ đuổi nhau tận cùng; đấy là thơ Phạm Khang. Với cách như thế anh chia sẻ bi kịch cùng “Nàng Kiều của muôn năm” và có những câu thơ thật lạ: “Ngày rơi sấp những cơn buồn nức nở”... “đời bạc như viên ngọc nát”... “và cỏ dại cũng thôi không khóc nữa...”. Than thở về đời Kiều mà như than thở về ai, về mình, về đời xưa đời nay vậy. Thơ như có thuốc mê, thuốc độc chữa bệnh vô cảm, lạnh tanh, khô cứng, thực dụng, thừa mứa vật chất...
Ở bài khác Phạm Khang lại trôi nổi trong tâm tưởng mở ra chang mang xúc cảm với “Tình gọi sông hồ” thao thiết và liêu trai đến lạ lùng: “Người có theo mây mà về với lòng ta một ngày sương nhạt mờ/ tiếng nước mạn thuyền vỗ những nhịp đời chảy mãi/ hồn ta là ngàn xanh dạt dào mơn man tình cỏ êm đềm/ người có về không... người có về đây mà vui với hồ sương... thao thiết... hoang trôi dòng nước chảy...!”. Đấy là tiếng thở dài nuôi sống người đa tình đa cảm khi hàng ngày bị lôi cuốn vào những lo toan, ham hố.
Lại có những bài như một diễn thuyết khai triển các tầng lớp ý tứ chặt chẽ tận cùng bằng những câu chữ thật như đếm về hiện thực đời sống cập nhật từ nhà ra ngoài phố, từ nước này sang nước khác... câu chữ không cần gợi cảm; tả, kể trần trụi và thuyết phục. Bài “Con đường khai sáng” là vậy. Loại thơ như thế có sức kéo người ta áp sát vào thời cuộc, vừa vạch trần vừa ngợi ca, vừa truyền hứng khởi, thúc đẩy hành động tốt đẹp. Ta nghe đoạn cuối bài thơ: “Hãy tự cứu... Hãy góp sức... Hãy đánh thức... Hãy đoàn kết... Đó là lúc bình tâm bước vào ánh sáng... giải thoát cho chính mình độ đất nước bình yên...”. Thơ với diễn thuyết gặp nhau ở chỗ đó chăng?
Bài “Phố phường thời @” Phạm Khang viết một thôi một hồi về thành phố. Lời lẽ ý tứ không có gì mới, ai cũng thấy nhưng để truyền đến cảm hứng phải chính từ cảm hứng tuôn trào táo bạo, lúc thẳng căng, lúc mềm mại, lúc phấn khích, lúc bi tráng... với những nhịp điệu của chính xúc cảm chảy trên đầu ngọn bút.
Tiêu biểu cho loại bài thơ viết miên man như thế là bài “Những cảnh giới không được báo trước”. Tôi sẽ phân tích sau. Cứ tạm tóm lại mấy điều về thơ Phạm Khang. Đến tập “Vết chân của ngày” sau hàng chục tập thơ trước đó, Khang vẫn giữ nguyên sự ấm nóng và quyết liệt với đời sống. Dù viết về hạnh phúc, hay nỗi đau, phê phán hay ngợi ca... thấy như anh đã thốn câu chữ lại rất nhiều, trầm tĩnh, mềm mại, gợi cảm, miên man câu chữ... đôi khi ma mị... lôi cuốn và nhập hồn cùng người đọc. Một cách viết rất riêng lối thơ Phạm Khang.
Hiện nay lối thơ cấu tứ chặt chẽ, hàm súc, đa nghĩa, nhiều ngẫm nghĩ, gợi cảm đang là lối viết chủ đạo và bền vững, có giá trị cao. Nhưng nếu viết vội, dễ dãi, chưa tìm kiếm được ý tứ mới thì sẽ rơi vào nhàm chán. Thơ Phạm Khang chiếm lĩnh người đọc bằng chính hơi thở nóng bỏng dốc cạn tâm huyết. Câu chữ lắm lúc như đẻ hoang, đi hoang... làm mê hoặc người đọc.
Bài thơ “Những cảnh giới không được báo trước” gồm 44 khúc với dấu (...!), có khúc mươi lăm dòng, có khúc vài ba dòng giống như những bài thơ ngẫu hứng không đặt được tên đầu đề, có tính độc lập, lại gắn kết thành một chuỗi đa phức N***, một dòng chảy mở ra nhiều chiều, nhiều khuôn mặt của cảm xúc về thời cuộc, thân phận, khao khát bản thể và tình yêu cuộc sống. Thực chất đấy là liên khúc miên man dường như không sắp xếp những buồn đau, uất giận, tiếc nuối, tan vỡ và bế tắc của kẻ thèm được sống là chính mình và tinh thần đẹp, cao trọng của con người. Cách viết như thế sẽ bung ra nhiều câu, nhiều tình thơ, cảnh thơ, kịch thơ kỳ lạ, ma quái, miên man gợi cảm.
“... Một bài thơ bị ruồng bỏ/ thao thiết mùa đi lá rụng mặt người/ hoàng hôn cười phủ phục dưới chân...”
“... Ta mang mùa của em/ dạo chơi đêm biển/ mùa nỉ non da thịt tưng bừng/ mùa đánh thức cơn động tình mất nết/ mùa hoang vu ta biệt xứ bên trời...”.
Trong miên man con chữ ta thấy những miền quê yên ả và lộng lẫy tình yêu, ta cũng thấy nhan nhản những cái ác, cái xấu xô đẩy hàng ngày và xâm lấn cả vào trong giấc ngủ; những day dứt, trói buộc, bế tắc không giải thoát được, chữ còn đặt ra câu hỏi và tự trả lời, tự nhắm mắt mà tìm trong ảo mộng.
“... cái bóng của ta/ là dấu chấm hỏi/ trong hoang tàn niềm tin/ trong hoang vu cầu vồng đứt gãy...”.
Cảm thấy như tác giả có sự đổ vỡ trong đời sống, thất vọng về tình yêu; lấy cái nỗi đời riêng của mình mà chửi rủa, khóc than, vin vào cái hiện hữu cuộc đời mà an ủi, bào chữa cho mình bớt đi nỗi xa xót. Những bài thơ như thế nếu tách ra từng câu, từng đoạn để đánh giá đúng sai thì thật oan uổng.
Đọc xong bài thơ dài một hơi, ta trầm hẳn xuống như đi miên man ngang dọc đường đời, ngẫm thấy thương yêu bao trùm trang giấy. Bài thơ đến đoạn kết bật dậy một câu hỏi làm sáng bừng niềm tin trước mọi khúc mắc:
“Ta có phải phấn hương đến từ đời yêu mến
cứu vớt những con chữ vô hồn trước thực tại buồn đau...”
Từ tâm thế ấy, Phạm Khang tạo nên nhiều bài thơ thực sự có sức vóc, mê hoặc, tỏ rõ trách nhiệm trước ngòi bút của mình:
“Ta gọi khản cổ mà những con chữ vẫn im thin thít
ta cầu cứu ngọn đèn
nhưng ngọn đèn vẫn không thể sáng thêm hơn
mùa đông gào thét
ta và bóng chữ gầy mê hoặc lấy lòng nhau...”
(Ta và bóng chữ)
“Rượu rồi khóc cạn đáy
những nắm xương khô không tàn
neo đậu những mảnh hồn trong như cỏ
bất tử dưới chân ta hơn mọi lời răn
ta đi mãi để trở về với cỏ
với đá ngàn năm hóa nước gọi nguồn...!”.
(Đầu năm với sư thầy)
Tp Thanh Hóa, tháng 5 năm 2020
V.Đ